Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

“Thánh Tông dị thảo” và những bài học cho hôm nay

Lê Thánh Tông (1442-1497) không chỉ là một vị vua hiền mà còn là một nhà văn, nhà thơ tài năng. Ông có công đưa chế độ phong kiến thời Lê phát triển cực thịnh bằng nhiều chính sách tích cực, ở phương diện văn hoá là thúc đẩy sự học, khuyến khích sáng tác văn chương, sưu tầm, bổ cứu các di sản văn hoá...

Không ngẫu nhiên một số tác phẩm văn học, sử học nổi tiếng ra đời hoặc được bổ sung, hoàn thiện ở thời kỳ này như "Đại Việt sử ký toàn thư" do Ngô Sỹ Liên viết vào năm 1479 (Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10); Vũ Quỳnh hiệu đính "Lĩnh Nam chích quái" năm Nhâm Tý (1492); "Thánh Tông di thảo" được người đời sau viết thêm nhưng vẫn có cơ sở khẳng định nhiều truyện có từ thời Hồng Đức. Đây là tập sách gồm 19 truyện đặc sắc mang ý nghĩa giáo dục cao, ở ngày hôm nay rất nên tham khảo, học tập.

Bài học tránh giáo điều, máy móc được nói nhiều ở thời đương đại thì đã có trong "Truyện lạ nhà thuyền chài" cách đây cả trên 500 năm. Truyện đả kích thâm thúy sự học "tầm chương trích cú" vô bổ bằng cách nêu ra một hội thoại của hai cha con làm nghề đánh cá: "Thúc Ngư hỏi cha: "Đi học thế nào?".

Cha nói: "Những lời nói và việc làm của thánh hiền đời xưa chép trong sách, có học thì mới biết mà làm theo". Thúc Ngư lại hỏi: "Trong sách có cá không?". Cha rằng: "Không". Thúc Ngư lại hỏi: "Lấy lời nói và việc làm của thánh hiền mà đánh cá có được không?". Cha nói: "Lời nói là văn không, mà cá là vật thật làm thế nào mà đánh được. Mày nói sao ngu thế". Thúc Ngư nói: "Trong sách đã không có cá, lời nói lại không thể đem đánh được cá, còn học làm gì?".
Bìa cuốn sách "Thánh Tông di thảo".

Hiểu biết của người con thật đáng cười ở chỗ nhầm lẫn mục đích, vai trò, tác dụng của các hiện tượng sự vật khác nhau, nhầm lẫn giữa cái cụ thể và cái trừu tượng. Lời của người cha tưởng là đúng nhưng sai về bản chất, vì theo ông ta học để "làm theo" thánh hiền. Mẩu đối thoại về hình thức là "ông chẳng bà chuộc" không hề ăn khớp nhau lại là cách để bật ra chất hài hước giễu sự học vẹt, học theo khuôn mẫu, học không đi đôi với hành…

Đó là bài học về sự liêm sỉ, về quan hệ giữa cống hiến, đóng góp và hưởng thụ. Truyện "Hai ông Phật cãi nhau" phê phán một cách hóm hỉnh, tinh tế những kẻ vô dụng lại được hưởng thụ cao. Giữa cảnh nước lụt dâng mênh mông, trong ngôi chùa nọ có ông Phật tượng đất mắng Phật tượng gỗ là bất lực không có tài để ngăn lũ lụt mà cứ lại điềm nhiên "hưởng lộc ba phẩm".

Phật gỗ mắng lại lũ lụt là do thiên tai, Phật gỗ cứ theo mực nước mà lên xuống còn Phật đất thì rữa nát thật đáng thương. Đương khi hai Phật cãi nhau "thì chợt Phật Thích Ca tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, bước ra mà rằng: "Chao ôi! Hai người đều có lỗi cả! Trong khi nước lớn mênh mông, các ngươi đã không biết vận ngũ thông, dụng lục trí, thét lui muôn dòng nước về Biển Đông, mà chỉ biết giữ cái hình hài bằng gỗ, bằng đất, ngồi hưởng rượu thịt của dân, đã không biết xấu hổ, lại còn đấu khẩu với nhau, không sợ vách có tai ư?".

Thế là cả Phật gỗ và Phật đất đều vô dụng, Phật Thích Ca thì nát rượu. Tất cả cũng chẳng tích sự gì trước tai ương của người đời. Truyện đả kích nhà Phật với giáo lý hay ho mà chẳng giúp được chúng sinh. Nhưng mượn chuyện Phật để nói chuyện đời: Khi gặp tình huống khó khăn (nước lụt dâng cao) thì có những kẻ trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau (như Phật gỗ và Phật đất nọ). Đó là những kẻ đáng ghét, đáng khinh nhất. Trong tình huống căng thẳng cần giải quyết một cách thực tế lại có những kẻ rao giảng, lên lớp đạo đức cho người khác, đó là những kẻ vô liêm sỷ nhất.

Tập truyện tập trung chê cười tính cách hay khoe khoang, khoác loác, nội dung thì rỗng tuếch mà lại ra vẻ ta đây tài cán hơn người. Truyện "Ngọc nữ về tay chân chủ" kể chuyện Ngọc Hoàng kén rể có rất nhiều kẻ đến cầu hôn nhưng họ đều chỉ là những kẻ tầm thường vô tích sự "một gáo nước đã khoe nhiều, một nắm đất đã khoe lớn".

Những kẻ được gọi là tài năng cũng chẳng có gì khá hơn, kể cả các vị gọi là thần thì rốt cục "Sơn thần khoe khôn, hà bá khoe giỏi, chung quy không ai được, chỉ vì lấy thuật bịp người thôi". Truyện chê cười đám người bất tài lại hay ra vẻ nhưng còn hướng sự chê trách về phía Ngọc Hoàng, với trách nhiệm quản lý cao nhất trên "thiên đình" lại để có những vị thần hèn kém như vậy. Rồi liệu con gái quý của Ngọc Hoàng có chọn nổi tấm chồng xứng đáng không hay chịu cô đơn suốt đời?

Truyện còn là một ẩn ý: với những người ở ngôi vị cao nhất nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì hậu quả sẽ đến ngay với bản thân, gia đình, con cháu mình.

Truyện "Lời phán xử của anh điếc và anh mù" kể lại sự đối thoại của hai anh chàng một điếc một mù. Anh mù khoe là người của "dòng thiêng dặc liệc" tức cách thức xem bói tài giỏi của tổ tiên. Cha ông anh ta từng có người "làm quan Thái sư", "được lòng người tin theo biết chừng nào". Anh điếc khoe những người như mình "làm chúa thiên hạ, làm chủ một nhà, quý nhất là người điếc". Anh ta chả cần nghe ai, đến lệnh vua cũng chẳng cần biết, tức vua còn phải nể.

Truyện mang tính giáo lý răn dạy, đã điếc và mù tức là bị thiếu đi những giác quan nhận thức cơ bản, do vậy khó có thể hoàn thiện như người bình thường. Thế mà cả hai anh này đều khoe tài khoe giỏi hơn người thường. Thì ra thường những kẻ dốt lại hay "thể hiện", hay nói chữ, hay khoác lác. Vì rỗng tuếch nên họ phải dùng ngôn từ to tát bóng bẩy để che giấu đi cái nội dung kém cỏi ở bên trong.

"Trận cười ở núi Vũ Môn" là một ngụ ngôn khi mượn hình tượng các con vật trong tình huống gây cười "vượt Vũ Môn". Con cua tự xưng "công tử không ruột" khoác lác: "Ta đây; trên cất hai đao, dưới duỗi tám chân, thường ngang tàng trong biển cả. Nay nhấc bàn chân lớn, bước những bước dài. Vũ Môn dầu cao, chỉ nháy mắt là tới. Giật giải khôi nguyên, không ta thì ai".

Ếch cao giọng: "Chỉ nhảy ba cái là tới đỉnh". Lươn chạch lớn tiếng "chỉ quăng mình ba vòng là đã lên hẳn đỉnh núi". Rồi cá rô tự đắc, tôm bể hớn hở, tất cả đều "một tấc đến giời"… Cuối cùng chỉ có đàn cá chép bơi giỏi nhảy tài là xứng đáng "vượt Vũ Môn", nhưng "trong mười con chỉ có năm, sáu con lên được". Thế là những kẻ khoác lác "cúp đuôi đi thẳng".

Truyện này được xây dựng trên cơ sở viết lại truyện cổ tích nhưng cụ thể hơn, các nhân vật gần gũi với tập quán đời sống thực tế nên sinh động hơn. Truyện toát ra bài học về nhận thức chính mình, phải biết mình là ai, nếu không sẽ sa vào sự hợm hĩnh để rồi trở thành trò cười cho thiên hạ.

Cũng là thể ngụ ngôn, truyện "Bức thư của con muỗi" chế giễu những kẻ đổi tự do để sống trong bó buộc, sợ hãi. Muỗi nhà béo tốt gặp muỗi đồng gầy gò. Muỗi nhà khoe mình được sống an nhàn, sung túc và mời muỗi đồng về "nhà" chơi. Đêm ấy cả hai được hút máu no nhưng lại bị người hun khói đến nỗi ngạt thở gần chết.

Trước khi bỏ đi, muỗi đồng viết bức thư mỉa muỗi nhà: "(Ta) ở đầu trâu sừng quật không kinh/ Đậu lưng dê, đuôi xua chẳng tới…" ý nói ta tuy vất vả phải kiếm ăn xa nhưng được sống tự do còn (ngươi) tuy có an nhàn đầy đủ nhưng sống trong lo lắng… Truyện đơn giản nhưng ý nghĩa thì sâu xa đặt ra bài học nhân sinh đáng suy ngẫm: tự do là quý nhất, trong môi trường tự do con người mới được là chính con người.

Truyện "Người ăn mày giàu" chế giễu cay đắng thói keo kiệt hạ mình đến mức vô liêm sỷ. Có một mụ già đã "ngoài bảy mươi tuổi", kiếm sống bằng cách đi ăn xin "khéo quỳ lạy khéo" trong bộ dạng "quần áo vá trăm miếng mụn, nón rách tả tơi". Rồi mụ chết. Người làng kéo đến đốt lều mụ ở, thì bất ngờ tìm thấy bao nhiêu là "tiền kẽm", là "lúa tẻ, gạo tẻ", là "bát đĩa Tàu, chén uống trà, chén uống rượu"…

Người ta coi đó là của vô chủ nên "chia nhau mà mang đi". Tiếng cười bật ra hướng về tính cách bủn xỉn hành hạ chính mình như mụ già thật đáng thương cũng thật đáng trách nọ. Sự chê trách còn hướng về đám "người làng" vô nhân, khi mụ ăn xin còn sống thì ghét bỏ, khi mụ chết thì chẳng thương xót lại còn tìm cách hôi của.

Đúng như lời bình ở cuối truyện, bọn đó mới đáng cười hơn vì "thật là vô sỉ trong đám vô sỉ, ăn mày trong đám ăn mày!". Liệu ở thời hôm nay còn có loại người như "mụ già ăn mày" ấy không, còn có loại người như đám "người làng" kia không?! Cũng là câu hỏi đáng để suy ngẫm!

"Thánh Tông di thảo" có hai truyện răn dạy người ta khi đánh giá người khác không nên nhìn vào bề ngoài mà phải cần có thời gian nhìn sâu vào tính cách bên trong. Dưới hình thức kỳ ảo, ma quái "Truyện yêu nữ Châu Mai" xây dựng nhân vật Lương Nhân theo nguyên tắc tương phản, hình thức "áo quần mộc mạc, hình dung tiều tuỵ" nhưng lại nói năng cứng cỏi với bản lĩnh khác thường, nói ra sự thật một cách thẳng thắn mà không ai dám nói.

Ngư Nương (yêu nữ) suốt đời đi tìm người trong mộng cho đến khi gặp được Lương Nhân mới thoả lòng, cảm thán mà rằng "trước đây chỉ thấy rặt những phường ngoài mặt thì như ngọc vàng mà bên trong thì như bông nát". "Truyện dòng dõi con thiềm thừ" là sự tương phản của hai con vật, cóc thì "bản tính trời sinh" chăm chỉ lao động lại hay làm việc thiện.

Ếch luôn "mặc áo gấm hoa, dâm dục và bạo ngược vô chừng", lười biếng nên thường đánh lừa kẻ khác kiếm ăn. Kết cục, cóc được trọng vọng còn ếch bị con người ghét bắt về "lột da" ăn thịt. Truyện nêu lên một quy luật: "Những kẻ nhiều lòng tham dục mà vẫn bảo toàn được tấm thân, xưa nay cũng hiếm".

Có thể ví tập sách như ngôi sao phát ra nhiều ánh sáng lạ trong bầu trời văn học trung đại và còn sáng mãi tới mai sau, ở giá trị nội dung như vừa giới thiệu sơ lược ở trên. Còn là ở hình thức viết đa dạng, hiện thực có, kỳ ảo, hoang đường có, quái lạ, quái dị có… Còn là mẫu mực ở lối kể một truyện ngắn hàm súc, cô đọng, giàu chất thơ mà đa sắc thái ý nghĩa; ở cách xây dựng nhân vật thông qua đối thoại nhanh, gọn và rất hoạt… Tập truyện đã trở thành cổ điển để hôm nay kế thừa, phát huy.

NGUYỄN THANH TÚ
Theo VNCA


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...