Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Thơ Nguyễn Bính - một “từ khóa” của tâm hồn Việt


Đã có quá nhiều và sẽ còn quá nhiều công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính ở mọi khía cạnh. Nhưng với tôi, một trong những điều làm cho thơ Nguyễn Bính còn sống mãi về sau là thơ ông chính là con đường để những người Việt trở về với cố hương mình…
Nhà thơ Nguyễn Bính

Có một sự thật và đó cũng coi như là một bí mật nhỏ của cá nhân tôi mà hôm nay, tại đây, lần đầu tiên tôi công khai sự thật ấy, bí mật ấy. Đó là khi tôi đang ở giai đoạn sáng tác với một tinh thần tự do tưởng không có gì cản được từ sau khi tập thơ Sự mất ngủ của lửa của tôi ra đời năm 1992. Trong khi có không ít người phê phán, cảnh báo và đe dọa tôi rằng: với những bài thơ phi truyền thống như vậy, tôi sẽ lạc ra khỏi thế giới thơ của dân tộc, thì không ai biết được rằng cứ mỗi lần trở về làng Chùa của tôi, một làng quê nằm ven sông Đáy, những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính mà tôi đã đọc trong những năm tuổi trẻ của mình lại vang lên như một ngọn gió thổi không ngưng nghỉ qua vùng quê ấy. Nhiều lần tôi tự hỏi với một sự ngạc nhiên về chính mình và cả chút ngờ vực là: tại sao những câu thơ của Nguyễn Bính lại cứ vang lên và không rời bỏ tôi trong lúc tôi đang sống trong một thời đại khác biệt với thời đại Nguyễn Bính sống và tôi đang đi trên một con đường khác của sáng tạo thơ ca. Ngay cả khi tôi đang dịch những bài thơ tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha của những nhà thơ lớn thế giới thì trong chính thời khắc ấy những câu thơ Nguyễn Bính vẫn trở về và ngân vang trong tâm hồn tôi. Và tôi hiểu rằng đó là quyền lực của Nguyễn Bính cho dù tôi không hiểu hết những gì làm nên quyền lực đó.

Cách đây một tuần, trên con đê dẫn về làng Chùa của mình, khi đang ngồi trên một chiếc xe hơi hiện đại bỗng những câu thơ của Nguyễn Bính vang lên như có một ai đó đang đi vô hình bên tôi và cất tiếng đọc: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. Mưa xuân đang bay và hoa xoan đang nở tím ở cái thời tôi đang sống - cái thời của iphone, của facbook, của đồ ăn nhanh... và những tiện nghi sống hiện đại mà thời của Nguyễn Bính cũng khó hình dung ra được. Lúc đó tôi tự hỏi: Thiên nhiên, đời sống kia chứa sẵn trong đó thơ Nguyễn Bính hay thơ Nguyễn Bính chính là một phần không thể tách rời của thiên nhiên và đời sống ấy. Câu hỏi thực ra đã là câu trả lời. Con trai tôi, một chàng trai 8X, sinh ra ở thành phố, học công nghệ nhiều năm ở Mỹ và hiện đang làm việc cho một công ty tin học nước ngoài. Có lúc tôi nghĩ: với môi trường sống, học tập và làm việc như thế, con trai tôi sẽ có một cảm xúc khác tôi bởi thực tế chàng trai ấy có một cách sống khác tôi. Nhưng rồi một ngày, tôi biết được một bí mật làm tôi thực sự ngạc nhiên và xúc động. Bí mật ấy là trong những lúc trái tim con trai tôi run rẩy vì yêu thì thơ Nguyễn Bính đã vang lên trong tâm hồn chàng trai ấy.

Điều gì đã xẩy ra trong tâm hồn hai cha con tôi trong mối liên quan đến thơ Nguyễn Bính? Nhưng không chỉ là hai cha con tôi mà đối với rất nhiều người Việt Nam ở các thế hệ khác nhau. Những gì đã diễn ra trong tâm hồn hai cha con tôi cũng đã và đang diễn ra trong tâm hồn nhiều người Việt Nam. Đã có quá nhiều và sẽ còn quá nhiều công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính ở mọi khía cạnh. Nhưng với tôi, một trong những điều làm cho thơ Nguyễn Bính còn sống mãi về sau là thơ ông chính là con đường để những người Việt trở về với cố hương mình. Cuộc trở về cố hương hay nói chính xác hơn là trở về cội nguồn của hồn dân tộc trong tâm tưởng của người Việt hiện đại đang trỗi dậy sau vài thập kỷ đầu của cơn bão đô thị hóa, trỗi dậy khi mà con người bắt đầu nhận thấy rằng quá nhiều những giá trị trong đời sống hiện đại chỉ là những giá trị tạm thời, hoang mang và đầy bất trắc. Trở về với cố hương - cội nguồn của hồn dân tộc - là trở về với những gì giản dị, thương yêu, trong sáng, ấm áp và an toàn nhất, là trở về với những vẻ đẹp thuần Việt đã làm lên đời sống văn hóa Việt.

Nhưng không chỉ là mưa xuân và hoa xoan làm tôi nhớ đến thơ Nguyễn Bính mà là thiên nhiên Việt, đời sống văn hóa Việt đã làm thơ Nguyễn Bính vẫn tươi ròng trong đời sống tinh thần của người Việt. Chất liệu trong thơ Nguyễn Bính là những gì đã quen thuộc ngàn đời với người Việt Nam. Đó là con đê, dòng sông, cánh đồng, hội làng, sân đình, chùa chiền, bờ dậu...cho đến lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán của con người rồi đến cách nghĩ, cách cảm, cách bày tỏ... Bởi thế mà khi ta chạm vào những chất liệu đời sống kia thì những câu thơ Nguyễn Bính lại vang lên tự nhiên như những câu thơ đã có sẵn trong đó, như hương thơm ở sẵn trong hoa, như vị ngọt ở sẵn trong quả.

Khi còn nhỏ, thi thoảng nghe mẹ tôi, một bà giáo làng ngâm những câu thơ của Nguyễn Bính như Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn hay Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê… Cũng như tôi đã từng nghe đâu đó trong các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước lấy những câu thơ Nguyễn Bính để thay cho sự biểu lộ những câu chuyện, những tình cảm, tâm trạng và cả nỗi buồn của mình cho dù không ít người biết được đó là thơ của một thi sỹ hiện đại Việt Nam. Lúc đầu, tôi nghĩ mẹ tôi ngâm những câu ca dao dân ca. Chỉ sau này học cao lên tôi mới biết đó là thơ Nguyễn Bính. Và đây chính là một yếu tố vô cùng quan trọng làm nên sức sống bền vững và lan tỏa của thơ ông. Yếu tố đó chính là khả năng dân gian hóa những câu thơ của mình. Hay nói cách khác là nhiều câu thơ của Nguyễn Bính đã trở thành dân gian bởi chính vẻ đẹp thuần Việt và sự hòa đồng tự thân của những câu thơ với đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Theo cách nhìn cá nhân mình, tôi cho rằng điều lớn nhất của thơ Nguyễn Bính là tính dân gian hóa. Nghĩa là những câu thơ ấy đi vào đời sống của con người tự nhiên và bền vững. Nghĩa là những câu thơ ấy như được viết cho con người ở nhiều thời khác nhau. Nghĩa là những cá nhân con người khác biệt vẫn tìm được những điều chung cho chính họ từ thơ Nguyễn Bính để bày tỏ tình yêu, sự nhớ thương, chia sẻ, nỗi buồn, cái đẹp. Và tôi khẳng định rằng: những câu thơ đó là những từ khóa của tâm hồn Việt. Điều này đã làm cho thơ Nguyễn Bính ở lại với con người trong đời sống thường nhật của họ chứ không chỉ ở trong những trang sách trong những thư viện hay viện nghiên cứu.

NGUYỄN QUANG THIỀU
Nguồn: Văn Nghệ


Đội ngũ viết văn trẻ TPHCM: tiềm năng và triển vọng

"Tôi vẫn luôn kỳ vọng vào tiềm năng sáng tạo của đội ngũ những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và những người viết văn trẻ cả nước nói chung khi mà trong tâm thức và tâm cảm của họ vẫn luôn chất chứa những nỗi đau về phận người và những trăn trở, ưu lo trước cái ác, cái xấu, cái bất công… vẫn còn hiện hữu trong cõi nhân gian này".

1. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành - Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trong một lần trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Trẻ số 9 (747) ra ngày 27.2.2011 đã khẳng định một cách tự tin rằng đã có “một sinh khí mới mẻ đang “thổi” vào Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh mà tôi tin nó ngày càng lớn mạnh”. Bởi theo anh “Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều cây bút trẻ có tài có tâm, nhiệt huyết sáng tạo và đã có nhiều tác phẩm đóng góp xứng đáng vào nền văn học thành phố, nếu không muốn nói họ đang là lực lượng quan trọng làm thay đổi diện mạo văn học thành phố những năm gần đây”.  
     
Những điều nhà thơ Phan Hoàng khẳng định hoàn toàn có cơ sở và có lẽ còn khá khiêm tốn khi anh cho rằng văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới góp phần làm thay đổi đời sống văn học thành phố. Song theo tôi, những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh không những góp phần làm thay đổi đời sống văn học thành phố mà hơn thế, họ còn góp phần làm thay đổi diện mạo văn học đương đại của dân tộc. Bởi tác phẩm của họ không chỉ được lưu hành trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có mặt ở nhiều vùng, miền trong và ngoài nước, được bạn đọc đón nhận và dư luận quan tâm. Vì thế, tầm ảnh hưởng của họ không chỉ giới hạn trong phạm vi vùng, miền mà còn lan toả khắp đất nước và thậm chí cả ở nước ngoài.

2. Khi nghiên cứu một nền văn học hay một vùng văn học không thể không nói đến đội ngũ nhà văn, những người đã và đang làm nên diện mạo đời sống của vùng văn học đó. Thế nên, nhìn vào đời sống văn học Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua, ta thấy trong tiến trình phát triển  có vai trò rất lớn của nhiều thế hệ nhà văn, trong đó có các nhà văn trẻ. Và mỗi thời kỳ đều có những tác giả gây ấn tượng với người đọc cả nước. Đây chính là tiền đề, là bệ phóng để các nhà văn trẻ Thành phố bay cao, bay xa trong chân trời lao động sáng tạo. Thế hệ nhà văn trẻ hôm nay không thể không có sự “tiếp lửa” từ các thế hệ nhà văn lớp trước. Sự “tiếp lửa” ấy là một giá trị góp phần tạo nên tiềm năng và triển vọng trong hành trình sáng tạo của lực lượng viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh mà thực tiễn sáng tác của họ trong những năm qua đã khẳng định điều đó.

Quả thật, nhìn vào đời sống văn học của đất nước trong những năm gần đây, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước sức sáng tạo dồi dào, đa dạng và phong phú của những người viết trẻ trong nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Họ tung tẩy và tạo những điểm nhấn ở nhiều thể loại văn học, nhiều sự kiện văn học với những tìm tòi, những thử nghiệm, những sáng tạo, những cách tân, có cả thành công lẫn thất bại… Chính điều này đã làm cho diện mạo văn học dân tộc thêm khởi sắc và trong một chừng mực nào đó đã tạo nên sức sống cho nền văn học, tuy chưa thật mạnh mẽ như mong muốn của người đọc nhưng không phải là không có những thành tựu đáng trân trọng.

Trong lĩnh vực thơ ca, có thể thấy sự tiếp nối sáng tạo của nhiều thế hệ nhà thơ trẻ như Phan Hoàng với Tượng tình, Hộp đen báo bão và gần đây gây chú ý khi công bố từng phần Bước gió truyền kỳ; Ly Hoàng Ly với Cỏ trắng, Lô lô, Quà; Nguyễn Hữu Hồng Minh với Giọng nói mơ hồ, Chất trụ và những bài thơ khácVỉa từ; Lê Thiếu Nhơn với Bài ca phía mặt trời, Dốc gió, Phố tình riêng, Trong bóng người xưa, Bản tường trình giấc mơ đi vắng; Phan Trung Thành với Vọng sông quê, Mang, Đồng hồ một kim, Những ngày vắng em; Ngô Liêm Khoan với Trở mình trong máng xối; Trần Lê Sơn Ý với Cơn ngạt thở tình cờ; Trương Gia Hoà với Sóng sánh mẹ và anh; Ngô Thị Hạnh với Vang vọng, Hòn bi vỡ, Rơi ngược, Nắng từ những ngón chân; Song Phạm với Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ; Đinh Thu Hiền với tập thơ đầu tay Hiền là Hiền; Đồng Chuông Tử với Thèm ăn, Mùi thơm của im lặng… Và nhiều nhà thơ trẻ khác như: Bùi Thanh Tuấn, Thục Linh, Trần Đình Thọ, Lê Văn Tiến, Nguyễn Phong Việt, Lê Thuỳ Vân, Trần Hoàng Nhân, Ngọc Anh, Đỗ Thanh Vân, Tuệ Nguyên, Song May, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Chiêu Anh Nguyễn, Hoa Nip, Lê Văn Lâm, Trần Mai Hường, Phùng Hiệu, Trần Huy Minh Phương, Hoàng Thanh Tâm… Riêng nhóm Ngựa Trời gồm các nhà thơ nữ 8x Sài Gòn: Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Khương Hà, Phương Lan, Lynh Bacardi với tập thơ in chung Dự báo phi thời tiết khi vừa ra đời đã khuấy động dư luận. Họ cũng lần lượt tìm cách khẳng định mình bằng những tập thơ riêng: Nguyệt Phạm với Mắt giấy, Khương Hà với Kim tuyến đỏ

Những thế hệ nhà thơ trẻ này thực sự là lực lượng nòng cốt của thơ ca Thành phố và của cả nước trong những năm gần đây. Nhiều người trong số họ đã đoạt được những giải thưởng về thơ như: Phan Hoàng với giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho Bước gió truyền kỳ; Nguyễn Hữu Hồng Minh với giải thơ Bút mới Báo Tuổi trẻ những năm đầu tiên, giải thưởng thơ Tạp chí Sông Hương, hay tập thơGiọng nói mơ hồ của anh đã vào chung khảo giải thưởng thơ năm 2000 của Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam; Trần Lê Sơn Ý với tập thơ Cơn ngạt thở tình cờ đã nhận được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 và cũng là một trong hai tập thơ của tác giả nữ đầu tiên được giải thưởng Lá Trầu; Lê Thiếu Nhơn với hai lần được Tặng thưởng về thơ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh với tập thơ Trong bóng người xưa năm 2007 và Bản tường trình giấc mơ đi vắngnăm 2010; Đồng Chuông Tử với tập thơMùi thơm của im lặng được vào chung khảo giải thơ Bách Việt… Chính điều này đã cho thấy tiềm năng và triển vọng của lực lượng các nhà thơ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh trên con đường dấn thân vào một thể loại văn học khá huyền diệu nhưng cũng vô cùng đỏng đảnh - đó là thể loại thơ. Bởi nói như Charles Henri Ford “Thơ cũng huyền diệu như trời”.

Cùng với thơ, ở thể loại văn xuôi cũng cho thấy tiềm năng và triển vọng khá đa dạng của lực lượng viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Văn xuôi của những người viết trẻ Thành phố trong những năm qua cũng góp phần rất lớn trong đời sống văn học Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều cây bút trẻ trước đây đã từng có những tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong sự tiếp nhận của bạn đọc cả nước như: Lại Văn Long, Phan Triều Hải, Phan Hoàng, Phan Thị Vàng Anh, Khánh Chi, Trầm Hương… Tuy đến nay không còn trẻ nhưng họ là cầu nối quan trọng cho thế hệ 5x, 6x với 7x, 8x, 9x sau này của văn học Thành phố. Cũng thuộc thế hệ 6x gắn liền với văn học trẻ phải kể đến Nguyễn Thu Trân, từ khi rời Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những tác phẩm viết cho thiếu nhi, chị còn khẳng định mình với tập truyện Bốn người nhẹ như chiếc lá và tiểu thuyết Hồ thiêng. Tiếp đến là các nhà văn thế hệ 7x, 8x, 9x, đội ngũ rất hùng hậu như: Tiến Đạt với các tập truyện ngắn Có con chim lạ trong thành phố, Tội lỗi tự nhiên, tiểu thuyếtThể xác lưu lạc; Trần Nhã Thuỵ với các tập truyện ngắn, tạp văn: Lặng lẽ rừng mai, Những bước chậm của thời gian, Chàng trẻ măng ở thành phố treo đầuGối đầu trên mây, Cuộc đời vui quá không buồn được, truyện dàiThị trấn có tháp đồng hồ, và tiểu thuyếtSự trở lại của vết xước; Nguyễn Thị Châu Giang với các tập truyện ngắn: Đám cưới sao, Biển trên núi, Đèn lồng trên cao, Chợ tình, Cuộc chơi, Trở về tình yêu, truyện dài: Không ngủ, Mùa hè thơ ấu, Tóc ngắn, Đêm dịu dàng...; Nguyễn Thu Phương với nhiều tập truyện ngắn như Cây lẻ bạn, Ngồi tựa mạn thuyền, Luân sinh, Phiêu linh trắng…; Nguyễn Ngọc Thuần với các tập truyện Vừa nhắm vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Giăng giăng tơ nhện, Nhện ảo, Trên đồi cao chăn bầy Thiên sứ, Cha và con và…tàu bay;Nguyễn Danh Lam với các tiểu thuyết Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc, tập truyện ngắn Mưa tháng mười một…; Phan Hồn Nhiên với các truyện dài Công ty, Mắt bão, Chiếc vòng đồng đen, các tập truyện ngắn: Dốc mưa, Đôi giày vuông, Cánh trái…; Vũ Đình Giang với tiểu thuyết Song song và các tập truyện ngắn: Trên đất lạ, Mười sáu mét vuông, Vũ trụ câm, Bờ xám, Kẻ lạ nhìn tôi từ phía sau; Dương Thụy với các tiểu thuyết Oxford thương yêu, Cáo già- gái già và tiểu thuyết diễm tình, Nhắm mắt thấy Paris cùng nhiều tập truyện ngắn, bút ký; Trương Anh Quốc với tiểu thuyết Biển vàhai tập truyện ngắn: Sóng biển rì rào, Lũ đầu mùa. Và hàng loạt cây bút trẻ khác lần lượt xuất hiện và tìm cách khẳng định mình trên văn đàn như: Hải Miên, Trần Văn Thưởng, Đoàn Tú Anh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phương Trinh, Đoàn Phương Huyền, Nguyễn Thiên Ngân, Huỳnh Mẫn Chi, La Thị Ánh Hường, Võ Thu Hương, Bích Khoa, Thiên Di, Hà Thanh Phúc, Hoàng My, Nguyễn Thị Hải… trong đó có nhiều cây bút hiện đang là sinh viên như: Yến Linh, Trần Minh Hợp, Lưu Quang Minh, Ngô Thuý Nga, Nguyễn Thị Vân, Lê Miên Ca, Nguyễn Đặng Tường Vy…

Có thể nói, ở lĩnh vực văn xuôi các nhà văn trẻ đã xông pha và khám phá ở nhiều thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn, truyện dài, truyện cho thiếu nhi… Và ở thể loại nào họ cũng có những tìm tòi, thể nghiệm, những khát khao đổi mới bút pháp mà đặc biệt là sự vượt lên chính mình trong quá trình sáng tạo để làm mới mình, phủ định mình, từ đó hình thành cho mình một phong cách riêng. Điều mà các thế hệ nhà văn trước kia chưa mấy chú trọng, bởi hạn chế từ điểm nhìn của một thời kỳ văn học mang tâm lý đám đông và ý thức đồng phục. Chính vì vậy, trong số họ đã có những nhà văn khá thành danh và nhận được những giải thưởng có uy tín trong đời sống văn học như: Nguyễn Thu Trân với giải nhì Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp Hội nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng tổ chức. Tiến Đạt với Thể xác lưu lạc là tác phẩm đầu tiên về tiểu thuyết được hội đồng thẩm định giải thưởng Bách Việt chọn vào chung khảo. Đây là một trong những tác phẩm tạo dư luận tốt trong bạn đọc về cách nhìn mới, cách nghĩ mới và sự đổi mới bút pháp của chính tác giả. Trần Nhã Thụy với tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước tái bản đến lần thứ 3, (một hiện tượng khá hot trong thời buổi văn hóa đọc đang có chiều hướng xuống cấp), đã lọt vào vòng chung khảo giải thưởng văn chương thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam và đây cũng là tác phẩm tạo dư luận tốt trong đời sống văn học, được trao Tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008. Nguyễn Ngọc Thuần là người rất có duyên với các giải thưởng văn chương. Kể từ khi tác phẩmGiăng giăng tơ nhện của anhđoạt giải thưởng Văn họctuổi 20 lần thứ 2, anh liên tục nhận được các giải thưởng như: giải Nhất cuộc thi Văn học thiếu nhi lần thứ 3 với tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (NXB Trẻ 2000), giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2003 với tác phẩm Nhện ảo (NXB Kim Đồng 2003), giải B (không có giải A) sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ do NXB Thanh niên và Báo Văn nghệ chủ trương với tác phẩmTrên đồi cao chăn bầy Thiên sứ. Nguyễn Danh Lam với giải thưởng Báo Văn nghệ cho truyện ngắn Đất.Phan Hồn Nhiên với Tặng thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2001 với tác phẩm Cánh trái; Trương Anh Quốc với tiểu thuyếtBiển đã đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 4 năm 2010 do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức. Trước đó, trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3 năm 2005, Anh cũng đoạt giải nhì với tập truyện ngắn Sóng biển rì rào… Và nhiều tác giả trẻ đoạt giải thưởng văn xuôi đáng chú ý khác như: Phương Trinh, Trần Thị Hồng Hạnh, Hải Miên, Bích Khoa, Võ Thu Hương, Nguyễn Thiên Ngân… Bên cạnh đó còn có những nhà văn đang còn là sinh viên ở các trường đại học nhưng đã kịp cho ra đời những tác phẩm đầu tay và cũng tạo được ấn tượng nơi người đọc. Điều đó đã minh chứng cho thấy tiềm năng và triển vọng của đội ngũ nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh là một thực thể đã được khẳng định từ trong thực tiễn lao động và niềm đam mê sáng tạo văn chương của họ.
Vâng, văn chương không chỉ là niềm đam mê mà là nghiệp chướng mà khi đã dấn thân vào thì rất khó vượt thoát. Thế nên việc các nhà văn trẻ Thành phố đã không ngừng sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm văn học trong thời gian qua cũng như sẽ tiếp tục xuất bản những tác phẩm mới trong thời gian đến không chỉ cho thấy tiềm năng và triển vọng của họ mà đó còn là hành trình giải nghiệp của kiếp văn chương. Bởi sự chọn lựa văn chương là sự chọn lựa của định mệnh. Song không phải vì văn chương là một định mệnh rồi ngồi đó trông chờ định mệnh sẽ mang đến cho ta tác phẩm mà định mệnh của văn chương là thứ định mệnh của sáng tạo, của lao động. Đó là định mệnh của sự dấn thân, tận hiến, tự đốt cháy mình để làm nên tác phẩm. Vì vậy, nói đến tiềm năng và triển vọng của đội ngũ những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nói đến tiềm năng lao động sáng tạo của mỗi nhà văn trong quá trình sáng tác. Bởi nếu nhà văn không tự khổ luyện mình trong lao động của nghề văn mà sớm thoả mãn khi có được những thành công bước đầu thì không thể tạo nên tiềm năng và không có tiềm năng thì cũng chẳng bao giờ có triển vọng.

3. Việc các nhà văn trẻ khẳng định chỗ đứng của mình trong làng văn những năm qua cũng đã cho thấy rõ tiềm năng và triển vọng của lực lượng viết văn trẻ thành phố là một chân trời đầy ánh sáng. Và chính họ chứ không ai khác phải là người chiếm lĩnh tương lai của văn đàn. Sự tồn sinh của văn học dân tộc chỉ có thể trở thành hiện thực bằng chính sự lao động sáng tạo của các nhà văn trẻ. Và đây là điều đã được minh chứng trong tiến trình lịch sử văn học. Nhìn vào văn học dân tộc những năm 1930 - 1945 của thế kỷ XX, ta thấy đã có biết bao nhà văn thành danh khi họ còn rất trẻ. Và chính họ đã làm thay đổi diện mạo của văn học nước nhà trong thời kỳ hiện đại mà ảnh hưởng của nó không phải đã phai mờ trong nền văn học dân tộc. Đó là Chế Lan Viên với tập thơ Điêu tàn ra đời khi ông 17 tuổi đã làm nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam ngỡ ngàng cho đó là một niềm “kinh dị”. Còn Bích Khê sáng tácTinh huyết năm ông 23 tuổi, được Hàn Mặc Tử đánh giá là một đóa hoa “thần dị” và cũng chính Hàn thi sĩ tôn vinh Bích Khê là “thi sĩ của thần linh”. Riêng Tế Hanh, năm 18 tuổi (1939) đã nhận được giải thưởng Tự lực Văn đoàn với tập thơ Nghẹn ngào và được Nhất Linh khẳng định là “có rất nhiều hứa hẹn để trở thành một thi sĩ có tài”. Xuân Diệu viết Thơ thơ từ năm 21 tuổi mà theo Hoài Thanh: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạc chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.”. Rồi Vũ Hoàng Chương xuất bản thơ Say năm 24 tuổi, Huy Cận viết Lửa Thiêngnăm 21 tuổi… Rõ ràng, chính các nhà thơ này bằng lao động sáng tạo của mình đã viết nên một trang sử mới cho lịch sử văn học dân tộc. Và từ những cột mốc ban đầu này đã tạo tiền đề để họ tiếp tục sáng tạo nhằm khẳng định tiềm năng, triển vọng và vai trò của thế hệ của mình trong lịch sử văn học dân tộc. Còn các bạn! Tuy đang có một đội ngũ nhà văn hùng hậu, một điều kiện sáng tạo vô cùng thuận lợi của thời đại mới nhưng các bạn cũng gặp phải sự cạnh tranh khắc nghiệt của cơ chế thị trường. Các bạn phải làm gì để khẳng định tiềm năng và triển vọng của mình như những gì các bạn đã khẳng định trong thời gian vừa qua trên văn đàn!? Câu trả lời xin nhường lại cho chính các bạn những nhà văn trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố của năng động và sáng tạo và cũng là Thành phố của tiềm năng và triển vọng.

Riêng phần mình, tôi vẫn luôn kỳ vọng vào tiềm năng sáng tạo của đội ngũ những nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và những người viết văn trẻ cả nước nói chung khi mà trong tâm thức và tâm cảm của họ vẫn luôn chất chứa những nỗi đau về phận người và những trăn trở, ưu lo trước cái ác, cái xấu, cái bất công… vẫn còn hiện hữu trong cõi nhân gian này. Và tôi xin mượn lời của nhà văn Trần Nhã Thuỵ khi trả lời phỏng vấn trên trang web Evan để khép lại bài viết có phần tản mạn của mình khi anh thành thực nhận rằng: “Nói thật, hàng ngày trong lòng tôi đều có sự đối diện thường trực với những nỗi đau về những điều chưa tốt, những điều bất công mà mình nhìn thấy, mình cảm nhận được trong cuộc sống. Và tôi thích được cọ xát thực sự với nỗi đau hơn là né tránh nó”. Và có lẽ, tiềm năng và triển vọng của đội ngũ những người viết văn trẻ chúng ta phần lớn được quyết định bởi nỗi đau sáng tạo này cũng như sự nỗ lực vượt lên chính mình trên từng trang viết của mỗi nhà văn chứ không chỉ đơn thuần là sự quan tâm của các lực lượng xã hội mà trực tiếp nhất là sự chia sẻ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Không biết các bạn có đồng ý với tôi…!?

       Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17.05.2011
TRẦN HOÀI ANH
 (Tham luận tại Hội nghị
Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3)




Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Có một người ăn mày dĩ vãng, sống nay mà dạ xưa, dù cho lưu trú qua bao nhiêu vòm trời khác nhau vẫn nhung nhớ loài chim lạc khóc thương vị vua đầu tiên của nước Việt qua đời. Ông kể tôi nghe một thuở hồng hoang của dòng giống Lạc Hồng. Và ông nói với tôi rằng, không có huyền thoại nào là không được bắt đầu từ những sự thật.

Nhà văn Văn Lê 

Trước khi đi Nam, tôi có hỏi nhà thơ Trần Anh Thái trong đó có nhà văn nào thú vị; ông đã nói với tôi rằng nếu vào đó nhất định phải gặp Văn Lê. Thú thực, trước đó, tôi chưa biết Văn Lê là ai. Nhưng lúc vào rồi, sau khi nói chuyện với một số bạn bè văn chương Sài Gòn thì tôi mới biết rằng Văn Lê là một thương hiệu.

Ông không chỉ là nhà biên kịch của bộ phim Long thành cầm giả ca nổi tiếng mà còn là tác giả của nhiều bộ phim tài liệu và tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, đạt nhiều giải thưởng lớn của Nhà nước. Đầu năm nay, tiểu thuyết Phượng hoàng của nhà văn gốc Bắc này đã đạt giải A trong cuộc thi viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ Quốc phòng tổ chức trong 5 năm (2009 - 2014).

Hôm tôi liên lạc để hẹn gặp ông, sau khi biết tôi là nhà báo, ông bảo rằng đến chơi thôi, chứ đừng viết gì cả. Bởi “ta chẳng có gì thú vị để viết cả”. Ông xưng “ta”, kêu tôi bằng “con” rất gần gũi. Ngày tôi tìm đến nhà ông, người bán hàng đầu phố chỉ rằng cứ đi đến hết đường, nhà nào nhiều cây cối nhất thì đó là nhà ông Văn Lê.

Văn chương của nhà văn Văn Lê phần lớn xoay quanh thân phận con người trong chiến tranh. Khi nhiều nhà văn thế hệ ông đã gác bút và các cây viết trẻ không mặn mà với đề tài người lính thì ông vẫn bám vào đó như một cứu cánh. Không phải cứu cánh vì bất lực đề tài mà là một cứu cánh nhân sinh. Một cứu cánh để ông giữ trọn đạo làm người. Bởi, đã có những lúc ông muốn ngưng cơn nghĩ ngợi, muốn thôi viết về một thời khói lửa ấy nhưng càng trống rỗng, lơ lửng. Và thế là, ông lại “hành” mình trên giấy. Ông viết như để đi qua cơn ác mộng dài. Để giải tỏa ẩn ức, bức bối của chính mình. Như một cách để lấy lại thăng bằng và đi qua cơn chới với.

Với nhà văn nhập ngũ từ năm 1966 này, chiến tranh cho đến bây giờ vẫn là một điều còn nhức nhối chưa tan. Nó vẫn còn chờn vờn ở đâu đó trong những giấc mơ đêm về sáng, những bản tin thời sự hay thước phim tài liệu mà ông vô tình xem. Nó vẫn còn loang lổ trong những di ảnh gọi nỗi đau buốt nhói quay về. Nhiều đêm ông mơ thấy máy bay chà xát ngay trên đầu và trực thăng đuổi theo nghiền nát nhiều đơn vị, nhiều trung đoàn. Ông hoảng hốt, giật mình tỉnh thức rồi cứ triền miên trong đêm.

Cuốn tiểu thuyết Mùa hè giá buốt được ông viết trong vòng 6 tháng, đạt giải B (không có giải A) về Văn học chiến tranh do Bộ Quốc phòng tổ chức 5 năm (2004 - 2009), giải Nhất Giải thưởng Văn học TP HCM 5 năm (2006 - 2011). Nhà phê bình văn học Ngô Thảo đánh giá rằng: “Nếu viết về sự sòng phẳng trong chiến tranh thì chưa cuốn nào vượt qua Mùa hè giá buốt cả”. Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cũng từng đánh giá rằng Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh) và Mùa hè giá buốt của Văn Lê là 3 cuốn tiểu thuyết viết hay nhất về chiến tranh.

564 trang văn Mùa hè giá buốt được viết ra từ chính ký ức của ông. Ở đó, có những mảnh hiện thực khắc nghiệt, xót xa, có lằn ranh giữa sống và chết. Và ở đó có một mùa hè giá buốt cả tâm hồn với những người còn sống hoặc đã hi sinh. Cuốn sách như một cách nhìn lại lịch sử.

Ông bảo với tôi, trong một chừng mực nào đó, chúng ta đã tham gia tấn công trong Chiến dịch Xuân - hè 1972 như một sự cay cú, phiêu lưu. Việc Bộ Quốc phòng trao giải cho cuốn sách này, cũng là một cái nhìn thoáng hơn về cuộc chiến khi nó đã lùi xa hơn 30 năm. Cũng là một cách để chúng ta chiêm nghiệm lại những gì đã xảy ra.

Cũng viết về chiến tranh giai đoạn này nhưng tiểu thuyết Phượng hoàng của nhà văn Văn Lê lại xoáy vào một vấn đề then chốt, đó là phẩm hạnh. Nó như một thước đo cho thành hoặc bại của cuộc chiến. Chiến dịch Phượng hoàng của địch đánh vào tất cả mọi phương diện, xé nát mọi mối quan hệ giữa người với người, với dòng tộc, người dân với cách mạng, đặc biệt làm cho con người từ chỗ nghi kị, không tin nhau đến giết nhau. Chiến dịch đánh phá dài hạn ấy, là cuộc đụng độ, đối đầu của những bộ óc. Và trong những ngày hè đỏ lửa đó, chính phẩm hạnh được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác đã làm nên sức mạnh to lớn dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến.

Cuốn tiểu thuyết còn là những trang văn mơ mộng, là lời tuyên thệ đẹp đẽ nhất về tình yêu. Trong thời khắc trước khi trở thành hương linh nhẹ nhàng thoát khỏi cơ thể rách nát bay về chốn thăm thẳm, diệu vợi, người đại đội trưởng chỉ kịp bày tỏ tình cảm dồn nén bấy lâu của mình với người con gái mà anh yêu. Và anh an lòng vì đã “làm được một điều hệ trọng nhất của cuộc đời”, “anh tự hiểu rằng mình đã hoàn thành xong công việc của người đàn ông và giờ đây chỉ còn chờ đợi cái khoảnh khắc cuối cùng của cuộc sống”. Những riêng chung hòa vào nhau đó đã làm thức dậy cả một mùa hè huyền thoại

Nhà văn Văn Lê nói rằng, lịch sử vẫn còn là một bí mật với tất cả chúng ta. Có một loạt vấn đề thuộc về lịch sử được đặt ra. Cũng có nhiều câu hỏi thuộc về lịch sử, đến nay, vẫn chưa có lời đáp. Và ông cảm thấy mắc nợ vì điều đó. Vậy nên, ông cứ cần mẫn, cũ càng và đi miết con đường mình đã chọn: viết về đề tài lịch sử, trong đó có lịch sử xa và cả lịch sử gần – mà đề tài chiến tranh cách mạng chỉ là một phần nhỏ trong nguồn cội lịch sử ấy. Ông bảo rằng không có huyền thoại nào là không được bắt đầu từ những sự thật.

Để lí giải những vấn đề thuộc về lịch sử thì người viết phải nắm bắt được hồn vía của nó. Sau khi nắm được cái linh hồn đó rồi, bằng sự hiểu biết và tiếp tiến văn hóa của mình mà nhà văn lí giải lịch sử theo cách riêng của mình. Và lịch sử ấy, luôn là một lịch sử hướng đến con người, lấy con người làm trung tâm. Vì nói gì thì nói, con người vẫn là cội rễ của một nền văn hóa.

Về tiểu thuyết Thần thuyết của Người Chim dày khoảng 600 trang của mình, nhà văn Văn Lê nói rằng bây giờ, nhiều người không hiểu người Chim là người gì. Đó là bởi có tích rằng, tổ tiên ta lấy chim thần lạc làm vật tổ nên người ta gọi người Việt là người chim.

Cùng với câu chuyện mà cụ Nguyễn Văn Tố, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kể lại rằng trong sách của Trung Quốc có nói rằng vào năm thứ 5 đời vua Nghiêu, sứ thần Việt Thường đã đến đất Bát biếu rùa thần nghìn tuổi, trên lưng có chữ khoa đẩu nói về thời mở trời đất, vua Nghiêu mừng quá mới cho người chép lại sử sách.

Từ 2 mẩu thông tin này, cho ta biết được ít nhất về niên đại, đó là năm thứ 5 đời vua Nghiêu, chúng ta đã hình thành quốc gia, rồi mới đi sang đó và thời đó chúng ta đã có chữ khoa đẩu. Để rồi từ đây, người viết có quyền suy nghĩ lại và viết lại. Và nhà văn người Ninh Bình này đã viết lại thời kỳ đầu của lịch sử dân tộc ấy một cách phóng khoáng, dã sử, đượm mùi liêu trai mà không kém phần hấp dẫn trong cuốn sách Thần thuyết của Người Chim của mình. Nhất là đoạn đối thoại giữa sứ thần Âu Lạc và vua Nghiêu, hình ảnh về một quốc gia Âu Lạc độc lập, “có văn” và bề dày văn hóa hiện lên một cách thật đẹp đẽ.

Tiểu thuyết kể về thời Lạc Nghị Vương (Vua Hùng Vương thứ 17), kể về giống người Chim thờ chim Thần Lạc, trống đồng và có tục thờ Mẫu. Để đồng hóa dân mình sau khi chiếm đánh Âu Lạc, Triệu Đà giết các hầu tướng, thiêu hủy cuốn Thần thuyết của Người Chimcùng văn tự, chữ nghĩa, quốc thống và đập phá các cột đá phân chia ranh giới giữa các bộ lạc. Cuốn sách của ông đã làm sống dậy lại tinh thần yêu nước nồng nàn và tự hào dòng giống của người Âu Lạc xưa, mà tiêu biểu là giống người Chim.

Các nhà sử học có quan điểm của mình. Nhưng nhà văn, bằng sự nhạy cảm của mình, cũng có cách lí giải lịch sử khác nhau. Các vị sử học cho rằng chén cơm xoay tượng trưng vòng xoay trái đất, quả trứng tượng trưng cho mầm sống, đôi đũa chính là lưỡng nghi (âm dương).

Còn “ta lại nghĩ khác: Chén cơm tượng trưng cho dân tộc, quả trứng tượng trưng cho nơi mình sinh ra (là người Chim nên phải đẻ ra trứng, ý nhắc về nguồn gốc), còn cây đũa chính là tượng trưng cho cây buồm trên những con thuyền lạc. Các nhà lịch sử cho rằng thời đó, Âu Lạc với Lạc Việt kết hợp thành Âu Lạc.  Còn theo ta, không phải. Sau khi An Dương Vương đem quân thôn tính thì đã diễn ra cuộc nhường ngôi dưới sự can thiệp của các vương hầu. Vua Hùng đã làm một việc cuối cùng tốt đẹp đó là nhường ngôi cho An Dương Vương và đưa ra yêu cầu phải bảo vệ dân tộc, nước non và đổi tên nước thành Âu Lạc, nghĩa là nước Việt vững như âu đồng”, nhà văn Văn Lê nói.

“Khi vua đầu tiên chết, chim lạc khóc đầy trời. Vua đòi chôn trong một chiếc quan tài hình con thuyền lạc và đặt trên nắp quan tài một chén cơm xoay (2 chén cơm úp vào nhau - PV), một trái trứng và 2 cái đũa”. Và Văn Lê, người lưu lạc qua bao nhiêu vòm trời thời hiện đại, trên đầu đã độc một màu trắng lơ phơ, vẫn chỉ nhung nhớ một tiếng chim lạc khóc thương vị vua đầu tiên của nước Việt qua đời. Ông đã gọi hồn nước, gọi thiên thu quay về bằng những trang văn thất lạc về một thời huyền thoại.

ĐẬU DUNG
Nguồn: ANTG




Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Tượng tình của Phan Hoàng: Cơn khát cuồng bứt phá

"Phan Hoàng có cái may mắn bước vào đàn thơ trong thời kỳ nước ta đang đổi mới; người thẩm định thơ có phần bớt khắt khe theo những ước định chủ quan. Vốn là một trí thức nhạy bén, Phan Hoàng không thể không có những mong muốn tránh giẫm chân vào lối mòn. Điều đó, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy qua thơ anh".
Nhà thơ Phan Hoàng (bên trái)

Hiện nay, bên cạnh những giọng thơ truyền thống, không ít người làm thơ đang có ý thức tìm cho mình một giọng điệu mới phù hợp với sự phát triển của thơ ca và xã hội hiện đại. Xét trên góc độ thi pháp học thì đây là một hiện tượng đáng mừng. Quả thật, đã có một lúc người đọc bắt đầu tỏ ra dửng dưng với thơ Việt hiện thời. Điêu này không có gì đáng ngạc nhiên. Thơ “truyền thống” đã có những đỉnh cao của nó, không dễ vượt qua. Muốn khẳng định được mình, tốt nhất là theo một hướng đi khác. Vả, nghệ thuật khó thể dung nạp sự lặp lại, đơn điệu, những tác phẩm thiếu cá tính sáng tạo, thiếu sự tìm tòi trong phương thức thể hiện.
     
Phan Hoàng có cái may mắn bước vào đàn thơ trong thời kỳ nước ta đang đổi mới; người thẩm định thơ có phần bớt khắt khe theo những ước định chủ quan. Vốn là một trí thức nhạy bén, Phan Hoàng không thể không có những mong muốn tránh giẫm chân vào lối mòn. Điều đó, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy qua thơ anh. Cố nhiên, những bạn đọc dễ tính, những người ưa thẩm thơ theo thói quen trước đây, khi đọc thơ Phan Hoàng có thể bị chối. Thì cũng đành phải vậy! Miễn là anh không trở nên quá cầu kỳ lập dị để đến nỗi biến mình thành độc giả duy nhất của mình. Đến nay thì thơ Phan Hoàng cũng đã tạo được sự đồng cảm ở một lượng bạn thơ nhất định, như có tác giả nói đến trong lời bạt tập thơ Tượng tình(*).
     
Điều có thể khẳng định qua tập thơ đầu tay của anh là cái ý thức cất lên một giọng điệu riêng để bộc lộ những cảm xúc thẩm mĩ của mình. Có những bài thơ của anh nếu đem đặt bên cạnh những bài thơ khác thì không bị hoà lẫn. Cho nên, người đọc có khi phải dừng lại, đọc kỹ từng chữ từng câu, ngẫm về một điều gì đó, chứ không đến nỗi tuồn tuột lướt qua. Bài thơ có thể lời ít mà sức ngân dài, chẳng hạn bài Địa chỉ:

      Nhà không số
      phố không tên
      không hộ khẩu
      đầu điên điện nước
     
      máy chữ
      lộc cộc báo áo cơm
      lộc cộc thơ đánh cược
      mây non bầu bạn trăng già
     
Rõ ràng, cũng nói về cái hiện thực mà nhiều người đã nói, nhưng ở đây, anh nói bằng giọng điệu riêng của mình. Không vòng vo mà cốt khắc hoạ. Không nên thơ như tranh thuỷ mặc mà gây ấn tượng theo một cách riêng. Cách riêng đó còn có thể ở cách nhìn hiện thực: “Có một thời phượng hoàng cũng đi học/ cũng thức đêm rồi lại ngủ ngày…”, “ta biết Trương Chi không bao giờ khóc/chỉ có tài hoa chẳng thốt nên lời”…,”tim anh/ cộng hưởng ái tình/ ngắn dài dự báo/ điện trường thi ca”… Cái nhìn ấy, cái cách thể hiện ấy cho thấy ở Phan Hoàng một ý thức muốn bứt phá khỏi sự tù hãm của thói quen nhìn sự vật và sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật như là chúng luôn ở trạng thái tĩnh!
Tập thơ Tượng tình và một số tác phẩm khác của Phan Hoàng

Anh đã sớm nhận ra thế giới hiện hữu này, kể cả cái “trò chơi chữ nghĩa”, chỉ là một khoảnh khắc ngưng đọng của thời gian:

      … Câu thơ dừng lại hương môi
      ngày ngắn
                  đời ngắn
                  đêm cũng ngắn nữa rồi…
     
Nên chi, anh vẫn mãi “đi tìm”. Anh đi tìm cái tồn tại trong thế giới “mộng du”, cái không gian chỉ có trong tiềm thức. Cũng vì xuất phát điểm đó mà anh như vồ vập lấy đời, đôi khi như yêu cuồng sống vội. Anh đang tìm cách thoát ra cái vòng vây hữu hạn của đời người. Anh “chung chiêng” trong “lửa thiêng tình ái”, anh “ú ớ tịch thiền”, anh tự vỗ về mình bằng những cuộc “chơi”, anh tận hưởng những ban phát của tạo hoá, anh tôn thờ những vẻ đẹp siêu nhiên… Nhưng rồi, “khi tỉnh rượu lúc tàn canh” (Nguyễn Du), nỗi ưu uất, sự bất lực lại bùng dậy trong anh. Đó cũng là lúc anh “lấy nỗi buồn làm hạnh phúc”! Thơ như sự cứu rỗi cuối cùng. Thơ, những “câu thơ số phận”. Vì “chân trời mênh mông sẽ là thước đo bão tố cánh chim bằng”, nên anh sẽ vẫn còn cứ phải bay mải miết. Và có thể, anh sẽ phải trả giá bằng sự gãy cánh của mình. Làm sao hơn được khi anh đã vướng vào nghiệp chướng, cái nghiệp chướng say thơ!
     
Nhưng anh không chỉ đối mặt với mình trong cơn “cuồng khát”. Ra với cuộc đời thường nhật, anh mẫn cảm và nhân hậu. Cảnh sum họp “sau những khắc khoải thanh xuân”, cảnh “quê nhà ngập chìm thác lũ”, “cơn bão đi qua/ để lại sau lưng màu hoang đổ nát”… làm anh xúc động. Trước ân nghĩa sinh thành, anh luôn cám cảnh. Anh tự hào về một nhà thơ đồng hương. Anh bực bội với những cơn “lốc xoáy thị trường” khuấy đảo bao cảnh đời bình lặng: “thành phố bây giờ lộng lẫy phấn son/ cô gái nào cũng tựa từa ca sĩ/ dáng dấp thị trường/ nụ cười tiếp thị”. Và anh hoài niệm về những gì “chỉ còn trong ký ức”… Chỉ tiếc, mảng thơ này ít để lại dấu ấn sáng tạo của anh. Thậm chí, đôi khi anh còn dễ dãi, “lỡ” buông những câu thơ thiếu sức lay động. Chẳng hạn: “Không còn lũ/ chẳng còn em nữa/ lối nhỏ tôi về/ thất thần những ánh mắt mồ côi/ con kiến trườn qua/ núi đồi kinh động/ gò hoang mưa giăng trắng nhợt da mồi” (Gò hoang tuổi nhỏ)… Những nhược điểm đó có phần khiến cho tập thơ không phát huy được hết thế mạnh vốn có của tác giả. Có lẽ, do đây là tập thơ đầu, anh còn hơi tham.
     
Nhưng không phải vì vậy mà không ghi nhận Tượng tình là một tập thơ đứng được. Chí ít, theo tôi Tượng tình với những ưu điểm đã nói, đã góp thêm cho làng thơ hiện nay một tiếng nói mới, rất đáng được chú ý. Đường tuy còn xa nhưng Phan Hoàng còn trẻ, sức đang sung!
                                                                                        
Sài Gòn, 1995
PGS. TS TRẦN HOÀNG

Theo Sinh Viên Hành Trang - Tri Thức 

___________________
 (*) Tượng tình, tập thơ đầu tay của Phan Hoàng, NXB Trẻ 1995.


Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Vĩnh biệt anh Năm Sáng

Trong gần tám năm làm việc cùng anh Năm Sáng ở Hội Nhà văn TP.HCM, tôi nhận ra một điều anh là người cương quyết nhưng thức thời. Anh không câu nệ chuyện làm gì và làm như thế nào mà với anh là làm sao phải có tác phẩm để còn được gọi là nhà văn…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Từ chiến khu trở về, anh Nguyễn Quang Sáng (Năm Sáng) là cán bộ văn nghệ, đảm đương chức vụ chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh An Giang. Rồi anh lên TP.HCM, ngay trong nhiệm kỳ đầu của hội (1981-1986), anh Nguyễn Quang Sáng đắc cử chức tổng thư ký Hội Nhà văn TP.HCM lúc vừa bước qua tuổi 49.

Trong gần 20 năm làm công tác tổng thư ký Hội Nhà văn TP.HCM và hơn 10 năm giữ chức vụ phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, anh Năm vẫn nổi tiếng là người chịu chơi hơn chịu làm. Dù vậy công việc vẫn cứ thế trôi qua, trôi qua một cách suôn sẻ mà không cần nhiều cố gắng. Phần cố gắng nhiều nhất của anh có lẽ vẫn là việc thường xuyên viết và vẫn đều đều tung ra tác phẩm mới của mình. Hết Mùa gió chướng đến Cánh đồng hoang, rồi tập truyện ngắn Con mèo Fujita và nhiều kịch bản phim nữa. Tất cả như cuốn hút anh trong cái sự nghiệp viết và nhậu.

Trong gần tám năm làm việc cùng anh Năm Sáng ở Hội Nhà văn TP.HCM, tôi nhận ra một điều anh là người cương quyết nhưng thức thời. Anh không câu nệ chuyện làm gì và làm như thế nào mà với anh là làm sao phải có tác phẩm để còn được gọi là nhà văn. Điều tưởng đơn giản ấy nhưng không dễ gì thực hiện được nếu không có quyết tâm và lòng đam mê nghề nghiệp. Cái nghề viết tưởng là nghề chơi nhưng thật ra cũng là một công việc cần có sự lao động nghiêm túc, cần thực tế và cần cả bản lĩnh nữa. Điều mình muốn nói tưởng là dễ nói nhưng nếu không có bản lĩnh sẽ là chuyện nói theo đuôi, nói vuốt ve để lấy điểm cho có lệ. Tôi đã từng nghe anh trao đổi về công việc của nhà văn với lãnh đạo TP, những chiến hữu và bạn nhậu của anh, những người sẵn sàng nghe chửi thề, nghe những điều trái khoáy. Bởi anh nói có cơ sở thực tế, mà thực tế của anh là những chuyện la cà với bạn văn nghệ và cả bạn không văn nghệ.

Nhờ làm lính của anh một thời gian (từ cuối năm 1988 đến gần cuối năm 1996), tôi mới nhận biết được sở thích và cố tật của từng nhà văn. Đối với tôi những năm tháng công tác hội là những năm tháng mà anh Năm Sáng đã giúp tôi nhận ra con người - một con người thật đúng nghĩa, những kẻ xu nịnh, những tên bè phái và cả những người kiên gan đứng vững trên đôi chân của mình một cách tin tưởng và dứt khoát. Lãnh đạo một hội với quân số phần lớn là những văn nghệ sĩ từ R ra, từ miền Bắc về, những người nằm vùng và cả những người... khó tính, anh vẫn biết dung hòa và thỏa lòng được mọi hội viên.

Thời anh làm công tác hội, anh dám mạnh dạn và cương quyết đấu tranh để những lời nói, những tuyên bố của lãnh đạo TP và đôi khi cả trung ương trở thành hiện thực trong đời sống, cho dù có người giận, người hờn, người trách anh thế này thế nọ, cả những chuyến xuất ngoại qua Pháp, qua Mỹ của anh cũng không ít điều tiếng nhưng tựu lại người ta vẫn thấy một Nguyễn Quang Sáng như những gì mà anh vốn có. Một Năm Sáng cực kỳ máu lửa như chàng trai năm nào trong Đất lửa - tiểu thuyết đầu tiên của anh được trao giải ở Hà Nội mấy năm sau ngày anh tập kết, sau đó chính thức phát hành rộng rãi trên toàn quốc.

Nhớ đến Nguyễn Quang Sáng là người ta nhớ đến Chiếc lược ngà, nhớ đến Cánh đồng hoang, nhớ đến Thằng bạn lính mà ít ai nhớ tới những chuyến đi dọc dài quê xứ Nam Bộ, xóa cầu khỉ xây cầu bê tông từ những đóng góp của bạn bè đồng lứa và những người hâm mộ anh khi anh hết đảm đương công tác hội. Tuổi già, sức đi có hạn nhưng anh vẫn miệt mài đi vì chiếc cầu nối những bờ vui, vì bạn bè năm xưa giờ người còn người mất, những gặp gỡ thân tình mà ngậm ngùi nước mắt với anh Tư Sâm Trang Thế Hy, với nhà văn Sơn Nam và bao nhiêu bạn bè nữa, những người già và không ít người còn trẻ.

Thế là sinh nhật lần thứ 83 vào ngày 12-1-2015 sẽ không còn anh, anh Năm ơi, tôi tin rằng hình ảnh của anh vẫn đọng mãi trong tâm trí bạn bè và biết bao thế hệ độc giả của anh - anh Năm Nguyễn Quang Sáng.

PHẠM SỸ SÁU
Theo NVTPHCM


Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Đỗ Huy Nhiệm

Người đương thời Thơ mới đã khách quan ghi nhận Đỗ Huy Nhiệm như một tiếng thơ sâu lắng, khơi nguồn cảm xúc mới bằng những vần thơ truyền thống, cốt cách ở ý thức cá nhân và dung dị trong câu chữ, trần tục ở đề tài và cao sang trong mộng tưởng hồn yêu.
Phú Yên quê hương nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm sinh ngày 16-3-1915 ở Nam Định nhưng quê gốc ở Phú Yên; nguyên họ Hồ, sau đổi ra họ Đỗ; khi viết báo còn ký các bút danh Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Thuở nhỏ học ở Nam Định, sau khi đậu thành chung lên Hà Nội học xong tú tài rồi vào làm việc ở Sở Trước bạ Hà Nội. Đương thời ông từng cộng tác với các báo Phụ nữ thời đàm, Tân thiếu niên, Tiến hóa, Văn học tạp chí, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Trào phúng, Đông thanh, Đông Á, Đông Tây, Tin mới văn chương… và xuất bản hai tập thơ: Khúc Ly tao (1931), Thiên diễm tuyệt (1936)… Trong thời gian này thơ ông từng được P. T. T, Lê Tràng Kiều, Quỳnh Dao, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Vũ Bội Liêu, Hoài Thanh - Hoài Chân cùng quan tâm nhận xét, luận bình. Chúng tôi chủ ý chỉ tìm hiểu ý kiến của những người sống đồng thời với thời Thơ mới (1932-1945) bàn về thơ Đỗ Huy Nhiệm bởi thấy rằng đó là nhận xét của người trong cuộc, trong không khí đương thời, khi mà những đánh giá của họ còn trực diện, trực giác, tươi mới, chưa bị pha phách bởi những quan niệm thiên kiến ngoài văn chương hoặc do sự gián cách bởi thời gian như không ít trang bình luận, đánh giá ở giai đoạn sau này.

Không rõ khi Khúc Ly tao ra đời vào năm 1931 liệu đã có bài phê bình, điểm sách nào không nhưng phải đến Thiên diễm tuyệt xuất bản năm 1936 thì tên tuổi Đỗ Huy Nhiệm mới thật sự được ghi nhận trong làng thơ. Ngay sau nămThiên diễm tuyệt đến với bạn đọc, tác giả P. T. T trong bài viết Ngoảnh nhìn văn học năm vừa qua in trên Sông Hương(số 26, ra ngày 30-1-1937) đã nhấn mạnh vị trí tác phẩm trong nền thơ đương thời: “Về thơ, năm 1936 đã bày ra một cảnh tượng rời rạc, nếu không là buồn tẻ. Cái không khí bồng bột về thơ mới hai năm trên đã qua rồi. Những tên Thế Lữ, Huy Thông, người ta không nhắc đến một cách sốt sắng nữa. Mà giữa Nàng Thơ với các thi sĩ, hình như chữ tình cũng không còn được mặn nồng như mấy năm xưa. Huy Thông thì còn cho ra được một tác phẩm có giá trị là quyểnTiếng địch sông Ô, và thỉnh thoảng có thơ đăng trên một vài tờ báo chứ Thế Lữ thì như đã chìm hẳn đi rồi: với tác phẩm Bên đường Thiên lôi mà ông vừa cho xuất bản, người ta thấy rõ như ông muốn từ nay đi hẳn về bên tiểu thuyết. Những quyển Gái quê của Hàn Mặc Tử, Thiên diễm tuyệt của Đỗ Huy Nhiệm ra đời vào cuối năm như đã đem lại cho nàng thơ một cái không khí ấm áp”...

Hai năm sau, Lê Tràng Kiều trong bài viết Hoàng hoa in trên Tiểu thuyết thứ Năm (số 30, ra ngày 11-5-1939) khi giới thiệu cho việc chuẩn bị in bài thơ Hoàng hoa của Bích Khê đã vinh danh thơ của Quỳnh Dao, Anh Thơ và Đỗ Huy Nhiệm… trong trào lưu Thơ mới đương thời:

“Chưa bao giờ, các bạn mến thơ yêu thơ đã được vừa lòng, đã được say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này, nó đã lần lượt trình bầy không biết bao nhiêu là tác phẩm giá trị:

Những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần trong sáng của Đỗ Huy Nhiệm”...

Một tháng sau, nhà thơ Quỳnh Dao khi giới thiệu tập Tuổi thơ của nhà thơ gốc Hoa Liêu Kỳ Lộc trên báo Tiểu thuyết thứ Năm (số 35, ra ngày 15-6-1939) cũng trân trọng nhắc đến Đỗ Huy Nhiệm cùng nhiều tên tuổi Thơ mới khác: “Tôi không dám nói, bên tai người quen nghe tên Hàn Mặc Tử, Xuân Khai, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, nhưng người ta đã nghe đến Lan Viên, Đông Hồ, Xuân Diệu, Đỗ Huy Nhiệm, Thái Can, Vũ Đình Liên, Lan Sơn v.v... thì người ta cũng nên nghe thêm tên: Liêu Kỳ Lộc!”…

Rồi đến Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) trong công trình tổng kết Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941) cũng tiếp tục ghi nhận tác phẩm và vị thế Đỗ Huy Nhiệm cùng nhiều cây bút khác:

“Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được:

- Đông Hồ, sau những vần Thơ Đông Hồ (1932) cũ kỹ, ca ngợi Cô gái xuân (1935).

- Lan Sơn thi vị hóa mối tình giữa Anh với em (1934).

- Phạm Huy Thông, trong Yêu đương (1933) cô Anh Nga (1934) và cô Tần Ngọc (1937), trầm hùng cao đưa Tiếng địch sông Ô (1935).

- Nguyễn Vỹ trong Tập thơ đầu (1934) có hơi thơ dài như gió lướt.

- Đỗ Huy Nhiệm sau Khúc Ly tao (1931) dệt Thiên diễm tuyệt (1936)”…

Hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân trong lời giới thiệu tổng quát Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam(Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942) đã có ý nhấn mạnh vị thế Đỗ Huy Nhiệm trong trào lưu Thơ mới và đặt trong dòng thơ Đường truyền thống:

“Chung quanh ngôi sao Thế Lữ châu tuần bao nhiêu hành tinh có tên và không tên, hầu hết các thi sĩ lớn nhỏ hồi bấy giờ: Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đỗ Huy Nhiệm, Tường Bách, Lan Sơn, Việt Nữ Hoàng Hương Bình, Thụy An, Nguyễn Nhuệ Thủy, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Phi Yến, Lư Khê… Cả những vì sao vốn ở một trời khác: Vân Đài, Đông Hồ, Mộng Tuyết, cũng ghé về châu tuần một lúc…

Hồn thơ Đường vắng đã lâu, nay lại trở về trong thơ Việt. Lần đầu tiên (1934) nó đi theo J. Leiba. Leiba giao lại cho Thái Can. Thái Can giàu, Leiba sang. Ở Thái Can cũng như ở Leiba hồn thơ Đường có cái cốt cách đời thịnh. Với Đỗ Huy Nhiệm, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan (trong tập Xa xa), Thâm Tâm, hoặc nó kín đáo tinh vi hơn, hoặc nó rắn rỏi chắc chắn hơn, nhưng cũng nghèo hơn”...

Rồi đến khi trực diện tiếp cận gia sản thơ Đỗ Huy Nhiệm, Hoài Thanh - Hoài Chân đã tuyển của ông ba bài (Đìu hiu, Hoa tủi, Say), đồng hạng số bài với Lan Sơn, Thu Hồng, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Phan Văn Dật...; từ đó đi sâu phân tích, bình phẩm:

“Đỗ Huy Nhiệm kể:

Lắm khi đứng tựa bên cây,
Thẫn thờ đôi mắt đắm say nhìn trời.
Nhưng đến lúc cất lời để gọi,
Thì nàng như làn khói thoảng tan.
Mặc tôi đứng sững mơ màng,
Một mình với một chiếc đàn chùng dây.

Nàng đây là Nàng Thơ và câu này là một câu tâm sự. Quả Đỗ Huy Nhiệm đã ôm một mối tình lãng mạn đi theo dõi Nàng Thơ luôn trong bảy tám năm trời từ Khúc Ly tao đến Thiên diễm tuyệt, từ Phụ nữ thời đàm hồi Ô. Phan Khôi chủ trương đến Tân thiếu niên, Tiến hóa, Văn học tạp chí 1935, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Trào phúng, Đông thanh, Đông Á, Tin mới hầu khắp trên các báo chí Bắc Nam. Nàng thơ có lẽ không nỡ phụ người có công. Một đôi lần Nàng đã gặp con người tình cờ trở nên người họ Đỗ và cố ý mạo danh Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Các cuộc gặp gỡ ấy đều ghi lại bằng những vần thơ phảng phất giọng Đường với một chút xôn xao mới”…

Trong mục bài Mỹ từ pháp trong văn chương Pháp và Việt Nam - Những “hình ảnh” trong văn thơ pháp và Việt Nam in trên Tạp chí Thanh nghị (số 20, ra ngày 1-9-1942), Vũ Bội Liêu khi xác định “Người ta nhân cách hóa cả đến gió trăng, cây cỏ, cùng các vật vô tri vô giác”, “Cây cối, hoa cỏ, mây nước, trăng gió, các vật vô tri vô giác đều được thi sĩ đem ra nhân cách hóa. Những vô sinh vật trở nên có linh hồn, có tư tưởng và biết hành động như người”…; và đi sâu phân tích dòng cảm xúc: “Gió lặng thổi, mây ngừng trôi, sóng im tiếng vỗ để lắng tai nghe nhời nói của nữ nhân hay “tiếng trúc tuyệt vời” thổn thức với lòng thổn thức của người thiếu nữ” kèm theo chứng dẫn thơ Bà Huyện Thanh Quan, Lamartine, Thế Lữ và chính thơ Đỗ Huy Nhiệm:

Cơn gió đìu hiu lướt mặt hồ,
Thổi rơi xuống nước chiếc hoa khô;
Giật mình, làn nước cau mày giận,
Tan cả vừng trăng tỏa lững lờ”...

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm (nguyên họ Hồ) quê gốc ở Phú Yên nhưng không rõ ở làng xã nào? Gia tộc ông, cha mẹ ông ra sao mà sinh ông trên đất Nam Định và đủ điều kiện cho ông ăn học? Có cách nào truy tìm trong hồ sơ lưu trữ Sở Trước bạ Hà Nội năm xưa mà xác định nhân thân Đỗ Huy Nhiệm? Ông có gia đình không, có người đồng nhiệm và bạn văn nào mà sao chẳng thấy ai nhắc nhớ đến ông? Chẳng biết ông sương gió phương nào nhưng vẫn còn đây trong Thi nhân Việt Nam hai bài thơ theo lối thất ngôn tứ tuyệt và một bài thơ dài lối bảy chữ. Bài Đìu hiu đã từng in trên Hà Nội báo:

Cơn gió đìu hiu lướt mặt hồ,
Thổi rơi xuống nước chiếc hoa khô.
Giật mình, làn nước cau mày giận,
Tan cả vừng trăng tỏa lững lờ.
Bài Hoa tủi tuyển in lại từ tập thơ Thiên diễm tuyệt:
Vườn xuân, nắng mới, mai đương đẹp.
Em lạnh lùng qua, chẳng đoái hoài.
Em hỡi! Vô tri hoa biết tủi:
Đầm đìa châu lệ, hạt sương mai.

Còn lại bài thơ Say đã in trên Tiểu thuyết thứ Năm gồm 10 khổ thơ, ở đây xin dẫn đoạn kết:

Trăng đã lên cao. Rượu cạn rồi,
Cả nàng đã đẫm cả hồn tôi.
Ngày mai rượu hết nghiêng hồ rỗng,
Vét chút hương còn ép sát môi.

Người đương thời Thơ mới đã khách quan ghi nhận Đỗ Huy Nhiệm như một tiếng thơ sâu lắng, khơi nguồn cảm xúc mới bằng những vần thơ truyền thống, cốt cách ở ý thức cá nhân và dung dị trong câu chữ, trần tục ở đề tài và cao sang trong mộng tưởng hồn yêu. Qua trường hợp Đỗ Huy Nhiệm có thể nói đã có “Một thời đại trong thi ca” và cũng có “Một thời đại trong phê bình thi ca” xuất hiện ngay giữa đương thời phong trào Thơ mới.

PGS.TS NGUYỄN HỮU SƠN
Nguồn: Toquoc


Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Đọc Thơ trắng của La Mai Thi Gia

Người đàn bà thơ La Mai Thi Gia, là thơ từ khi mới được sinh ra, lần đầu tiên riêng tư góp mặt với thế giới thơ ca bằng Thơ trắng (NXB Hội Nhà văn, 2017)…
Nhà thơ La Mai Thi Gia

Tựa Thơ trắng của La Mai Thi Gia được lấy từ cảm hứng ý tưởng của nữ sĩ người Pháp Hélène Cixous (bà sinh ra ở Algeria năm 1937). “Dòng chữ trắng” (L’Encre Banche, The white ink) là dụng ngữ nổi tiếng của bà trong bài viết rất có giá trị mang tên Tiếng cười của Medusa (Le Rire de la méduse) ấn hành năm 1975, 1976. Trong bài viết này bà nói: “Bao giờ cũng thế, bên trong người phụ nữ luôn luôn là một chút tốt lành của dòng  sữa mẹ. Nàng viết bằng chữ trắng”.

Và như vậy Thơ trắng là chữ trắng, là tố chất của thân xác cũng như linh hồn của người nữ, là địa hạt riêng tư của họ. Thơ của La Mai Thi Gia cũng thế, là tố chất của thân xác và linh hồn của người đàn bà sinh ra với cái tên nghe đã là thơ.

Người đàn bà hát thơ như mình là thơ, cắm hoa như mình là hoa.

Người đàn bà cất lên tiếng hát bằng làn da, hát ca bằng thân xác ngân nga, cười khóc mà la mai thi gia.

Người đàn bà, gió trong tóc ngàn xưa phong ba, sóng trong ngực mà nghiêng thuyền lạ, sương trong mắt mà chiêu nắng tà.
 Tập Thơ trắng của La Mai Thi Gia

Người đàn bà làm thơ cho nàng thôi phôi pha, làm thơ cho nàng quên yêu ma.

Người đàn bà, giọt nước mắt còn lay bay phù sa, giọt sữa ấm còn đong đưa nụ hoa, dòng chữ trắng còn long lanh ngân hà.

Người đàn bà đem chăn gối làm sông làm núi, đem châu thổ nguyên sơ làm ngả ba, đem châu thân huyền bí làm nhà.

Người đàn bà thân thể từng đêm kinh thánh, ngàn năm réo rắt nhã ca.

Người đàn bà, ra đi từ đại dương con gái, xuống đêm đời làm giọt tình, làm giọt thơ pha

Người đàn bà đường tơ bay trong đêm tối, trong âm vang của một nửa là…, và vẹn nguyên trong cõi ta bà

Người đàn bà ném vào lửa những đêm dài tự vắng, trong nắng hồng từ đó bước chân ra.

Người đàn bà thơ La Mai Thi Gia, là thơ từ khi mới được sinh ra, lần đầu tiên riêng tư góp mặt với thế giới thơ ca bằng Thơ trắng (NXB Hội Nhà văn, 2017).

NHẬT CHIÊU
(Lời tựa tập Thơ trắng)




Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

“Minh triết đất đai” của Nguyễn Vũ Tiềm

Và tôi tin, trong làng thơ hiện nay, ít có người dám sòng phẳng với mình, dám riết róng với mình, dám trung thực với chính mình và không ngừng làm mới mẻ mình như Nguyễn Vũ Tiềm…

Nhắc đến Nguyễn Vũ Tiềm là nhắc đến một người luôn hết lòng vì thơ và luôn  luôn vì thơ. Từ 1987 đến nay, ông đã cho xuất bản non 10 tập thơ và hai tập sách có liên quan mật thiết với thơ: “Đi tìm mật mã của thơ” và “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”. Riêng “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” được coi là một công trình biên khảo, sưu tầm đáng được đánh giá cao, được bổ sung, tái bản nhiều lần. Và chắc chắn có nhiều thế hệ nhà thơ đã, đang và sẽ chịu ơn Nguyễn Vũ Tiềm vì công việc “đãi cát tìm vàng” trong thơ của ông. Đặt trong điều kiện: Vì nhiều lý do, thơ ít được nhiều người quan tâm như hiện nay (kể cả người trong giới), mới thấy cái tâm và cái sức của Nguyễn Vũ Tiềm đáng trân trọng đến nhường nào.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Gần đây nhất, tháng 9 năm 2015, ông lại cho xuất bản một tập hợp thơ mới mang tên rất lạ: “Minh triết đất đai”. Tập hợp thơ này có cả thảy 38 bài thơ ngắn, mở đầu bằng “Thư pháp gia” và kết thúc bằng “Gần và xa”.
   
Về mặt toàn bài, ta có thể kể tên: “Thư pháp gia”, “Minh triết đất đai”, “Bạn mới”, “Cuộc ra đi của những cuốn sách”, “Hải đăng không đèn”, “Bạn thủy chung”, “Tích tắc rượt đuổi”… trong đó có những khổ thơ, những câu thơ đã vượt qua (hoặc vượt lên) sức cảm, sức nghĩ, sự tưởng tượng thông thường, tạo nên sự bứt phá cần thiết, nhắm tới cái đích cao cả mà thi ca cần phải hướng tới. Có thể thống kê: “Tia nắng sớm cuốn theo hàng chữ thảo/ chịu đựng quá sức mình hỡi tờ giấy mỏng manh…/ những khuôn khổ bị phá vỡ/ giới hạn bị bước qua/ những khoảng cách trở về không khoảng cách/ cái gần gũi quanh ta bỗng hiện những chân trời” (“Thư pháp gia”); “Kết bạn với hư vô/ chuyện trò cùng im lặng/ bình luận về cái nhếch mép của siêu nhiên/ cái ngoéo tay của hai gã tai-ương và số-phận…/ Nào khoác vai trống vắng” (“Bạn mới”); “Khất thực trời: Hỷ xả/ khất thực vô cùng: Một chút hư vô” (“Năm trăm vị La Hán chùa Bái Đính”); “Tay lấm láp phù sa/ chính là lúc ngộ ra điều sạch sẽ” (“Minh triết đất đai”)… Đấy là những câu thơ như đập vào trí nhớ, gây cảm giác mạnh, làm người đọc như ngộ thêm một điều gì đấy thật cao xa.
   
Không phải ai cũng dám bước qua giới hạn. Không phải ai cũng dám “kết bạn với hư vô”, “khoác vai trống vắng”. Không phải ai cũng dám để “tay lấm láp phù sa” để “ngộ ra điều sạch sẽ”. Không phải ai cũng nghĩ đến việc “khất thực trời”, “khất thực vô cùng” để xin “hỷ xả”, để xin “cái vô cùng”.
   
Chính việc thoát ra mọi thói quen, mọi quan niệm cũ, mọi sự ràng buộc, mọi hệ lụy… mà Nguyễn Vũ Tiềm mới khác mình, khác người đến như vậy!

Trong cái hành trình tới đích, Nguyễn Vũ Tiềm chợt ngộ ra cái vô cùng của các con chữ. Bởi thế trong “Bản thể tôi lưu lạc quên về”- tên rất lạ của một bài thơ, ông mới đặt ra câu hỏi:

Trời xanh không dòng kẻ
mới là cánh đồng để chúng nẩy mầm chăng?
hay mạch nguồn nước mắt
giúp chúng nhìn thấu tận cõi không?

và  ông cũng có ngay câu trả lời bằng một câu hỏi khác:

Chúng đi tìm một tôi khác
ấy là bản thể tôi lưu lạc quên về?
   
Cũng có lúc, ông coi người làm thơ phải có một số phận và vai trò lớn lao. Và đi kèm là một cuộc phiêu lưu “năm ăn năm thua”, hoặc thành công, hoặc thất bại. Hay nói cách khác: Là sự trả giá. Bởi thế trong “Tìm ra châu Mỹ của riêng mình”, ông lại tiếp tục đặt ra câu hỏi:

Anh sẽ là một Cristốp Côlông
tìm ra châu Mỹ của riêng mình
hay sẽ ván đóng thuyền
tan nát?
   
Ấy là quan niệm về lao động nghệ thuật và bản chất của nghệ thuật. Và tôi tin, trong làng thơ hiện nay, ít có người dám sòng phẳng với mình, dám riết róng với mình, dám trung thực với chính mình và không ngừng làm mới mẻ mình như Nguyễn Vũ Tiềm.
 Bìa tập thơ Minh triết đất đai

Có cảm giác: Khi hòa vào cái “không”, Nguyễn Vũ Tiềm đụng chạm đến cái “có”. Khi hòa vào cái “có”, Nguyễn Vũ Tiềm lại đụng chạm đến cái “không”. “Không” đấy mà “có” đấy. “Có” đấy mà “không” đấy. Tựa như trong cái “có” đã có cái “không”. Và ngược lại. Chẳng thế mà đạo Phật từ ngàn xưa vẫn quan niệm: Sắc-sắc-không-không. Nhưng dầu có thế nào, chúng ta vẫn phải sống, phải vận động theo thời gian.
   
“Tích tắc rượt đuổi” minh chứng cho cảm giác này. Cũng có thể coi là một tứ thơ độc đáo (nguyên văn): “Tiếng tích tắc nhắc điều gì trắc ẩn/ đợi ta sau cánh cửa ngày…/ Gió thổi bi hài vào năm tháng/ một hào quang vừa mới hạ màn/ Những hàng cây lặng im/ gạt lệ/ thương cơn gió hôm qua gào thét mệt nhoài/ đang ngủ trong miền hoang tưởng./ Cái rét khoanh tay đứng ở ngoài/ nhường hơi ấm thiện lương bao quanh tiếng mõ/ con đường nào dẫn vào cõi không?/ Làm cách nào xóa đi cái có?/ Tiếng tích tắc gấp hơn/ những tháng năm rớt lại/ tôi thấy mình nhỏ hơn cái bóng/ bao ý tưởng lớn lao/ thoáng đã chìm vào vô tăm tích!/ biết đâu hậu thế đã có mặt ở nơi này trước mình nhiều lắm/ mình có còn là mình (thì hiện tại) nữa không? Nhưng biết làm sao được/ tôi vẫn tập đi bộ hàng ngày/ trên cao tốc thời gian.”
   
Đọc xong bài thơ này, tôi lại nhớ đến bài thơ có một cái tên thật giản dị ngỡ không thể giản dị hơn: “Chờ thay lốp xe” của B. Brecht – nhà thơ lớn nửa đầu thế kỷ 20 người Đức. Vô tình, có một sự gặp gỡ về mặt ý tưởng nào đấy giữa “Tích tắc rượt đuổi” và “Chờ thay lốp xe”. Một bên: Giản dị và sâu sắc. Một bên: Phức hợp và sâu sắc. Vì thế theo cách nói của ông Kim Woo Choong – người sáng lập Tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc): “Thế giới vô cùng rộng lớn và còn nhiều việc phải làm”, tôi càng tin: “Thế giới thi ca vô cùng rộng lớn và còn nhiều việc phải làm”.
   
Dưới đây là nguyên bài “Chờ thay lốp xe” qua bản dịch của nhà thơ Bằng Việt:

Tôi ngồi xuống lề đường
Chờ người lái xe thay lốp mới.
Nơi tôi ở không còn gì chờ đợi
Nơi tôi đi cũng chẳng gì hơn!

Vì sao tôi vẫn bồn chồn
Chờ người thay lốp mới?

Hà Nội sáng 15.11.2015
ĐẶNG HUY GIANG

____________________________________

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại Hà Nội. Từng dạy học, làm báo Giáo Dục & Thời Đại, sáng lập tạp chí Tài Hoa Trẻ.

Hiện nay ông ở 49A/22 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0909 450 871. Email: vutiemnguyen@yahoo.com.vn.

Ngoài sở trường sáng tác thơ, Nguyễn Vũ Tiềm còn nghiên cứu lý luận phê bình văn học, viết bút ký và tiểu thuyết. 

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Nữ hoàng Trái Cây (tập thơ viết cho thiếu nhi, NXB Măng Non 1987).
Chia tay võ sĩ dế (tập thơ viết cho thiếu nhi, NXB Trẻ 1988).
Thức đợi hoa quỳnh (thơ, NXB Hội Nhà văn 1991).
Thương nhớ tài hoa (thơ, NXB Văn Học 1992, tái bản nhiều lần).
Người thám hiểm thời gian (thơ, NXB Văn hóa 1993)
May quá, lòng tốt vẫn còn đây (bút ký, NXB Văn hóa 1994, tái bản nhiều lần).
Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam (sưu tầm biên khảo, NXB Văn Học 2000 tái bản bổ sung nhiều lần).
Hoài nghi và tin cậy (thơ, NXB Hội Nhà văn 2004).
Đi tìm mật mã của thơ (tiểu luận, NXB Hội Nhà văn 2006).
Văn đàn bi tráng (trường ca, NXB Văn Học 2008).
Sương Hồ Tây - Mây Tháp Bút (thơ, NXB Hội Nhà Văn 2011).
Minh triết đất đai (thơ, NXB Hội Nhà Văn 2015)
- Hoàng Sa (thơ, NXB Hội Nhà Văn 2018)

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2015 với tập thơ Minh triết đất đai.
Theo NVTPHCM




Nhà thơ Trần Huiền Ân: Có phải cuối đời là… vậy vậy!?

Hơn 40 năm từ khi nghe bài thơ Thuyền giấy của ông, được đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn (cũ), vẫn không thể quên nét trong trẻo này: “Bàn tay bé em thả con thuyền giấy / Xếp vụng về góc giấy chực xòe ra / Không có gió nên thuyền trôi rất nhẹ / Em dõi theo và hát khẽ : dô ta”. Bốn mươi năm, những câu thơ như thế không mờ mà lại càng thêm nét đằm thắm, pha một chút bùi ngùi. Bởi vì, thế giới thơ của Trần Huiền Ân là một thế giới đã mất - đang mất, đối với tất cả chúng ta…
Nhà thơ Trần Huiền Ân

Từ bài thơ đầu tiên in báo vào năm 1957 đến nay, đã 55 năm Trần Huiền Ân (T.H.Â) gắn bó cùng chữ nghĩa. Với nhiều thơ và truyện ngắn đã in báo, với hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và 11 tác phẩm biên khảo (trong đó, 10 năm liền được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), sẽ phải “gọi tên” ông là gì? Trong một số bài viết, ông được gọi là nhà Phú Yên học, không biết có phải do căn cứ vào số lượng đầu sách của ông trong lĩnh vực này? (Nhân thể, xin được nói “lạc đề” về cái chữ “học” này). Cách gọi mang tính chất…cổ vũ như thế (về mặt tình cảm thì có thể tạm chấp nhận) dường như đã dẫn đến sự… lạm phát: Quảng Nam học, Huế học, Hà Nội học, Kontum học…; trong khi về mặt học thuật, có lẽ… “chưa nên” chấp nhận (?). T.H. chỉ nhận mình là một nhà giáo viết văn. Thiết nghĩ, đây là nét đáng quý trong phẩm chất của ông: sự khiêm tốn đúng mực do đã đi qua bao nhiêu trải nghiệm để “thấm tận” những giá trị hư ảo và những giá trị thực của cuộc đời,

***

Trong “Lời nói đầu” của tập sách Đất trời Phú Yên, T.H. cho rằng, ông không viết địa chí theo qui phạm thông thường mà “chỉ ghi lại những gì mình tìm hiểu được… Chuyện gì biết nhiều thì nói nhiều, biết ít thì nói ít”. Nhận xét về tác phẩm biên khảo này, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã nhắc lại lời của cố GS Trần Quốc Vượng vào năm 1996 khi đánh giá công trình: “Trong nghề nghiên cứu của chúng ta, để viết được một, phải biết mười hay hơn thế nữa… Công trình này phải là kết quả của nhiều năm tháng điền dã, đọc tư liệu cổ kim đông tây, của một tư duy tổng hợp liên ngành và chắc chắn không thể thiếu một tình yêu sâu đậm đối với quê hương ruột thịt”. Nhận xét này cũng là kết luận của Hội đồng khoa học khi xét trao giải nhì cho công trình này.

Dù không nhận mình là nhà biên khảo chuyên nghiệp về Phú Yên, nhưng các đoàn làm phim tư liệu và những ai muốn tìm hiểu về địa phương này đều đến gặp ông để nhờ tham vấn và hướng dẫn tiếp cận thực tế. Tất nhiên có nhiều “lai do” đưa T.H. đến với lĩnh vực này, có phần bởi tình cờ, một phần có duyên cớ, nhưng sâu xa, điều này phải xuất phát từ tình yêu, để rồi lại trở thành một phương cách tìm ra lẽ sống cho mình: “Sưu tầm, nghiên cứu là để tìm hiểu xem người xưa sống thế nào, suy nghĩ thế nào”.

Với sáu công trình biên khảo đã xuất bản và 19 tác phẩm nghiên cứu đã hoàn chỉnh (chưa in) về đất và người Phú Yên, hẳn nhiên, T.H. đã xây được nền móng vững chắc cho những người đi sau ông trong lĩnh vực này. Chợt nhớ câu thơ của Đỗ Phủ mô tả công tích của một người có công với bản quán mình: “Vô nhân lập bi kiệt / Duy hữu ấp nhân tri” (Không có ai lập bia để thờ ông ấy / Nhưng người trong làng xóm đều biết cả). Thiết nghĩ, cái từ “ấp nhân” ấy, với trường hợp T.H.Â, không chỉ giới hạn trong tỉnh Phú Yên, mà đã được mở rộng hơn nhiều, trong mối quan hệ giũa những đặc điểm của một địa phương đối với cả nước, trong lĩnh vực địa chí học.

***

Nhưng trước khi đến với công việc nghiên cứu, T.H. viết song song cả thơ và truyện. Từ truyện ngắn đầu tiên có nhan đề Dáng dấp in trên báo Văn Nghệ Tiền Phong, mãi đến 40 năm sau, ông mới in thành tập đầu tiên (Tiếng hát nhân ngư - 1997). Ở tập truyện này, “có những truyện thích mà phải bỏ ra, thay vào những truyện không được như ý”. Trong mảng truyện viết trước năm 1975, ở nhiều truyện, sự kiện và tình tiết lấy bối cảnh là đất và người của huyện miền núi Sơn Hòa thân thương của tác giả. Ở một số truyện ngắn khác có tính chất phê phán thực trạng xã hội miền Nam, (cũng được viết trong giai đoạn này), cách miêu tả hiện thực dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhằm tạo nên sự đa dạng được nhà văn chọn làm “chỗ dựa” đã được phát triển hơn nữa trên những trang viết trong khoảng 30 năm trở lại đây. Phải chăng, vì vậy mà nhà thơ Thanh Quế đã cho rằng, ông thích văn xuôi hơn là thơ của T.H.Â. Còn nhà văn tiêu biểu của Phú Yên là Võ Hồng thì nhận xét về văn xuôi của T.H. là “bình dị, viết không hoa hòe tô điểm nên người đọc tin đây là chuyện thật. Kỹ thuật quan sát, ghi nhận, nghệ thuật chọn chữ đặt câu có thể làm mẫu cho học sinh”. Đọc hai tập truyện của ông gửi tặng, tôi nghĩ, ông đã khắc họa đậm nét đôi phần lịch sử, huyền sử, phong tục một thời của tỉnh Phú Yên bằng tình - yêu - điềm - đạm của một nhà thơ.

***

Nhưng tôi vẫn cho rằng, sự nghiệp của ông chính là ở Thơ. Hơn 40 năm từ khi nghe bài thơ “Thuyền giấy” của ông, được đọc trên đài phát thanh Sài Gòn (cũ), vẫn không thể quên nét trong trẻo này: “Bàn tay bé em thả con thuyền giấy / Xếp vụng về góc giấy chực xòe ra / Không có gió nên thuyền trôi rất nhẹ / Em dõi theo và hát khẽ : dô ta”. Bốn mươi năm, những câu thơ như thế không mờ mà lại càng thêm nét đằm thắm, pha một chút bùi ngùi. Bởi vì, thế giới thơ của T.H. là một thế giới đã mất - đang mất, đối với tất cả chúng ta. Những hình ảnh, những con người của Phú Yên trong thơ ông cũng là những gì của một nông thôn Việt đang dần dần lùi xa trong ký ức. Cái vốn hiểu biết về văn hóa nông thôn, tâm hồn mơ - mộng - cổ - điển và ít nhiều nỗi thất vọng của con người trong một đời sống ngày càng hiện đại đã tạo nên cái “hợp chất” để làm thành giọng thơ riêng. “Em nhớ. . . chiều chiều vây quanh giếng Trạm / bàn tay tròn cô gái vuốt dây gàu / chuỗi khúc khích bỗng nhiên dừng - cả đám / ngơ ngác nhìn - vườn rớt chiếc mo cau”.

Cái thế giới có nhiều tiếng động của quá khứ ấy, giờ đây, còn chăng chỉ là những “giọng Mường xa lạ” giữa xô bồ của mênh mông phố người. Thanh âm trong thơ T.H. là những tiếng vọng của cuộc đời đã được chưng cất qua tâm thức thi sĩ để trở thành một thực thể song trùng: Đời đục - Thơ trong. Như thế, Thơ đã vượt khỏi phạm trù nghệ thuật để trở thành mục tiêu lý tưởng của con người. Lý tưởng ấy chỉ có thể được nhận biết sau khi đã “chạm mặt” với hư vô. Để làm gì, nếu không là để trở lại với phận làm người trong niềm - đau - vinh - dự: “Tiếng vượn hú sầu thấu động tầng mây / Ba tiếng vừa nghe đủ sa nước mắt”. Ấy là chỗ “vậy vậy” của cuộc đời: “Và mỗi buổi chiều, chân guốc gỗ / Tay cắp sau lưng dạo chợ tàn / Ơ, cuối cuộc đời là vậy vậy / Dãy lều trống vắng nắng dần tan”. Nhưng, đó cũng chính là niềm vui thầm lặng trong nỗi cô đơn muôn đời của thi sĩ. Chính vì hạnh phúc này mà con người đã sống và không ngừng vượt qua chính mình. Cho nên, sẽ không có gì lạ khi hầu hết những nghệ sĩ chân chính, về cuối đời, đều nhận ra rằng, cuộc sống, ở đâu và vào thời nào cũng không khác nhau.

Nguyễn Du thì “mua vui cũng được một vài trống canh; Bùi Giáng thì nói “vui thôi mà”; T.H. thì “sống như là để giỡn chơi”… Nhưng tất cả đều có chung một tình yêu: “Cuộc đời ơi hỡi thương nhau lắm”. Đấy là hạnh phúc, đồng thời là sự bất hạnh của thi sĩ, hạng người luôn luôn bất hòa với đời sống trong một mối liên hệ gần - gụi -  chia - xa.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
Theo NVTPHCM


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...