Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Trong mắt anh em đồng nghiệp, nhà văn Nguyễn Quang
Sáng là một người rất chịu làm và cũng rất đỗi chịu chơi. Kỷ niệm
của tôi với ông có rất nhiều, nhưng sâu sắc nhất là vào thời trước đổi mới.
Vào năm 1981,
lúc chuẩn bị thành lập Hội Nhà văn TP.HCM, tôi nhớ có một cuộc sinh hoạt của
các nhà văn chủ chốt, do Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ đạo. Cuộc sinh
hoạt với nội dung kiểm điểm các nhà văn về tư tưởng, những đóng góp cho thành
phố, sinh hoạt nghề nghiệp và cá nhân... Trong cuộc sinh hoạt này có người tố cáo Nguyễn Quang Sáng về một nội
dung thuộc đời tư cá nhân. Sau chuyện này, ông có bảo tôi: “Tôi không sợ ông đại
tướng, vì một ông đại tướng không bao giờ đem quân đánh tôi, nhưng tôi rất
sợ ông hàng xóm của tôi, vì ông ấy có thể đánh tôi bất kỳ lúc nào”. Nhưng mà sau buổi kiểm điểm ấy, ông Võ
Văn Kiệt có đem một chai rượu đến uống với anh em văn nghệ. Tôi nhân dịp này đọc
hai bài thơ: Bán vàng và Ông già sông Hậu.
Đến hôm sau, ông Võ Văn Kiệt cho thư ký đến gặp tôi xin bản chép hai bài
thơ đó, bảo là để làm kỷ niệm.
Mùa thu năm
1982, ông Võ Văn Kiệt thôi làm Bí thư Thành ủy để ra trung ương làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Kế
hoạch nhà nước. Tôi với ông Nguyễn Quang Sáng bàn nhau làm một bữa tiệc do
chính tôi đứng bếp, Nguyễn Quang Sáng phụ bếp, gọi điện mời ông Võ Văn
Kiệt đến nhậu. Bữa ấy còn có Trịnh Công Sơn thủ vai tiếp khách, Nguyễn Bá và Trần Long Ẩn nữa. Trong bữa rượu này,
tôi đọc bài thơ Đánh thức tiềm lực, gọi
là “tiễn anh Sáu Dân đi làm kinh tế”. Đây cũng là lần đầu tiên công bố bài thơ
này, lúc ấy mà công bố một bài thơ có nội dung thẳng thắn như vậy phải nói là
tôi cũng ngại. Ông Võ Văn Kiệt nghe xong bảo: Nặng lắm, nhưng chịu được.
Còn Nguyễn Quang Sáng thì ông ấy bảo: rồi sẽ đến lúc có người nghe bài thơ này và in bài thơ này. Từ đó, tự nhiên hình
thành một mối quan hệ thân thiết giữa tôi, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn và ông Võ Văn Kiệt. Vào ngày tết
nhóm chúng tôi thường ghé chúc tết
anh Sáu Dân.
Trong giai đoạn
này, văn tài của Nguyễn Quang Sáng phải nói là phát triển rực rỡ. Ông làm hàng
loạt kịch bản phim, thậm chí lúc khó khăn ông còn viết cả kịch bản cải lương. Tôi có câu thơ “Ca sĩ vã mồ
hôi như võ sĩ... Có nhà văn ư
ử ca cải lương” là chỉ Nguyễn Quang Sáng vào lúc ấy. Cũng giai đoạn này ông viết
các truyện ngắn mà tôi rất thích vì sự thâm thúy của nó: Con chim quên tiếng hót, Đạo Tưởng, Tôi thích làm vua... Đấy là những
truyện xuất sắc mà về sau khó làm nổi nữa. Ông Nguyễn Quang Sáng có cách bình
luận về văn nghệ và thời cuộc rất hình tượng, độc đáo và rất Nam bộ.
Từ năm 1981 đến
1995 ông Nguyễn Quang Sáng làm Tổng thư ký Hội Nhà văn TP.HCM hai nhiệm kỳ, cả hai nhiệm kỳ này tôi
cũng tham gia ban thư ký hội,
và phải nói là ông có tinh thần cấp tiến, đấu tranh để bảo vệ những nhà văn có
tiếng nói thẳng thắn, gai góc.
Kỷ niệm với ông thì nhiều lắm, ông nằm xuống rồi, anh em
đồng nghiệp sẽ còn nhớ mãi phong thái thoải mái phóng khoáng và năng lực làm việc
cực kỳ nghiêm túc, mãi đến cuối đời ông vẫn giữ “kỷ luật” cho mình mỗi ngày viết
ít nhất một trang.
NGUYỄN DUY
L.ĐIỀN/TUỔI TRẺ ghi