Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Nhà thơ Phan Hoàng: Từ Chất vấn thói quen đến Bước gió truyền kỳ

Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh là một cây bút đa năng, bởi anh là người đã phỏng vấn nhiều tướng lĩnh Việt Nam. Với thơ, anh viết và xuất bản chậm hơn, song luôn được đón nhận bởi những nét riêng rất Phan Hoàng.
Nhà thơ Phan Hoàng 

Chất vấn thói quen là tập thơ thứ 3 của anh được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Tập trường ca Bước gió truyền kỳ ra đời năm 2016 và vừa được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ 2 cuối tháng 4-2019.

2 tập thơ nói trên của nhà thơ Phan Hoàng có thể nói là những tập thơ không dễ đọc, một phong cách thơ không dễ “cảm”. Nhưng những điều nhà thơ “chất vấn”, suy ngẫm, xác tín và “truyền tin” thì rất cần đồng cảm và chia sẻ. Viết về 2 tập thơ trên, đã có khá nhiều nhận định của các nhà thơ, nhà nghiên cứu. TS. Trần Hoài Anh (Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) đã viết: “Việc Phan Hoàng chọn tiêu đề với một cái tên rất lạ, nghe chẳng thơ chút nào Chất vấn thói quen, phải chăng cũng là cách nhà thơ muốn phá vỡ “thói quen” thường thấy trong sáng tác thơ ca”.

Nhà thơ Văn Lê dẫn trường ca Bước gió truyền kỳ và cho rằng: “Do truyền tải thông điệp một cách mới mẻ, anh đã làm cho người đọc không có cách gì mà không chia sẻ nguồn cảm hứng và những suy nghĩ với anh”.

Bằng cảm nhận của một người đọc bình thường, chúng tôi cho rằng 2 tập thơ thể hiện 2 nguồn cảm hứng mạnh mẽ của nhà thơ, một dành cho mình, hướng vào nội tâm và một dành cho Tổ quốc, mang tầm nhìn khai phóng, rộng mở.

Thật vậy, mở đầu tập thơ Chất vấn thói quen là bài thơ dành cho mẹ, cho tuổi thơ của chính tác giả:

Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư
Mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc

Hóa giải nỗi đau cuộc đời và nỗi ám ảnh tuổi thơ của mình là cách tác giả vượt qua chính mình: “Bước mẹ đè gió nam cồ - lướt mềm sỏi đá nhấp nhô triền núi - giải độc vạt rừng giãy giụa da cam - an ủi ruộng nương um tùm cỏ dại”.

Và những dòng thơ dành cho con mình:

“Ốc đảo bập bẹ cười
Ba… ba… ba…
... ba làm cánh buồm tung sóng
Lao vào mọi dòng xoáy định kiến biển đời
Ốc đảo con trồi lên mặt trời nhân ái…”.

Chất vấn thói quen không chỉ là nhìn khác đi, nghĩ khác đi mà còn xoáy sâu vào bản thể cuộc sống, cày xới những nội hàm quen thuộc để cảm nhận rõ hơn về chính mình. Không thể chạm đến chân lý, Phan Hoàng xác nhận mình chỉ “tiệm cận” đến gần nó, khi anh nhận thấy phải làm bật lên những mầm xanh mới của sự sống, khơi gợi được sự nhân ái, bao dung, tìm thấy những điều minh triết. Khi ấy, nhà thơ đối đãi với chính bản thân mình bằng cách Uống bóng, Ly hương gió; đau đáu thơ giữa Chữ nghĩa thị trường, lắng nghe Tiếng thì thầm và vật vã với Cơn bão ký tự mới. Và anh tự đặt câu hỏi:

“Tôi đang ở đâu trong lòng bạn bè xuống biển lên rừng?
Tôi đang ở đâu đất nước sinh từ hồn thiêng nghĩa sĩ vô danh?”

                                              (Tôi đang ở đâu?)

Và có lẽ trường ca Bước gió truyền kỳ là câu trả lời cho sự tự chất vấn sâu xa đó. Đó là “những ngọn gió vô danh”, những ngọn gió linh thiêng thổi mãi ngàn năm lịch sử, là lớp lớp những “người mới con trai người vừa con gái, xác hóa mây bay hồn về đất mẹ… bỗng gió theo về bỗng gió bay đi”.
Nhà thơ Phan Hoàng nhận Giải thưởng VHNT TPHCM 2

Nhà thơ Phan Hoàng đã dùng hình tượng ngọn gió để viết lại câu chuyện truyền kỳ đánh dấu những mốc son của dân tộc, những hy sinh vô giá cho đất nước, giống nòi. Gió, với một phần nhập thân dữ dội của chính tác giả vào cuộc đời chung cho thấy một sức sống, một khát vọng, một hướng nhìn bao trùm, tỏa rộng. Bước gió truyền kỳ chính là một tình thương không hạn độ, một cảm thức về con người sâu sắc, toàn diện, và một niềm tin vô điều kiện với Tổ quốc thiêng liêng.

Và phần “thân thể” của Tổ quốc - miền đất phương Nam - đã được tác giả nhắc đến nhiều trong cả 2 tập thơ. Đó cũng là điều dễ hiểu vì đây là nơi gắn bó với gia đình anh, nơi con cái sinh trưởng, bạn bè chung lưng đấu cật, là miền sáng tác cho anh cày xới với những con chữ, với những câu thơ. Tuy nhiên, cũng có thể có những lý do khác, bởi đứng trước đồng bằng sông Cửu Long dường như con người - kẻ sĩ trong anh say hơn, trải lòng bạo liệt hơn; hoặc trước thành lũy Trấn Biên anh cảm nhận được sự vững vàng, tôn nghiêm của những lớp người đi mở cõi…

Lối thơ của Phan Hoàng là lối thơ tư duy và có phép biện chứng, người đọc không nhốt cảm xúc và câu chữ vào những khái niệm thông thường được, cũng không đuổi bắt được. Chính nhà thơ nhận định: “Thơ khó tính, ma lực, linh thiêng. Thơ đòi hỏi sự khác biệt. Thơ cũng là nỗi sợ hãi lớn nhất…”. Người làm thơ sống trong sự trăn trở, thai nghén trong đau đớn, vật vã để ít nhất có thể mở lối nhìn vào nội tâm và hướng ra cuộc đời chung như Phan Hoàng, luôn phải khắt khe với chính mình và trân trọng những tín hiệu mới của cuộc sống:

“Bao vương triều vụt trôi
Hồn chữ nằm tê tái
Bao nấm mộ lụi tàn
Cỏ nghĩa nhân cứu rỗi”.

              (Uống bóng)

Điều làm nên thơ Phan Hoàng và đưa tâm hồn thơ của anh đi xa, có lẽ chính nhờ vào sự không định kiến, không áp đặt người đọc, nhưng luôn tìm nẻo tri âm và sự thiện lương.

MAI SƠN
Theo Báo Đồng Nai 17-5-2019



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...