Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Dương Quảng Hàm - Gương mặt trí thức tiêu biểu đầu thế kỷ XX

Dương Quảng Hàm là tên tuổi quen thuộc trong giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những tấm gương đẹp đẽ của một thời kỳ có tính khai sáng, mở đường cho nghiên cứu, đánh giá về văn chương dân tộc. Đời sau biết đến ông như một nhà nghiên cứu, một nhà giáo dục không hề mệt mỏi trên con đường dung hợp kiến thức các nền văn hóa Đông Tây.
Nhà giáo Dương Quảng Hàm (ngồi, thứ 3 từ phải sang) và gia đình

1.
Dương Quảng Hàm sinh ngày 14-7-1898 trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước, quê quán tại làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cha của ông là Dương Trọng Phổ, anh cả là Dương Bá Trạc - một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, trường học cách mạng đầu tiên của Hà Nội, em là Dương Tụ Quán, đều là những danh sĩ có tiếng đương thời. Ông mất vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946. Dương Quảng Hàm là liệt sĩ.

Những quyển sách viết về văn học Việt Nam xuất hiện những năm 20, 30 và 40 của thế kỷ trước, cho đến nay, vẫn là những tài liệu văn học hết sức bổ ích. Có thể nói, với tình yêu sâu sắc về nguồn cội dân tộc, để vừa đáp ứng yêu cầu giảng dạy vừa làm tư liệu cho người học, khi mà bốn bề không biết trông vào đâu, Dương Quảng Hàm đã tự nguyện gánh vác công việc hết sức nặng nề, đó là soạn các sách về văn chương Việt Nam.

2.
Trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm bộc lộ tâm tình và ý nguyện về bộ sách: “Ai cũng biết rằng hiện nay không có quyển sách nào chép về văn học lịch sử nước ta, không nói gì những sách tham khảo tinh tường cho các học giả dùng, ngay đến những sách tóm tắt các đại cương cho học sinh dùng cũng không có… Chúng tôi cũng mong rằng quyển sách này sẽ là một bức bản đồ giản ước, theo đó các bạn thanh niên biết được phương hướng và đường lối chính để đi vào khu vườn văn học của nước nhà, ngõ hầu một ngày kia tìm thấy những hoa lạ quả quý hiện nay còn ẩn khuất trong đám cành lá rậm rạp, thì thật là hân hạnh cho chúng tôi lắm” (Xem Việt Nam văn học sử yếu, NXB Trẻ, 2005, trang 12-13).

Trong Văn học Việt Nam, xuất bản năm 1939, soạn cho Chương trình khoa giảng Việt văn ở ban Cao đẳng tiểu học, tác giả đi sâu vào những vấn đề cốt lõi của văn học, gồm: Phép tắc các thể văn / Tiểu truyện các tác giả / Việc lựa chọn các bài văn / Việc chú thích các bài văn / Phương pháp giảng nghĩa. Chỉ nhìn vào cách xây dựng nội dung bộ sách, đã thấy rõ tính khoa học, tính sư phạm, tính hiện đại của công trình, dẫu đây chỉ là sách giao khoa.

Việt Nam thi văn hợp tuyển là một tuyển tập có tính tiên phong trong việc tuyển chọn các tác giả, tác phẩm từ văn học dân gian, truyện nôm khuyết danh, đến các tác giả mới như Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, Thân Trọng Huề, Nguyễn Khắc Hiếu, Bùi Kỷ, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Thiếu Sơn, Nguyễn Lân, Khái Hưng, Thế Lữ,... Có thể nói, nhờ bộ sách này, người đọc mới có điều kiện tiếp xúc với những trang viết của những nhà văn hiện đại.

Song, cuốn sách làm nên tên tuổi Dương Quảng Hàm, làm ngạc nhiên cho giới nghiên cứu đời sau, từng là sách tham khảo tin cậy, mẫu mực của nhiều thế hệ học trò, của nhiều nhà nghiên cứu văn học sử là bộ Việt Nam văn học sử yếu, một tập sách tích lũy kinh nghiệm hàng chục năm, biên soạn vào năm 1941 và xuất bản năm 1943. Việt Nam văn học sử yếu dày gần 700 trang, soạn cho Năm thứ nhất, Năm thứ nhì và Năm thứ ba ban trung học Việt Nam, là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Căn cứ BIỂU LIỆT KÊ CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM (theo thứ tự thời gian) và BẢNG KÊ TÊN (các tác giả và các tác phẩm có nói đến trong sách), thì có đến 1.083 tác giả và tác phẩm, xếp theo A,B,C, viết bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Việt được đưa vào tài liệu tham khảo. Bên cạnh đó, theo thời gian, niên đại, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX (1940), có 163 tác giả trung đại, cận đại và hiện đại xếp vào danh mục khảo cứu, trong đó có tới 293 tác phẩm, đủ đề tài, đủ thể loại. Trước Việt Nam văn học sử yếu chưa có một công trình văn học sử nào có khối lượng to lớn về kiến thức văn-triết-sử, về tài liệu tham khảo, về lịch sử khoa cử, về phân kỳ văn học đạt tầm vóc và quy mô đồ sộ như thế.

Dương Quảng Hàm dành 7 chương để giới thiệu nền văn học mới đầu thế kỷ. Những gương mặt sáng chói như Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nhất Linh, Khái Hưng… được Dương Quảng Hàm trân trọng giới thiệu, đánh giá. Cuối sách, ông bày tỏ sự tin tưởng vào Tương lai của nền quốc văn mới.

Trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm dành nhiều trang viết cho việc giới thiệu các thể văn của Trung Quốc và Việt Nam thời trước, đặc biệt chú ý đến thi pháp (chữ dùng của Dương Quảng Hàm). Qua đây, người học biết đến thơ Đường luật, thơ cổ phong, các lối thơ riêng như thủ vĩ ngâm, thuận nghịch độc, yết hậu, lục ngôn thể, tiệt hạ, vĩ tam thanh, song điệp, họa vận, liên ngâm hoặc thể phú, văn tế, hay thể truyện, ngâm, hát nói,… Có điểm đáng biểu dương, nhiều sách khác không có, đó là phần viết về Ca Huế và hát bội.

Đặc biệt, tác giả bộ sách dành nhiều trang viết về các thi gia đời Lý, đời Trần, khắc họa chân dung những Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Đặng Dung, Trần Quốc Tuấn, Trương Hán Siêu,… Lần đầu tiên, trong sách giáo khoa, hai tên tuổi Nguyễn Trãi và Nguyễn Du được tạc dựng riêng, giới thiệu sự nghiệp văn chương, tư tưởng, triết lý,...

Tiếc rằng, phần ảnh hưởng của văn học phương Tây, nhất là văn chương Pháp, chưa nêu được nhiều, chưa cho thấy những dấu ấn sâu đậm của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa tượng trưng vào Thơ Mới giai đoạn 1932-1945, làm nên thành tựu có một không hai trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Chỗ này, Dương Quảng Hàm không bằng Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam,dù cả hai tác phẩm (Việt Nam văn học sử yếu và Thi nhân Việt Nam) cùng ra đời trong một thời điểm.
Vài tác phẩm của Dương Quảng Hàm

3.
Về phương pháp viết văn học sử, Dương Quảng Hàm có tiếp nhận lý thuyết của những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu văn học sử Pháp, tuy nhiên, với mục đích của sách là phục vụ chương trình Việt văn, nên phần lý luận về phương pháp phê bình không được tác giả chú ý xây dựng.

Đi tìm tư tưởng phê bình trong Việt Nam văn học sử yếu, rất khó, tản mạn. Đỗ Lai Thúy trong Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2011) đã không xếp Dương Quảng Hàm vào những nhà phê bình văn học như Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Trương Tửu, Đinh Gia Trinh. Nghĩa là, tư tưởng phê bình không thấy ẩn hiện trong lý thuyết văn chương. Điều này cũng dễ hiểu và đáng chia sẻ, như đã nêu. Do chi phối bởi mục tiêu, đối tượng, Việt Nam văn học sử yếu vẫn là bộ sách giáo khoa ngữ văn.

Tuy nhiên, điều đáng quý, đáng trân trọng, đó là, với sở học, với lòng yêu nước và tự hào dân tộc, dù dưới chế độ thực dân, Dương Quảng Hàm vẫn thể hiện rõ chính kiến và tấm lòng của mình đối với văn hóa, văn học của dân tộc. Tấm lòng này không chỉ thể hiện trong Việt Nam văn học sử yếu mà còn ở Văn học Việt Nam, Quốc văn trích diễm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Việt văn giáo khoa thư,...

Dương Quảng Hàm, người đặt nền tảng cho việc đưa nội dung văn học Việt Nam, số lượng tác giả, tác phẩm, thể loại văn học, phương pháp giảng văn, giảng nghĩa, chú thích, lược truyện, tiểu dẫn, câu hỏi,... vào trong dạy và học môn Việt văn từ những năm 1920 - 1930 đến nay. Điều cũng cần nói thêm, đó là văn phong Dương Quảng Hàm. Sách ông viết, hơn 80 năm về trước, giờ đây, đọc lại vẫn thấy mới mẻ trong ngôn ngữ và diễn đạt. Dương Quảng Hàm có ý thức cẩn trọng trong sử dụng tiếng mẹ đẻ để viết các công trình. Nhiều trang viết ở các tập sách của Dương Quảng Hàm vẫn là lối viết gãy gọn, súc tích, không dùng những mỹ từ bóng bẩy.

Trong lịch sử giáo dục về dạy-học văn của Việt Nam, từng có phương pháp giảng văn Dương Quảng Hàm. Ông có những đóng góp to lớn trong việc truyền tải nội dung, hình thức, phương pháp giảng văn trong nhà trường trung học Việt Nam nhiều thập kỷ.
Những năm tháng dạy học tại Trường trung học Bảo hộ, sau đổi thành Trường Bưởi (nay là Trung học Chu Văn An-Hà Nội), Dương Quảng Hàm góp phần đào tạo nhiều trí thức, nhân tài cho đất nước. Ông là nhà sư phạm mẫu mực, nhà giáo dục tâm huyết, nhà văn hóa kiệt xuất trong nửa đầu thế kỷ XX. Dương Quảng Hàm có tinh thần hiếu học, không ngừng học hỏi những tri thức mới của phương Tây, vận dụng kiến thức phương đông trên tinh thần độc lập, tự chủ và tự tôn dân tộc. Ông cũng có thái độ khiêm cung, cầu thị khi có những góp ý của đồng nghiệp, của báo chí về các quyển sách đã được in ra.
Dương Quảng Hàm mãi mãi là tấm gương sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Dương Quảng Hàm (1898 - 2018) là dịp nhìn lại những cống hiến to lớn của ông cho văn học, giáo dục, đào tạo, đồng thời cũng nhận rõ chân dung một trí thức yêu nước, một tấm lòng cao cả, một trái tim nhiệt thành, suốt một đời hết mực hiến dâng cho văn chương, cho đất nước.

HUỲNH VĂN HOA
 Nguồn: Giáo Dục và Thời Đại, số 175/2018




BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...