Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Nhà văn Trần Đức Tiến: Người chưng cất “truyện ngắn nguyên chất”

Truyện ngắn của Trần Đức Tiến là thứ truyện nguyên chất sát gần với cuộc sống, vừa lột tả sâu xa con người. Nhiều tác phẩm văn xuôi có những trang đẹp như thơ, những thân phận gai góc … có thể chuyển thể, truyện ngắn của Trần Đức Tiến khó chuyển thể được như vậy. Nhưng không phải vì thế mà người đọc không nhớ lâu.
Nhà văn Trần Đức Tiến

Sau tập truyện ngắn “Tuyệt đối yên tĩnh” nhà văn Trần Đức Tiến tiếp tục ra mắt bạn đọc “Lỏng và tuột” (NXB Hội Nhà văn 2010) với 15 truyện ngắn đặc sắc như thứ “hàng hiếm” trong đời sống văn học hiện nay.

Nếu như phần lớn tác phẩm văn xuôi là truyện ngắn và tiểu thuyết tác giả thường xây dựng hai tuyến nhân vật tốt, xấu, tốt đến cả đời và xấu đến tận cùng, hoặc bất ngờ có sự hoán đổi. Đến mức tạo thành một xu hướng trong người đọc: căm ghét cái xấu, muốn bài trừ, lên án cái xấu, bảo vệ, nhân rộng cái tốt. Có không ít nhân vật điển hình như thế được nhắc đến và “tồn tại” trong cuộc sống. Khi khép lại trang sách độc giả thường tỏ ra nghi ngờ tự đặt câu hỏi, có thật có những con người tốt hay ác đến mức thế không? Có khi còn cất công đi tìm “nguyên mẫu” để chứng minh cho sự nghi ngờ của bản thân. Thế nhưng thế giới nhân vật của Trần Đức Tiến thì khác, không có sự hoàn hảo, càng không có những nhân vật “điển hình” trong những “hoàn cảnh điển hình”. Con người luôn luôn tiệm cận với cái tốt - xấu. Ai cũng có trong mình những góc khuất tâm hồn mà không phải lúc nào cũng được phơi bày.… để rồi khi đọc xong là những thảng thốt, chột dạ với chính mình: Không biết có phải bản thân mình cũng từng như thế (ở lúc này lúc khác, chỗ này chỗ kia) không?

Trần Đức Tiến sử dụng không khí truyện nửa hư nửa thực. Tác giả đồng hiện cả hiện tại, quá khứ và sự tưởng tượng với những mơ ước, thèm khát ở tương lai. Nhân vật trong thế giới truyện của Trần Đức Tiến tạo ra luôn khát khao thay đổi bế tắc của hiện thực. Vì thế mọi hành động, suy nghĩ trở thành cuộc phiêu lưu của tâm tưởng. Con người khuất lấp bên trong mỗi chúng ta dường như đối lập với con người hiện hữu. Những ý nghĩ trần trụi của con người dường như chưa được văn học khai thác, hoặc khai thác một cách dè dặt thì Trần Đức Tiến lại không ngần ngại phơi bày. “Những người đàn bà ngẫu nhiên chập chờn hiện ra trong đầu ông. Từ khi nào chẳng rõ, điều đó đã trở thành thói quen - một thói quen không cần rào đón - K. lần lượt ân áo với họ”. Là người đàn bà chỉ chạm mặt trong cuộc ngã giá đất đã nghĩ đến chuyện ngủ với cô ta: “hắn còn biết chắc là sẽ ngủ vào buổi chiều. Phố vắng, lặng tiếng xe tiếng người. Ở dưới gầm giường, chỉ có tiếng rúc thanh bình của lũ chuột”. Một người tình trẻ đẹp quen trên đường đi bộ chỉ mình hắn nhìn thấy và yêu nàng, còn tất cả cho rằng đó là ma. Là con người vô hình – luôn đối lập và tồn tại trong chính con người với ám ảnh chạy trốn nỗi cô đơn nhưng lại đồng loã nỗi thèm khát đàn bà.

Một biên tập viên đọc thơ của kẻ bất tài (bất tài + nhiệt tình = đại phá hoại) “ngã quay cu đơ ra sàn, mắt trợn ngược, cổ họng ngắc ngắc như gà ăn phải lưỡi câu”. Là không biết bao nhiêu cuộc làm tình trong tưởng tượng với những tấm ảnh đàn bà đủ trang phục và tư thế: “những tấm ảnh giúp ông thoát khỏi cái buồn nhạt của đời sống tỉnh lẻ, thoát khỏi bà vợ beo béo thâm thấp, mồ hôi lúc nào cũng rịn ra ướt đẫm hai bên nách…”.

Con người khuất lấp bên trong mỗi chúng ta là thứ khách quan không kiếm soát được. Vì thế đưa vào tác phẩm cái trần trụi mà chỉ mình nhân vật biết và vĩnh viễn trở thành bí mật là sự dũng cảm của tác giả không phải ngòi bút nào cũng dám đề cập đến. Có lẽ đó cũng là một dạng “đấu tranh sinh tồn” của con người thực tại được nhà văn nhân vật hoá trước cuộc sống đầy bon chen, bất ổn, nhợt nhạt. Họ đã đi qua tuổi trẻ, nếm trải mọi vui buồn đắng cay thất bại, muốn thay đổi hiện tại nhưng bất lực như tên của tập truyện “Lỏng và tuột”.

Khai thác khía cạnh này nhà văn Trần Đức Tiến đặt nhân vật của mình trong thế giới hư - thực để tạo ra những “giới hạn”. Giới hạn của những cuộc phiêu lưu dù có ngấm ngầm, có làm thay đổi cuộc sống của nhân vật trong chốc lát. Thậm chí, chỉ ở trong thế giới ảo ấy con người mới tìm lại, tìm thấy những điều tốt đẹp mà thế giới thật đã lấy mất. Họ không thể trôi vĩnh viễn vào thế giới ảo, dù thực tại không bao giờ như mong muốn. Nếu trôi vĩnh viễn vào thế giới ảo đó chỉ có thể là cái chết hoặc trở thành kẻ lập dị biến chất. Có thể xem cái thế giới ấy như một khúc tạm, vì cuối cùng họ vẫn tỉnh táo nhận ra để trở về cái guồng quay thường nhật, không hối hận, nuối tiếc, không phán xét và sống như một con người bình thường.

Truyện ngắn của Trần Đức Tiến là thứ truyện nguyên chất sát gần với cuộc sống, vừa lột tả sâu xa con người. Nhiều tác phẩm văn xuôi có những trang đẹp như thơ, những thân phận gai góc … có thể chuyển thể, truyện ngắn của Trần Đức Tiến khó chuyển thể được như vậy. Nhưng không phải vì thế mà người đọc không nhớ lâu. Chính những thứ tưởng chừng chẳng có gì đặc biệt ấy, từ ngôn ngữ, đề tài, không gian, nhân vật… như thể bất kể ở chỗ nào, xó xỉnh nào được tác giả để mắt tới là nhặt được ngay một truyện ngắn. Không có tên, không có tuổi, không rõ khuôn mặt, quê quán… . Đó sẽ là thứ nhân vật đồng dạng của tâm hồn tác giả cũng như mỗi chúng ta.

Lỏng và tuột”, cũng như nhiều tác phẩm văn học đã và đang hoàn thành, có lẽ Trần Đức Tiến muốn đưa ra một quan niệm khác về văn học. Có thể không mới trong quan niệm văn chương của nhiều người đã và đang cầm bút nhưng hình như ngày hôm nay nó bị lãng quên, bỏ sót.

LỤC HẠ
Nguồn: Văn Nghệ



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...