Nhà thơ Bùi Giáng
Bùi Giáng, cũng như các thi sĩ thiên tài, đều vượt
quá mọi đóng khung. Tuy nhiên, nhà phê bình, vốn là một động vật thích
phân loại, nên, một mặt để thỏa mãn mình, mặt khác để hiểu thi nhân, ít nhất là
trên đại thể, thì có thể tiếp cận ông từ cạnh khía kiểu nhà thơ.
Bùi Giáng, tôi
nghĩ là một thi sĩ - triết gia, một nhà thơ đồng thời là một nhà triết học. Thi
sĩ - triết gia, khác với triết gia - thi sĩ, tồn tại trước hết với tư cách nhà
thơ, sau đó mới đến nhà triết học. Kiểu nhà thơ này không phải đến Bùi Giáng mới
có, mà từng tồn tại trong văn đàn thế giới như Goethe, Hoelderlin, Braudel,
Tchutchev…, hay Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Tản Đà… ở Việt Nam.
Tiếp tục truyền
thống thi sĩ - triết gia này, Bùi Giáng đã nâng tầm vóc của nó, ít nhất
trong trường hợp Việt Nam, lên cao
thêm một bước. Việt Nam vốn không phát triển lắm về triết học. Các tư tưởng triết
lý, vì thế, phần lớn có nguồn gốc từ các nền văn hóa lớn bên ngoài. Việc
tiếp nhận chúng thường theo nguyên tắc
tương ứng chứ không phải đồng thời, như trường hợp Tản Đà đầu thế kỷ XX tiếp
thu tư tưởng của các nhà triết học Ánh Sáng thế kỷ XVIII. Các thi sĩ - triết gia
của Việt Nam, vì thế, xét trên cạnh khía thời đại, thường lỗi thời ít nhất
một nhịp. Điều này hẳn ít nhiều ảnh hưởng đến tầm vóc và, do đó, tư thế đối thoại với thế giới.
Bùi Giáng, ngược
lại, tiếp thu chủ nghĩa hiện sinh của J-P.Sartre, A.Camus, K.Jaspers… một cách
trực tiếp và đồng thời, khi nó còn đang sống động và đang phát triển. Rồi
từ triết học hiện sinh đi đến hiện tượng luận, sau đó hiện tượng luận hiện sinh
của Heidegger. Bùi Giáng, chủ yếu, đi đến với triết học Heidegger bằng trải
nghiệm riêng của mình. Từ cảm nghiệm vong thân đến với tự do, Bùi Giáng không
hiểu triết học như một thầy giáo, mà
sống triết học như một bậc thầy. Bởi thế, ông có đầy đủ tư cách triết gia, để
phê phán Sartre trong Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại, trao đổi thư từ học thuật
với chính Heidegger và nhà thơ René Char. Quả thật, lần đầu tiên trong lịch sử
văn học Việt Nam có một nhà thơ Việt Nam sống cùng nhịp với các trào lưu tư tưởng
lớn của thế giới đương đại.
Trước đây,
trong thời tiền hiện đại/hiện đại, vẫn thấy những trường hợp thi sĩ và triết
gia tuy có chỗ trùng, nhưng rốt cục, vẫn là hai con người riêng biệt. Như một sự
phân thân. Còn ở Bùi Giáng thì cuộc đời, thơ ca và triết học là một, là
một thứ tam diện nhất thể, đúng hơn tam vị nhất thể. Như con khỉ Mỹ Hầu Vương
trở thành Tôn Ngộ Không sau khi ra khỏi lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, Bùi Giáng trở thành Bùi
Giáng, một thi sĩ - triết gia, sau khi đã chưng cất được một hợp chất từ ba yếu tố cuộc đời - thi ca - triết học trong
“nồi hầm” văn hóa thời đại có nhiệt độ cao và áp xuất lớn. Hơn nữa, ở thời hậu
hiện đại, thi sỹ và/là triết gia cùng đưa ra những diễn ngôn mới, đúng hơn, diễn
ngôn về diễn ngôn, không hề chịu một quy định trước nào, cũng không có tham vọng
trở thành phổ quát, chỉ khát khao tỏ lộ cá tính riêng thuộc của mình.
Hay, nói khác đi, cuộc đời của Bùi Giáng thi sĩ và tư tưởng gia, tuy là nhiều, nhưng đều dẫn đến một
đích nhắm là tìm gặp cái Uyên Nguyên, cái Bản Nguyên trong thế giới vạn
vật. Heidegger thường tụng ca thi
gia và tư tưởng gia, những kẻ canh giữ ngàn đời cho ngôi nhà của tồn tại
như/là/qua/bằng/bởi ngôn ngữ. Thế nên, Bùi Giáng, xuất nhập cả trong thân phận
thi gia lẫn tư tưởng gia, chẳng qua cũng chỉ là những cách thế tuy khác nhau,
nhưng đều dẫn trở về ngôi nhà của tồn tại.
Hợp chất của
cái “nồi hầm” siêu tổng cộng các yếu tố văn hóa thời đại đó chính là cái mà Bùi
Giáng gọi là tư tưởng hiện đại.
Tư tưởng hiện đại, theo Bùi Giáng, trước hết là tư tưởng đương đại, mà trong thời
đại của ông là hiện tượng học hiện sinh và, sau đó, là toàn bộ những điểm khả
thủ của tư tưởng nhân loại không phân biệt đông tây kim cổ được nhìn từ
tư tưởng đương đại. Bùi Giáng gọi động
thái này là “trùng phục thu hồi”, một kiểu tiếp thu sáng tạo như ngày nay thường
nói. Tư tưởng hiện đại, bởi thế, luôn là sự giao thoa giữa cái đương đại và cái
đã qua, đưa cái đã qua trở thành đương đại. Nội dung của tư tưởng hiện đại
của mỗi thời có thể mỗi khác, tùy theo sự thông diễn của người đương thời, nhưng cái gọi là tư tưởng hiện đại
thì như một hằng số thời nào
cũng có. Đó chính là sự “thiết lập Vĩnh Thể trên dòng Tồn Lưu” của Bùi Giáng.
Tư tưởng hiện
đại của thời đại Bùi Giáng chính là hiện tượng học thông diễn mà thi nhân gọi
là giải minh hay minh giải học. Sống, làm nghệ thuật cũng như làm học thuật,
trước hết là phải thông (thông diễn, thông giao, tương thông, liên thông) đã,
tức thâm nhập vào đối tượng, trở thành đối tượng, biến đối tượng thành một chủ
thể, sau đó phải diễn (diễn giải, diễn dịch, diễn giảng, quảng diễn), tức trình
bày cái thông của mình cho người
khác. Thông diễn, như vậy, là một quá trình tham dự của một chủ thể vào
một đối tượng để biến đối tượng đó thành một chủ thể mới, không chỉ với người khác mà cả với chính chủ thể trước.
Thông diễn học, vì thế, là một khoa học chủ quan, hay nói khác vừa là một
khoa học vừa là một nghệ thuật. Nó có khả năng biến một sự kiện (khách quan)
thành một chân lý (chủ quan), bởi như Kierkegaard nói: chân lý là chủ quan. Với tư cách là trí tuệ cảm xúc, thông diễn học là
phương thức nhận thức chủ yếu, phù hợp với cái nhìn thực tại mới của con
người trong xã hội hậu công
nghiệp, tin học và công nghệ cao.
Thơ Bùi Giáng
thể hiện một cái nhìn thông diễn học rất rõ. Sự vật và con người trong thơ ông không bao giờ là tự
thân, tự đầy đủ, mà luôn trong trạng thái đương - là, không hoàn kết, luôn ở thế
tương giao, đối thoại với người đọc. Điều này đã được đề cập đến ở phần
trước, khi nói về trò chơi ngôn ngữ,
và còn đặc biệt rõ hơn trong
các công trình nghiên cứu của Bùi Giáng, như Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại, Con Đường Ngã
Ba, Thi Ca Tư Tưởng, Đường Đi Trong
Rừng… đầy những trích dẫn, vận dụng rất nhiều tri thức đông tây kim cổ từ các
triết gia Hy Lạp cổ đại đến Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Đức Phật, các
nhà văn, các nhân vật tiểu thuyết, thậm chí đến người thật như Kim Cương,
Monroe, Phùng Khánh… Điều này cũng thể hiện rất rõ trong các tác phẩm biên dịch
như Lời Cố Quận, Lễ Hội Tháng Ba của
Heidegger, Mùi Hương Xuân Sắc dịch Heidegger, Nerval và Camus… Bùi Giáng sử dụng
lối dịch - thông diễn. Kể cả khi dịch một tác phẩm văn chương, ông cũng dịch với
một tinh thần đồng điệu, chứ không dịch câu chữ. Nhờ sự trái thói này, mà chúng
ta có được những tuyệt phẩm dịch thuật như Hoàng Tử Bé và Cõi Người Ta. Tuy vậy, cách làm phá cách, không
chịu tuân theo lề lối, đúng hơn là theo một thứ lề - lối - phi - lề - lối của
tương lai, đã làm nhiều người
không chịu nổi, nhất là những nhà nghiên cứu trường trại, hoặc những người có đầu
óc chuồng trại.
Một trong những
cách sống thể hiện sự nhất quán của thi cách và nhân cách Bùi Giáng đó là bệnh
điên của thi nhân. Đành rằng xưa nay thiên tài và điên là chị em ruột. Nhưng cái điên của Van Gogh, của
Dostoievski thì ai cũng nhận ra đó là bệnh. Chỉ có trường hợp Bùi Giáng thì mới có chuyện một
điên mười ngờ. Bởi thế, tôi tạm gọi
đó là điên - Bùi - Giáng. Người ta đã, và hẳn còn sẽ, tốn nhiều giấy mực
để bàn về chuyện Bùi Giáng có điên thật hay không. Tạm gác sang bên vấn đề bất
khả giải này, hay có giải được cũng có thể chẳng chứng tỏ dược nhiều điều, thì
có thể thấy, Bùi Giáng trước hết là
người ngộ chữ, thậm chí còn ngộ chữ có nòi. Khác với những kẻ mọt sách
thường là nô lệ cho chữ có sẵn, người
ngộ chữ tuy cũng đam mê chữ thái quá, nhưng lại thích đùa nghịch chữ, làm mới
chữ. Sự thái quá là không bình thường, bị coi như một thứ bệnh, bệnh điên. Mà sáng tạo, nhất là sáng tạo văn
chương nghệ thuật, thì bao giờ cũng thái quá, cũng không bình thường, cũng điên rồ. Điên - Bùi - Giáng, bởi
thế, có thể xếp vào loại điên - nghệ - sĩ, một thứ điên mà không điên, không
điên mà điên.
Bùi Giáng, trước
hết, rất ý thức về cái điên của mình. Đây là một điều mà ở người điên thuần bệnh lý không bao giờ
có. Kể cả với người lúc tỉnh lúc
điên, vì khi ở trạng thái này thì anh ta lại quên hẳn trạng thái kia. Người điên, vì thế, không biết là
mình điên, tức hoàn toàn bị vô thức điều khiển, và sẽ khăng khăng phủ nhận nếu
có ai đó bảo mình điên. Bùi Giáng, ngược lại, làm rất nhiều thơ về sự điên của mình, như “Người Điên Uống Rượu”, “Ông Điên”, “Thơ Điên”,
“Quá Khứ Của Anh”… Thậm chí Bùi Giáng còn sáng tạo ra cả thứ ngôn ngữ của
người điên, mà, theo ông, ngôn ngữ
què quặt của người tỉnh khó mà hiểu được nó, nhất là ngôn ngữ của người điên có
nghề nghiệp:
Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Giở chừng như mộng giở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên
(“Người Điên”)
Không những
xác định cái điên của mình, mà Bùi Giáng còn dấn thân quyết liệt vào nghề
nghiệp điên. Bởi lẽ, thi nhân tìm thấy ở điên niềm hạnh phúc. “Điên là hạnh
phúc thần tiên ở đời”. Hạnh phúc là khi mình đồng nhất với mình. Điên là trạng
thái trùng khít hoàn toàn giữa con người và bản thân hắn ta. Một sự trùng khít ở cấp độ bản năng, thực vật. Điên
Bùi Giáng thì không hẳn là vậy. Ông vẫn nhận ra sự nghiêng lệch giữa
mình và thế giới, và vì thế mà muốn co vào cái điên của mình như một vỏ bọc, để mình được là mình. Điên của
Bùi Giáng, bởi vậy, chính là một thái độ sống, một cách tồn tại ở đời.
Như vậy, Bùi
Giáng, ý thức hoặc vô thức, đón gặp sự điên của mình, để, một mặt vượt thoát khỏi
mọi can thiệp của cái xã hội, vốn quyền uy và thực dụng, vào lối sống riêng của
mình; mặt khác, bằng hành động điên rồ gửi sự minh triết đến cho mọi người, nhất
là những con người bình
thường. Hình ảnh Bùi Giáng ăn
mặc lôi thôi lếch thếch, cổ đeo đầy ống bơ, giày dép, đứng ở ngã tư đường phố Sài Gòn, chỉ lối cho
con người và xe cộ qua lại, gợi nhớ
đến các nhà tiên tri cổ đại. Hoặc Bùi Giáng “nuôi” rất nhiều lợn đất, gà nhựa ở
nhà và đi đâu ông cũng nhớ về cho chúng ăn. Và mỗi khi cho rằng loại gà lợn này
đi chơi đâu xa, Bùi Giáng thường rải gạo dọc đường để cho chúng nhớ lối mà về
nhà. Những cảnh tượng ấy, quả thực, cũng giống như một cuộc trưng bày nghệ thuật
trình diễn hoặc sắp đặt giàu ý tưởng. Hay, đúng hơn, Bùi Giáng đang làm thơ. Một bài thơ bằng các vật liệu
phi ngôn từ của loại thơ cụ thể.
Người điên
cũng như người chứng ngộ đều cùng chung một cõi vô trí. Nhưng người điên thì ở bề dưới của trạng thái đó, còn kẻ chứng ngộ thì
ở vùng trên. Di chuyển giữa hai đường biên đó, Bùi Giáng không bao giờ điên thật
và cũng không bao giờ chứng ngộ, cảnh giới của thực tướng là vô tướng, chân ngã là vô ngã. Ông vẫn
còn đặt một chân ở cuộc đời, vẫn đau khổ vì cuộc đời: “Anh đã định suốt thiên
thu vạn kỷ/ Làm thằng điên rồ dại suốt thiên thâu/ Nhưng em ạ, dường như anh vô lý/ Lúc đoạn trường
anh đứt ruột khổ đau”. Vì còn đau khổ nên ông vẫn cần ngôn ngữ, vẫn tin vào lời,
dù lời của ông đã gần với không - lời, tư duy của ông đã gần với không - tư duy. Có lẽ, nhờ thế mà chúng ta có được một Bùi - Giáng - Tuyệt - Tự -
Thi, một thứ thơ tuyệt vời ngôn ngữ (tự) và một nhà thơ không thể có người thứ
hai nói dõi. Ông như một Bồ
Tát không bước hẳn vào cõi vô ngôn, vô trí mà vẫn ở lại với Lời để cứu Lời.
Cuối cùng, như
để lại một mật ngữ, trong Lời tựa cho cuốn Martin Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại,
Bùi Giáng viết về F.Nietzsche như là để nối cái điên của mình vào cái “đại
điên” của những vĩ nhân trong lịch sử: “Cái dịu dàng như hươu non đành chực bóp chết lòng mình để
rống to như thú dữ. Nhưng lập tức lời nguyền rủa bốn phía vang lên. Và
Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy
chục năm, Hoederlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác đã điên. Để ngày
nay… Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây xôn xao nêu câu hỏi: Cớ sao mà điên?
Nêu một cái rất ngây thơ tròn
trĩnh.”
Như vậy, với
việc đưa ngôn ngữ trở về với sự vật, rồi lại coi sự vật, trật tự sự vật, tức cuộc
đời, tức thực tại chỉ là các trò chơi ngôn ngữ, tức thống nhất vào ngôn ngữ cả sự biểu đạt thực tại lẫn thực tại
được biểu đạt, Bùi Giáng đã vượt qua chủ nghĩa hiện đại, mở một cánh cửa vào hậu hiện đại, để hôm nay,
càng lúc càng đông nhà thơ trẻ, với những kích thước tài năng và tầm vóc tư tưởng
khác nhau, chen chân qua khung cửa hẹp ấy. Nếu trước đây, Nguyễn Du mở ra thời
kỳ trung đại cổ điển trong văn học Việt Nam, nâng nó lên ngang tầm khu vực Đông
Á, còn Tản Đà vào những thập niên đầu thế kỷ XX đã mở đầu cho thời hiện
đại, đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo thế giới, tuy có sự lệch thời gian, thì
Bùi Giáng ở những mười năm cuối của
cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học
Việt Nam, văn học hậu hiện đại. Có điều lần này, ít nhất với trường hợp Bùi Giáng, sự phát triển của văn học Việt
Nam so với thế giới không còn là sự phát triển tương ứng nữa mà là đồng thời, tức nhịp bước cùng
thế giới. Và quan trọng là sau ông đã rậm rịch những chân bước khác. Bởi thế, theo cái cách mà
Heidegger gọi Hoederlin, tôi cũng muốn vinh danh Bùi Giáng, cũng như Nguyễn Du
và Tản Đà trước đây, những thi nhân làm thay đổi hệ hình tư duy nghệ thuật thời đại, không phải là “nhà thơ
giữa các nhà thơ, mà là nhà thơ của các nhà thơ”.
Hà Nội, tháng 11-2011
ĐỖ LAI THÚY
Theo TIA SÁNG