Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Phan Thanh Giản với những đóng góp vào văn học Hán Nôm Nam Bộ

Phan Thanh Giản, tên tự là Tĩnh Bá, lại tự là Đạm Như, tên hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, Ước Phu. Ông sinh ngày 12-10-1796, năm Bính Thìn, và mất vào ngày 5 tháng 7 năm Đinh Mão (4-8-1867), thọ 72 tuổi. Tiên tổ của Phan Thanh Giản là người Hoa, cuối đời Minh, di chuyển sang nước Nam, làm nhà ở tỉnh Bình Định. Đến khi loạn Tây Sơn, thì ông tổ đem cả gia quyến đến nhập tịch ở Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long.(1) 
Cụ Phan Thanh Giản

Cha của Phan Thanh Giản là Phan Văn Ngạn, sinh năm Mậu Tý triều Lê Cảnh Hưng (tức năm 1768), tại ấp Hội Trung, phường Hội Hoà, xã Ô Liêm, tổng Trung, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, tục gọi là xứ Giồng Phung (). Nay là thôn Hội Trung, tổng Trung An, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định(2). Ông Phan Văn Ngạn là con trai thứ ba của ông Ngẫu Cừ(3), tức ông Phan Thanh Tập(4). Sau đó gia đình ông Ngẫu Cừ đưa gia đình chạy loạn Tây Sơn vào định cư ở thôn mới lập là Tân Thạnh, tổng Tân An, châu Định Viễn, phủ Gia Định, sau là thôn Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Đạo, tỉnh Vĩnh Long(5). Lúc bấy giờ ông Phan Thanh Tập mới 3 tuổi, đến khi lớn theo việc học hành rất siêng năng, thông rõ nghĩa lớn của kinh truyện, vào làm ty lại ở dinh Vĩnh Trấn. Phan Thanh Giản sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Bảo Thạnh, bằng sự cần mẫn, siêng năng, nhẫn nại và một tinh thần kiên cường vượt khó đã đưa ông đến với con đường học vấn, và đi vào con đường nhiều vinh quang cũng lắm cay đắng thăng trầm trong 41 năm làm quan dưới triều Nguyễn.

Từ năm 1826, Phan Thanh Giản bước vào con đường làm quan, đời ông từ đây gắn liền với những hoạt động chính trị của triều Nguyễn. Phan Thanh Giản giữ nhiều chức vụ trong nhiều lĩnh vực, là Hiệp biện Đại học sĩ, quan đến chức Thượng thư. Ông từng được phong làm phó sứ đi Trung Hoa, chánh sứ đi Tây, và chuyến đi công cán đến Giang Lưu Ba (Jakarta, Indonesia), lại được sai phái đi khắp cả nước, từ nam đến bắc, từ đông sang tây. Như vậy có thể nói, Phan Thanh Giản là người có dịp tiếp xúc nhiều người và đi nhiều nơi, vì thế nhãn quan của ông hẳn cũng có chỗ không giống với người khác, điều đó có thể dẫn đến những bi kịch cuối đời. Cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản lắm thăng trầm, nhiều lận đận, nhưng ông vẫn không oán hận, theo kiểu của một nhà nho. Điều khiến người ta quý ông là ở tấm lòng thanh khiết, chịu khó, cần mẫn và tận tâm với mọi công việc dù lớn hay bé, dù những khi sang khi hèn, những mong báo đền ơn vua giúp dân an ổn.

Ở lĩnh vực văn hoá, Phan Thanh Giản những đóng góp cụ thể. Năm 1846, vua Thiệu Trị cho Phan Thanh Giản sung làm Tổng vựng biên soạn bộ Đại Nam hội điển sự lệ. Tiếp đó, trong vai trò Tổng tài của Quốc sử quán những năm 1856, 1860, 1864 còn kiêm quản Quốc Tử giám, ông có nhiều đóng góp trong việc biên soạn bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mụckhởi thảo biên soạn từ năm 1856 và hoàn thành năm 1881. Đây là một công trình đồ sộ, viết theo lối “cương mục”, chép lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương cho đến khi Quang Trung đại phá quân Thanh (1789), gồm 52 quyển. Bộ sách này, theo đánh giá của giới sử học: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục cùng với Đại Việt sử ký toàn thư là hai bộ quốc sử lớn nhất được khắc in toàn bộ trong thời đại phong kiến Việt Nam. Về phương diện này, chúng ta cần ghi nhận cống hiến to lớn của Phan Thanh Giản và với bộ quốc sử này, ông là một nhà sử học lớn”(6).

Đóng góp của Phan Thanh Giản về văn hoá còn thể hiện ở việc, ông cùng Nguyễn Thông và các sĩ phu Lục tỉnh di dời phần mộ nhà giáo Võ Trường Toản về làng Bảo Thạnh (Bến Tre) vì không muốn một bậc Thầy của Nam Bộ phải nằm trên vùng đất tạm chiếm của Pháp vào năm 1864. Khi nhậm chức ở Vĩnh Long, ông chủ trương cùng Nguyễn Thông hiệp lực với các sĩ phu xây dựng Văn Thánh miếu thờ Khổng Tử, lập Văn Xương Các làm nơi hội họp bình thơ văn, bàn kế sách an dân, canh tân đất nước (1864-1867). Ông còn dành thời gian soạn văn bia ca ngợi công đức của bậc hiền đức Võ Trường Toản, Phạm Đăng Hưng, Thiên Y thần nữ, bia Văn Thánh miếu... cho người đời sau được biết và đồng thời góp phần vào việc phát triển một loại hình văn học đặc biệt – văn bia – tại Nam Bộ. Ngoài ra còn có thể thấy đóng góp của Phan Thanh Giản trong việc giao lưu văn hoá hai vùng nam bắc, trong nước và ngoài nước được thể hiện trong các tập thơ văn của ông qua những bài thơ viết gửi, xướng hoạ, đề tựa, bạt...

Trong lĩnh vực giáo dục, Phan Thanh Giản là người tham gia làm chủ khảo trong các kỳ thi Hương, thi Hội, và độc quyển trong kỳ thi Đình, Điện tức là trực tiếp tham gia công tác chấm thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Sau khi đi sứ Trung Quốc về, Phan Thanh Giản được sai làm chủ khảo kỳ thi sát hạch các tú tài trong nước tuổi từ 40 trở lên để bổ dụng (1834), phó chủ khảo kỳ thi Hội và độc quyển kỳ thi Đình (1835), phó chủ khảo khoa thi Hương trường Thừa Thiên (1837 và năm 1840), độc quyển kỳ thi Đình (1841), chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nội (1841), phó chủ khảo kỳ thi Hội (1842), chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1846), chủ khảo kỳ thi Hội (1847), làm giảng quan ở Kinh diên (1849, 1856), độc quyển kỳ thi Điện (1849) góp phần trong việc đào tạo lựa chọn nhân tài cho triều đình.

Về sáng tác văn chương của Phan Thanh Giản, tác phẩm của ông hiện còn được tập hợp trong Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn thảo gọi chung là Lương Khê thi văn thảo do ông và các con trai sưu tầm và biên tập và tự tay viết bài tiểu tự năm 1866 trước ngày ông mất một năm. Trong năm ông mất, 1867, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là người viết lời tựa cho tập thơ của Phan Thanh Giản. Sau khi Phan Thanh Giản mất được hai năm, năm 1869, Tự Đức có dụ sai chép thơ văn của các đại thần như Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Nguỵ Khắc Tuần, Phạm Thanh, Trịnh Lý Hanh, Nguyễn Văn Giao, Nguỵ Khắc Đản, Hà Quyền, Nguyễn Du.(7) Đến năm 1876, Lương Khê thi văn thảo mới được cho khắc in. Hiện tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ các tập sau:

Lương Khê thi thảo梁溪詩草  , có 2 bản khắc in,một bản ký hiệu A.2125, gồm 298 trang, 25,5 x 15 cm; và một bản ký hiệu VHv.151, gồm290 trang, 25 x 16 cm; có một bản chép tay, ký hiệu A.255, gồm 264 trang, 30,5 x 21,5 cm. Lương Khê thi thảo có khoảng 454 bài thơ tả cảnh Kinh đô, trên đường vào Nam, đường sang Trung Quốc, thơ từ biệt gia đình, khóc bạn, ứng chế...

Lương Khê văn thảo梁溪文草 , có 4 bản khắc in, ký hiệu A.2125, 182 trang, 25,5x15 cm; và các bản ký hiệu VHv.856, VHv.857, VHv.91 đều có cùng số trang là 182; một bản chép tay ký hiệu A.292, gồm 282 trang, 31,5x22 cm. Lương Khê văn thảo gồm hơn 40 bài văn với nhiều thể loại sớ, luận, ký, tự, thuyết, luỵ, thư, luận, phú, châm, tụng, hành trạng, bi minh...

Ước Phu tiên sinh thi tập約夫先生詩集 , bản chép tay, 50 trang, 32 x 22 cm, ký hiệu A.468, gồm khoảng 85 bài thơ, văn của Phan Thanh Giản: tiễn, hạ, ứng chế, dụ, luỵ văn, tế văn, thư…

Sứ trình thi tập使程詩集  ,bản chép tay, 94 trang, 30x19.5 cm, ký hiệu A.1123, gồm 147 bài thơ đề vịnh, ngẫu tác, tức cảnh, tự thuật, hoài cổ, tặng hoạ thơ bạn bè... làm trên đường đi sứ Trung Quốc.
Ngoài ra, các sáng tác của Phan Thanh Giản còn thấy chép rải rác trong các thi tập, văn tập của các nhân sĩ đương thời do trong quá trình giao lưu trao đổi văn thơ đàm luận, như bài tựa cho Bái Dương thi tập của Ngô Thế Vinh (VHv.139), bài ký Thiên Y tiên nữ truyện ký chép trong Bi ký tạp biên (VHv.278), bài chiếu chép trong Chiếu biểu tập (A.2419), đề tựa cho Thi tấu hợp biên (VHv.1391/a, VHv.1391/b), tựa cho Dương mộng tập của Hà Tôn Quyền (VHv.1423)...

Bản cùng ký hiệu A.2125 gồm có Lương Khê thi thảo và Lương Khê văn thảo nên còn gọi chung là Lương Khê thi văn thảo. Trong bản ký hiệu A.2125 này, còn có phần Lương Khê thi thảo bổ di và Lương Khê văn thảo bổ di ở phía sau Lương Khê văn thảo.

Trong đó, Lương Khê thi thảo gồm có 18 tập nhỏ, được sáng tác trong các khoảng thời gian với những hoàn cảnh sau đây:

Quyển
Tên tập thơ
Số lượng
Khoảng thời gian
Hoàn cảnh sáng tác
1
Thái hương thảo
30
1818-1825
Viết khi chưa làm quan 
2
Vu Kinh thảo
30
1825-1826
Ra Huế thi Hội, viết khi trên đường ra kinh đô và trở về quê
3
Vu Kinh hậu thảo
9
1826
Hết hạn về quê, lại ra Huế chờ bổ dụng 
4
La Giang thảo
30
1826-1827
Viết khi nhậm chức Tri phủ ở Quảng Bình 
5
Thu Tào thảo
8
1827
Làm việc ở bộ Hình 
6
La Giang hậu thảo
4
6-1828
Viết khi làm Tham hiệp Quảng Bình
7
Toái cầm thảo
14
1829
Khóc Lê Bích Ngô, khi Phan Thanh Giản làm Tham hiệp Quảng Bình
8
Hoàng Châu thảo
22
1830
Nhậm chức hiệp trấn Ninh Bình, về Kinh
9
Thuật chinh thảo
2
1831
Tham gia việc dẹp loạn ở nguồn Chiên Đàn, Quảng Nam
10
Ba Lăng thảo
54
1831
Viết khi đi công cán hiệu lực đến Giang Lưu Ba, Tân Gia Ba
11
Cận quang thảo
13
1832
Sau chuyến công cán hiệu lực, được phục chức Hàn lâm kiểm thảo, Hành tẩu Nội các
12
Kim Đài thảo
124
1833
Viết khi đi sứ Trung Hoa với chức Phó sứ.
13
Hài Âm thảo
34
1834 -1839
Viết khi ở Kinh đô, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Định
14
Đàn Nguyên thảo
2
1838-1839
Coi việc khai thác mỏ vàng nguồn Chiên Đàn ở Quảng Nam
15
Tống Tinh thảo
31
1838 – 1839
Coi việc  khai thác mỏ bạc Tống Tinh ở Thái Nguyên
16
Tồn lạc thảo
9
1844-1847
Con trai Phan Thanh Giản là Quân mất khi 8 tuổi (1844), làm chủ khảo kỳ thi Hội năm Đinh Mùi (1847).
17
Nam hành thảo
1
1849
Làm khi đi công cán ở phương Nam
18
Ứng chế thảo
31
1856-1862
Hoạ thơ vua, làm theo yêu cầu của vua

Lương Khê văn thảo gồm 3 quyển: quyển 1 gồm các bài biểu sớ; quyển 2 gồm các bài ký, tự, luận, thuyết, thư, văn điếu…; quyển 3 gồm các bài luận, phú, châm, hành trạng, bi minh.

Lương Khê thi thảo bổ di có 22 bài thơ chữ Hán, trong đó có 20 bài vịnh cảnh Mai Lâm (gành Mù U) quê nhà của Phan Thanh Giản và 2 bài khác.

Lương Khê văn thảo bổ di có 4 bài: 1 bài bi, 1 bài ký, 1 bài truy điệu thuật hành trạng, 1 bài di sớ.
Như vậy, khảo sát thơ văn Phan Thanh Giản, chúng tôi thấy tập trung ở các tập sau:

Lương Khê thi văn thảo (A.2125)
- Ước Phu tiên sinh thi tập (A.468)
- Sứ trình thi tập (A.1123)

Thơ văn Phan Thanh Giản như một kiểu nhật ký cuộc đời ông. Văn chương phản ánh cuộc đời, ghi lại cuộc đời và công việc để bày tỏ chí, đạo, cảm xúc, tình cảm với ngôn từ chất phác, mộc mạc. Năm 1876, vua Tự Đức từng nhận xét về Phan Thanh Giản nhân kỳ thi Hội:

“Quốc triều ta, khoảng năm Minh Mạng, người đỗ giáp đệ như Hà Quyền, lời văn thanh nhã đẹp đẽ, chầu chực ở Nội các, công việc phần nhiều tinh nhanh, thường được khen thưởng; Phan Thanh Giản nết thuần thục, học nhiều, thơ văn cũng nhiều bài được...”(8)

Thơ văn Phan Thanh Giản nối tiếp mạch nguồn thơ văn Hán Nôm Nam Bộ trong buổi đầu nhà Nguyễn từ Đào Duy Từ, Hoàng Quang, Mạc Thiên Tích, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Ngọc Uẩn... Chính Phan Thanh Giản cũng là người sở đắc được cái học phong Nam Bộ từ người thầy chung của giới trí thức phương Nam Võ Trường Toản mà Nguyễn Thông cũng vô cùng khâm phục. Phan Thanh Giản cũng là người có những đóng góp lớn làm phong phú thêm cho nội dung và nghệ thuật văn chương Nam Bộ từ phương diện đề tài cho đến thể loại.

Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê và Cao Tự Thanh từng nhận xét xác đáng về sáng tác văn học của Phan Thanh Giản:

“Trên phương diện sáng tác văn học, Phan Thanh Giản là một tác giả rất đáng chú ý. Lương Khê văn tập của Phan Thanh Giản có nhiều bài biểu, sớ, ký, tự, thuyết… thể hiện sự kế thừa văn học ở Đàng Trong và sự tiếp thu văn học viết dân tộc ở địa bàn Trung Bắc và cả Hoa Nam, trong đó nổi bật nhất là về cơ cấu thể loại. Một số lời bạt của Phan Thanh Giản cũng cho thấy thời kỳ này các tác giả văn học Hán Nôm ở Gia Định đã quan tâm tới các vấn đề lý luận văn học hơn trước.”(9)

So với những nhà thơ trước đó và đương thời ở Nam Bộ, bộ phận sáng tác của Phan Thanh Giản đa dạng hơn. Thơ văn Phan Thanh Giản nói như Nguyễn Thông, cốt lấy chữ “thành” làm chủ. Vì thế, trong thơ Phan Thanh Giản, ta sẽ thấy ở đó phản ánh rõ nét sinh hoạt của cá nhân, gia đình, những con người, vùng đất nơi ông đã đi qua với hình ảnh chân thật và một tình cảm chân thành.

Có thể nói, đến Phan Thanh Giản, ta mới thấy nội dung phản ánh trong thơ trải khắp từ nam ra bắc, khắc phục được tình trạng vùng miền so với các nhà thơ ở Nam Bộ trong giai đoạn trước. Ở Nam Bộ, Phan Thanh Giản có chùm 20 bài vịnh cảnh Mai Lâm, nơi cha ông lớn lên và quay về sống phần đời còn lại:

寒香依約合成墟
沙磧依然太古餘
定識春花秋葉外
菊溪萄徑又何如

Hàn hương y ước hợp thành khư,
Sa thích y nhiên thái cổ dư.
Định thức xuân hoa thu diệp ngoại,
Cúc khê đào kính hựu hà như.

(Hương lạnh thoang thoảng tụ nên gò,
Cồn bãi vẫn như thuở hồng hoang còn sót lại.
Biết chắc là ngoài quy luật mùa xuân hoa nở mùa thu lá rụng,
Khe cúc đường nho không biết là như thế nào.)

(Cổ Mai Lâm cư – Lương Khê thi thảo bổ di)                   
    
Cảnh cầu ngang ở Nam Bộ được Phan Thanh Giản miêu tả:

野人村塢隔林溪,
野徑沙頭略彴低。
幽鳥一聲林際起,
行人已渡夕陽西。

Dã nhân thôn ổ cách lâm khê,
Dã kính sa đầu lược chước đê.
U điểu nhất thanh lâm tế khởi,
Hành nhân dĩ độ tịch dương tê.

Làng xóm của dân quê ở cách khe rừng,
Con đường quê cát trải dài khiến chiếc cầu nhỏ thấp xuống.
Một tiếng chim kêu trong khoảng rừng vắng,
Người đi đường đã qua bến đò trong bóng chiều lặn về tây.

(Hoành kiều – Lương Khê thi thảo bổ di)

Cảnh vật ở Bình Thuận, Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quang Nam… đều đực tái hiện trong thơ Phan Thanh Giản. Những bãi cát trắng, đất đỏ, con sông ở Bình Thuận xuất hiện trong thơ Phan Thanh Giản và trong đó thoáng hiện đời sống của ngư dân, nông nghiệp, kẻ bán rau người bán cá:

歷盡沙崖與水隈
此間風物洞然開
閭閻撲地成居聚
舸艦迷津任溯洄
賣菜兒童青洞出
沽魚婦女綠濱

Lịch tận sa nhai dữ thuỷ ôi,
Thử gian phong vật đỗng nhiên khai.
Lư diêm phác địa thành cư tụ,
Khả hạm mê tân nhậm tố hồi.
Mại thái nhi đồng thanh động xuất,
Cô ngư phụ nữ lục tân hồi…

(Đi hết đồi cát và khuỷu sông,
Cảnh vật nơi đây mở ra thật rõ ràng.
Cổng làng dựng trên mặt đất thành nơi quây quần sinh sống,
Thuyền ghe lạc bến mặc tình xoay tìm chỗ đậu.
Đứa trẻ bán rau từ hang núi xanh đi ra,
Người đàn bà bán cá quay về bến nước biếc…)

(Thuận Phan – Vu Kinh thảo)

Và:

西望紅沙千萬丈
囬遙認赤城垣

… Tây vọng hồng sa thiên vạn trượng,
Kỷ hồi dao nhận xích thành viên.

(… Trông về phía tây bãi cát đỏ trải ngàn vạn trượng,
Mấy lần ngoảnh trông cứ tưởng là bức tường thành màu đỏ.)

(Kinh Thuận động, 3 – Vu Kinh thảo)

Cảnh đồng bằng bao la, lau sậy chen chúc, vườn cây dâu gai. Cảnh người thu hoạch lúa vụ. Cảnh hàng tre xanh mướt chồi măng ở góc làng, chén nước chè trong quán chè quê toả hương... đều được Phan Thanh Giản miêu tả tỉ mỉ cho thấy sinh hoạt của một miền quê:

渺渺平蕪一望茫
茅柴雜遝對麻桑
田家幾處收新麥
邨落數緣長嫩篁
熱茗店蒸溪水
逺途客苦夏炎長

Diểu diểu bình vu nhất vọng mang,
Mao sài tạp đạp đối ma tang.
Điền gia kỷ xứ thu tân mạch,
Thôn lạc sổ duyên trưởng nộn hoàng.
Nhiệt mính điếm chưng khê thuỷ tịnh,
Viễn đồ khách khổ hạ viêm trường.

(Trông ra bãi bằng mênh mông xa thẳm,
Củi lau sậy xen nhau, bên kia là dâu gai.
Nhà nông mấy nơi đang thu vụ lúa mới,
Thôn xóm vài chỗ mọc lên những mầm măng non.
Trong quán, chè nóng được nấu bằng nước suối sạch,
Nỗi khổ của khách đường xa như dài theo tiết hè nóng nôi.)

(Giao hành, 2 – Thái hương thảo)

Bài 3 trong chùm Giao hành tả cảnh mưa chiều tắt nắng với những đứa trẻ chăn trâu đang lùa trâu về băng qua những vũng nước, những người đi đò chiều tranh nhau, khói mây bay trong gió và tiếng lách tách trong bụi tre, tiếng quạ kêu rộn rã:

牧童驅犢晚還庄
迅歩行過水上塘
叢笋雨來喧鎧甲
湖菱波細露鋒鋩
數團煙逐溪風去
一簇人争野渡忙
惆悵鄕關何處是
寒鴉枯樹閙斜陽

Mục đồng khu độc vãn hoàn trang,
Tấn bộ hành qua thuỷ thượng đường.
Tùng duẫn vũ lai huyên khải giáp,
Hồ lăng ba tế lộ phong mang.
Sổ đoàn yên trục khê phong khứ,
Nhất thốc nhân tranh dã độ mang.
Trù trướng hương quan hà xứ thị,
Hàn nha khô thụ náo tà dương.

(Mục đồng lùa trâu buổi chiều về trang trại,
Nhanh bước đi qua bờ đê trên mương nước.
Bụi tre trong cơn mưa, áo giáp tre kêu lách tách,
Củ ấu trong hồ, sóng gợn, sừng ấu lộ ra nhọn hoắt.
Vài đám khói theo gió khe bay đi,
Một đám người tranh nhau vội qua đò vắng.
Buồn bã biết quê hương ở chốn nào?
Đám quạ lạnh trên cây khô kêu rộn trong bóng chiều.)

(Giao hành, 3 – Thái hương thảo)

Những bài thơ như thế rõ ràng hiếm thấy trong thơ cổ. Nếu thơ Đường thường gợi hơn tả, thì thơ Phan Thanh Giản tả nhiều hơn gợi. Cảnh sắc trong thơ Phan Thanh Giản vì thế rất gần với thiên nhiên, hình ảnh trng thơ gần với những sinh hoạt thường ngày của người dân. Bài thơ trên vừa nhiều hình ảnh lại nhiều âm thanh. Những hình ảnh và âm thanh đó đều quen thuộc nơi làng quê Việt Nam. Hoàn toàn không phải là một kiểu thơ của sự tưởng tượng. Đúng như Phan Thanh Giản từng nói, rằng cảnh sắc thiên nhiên thực tế đẹp hơn những gì trong sách miêu tả: “佳景倍堪書 Giai cảnh bội kham thư”.

Trong suốt thời gian làm quan của Phan Thanh Giản, trên những chặng đường bôn tẩu hành dịch, ông đã ghi lại những cảm xúc, những hành trình: Gia Định, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thuận Hoá, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên,… Trong những bài thơ làm trên hành trình đó, cảnh vật con người từng địa phương một phần được phản ánh dưới cái nhìn mới mẻ, chân thành.

Nhưng đóng góp của Phan Thanh Giản đối với văn học Hán Nôm Nam Bộ quan trọng hơn cả là ở thể loại sáng tác. Từ thơ văn của Phan Thanh Giản, ta thấy ông có một sức sáng tác dồi dào ở các thể loại: thơ, luận, sớ, luỵ, hành trạng, tụng, ký, truyện, bi minh… Riêng về thơ cũng đa dạng về thi thể: ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn cổ phong trường thiên, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, thất ngôn cổ phong trường thiên…

Về sớ, xin đơn cử bài sớ tạ ơn ban chức Hồng lô tự khanh và sung chức Phó sứ đi sang Thanh của Phan Thanh Giản. Tuy nói rằng sớ viết theo quy củ nhất định, từ ngữ cũng có tính quy phạm, nhưng mà qua bài sớ này có thể thấy những điều mà Phan Thanh Giản nói trong sớ đều là những sự kiện có thật bằng những lời chân thành:

竊念臣材品低常,幸預科甲,尋蒙拔擢,不數年間,入陪禁近,出參藩閫。臣愚不敢自棄,孜孜圖報,自覺無階。乃於去年,捨播嶺之役,愚疏取誤,罪大過深,區區之身,所不足惜,而聖恩徒負,顧影自慚,於此雖欲勉效,涓埃已不可得矣。豈意復蒙聖慈不忍,雖雪霜雨露之信,不以一物改其常,而天地父母之心,每以好生厚其德,特寬常憲,曲與矜全,臣遂得以從部,並蒙派往洋程效力贖罪。凡此髮膚所有之身,皆是君父重生之賜。臣嘗終朝忘食,中夜獨坐,私自痛念,雖赴湯蹈火,寔所甘心,磨頂捐軀,不足報德。况尋常趨赴,何補絲毫,分外恩霑,已蒙稠疊。本年陸月日,旋蒙起復翰林院檢討,充內閣行走,尋蒙陞署承天府承,凡於辨公任職之間,均未分寸可錄,茲復蒙陞補今職。仰成全之獨至,顧諮度之非長,瀀渥自天,稱酬無地。
臣惟有,盡心所事,罄力當為,勵臣職于夙宵,艱勞靡憚,凜天威于咫尺,明旦若臨,庶幾有可圖報之理於萬一云耳。臣下情惶恐無任,感激之至,謹奉表陳謝以聞。

… Thiết niệm, thần: tài phẩm đê thường, hạnh dự khoa giáp, tầm mông bạt trạc, bất sổ niên gian, nhập bồi cấm cận, xuất tham phiên khổn. Thần ngu bất cảm tự khí, tư tư đồ báo, tự giác vô giai. Nãi ư khứ niên, Xả Bá lĩnh chi dịch, ngu sơ thủ ngộ, tội đại quá thâm, khu khu chi thân, sở bất túc tích, nhi Thánh ân đồ phụ, cố ảnh tự tàm, ư thử tuy dục miễn hiệu, quyên ai dĩ bất khả đắc hĩ. Khởi ý phục mông Thánh từ bất nhẫn, tuy tuyết sương vũ lộ chi tín, bất dĩ nhất vật cải kỳ thường, nhi Thiên địa phụ mẫu chi tâm, mỗi dĩ hiếu sinh hậu, kỳ đức đặc khoan, thường hiến khúc dữ căng toàn, thần toại đắc dĩ tòng bộ. Tịnh mông phái vãng dương trình hiệu lực, thục tội. Phàm thử phát phu sở hữu chi thân giai thị Quân phụ trùng sinh chi tứ. Thần thường chung triêu vong thực trung dạ độc toạ, tư tự thống niệm, tuy phó dương thang đạo hoả, thật sở cam tâm, ma đỉnh quyên khu, bất túc báo đức. Huống tầm thường xu phó, hà bổ ty hào, phận ngoại ân triêm, dĩ mông trù điệp. Bổn niên lục nguyệt nhật, tuyền mông khởi phục Hàn lâm viện kiểm thảo, sung Nội các hành tẩu, tầm mông thăng thự Thừa Thiên phủ thừa, phàm ư biện công nhậm chức chi gian, quân vị phân thốn khả lục, tư phục mông thăng bổ kim chức. Ngưỡng thành toàn chi độc chí, cố tư độ chi phi trường, ưu ác tự Thiên, xứng thù vô địa…

 (Trộm nghĩ: Thần tư chất, phẩm đức tầm thường, may được dự vào hàng khoa bảng, tiếp đó đội ơn cất nhắc, chưa đầy mấy năm, vào thì hầu nơi cấm điện, ra thì lo việc phiên trấn. Thần tuy ngu muội không dám tự bỏ mình, chăm chắm tính phương báo đáp, nhưng tự biết không lối. Vào năm ngoái (1831), việc binh ở núi Xả Bá(10), do ngu muội sơ suất nên chuốc lấy lỗi lầm, tội lớn quá sâu, tấm thân nhỏ mọn, chẳng đáng tiếc gì, nhưng mà uổng phụ ơn vua, trông bóng tự thẹn, đến nay tuy muốn gắng sức lập công, nhưng một chút nhỏ nhoi(11) cũng không thể được. Ngờ đâu lại đội ơn Thánh từ chẳng nỡ, tuy tin trải tuyết sương mưa gió, không vì một vật mà đổi lẽ thường; tấm lòng Trời đất cha mẹ thường lấy sự hiếu sinh để làm dày đức độ, đặc biệt bao dung nhưng rõ ràng phép tắc, tìm phương thương cứu chu toàn, thần liền được theo làm việc ở bộ, đồng thời được phái đi ra biển xa để gắng công chuộc tội.(12) Thật là tóc da trên thân này của thần, đều nhờ ơn vua cha ban cho tái sinh. Thần từng suốt buổi quên ăn, nửa đêm ngồi lẻ, riêng mình ghi khắc, dẫu nhảy vào nước sôi, dẫm trên lửa nóng, thực cũng cam lòng, mài đầu xẻ thân, cũng không đủ báo đáp đức lớn. Huống là chuyện bôn ba tầm thường, nào đủ báo đáp được mảy may; ân đức nhuần thấm hơn cả chức phận, đã được nhận nhiều lần. Tháng 6 năm nay (1833), được khởi phục chức Hàn lâm viện kiểm thảo, sung Nội các hành tẩu, tiếp đó được thăng thự Thừa Thiên phủ thừa(13), phàm trong thời gian nhậm chức làm việc, đều chưa có chút công gì đáng ghi, nay lại được thăng bổ chức này. [Thật là] ngửa đội ơn thành toàn hết mực, nghĩ việc thần làm quan cũng chưa lâu, mà ơn trạch tự Trời cao, chẳng biết nơi báo đáp.…) (Thụ Hồng lô tự khanh, sung như Thanh Giáp phó sứ tạ biểu – Lương Khê văn thảo)

Các bài luận về đạo hoà (Phụng ngự đề triệu hoà luận), luận về việc Thái Bá ba lần nhường thiên hạ (Phụng ngự đề Thái Bá tam nhượng thiên hạ), về hiếu danh (Phụng ngự đề hiếu danh luận), về câu nói “văn thần không ham tiền” của Nhạc Phi (Phụng ngự đề “văn thần bất ái tiền” luận)… Các bài luận đều cho thấy lập luận chắc chắn, ngôn từ tinh xác, đưa ra nhiều chủ ý, biện luận rõ ràng.

Bài luận về hiếu danh, ông nói:

夫道一而已矣。辰爲大,故運有古後之殊,而道之用亦隨之而上下。古之君子學在求仁。立身處世,一凖於仁,心無私焉,而動合乎天理,仁之外非所知也。
則雖好名而爲忠爲孝,豈不愈於不好名而不爲忠爲孝者乎。雖好名而爲仁爲義,豈不愈於不好名而不爲仁爲義者乎

Phù đạo nhất nhi dĩ hĩ. Thời vi đại, cố vận hữu cổ hậu chi thù, nhi đạo chi dụng diệc tuỳ chi, nhi thượng hạ cổ chi quân tử học tại cầu nhân, lập thân xử thế, nhất chuẩn ư nhân, tâm vô tư yên, nhi động hợp hồ thiên lý, nhân chi ngoại phi sở tri dã. …

… Tắc tuy hiếu danh nhi vi trung vi hiếu, khởi bất dũ ư bất hiếu danh nhi bất vi trung vi hiếu giả hồ. Tuy hiếu danh nhi vi nhân vi nghĩa, khởi bất dũ ư bất hiếu danh nhi bất vi nhân vi nghĩa giả hồ….
(Phàm, đạo chỉ có một mà thôi, nhưng đúng thời là quan trọng, nên vận dụng xưa sau có khác, cái dụng của đạo cũng theo đó mà thay đổi. Cái học của người quân tử xưa chính ở chỗ cầu nhân. Lập thân xử thế đều bắt nguồn từ lòng nhân. Lòng không chút riêng tư mà mọi hành động đều hợp lẽ trời. Những gì ngoài lòng nhân, bậc quân tử chẳng quan tâm.…

Tuy hiếu danh mà làm điều trung hiếu há chẳng hơn kẻ không hiếu danh mà cũng chẳng trung chẳng hiếu sao? Tuy hiếu danh mà làm điều nhân nghĩa há chẳng hơn kẻ không hiếu danh mà cũng chẳng nhân chẳng nghĩa sao? …) (Phụng ngự đề hiếu danh luận – Lương Khê văn thảo)

Bài luận về việc quan văn không ham tiền là trích lấy lời của Nhạc Phi thời Tống: “quan văn không ham tiền, quan võ không sợ chết”, nhưng trong lời nghị luận của Phan Thanh Giản còn cho thấy phải nên chấn chỉnh phong khí học thuật trong nước:

未治以此歟?必也。革斯陋習,挽此頹波,處脂膏而不潤,居廉遜而彌彰,寘壁樹風,還珠勵操,使退朝有羔羊之節,而在郡無碩鼠之咨,則教化可行,禮樂可興矣。然朱晦庵嘗曰:其如武臣亦愛錢何?此又見世風學術之不可不正也。

Vị trị dĩ thử dư? Tất dã. Cách tư lậu tập, vãn thử đồi ba, xử chi cao nhi bất nhuận, cư liêm tốn nhi di chương, trí bích thụ phong, hoàn châu lệ tháo, sử thoái triều hữu cao dương chi tiết, nhi tại quận vô thạc thử chi tư. Tắc giáo hoá khả hành, lễ nhạc khả hưng hĩ. Nhiên Chu Hối Am thường viết: Kỳ như vũ thần diệc ái tiền hà? Thử hựu kiến thế phong học thuật chi bất khả bất chính dã.

(Đất nước chưa thịnh hưng có lẽ vì điều này chăng? Hẳn là như vậy. Dẹp trừ thói quen hủ tục, cứu vãn làn sóng suy đồi, ở nơi giàu có mà chẳng tham vơ vét, sống cảnh thanh bần mà đức càng ngời, đặt nền dựng nếp, tiết tháo luyện rèn, sao cho lúc thoái triều có tiết tháo cao khiết, khi ở phủ không đục khoét dân lành, được thế thì giáo hoá có thể thi hành, lễ nhạc có thể hưng thịnh. Nhưng Chu Hối Am từng nói: Nếu như võ thần cũng ham tiền thì thế nào? Điều đó lại cho thấy phong tục ở đời hay học thuật không thể không chấn chỉnh vậy.)

Trong từng thể loại, Phan Thanh Giản đều có những đóng góp nhất định. Bên cạnh những đóng góp vào văn học Hán Nôm Nam Bộ thêm đa dạng thể loại như ký, truyện, luỵ, châm, một thể loại văn học có tính chất đặc biệt cũng được phát triển ở Nam Bộ đó là: bi minh. Ở thể loại này, Phan Thanh Giản có đến 4 bài văn bia quan trọng: Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh 嘉定處士崇德武先生碑銘 dựng tại mộ của Võ Trường Toản ở Bến Tre; Vĩnh Long Văn Thánh miếu bi 永隆文聖廟碑 dựng ở Văn miếu tỉnh Vĩnh Long; Thái bảo Cần Chánh điện đại học sĩ Đức Quốc công Phạm Trung Nhã công mộ bi minh 太保勤政殿大學士德國公范忠雅公墓碑銘 dựng ở lăng mộ Phạm Đăng Hưng ở Tiền Giang,  Thiên Y thần nữ ký 天依神女記 dựng ở Tháp bà Ponagar ở Nha Trang. Những bài văn bia này ngoài nội dung thuật lại và ngợi ca hành trạng nhân vật, trong đó còn thể hiện sự tồn tại Khổng học trên vùng đất mới phương Nam, thể hiện sự tiếp nối văn hoá truyền thống của một nước thống nhất và thể hiện một nét học phong Nam Bộ:

曾見先生遺書:大學千七百字,散之無數事物,收之只二百字,又收之則一字并無。
噫!先生之學致其大而精之者也,雖以之讀千萬經可也。先生不仕,其事業不得槩見。自先生以義理之學爲教,非惟當辰陶育得多人材而傳述講摩至今六省之民忠義感發,奮不顧身。雖以深仁厚澤固結人心,庸非開喻有所自來而能如是乎?

Tằng kiến tiên sinh di thư: Đại học thiên thất bách tự, tản chi vô số sự vật, thu chi chỉ nhị bách tự, hựu thu chi tắc nhất tự tịnh vô.

Y! Tiên sinh chi học trí kỳ đại nhi tinh chi giả dã, tuy dĩ chi độc thiên vạn kinh khả dã. Tiên sinh bất sĩ, kỳ sự nghiệp bất đắc khái kiến. Tự tiên sinh dĩ nghĩa lý chi học vi giáo, phi duy đương thời đào dục đắc đa nhân tài nhi truyền thuật giảng ma chí kim Lục tỉnh chi dân trung nghĩa cảm phát, phấn bất cố thân. Tuy dĩ thâm nhân hậu trạch cố kết nhân tâm, dung phi khai dụ hữu sở tự lai nhi năng như thị hồ?

(Từng thấy tiên sinh để trong sách vở lời này: “Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tan ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn hai trăm chữ, lại tóm nữa thì một chữ cũng không.”

Hay thay! Sở học của tiên sinh, thật là rộng lớn mà tinh vi vậy, dẫu đọc bất cứ ngàn muôn kinh sách nào cũng rõ nghĩa lý được. Tiên sinh không khứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hoá, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài mà còn truyền thuật, giảng luận trau dồi về sau, tới nay dân gian trong sáu tỉnh Nam Kỳ, tỏ lòng trung hiếu, cảm phát dám cả hy sinh tính mạng. Xét ra tuy nhờ đức thâm nhân của đế vương nhuần gội, cố kết chặt nhân tâm, nhưng nếu không có công đức mở mang huấn dụ của tiên sinh từ thuở trước thì làm sao có nhân tâm được như thế?) (Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh bi minh – Lương Khê văn thảo bổ di)(14)

Những bài bi minh, bi ký này ngày nay còn lưu giữ trên những tấm bia đá trải bao nắng mưa vẫn tồn tại trên mảnh đất phương Nam như những chứng tích cho một phần văn hoá truyền thống của cả nước đã được tiếp nối tại vùng đất mới mẻ này. Nó còn là chứng tích cho những đóng góp của Phan Thanh Giản trong lĩnh vực văn hoá nói chung ở Nam Bộ.

Trong sáng tác của Phan Thanh Giản còn cho thấy tình hình giao lưu văn hoá của các nhân sĩ từ các vùng miền khác nhau trong cả nước vào thế kỷ XIX đã diễn ra cả trong chiều sâu lẫn chiều rộng. Những trao đổi bàn luận qua thư từ, thơ ca, tựa bạt giữa các thi nhân cũng cho thấy các tác giả văn học Hán Nôm Nam Bộ thời kỳ này chú ý nhiều hơn đến vấn đề thể loại văn học, đến vấn đề lý luận văn học. Bộ phận sáng tác của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi thảo và Lương Khê văn thảo sẽ là những dữ liệu cho việc nghiên cứu một vài sự kiện văn hoá, lịch sử của nước nhà và cho từng địa phương trong chừng mực nào đó. Có thể nói, bằng những hoạt động cụ thể của mình, Phan Thanh Giản có những hoạt động tích cực cho nền văn hoá dân tộc nói chung và với văn hoá văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nói riêng.

LÊ QUANG TRƯỜNG
Khoa Văn học và Ngôn ngữ ĐH KHXH &NV TPHCM
(“Nghiên cứu này được tài trợ bởi
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU-HCM)
trong đề tài mã số C2014-18b-03”_.

Ghi chú:

1.        Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, (bản dịch của Viện Sử học Việt Nam), tập 4, tái bản lần thứ 2, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2005, tr.41.
2.        Theo Phan Thanh Giản, Tiên phụ lỗi thư tịnh thuật trạng, trong Phan Lương Khê lịch sử tập, bản chép tay của Diệp Bá Ngự phụng sao những năm 1939, 1940, hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu A.3189.
3.        Theo Phan Thanh Giản, Tiên phụ lỗi thư tịnh thuật trạng, trong Phan Lương Khê lịch sử tập, bản chép tay của Diệp Bá Ngự phụng sao những năm 1939, 1940, hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu A.3189.
4.        Theo tài liệu Phan Thanh Giản et sa Famille của Pierre Daudin và Lê Văn Phúc, chuyển dẫn theo Nguyễn Duy Oanh, Chân dung Phan Thanh Giản, sđd., tr.10.
5.        Các địa danh này là địa danh cũ dưới triều Nguyễn.
6.        Phan Huy Lê (2006), “Phan Thanh Giản (1796-1867), con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời”, trong Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, sđd, tr.287.
7.        Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Viện sử học Việt Nam dịch, NXB Giáo dục, tr.1191.
8.        Đại Nam thực lục, tập 8, tr.344.
9.        Nguyễn Khuê, Cao Tự Thanh, 100 câu hỏi đáp về Gia Định Sài Gòn – Văn học Hán Nôm ở Gia Định Sài Gòn, NXB Văn hóa văn nghệ, 2011, tr.198-199.
10.     Năm 1831, Phan Thanh Giản được cử làm Hiệp trấn Quảng Nam, nhận mệnh đi đánh dẹp quân man ở nguồn Chiên Đàn, núi Xả Bá, nhưng thất bại. (Xem Đại Nam thực lục, tập 3, tr.185-187.)
11.     Một chút nhỏ nhoi: nguyên văn “quyên ai” (giọt nước, hạt bụi), có ý chỉ ít ỏi, nhỏ nhoi.
12.     Thất bại từ việc dẫn quân dẹp man ở Chiên Đàn, Phan Thanh Giản bị cách chức, tháng 11 năm 1830 đến tháng 6 năm 1831 cho phái theo đoàn đến Giang Lưu Ba, Hòn Cau và Hạ Châu để gắng công chuộc tội.
13.     Tháng 6, sau khi Phan Thanh Giản đi Giang Lưu Ba về, được khôi phục chức Hàn lâm kiểm thảo, sung Nội các hành tẩu. Tháng 9, ông lại được thăng chức Hộ bộ viên ngoại lang, thự Thừa Thiên phủ thừa.
14.     Ca Văn Thỉnh dịch.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2016


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...