Nhà thơ Lê Anh Xuân
1.
Giáo sư Ca Văn
Thỉnh có nhiều người con nổi tiếng như Ca Lê Thuần, Ca Lê Thắng, Ca Lê Hồng…
Riêng người con Ca Lê Hiến lấy bút danh Lê Anh Xuân khi theo đuổi sự nghiệp cầm
bút.
Sinh ra trong
gia đình cách mạng, Lê Anh Xuân vào chiến khu từ nhỏ, sau đó được đưa ra
Bắc học hành. Tốt nghiệp khoa Sử - ĐH tổng hợp Hà Nội, Lê Anh Xuân được cử đi
nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng
chàng thi sĩ quê gốc Bến Tre quyết định trở lại miền Nam chiến đấu cùng đồng
bào.
Hành trình
ấy được Lê Anh Xuân viết tỉ mỉ trong nhật ký khi bắt đầu từ ngày 22-12-1964 lên
đường vượt Trường Sơn “5 giờ chiều đi bộ ra ga Phú Thọ”.
Giai đoạn đầu làm thơ, Lê Anh Xuân vẫn dùng tên thật Ca Lê Hiến. Bài thơ “Nhớ mưa quê hương”
đánh dấu sự xuất hiện của ông trên thi đàn vào năm 1960: “Ta lặn xuống, nghe
vang xa tiếng sấm/ Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong… /Cơn mưa nhỏ của quê
hương ta đã sống/ Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông”. Lúc ấy, Lê Anh
Xuân 20 tuổi, cảm hứng sử thi nhen nhóm và định dạng như mạch thở xuyên suốt sự
nghiệp thơ ông: “Mưa đổ ào như thác
dồn trăm lối/ Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm/ Trang sử nhỏ nhà trường bỗng
hoá mưa giông / Nghe như tiếng của Cha Ông dựng nước…”.
Cơn mưa nhỏ kỷ
niệm cứ lớn dần thành cơn mưa lớn ý chí. Con đường trở lại miền Nam cũng
là con đường mở ra tâm hồn thi ca của Lê Anh Xuân: “Bóng dài ngả dọc đường dây/
Đoàn quân đi giữa trời mây chập chùng/ Này đồi, này suối, này rừng/ Khi mưa ướt áo, lúc bừng nắng lên/ Có đêm lặn lội
không đèn/ Bước cao bước thấp mưa đêm mịt mùng/ Có đêm đuốc đỏ sáng rừng/ Như
hoa bừng nở đón mừng ta đi”.
Trong nhật ký
của mình, Lê Anh Xuân cũng không che giấu những cực nhọc, những cam go mà mình
phải chịu đựng khi vượt Trường Sơn. Ngày 14-1-1965, Lê Anh Xuân viết: “Đi đường
dốc quá. Đi qua dốc “Tân binh”, khóc. Ngủ ở bờ sông Bạc”. Ngày 17-1-1965, Lê
Anh Xuân viết: “Ngủ võng. Sương xuống
lạnh quá. Sáng đi mệt”. Ngày 28-1-1965, Lê Anh Xuân viết: “Đi xa quá. Mệt, cáu.
Hoang mang. Ăn có 5 lạng gạo, đói”.
Những trang nhật ký Lê Anh Xuân để lại, không chỉ giúp
công chúng hiểu được những niềm riêng của ông, mà còn hé lộ công việc sáng tác
của ông. Bài thơ dài nhất của Lê Anh
Xuân là “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” được ra đời như thế nào, được thể hiện khá
chi tiết trong nhật ký.
Khởi bút từ “Ngày 18-5-1965, làm Trường ca về anh Trỗi”, mãi một năm rưỡi sau
vẫn thao thức, “Ngày 17-11-1965, cố gắng cho đến cuối 12 hoàn thành lần 1 trường ca anh Trỗi”. Và nhà thơ Lê Anh Xuân
đã thực hiện đúng kế hoạch “Ngày 28-12-1966, bắt đầu sửa tập thơ Nguyễn
Văn Trỗi. Cố gắng chép giao lại để đánh máy, sợ mất bản thảo” và kiên trì tiếp
theo “Ngày 31-12-1966. Cuối năm rồi. Đêm thức khuya, chép cho xong tập thơ Nguyễn Văn Trỗi. Ngày mai đi dân công.
Không biết đi bao lâu…”. Nhật ký Lê Anh Xuân cũng nói rõ người giúp đỡ hoàn thành tác phẩm này: “Ngày
6-1-1967. Chuẩn bị về cơ quan. Có cái gì như cay đắng.Về gặp lại anh Ái, mừng quá. Anh Ái
sang góp ý tập thơ của Hiến”.
Cuối cùng cũng đến lúc yên tâm giới thiệu tác phẩm. “Ngày 23-5-1967. Gửi tập
Trường ca Nguyễn Văn Trỗi ra Hà Nội”.
2.
Nhân vật “anh
Ái” góp ý cho tập thơ của Lê
Anh Xuân, chính là nhà văn Anh Đức – Bùi Đức Ái. Bút danh Lê Anh Xuân cũng có
liên quan mật thiết với nhà văn Anh Đức. Chữ “Anh” lấy theo Anh Đức, còn
chữ “Xuân” lấy theo Xuân Lan – em gái của Anh Đức. Nhà thơ Lê Anh Xuân dành cho Xuân Lan một tình yêu
thánh thiện và tôn thờ. Chuyện hò hẹn thề nguyện của họ đã được Lê Anh Xuân bộc
bạch trong nhật ký “Ngày 22-12-1966. Tròn hai năm H bắt đầu rời Hà Nội và hơn ba năm rồi H xa XL kể từ hôm đưa XL ở
ga Hàng Cỏ. Biết bao thử thách đã trải qua… Nghe tin “Hòn đất” của anh
Ái đã in 35.000 cuốn. Mừng cho anh Ái, anh vợ của mình, mừng cho XL…”. Có lẽ
không chú thích thì ai cũng dễ dàng đoán được, H là viết tắt tên thật Hiến của
Lê Anh Xuân, còn XL là viết tắt tên Xuân Lan.
Bởi sự gắn bó ấy, nhà văn Anh Đức đã có can dự vào “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi”. Trong bài ghi
chép “Nhớ Lê Anh Xuân”, nhà văn Anh Đức kể: “Cái tạng người thư sinh của Hiến bị
sốt rét tấn công liên tục. Ở chung nhà với Hiến, tôi luôn để ý coi cơn sốt ngày hôm ấy có đến với Hiến không.
Trong nhiều buổi chiều tà, khi cánh rừng bằng lăng trút dần ánh nắng, cũng thường
là khi cơn sốt của Hiến hạ dần. Đó cũng là lúc tôi bớt lo. Tối đến, Hiến lại ngồi
vào bàn làm thơ. Dạo ấy Hiến đang viết Trường ca Nguyễn Văn Trỗi, dài gần hai
ngàn câu. Sau khi nghe Hiến đọc cả tập, tôi bàn với Hiến: Anh không rành về
thơ, nhưng theo anh, đối mặt với trường ca, em phải thận trọng. Tập này của em
có mặt mạnh, nhưng hơi dàn trải. Một bài thơ rời thì dễ quán xuyến, chứ
vài ngàn câu rất dễ bị hớ. Với lại em chú ý, thơ mà hiền quá, xuôi quá cũng không được, nó cần biến tấu, vận động, xốc
xáo…”.
Rút tỉa từ gợi
ý tinh tế của nhà văn Anh Đức, “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi”đã được Lê Anh
Xuân chỉnh sửa lại gọn gàng hơn, để
hôm nay độc giả vẫn còn nghe vang vọng những lời tha thiết trầm bổng:
“Có nơi đâu đẹp tuyệt vời/ Như sông,
như núi, như người Việt Nam/ Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/ Cà Mau cuối đất mỡ
màng phù sa/ Trường Sơn chí lớn ông cha/ Cửu Long lòng mẹ bao la sóng
trào/ Mặt trời ánh sáng tự hào/ Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do/ Bốn ngàn năm dựng
cơ đồ/ Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người/ Ôi Việt Nam! Việt Nam ơi!/ Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha”.
3.
Cảm hứng sử
thi trong thơ Lê Anh Xuân, không chỉ lan toả trong “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi”,
mà thể hiện ngay trong những bài thơ đơn lẻ, như viết về những hàng dừa ở quê
hương Bến Tre “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi/ Mà lá tươi xanh mãi đến
giờ/ Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi/
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua/ Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu/ Từng ngâm thơ
dưới rặng dừa này/ Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc/ Vừa qua đây còn
lầy lội đường dây”, hoặc viết về trận Ấp Bắc oanh liệt “Và đâu đây mùi bùn đất
Việt Nam/ Tất cả đã trở thành bất tử/ Từng ngọn gió đã thổi vào lịch sử/ Tôi tưởng nơi đây tan nát còn đâu/ Lạ
lùng thay lúa vẫn tươi màu/ Lúa
trùng điệp vây quanh đồn giặc/ Lúa bất khuất như người bất khuất/ Phù sa đã
lấp những hố bom/ Và cả những vết thương của tâm hồn”.
Kết tụ rõ
nét cảm hứng sử thi trong thơ Lê Anh
Xuân phải nhắc đến bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”. Ban đầu bài thơ được đặt tên
là “Anh giải phóng quân”, lấy nguyên mẫu từ một chiến sĩ tấn công phi trường
Tân Sơn Nhất trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân. Đây là bài thơ cuối cùng Lê Anh
Xuân gửi lại cho Ban văn nghệ Trung ương Cục miền Nam, trước khi tiến vào vùng phụ
cận Sài Gòn và hy sinh. Nhà văn Anh Đức đã đổi tên bài thơ thành “Dáng đứng Việt Nam” và lúc bài thơ được
in báo thì Lê Anh Xuân không còn nữa, chỉ còn một huyền thoại cho thế hệ
sau nâng niu: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì
cho Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để
lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ giải phóng quân/ Tên Anh
đã thành tên đất nước/ Ôi anh Giải phóng quân!/Từ dáng đứng của Anh giữa
đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Sự nghiệp thơ
của Lê Anh Xuân chỉ gói gọn 10 năm, ngay trong giai đoạn bom đạn dữ dội, nên
tính nghệ thuật nhiều tác phẩm vẫn chưa kịp chưng cất thật hàm súc. Tuy nhiên,
nếu đọc kỹ lưỡng những vần điệu Lê Anh Xuân để lại, thì cũng rất bất ngờ
khi bắt gặp những câu thơ đậm phẩm
chất tài hoa của một người đầy mơ mộng “Anh là con sông chảy trước nhà em”.
Ví dụ, bài thơ
ngắn không đặt tên được viết trong nhật ký ngày 5-1-1965 có hai câu “Ai
tắm bên khe đá/ Tiếng suối chảy triền miên”, không thấy mặt người sinh động nhưng thấy hồn người lãng mạn.
Hoặc trong bài thơ “Trở lại quê nội”
có hai câu cực kỳ ấn tượng “Em ơi sao tóc em thơm vậy/ Hay em vừa đi qua vườn sầu
riêng” làm nổi bật lên vẻ đẹp độc đáo của phụ nữ Nam bộ!
Với khát vọng
“Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do”, nhà thơ Lê Anh Xuân mang lý tưởng phụng sự kháng chiến, phụng sự dân tộc
đi vào thơ Việt. Tinh thần cống hiến và tinh thần sáng tạo theo chân Lê Anh
Xuân qua mỗi bước đường, gặp điều gì ông cũng muốn viết thành thơ.
Chẳng hạn, nhật
ký ngày 1-1-1967, Lê Anh Xuân tâm sự: “Xuống B13, gặp cô gái nhỏ cũng đi
nữa. Đề tài của một bài thơ. Tuổi
16, An Phú Đông, con một, cha chết chỉ còn mẹ. Thoáng qua trong giấc mơ, hiện thân của sự trong trắng, ngây thơ.
Ôi những thiên thần của tuổi nhỏ, tuổi hoa niên. Khuôn mặt trong sạch, dáng
thon dịu. Đi vào cách mạng với sức trẻ phơi phới. Có thể viết nhan đề bài thơ
là “Thơ về tuổi nhỏ”, hoặc “Trăng rằm” hay “Tuổi mười sáu”!”.
Vì vậy,
không khó hiểu khi một trái tim nồng nàn như Lê Anh Xuân có thể viết được những câu đắm đuối ngay trong những ngày
khói lửa giằng co sinh tử: “Đàn bò mộng chiều về ngang suối vắng/ Suối bỗng
vàng như chở nắng phù sa”.
LÊ THIẾU NHƠN
Nguồn: GD&TĐ