Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Nhớ nhà thơ Viễn Phương

Nhà thơ Viễn Phương tên thật là Phan Thanh Viễn, sinh ngày 1-5-1928 ở Tân Châu, An Giang.
Nhớ nhà thơ Viễn Phương

Viễn Phương là một chiến sĩ cách mạng, thơ là một phương tiện hoạt động cách mạng của ông. Đề tài thơ là toàn bộ cuộc chiến đấu cho tự do mà đời ông theo đuổi. Thơ ông, từ lúc còn thanh niên cho đến trọn đời mình, luôn cháy lên ngọn lửa của lý tưởng. Sức lôi cuốn của thơ Viễn Phương trước hết ở lòng yêu nước nồng nhiệt:

Non nước ta hằng sống tự do
Bốn ngàn năm trước đến bây giờ
Đố ai xóa được tình thương ấy

Những câu thơ ấy đã cất lên công khai giữa Sài Gòn năm 1955, cổ vũ ý chí thống nhất đất nước. Sau năm 1956, khi chính quyền Sài Gòn khước từ tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thơ Viễn Phương trở thành vũ khí đấu tranh công khai chống độc tài bán nước giữa Sài Gòn. Ông mượn chuyện xưa tích cũ để lên án chính quyền tàn bạo đương thời.

Bạch Khởi có nghe sông núi thét
Bạo tàn đâu khuất được lòng dân

Những bài viết của Viễn Phương, cả thơ lẫn truyện, đăng trên các báo công khai ở Sài Gòn, đã có sức tập hợp và cổ vũ phong trào đấu tranh yêu nước, chống âm mưu chia cắt đất nước. Năm 1960, chính quyền Sài Gòn đã bắt giam ông. Viễn Phương đã trải qua các nhà tù Phú Lợi, Chí Hòa.

Ra tù, 1962, ông lên chiến khu, chiến đấu ở vùng đất thép Củ Chi, đối mặt với bom đạn ngày đêm khốc liệt nhất của miền nam. Thơ ông quyết liệt, lòng ông quả cảm.

Nhưng thật lạ, trước sự hung bạo của quân thù, chất liệu hiện thực ác liệt của cuộc kháng chiến lại tạo nên phẩm chất trữ tình lãng mạn, giàu mơ mộng cho thơ Viễn Phương. Chính tại Củ Chi, ông viết thơ tình yêu Đám cưới giữa mùa xuân được nhiều người yêu mến.

Viễn Phương ưa khai thác khía cạnh trữ tình của các đề tài anh hùng. Thơ Viễn Phương bao giờ cũng có những câu thấm thía, chất thấm thía nội tâm người trong cuộc. Một đặc điểm dễ thấy: cảm xúc thơ ông thiên về thương yêu tình nghĩa. Giọng thơ nhỏ nhẹ mềm mại. Thơ giống như người, ông vốn thanh nhẹ, lặng thầm. Tên tập thơ cuối cùng, xuất bản khi ông trên giường bệnh, vẫn cứ thầm và nhẹ: Gió lay hương quỳnh. Tình cảm với quê hương An Giang vẫn là nốt đàn sâu lắng của cõi lòng ông:

Trước mặt sông Tiền cuồn cuộn sóng
Sau lưng Bảy Núi mịt mù sương
Quê tôi mùa lũ chìm trong nước
Rau cháo cầm hơi... mấy đoạn trường

Đọc thơ thấy người, cũng là chỗ để nhận ra năng khiếu của người thơ.

Tôi không được thường gặp Viễn Phương, những dịp trò chuyện với ông cũng hiếm. Chỉ là gặp trong các cuộc hội họp giới nhà văn, khi ở Hà Nội, khi ở các tỉnh phía nam, nhưng ấn tượng ông lưu lại trong tâm trí tôi rất sâu đậm.

Nét cười thoảng nhẹ như có chút rụt rè, giọng nói càng nhẹ hơn và gương mặt dáng người thì nhỏ nhắn, khiêm nhường. Ngồi nghe ông, nhìn dáng ông, không thể nghĩ rằng con người đã vượt qua những tra tấn, cực hình ở các nhà tù khét tiếng tàn bạo. Cũng không thể nghĩ rằng ông đã trụ vững và làm thơ ngay trong những chiến trường ác liệt.

Viễn Phương làm thơ để ghi lại lòng mình, ghi lại tình yêu quê hương xứ sở của mình trong trận chiến mà lại như viết biên niên.

Và trong biên niên lịch sử ấy, ta lại thấy lòng ông. Ông đã sống cùng nỗi thăng trầm của cuộc đấu tranh giải phóng miền nam. Đất nước yên tiếng súng. Nhìn những đứa trẻ lam lũ của nông trường An Hạ 1983, mê mải xem văn công, ông chỉ tả như khách quan, mà sao ta nhói lòng:

Hàng trăm em bé ngồi trên đất
tóc khét, lưng trần, da nám đen
Con của đất ngồi trên mặt đất
Tháp Mười xa bát ngát hương sen
Không một mùi thơm trên mái tóc
Chỉ nghe vị mặn của mồ hôi,
Xuyến vàng chuỗi ngọc đều xa lạ
Lấp lánh trời đêm mát sáng ngời.

Viễn Phương có nhiều lúc kín đáo, hàm súc đáng quý như vậy. Ông tự nguyện dệt đời mình vào vui buồn của đất nước. Hình ảnh người dân choán trong tâm trí ông thật lớn lao lại chính là từ những đứa em chân đất ấy.

VŨ QUẦN PHƯƠNG
Báo Nhân Dân


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...