Nhà văn Dương Nghiễm Mậu
Nói cách khác, cảm
tưởng về quá khứ văn nghệ và quá khứ lịch sử mới chính là những ám ảnh sâu sắc
nhất của Dương Nghiễm Mậu. Ông thấy những vấn đề của đời mình, của thế hệ mình
cũng là phóng chiếu từ những vấn đề của con người trong các thời đại trước…
Một cách sống chừng mực giữa các đồng nghiệp
Với tư cách một người cả đời sống trong không khí văn nghệ
Hà Nội, tôi hay nhìn sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn trước 1975 giống như là khung cảnh
chung của đời sống chính chúng tôi. Ở đó có nhóm nọ nhóm kia, có sếp sòng chỉ
huy, có đám đông vừa ù lì vừa nhạy cảm, có những người cùng ý chí, cùng hướng
tìm tòi sáng tạo, tất cả quen biết nhau và làm việc trong sự hiệp đồng với
nhau, tuy bên trong cũng đầy những ghen ghét lẫn đố kỵ. Với cái nhìn ấy tôi thường
chú ý đến nhóm Sáng Tạo và các cây bút di cư sau 1954, chú ý tới
tạp chí Bách Khoa, các tạp chí Văn, hoặc sau này mấy tờ Khởi
Hành, Vấn Đề…
Võ Phiến và Mai Thảo tôi nhớ đầu tiên. Ngoài ra là Vũ Khắc
Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca Túy Hồng… đặt bên cạnh bức tranh sơ bộ như trên
thì thấy Dương Nghiễm Mậu không thuộc vào nhóm nào cụ thể. Nhà văn có lần kể với
tôi người thân nhất với ông là Lý Hoàng Phong – người làm tờ tạp chí Văn
Nghệ và tờ này đã đóng cửa từ 1963.
Ở chỗ riêng tư Dương Nghiễm Mậu được coi như cùng lứa với
Thanh Tâm Tuyền, họ đều là những người thanh niên từ Bắc di cư. Nhưng trong những
hoạt động sôi nổi của nhóm Sáng Tạo bao gồm những thảo luận
nghệ thuật là gì, đánh giá lại văn học tiền chiến… người ta chỉ nhớ Thanh Tâm
Tuyền, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp và những tên tuổi tuổi khác. Còn Dương Nghiễm
Mậu thì không tham gia vào những cuộc tìm tòi ồn ào và sôi nổi đó.
Mặc dầu vậy, một trong những bài viết hiếm hoi mà Dương
Nghiễm Mậu còn viết sau năm 1975 chính là một bài viết dài về nhóm Sáng
Tạo.
Hôm trước tôi vừa đưa lại lời bạt rất tâm tình
của Dương Nghiễm Mậu viết cho tập thơ Nhã Ca.
Ở bài đó ta thấy, tác giả của Cũng đành… chơi
với mọi người nhưng không tham gia vào nhóm nào cả. Đọc văn xuôi ông, cũng có
người nhận ra ở ông những dấu hiệu của avant-garde, nhưng những
phát biểu có tính chất là tuyên ngôn về những tìm tòi nghề nghiệp thì rất
ít khi người ta tìm thấy ở các bài báo ký tên ông. Nếu ở ông có một thứ ngôn ngữ
văn xuôi mới, thì sự tìm tòi ấy đã đến với ông một cách tự nhiên.
Ngay từ 1971 trong tập Mười khuôn mặt văn nghệ
hôm nay của Tạ Tị, tên tuổi của Dương Nghiễm Mậu cũng được đặt bên cạnh
những nhân vật tiêu biểu của SG 1945 – 1975 như Trịnh Công Sơn…
Trong tập hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nhà biên khảo này hay
tìm tòi về tiểu thuyết chỉ hạ một câu, đại ý Dương Nghiễm Mậu viết sâu sắc
nhưng có màu đen tối.
Chính tôi được nghe Dương Nghiễm Mậu kể lúc đầu Võ
Phiến chê văn ông, đại ý nói sao ông lại viết thế. Nhưng về sau Võ Phiến khi
làm NXB Thời Mới lại lấy tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu về in. Nhà văn hỏi lại tại
sao như vậy thì Võ Phiến trả lời đơn giản là vì tác phẩm của cậu người ta đọc
nhiều.
Trong cuốn Tổng quan về văn học miền Nam của
Võ Phiến cũng đã trích ra một đoạn ngắn trong truyện ngắn Rượu, Chưa đủ của
Dương Nghiễm Mậu viết từ 1963. Mai Thảo có lần nói về Dương Nghiễm Mậu thì
nhắc ngay đến truyện Rượu, Chưa đủ. Ai thích chuyện hậu trường
văn học tiền chiến hẳn biết trường hợp thiên truyện Chí Phèo của
Nam Cao, khi được gửi tới tờ báo lúc đầu nó đã bị vứt vào sọt rác. Nhưng
về sau thì lại được các nhà biên tập -- theo tôi nhớ là Lê Văn Trương -- tìm lại
và coi như họ đã khai sinh ra một tác giả. Trường hợp xảy ra với Rượu,
Chưa đủ cũng na ná như trường hợp trên.
Tóm lại, khi nhìn lại cuộc đời của Dương Nghiễm Mậu, tôi
thấy ông không thuộc loại làm văn nghệ theo nhóm phái và thường xuyên có những
cuộc trao đổi về nghề nghiệp với bạn bè, nói theo cái chữ suồng sã của bọn tôi
là tồn tại kiểu bầy đàn. Những tìm tòi về nghệ thuật của ông cũng nảy sinh một
cách tự nhiên, do chỗ nội dung yêu cầu như thế thì phải có hình thức tương ứng.
Ông không “vào hùa”, “kéo bè kéo cánh”, hoặc làm hàng, chạy theo mốt. Ông
không quá coi trọng và lo lắng sự đánh giá của người viết đương thời, mà cái
chính là lo đọc đi và viết.
Nhưng đấy mới là một khía cạnh của Dương Nghiễm Mậu.
Gặp lại mình trong người xưa
Gặp lại mình trong người xưa
Trong dịp Dương Nghiễm Mậu qua đời, tôi được đọc trên
trang Da Màu một bài viết cũ của Dương Nghiễm Mậu mang tên là Nhân nghĩ
về Khái Hưng. Bài này vốn in trên bán nguyệt san Văn số 22 ra ngày
15/11/1964. Trong bài, ngoài đoạn kể về cái chết của Khái Hưng, Dương Nghiễm Mậu
nói tới hai cuốn sách của Khái Hưng mà ông có cảm tình đặc biệt. Trong khi những
người khác thích ở Khái Hưng những Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng
xuân (vốn sau này đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường
trung học của SG trước 75) thì Dương Nghiễm Mậu lại chú ý đến hai tác phẩm
là Tiêu Sơn tráng sĩ và Băn khoăn. Ông viết, “cuốn
trên tôi thích có lẽ một phần vì nhân vật Phạm Thái – một nhân vật vừa là chiến
sĩ vừa là tu sĩ vừa là nghệ sĩ mà Khái Hưng đã làm sống lại được. Còn cuốn sau
tôi cho là một tiểu thuyết rất mới của thới đó mà cho đến bây giờ nữa đã cho
tôi phần nào lý do sự thất bại của trí thức mới trong giai đoạn lịch sử vừa
qua.”
Từ cách miêu tả của Dương Nghiễm Mậu trong bài này, thấy
toát lên cái ý Băn khoăn chính là bức tranh hoàn chỉnh về đời sống
tinh thần của một lớp trí thức như ông và sau ông. Trong tác phẩm ấy, sự bế tắc
là cái chia đều cho mọi thế hệ. Người tri thức sau khi tự hỏi “học để làm gì và
đỗ để làm gì” thì câu trả lời là “học để chẳng làm gì ráo, đó cũng chẳng ích lợi
gì cho chàng, cho tương lai của chàng”. Các nhà thầu, các nhà làm kinh tế cũng
bế tắc không hiểu kiếm tiền để làm gì. Các cô gái mới lớn cũng băn khoăn không
hiểu tuổi thanh xuân của mình sẽ dùng để làm việc gì. Cả xã hội sống trong một
khung cảnh nhiễu loạn, không có giáo dục gia đình, không có luân lý gia đình;
đám thanh niên lớn lên sống không mục đích hay với chỉ mục đích là chơi bời
phóng đãng.
Qua việc đọc ra những bế tắc của các nhân vật thời Khái
Hưng, Dương Nghiễm Mậu nhận thấy đó cũng là những bế tắc của thế hệ mình. Cái
trách nhiệm của người tri thức mà tác giả nhận lấy và coi những người đương thời
của mình cũng phải nhận lấy, cái trách nhiệm đó không có gì thực hiện và điều
đó kéo dài qua mấy thế hệ.
Dương Nghiễm Mậu đã mở ra một khía cạnh mới của văn học
tiền chiến và sự liên lục của nó còn kéo dài đến sau 1975.
Từ bài viết trên về Khái Hưng tôi chợt nhận ra nhà văn nổi
tiếng là hay lặn lội đi tới các tiền đồn này rất hay trở lại với lịch sử và tìm
thấy trong cách sống cách nghĩ của người xưa những gợi ý cho ngày hôm nay.
Tôi chợt nhớ lại một tiểu luận khác của Dương Nghiễm Mậu,
bài Tản Đà – kẻ làm loạn với chính mình in ở Văn số 35 ra 1-6-65
Nguyễn Tuân viết về nghệ thuật múa kiếm của Tản Đà, kể
cũng đã lạ. Nay Dương Nghiễm Mậu còn đi xa hơn, thấy ở nhà thơ mà người ta chỉ
nhớ như là ông thần ngông và ông thần rượu một khía cạnh con người hiện đại. Nhớ
trong một lần trả lời Thời tập 1974
khi được hỏi Không lẽ người ta chỉ say sưa có chừng đó? Rượu, thiên
nhiên, người yêu ông trả lời ngay Còn có những thứ say sưa
khác nữa chứ, ví dụ như làm loạn chẳng hạn...
Trường hợp sau đây thì được biết tới nhiều hơn:
Dương Nghiễm Mậu với truyện ngắn Kinh Kha con chủy
thủ và đất Tần bắt trắc. Tác giả đọc trong lịch sử của đời Tần Hán xa xôi
những vấn đề của nước VN thời nay. Ông chấp nhận cả chuyện phần nho khanh thư
vì thật ra trên đời này có biết bao kẻ làm loạn. Cái sự chuyên chế đã đành là
phải tiêu diệt, nhưng sau đó thì cái gì sẽ thay thế, tất cả đều không biết. Cuối
truyện này còn một đoạn trữ tình ngoài lề, trong đó tác giả liên hệ hoàn cảnh
cuộc đời về Tần Hán với tình cảnh của con người ở giữa những sự lựa chọn thời
gian từ 1945 – 1954. Cái giọng bao trùm của bài viết cũng là cái giọng thấy ở
nhiều tác phẩm khác của Dương Nghiễm Mậu, đó là sự bế tắc của con người không
biết lựa chọn điều gì cần thiết cho mình, nhưng lại cũng kiên quyết bảo vệ sự lựa
chọn ấy, không đặt quyền hướng dẫn đời mình vào tay kẻ khác. Sự chọn đường của
người trí thức bao giờ cũng là hành động tự nguyện và là sản phẩm của những hiểu
biết về lịch sử và thân phận con người.
Từ những suy nghĩ của Dương Nghiễm Mậu về Băn
khoăn của Khái Hưng và các sáng tác vừa kể, tôi nhận ra hình ảnh một
nhà văn hôm nay, không quá lo lắng về quan hệ với các đồng nghiệp đương thời,
nhưng lại luôn thấy mình chia sẻ với các tác giả trong quá khứ và biết sống với
những vấn đề chung của con người ở các thời khác.
Nói cách khác, cảm tưởng về quá khứ văn nghệ và quá khứ lịch
sử mới chính là những ám ảnh sâu sắc nhất của Dương Nghiễm Mậu. Ông thấy những
vấn đề của đời mình, của thế hệ mình cũng là phóng chiếu từ những vấn đề của
con người trong các thời đại trước. Với vẻ bề ngoài xù xì và bám sát của đời sống
sĩ quan và lính tráng những năm chiến tranh, thật ra thì Dương Nghiễm Mậu cũng
đặt những vấn đề của xã hội. Ở ông tuyệt nhiên không có sự viết văn làm dáng,
nghệ thuật vị nghệ thuật như người ta nói. Trong khi đạt tới sự thiết thực tối
đa thì đồng thời ông cũng đạt tới sự trừu tượng hóa tối đa mà trường hợp tập Cũng
đành là một ví dụ.
VƯƠNG TRÍ NHÀN