Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Văn Nguyên Lương với những vần thơ đẫm nước mắt tình người

Văn Nguyên Lương tên thật Nguyễn Văn Lương, sinh năm 1986 ở Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa toán Trường Đại học Sư phạm. Hiện dạy học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV.
Nhà thơ trẻ Văn Nguyên Lương (ngoài cùng bên phải)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của anh khá nhiều biến động, cuộc sống đói nghèo đã mang ba mẹ anh vào Nam tìm cuộc  mưu sinh. Rồi các anh, chị cũng lần lượt xa quê để tìm đến những miền đất hứa của riêng mình. Quê nghèo, còn lại mình anh với những mùa nắng gió cút côi, với sự trống vắng trong căn trong căn nhà đơn sơ, quạnh quẽ. Mùi bùn đất quê hương, mùi rạ rơm, khói bếp quyện vào tâm hồn thơ trẻ, loang dần ra từng thớ thịt để thở ra những điệu buồn miên man…

Chính vì thế, nên anh cảm nhận được sự sâu sắc, sự gian lao và bao nỗi lo toan của người nông dân chân lấm tay bùn mà có tấm lòng chân chất nơi quê mình qua những tháng năm  bão bùng, nắng gió. Những bài thơ anh viết thấm đẫm nước mắt, đau thương, dằn vặt, và nó như ngọn sóng vỗ mạnh vào bờ xúc cảm của mỗi độc giả. Dường như họ được gặp lại chính mình trong chuỗi hình ảnh gian khổ năm nào:

“Gió gảy đàn trong mây mù bão tố
Mẹ vào bếp dột mưa
Mắt đẫm sương ấm bùng ngọn lửa
Cha nhẻm đen cõng từng lọn củi
Bữa vỡ lòng tôi được nửa củ khoai

Tôi lớn khôn từ mồ hôi muối mặn của cha
Đi dọc biển đời từ nước mắt âm thầm của mẹ
Nước mắt mồ hôi sinh thành
Cộng lại dáng hình tôi…

Dòng sông Thoa như đời mẹ vẫn lặng lẽ tảo tần
Ngọn núi Đồi bóng cha che chắn con đường chông gai
Tôi vươn vai bước…”

                            (Nơi tôi sinh ra)

“Dòng sông Thoa” hay “ngọn núi Đồi” trong thơ anh chỉ là hình ảnh quen thuộc của làng quê nông thôn Việt Nam gắn với bao hoài niệm đẹp, nó được ví von như sự khổ nhọc của “công cha nghĩa mẹ cao dày”. Ta còn nhận ra sự thèm khát biết bao hơi ấm mẹ hiền, chiều chiều anh vẫn thường ra đầu ngõ đợi mẹ đi làm về trong vô thức. Để rồi cất lên những nấc nghẹn khi nhận ra mẹ đã như thân cò lặn lội vì miếng ăn giấc ngủ của bầy con thơ như trong đoạn hoài niệm của anh trong bài “Hoa khế”:

“Giữa miền tha hương
Cánh tim tím xoay vòng thương nhớ
Hoa khế nhà ai,
Vỡ òa kỷ niệm…
Một mình…
Sót ngọn gió xuân
Cánh cửa thần kì chợt mở
Bắt gặp tiếng cười giòn
Rạo rực cõi thần tiên

Một sáng mai,
Thơm lừng hương cỏ dại
Đàn trâu thủng thẳng tiệc mừng
Xa xa đất ải ruộng cày
Ngọn gió quê mát rượi
Tiếng gọi nhau í ới
Chị em dặm lúa trên đồng
Có ai về,
Buộc giùm tôi nỗi nhớ?
Những chiều đợi mẹ phương xa…
Con dế than ngồi khóc
Chùm hoa khế ủ hương
Cánh nhỏ
rơi rơi
Chạm ánh mắt
buồn…”

Văn Nguyên Lương yêu văn chương, anh xem đấy như một công việc lao động sáng tạo bằng những nguồn cảm hứng vô tận. Đến với thơ anh như  gắn vào mình một trách nhiệm cao cả của đời người sáng tác trong đời sống hiện thực nhưng chứa đầy sự hoài bão, ước mơ, hy vọng. Từ đó, qua thơ, anh trải lòng bằng những dòng xúc cảm mênh mang trên mỗi bước đời chông chênh, khúc khuỷu:

“Một chiếc lá,
Rơi vào biển tâm tư
Khẽ khàng,
Dội lên con sóng…

Sự đời nhiều khi
Như bức tranh “vân cẩu”
Con trâu lầm lụi tháng ngày
Chiếc cọc như mẹ chồng khó tính

Ngọn gió xuân vẫn thổi
Vô tình hay cố ý
Mang tiếng khóc xác ve non

Ai hiểu?
Con ễnh ương khóc giữa mùa xuân!
Mà khoé mi hình hài cá sấu.
Hoa nở trái mùa cho gió đông vùi dập,
Ánh trăng vừa loé tối ba mươi…

Mặc đời,
Cố chấp
Như kẻ lữ hành
Ta bước giữa chợ đời
Chông chênh…”

                  (Chông chênh)

Với Văn Nguyên Lương, văn chương không phải là trò xiếc chữ. Anh chỉ mượn tạm con chữ để viết nên những bản ký âm xúc cảm. Mỗi bài thơ là một câu chuyện đời được anh cô đọng lại từ nước mắt cùng nỗi niềm thương cảm cho người và cả chính anh:

“Giữa phố phường tấp nập
Một dáng gầy mong manh
Em mời tôi vé số…

Ôi tuổi thơ dại khờ
Tay em không cặp sách,
Chân em không đến trường!

Giữa trường đời bụi bặm
Em bán tuổi ngọc ngà
Tôi nào khác chi em
Đi bán từng con chữ
Mua cho mình chút lẻ loi…

Góc khuất xa em ngồi
Đếm mềm từng con số
Số nào cho đời em
Và cả đời tôi nữa?

Tôi muốn mua thật nhiều
Nhưng chiều nay không thể
Giấu đi dòng lệ rơi

Khóc cho em hay khóc cho tôi,
Mà lệ hồn câm điếng?”

   (Khóc cho em hay khóc cho tôi)

Hay:

“Mưa hỡi mưa,
Xin dừng mưa ơi!
Xấp vé số trên tay cụ già nhàu ướt
Biết còn bán được chiều nay?
Bữa cơm nghèo rau hẩm…

Bất chợt vài hạt rơi
Như nước mắt
Khóc thương mái phố
Không che nổi cụ già
Không che nổi,
Những cảnh đời dột nát
Nên mưa nhân từ
Rơi
Cho cây lá
             lên xanh…”

                 (Mưa)

Hai tập thơ “Sóng chữ sông quê” và “Bước đêm đợi nắng lên” do NXB Hội Nhà Văn ấn hành trong quý III và quý IV năm 2017 như khái quát cuộc sống và ánh nhìn của Văn Nguyên Lương đến thời điểm hiện tại. Thơ anh chân thành,  nhưng ý tứ khá mới mẻ, ngôn ngữ nhẹ nhàng và uyển chuyển. Đọc 2 tập thơ anh, ta có thể nhận ra sự kế tục đào sâu ngôn ngữ qua những dung từ mà anh đã sử dụng trong tác phẩm đã tạo nên một một con đường riêng, kết hợp giữa cổ điển và hiện đại khiến độc giả có cảm giác gần gũi, thân quen nhưng không hề nhàm chán. Chúc anh sớm tìm thấy ánh nắng thi ca huyền diệu như mong ước của anh “Bước đêm đợi nắng lên”.

PHÙNG HIỆU
Theo NVTPHCM


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...