Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Nguyễn Thị Thanh Long còn nợ Nửa vòng tay…

Sau tập Một milimét ấn hành năm 2011, đã thấy Nửa vòng tay vượt lên bằng nỗ lực sáng tạo đáng quý. Một Nguyễn Thị Thanh Long vượt qua cái bình thường đến với thi ca như một nét duyên…
Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long

Đọc Nửa vòng tay (NXB Hội Nhà Văn) của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long ta đã bắt gặp bài thơ Biển chiều ở trang bìa, hình như Thanh Long xếp bài thơ này xuất hiện đầu tiên thay lời tựa cho cả tập thơ như có dụng ý. Sau đó gặp ngay một Nửa vòng tay là tựa đề của tập thơ đã gợi mở cho ta thấy một thân phận, lương duyên, tình yêu, đất nước với bút lực dồi dào cùng cái duyên của tấm lòng thơ uyên nguyên vị tha:

Biển chiều nay xin đừng lặng thế
Hãy thét gào như buồm đã buông trôi
Thuyền nhổ neo còn nguyên bến đỗ
Nụ hôn òa
               chết đuối
                             giữa bờ môi

(Biển chiều)

Chỉ bốn câu thơ thôi chị đã gói trọn và điểm xuyết thân phận một cuộc tình của mình, hay của ai đó đi qua một quãng đời với nỗi niềm xót xa: Thuyền nhổ neo/ còn nguyên bến đỗ/ Nụ hôn òa/ chết đuối/ giữa bờ môi. Bài thơ chỉ bốn câu thôi mà người viết đã mã hóa hình tượng ngôn ngữ với một sắc thái riêng. Cũng là chia li, là nỗi đau nhưng nhà thơ không cho nỗi đau đó chết tức tửi mà cho cuộc tình ấy chết đuối ở bờ môiCái chết đuối ở nơi nông cạn nhất, đẹp đẽ nhất. Nhưng điều tan vỡ không phải lúc nào cũng bi ai mà được nhà thơ tìm thấy nụ hôn chết ở nơi thánh thiện lãng mạn.

Với bài thơ Nửa vòng tay, đây là lời tâm tình của người con Đất Tổ, đã gửi trọn tâm tư của mình với tất cả tình yêu thương trong từng con chữ, thi ảnh để người đọc cảm nhận được sự huyền ảo, lung linh:

Sợ tiễn anh rồi em khóc đấy
Trung du còn nợ nửa vòng tay
Phù sa sông Hồng ta lớn dậy
Hương bưởi Đoan Hùng mái tóc bay

(Nửa vòng tay)

Quê hương nơi được sinh ra, lớn lên, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, chắp cánh ước mơ. Nơi thời con gái gội đầu bông bưởi. Nơi chia tay tưổi thơ trong trẻo sao mà chất chứa yêu thương đẹp đẽ đến thế… em khóc đấy/… nợ nửa vòng tay. Từ đây Thanh Long minh họa miền quê của mình, tình yêu của mình:

Để hoa mua tím triền vụng dại
Đồi chè bát úp ngọt môi say
Bắc cầu dải yếm thời con gái
Ai nỡ buộc hờ lạnh heo may

(Nửa vòng tay)

Đọc khổ thơ này ta thấy câu chữ được ẩn dụ mơ mộng, thi ảnh đẹp như tranh, khiến người đọc dễ liên tưởng đến ý nghĩ xa xôi.Ở triền vụng dại mà đồi chè chỉ như đôi bát úp ngược mà lại ngọt môi say /bắc cầu dải yếm/ ai nỡ buộc hờ/ lạnh heo may  thì quả là không còn gì bằng.Thử hỏi trên cõi đời này còn nơi nào, lúc nào thi vị hơn,thanh tao hơn chút lãng mạn ấy. Thanh Long tả thực nhưng ngôn ngữ được hình tượng hóa. Triền vụng dại/ bát úp /môi say/cầu dải yếm/ buộc hờ… là ta dã thấy sự ẩn hiện của ngôn từ mà Thanh Long đưa ta về với bao kỉ niệm đẹp đẽ ở vườn tình yêu nơi ấy lý trí của tâm hồn và lửa tình cứ cháy lên giữa khát khao trong con tim của lứa đôi.

Lạc vầng trăng ướt hôm mười sáu
Ngậm ngừng rừng cọ gối đêm thâu
Hong lời hen ước xanh màu lá
Mây cuối trời kia đã nát nhàu

Rừng cọ gối đêm thâu/mây nát nhàu. Phải chăng đó là cuộc chia li định mệnh của một mối tình đầu. thơ dại của bao thế hệ con gái, con trai làng quê Việt trước lúc đi xa? Bài thơ càng đọc càng gợi lại nỗi niềm riêng tư như có thân phận mình trong đó, cái thời trong veo, đẹp đẽ ấy mà bây giờ ít quá , khó gặp…

Nhà thơ Thanh Long viết về tình yêu, duyên nợ, thân phận gắn với quê hương, đất nước của nỗi lòng người xa xứ. Tập thơ Nửa vòng tay là tập hợp sự đa đoan, phức hợp của tình cảm, những liên hệ suy tư trên nẻo hành trình đan mê sáng tạo, khao khát vươn tới cái đẹp qua nhiều trải nghiệm. Câu chữ thường nhật ấy, đam mê ấy trên quãng hành trình đã hóa thành những câu thơ làm xốn xang tình cảm và rung động con tim người đọc:

Lại một lần không về trẩy hội
Hoa gạo ngập ngừng nhuộm đỏ tháng ba
Nguyên vẹn trong em màu sim tím quê nhà
Khánh Ngọc xưa thẹn tùng bối rối

(Hẹn mùa sau)

Người đi xa chưa trở về với lễ hội Đền Hùng có nhiều lí do, Thanh Long đã nói hộ mọi người và chính lòng mình, hẹn lại lần sau. Ở đây chốn linh thiêng khơi gợi tâm hồn để tác giả tạo nên tiếng tiếng tơ lòng níu kéo thời gian, hồn cốt quê hương: nhuộm đỏ tháng ba/ sim tím quê nhà. Và:

Em không về mưa rửa đền đừng vội
Bậc đá nào còn in dấu chân em
Gốc thiên tuế thêm một vòng chờ đợi
Rừng thông già no gió có buồn reo.
Tập thơ Nửa vòng tay của  Nguyễn Thị Thanh Long

Thanh Long thổi hồn vào câu chữ cho nên từ ngữ lắng đọng, dư vị ngọt ngào, biết chắt chiu ngôn ngữ bằng cái tình, cái nghĩa trong thơ. Ở trong thập niên đầu của thế kỉ này, có một số người viết tự cho mình là đổi mới câu chữ, họ nhân danh cái mới để lạ hóa thơ đến mức phản thơ, làm cho người đọc không hiểu tác giả viết cái gì. Họ cầu kì đến thô thiển ở chọn câu, chọn chữ. Đã có nhiều ý kiến phê bình cho rằng đó không phải là thơ. Thanh Long không làm thơ kiểu ấy mà vẫn mới, vẫn nguyên giá trị nhân văn, vẫn trong sáng mà gần gũi:

Có lần đêm tâm sự
đêm bị lạm dụng
thiên vị ngày
mười hai tiếng nâng niu

đêm buồn bị giam trong bốn xó nhà
đèn sáng trưng từ đầu hôm tới canh ba
bản ngã người đàn bà… đã thắng
trải lòng với đêm chân thực

bằng những ngôn từ dịu dàng
đôi khi hằn học
có vị mằn mặn và chát đắng cuộc đời
đêm giận hờn từ ấy bỏ tôi đi

(Đàn bà đêm)

Với lối viết dung dị, chất chứa bao hình ảnh, thơ Thanh Long sẽ ở lại với người đọc qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của cuộc sống. Hãy ghé thăm Chợ làng của Thanh Long để chiêm ngưỡng bức tranh tromg tình quê đẹp đẽ và chân chất đến mức độ nào:

Bà tôi đi chợ đầu làng
Mấy gian lều cũ vít hàng tre cong
Chợ làng họp buổi hừng đông
Mớ rau con cá bán trong tiếng chào
 Cháu đi xa chợ làng mình 
 Nhớ bà nhớ cả mái đình làng xưa
Bà về tròn bóng nắng trưa
Hàng cau nhún nhảy đong đưa dáng bà

(Chợ làng)

Có thể khẳng định rằng tâp thơ Nửa vòng tay của nhà thơ Thanh Long là cả một tấm lòng diệu vợi, là tâm tình của nỗi nhớ, là những lời tự sự trong quãng đời đi qua. Nửa vòng tay là những bức tranh đất nước, quê hương đẹp đẽ và sinh động. Thơ Thanh Long để lai ấn tượng sâu sắc như tiếng hát đẹp của một giọng nữ cao vượt lên trên bè trầm. Thanh Long khắt khe với câu chữ, đầy ắp tâm tư tình cảm. Xin trích hai khổ thơ của hai bài thơ mà Thanh Long viết về hôm qua và bây giờ:

Về Mã Đà
người ơi xin nhón bước
nhè nhẹ gót giầy bụm đất bùn loang
các chị các anh nằm ở nơi đâu
gọi nghĩa trang mộ không còn một nấm

(Mã Đà huyền thoại)

Và:

ngọn sóng nào cao hơn sóng nhớ
bát cơm thơm cõng bão tố Trừơng Sa
mùa vẫn chín trái bàng vuông thẫm đỏ
trong tim em con sóng ấp òa

(Trường Sa mùa vẫn chín)

Sau tập Một milimét ấn hành năm 2011, đã thấy Nửa vòng tay vượt lên bằng nỗ lực sáng tạo đáng quý. Một Thanh Long vượt qua cái bình thường đến với thi ca như một nét duyên. Chắc rằng khi Nửa vòng tay đến với bạn đọc ta sẽ bắt gặp nhà thơ Thanh Long ở độ chín giữa đỉnh điểm của thi ca trong nửa vòng tay duyên nợ.

Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 9.2013
NGUYỄN VŨ QUỲNH


_____________

Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long sinh ngày 25 tháng 12 năm 1959. Quê quán ở làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, từng là giáo viên. Hiện sống và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh.

Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2013.

Tác phẩm đã xuất bản:

Một milimet  (thơ), NXB Văn Học 2011.
Nửa vòng tay (thơ), NXB Hội Nhà văn 2013.
Những ký âm ngân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2017.


Theo NVTPHCM



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...