Trải qua một quá trình dài gần 80 năm, từ một vùng văn học
mới phôi thai, văn học quốc ngữ Nam Bộ trở thành một vùng văn học phát triển,
có nhiều thành tựu phong phú và giàu bản sắc.
Cuối thế kỷ XIX, các nhà văn chủ yếu là các trí thức xuất
thân từ nhà thờ hay có liên hệ mật thiết với nhóm ấy, như: Trương Vĩnh Ký với
Trương Minh Ký – con rể ông, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản. Đầu thế kỷ XX lực
lượng sáng tác có sự mở rộng, phong phú đa dạng hơn: hai thập niên đầu tiên của
thế kỷ XX lực lượng sáng tác chủ yếu là các nhà văn duy tân, như: Nguyễn Thần
Hiến, Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Trương Duy Toản, Đặng
Thúc Liêng…. Thập niên hai mươi và ba mươi có sự bổ sung phong phú hơn: có những
nhà nho bắt đầu chuyển sang dùng chữ quốc ngữ: Thượng Tân Thị, Lê Sum, Nguyễn
An Khương, Trần Phong Sắc, Huyền Mặc Đạo Nhân…; có khá nhiều nhà văn nữ xuất hiện:
Sương Nguyệt Anh, Phan Thị Bạch Vân, Elen Anh Hoa, Nguyễn Thị Manh Manh, Mộng
Tuyết…; đông đảo hơn cả là các trí thức Tây học: Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu,
Tân Dân Tử, Biến Ngũ Nhi, Phú Đức, Đông Hồ, Trúc Hà, Lư Khê…; có những nhà văn
từ miền Trung, miền Bắc vào như: Nam Kiều Trần Huy Liệu, Bửu Đình, Phan Khôi,
Đào Trinh Nhất… Cuối thập niên ba mươi đến 1945 có thêm nhóm trí thức cách mạng
như: Cao Hải Để, Trần Hữu Độ, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Nguyễn, Kiều Thanh Quế…
Mục đích của việc sáng tác, dịch thuật trước hết là để học
chữ quốc ngữ và làm quen với văn hóa phương Tây, au đó mới sáng tác để thưởng
thức và hiểu biết con người và xã hội. Bên cạnh đó là sáng tác để khơi dậy lòng
yêu nước và làm cách mạng.
Quá trình sáng tác đi từ dịch thuật và mô phỏng, sau đó mới
chuyển viết sáng tạo. Văn thể chuyển từ thơ, văn vần sang văn xuôi là chính.
Qua quá trình đó, văn học Nam Bộ đã có những giá trị và đặc
điểm gì, có vị trí thế nào trong quá trình hiện đại hóa dân tộc.
Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) năm 1883, tuổi
46
1. Văn
học Nam Bộ tiên phong trên con đường hiện đại hóa
Từ cuối thế kỷ XIX ở Sài Gòn đã xuất hiện một thế hệ trí
thức mới. Có người học trường đạo Penang (Malaysia) như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh
Của; có người ở Trường Lycée Alger (Algieria) như: Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng
Quản, Diệp Văn Cương). Họ trở thành những nhà văn tiên phong trong việc xây dựng
văn học Quốc ngữ.
Dịch văn học: Với các tập Chuyện Phan
Sa diễn ra quốc ngữ (Bản in Nhà hàng C.Guilland et Martinon,
S.1884), Truyện ngụ ngôn của Pháp (1884-1885), Phú bần
diễn ca (S.Nhà hàng C.Guilland et Martinon, in lần đầu 1885), Tê
Lê Mặc phiêu lưu ký (đăng báo 1885, in sách 1887, dịch từ Telémarque
phiêu lưu ký / Aventures de Telémaque của Fénelon), Francinet (đăng
Gia Định báo từ số 36, năm 21, ngày 5.9.1885)…Trương Minh Ký trở thành dịch giả
tiên phong trong việc dịch văn học phương Tây và văn học Pháp của nước ta. Sau
đó là bản dịch Truyện Robinson do Trần Thái Nguyên dịch đăng trên Gia Định
báo ngày 24/4/1886 , Tiền căn báo hậu của Trần Chánh Chiếu dịch từ Le Comte de
Monte Cristo của A.Dumas, xuất bản năm 1907…
Ký: Ký sự bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên là quyển Chuyến
đi Bắc Kỳ năm Ất hợi (1876) phụ đề tiếng Pháp: Voyage au Tonkin
en 1876, Bản in Nhà hàng C. Guilland et Martinon, Sài Gòn, 1881. Sau đó là 2
thiên du ký bằng thơ của Trương Minh Ký: Chư quấc thại hội (Commerciale
Rey, Curiole & Cie xuất bản, Sài Gòn, 1891), cuốn ký sự bằng thơ song thất
lục bát ghi lại chuyện đi dự Hội đấu xảo Paris 1889; Như Tây nhựt
trình (khởi đăng trên Gia Định báo từ 10.04.1888 đến
16.04.1890, sau đó Imp.Ruy et Curiol xuất bản, 1889), cuốn ký sự bằng thơ song
thất lục bát dài 2000 câu ghi về một chuyến đi Pháp.
Tiểu thuyết, truyện ngắn: Cuộc thi “Quốc
văn thí cuộc” do Trần Chánh Chiếu, chủ bút khởi xướng trên báo Nông cổ
mín đàm năm 1906 có thể coi như cuộc thi sáng tác tiểu thuyết quốc ngữ
đầu tiên ở Việt Nam. Giải thưởng được công bố một năm sau trên tờ báo ấy, số
280, ngày 5/3/1907, giải nhất, giải duy nhất dành cho Lương Hoa Truyện của
Pierre Eugène Nguyễn Khánh Nhương, tác phẩm duy nhất dự giải. Nhưng tác phẩm
này sẽ mở ra một mùa sai quả sẽ rộ lên vài năm sau đó. Đó là: Hoàng Tố
Anh hàm oan (1910) của Trần Thiên Trung, cuốn tiểu thuyết mở đầu cho
khuynh hướng hiện thực phê phán; Lâm Kim Liên tự truyện, của
Trần Chánh Chiếu, 1910). Phan Yên ngoại sử – Tiết phụ gian truân (1910)
của Trương Duy Toản, cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng quốc ngữ đầu tiên; Chơn
cáo tự sự (1910) của Michel Tinh; Hà Hương phong nguyệt (1912)
của Lê Hoằng Mưu, cuốn tiểu thuyết tâm lý – xã hội đầu tiên… Vài năm sau nữa sẽ
xuất hiện kiện tướng của tiểu thuyết Nam Bộ: Hồ Biểu Chánh với hàng loạt tác phẩm
phóng tác và sáng tác: Ai làm được(1919), Cay đắng mùi đời (1923), Cháu
tàu Kim Quy (1923), Ngọn cỏ gió đùa (1926)…
Nếu so với các nước khác trong khu vực văn hóa chữ Hán, với
thành tựu của văn học Nam Bộ, thì nền văn học mới của Việt Nam ra đời rất sớm,
tương đương với Nhật Bản, sớm hơn nhiều Trung Quốc và Triều Tiên/ Hàn Quốc:
Về báo chí, báo Việt Nam là sớm nhất (1865), kế đến là Nhật
Bản (1870 tờ Yokohama mainichi shimbun / Nhật báo Yokohama).
Trung, Hàn muộn hơn nhiều.
Về văn học dịch: Nhật Bản sớm nhất: 1878 bản dịch Tám
mươi ngày vòng quanh thế giới của Jules Verne do Kawajima Chùnosuke dịch,
5 năm sau là Việt Nam (1881 đến 1886 Chuyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ);
15 năm sau mới đến Trung Quốc (năm 1896 bản dịch đầu tiên: Cha và con của
nhà văn Nga Ivan Turgenev mới ra đời).
Về ký sự: du ký sớm nhất là thuộc về Nhật Bản: 1866 Tây
dương sự tình của Fukuzawa Yukichi. Kế đến là Việt Nam: du ký trong quốc
ngữ trong nước là của Trương Vĩnh Ký 1876 (Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi),
du ký quốc ngữ về nước ngoài là Như Tây nhựt trình - de Saigon à Paris của
Trương Minh Ký (1889). Trung Quốc thì chậm hơn nhiều - phải 10 năm sau mới
có Hạ Uy Di du ký của Lương Khải Siêu (hoàn thành năm 1899).
Về tiểu thuyết: tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nasm và Nhật
Bản ra đời gần như cùng một năm: Truyện thầy Lazaro Phiền tiểu
thuyết của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887, cũng năm ấy tiểu thuyết Phù
vân (Ukigumo) của Futabatei Shimei cũng ra đời. Nhưng Trung Quốc và
Hàn Quốc phải trên 30 năm sau mới có những tiểu thuyết đầu tiên của Lỗ Tấn (Nhật
ký người điên, 1918), của Lee Kwang-su (Vô tình, Nỗi bi ai của cậu bé,
tiểu thuyết 1917).
Tất cả các hiện tượng tiên phong của văn học Việt Nam nói
trên đều là thành quả của văn học Nam Bộ.
1. 2.Văn
học Nam Bộ đậm đà tinh thần yêu nước và thống nhất dân tộc
Thế kỷ XX ở Nam Bộ mở ra bằng phong trào duy tân mạnh mẽ.
Nguyễn Thần Hiến người Hà Tiên, sau cuộc gặp gỡ với Phan Bội Châu vào năm 1904
đã trở thành nhân vật tích cực của phong trào Đông du. Ông từng làm Tổng
Ủy viên sự vụ khi lưu lạc sang Xiêm, phụ trách Nam Kỳ trong ban lãnh đạo
Việt Nam Quang phục hội (1912), cuối cùng bị bắt, bị giam trong Hỏa Lò và chết
trong tù ngục. Trần Chánh Chiếu từ điền chủ giàu có ức vạn ở Rạch Giá, có quốc
tịch Pháp với tên gọi là Gillbert Chiếu, sau trở thành nhân vật lãnh
đạo phong trào Minh Tân Nam Kỳ. Ông lập hệ thống Minh Tân khách sạn, hãng xà
bông Canard (Con vịt)… Với tư cách là chủ bút Lục tân tân
văn, ông đã biến tờ báo này thành cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng
duy tân và ông bị bắt, bị bỏ tù từ ngay trong chức vụ đó. Cùng tham gia phong
trào Minh tân Nam Kỳ còn có Trương Duy Toản, nhà văn, nhà báo, soạn giả cải
lương. Sau các ông một chút, có nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, chủ bút tờ báo nữ giới
đầu tiên Nữ giới chung, Phan Thị Bạch Vân chủ bút tờ tạp chí Tinh
thần phụ nữ vừa đấu tranh cho nữ quyền, vừa hoạt động yêu nước. Nhà xuất
bản Nữ lưu thư quán Gò Công của bà là sách phụ nữ sớm nhất và lớn nhất trong cả
nước, quy tụ nhiều nhà văn Nam Trung Bắc. Phan Thị Bạch Vân bị ra tòa “về tội
phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng” (Phụ nữ tân văn số
39, 13.2.1930, tr.25). Nguyễn Văn Vinh người Bến Tre, bị 5 năm tù treo vì hoạt
động chống Pháp, mà tác phẩm Tam Yên di hận của ông một trong
những bằng chứng để chính quyền buộc tội ông. Bửu Đình, tác giả của Mảnh
trăng thu, Cậu Tám Lọ, Một thiên tuyệt bút Trường hận…cũng bị tù và
đày ra Côn Đảo vì những hoạt động yêu nước. Đã có đến hàng trăm quyển tiểu
thuyết của các nhà văn Nam Bộ bị chính quyền thực dân Pháp cấm lưu hành, như
các tác phẩm của Nguyễn Kim Đính, Dương Quang Nhiều, Phú Đức, Cao Chánh, Ngọc
Sơn (Phi Long), Sơn Vương, Lưu Thoại Khải (Việt Đông)…
Tinh thần yêu nước cũng làm nảy sinh ra trào lưu sáng tác
tiểu thuyết lịch sử từ giữa thập niên 1920 trở đi, nhất là tiểu thuyết viết
về lịch sử dân tộc. Không kể Trương Duy Toản, Tân Dân Tử, hai nhà văn chuyên viết
về lịch sử Nam Bộ thời Nguyễn Ánh([1]) thì có thể thấy
một số tác giả dưới đây viết về đề tài lịch sử dân tộc Lý Trần Lê:
Hồ Biểu Chánh có: Nam cực tinh huy, Nhà
in Đức Lưu Phương, SG, 1924, viết về Ngô Quyền; Nặng gánh cang thường, Càng
Long, 1930 viết về lịch sử thời Lê Thánh Tông.
Nguyễn Chánh Sắt có: Việt Nam Lê Thái Tổ, tiểu
thuyết lịch sử, 4 tập, Đức Lưu Phương xuất bản, SG, 1929
Việt Đông có: Vì nước bạc tình (Triệu Võ Vương
đánh Thục), lịch sử tiểu thuyết, Phạm Đình Khương xuất bản, SG,
1935
Phạm Minh Kiên là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử dân tộc
nhiều nhất – 6 tác phẩm. Đó là: Vì nước hoa rơi (Nhà in Xưa
nay, SG, 1926), Việt Nam anh kiệt - Vì nghĩa liều mình (Impr.
Duy Xuân, Sađec, 1926), Việt Nam Lý trung hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt) (Nhà
in Đức Lưu Phương, SG, 1929), Lê triều Lý thị (Impr.
Nguyễn Văn Viết, SG, 1931), Tiền Lê vận mạt (Tín đức
thư xã, SG, 1932), Trần Hưng Đạo (Tín đức thư xã,
SG, 1933).
Khi viết về lịch sử dân tộc, các nhà văn ấy có ý thức rất
rõ về công việc của mình là nhằm phổ biến quốc sử vào dân chúng, qua đó hun đúc
lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Trong lời Tựa cho tiểu thuyết Lê triều
Lý thị của mình, Phạm Minh Kiên viết: “Sự tích ly kỳ của ông Lý Công Uẩn
chẳng khác nào Triệu Khuông Dẫn bên Tàu: mà Triệu Khuông Dẫn người ta đã có đem
ra thêu thùa bày vẽ, sắp đặt nên truyện nên tuồng rất dài để bia danh nên giá;
còn Lý Công Uẩn nhà ta thì chôn chặt ở trong hòm quốc sử”.
Trong Lời tựa tiểu thuyết Việt Nam Lê Thái Tổ của
mình, Nguyễn Chánh Sắt nhắc đến lịch sử Đinh, Lê, Lý, Trần và mục đích sáng tác
của mình: “Nước Việt Nam ta từ ngày lập quốc nhẫn xuống Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê
cho đến bổn triều, trải bốn ngàn năm, biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt, dọc trời
ngang bể, oanh oanh liệt liệt mà đối phó với nước ngoài (…), sánh với các nước
bên cõi Á Đông này thì dân tộc Việt Nam ta cũng được vẻ vang trong lịch sử (…).
Nay ký giả viết bộ tiểu thuyết này đây là rút ra trong quốc sử mà phô diễn ra,
gồm đủ văn chương và luân lý, có ý biểu dương những công lao sự nghiệp của một
đấng vĩ nhân Nam Việt là Lê Thái Tổ cùng những trang hào kiệt danh tướng đương
thời”.
Ngay như việc sáng tác văn học bằng tiếng mẹ đẻ, để từ đó
bồi đắp văn hóa nước nhà cũng là biểu hiện của tinh thần yêu nước sâu sắc. Còn
nhớ trên báo đầu thập niên 1930 có đăng bài của ông Hồ Duy Kiên, nghị viên
quản hạt, trong bài báo ấy ông cho rằng tiếng Việt là patois - chỉ là thổ
ngữ, đầy những bất hợp lý và lạc hậu. Ông chủ trương dùng tiếng Pháp, một thứ
ngôn ngữ chặt chẽ, khoa học, thay cho tiếng mẹ đẻ trong hành chính, cũng như
trong giáo dục, báo chí. Bài báo ấy bị Phan Khôi phản đối kịch liệt trên Phụ
nữ tân văn. Như vậy các nhà văn Nam Bộ viết văn viết báo bằng tiếng Việt
cũng là tránh cho tiếng Việt chỉ là “thổ ngữ” mà trở thành ngôn ngữ văn học,
tinh tế và phong phú, sâu sắc.
3. Văn học Nam Bộ giàu tính đạo lý
Trọng đạo lý là một truyền thống trong văn học Nam Bộ được
mở ra từ Võ Trường Toản (thế kỷ XVIII), được vun đắp bởi Gia Định Tam Gia (Lê
Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh, Trịnh Hoài Đức), Phan Thanh Giản và thành tựu bởi
Nguyễn Đình Chiểu và thế hệ các nhà văn cùng thời với ông: Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh
Mẫn Đạt, Phan Văn Trị… Văn học quốc ngữ Nam Bộ vẫn tiếp tục truyền thống đó. Hồ
Biểu Chánh là nhà văn xã hội lớn nhất Nam Bộ. Tác phẩm của ông với những Chúa
Tàu Kim Quy, Ngọn cỏ gió đùa, Nặng gánh cang thường, Cay đắng mùi đời,
Chút phận linh đinh, Cha con nghĩa nặng…dù mang đậm hơi thở của cuộc sống
hiện thực, nhưng cũng là những câu chuyện thấm đẫm đạo lý với những hiếu hạnh,
tiết nghĩa, với những ước mơ đạo lý cổ truyền: “Ở hiền gặp lành”, “Thiên
võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng
lộng/ Thưa nhưng khó thoát), “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo/ Chỉ tranh
lai tảo dữ lai trì” (Thiện ác cuối cùng rồi sẽ báo/ Chỉ
là sớm muộn đến mà thôi)…
Không riêng gì Hồ Biểu Chánh, các nhà văn khác khi phản
ánh đời sống xã hội Nam Kỳ đang trên con đường đô thị hóa tư bản chủ nghĩa, thường
đứng từ lập trường đạo lý cổ truyền để phê phán.
Nguyễn Thành Long với: Lỗi bước phong tình (Chuyện
cô Ba Jeannette), (tiểu thuyết, 4 tập, Imprimerie de l’Ouest, Cần thơ,
1922); Sổ đoạn trường “của cô Lâm Kim Lang tự thuật”
(tiểu thuyết, 4 tập, Imp.Đông Pháp, Nguyễn Kim Đính, SG, 1924).
Sơn Vương với: Bạc trắng lòng đen (đoản
thiên tiểu thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1930); Phản bạn vì
tình (đoản thiên tiểu thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, SG,1930); Làm
nhơn được vợ (Vô Song Nữ (tức Sơn Vương), tiểu thuyết, SG, Nhà in Đức
Lưu Phương, 1931); Ai bạc tình? (đoản tiểu thuyết, Nhà in Đức
Lưu Phương, SG, 1931); Anh bạc tình (đoản thiên tiểu thuyết,
Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1931)…
Việt Đông với: Lỗi hẹn quên thề (tiểu
thuyết, Nhà in Đức Lưu Phương, SG); Nghĩa tào khương (In lần
thứ 1. - Chợ Lớn : Impr. Phạm Đình Khương, 1935); Rể thảo là trai (Ellen
Anh Hoa và Việt Đông, S. : Impr. Bảo Tồn, 1935); Vợ hiền của
tôi (In lần thứ 1. - S. : Impr. Bảo Tồn, 1937)...
Nguyễn Bửu Mọc với: Chút phận cam go (Tâm
lý tiểu thuyết, 3 cuốn, Impr.J.Viết, năm ?), Chút phận cô
đơn (tiểu thuyết, Lục tỉnh tân văn 1931),Kén rể chọn
dâu (2 tập, tiểu thuyết, Imp.J.Nguyễn Văn Viết, SG, 1931); Cô
giáo Yến Hoa lụy vì tình (tiểu thuyết, Imp.J.Nguyễn Văn Viết, SG,
1931); Kẻ oan người ưng (tiểu thuyết, Imp.J.Nguyễn Văn Viết,
SG, 1932); Hổ thầm (tiểu thuyết, Imp.J. Viết, SG, 1932); Chị
em bạn dâu (tiểu thuyết, Imp.J.Viết, SG, 1933)…
Và hàng loạt các nhà văn khác như: Cẩm Tâm, Đào Thanh Phước,
Ellen Anh Hoa, Gabriel Võ Lộ…Cảm hứng đạo lý làm nền cho các tác phẩm phản ánh
hiện thực tạo ra khuynh hướng xã hội-đạo lý khá đặc biệt của văn học quốc ngữ
Nam Bộ.
4. Văn học Nam Bộ có tính chất đại chúng và phong
cách bình dân
Nền văn học mới theo mô hình phương Tây được sinh ra
trong các đô thị tư bản chủ nghĩa, về bản chất đã có tính đại chúng, thị trường
và hướng tới độc giả bình dân. Tuy nhiên do tính chất đô thị hóa sớm và sâu sắc,
do điều kiện kinh tế tương đối dễ dàng và còn do chịu sự chi phối bởi truyền thống
mà tính đại chúng, thị trường và phong cách bình dân trong văn học Nam Bộ được
chú ý nhiều hơn ở các vùng khác của đất nước.
Báo chí ra đời sớm, lại được hưởng quy chế có phần tự do
hơn Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nên báo chí Nam Kỳ phát triển rất mạnh. Vào cuối thế kỷ
XIX, trong khi các vùng khác chưa biết báo chí là gì thì ở Sài Gòn đã có 3 tờ
báo và 1 tờ tạp chí: Gia Định báo (ra đời năm năm 1865), Nam
Kỳ nhựt trình (le Journal de Cochinchine, 1885), Phan Yên Báo của
Diệp Văn Cương (ra đời năm 1898) và Miscellanées / Thông loại
khoá trình của Trương Vĩnh Ký (1888). Đến đầu thế kỷ XX hàng loạt các tờ báo lớn
ra đời: Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907),
Công luận báo (1916), Nữ giới chung (1918), Nam Kỳ kinh tế báo (1920), Đông
Pháp thời báo (1923), Trung lập báo (1924), Thần chung (1929), Đuốc nhà Nam
(1928), Phụ nữ tân văn (1929)… Sài Gòn thực sự trở thành “Kinh đô báo
chí” của cả nước. Báo chí đã tạo ra một tầng lớp đọc mới: anh công chức, ông tiểu
chủ, chị tiểu thương, các bạn học sinh sinh viên, kể cả bác tài xế, anh đạp
xích lô… mỗi người một tờ báo đọc khi rảnh rỗi, rồi từ báo mà đến sách. Người
vùng khác đến sẽ rất ngạc nhiên ở Sài Gòn tầng lớp lao động thành thị cũng đọc
báo, thậm chí nhiều tờ báo vào buổi sáng hay những lúc chờ khách, trong khi đó ở
các vùng khác, đối tượng này hình như bị các nhà báo, nhà văn bỏ quên.
Độc giả đã quyết định sáng tác. Rất nhiều các nhà văn bắt
đầu sự nghiệp văn học từ báo chí: người ta đăng truyện trên báo bằng hình thức
feuilleton trước khi đưa cho các nhà xuất bản in thành sách, như: Trương Minh
Ký, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Bửu Mọc, Phú Đức,
Nam Đình… Người ta dùng tiểu thuyết để thu hút độc giả, rồi từ đó tạo ra thị
trường sách văn học. Nhiều hình thức xuất bản, in ấn ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu
của độc giả. Sách được tách ra thành từng tập mỏng, thường dày khoảng 36 trang
vì vừa một “tay giấy” (một tờ giấy in typo khổ to, gấp lại thành 18 tờ, in 2 mặt
thành 36 trang). Số lượng sách in lớn – từ 2000 đến 5000 bản in lần đầu.
Giá sách rẻ - chỉ khoảng 3 xu. Có những nhà văn được độc giả mến mộ đã in truyện
của mình hàng tuần ra cố định vào một ngày như Lưu Thoại Khải với Việt
Đông văn tập ra ngày thứ Sáu.
Chữ quốc ngữ, báo chí đã tạo ra độc giả mới, từ lớp độc
giả này người ta đã quy định nền văn học mới đáp ứng yêu cầu của mình.
Trước hết là ngôn ngữ: ngôn ngữ phải như lời nói thường.
Ngay từ đầu các nhà văn Quốc ngữ đã chủ trương dùng câu văn xuôi tiếng Việt, đó
là "tiếng An Nam ròng" như Trương Vĩnh Ký nói (Ý sách (lời
tựa) Chuyện đời xưa, Imprimerie de Quy Nhơn, 1914, tr.3), “lấy tiếng thường
mọi người hằng nói” như Nguyễn Trọng Quản chủ trương (Tựa Truyện thầy Lazaro
Phiền, Sài Gòn, J. Linage, Libraire – Editeur, 1887). Ngôn ngữ trong tiểu
thuyết Nam Kỳ chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người nơi đây. Giai
đoạn đầu, nhiều tác phẩm còn viết bằng thứ ngôn ngữ nặng nề, vụng về, và in ấn
sai chính tả nhiều. Bên cạnh đó một số tác giả đã vượt lên, viết bằng thứ ngôn
ngữ trong sáng, có giá trị văn học cao. Đó là Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh,
Nguyễn Chánh Sắt, Phan Thị Bạch Vân, Phú Đức, Phan Huấn Chương, Phi Vân…
Tính chất đại chúng còn thể hiện ở sự phát triển mạnh mẽ
một số thể loại, thể tài văn học có sức hút cao. Đó là tiểu thuyết tình ái với
Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Việt Đông, Cẩm Tâm…; Tiểu thuyết lịch sử với Phạm
Minh Kiên, Tân Dân Tử…; Tiểu thuyết nghĩa hiệp với Nguyễn Chánh Sắt, Phạm Minh
Kiên...; Tiểu thuyết trinh thám với Biến Ngũ Nhi, Phú Đức…; Tiểu thuyết vụ
án với Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Phi Long…
Tính đại chúng, bình dân của văn học Nam Kỳ còn thể hiện ở
loại tiểu thuyết chú ý khai thác cốt truyện ly kỳ, giàu hành động. Nhiều
nhà văn chú ý ở kể chuyện và đối thoại mà ít chú trọng đến phân tích tâm lý.
Nhân vật trong tác phẩm của những nhà văn đó thường trải qua nhiều gian truân,
lưu lạc nhiều nơi, gặp nhiều cảnh ngộ éo le, cuối cùng thì kết thúc có hậu. Xã
hội được nhìn qua lăng kính đẳng cấp (giàu nghèo), nhân vật được nhìn qua lăng
kính đạo đức, lý tưởng xã hội chủ yếu là ở hiền gặp lành, ở ác thì bị trừng phạt.
Đó là cách nhìn của người bình dân. Chỉ có một số nhà văn, một số tác phẩm nhìn
nhận vấn đề xã hội sâu sắc hơn và phản ánh vào tác phẩm một thứ hiện thực trần
trụi hơn.
Kết luận
Văn học quốc ngữ Nam Bộ được sinh ra từ đô thị hiện đại
hóa sớm nhất là Sài Gòn, và mấy chục năm sau đó đều chủ yếu diễn ra ở thành phố
này. Sinh ra từ thành phố thuộc địa của một dân tộc bị mất nước, nên nó không
thể phát triển tự do. Mặc dầu vậy nó vẫn tìm cách tồn tại để xây dựng nền văn học
mới bằng ngôn ngữ dân tộc và có tính chất đại chúng. Trong mấy chục năm từ cuối
thế kỷ XIX đến thập niên 1930, văn học quốc ngữ Nam Bộ đã đạt được những thành
tựu rực rỡ với hàng mấy chục tác giả và hàng trăm tác phẩm. Văn học quốc ngữ
Nam Bộ là bộ phận tiên phong của văn học dân tộc, bên cạnh những tính chất
chung, nó cũng có những đặc điểm riêng làm phong phú thêm cho văn học dân tộc.
PGS.TS ĐOÀN LÊ GIANG
Nguồn: Tạp chí Nghiên
cứu văn học số 12 năm 2016
Chú thích:
[1] Trương
Duy Toản viết Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, Tân Dân Tử
viết: Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc, Hoàng Tử Cảnh như Tây.