Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Nhà thơ Minh Đan: xé toang gấm lụa lùm xùm lưa thưa

Gần đây, do hay vào Sài Gòn công tác, tôi mới có nhiều cơ hội đọc thơ của đồng nghiệp ở thành phố. Đọc vậy, nên trong tôi thầm xác tín một niềm tin về thơ ta. Đó là sự chuyển động lặng lẽ nhưng rất mạnh mẽ của dòng chảy thơ theo thời gian vô cùng, vô tận. “Phút 89” của nhà báo - nhà thơ Minh Đan là một minh chứng đầy thuyết phục.
Nhà thơ Minh Đan

Trước khi bước vào trận đấu “Phút 89”, Minh Đan đã có một trận đấu - tập thơ “Ngày không bọt” khá đẹp. ở “Ngày không bọt”, người đọc đã nhận ra khả năng “dẫn bóng” và “làm bàn” của Minh Đan theo một lối riêng ngoạn mục.

Cũng là lối “dẫn bóng” truyền thống theo nhịp lục bát, nhưng lục bát của Minh Đan đã hoàn toàn phá vỡ phép tiểu đối cổ điển. Những gãy nhịp bất ngờ khiến cho người đọc bị dẫn dụ vào mê lộ mà quên đi những luật lẽ cũ xưa: thẫn thờ/ lườm/ nguýt/ vũng lầy/ cô đơn/ thậm thụt/ khuyết vay/ lưới tình (Ngày lạ). Gãy nhịp như không cố ý, bởi thế, sức “rê, dắt” trái bóng “đương đại” biểu hiện một cách lạ thường: cay cay khóe mắt/ nhọn đinh/ như vừa ghim ở tim mình/ chiêm bao (Động).

Có cảm giác trước khi nhập cuộc, Minh Đan đã kỳ công học nhuyễn những “ngón độc thủ” của đường thi, kết hợp cùng những “công lực” của ca dao ta, để hóa thân vào những gai góc đời mới hôm nay: thất ngôn, lục bát chia phe/ tự do đương đại lè nhè mấy câu (Thay tựa). Do đó, Minh Đan đã chủ động đưa trận đấu tới “Phút 89” mang đến nhiều hấp dẫn.
Tập thơ “Phút 89” của Minh Đan

Người đọc thật khó lường đây là trận đấu giữa chàng Adam và nàng Eva muôn thuở, hay là trận đấu giữa thường dân với quyền lực hôm nay, là do cường độ của thi lực lúc căng, lúc chùng. Hoặc do những ngoặt bóng đột ngột giữa thơ tình và thơ thế sự. Phải xem kỹ càng, theo dõi cẩn trọng thì mới nhận ra những đường bóng lấp lửng chuyền đưa trong tình ái “tháo nỗi nhớ chảy vào đêm”, khác với những đường bóng thẳng, không sợ xô xát, không né va chạm trong thế sự, qua những “Đi qua cơn đói”, “Điều kỳ lạ”, “Nằm mơ thấy bao chửng khóc”, “Gã hàng xóm xấu tính”, “Ma làng”,… Nhưng dù thế nào, đây vẫn là “Phút 89” của một trận đấu đẹp.

Từ một bé gái khai sinh trong một dòng tộc nổi tiếng bên tháp Dương Long kỳ vĩ của miền Tây Sơn kiêu hùng thuộc xứ sở “đất võ, trời văn” Bình Định, vào thời điểm 1979 nhạy cảm của tổ quốc, cô thiếu nữ Minh Đan đã nhập cư Sài Gòn và chầm chậm tích điện trong mình, để mãi tới tuổi hôm nay mới tự tin bước vào “Phút 89” của trận đấu riêng mình.

Qua “Phút 89” chắc trận đấu sẽ khép lại bởi vài phút bù giờ và giải lao với tỷ số hòa sau hai hiệp đấu: về quê cởi trói gông cùm/ xé toang gấm lụa lùm xùm lưa thưa (Bình yên). Nhưng đây là trận đấu loại trực tiếp. Tôi tin Minh Đan sẽ thắng ở hai hiệp phụ và nếu có phải phân thắng bại bằng các loạt đá luân lưu, Minh Đan cũng sẽ thắng.

Mừng cho lịch sử thơ ca, nhất là thơ ca “phái đẹp” sau những Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Đinh Thị Như Thúy,… lại xuất hiện thêm một Minh Đan đàng hoàng “ngước lên cao” với “những khát khao không thể đặt vòng”.

Hà Nội, 2013
NGUYỄN THỤY KHA

Theo LLĐV

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...