Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Bước gió truyền kỳ - bước chân mở cõi

Nhà thơ Phan Hoàng khởi đầu viết trường ca Bước gió truyền kỳ(*) từ 15 năm trước, anh trích một số đoạn tham dự cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003 - 2004 và đoạt giải thưởng. Từ bấy đến nay anh tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung đến đầu năm 2016 mới xuất bản, đủ thấy anh rất cẩn trọng trong lao động thơ.
Nhà thơ Phan Hoàng ở Moskva

Cảm hứng mở cõi giữ biên cương xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Phàm là con dân đất Việt dù chính kiến khác nhau nhưng mỗi lần nhắc đến công cuộc mở cõi giữ biên cương thì cảm hứng ấy luôn cháy bỏng và thiêng liêng; trường ca của Phan Hoàng nhập vào tâm thế ấy, đó là lợi thế đầu tiên.

Trên tấm lưng cong của dải đất hình chữ S, mỗi dốc đèo, mỗi bờ vịnh, mỏm đá, ngọn cỏ, gốc cây… đều ghi dấu máu xương mở cõi; chia ly và đoàn tụ; tang thương và lẫm liệt… Phan Hoàng được sinh ra trên vùng đất như thế, vùng đất có tên là Tuy Hòa, Phú Yên. Mới nhắc đến mấy chữ ấy lòng đã thấy rưng rưng bởi đó là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ tiền nhân. Nhìn lại quá khứ chưa xa, vùng đất này đã mấy khi được Hòa bình mà có “Phú” có “Yên”? Trông vào đâu anh cũng thấy âm vang quá khứ hiện về:

lồng lộng Đá Bia
oai linh tinh hoa trời đất
hào hiệp sông Ba
thiêng liêng dòng sữa sinh thành.

Những địa danh rất ấn tượng, đó là hiện hữu hiện tại, nhưng nhiều nhất là những hình nhân lạ lùng:

Đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ
bước ai trong gió lặng trôi bềnh bồng…

Người lên đầu non, người xuôi cuối bể
xác hoá mây bay, hồn về đất mẹ…

Trên đất nước ta có lẽ không nơi nào có nhiều gió bão như tấm lưng cong của dải đất miền Trung, “Ơi cái gió Tuy Hòa/ Gió chuyên cần và phóng túng” (Trần Mai Ninh), Phan Hoàng đặt ra những câu hỏi với sinh thể gió:

Bay đường nào con người bớt khổ đau?
Bay đường nào con người bớt nghèo đói?
Bay đường nào con người bớt phản trắc?
Bay đường nào con người tin được nhau?

Trong trường ca này, điểm xuyết đó đây, Phan Hoàng vẫn nêu ra những vấn đề bức xúc về nhân tình thế thái để ta cùng suy ngẫm. Và câu trả lời:

Bay đến vùng trời thi ca âm nhạc đang cứu rỗi những nòng súng

Rất bất ngờ với ý nghĩa nhân văn. Trường ca với chủ đề mở cõi giữ biên cương nhưng rất hiếm thấy cảnh trận mạc voi gầm ngựa hí, chiêng trống thúc quân, đầu rơi máu chảy mà từng câu thơ đều thể hiện: vừa hào sảng sử thi vừa chia sẻ nỗi niềm.

Gió hóa thân các chàng trai vạm vỡ lưu dân
gánh trên vai ánh mắt kỳ vọng của người già
giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ

Tả chân dung những người đi chinh chiến, tác giả không tả hành trang của họ gồm súng hỏa mai hay gươm giáo khiên mộc mà là tình thương nỗi nhớ. Chính hành trang vô hình này mới là cái gốc của ý chí kiên cường mạnh hơn nhiều lần súng gươm.

Hào sảng sử thi và chia sẻ nỗi niềm, hai yếu tố này đan xen nhau suốt chiều dài của trường ca. Từng đọc nhiều bản trường ca chung đề tài này, tôi thấy phần lớn tác giả hay say mê tập trung vào yếu tố thứ nhất. Ở Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng có ý thức làm khác đi. Đây là nét mới của trường ca, độc giả dễ dàng tiếp nhận và ghi nhận sự đóng góp của anh.

Gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc
gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?
Trường ca Bước gió truyền kỳ

Trường ca không dẫn dắt theo lộ trình mở cõi mà từng bước hiển hiện thấp thoáng trong ý tứ câu thơ. Ta biết dấu chân mở cõi tới đâu, thời gian địa điểm nào rồi và cuộc hội ngộ giữa người dân bản địa và người viễn xứ mới đến sinh động và tình cảm làm sao. Âu đó cũng là cái duyên tiền định để hình thành cộng đồng dân cư trên hình hài chữ S. Và trên vùng đất hoang sơ ấy bắt đầu hình thành những dấu ấn văn hóa:

tạc nên tượng đài nhân hậu và quả cảm
tạc nên tượng đài phồn thực và hào phóng

Nhưng cuộc sống đâu đã yên định mà còn biết bao công cuộc bình định khác:

Cảm thương cô bé lọ lem
Bơi trong gió chướng giặc đêm cướp ngày

Gợi cảm thương mà hiển hiện nỗi gian truân của lịch sử, mới đọc qua tưởng dễ nhưng có lẽ tác giả phải chọn lựa và lao động nghệ thuật không hề đơn giản. Rõ hơn về việc giữ vững biên cương:

Biên giới bất thường chuyển núi động rừng
Bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngang

Là hiện tại nhưng vẫn không thiếu hình bóng quá khứ, linh hồn những người lính trẻ vẫn hiện về trên phòng tuyến giữ nước. Một đặc điểm nữa của thơ Phan Hoàng, là anh hay sử dụng bút pháp điểm xuyết chấm phá:

Núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
Núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân.

Đến chi tiết cảm động của người lính chiến:

Vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn

Và những người ở hậu phương:

Bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
Bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng.

Nghệ thuật điểm xuyết chấm phá trong hội họa thường chỉ gợi mà ít tả thực, thơ cũng vậy, nó tạo những khoảng trống để người thưởng ngoạn liên tưởng và như thế không gian thời gian nghệ thuật mở rộng mênh mang. Nói thiếu mà nói được nhiều hơn là nói đủ. Nhưng khi cần thiết, Phan Hoàng lại rất cụ thể, có thể nói trong trường hợp sau đây thì ít ai cụ thể được như anh:

Chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm

Chắc là anh phải mở Lịch sử Việt Nam lật từng trang và thống kê chi tiết, chính xác mới có con số cụ thể ấy. Ôi trên trái đất này chắc không có nơi nào chịu nhiều cuộc ngoại xâm như nước ta. Một cách làm nghệ thuật tâm huyết và trách nhiệm. Ở chương cuối: “Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại”, mở đầu:

Đất nước bước đi bằng mọi con đường
Dân tộc lớn lên từ bao thảm kịch

Là một đúc kết sắc bén và cảm động thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của người viết rất chân thành và tâm huyết.

Bước gió truyền kỳ, trường ca gồm 3 chương chính và 2 chương phụ: mở đầu và vĩ thanh, độ dài vừa phải nhưng mỗi ý tưởng, câu chữ hình ảnh, hình tượng… đều được anh nghiền ngẫm thấu đáo, lao động nghệ thuật công phu.

Lại nhớ tập thơ của Phan Hoàng xuất bản 4 năm trước có tên Chất vấn thói quen (được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh), càng thấy rõ sự nhất quán trong quan điểm nghệ thuật của anh: dứt bỏ thói quen cũ, đổi mới thi pháp thơ. Là trường ca ôm trùm vấn đề rộng lớn nhưng anh không sa đà vào kể và tả mà coi trọng nghĩ và cảm; mỗi phần hay toàn cục, anh không kết thúc đóng mà kết thúc mở. Đó là những yếu tố chủ yếu của thi pháp mới. Phan Hoàng bắt nhịp với sự chuyển đổi ấy một cách thanh thoát và hiệu quả.

Trường ca thường có nhân vật, nhưng Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng không mượn một, hai nhân vật lịch sử cụ thể nào mà anh lấy sinh thể gió, vừa hiện hữu vừa mơ hồ; vừa hiu hiu vừa bão táp; vừa quá khứ vừa hiện tại làm “nhân vật” chính là một sáng tạo độc đáo, mới mẻ.

_____________
(*) Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, NXB Hội Nhà văn 2016.

NGUYỄN VŨ TIỀM
Nguồn: ĐNCT 21.3.2016

ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Quyền của Thời Gian

Trong bàn cờ chữ nghĩa, người ta chấp nhận sự khác biệt tận cùng, thậm chí phủ nhận triệt để nhau, nhưng, vẫn còn một nước cờ khác hay hơn, ít “sát thương”, đó là tri âm. Tri âm không nằm ở chỗ hiểu hay không hiểu một cách trọn vẹn, mà đơn giản là cho nhau sự tồn tại”. Người làm thơ viết một trăm câu thơ dở, có một câu hay, người đọc vẫn rất nên khóc vì câu hay ấy. Đó là một tư thế cảm nhận của kẻ khiêm hạ trước năng lực sáng tạo của kẻ khác…

Trước hết, tôi nói về câu chuyện của Vũ Trọng Phụng. Về sáng tác của ông, người ta bình luận như sau: “Đọc xong một đoạn văn, tôi thấy trong lòng phẫn uất, khó chịu, tức tối. Không phải phẫn uất khó chịu vì cái vết thương xã hội tả trong câu văn, mà chính là vì cảm thấy một tư tưởng hắc ám, căm hờn, nhỏ nhen ẩn trong đó (…).  Đọc văn Vũ Trọng Phụng thực không bao giờ tôi thấy một tia hy vọng, một tư tưởng lạc quan. Đọc xong, ta phải tưởng tượng nhân gian là một nơi địa ngục và chung quanh mình toàn những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục nói càn, một thế giới khốn nạn vô cùng” (Nhất Chi Mai, Ý kiến một người đọc: dâm hay không dâmNgày Nay, Hà Nội, s.51, 21.3.1937). Vũ Trọng Phụng cũng có bài trả lời rất sâu cay. Nhưng điều quan trọng là: hơn nửa thế kỉ sau, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được dịch sang tiếng Anh và được giảng dạy ở trường đại học thuộc loại danh tiếng nhất nước Mĩ, UC Bekerley.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện Leo Tolstoy (1828  1910), nhà văn vĩ đại người Nga. Hẳn nhiên ông rất… vĩ đại. Người ta khen ông là “Shakespeare của nước Nga” (Gustave Flaubert). Thế nhưng điều ấy làm ông quá đỗi phiền lòng, bởi theo ông, Shakespeare không đáng là một nhà tư tưởng, không phải là nhà văn lớn, rằng Shakespreare rất “thấp”, và tất nhiên là không nên so sánh với ông.

Shakespeare chết trước Tolstoy đến hơn ba thế kỉ, nhà viết kịch đại tài ấy đã không bao giờ có cơ hội tranh luận lại với Tolstoy (và chắc gì muốn tranh luận). Và đến bây giờ, ông vẫn được xem là một trong những kịch tác gia lớn nhất mọi thời đại.

Vậy, điều quan trọng là, dù cho hai ông này có bật dậy và nói gì nhau thì hai ông vẫn vĩ đại, bất chấp người kia nói gì.

Đánh giá của một người chưa bao giờ làm thay đổi bất kì sự thật nào. Đó là sự kì thú của thế giới nghệ thuật.

Tôi lại nói tiếp một câu chuyện khác, câu chuyện một nhà thơ tên là La Mai Thi Gia và tập “Thơ trắng”.

Nếu nói về “gout”, tôi không thuộc “gout” thơ của Thi Gia. Nhưng tôi không nghĩ rằng: “gout” khác nhau thì nhất thiết phải không thấy nhau hay!
Nhà thơ La Mai Thi Gia

Công bằng mà nói, chọn được bài hay toàn vẹn là điều không dễ trong tập “Thơ trắng”, nhưng cũng không khó nhận ra những câu thơ “ăn vào lòng” người ta một cách tự nhiên, nhẹ nhõm một cách tự nhiên:

Ta là cỏ, là sương, ta là suối
Ta đám côn trùng, ta bóng trăng
Ta như đứa trẻ còn dây rốn
Bú mớm mẹ ta đến vĩnh hằng

                         (Xanh)

Cõng nhau lên chóp đỉnh tình
Học theo mây trắng nghe mình hư không

                                 (Cõi anh)

Đã biết rằng mai tan tác mộng
Sao chẳng vào nhau cho hết đêm

      (Đã biết rằng mai tan tác mộng)

Buồn từ ngày chưa ngâu
Ai yêu thì tự bắc cầu mà tới
Đừng cứ đợi ngâu về rồi hò hẹn với mai sau.

                       (Đừng đợi ngâu về)

Viết tự nhiên là khó. Cái hay và cái dễ… bị chê ở Thi Gia là ở đó. Tự nhiên, hồn nhiên, đôi khi rất dễ chịu, dễ gần, là bản năng thơ rất đáng gìn giữ, nhưng cũng có thể trở thành một tâm sự chưa đủ sự chưng cất.

Nhìn toàn cục, Thi Gia dường như không có xu hướng tạo tứ thơ mang tính hệ thống, thơ Gia đôi khi không rõ hình khối và sức công phá của tứ nhưng lại có những tứ nhỏ rất quý, một kiểu “đặc sản”, một kiểu “phong cách thơ” rất Thi Gia:

Bới mây ra mà tìm nhau

        (Bới mây ra mà tìm nhau)

Ngày đã cạn ngày
Em đã cạn anh

      (Tình ơi em đắm tim mình)

Có ríu ran nào cứ thủ thỉ trong mưa

                       (Sài Gòn mưa)

Em phơi váy áo em ngoài dậu
Phơi cả tình em trong nắng trưa
Nhớ thương cuộn cả lên trời mộng
Đổ xuống đường xa đêm gió mưa

       (Đã biết rằng mai tan tác mộng)

“Đàn bà thợ xây” có lẽ là bài thơ có tứ tốt nhất trong “Thơ trắng”. Chủ đề “có vẻ” thời sự, hình ảnh “có vẻ” thô ráp, phong cách “có vẻ” không gần với cô nàng Thi Gia (vốn mang giọng thơ “đa tình, “khát tình” và “vọng dục” - không phải là “dục vọng”), nhưng bài thơ này thực sự khiến tôi nghĩ đến bài “Người đàn bà ngồi đan” của Ý Nhi. Tôi không so sánh, nhưng tôi nghĩ đến.

Hình ảnh người đàn bà ngồi đan bao nhiêu nỗi đa đoan của đời và của mình là một ám ảnh thơ ca quý giá trong kho tàng thơ Việt Nam. Hình ảnh ấy quá đa diện, minh triết và mạnh mẽ vô hạn. Thế còn người đàn bà thợ xây?

Đàn bà, họ vẫn xây đấy thôi; cứ gì phải có công trường. Xây là bản thể của đàn bà. Một sự bề bộn xây đắp cuồng điên và thiếu thốn sâu xa là nỗi đời vĩnh cửu của người đàn bà trong một “kho xưởng” tình yêu, hạnh phúc và hy vọng; một thế giới “đầm đầm châu sa” luôn được tạo nên từ bàn tay miệt mài xây đắp dẫu phù du.

Những người đàn bà thợ xây
Vai tươm tả nắng
Lòng bàn tay chằng chịt vết chai

Những người đàn bà thợ xây
Giấu mình trong lớp áo dày
Tóc ủ vào khăn và những giọt mồ hôi ủ trong làn da sạm nắng
khét mùi mưu sinh

Những người đàn bà thức dậy trước bình minh
Giặt giũ và phơi phóng
Trên dây phơi không có một chiếc váy mềm được dệt bằng voan và ren đỏ
Cho một người đàn ông được cởi ra trong đêm

Bàn tay của người đàn bà vò thật nhẹ, thật êm
Những chiếc áo lót không rõ màu sắc
Rồi nghiến răng vò những chiếc găng tay đầy vữa vôi và những chiếc áo bảo hộ màu xanh
Hình như là xanh hy vọng
Màu xanh của biển và trời
Màu xanh đã bạc phếch lâu rồi

Những người đàn bà thợ xây
theo chồng đi khắp nơi
Những người chồng theo những công trình đi khắp nơi
Chiếc giường tầng trong lán trại chung cũng là nơi ái ân của họ
Không một tiếng rên
Không một hơi thở mạnh
Sợ sỏi đá ngoài kia biết họ làm gì
Sợ những người đàn ông nằm bên
trở mình khao khát
Tưởng nhớ một thân hình mềm mại ở quê xa

Những người đàn bà không thơm mùi nước hoa
Những thân hình chưa từng phủ lụa là
Chẳng dám khóc cho nỗi nhớ con thơ
và nỗi nhớ nhà
Trong những chiều khói bếp thành thị cay xè...
Cay xè con mắt
Cứ ngóng phía quê mà ánh nhìn hiu hắt
Những thợ xây đàn bà
Những người mẹ đi xa.

Một bài thơ quá gợi.

Một khối tình tự được nhào nặn rất tự nhiên với chủ đề về người đàn bà làm nghề thợ xây, sau khi hoàn thành bỗng dưng phát tiết thêm một ánh sáng khác về thiên chức “bụi bặm” và luôn dở dang của người đàn  bà.

Một bài thơ vượt qua chính giới hạn của nhà thơ, giới hạn của những tâm tình đơn giản và tương đối dễ dãi, giới hạn của những câu thơ viết tràn theo cảm xúc mà ít tìm cách trụ lại bởi một vài “nhãn tự” sâu xa. Giới hạn đó đã được vượt!
Tập Thơ trắng của Thi Gia

Câu chuyện cuối cùng về Thi Gia: cuộc truy vấn về ngôn từ “tính dục” trong thơ.

Em ơn anh, ơn anh...
Đã mang về em biêng biếc của ngày xanh
Sau mải miết ái ân lại lụi vào nhau và khóc
Thổn thức dùm nhau mai bước đời khó nhọc
Nhìn nhau, lau nước mắt rồi cười

                                     (Ơn anh)

Tôi cho rằng, đây là một trong những ý thơ, đoạn thơ, câu thơ có thể đủ sức làm người ta xúc động thật sự vì… tình dục. Những câu thơ mang tính dục bản thân nó chưa bao giờ… sai (nhìn lại lịch sử văn học và nghệ thuật của cả thế giới thì biết); nhưng nó thường bị đối xử rất nghiêm khắc. Tự cổ chí kim đã thế. Thi Gia cũng chung số phận với những nhà thơ “dám” viết về tình dục. Nhưng “lỗi” của Thi Gia lớn hơn một chút: hồn nhiên quá! Ít biến hoá quá!

Trần truồng như trẻ nhỏ
Cùng em bày cuộc vui
Cứ cười và cứ khóc
Rồi vào nhau ngủ vùi

    (Cùng em bày cuộc vui)

Một ví dụ: đoạn trên này tứ rất khá nhưng thiếu một chút gì đó (tôi cũng không rõ, hoặc là không thiếu gì nhưng tôi không nhận ra) để có thể làm một đường nối thú vị tới câu thơ “công án” bàng hoàng của bài thơ “Sinh Tử” (Trần Thánh Tông) từ thế kỉ XIII:

Sinh như trước sam
Tử như thoát khố

(Sống như mặc áo vào
chết như cởi bỏ quần ra)

(Đương nhiên, Trần Thánh Tông không viết về tình dục, ông viết về bản thể, nhưng có sự hô ứng nào đó).

Viết về tình dục, có lẽ, cần một sự cô đọng nào đó lớn hơn về tư tưởng. Mặc dù tư tưởng…không làm nên tình dục.

Tôi chợt nghĩ đến câu thơ của Chế Lan Viên:

Ôi cây cỏ cũng đầm đìa sắc dục

Chuyện cha trời mẹ đất, vũ trụ “tình tự” với nhau trong ánh sáng giao hoà cùng tận, hay nói cách khác là “làm tình”, hình như không mới đến nỗi cần phải ngạc nhiên và phản đối “kịch liệt”. Cuộc ái ân của thiên nhiên là điều thiêng liêng, là nguồn suối cảm hứng. Nhân loại thời ấu thơ đã nhận biết việc ấy và hồn nhiên tôn thờ cuộc chơi viễn mộng ấy. Người thời nay cũng nên bình thường hoá đi chứ. Tất nhiên, nó đi vào thơ ca thế nào lại là chuyện khác. Tôi cũng chưa thật tâm đắc một số câu thơ thắm đượm dục tính của Thi Gia theo cách mà “Thơ trắng” thể hiện, nhưng tôi tin là tôi đã biết xúc động đúng những câu thơ “cận nhân tình”. Viết về tình dục trong những ẩn ức xen lẫn niềm bi cảm, tự nhiên đến khóc được, Thi Gia thuộc vào số hiếm. Có lẽ vì thế mà tập thơ đã được đọc như một thông điệp dịu dàng về “cổ mẫu nguồn cội”, một trạng thái ít nhiều đưa người đọc đến mỹ học tính dục đương đại: “Người đàn bà cất lên tiếng hát bằng làn da, hát ca bằng thân xác ngân nga”. “Người đàn bà đem chăn gối làm sông làm núi, đem châu thổ nguyên sơ làm ngã ba, đem châu thân huyền bí làm nhà”. Những lời giới thiệu tập “Thơ trắng” này của Nhật Chiêu - một người không còn xa lạ gì với giới trí thức và giới văn chương chuyên nghiệp suốt mấy chục năm nay ở nước Việt Nam này tưởng vẫn còn đủ là một uy tín cho người ta có thể nhìn lại một chút trước khi đạp đổ một điều gì đó; một uy tín được xây dựng không chỉ bằng tài năng, tình yêu to lớn với văn chương mà còn bởi sự công phu, khổ học và hành trình truyền cảm hứng không thể lớn hơn cho học trò nhiều thế hệ. Riêng tôi, tôi tin lời giới thiệu ấy.

Một phật tử chắp tay búp sen cung kính chào tha nhân không phải vì hạ mình, mà vì tôn vinh Phật tính của người khác, ở nơi người khác. Trong bàn cờ chữ nghĩa, người ta chấp nhận sự khác biệt tận cùng, thậm chí phủ nhận triệt để nhau, nhưng, vẫn còn một nước cờ khác hay hơn, ít “sát thương”, đó là tri âm. Tri âm không nằm ở chỗ hiểu hay không hiểu một cách trọn vẹn, mà đơn giản là cho nhau sự tồn tại”. Người làm thơ viết một trăm câu thơ dở, có một câu hay, người đọc vẫn rất nên khóc vì câu hay ấy. Đó là một tư thế cảm nhận của kẻ khiêm hạ trước năng lực sáng tạo của kẻ khác. Như cái chắp tay búp sen vậy.

“Hoan hô những kẻ phụ tôi, họ đã trả tôi lại cho tôi”. Tôi tiếc là không thể nhớ tên nhà tư tưởng nào đã nói thế. Nhưng câu ấy rất hay, hay hơn cả cho Thi Gia, một nhà thơ đang trải qua sự phũ phàng của cuộc chiến “gia vị thẩm nhận”. Người ta có nhiều cách để làm thơ hay hơn. Một trong những cách ấy là bị đẩy ra khỏi bờ cõi của mình, và dành lại quyền sống cho năng lượng của chính mình. Điều này thì Thi Gia có, rất dồi dào.

Giải có trao hay không trao, đúng “quy trình” hay không đúng “quy trình”, Thi Gia nhận hay không nhận, tất cả điều này không lớn hơn một Sự Thật khác: dù sao, bạn ấy đã làm thơ, dù sao, thơ bạn ấy cũng không tồi, và dù sao, chúng ta còn cả một gia tài lớn là THỜI GIAN, thứ có thể mang lại cho mọi người một lời phán quyết nhân từ và chín chắn về những sáng tạo thực sự của một con người cụ thể, một con người giàu có về cảm xúc và hy vọng, biết đặt cảm xúc và hy vọng ấy vào những vần thơ vẫn còn hé mở rất nhiều cánh cửa cho người đọc.

Quyền của Thời Gian - quyền phán quyết minh bạch về giá trị - cao hơn tất thảy mọi sự luận đàm của làn sóng thượng tôn tự ngã trong thưởng lãm. 

 LÊ THỊ THANH TÂM
Nguồn: NVTPHCM


ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Thơ Lê Tú Lệ - những dòng thơ có lửa…

Đó là ngọn lửa trong trái tim đầy tràn tình yêu thương. Một tình yêu thôi thúc đến nao lòng, dường như lúc nào ta cũng có thể nhìn thấy nó sôi lên, tràn trề, nôn nao và tuôn chảy… Ngọn lửa ấy dường như lâu lắm ta mới tìm thấy lại trong những trang thơ của thế hệ viết sau chiến tranh…
Nhà thơ Lê Tú Lệ ở Saint Peterburg, Nga

“Mờ khơi dong vút cánh buồm” nghe dường như rất bãng lãng, nhưng là ngọn lửa đã thắt cùng trái tim người đọc, từ nỗi niềm thắt thỏm nhớ thương hình bóng cũ của chính mình ở nơi đất ở, nơi mà tuổi thơ nhà thơ đã đi qua trong chiến tranh. Một Hà Nội vừa lãng mạn vừa bi hùng gói gọn trong ký ức cô bé 16 tuổi ngày xưa. Nay trở về, nhìn lại chốn cũ, nỗi nhớ nôn nao đã bật lên như tiếng thầm thì riêng với chính mình:

… Ừ thì về quá vãng ngoại ô
Lượm tiếng bom rung giấu vào hơi thở
Đàn sấu rụng vỡ mấy tầng thương nhớ
Gói mưa phùn dành ướt lúc thôi xuân…

                     (Nhớ Thăng Long)

Hà Nội là nơi đất ở, đã gói gọn tuổi thơ nhà thơ, gói cả tất cả những khúc ca bi tráng và cả một trời mơ mộng của những quả sấu, của những hạt mưa bụi li ti mà trời Nam không có. Dẫu là những dòng rất lãng mạn về một tình yêu đã xa, về một bóng hình đã nhòa trong tim, nhưng vẫn có cái gì ray rứt đến nao lòng.

Kiếp tằm
            phải trả nợ dâu
Tơ tằm
           buộc lấy ngàn sau chữ tình
Khỏa rong rêu
                    Giữa chúng mình
Lại trong ngân ngấn
                 Mắt nhìn nhau xưa…

                              (Tơ tằm)

Bài thơ là một chữ buồn, nhưng nhẹ lắm, thinh không lắm. Một  chút thương yêu, một chút vấn vương, nhưng nhẹ như mây, cái buồn rười rượi ấy làm ta nhớ mấy chữ “con mắt còn có đuôi” của cụ Phan Khôi. Nhưng tình yêu ấy cũng có lúc dâng trào như lửa, quay quắt đớn đau:

Bỏng rát gan bàn chân
Em tự cháy trong anh lanh canh lửa cát
Biển ăm ắp mà cả đời ta khát
Một phiến buồn thầm lặng xa xanh…

                              (Cát)

Tình yêu trong thơ Lê Tú Lệ chẳng bao giờ là trực diện, mà là cái nhìn xa xăm vọng vào ký ức. Viết về Cát, về Tơ Tằm, về hơi xuân mà thấy cả một tình yêu dạt dào của  ký ức được gói gọn trong trái tim thơ…
Nhưng đó chỉ là vài sợi tơ vương nhẹ trong tâm hồn, một phút lãng mạn xao lòng, cũng giống như nỗi bồi hồi nhớ tiếc một dòng kinh, một bến nước… Nhìn cảnh vật bây giờ nhớ chuyện ngày xưa như một cái nhìn sâu vào quá khứ của một thời mở cõi đất Phương Nam.

… Hàng Bàng - Hàng Bàng
Dòng kênh ấy bây giờ không còn nữa
Nước vô vọng tìm dòng
Nước long đong trên phố…

        (Khóc một dòng kênh)

Đó cũng giống như vài hạt sương rơi nhẹ, khép nép khẽ khàng bên nguồn mạch chủ đạo của những trang thơ lửa cháy. Những Thác Bản Giốc, Khoảnh khắc Thương Giang, Khúc Chi Lăng tráng ca, Hòn đảo hình mũi giáo, Lục bát đảo đá, Lính đảo, Lời cha, Những bà mẹ Gạc Ma, Gửi sóng… chính là những khúc tráng ca cất lên như những bài hịch ra trận. Đọc những câu thơ đầy lửa ấy, ai không cảm thấy sôi chảy tình yêu đất nước mình. Một đất nước ngàn năm đau thương mà vẫn ngẩng cao đầu.

Này bẫy đá ầm ầm rung chuyển
Này muôn cây lẫy nỏ rùng rung
Tiếng quân reo ngựa hí vỡ cả trời
 Xác giặc chất chồng lớp lớp
Liễu Thăng cụt đầu hóa đá vẫn còn run

            (Khúc Chi Lăng tráng ca)

Chuyện của ngàn năm xưa tới bây giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa. Vẫn nỗi đau không dứt, vẫn tiếp tục tái hiện như một nỗi ám ảnh không nguôi trong lòng người dân Việt.

Có phải ý trời mà Trường Sa Lớn mang hình mũi giáo
Mũi giáo Cha Lạc Long Quân cưỡi sóng dữ khuất phục thuồng luồng, cá kình, cá mập...

                                                        (Hòn đảo hình mũi giáo)

Và tiếp đó là nỗi đau, nỗi đau của máu hòa trộn với dòng sông dựng nên tượng đài bi hùng của một dân tộc không lúc nào không thắt thỏm bóng quân thù…

Khoảnh khắc Thương Giang
Ngàn năm đồng hiện
Lớp lớp hồn người tay chài tay kiếm
Sóng người ôm sóng nước
Nước bẩn bao lần
                      rửa bằng máu giặc
                                          lại xanh nguyên.

                     (Khoảnh khắc Thương Giang)
Tập thơ “Mờ khơi dong vút cánh buồm” của Lê Tú Lệ

Tình yêu quê hương đất nước như sôi lên cùng sông, cùng núi, cùng biển trời… Tất cả như cùng thở trong cùng hơi thở của nhà thơ. Thác Bản Giốcnhư “Xói vào lòng đá một nhát chém” và rơi vào trái tim đau, nỗi đau bi tráng:

Ba mươi bốn năm trôi qua.
Anh linh liệt sĩ
Vẫn thức canh trời
Nghe thác đổ…

     (Thác Bản Giốc)

Ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy trong từng câu chữ, dù đọc lên thấy đau như xát muối. Nỗi đau sau chiến tranh vẫn như là một vết cắt không bao giờ lành. Anh linh hàng triệu liệt sĩ vẫn còn đó. Trong từng ngọn cỏ, từng nắm đất, từng con sông, từng ngọn sóng biển Đông… Họ đang ở đâu, những con người còn rất trẻ đã sống và chết vì đất nước này? Nỗi thao thức về một người cô còn rất trẻ đã  hy sinh trong chiến tranh, về những người lính trẻ hóa thành nhành hoa trắng trên dòng sông Thạch Hãn, về nỗi đau của người mẹ Gạc Ma cùng những anh linh trôi dạt ở biển Đông 24 năm xưa… Tất cả bện lại thành một dòng nước mắt tuôn chảy, dòng nước mắt cả dân tộc khóc cho nỗi đau trên chính cơ thể mình.

Con thay mẹ ra thăm anh
Thay mẹ gửi hoa cho sóng
Thay mẹ xoa mềm đá khóc
Chẳng thể nào cất đỡ mẹ gánh đau…
Những bà mẹ Gạc Ma vẫn chong đèn đợi cửa
Đêm dày thêm mỗi ngày
Nhớ đầy thêm mỗi khắc
Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi
Biển giấu các con mẹ ở đâu, ở đâu
Để người bạc đầu thay sóng

            (Những bà mẹ Gạc Ma)

Đọc Lê Tú Lệ như nhìn thấy cả trái tim tha thiết, nồng nàn trong từng câu từng chữ. Con chữ như nhập vào anh linh người đã khuất, cất lời của gió, của sông…

… Con không thấy mặt cha
Nhưng cha đang nhìn con rất rõ
Cha nhìn con bằng rưng rưng mắt gió
Bằng ngân ngấn lung linh đốm nước
Nhìn con qua hơi thở dài hun hút bốn mươi năm
Qua khát vọng lưới chài người ngư dân lụi cụi
Tôm cá sông Thạch Hãn này cùng tắm máu lớn lên

                                      (Lời cha)

Những câu chữ như xoáy vào trái tim người đọc, bắt người ta phải sống cùng, thở cùng nỗi niềm mà chị đang trang trải. Đó là sức hút của lửa, lửa trong tim chị cháy bỏng và chị bắt mọi người phải tan chảy cùng chị…

Nhưng cũng có lúc ngọn lửa ấy chỉ còn hơi ấm nồng nàn dịu nhẹ khi tiễn biệt một con người vĩ đại của dân tộc.

Chiều nay
Cây khế tiễn người lặng lẽ chít khăn tang
Tổ quốc tiễn người bằng niềm kiêu hãnh
Chúng con tiễn người bằng quân lệnh trong tim!

                    (Hành trình mới của Đại tướng)

Đọc thơ chị để thấy cả tâm hồn chị. Một tâm hồn có lửa…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG
Theo NVTPHCM


____________________________

Nhà thơ Lê Tú Lệ sinh ngày 26 tháng 9 năm 1959 tại Hà Nội, nguyên quán ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Tốt nghiệp Đại học Luật, bà từng giữ hàm Phó ban Tuyên giáo Thành uỷ - Trưởng phòng Văn hoá văn nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật - Ban Tuyên giáo Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VI (2010-2015), Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ khoá VII (2015-2020).


Hiện nay, nhà thơ Lê Tú Lệ là Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm đã xuất bản:

Giấc mơ - thơ, NXB Hội Nhà văn, 1993.
Gươm đàn nửa gánh - thơ, NXB Trẻ, 1999.
Lỡ tay rượu đổ thềm người - thơ, NXT Trẻ, 2002.
Văn học nghệ thuật - đôi điều nói lại - tiểu luận, NXB Văn Học, 2011.
Mờ khơi dong vút cánh buồm - thơ - NXB Văn Hoá Văn Nghệ, 2013
- Những ngày không gió - tiểu luận, bút ký - NXB Văn Hoá Văn Nghệ 2017.


Lê Công Sơn & Răng mà thương mà nhớ

Trong những người viết báo trẻ hiện nay, tôi đã nhìn thấy ở đồng nghiệp Lê Công Sơn tố chất của một người luôn nỗ lực “vượt lên chính mình”. Anh từng bước tiếp cận với nhiều mảng đề tài gai góc về văn hóa, văn nghệ. Và đã có những bài viết công phu, cố gắng chuyển tải thông tin mới học thuật mà anh chịu khó ghi chép, cảm nhận, phản ánh với tư cách một nhà báo. Âu cũng là một tín hiệu đáng mừng, khi Lê Công Sơn - một nhà báo vẫn còn giữ được tư duy ngày đang mất dần: “Đi và viết”.
Nhà báo Lê Công Sơn tặng sách cho nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn

Với Lê Công Sơn, trong quá trình tác nghiệp ấy, sau khi thể hiện qua nhiều, rất nhiều bài báo mang hơi thở thời sự, anh còn viết cho riêng mình. Đó là những cảm xúc bất chợt ùa về như gió gọi mùa sang, từ sâu thẳm tâm hồn anh đã bật lên những giai điệu mới. Nói cách khác, anh thủ thỉ với chính anh qua thơ, văn. Những câu thơ đôi lúc trầm lắng đến nao lòng:

Thèm về quê. Đã về quê
Ngồi nghe tiếng quẫy cá trê, ao nhà

Âm thanh thân thiết ấy, sao lại là một ám ảnh không nguôi? Phải chăng cũng là một hoài niệm về ký ức tươi đẹp đã xa xăm, đã mất? Trong thơ anh, có nhiều âm thanh vọng lên, có lúc là tiếng ru chứa chan tình phụ tử:

Ầu ơ… tiếng ru nôi
Đưa con vào giấc ngủ
Ví dầu cầu ván cũ
Trang vở Mây đầu đời…

Thơ, chính là lúc phản chiếu tâm trạng của chính mình. Có thể là lúc:

Đưa tay vuốt vội mái đầu
Nhặt thời gian… sợi tóc sâu, giật mình

Ai lại không từng trải qua tâm trạng thản thốt này? Đó là một trong những câu thơ hay của anh. Mà không chỉ có thơ, trong tập tản văn Răng mà thương mà nhớ… còn có những áng văn xuôi, ngắn ngắn, gẫy gọn những cảm xúc bất chợt. Khi đọc, có lúc ta bùi ngùi, cảm động nhưng lại cũng có khi phải tủm tỉm cười. Sao lại không cười, khi anh chàng nọ được “tự do” vì vợ ốm nghén phải về quê cả tháng.

Ừ, sướng nhất là không bị vợ cằn nhằn nữa. Cô ấy cằn nhằn những gì? “Khuya đi làm về mệt mỏi cũng phải “lết” vào buồng tắm kẻo không hôi hám vợ sẽ cho... ngủ đất. Mệt mỏi nhất là vụ... nghiến răng và ngáy…”. Lúc ấy, “Theo quy ước, mỗi lần tôi nghiến răng hoặc ngáy, vợ lại nhỏm người dậy... bóp mũi để tôi biết. Nửa đêm đang mệt, tư dưng nghe có ai bóp lỗ mũi đến ngộp thở, nhiều lần tôi toát mồ hôi hột. Giật mình mở mắt ra thấy ánh mặt nghiêm khắc của vợ, biết “lỗi”, tôi nín thin thít”.
Tập Răng mà thương mà nhớ của Lê Công Sơn

Vậy, thời gian vợ vắng nhà, khỏe re chứ gì? Đã thế lại được tha hồ nhậu nhẹt. Lê Công Sơn kể tiếp: “Đang say sưa men chiến thắng ở quán thịt rừng trong tiếng cụng ly dô dô tán thưởng của bạn bè, tự dưng máy điện thoại đổ chuông hiện lên chữ... “bà xã yêu”, buộc tôi phải phi vào... toilet ngay: “Anh đang ở đâu vậy?, Làm gì mà tui gọi đổ chuông hoài anh không nhấc máy?”.“Em thì lúc nào cũng rần rần hà. Anh đang ngủ chứ làm gì đâu, tại máy điện thoại anh để trong hộc bàn nên vậy chứ gần sáng rồi, đi đâu...” - tôi ngập ngừng. Bỗng, tiếng vợ nhẹ nhàng như tha thiết trong điện thoại: “Anh đang nhậu phải không, mau mau lấy xe về nhà mình đi, tui nhớ anh quá nên tui ở quê phải vào nằm chờ anh về nghe ngáy, nghe nghiến... bóp mũi mới ngủ được nè?”.

Câu kết thâm trầm và ý vị quá đi thôi. Lê Công Sơn đã biết khai thác thế mạnh của sự duyên dáng ấy ở nhiều đoản văn khác, khiến bạn đọc ưng ý và cười một phát, há cũng là cái thú của Răng mà thương mà nhớ.

Sau tập sách đầu tay này, với những gì đã đọc, tôi nghĩ rằng, sẽ còn có thêm nữa những trang viết mới của Lê Công Sơn. Sao lại không? Hãy nghe anh tâm tình:

Chân trời ở phía bên tê,
Lang thang một cõi đi về… xa xăm

Ấy là lúc cảm hứng lại ùa đến. Chúc mừng Lê Công Sơn đã có những bước “đi-về” đầy ấn tượng trong tập sách này.

7.2018
LÊ MINH QUỐC
(Lời tựa tập sách Răng mà thương mà nhớ
của Lê Công Sơn, NXB Hội Nhà văn 2018)


Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Đỗ Hồng Ngọc: bác sĩ viết từ trái tim

Mười mấy năm qua, sách của Đỗ Hồng Ngọc luôn nằm trong danh mục bán chạy nhất, được tái bản nhiềlần, được trưng bày trên các kệ trang trọng nhất trong các nhà sách. Đúng là mộhiện tượng.
Thi sĩ - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Sách của Đỗ Hồng Ngọc không phải là những tiểu thuyết diễm tình, éo le, gay cấn, cũng chẳng phải là sách nhất thời “ăn theo” một sự kiện nào đó, hay những sách dạy làm giàu thời thượng... Đó là những tập tản văn về một nếp sống an lạc, về thiền như Nghĩ từ trái timNhư thịCõi Phật đâu xaCành mai sân trước... Các tập tùy bút về sức khỏe viết cho người cao tuổi như Gió heo may đã vềGià ơi chào bạnThiền và sức khỏeNếp sống an lạc... Và cả những ký sự nhân vật như Những người trẻ lạ lùngNhớ đến một ngườiMột hôm gặp lại... viết về những người quen thân với tác giả, trong đó có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Cõi thơ của Đỗ Hồng Ngọc

Nhiều người nghĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ làm thơ, viết văn và gọi anh là bác sĩ - nhà văn. Nhưng tôi vẫn thích gọi anh là thi sĩ - bác sĩ bởi Đỗ Hồng Ngọc có cốt cách thi sĩ trong con người bác sĩ. Anh làm thơ và có thơ in từ thời sinh viên - tập Tình người (năm 1967), ký bút hiệu Đỗ Nghê. Mấy năm sau khi ra trường là Thơ Đỗ Nghê (năm 1973). Tập thơ đã gây được tiếng vang trong văn đàn bấy giờ. Sau này anh trích một số bài trong hai tập thơ trên rồi in lại trong các tập thơ Giữa hoàng hôn xưa (năm 1993) và Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác (năm 2010).

Bài thơ làm tựa chính Thư cho bé sơ sinh... Đỗ Hồng Ngọc viết năm 1965, khi còn là sinh viên y thực tập tại BV Từ Dũ: Khi em cất tiếng khóc chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em.../ Khi anh cắt rún cho em/Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ... Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng chung/ Số phận con người.

Tôi nhớ hình như khoảng sau ngày ký Hiệp định Paris (năm 1973) ít lâu, anh gửi tặng tôi tập Thơ Đỗ Nghê mới xuất bản. Tập thơ in ronéo nhưng trình bày khátrang nhã. Thơ Đỗ Nghê bàng bạc khát vọng hòa bình và cả nỗi ám ảnh của chiến tranh, đã gây được tiếng vang trong văn đàn bấy giờ. Anh ru con: Ngủ đi con ngủ đi con/ Rồi ngày mai khôn lớn/ Cầm súng với cầm gươm. Và anh ru vợ (hay người yêu?): Ngủ đi cưng, ngủ đi cưng/ Kề tai đây anh bảo/ Coi như mình chẳng có quê hương.

Năm 1997 Đỗ Hồng Ngọc ra mắt tập thơ Vòng quanh, một “bút ký thơ” kèm những ký họa rất thú vị của chính tác giả vẽ lại những nơi chốn anh đã đi qua: Huế, Hà Nội, Boston, Montreal, Bắc Kinh... nhưng có lẽ ấn tượng nhất với thi sĩ là ParisMột tâm hồn thi sĩ như Đỗ Hồng Ngọc mà lạc lối tới Paris giống như anh “trở về”. Vòng quanh ra đời sau chuyến đi Paris năm 1997. Thơ viết về Paris lan man gần phân nửa tập thơ: Paris với anh lạ mà không lạ/ Có cái gì đó rất thân quen/ Như sáng nay thăm lại tháp Eiffel... (Paris tháng Sáu). Hoặc: Ở Paris có thể/ Vào một quán cà phê quen/ Từ ba trăm năm cũ/ Làm một ly đen/ Với Voltaire, Bonapartre/ Hoặc Benjamin Franklin/ Khề khà cùng Jean Paul Sartre... (Café).

Và cõi người của một bác sĩ

Tác phẩm đầu tay viết về y học Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò anh ký tên thật bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, xuất bản năm 1972. Tôi nhớ lần đầu gặp Đỗ Hồng Ngọc khi anh mang tặng tôi cuốn sách này, nhờ tôi giới thiệu trên tuần báo Tuổi Ngọc (bấy giờ tôi là thư ký tòa soạn). Tuổi Ngọc là “tuần báo của tuổi mới lớn”, độc giả của báo cũng là đối tượng độc giả của cuốn sách. Tòa soạn là căn gác xép chật chội của nhà in nên anh và tôi ngồi ở quán cà phê trong con hẻm bên cạnh. Đỗ Hồng Ngọc là một người lịch thiệp, cử chỉ từ tốn, nói năng nhẹ nhàng, dễ gây cảm tình với người đối thoại.

Hai năm sau Đỗ Hồng Ngọc viết cuốn y học thứ hai Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng. Cả hai cuốn sách viết về y học thường thức nói trên tái bản không biết bao nhiêu lần bởi cứ lứa tuổi học trò này lớn lên lại có lứa khác tìm đọc. Những bà mẹ này sinh con đầu lòng rồi lại có những bà mẹ sinh con đầu lòng khác. Những lời khuyên nhẹ nhàng cho lứa tuổi học trò hay các bà mẹ trẻ lần đầu sinh con với văn phong dí dỏm của Đỗ Hồng Ngọc rất hấp dẫn người đọc. Kể cả đến nay, sau 45 năm, hai tập sách y học thường thức ấy vẫn tiếp tục tái bản. Thế mới thấy cái duyên của BS Đỗ Hồng Ngọc. Học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết tựa cho cuốn Những tật bệnh thông thường... đã viết: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”.

Năm 1997, Đỗ Hồng Ngọc cho ra đời một tập sách y học thường thức nhẹ nhàng Gió heo may đã về. Tác giả mượn một câu trong ca khúc Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn: “Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè/ Rồi mùa thu bay đi...” làm tựa tập tản văn viết cho lứa tuổi chớm già. Chỉ trong năm 1997 Gió heo may đã về đã tái bản đến ba lần, đủthấy sức hút của tác phẩm. Mặc dù đề tài viết về sức khỏe của tuổi già đã có nhiều bác sĩ tên tuổi viết như BS Nguyễn Ý Đức, một chuyên gia về lão khoa nổi tiếng ở Mỹ, hoặc GS Ngô Gia Hy đã viết nhiều cuốn về tuổi già. Thế nhưng Gió heo may đã về được viết dưới dạng tùy bút nhẹ nhàng như những lời tâm sự, người đọc dù khó tính mấy cũng sẽ mỉm cười thích thú khi đọc. Tác giả cũng khá bất ngờ khi tập tản văn nhận được sự đón nhận nhiệt tình của đông đảo bạn đọc - có lẽ hầu hết ở lứa tuổi chớm già như anh.

Các tập ký sự nhân vật: Những người trẻ lạ lùngNhớ đến một người... Đỗ Hồng Ngọc viết về những cuộc gặp gỡ, những cuộc chia tay, những cuộc hạnh ngộ diệu kỳ. Anh nhớ những gương mặt, những cá tính, những tài năng không thể nào quên, như học giả Nguyễn Hiến Lê, một tấm gương kiên nhẫn, có ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc đời anh. Hay bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương, một bậc trưởng thượng cả trong y khoa và hội họa Việt Nam, hoặc nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhà văn Võ Hồng, nhà văn Võ Phiến, bác sĩ - nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện...

“Trái tim có cách nghĩ riêng của mình”

Từ những tập sách viết về y học với một giọng văn nhẹ nhàng, các ký sự nhân vật như những lời tình tự đến những bài thơ trăn trở một thời tuổi trẻ hay những câu thơ lãng mạn ở tuổi chớm già, hình như Đỗ Hồng Ngọc không viết từ những nghĩ suy bình thường mà viết từ trái tim, dù trái tim không phải để suy nghĩ mà để yêu thương. Như trong tập Nghĩ từ trái tim (viết về Tâm Kinh Bát Nhã), Đỗ Hồng Ngọc đã viết “trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được”.

Đỗ Hồng Ngọc kể lúc anh dưỡng bệnh ở BV An Bình cuối năm 1997 sau khi mổ sọnão ở BV 115, anh đọc được Trái tim hiểu biết của thiền sư Nhất Hạnh viết về Bát Nhã ba-la-mật-đa Tâm Kinh do một người bạn cho mượn. Anh đọc và nghiền ngẫm. Trong lời dẫn nhập sách, Đỗ Hồng Ngọc viết: “Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng. Rồi bức xúc, phải viết ra cho khỏi quên, để lâu lâu còn coi lại một mình. Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm tòi, tham khảo, loay hoay...”. Mãi đến sáu năm sau, cuối năm 2003, tập Nghĩ từ trái tim mới được ấn hành. Anh giới thiệu và giảng giải Tâm Kinh theo cách của anh, một bác sĩ, không ẩn dụ mà là những ví dụ, những từ ngữ dễ hiểu, dễ đi vào tâm thức người đọc.

Nghiền ngẫm Tâm Kinh để chữa bệnh cho chính mình

Đỗ Hồng Ngọc tâm sự: “Tôi tự nhiên mà khoái Tâm Kinh. Có thể là có duyên sao đó. Sau cơn mê, mổ xong tôi tỉnh dậy. Cười một mình. Ngu ơi là ngu. Đáng đời ơi là đáng đời. Rồi tôi lạ lẫm nhìn nắng chiếu qua khung cửa. Lạ lẫm nghe tiếng chim hót. Lạ lẫm thấy lá thông lắc lư trong gió...”.

Đỗ Hồng Ngọc bảo anh viết những cảm nghĩ trong khi nghiền ngẫm Tâm Kinh cũng là để làm một phương thuốc chữa bệnh cho chính mình và chia sẻ cùng vài bạn bè thân hữu “đồng bệnh tương lân”. Và kể từ sau Nghĩ từ trái tim, những tập tản văn y học, tùy bút thiền, bút ký thơ, ký sự nhân vật của Đỗ Hồng Ngọc với văn phong thanh thoát, đầy chất thơ, nhẹ nhàng như gió thoảng liên tiếp được ấn hành rồi tái bản, tái bản.

PHẠM CHU SA
Nguồn: PLO



Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Nhà văn Tiến Đạt: Sự trôi giạt lữ khách và thân phận mỹ nhân

“Đề tài nổi bật nhất trong tác phẩm của tôi là thân phận, sự cô đơn và trôi giạt của con người. Những nhân vật ấy, có niềm cô đơn sâu kín và sự trôi giạt như đã thành định mệnh” - nhà văn Tiến Đạt tâm sự.
Nhà văn Tiến Đạt

Khá im ắng sau tiểu thuyết Thể xác lưu lạc (2009), nhà văn Tiến Đạt vừa trở lại với 2 quyển sách gây chú ý: tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân và sách du ký Lữ khách - gió bụi xa gần, kịp tung ra trong Hội Sách TPHCM lần VIII - 2014. Anh đã dành một cuộc trò chuyện thú vị xoay quanh những cuốn sách, những chuyến đi, sự trôi giạt của lữ khách và thân phận mỹ nhân…

* Năm 2009, sau khi khá gây tiếng vang với tiểu thuyết Thể xác lưu lạc, thấy anh có vẻ im tiếng. Nhà văn, có nhiều trường hợp “ở ẩn luyện bút”, là sự nghỉ ngơi của một chu kỳ làm việc, hoặc cũng có khi bị bí đề tài, thiếu đam mê sáng tạo?  

- Phía trước, trong và sau khi phát hành cuốn sách, luôn thể hiện đời sống của một nhà văn. Ở nước ta, tỷ lệ nhà văn chỉ sống bằng nghề viết rất hiếm. Tôi cũng rơi vào trường hợp phải làm nhiều việc khác bên cạnh viết văn. Viết, theo mình như một đam mê chữ nghĩa, khó dứt ra được.  Sau khi phát hành tiểu thuyết Thể xác lưu lạc, tôi cũng âm thầm viết một số cuốn mới.

* Có phải tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân và cuốn du ký Lữ khách, gió bụi xa gần anh kịp tung ra tại Hội Sách TPHCM diễn ra vào cuối tháng 3 này?

- Việc in sách trùng thời điểm Hội Sách chỉ là sự tình cờ của cá nhân tôi, hoặc là chủ ý của Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ (đơn vị mua bản quyền - NV). Thật ra, tôi cũng rất lười trong việc in ấn. Rất may, lần này có sự hỗ trợ khá nhiệt tình và chuyên nghiệp của nhà xuất bản, nên tôi mới nhanh chóng hoàn thành các bản thảo của mình, kịp in và phát hành đúng thời gian diễn ra Hội Sách.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong kế hoạch in sách tháng 3 năm nay, riêng cá nhân anh in cùng lúc 3 cuốn chứ không phải 2. Nếu điều này xảy ra, đây là điều rất hiếm của một nhà văn Việt Nam.

- Đáng lẽ cùng lúc tôi sẽ in 3 cuốn. Một cuốn truyện ngắn, một cuốn du ký và một cuốn tản văn, 3 đề tài khác nhau. Cuốn tản văn, tựa đề Sự quyến rũ của bước chân, đáng lẽ cũng sẽ in vào dịp này, tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ các yếu tố, chúng tôi dời phát hành sang thời điểm khác, có thể trong năm nay.
* Trong lời bạt tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân, Tiến sĩ - nhà phê bình Trần Hoài Anh và nhà văn Trần Nhã Thụy đã có bài viết khá công phu về tác giả và tác phẩm. Theo nhà phê bình Trần Hoài Anh: “Đây  là sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh... vừa thực lại vừa mộng, vừa lãng mạn lại vừa trần trụi. Trong các câu chuyện tình, ta thấy rõ sự đan xen giữa khát vọng tính dục với những đam mê rất Người, đó là những vấn đề thấm đẫm chất nhân sinh mang tính nhân bản sâu sắc”. Tôi có sự tò mò, anh có chọn sex là phương cách, trào lưu để gây chú ý, như một vài tác giả trẻ hơn anh hiện nay?

- Tôi chưa bao giờ có chủ ý viết về tính dục, và cũng không báng bổ đề tài này. Quan trọng, phải hợp với nhân vật, bối cảnh, không gian, thời gian… Tính dục, chỉ là một trong những yếu tố làm đậm đặc cá tính nhân vật, giúp đẩy vấn đề đi đến tận cùng. Khai thác các yếu tố tính dục, với tôi, chỉ là một phép thử để qua đó nhân vật bộc lộ tính cách và nhân cách của mình. Bạn đọc tinh ý lắm, nhà văn chẳng lừa họ được bằng những trang viết cố tình khiêu gợi nhưng chẳng ăn nhập gì với đề tài. 

Đề tài nổi bật nhất trong tác phẩm của tôi là thân phận, sự cô đơn và trôi giạt của con người. Những nhân vật ấy, có niềm cô đơn sâu kín và sự trôi giạt như đã thành định mệnh.

* Sự trôi giạt của lữ khách và niềm cô đơn thân phận mỹ nhân là những đề tài đang theo đuổi của anh?

- Tôi thích viết về lữ khách và mỹ nhân. Lữ khách và mỹ nhân là những đại diện nhân vật nam và nữ trong các tác phẩm. Họ đa phần không tên, chỉ có đại từ Anh và Nàng thay thế.
* Lữ khách - gió bụi xa gần, theo nhận xét của giới xuất bản, là tập sách du ký được đầu tư lớn nhất và in 4 màu công phu, đẹp nhất trong thể loại sách du ký từ trước đến nay. Chính vì thế, giá bán cũng khá cao. Anh có thể chia sẻ ít nhiều về nội dung chuyển tải và các cung đường anh viết trong cuốn sách này?

- Đây là tập hợp các bài viết theo thể loại du ký trong thời gian trên 15 năm làm trong ngành du lịch của tôi. Nội dung là những câu chuyện liên quan khoảng 40 thành phố của khoảng 20 nước trên thế giới và khoảng 30 tuyến điểm du lịch có sức hấp dẫn, nét riêng tại nước ta mà tôi có cơ hội đi qua trong vai lữ khách.

Những địa danh tôi có cơ may đi qua nằm trong miền ký ức. Thật khó để đưa ra nhận định nơi nào có sức quyến dụ nhất đối với du khách/lữ khách. Không phải chỉ có phong cảnh đẹp hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa bản địa, ẩm thực phong phú, nhiều giai thoại mỹ nhân, sầm uất trung tâm mua sắm xa xỉ… thì lưu lại lâu trong bộ nhớ lữ khách/du khách. Không hẳn địa danh trở thành tuyến điểm du lịch nổi tiếng được đưa vào các ấn phẩm du lịch trong và ngoài nước lưu lại ấn tượng đẹp và sâu lắng nhất cho tất cả mọi người. Cái đẹp của từng vùng đất, và lưu lại trong nỗi nhớ của người lữ khách, nhiều khi phụ thuộc vào duyên.

Cuốn sách này chỉ là tập hợp của những bài viết mang tính ngẫu hứng, và dậy lên niềm xúc cảm về những vùng đất tôi từng đi qua. Vì, còn có nhiều nơi tôi từng đặt chân đến, nhưng thật khó khi trải lòng ra trang viết. Có thể, còn chờ ủ thêm chất men, hoặc phải quay trở lại khơi nguồn mạch chảy suy tư du ký.

* Niềm vui đi, dịch chuyển có trong tất cả chúng ta. Anh làm trong ngành du lịch, lại là nhà văn, nên khá thuận lợi trong việc chuyển tải câu chuyện từng nơi anh đặt chân đến. Đi, dịch chuyển, với anh là cơ hội, hay là định mệnh? 

- Khởi thủy của con người, có lẽ là dịch chuyển, hành trình tìm kiếm, khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài về bí ẩn nội tâm.

Trong ký ức trẻ thơ, những câu chuyện lang bạt kiếm sống trải nghiệm nơi xa lạ, hòa vào dòng đời phức tạp đầy sinh động, nhiều màu sắc, cung bậc của người đàn ông thợ chẻ đá trong gia tộc tôi thời họ trai trẻ đã kích thích trong tôi sự tò mò và nuôi đam mê trở thành lữ khách. Lữ khách của người thợ chẻ thể hiện bản lĩnh phóng khoáng vùng vẫy, mạnh mẽ của người đàn ông phải tự làm chủ, tự đạo diễn cuộc đời mình. Thợ chẻ là lữ khách bất đắc dĩ của bao chênh vênh nhọc nhằn phận người. 

Những người thợ chẻ, trong câu chuyện mỗi lần gặp mặt, họ vẫn nhớ về khoảng thời gian bôn ba, lưu luyến những vùng đất. Cũng giống như tâm cảm của người thợ chẻ, tôi bị quyến rũ mê hoặc vẻ đẹp quê hương xứ sở, và âm thanh vang vọng, réo gọi qua bao cung đường.

* Được biết, du ký đang là thể loại khá ăn khách, vì đánh trúng tâm lý mê đi của độc giả. Anh có tin sách của mình sẽ trở thành một trong những tác phẩm best-seller?

- (Cười) Tôi luôn nuôi niềm hy vọng! Cũng rất vui, vì sách chưa phát hành, nhưng đã có nhiều độc giả, và các công ty du lịch, trong đó có Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đặt mua đợt đầu vài trăm cuốn để tặng du khách. Tôi có niềm tin, thông qua sách, mình chuyển tải hộ được cảm xúc cho độc giả, những người mê sự rong ruổi qua các cung đường.

THANH TUẤN
SGGP THỨ 7

________________________

Nhà văn Tiến Đạt họ tên đầy đủ là Nguyễn Tiến Đạt, sinh ngày 01.5.1975 ở Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện làm việc tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).

Nhà văn Tiến Đạt là Phó ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá 6 (2010-15). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014.

Tác phẩm đã xuất bản:

Có con chim lạ trong thành phố (tập truyện ngắn - 2003).
Tội lỗi tự nhiên (tập truyện ngắn - 2006)
Thể xác lưu lạc (tiểu thuyết - 2009)
Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân (tiểu thuyết - 2014)
Lữ khách - gió bụi xa gần (du ký - 2014)

Giải thưởng văn học:

- Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2014 cho tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân.


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...