Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

NHÀ VĂN NGUYỄN MINH NGỌC - tiểu sử văn học

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc còn có các bút danh Lan Chi, Đức Nguyện. Ông sinh ngày 30 tháng 8 năm 1957, quê quán làng Quang Dụ, xã Đức Quang, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tháng 4 năm 1975, đang học phổ thông thì nhập ngũ. Cuối năm 1975, về Quân chủng Phòng không - Không quân. Học đào tạo sĩ quan chính trị tại Trường Sĩ quan Không quân (1980-1983), từng là Trưởng ban Tuyên huấn Nhà trường. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế (1987-1991).

Từ năm 1997, ông chuyển sang làm biên tập văn xuôi Tạp chí Nha Trang thuộc Hội VHNT Khánh Hoà. Cuối năm 2004, Bộ Quốc phòng điều động về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, phụ trách Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Biên tập viên NXB QĐND và Tạp chí Văn hóa Quân sự. Quân hàm Đại tá.

Hiện ông thường trú tại: 2/26 Quốc lộ 13, Khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc là Phó ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khoá IX, Phó ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh khoá VII (2015-2020).

Tác phẩm đã xuất bản:

Cành mận trắng (tập truyện, Nxb Thanh Niên, 1997);
Một thời và mãi mãi (tập ký, Nxb Hội Nhà văn, 2001);
Một cõi ấu thơ (truyện dài, Nxb Kim Đồng, 2002);
Bay đêm (tập truyện, Nxb QĐND, 2002);
Đất thiêng (truyện dài 2 tập, Nxb Trẻ, 2003);
Chị Ngần (tập truyện, Nxb Kim Đồng, 2004);
Trong nắng gió Trường Sa (tập ký, Nxb QĐND, 2006);
Người đàn bà trước biển (tập truyện, Nxb QĐND, 2007);
Cao hơn bầu trời (Kịch bản phim truyện, 50 tập, Hãng Phim Giải phóng, 2012);
Đất lành (tập truyện, Nxb QĐND, 2014); 
Một thoáng đất và người (tập ký, Nxb QĐND, 2014)

Giải thưởng văn học:

- Giải Nhì truyện ngắn Cây bút vàng (1996-1998) của Hội Nhà văn VN và Bộ Công an.
- Giải Nhất cuộc thi ký Khánh Hoà xưa và nay của Hội VHNT Khánh Hoà.

Quan niệm văn học:

Tôi được sinh ra ở một cái làng nhỏ bên bờ sông Lam hiền hòa mà dữ dội. Tuổi thơ tôi lấm láp phù sa, chen lẫn trong đó là bom đạn mù trời của giặc Mỹ. Giờ đây, ba phần tư cái làng quê ấy đã vĩnh viễn chìm lỉm dưới đáy dòng Lam biêng biếc xanh. Nỗi đau và niềm tiếc nuối ấy đã thôi thúc tôi cầm bút với ước muốn tái hiện và lưu giữ lại cho các con tôi chút hình bóng của quê cha đất tổ. Ám ảnh trong các trang viết của tôi bao giờ cũng là hình ảnh người lính với tất cả chiều kích của họ, và những người phụ nữ phải gánh chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến tranh. Chắc chắn tôi sẽ còn viết mãi về họ với tất cả tình yêu và lòng kính trọng

Theo NVTPHCM

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc và Phan Hoàng ở Gia Lai 2016



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...