Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Chùm thơ 1-2-3 của Phan Hoàng

Nhằm tìm một hình thức thơ mới để thể hiện, nhà thơ Phan Hoàng đã thử nghiệm cách viết Thơ 1-2-3. Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ nhằm tránh sự dễ dãi trùng lắp tên bài thơ của người đi trước dẫn tới đạo văn. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.

Nghĩa là, Thơ 1-2-3 câu và đoạn tương ứng tối đa 11-12-13 chữ, với nội dung đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội. Đây là một cố gắng thể nghiệm mới trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Phan Hoàng. Đất Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà thơ Phan Hoàng bên sông Neva - Nga


Sống lại giấc mơ trên đồi Chim Sẻ

Mặt trời dừng ngôi sao đỉnh tháp trường Lomonosov
Luzhniki cỏ tươi nguyên không khí lễ hội bóng đá hành tinh

Xanh biếc sông in Moskva tráng lệ thu tầm mắt
đường thoai thoải tuổi xuân chim hót xuyên rừng
khởi hành giấc mơ tri thức ba mươi năm ta mới gặp mình


Moskva chiều thanh vắng xa em

Trỗi dậy trong ta lời ca ngân nga thân quen
giai điệu mơ màng đôi mắt xanh nâu thiếu nữ

Tình nhân thắm nồng cỏ biếc hồn nhiên công viên
vi vu gió gọi trăng trắng đêm bạch dương tình tự
hiện lên gương mặt rằm trăng em thuở mới tượng tình


Dưới ánh trăng Sergei Yesenin bỗng hiện về

Lãng tử trên lưng ngựa lướt qua cánh đồng lúa mì
lững thững rừng phong lá rơi vàng bước chân ngôn ngữ

Với thi nhân khổ đau và cái chết không có điều gì mới
sợ đôi mắt người đẹp buồn hơn, mẹ già khuya sớm cút côi
dưới ánh trăng linh cảm tài hoa bão tuyết xoáy lòng tôi


Hải âu độc thoại điều gì bên vịnh Phần Lan?

Saint Petersburg hạ ấm chuyển thu lạnh mây mưa đá
ánh vàng cung điện trầm tư sông Neva in bóng vĩ nhân

Đâu đây tiếng chạm ly vodka lần đầu Pushkin - Gogol hội ngộ
và tiếng bước chân “ăn bám” đắng cay Brodsky từ giã nước Nga
theo cánh hải âu tôi bay trong nỗi buồn kỳ ảo thi ca!


Giữa bình minh mưa rực sáng bông hồng vàng

Bông hồng Paustovsky nở từ cuộc sống cô đơn sáng tạo
cái đẹp và sự tự do kết tinh từng hạt bụi vàng

Tiếc thương Pasternak và những ngôi sao chói rạng bốn phương
Paustovsky thảng thốt trước bóng tối uy quyền lãng quên báu vật
ánh sáng bông hồng vàng hướng tôi về Tâm hồn Nga - Tarusa


Dostoevsky chẳng quan tâm tượng mình đứng hay ngồi

Đày đoạ ngục tù hay lang thang túng quẫn
ông chỉ ưu tư số phận những kẻ bần hàn

Thần bút chưa dừng ở anh em nhà Karamazov
còn nhiều tội ác và hình phạt những kẻ giàu có bất lương
trĩu nặng ưu tư trang văn sáng soi chín cõi vô thường


Trái tim thơ Olga Berggolts toả ấm nghĩa trang

Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”
câu thơ sống mãi những người ngã xuống vì Leningrad năm xưa

Tên thành phố đổi thay nhưng tình yêu không bao giờ thay đổi
và chẳng vĩnh cửu nào bằng trái tim nồng nàn Olga Berggolts
xin nghiêng mình trước áng thơ máu xương nâng cánh tâm hồn


27 tuổi đời bay tìm tự do và tĩnh lặng

Khi viên đạn sát nhân tiếp tục bắn vào thơ Nga
cõi hư vô Pushkin đau buồn nắm tay Lermontov

Một mặt trời tái ngộ một mặt trời
vũ trụ thi ca chìm trong bóng đêm tổn thất
tại sao cái đẹp bị dập vùi và cái ác lên ngôi?


Hoàng hôn phương bắc mắt khuya phương nam

Đau đáu đôi mắt u buồn Natalia thương nhớ Pushkin
trái đất ngừng quay sau viên đạn bắn vào lòng tự trọng

Đêm đêm Pushkin vẫn nắm tay Natalia đi về Arbat phố cổ
tình yêu mãnh liệt thi sĩ thời nào cũng ngờ nghệch bão giông
trong mơ vội vàng tôi hôn ngọt mắt em quê nhà thao thức


Có phải Tchaikovsky hoà tấu cùng Mozart?

Nhớ con trai bé bỏng yêu nhạc tôi đi tìm Tchaikovsky
bất ngờ gặp Mozart truyền thần lắng tiếng chim cây phố 

Sống cống hiến phi thường, chết đớn đau bí ẩn
Mozart và Tchaikovsky giao hưởng số phận bi kịch thiên tài
nhân danh tình yêu của con, tôi nguyện cầu bình yên tương lai!

Moskva - Saint Petersburg 9.2018

        Nguồn: Báo Đất Việt

Khúc tráng ca về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

“Cao hơn bầu trời” là bộ phim truyện truyền hình 50 tập do nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc biên kịch, Hãng phim Giải phóng sản xuất, phát trọn vẹn trên 2 kênh VTV9 và SCTV6 “truyền hình thế hệ mới” vào cuối năm 2017. Bộ phim được Cục Điện ảnh chọn trình chiếu trong đợt kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng CSVN, mừng xuân Mậu Tuất 2018.
Như là một cơ duyên

Đương ấp ủ một bộ tiểu thuyết dài hơi về không quân, thì giữa năm 2011, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc bất ngờ nhận được cú phôn mời đến Hãng phim Giải phóng (nay là Công ty cổ phần Giải phóng film) gặp Giám đốc Thái Hòa. Sau hơn một giờ đồng hồ đàm đạo, biết nhà văn có 30 năm gắn bó với Không quân, hiểu cặn kẽ nhiều ngóc ngách và thuộc nhiều số phận con người, vị giám đốc hãng sốt sắng đề nghị nhà văn viết luôn kịch bản phim nhiều tập đi, tiểu thuyết hẵng gác lại đã. Sau khi đề cương được chấp nhận, Hãng phim mời ký Hợp đồng, nhà văn mới mầy mò tìm sách “học nghề”. Và thế là 50 tập kịch bản phim “Cao hơn bầu trời” với 2.500 trang đã ra đời như thế.

Phim được chính thức bấm máy vào sáng 7-11-2012 tại sân bay Kép, Bắc Giang. Đây là nơi mà khung cảnh hầu như vẫn còn nguyên dáng vẻ thời chiến tranh, từ đường băng cất hạ cánh, đến núi đồi, hầm chỉ huy sở… Tại thời điểm ấy, toàn bộ lực lượng Không quân của ta chỉ còn Trung đoàn không quân 927 là đơn vị duy nhất đang sử dụng máy bay MiG 21. Mà đánh B52 thì chỉ có MiG 21 chứ không thể loại máy bay nào khác. Bộ phim tái hiện thời khắc quân và dân miền Bắc, với nòng cốt là bộ đội PK - KQ đập tan cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ, làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy cuối tháng 12-1972. Tuy nhiên, để vít cổ được “Pháo đài bay B52” xuống đất thì chưa có quân đội nước nào làm được, vậy nên quá trình tìm tòi, nghiên cứu và chuẩn bị phương án tác chiến của Quân chủng PK-KQ là rất công phu, tỉ mỉ và khoa học.

Phản ánh đề tài lịch sử, nhưng đây là bộ phim truyện về thân phận con người đi qua cuộc chiến tranh. Nhà văn cho biết, ông không chép lại cuộc sống mà tái tạo nó theo lăng kính thẩm mĩ của mình. Trong số hơn 140 nhân vật của phim, ngoại trừ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, là người thật việc thật, còn lại, từ các cán bộ Quân chủng, Binh chủng cho đến các phi công chiến đấu, sĩ quan điều khiển tên lửa, các pháo thủ cao xạ và trắc thủ radar, đặc biệt là hàng chục nhân vật nữ… đều được ông nhào nặn từ nhiều số phận khác nhau. Không một nhân vật nào trong phim có nguyên mẫu cả. Vậy nên việc có diễn viên cao hứng tiết lộ với báo chí vai mình đóng là nguyên mẫu này, hay nguyên mẫu kia chỉ là sự ngộ nhận mà thôi!

Cùng với việc chú tâm xây dựng hình tượng những người con của miền Nam đánh giặc trên bầu trời miền Bắc, bộ phim còn là tình yêu không thể đong đếm và lòng biết ơn của nhà văn đối với đất và người Hà Nội linh thiêng. Đó là những bà mẹ, những nữ tự vệ nhà máy dệt, và những người con của Hà Nội, từ người bình dân đến các trí thức, tất thảy đều một lòng sống chết vì Thủ đô với đầy đủ hình hài, tính cách và khí phách riêng của họ! Một gia đình người Hà Nội với sự lịch lãm, hào hoa mà dung dị vô cùng. Đó là cụ Tứ, mẹ trung tá Trần Thạnh (Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng PK-KQ), cô giáo Hòa Bình (con dâu, vợ Trần Thạnh) cùng hai cậu con trai, Kiều Liên (con gái) cán bộ kỹ thuật kiêm tự vệ Nhà máy dệt Hà Nội... Xuyên suốt 50 tập phim có nhiều mối tình sâu lắng và cảm động, giữa các phi công tiêm kích với những người đẹp: Vũ Sáng - Kiều Liên, Trịnh Nhung - Huệ (nuôi quân) - cô giáo Vân (hy sinh vì bom Mỹ),  Hà Vĩnh - Huyền…; sĩ quan tên lửa Văn Dương - Hương… Lại có cả chuyện tình của phi công MiG21 với cô gái Nga (Lê Trọng - Nina)… Ấy là chưa kể đến những mối tình đơn phương của nhà báo Nguyệt Hà - Vũ Sáng, của PTS Ninh - Kiều Liên. Nhà văn cho biết, ông không hề dụng ý tạo ra các chuyện tình “tay ba”, nhưng sự va đập của cuộc sống chiến đấu đã nhen nhóm và làm nẩy nở các mối tình hết sức tự nhiên. Và ông tuân thủ theo logic ấy. Nhớ nhung, xa cách, dỗi hờn, hiểu lầm, rồi được giải tỏa, sáng trong… Vâng, giữa bom rơi, đạn nổ, làm sao con người sống được nếu không có tình yêu?  
Đoàn phim thực hiện một cảnh quay
Những thông điệp

Từ tập 1 đến tập 48, là câu chuyện về quá trình chuẩn bị, xây dựng phương án tác chiến và đánh thắng cuộc tập kích chiến lược Linerbacker II của Mỹ. Trong số 34 chiếc B52 bị bắn hạ, không quân ta 2 lần lập công, còn lại 31 chiếc do bộ đội tên lửa sử dụng SAM2 bắn rơi, 1 chiếc do pháo cao xạ 100...

Vào thời khắc cuối cùng của cuộc chiến 12 ngày đêm, hay tin Kiều Liên cùng 4 nữ tự vệ Nhà máy dệt chiến đấu và anh dũng hy sinh, từ nơi trực chiến ở Thanh Hóa, phi công Vũ Sáng xin được trở ra Hà Nội viếng người yêu. Tại đây, Vũ Sáng tình cờ gặp PTS Ninh, nghe lời giãi bày tâm sự của “tình địch”, anh càng hiểu hơn về tấm lòng trung trinh cao đẹp của Kiều Liên, càng yêu quý và xót xa bởi nỗi mất mát quá lớn. Và, anh thề trước mộ phần Kiều Liên là sẽ chiến đấu và trả thù cho cô.

Trở lại sân bay dã chiến ở Thanh Hóa, Vũ Sáng nhận lệnh xuất kích vào đêm 28-12-1972. Sau khi tiếp cận mục tiêu và phóng 2 quả tên lửa đối không K13, vẫn không diệt được mục tiêu, anh không thoát ly mà lao cả chiếc MiG21 làm “quả tên lửa thứ 3”, diệt bằng được chiếc B52 và hóa thành mây trắng giữa trời đêm. Sau chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, người Mỹ buộc phải ký kết Hiệp  định Paris.

Tiếp nối (2 năm sau) là hai tập 49 và 50, khép lại cuộc chiến tranh dằng dặc 30 năm. Bắt đầu từ sự kiện nhân vật Đặng Trung, phi công ta cài vào hàng ngũ địch, ném bom dinh Độc Lập và bay ra vùng giải phóng Phước Long, đến việc Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh yêu cầu KQ tham gia chiến dịch. Phi đội Quyết Thắng được thành lập, anh em phi công (Trịnh Nhung, Thiều Quang) từ miền Bắc vào Đà Nẵng cùng với Đặng Trung và một số phi công “lưu dung” bay chuyển loại máy bay chiến lợi phẩm A37. Từ sân bay Phù Cát, cả phi đội cơ động vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Từ đây, lúc chiều muộn, phi đội cất cánh bất ngờ đánh vào khu chứa máy bay địch ở Tân Sơn Nhất.

Sau niềm vui của non sông liền một dải (30-4-1975), những người con của miền Nam chiến đấu trên đất Bắc, đưa vợ con trở về quê Nam. Cuộc gặp gỡ trùng phùng cảm động. Và cuối phim, người đi, kẻ ở, họ gặp nhau ở nghĩa trang liệt sĩ dâng hương tưởng nhớ những bạn bè đã hy sinh và bao người thân quen ngã xuống… Tình cảm Bắc Nam thắm thiết, hòa quyện!

Tên phim được tác giả “chiết” từ những dòng nhật ký của phi công Hà Vĩnh. Hay tin vợ có thai, những ngày trực chiến, phi công Hà Vĩnh đều đặn viết cho đứa con tương lai: … Con ơi, ngày mai bố sẽ xuất kích. Phía trước là bầu trời, nhưng “Cao hơn bầu trời” là Tổ quốc Việt Nam!... Nhà văn bảo ông muốn chuyển tải một thông điệp rằng chúng ta thắng đối phương không chỉ bằng sức mạnh thông thường mà bằng cả tình yêu, trong đó có tình yêu quê hương, xứ sở của những người lính, rộng ra là cả dân tộc. Một dân tộc thà chết chứ nhất định không chịu sống quỳ!

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, thông điệp cốt yếu mà ông muốn gửi đến khán giả sau khi xem phim ít nhiều sẽ thay đổi quan niệm về chiến tranh, đặc biệt là cách nghĩ về phim chiến tranh nói riêng, phim Việt nói chung. Xuyên suốt 50 tập phim là tình người đậm đà vượt lên bom đạn. Truyện phim đầy bi tráng nhưng chân thực, xúc động, tuy mất mát đau thương ghê gớm song không hề bi lụy. Cuộc sống chiến trận đan xen với cuộc sống đời thường. Hào hùng và cảm động, cao cả mà gần gũi, tác giả chuyển tải sâu xa tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt, nhà văn đã dụng công chọn lựa ngôn ngữ nhân vật phù hợp với tính cách, lứa tuổi, vùng miền… Nhờ vậy, hầu hết các nhân vật trong phim đều có cốt vững, hồn tươi, có hình hài và diện mạo không lẫn, chiếm được cảm tình của khán giả!
Nhà văn - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc
“Thân phận của tình yêu”

Thông thường, khi kịch bản hoàn thành, được nghiệm thu thì hãng phim mới tổ chức sản xuất. Với phim “Cao hơn bầu trời” thì không theo thông lệ ấy, tác giả viết xong tập nào, thì hãng Giải phóng film tổ chức quay tập ấy. Đầu tháng 2-2013, khi mới xong phân nửa kịch bản, nhà văn bị TNGT gãy xương bánh chè đầu gối trái, phải nhập viện mổ. Ngày 21-3-2013, VTV News đưa tin: “Bộ VH, TT và DL vừa có quyết định đưa bộ phim truyện truyền hình nhiều tập “Cao hơn bầu trời”, tác giả Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, vào sản xuất… Bộ phim có nguồn kinh phí do Nhà nước đặt hàng chiếm hơn 70%, nguồn xã hội hóa chiếm 30%. Dự kiến, bộ phim sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài truyền hình VN từ tháng 8-2013 đến tháng 10-2013”. Bị đặt vào thế “cưỡi lưng hổ”, nên mặc dù chân còn bó que, chống nạng, Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc vẫn cắn răng viết cho xong 25 tập còn lại. Cực không thể tả, nhưng có lẽ hồn cốt phim đã nhập vào người, nên tác giả cứ liều ngồi “cày” đến nỗi đầu gối bị cong gập, phải đi tập vật lý trị liệu, kéo mãi mới duỗi ra được. Âu cũng là cái giá phải trả cho sự đam mê.

Khi những thước phim cuối cùng vừa quay xong thì máy bay MiG21 của Trung đoàn 927 cũng xếp xó vì quá cũ, bây giờ thì có tiền tấn cũng chả làm nổi phim ấy nữa. Nhà máy dệt Nam Định cũng đập đi, để xây mới. Trong quá trình làm phim, có nhiều thay đổi về nhân sự. Nghệ sĩ Văn Hiệp (vai bảo vệ nhà máy) xong mấy tập đầu thì mất vì bạo bệnh. Một số vai diễn được thay người mới. Dàn diễn viên gạo cội như: Văn Báu, Bình Xuyên, Hoàng Thế Bình, Phạm Tiến Lộc, Nguyễn Thiên Bảo, Nguyễn Hoàng Tùng, Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Xuân Trường, Đồng Văn Bình, Trịnh Mai Nguyên… để lại những dấu ấn khó quên. Đặc biệt, các nữ diễn viên: Đoàn Trang Nhung, Nguyễn Thị Sâm, Đặng Thùy Linh, Nguyễn Mai Chi, Nguyễn Thị Kim Dung, Lê Thị Thu Hằng, Nguyễn Thanh Hương… đã nhập vai rất dung dị, tạo nên hồn cốt của phim. Có những vai diễn xuất thần như Cao Thị Huyền (vợ phi công Hà Vĩnh), khiến người xem trào nước mắt. Ngay cả những diễn viên đóng vai phụ cũng chiếm được nhiều cảm tình (Nguyễn Thị Kim Xuân, Nguyễn Thị Cúc, Trần Hạnh, Lê Hồng Giang...).

Đúng 5 năm tròn, chiều 7-11-2017, tập đầu tiên của phim ““Cao hơn bầu trời” lên sóng VTV9 lúc 14 giờ từ thứ 2 đến thứ 6. Liền đó, hội nghị APEC khai mạc, để “né” sự “nhạy cảm”, nhà đài buộc phải tạm ngưng. Đến 14 giờ ngày 24-11-2017, VTV9 phát lại từ tập 1. Và ngày 21-12-2017, kênh SCTV6 cũng phát sóng bộ phim này. Tiến tới kỷ niệm 46 năm chiến thắng “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” từ giữa tháng 11-2018, bộ phim tiếp tục lên sóng trên kênh “Quốc phòng Việt Nam” (QPVN) và kênh VTV cab2 “Phim Việt”.  

Nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc bảo đúng là bộ phim đầy “thân phận”…, nhưng ông mãn nguyện. Vì với bộ phim trường thiên đầy tâm huyết này, ông coi như mình đã trả được món nợ ân tình với đất và người Hà Nội, với không quân, nơi ông lớn lên từ binh nhì!

Bài và ảnh: NGUYỄN LAN CHI



Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Đặng Tường Vy - Người đàn bà độc bước

Đặng Tường Vy có hai bài “dính” đến hai từ “độc bước”. Ấy là câu Ta độc bước… tìm tatrong “Ta – tìm – ta” và Độc bước tình rêu phong tình trong “Rêu phong cuộc tình”. Đó là hai gợi ý để tôi đặt tên bài viết ngắn này...
Nhà thơ Đặng Tường Vy

Thời chống Pháp, tứ thơ “Đồng chí” của Chính Hữu sẽ không bay lên được nếu không có câu kết: Đầu súng trăng treo. Thời chống Mỹ, tứ thơ “Tiếng bom ở Seng Phan” của Phạm Tiến Duật sẽ không đứng được nếu không có hai câu kết: Thế đấy ở chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ. Tất nhiên, để có mấy câu để kết, cả “Đồng chí” lẫn “Tiếng bom ở Seng Phan” đều phải có một đoạn dẫn dắt. Trong “Đồng chí” là 19 câu. Trong “Tiếng bom ở Seng Phan” là 12 câu. Đoạn dẫn dắt này giống như một sợi dây cháy chậm, sợi dây dẫn đến điểm nổ.
   
Nửa đầu thế kỷ 20, nhà thơ lớn người Đức B. Brecht có tứ thơ “Nếu hòn sỏi nói” (do Mai Lược chuyển ngữ) nổi tiếng:

Khi bạn tung hòn sỏi lên trời
Hòn sỏi nói: Tôi sẽ rơi về đất
Bạn tin hòn sỏi kia nói thật.

Nếu có ai ném bạn xuống nước
Chắc chắn bạn sẽ bị ướt.

Nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp
Thì bạn chớ vội tin
Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.
   
Ít nhất, bài thơ cũng phải có 7 câu ở cả ba khổ đặt ra 3 giả định để rồi đi đến kết luận: Tất yếu của xã hội khác với tất yếu của tự nhiên bằng câu kết: Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.
  
Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn có những tứ thơ tràn ra khỏi mọi khuôn phép và có khi chỉ cần có một câu thơ thôi, đã mang giá trị như một bài thơ hoàn chỉnh.
  
Chúa cũng tự tìm mình trong sáng tạo trong “Không đề” của Tagore là ví dụ thứ nhất.
  
Làm người ác vất vả vô cùng trong “Mặt nạ kẻ ác” của B. Brecht là ví dụ thứ hai.
  
Có những buổi chiều không biết cất vào đâu trong trường ca “Gọi nhau qua vách núi” của Thi Hoàng là ví dụ thứ ba.
  
Và còn nhiều ví dụ nữa.
  
Những suy nghĩ này bất chợt đến với tôi khi đọc xong tập thơ “Sóng ngầm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý 3 năm 2017) của nhà thơ trẻ Đặng Tường Vy.  
Tập thơ “Sóng ngầm” của Đặng Tường Vy, NXB Hội Nhà văn, 2017

Cũng không mất công nhiều lắm, độc giả có thể tìm ngay được những đơn vị câu ấn tượng đủ sức đứng độc lập của Đặng Tường Vy. Có thể tạm thống kê những cặp trên sáu dưới tám thật đáng nhớ: Nhẹ nhàng thương, nhẹ nhàng đau/ Nhẹ nhàng quay gót chào nhau nhẹ nhàng; Tình mẹ tựa đóa Ưu đàm/ Đưa con ra khỏi vũng chàm thế gian; Không rào chắn, không tường thành/ Trăm năm không kẻ thế chân một lần; Bao lần mật rót môi mềm/ Nghe lòng kiêu hãnh êm đềm rụng rơi; Tử, sanh cơn gió thổi vù/ Nước đục ao tù gắng nở hồng sen; Trời mưa ngập bến sông Tương/ Có bốn chân giường sao gãy được đây?; Đông nay là mấy đông rồi/ Bao lần di trú sao trời vẫn mây?; Đàn bà một chút rồi xem/ Cây cao bóng cả đổ rèm em qua; Xin anh một chút thật thà/ Để cho em được đàn bà với anh; Gập ghềnh chân bước nhiêu khê/ Mong manh phận bạc bốn bề hoang vu; Trách ai sao quá non gan/ Để em cất bước sang ngang theo chồng

Qua đây, có thể thấy Đặng Tường Vy là người có sở trường viết thơ lục bát. Và cũng vì thế mà chị trở thành chủ sở hữu đích thực của những câu lục bát trên. Ở một chừng mực đáng kể, Đặng Tường Vy đã bộc lộ chất nữ tính đa chiều và đa dạng của chị. Có lúc thì đụng chạm đến sự nhẹ nhàng như đụng chạm vào nỗi đau. Có lúc thì đụng chạm đến sự sinh tử như đụng chạm vào sự bứt phá. Có lúc thì đụng chạm đến sự mạnh mẽ như đụng chạm vào sự thách đố. Có lúc thì đụng chạm vào lòng kiêu hãnh như đụng chạm vào sự vị tha, nuông chiều, không chấp nhặt. Có lúc thì như đụng chạm vào sự thắc mắc như đụng chạm vào một thế giới bất khả tri. Có lúc thì đụng chạm vào nỗi khổ đau như đụng chạm vào thế giới bất khả tín. Có lúc thì đụng chạm vào sự xác tín như chỉ để tự mình khẳng định. Cũng có lúc thì đụng chạm đến những gì không dễ nói, đầy ẩn ý, có sắc màu ngờ vực, nghi hoặc đáng yêu:

Trời mưa ngập bến sông Tương
Có bốn chân giường sao gãy được đây?
   
Và dù có như thế nào thì những cặp lúc bát trên đều sinh thành một cách diễn đạt, cách triển khai rất đàn bà và có lẽ chỉ có đàn bà mới viết được.

Riêng khi đọc hai câu: Không rào chắn, không tường thành/ Trăm năm không kẻ thế chân một lần, tự dưng tôi liên hệ đến một câu nói của triết gia người Đức Nietzsche: “Trong tình yêu, nếu nàng hỏi chàng, chàng trả lời “chàng muốn”; còn nếu chàng hỏi nàng, nàng vẫn trả lời “chàng muốn”. Một tình yêu mà tận hiến đến thế, chắc chỉ có ở người đàn bà.
   
Trong “Sóng ngầm”, Đặng Tường Vy không chỉ có thơ lục bát. Ngoài những câu lục và câu bát rời rạc như Nắng mưa chơi oản tù tì hay Ta rượt chơi rượt bắt cho vừa lòng nhau, chị còn có những câu ở thể loại khác về tình yêu cũng đáng nhớ: Hai đứa mình đừng vội/ Mùa dậy thì còn xanh; Xin một đời không sửa
   
Đặng Tường Vy có hai bài “dính” đến hai từ “độc bước”. Ấy là câu Ta độc bước… tìm tatrong “Ta – tìm – ta” và Độc bước tình rêu phong tình trong “Rêu phong cuộc tình”. Đó là hai gợi ý để tôi đặt tên bài viết ngắn này.
  
Và dù lạnh giá như băng hay nóng bức như lửa, thì trong hành trình độc bước ấy, mong sao những bước đi của Đặng Tường Vy là những bước đi có nhận biết.
   
 ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: NVTPHCM


Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Cõi người trong truyện ngắn của Elena Pucillo Truong

Từ những góc nhìn sáng tạo, nhà văn Elena Pucillo Truong luôn có ý thức làm mới ngòi bút của mình để đem đến cho người đọc những khoảnh khắc thú vị bất ngờ của hiện hữu. Đằng sau mỗi câu chuyện về những điều tưởng chừng rất nhỏ của mỗi thân phận là những thông điệp về Cõi Người muôn màu, muôn vẻ, vừa quen vừa lạ. Thông điệp đó có lúc là lời cảnh báo, có khi là sự ngợi ca,  phê phán, đồng tình, lúc lại là nỗi ưu tư, niềm trắc ẩn, mong ước, tin yêu, hy vọng… và trên hết là tinh thần trân trọng những giá trị nhân văn, nhân bản với khát khao tha thiết hướng về những gì tốt đẹp nhất cho con người và vì con người…
Nhà văn Elena Pucillo Truong

Đi vào thế giới của truyện ngắn, có thể nói là đi vào những khoảnh khắc hiện hữu, ở đó hiện thực rộng lớn của cuộc sống đã được thâu tóm trong một cái nhìn cô đọng, đặc quánh những ưu tư của nhà văn về Cõi Người. Thế nên, khi bàn về truyện ngắn, không phải ngẫu nhiên, Edgar Allan Poe quan niệm: “Trong cấu trúc tổng thể của nó, không có một từ nào mà sự thể hiện khuynh hướng trực tiếp hoặc gián tiếp của nó không được nhà văn sắp đặt trước. Với ý nghĩa đó, bằng tài năng và sự chăm sóc kỹ lưỡng của nhà văn, tác phẩm như một bức tranh hiện lên với trọn vẹn màu sắc, đưa lại cho người đọc sự thỏa mãn đầy đủ nhất”.  Poe đã rất đúng khi xác quyết công phu của mỗi nhà văn khi kiến tạo truyện ngắn và hiệu quả lan tỏa, tác động không nhỏ đến bạn đọc của thể loại này. Truyện ngắn thường mang lại bức tranh về cuộc sống dài và rộng hơn khuôn khổ chật hẹp về mặt hình thức của nó, điều này có thể thấy qua  truyện ngắn của nhiều nhà văn như: John Steinbeck, Hemingway, Tchekop, Jane Joyce, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê… Những truyện ngắn trong tập Vàng trên biển đá đen của Elena Pucillo Truong (do Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý) cũng không nằm ngoài quy luật sáng tạo này.
        
Tập Vàng trên biển đá đen chỉ gồm mười bốn truyện, nhưng ngay từ những nhan đề của truyện đã gợi cho bạn đọc nhiều liên tưởng thú vị, hấp dẫn về cuộc sống, con người trong cõi nhân sinh. Đó là những câu chuyện mà ở đó ẩn chứa bao buồn vui của Cõi Người trần thế với đủ cả hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục mà mỗi phận số là một chứng nhân như: Con chim nhỏ trong lồng; Dải ruy băng màu tím; Phía sau sự thật; Búp bê bằng sáp; Chút hơi ấm cuối cùng; Trên đỉnh núi thiêng; Thư viết cho mẹ; Cuộc Săn mồi; Cuộc hẹn ở sân ga; Giấc mơ thu ngọt ngào; Đợi chờ; Món quà đặc biệt; Vàng trên biển đá đen; Dòng máu nhiễm độc.
    
Không viết về những gì lớn lao huyễn hoặc, xa lạ với cuộc sống con người, truyện ngắn của Elena như những lời tâm tình nhẹ nhàng thủ thỉ về những câu chuyện đời thường đang diễn ra đâu đây trong Cõi Người gần gũi:  Đó là sự rạn vỡ của cuộc sống gia đình nơi tưởng chừng là thành trì vững chắc của những tình cảm thiêng liêng, vậy mà giờ đây những tình cảm ấy cũng đang bị mai một, bị bào mòn; Đó còn là trạng thái cô đơn với những âu lo, khắc khoải của con người trong một xã hội còn quá nhiều điều bất ổn, với những nghịch lý buộc con người phải lựa chọn mà sự lựa chọn nào cũng dẫn đến bi kịch… Đây chính là một thông điệp hiện sinh mà các truyện ngắn của Elena thức nhận cho con người trước cạm bẫy của cái ác, cái xấu, cái giả dối, trí trá được ngụy trang bằng những mặt nạ nhân nghĩa mỹ miều mà nếu không cảnh giác với nó con người sẽ rơi vào hố thẳm…
       
Song, dù viết về những chuyện quen thuộc đời thường nhưng Elena luôn có cái nhìn tinh tế, đa diện, nhiều chiều với những phát hiện sâu săc, mới lạ về cõi nhân sinh trong sự chuyển động không ngừng của nó. Có lẽ chính điều này đã làm cho truyện của chị ấm nồng hơi thở cuộc sống, tạo nên sức hút riêng khó lẫn của ngòi bút Elena.
      
Nhìn tổng thể, truyện ngắn của Elena đã phác họa gương mặt xã hội công nghiệp như một bức tranh lập thể loang lổ, một khối vuông rubic hỗn loạn muôn màu, trong đó mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng trở nên lạnh lùng, rời rạc, nhiều giá trị của Cõi Người bị hủy hoại nghiêm trọng trong đó có nền tảng văn hóa gia đình. Với trải nghiệm cuộc sống sâu sắc, Elena đã thấu hiểu thân phận những con người sống trong bi kịch gia đình khi các thuần phong mỹ tục vốn là những giá trị truyền thống về văn hóa đã được tôn vinh ngày nào nay đang bị chà đạp không thương tiếc.  Nỗi đau ấy như những vi mạch thấm trong từng trang viết của nhà văn và bật lên những tiếng kêu thảng thốt giữa sa mạc cuộc đời mà đồng tiền được tôn thờ như một thứ “đạo”, còn tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái thì bị vùi lấp một cách tàn nhẫn. Nạn nhân của những bi kịch này không ai khác, họ là những bà mẹ, ông bố bị những đứa con mình từng hết mực thương yêu bỏ rơi trong cô độc.  Những truyện ngắn Con chim nhỏ trong lồng; Dải ruy băng màu tím; Chút hơi ấm cuối cùng để lại trong lòng người đọc bao day dứt, tiếc nuối, cay đắng, xót xa về sự rạn vỡ, mất mát tình cảm quá lớn giữa những người ruột thịt máu mủ trong gia đình. Truyện ngắn Elena đã khẩn thiết rung hồi chuông cảnh tỉnh đối với Cõi Người đang đứng trước thảm họa nhân tính bị hủy diệt bởi những tham vọng và đam mê vật chất tầm thường, như một thứ vi trùng hủy hoại tâm hồn nhân loại; Cõi Người trong truyện ngắn Elena là một Cõi Người mang đậm chất nhân văn - một chất nhân văn như những tia sáng soi chiếu, cứu rỗi lương tri con người đang chìm sâu trong tội lỗi.
       
Truyện ngắn của Elena đã vượt qua giới hạn của những phạm trù đạo đức luân lý của một dân tộc để vươn đến những giá trị nhân văn mang tầm nhân loại mà rõ nhất là tiếng nói hướng đến khát vọng tự do cho con người. Tác phẩm Con chim nhỏ trong lồng là một minh chứng cho vấn đề này.  Câu chuyện tái hiện sinh động trạng thái tâm lý u uất của một bà mẹ bị con trai và con dâu ruồng bỏ, ghẻ lạnh. Hình ảnh “con chim nhỏ trong lồng” đã cho thấy bi kịch đớn đau nhất của bà mẹ không chỉ ở sự đối xử ghẻ lạnh của con cái mà chính là nỗi đau bị tước đoạt mất tự do. Những đứa con ích kỷ, vô lương chỉ biết bản thân mình mà không hề quan tâm đến cảm xúc của Mẹ, bỏ mặc bà quay quắt trong bốn bức tường, trở thành một tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. Bà cảm thấy “sống như một kẻ lạ mặt trong nhà của mình vì đứa con dâu mới thật là bà chủ, là người quyết định, và bằng thủ đoạn tàn nhẫn và nham hiểm nó còn cướp mất lòng yêu thương của đứa con trai rồi từng ngày, từng ngày nó còn xéo nát từng mảnh tim tôi”. Bà mẹ khốn khổ rơi vào thảm trạng cô độc triền miên, cảm giác “tôi sống mà như đã chết... sống như một kẻ lạ mặt trong nhà của mình” là cảm giác rợn ngợp, ghê sợ nhất đối với một con người mà đáng thương hơn, bà lại là một người mẹ nhạy cảm và rất giàu ân nghĩa.

Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm Con chim nhỏ trong lồng, hơn một lần chi tiết “chiếc khung hình” ghi nhận kỷ niệm tình yêu, tình cảm vợ chồng của bà mẹ được tác giả miêu tả lặp đi lặp lại: “cái mà tôi cần chính là chiếc khung hình đặt trên chiếc bàn nhỏ bên giường (…) tôi bỏ khung hình vào túi áo, đó là kho tàng của tôi”. Có lẽ, trong hoàn cảnh bi đát của thực tại bà mẹ chỉ còn biết nâng niu tấm hình duy nhất còn lại khi cùng “chồng đứng ôm nhau quay lưng về phía biển trong một buổi sáng rực rỡ ánh mặt trời”, như nâng niu một báu vật, như muốn lưu giữ một chút hạnh phúc cuối cùng còn lại trong Cõi Người mà bà trân quí để có thêm niềm an ủi và nghị lực tồn tại trong những ngày còn lại của cuộc đời. Elena đã rất tinh tế khi chia sẻ cùng nhân vật của mình những nỗi đau, sự tiếc nuối và khát vọng hạnh phúc vốn là những hằng số của phận người trong kiếp nhân sinh.. Với sự nghiệm sinh trong “bao nhiêu năm làm kiếp con người” (lời nhạc Trịnh Công Sơn) cùng với sự tinh tế của một người phụ nữ vốn mang trong tâm thức mình sự hợp lưu của hai nền văn hóa Đông – Tây, ELena muốn chia sẻ với chúng ta một thông điệp nhân văn của một tâm thức hiện sinh: Ai cũng có một thời tuổi trẻ hạnh phúc và cũng có một tuổi già sống trong lặng lẽ, cô độc. Và cuộc sống chính là hành trình đi đến cái chết. Qui luật ấy không có ngoại lệ. Vì thế, người trẻ hãy hiểu và trân trọng quá khứ của những người già, bởi đó là quy luật, rồi cũng sẽ đến lượt mình nếm trải… 

Một điều không thể không nói đến đó là sự sắc sảo của ngòi bút Elena trong miêu tả tâm lý của một bà mẹ bất hạnh. Sự căng thẳng, mệt mỏi, bức bối của bà mẹ được nhà văn tái hiện sinh động theo lược đồ tăng dần để khắc họa rõ hơn bi kịch mất tự do của bà mẹ. Bị dồn đẩy đến chân tường của sự cô độc, héo mòn giữa bốn bức tường, cuộc sống chẳng khác nào địa ngục, bà mẹ tội nghiệp giãy giụa mong tìm lối thoát khỏi vòng vây, sinh lực của bà mẹ như ngọn đèn dầu leo lét, cạn kiệt theo ngày tháng: “Tôi thấy khó thở và không ngủ được…Nhiều đêm tôi mò mẫm đi dọc theo tường nhà, như muốn tìm một lối thoát không hề có… Sự khiếp đảm và kinh hoàng đẩy tôi qua lại giữa những chồng gạch xây cao, như con chim bị nhốt trong lồng đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua những chấn song để tìm tự do. Cũng như chim, ý thức về sự bất lực của mình, tôi đành phải qui hàng, rồi thẫn thờ và mệt nhọc quay lại giường ngủ. Mở to mắt, tôi trừng trừng nhìn bóng đêm rồi nước mắt cứ trào ra, ướt gối. Bằng những ngón tay run rẩy tôi siết chặt cái kho tàng của mình, phút giây chớp nhoáng của niềm hạnh phúc, như thể nó sẽ giúp tôi thoát khỏi nơi đây, giải phóng khỏi những niềm đau...”.  Giọng tự sự chậm rãi, với sự tưởng tượng phong phú, Elena đã hóa thân vào nhân vật, để dẫn dụ người đọc cảm nhận từng khoảnh khắc của sự tù túng, đớn đau tan nát cõi lòng và khát vọng tự do ở con người, dù đó chỉ là những mong ước trong tuyệt vọng…
  
Kết thúc truyện ngắn Con chim nhỏ trong lồng là hình ảnh bà mẹ: “Thả mình bay qua khung cửa sổ, rơi tự do trong không khí. Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười, thật ngọt ngào, để khỏi phải hét lên, sợ làm phiền người khác”. Cái kết khiến người  đọc bàng hoàng thương xót, đồng thời cũng nhận ra đây là kết cục không tránh khỏi của một tấn bi kịch trong một xã hội mà ở đó nhân vị con người không có chỗ đứng. Cái chết của bà mẹ có thể xem là một cách giải thoát (dù đó là cách giải thoát đầy tiêu cực), và cũng là một kết cục tất yếu trong một Cõi Người mà chính ngay cả những người ruột thịt cũng không  biết thương yêu nhau bởi mải mê chạy theo những thứ vinh hoa phù phiếm, vô nghĩa. Niềm tâm tư của bà Cụ khi tìm đến với cái chết để được tự do trong thế giới vĩnh hằng, để thoát khỏi những dằn vặt, khổ tâm và hơn nữa là để đỡ “làm phiền người khác” như cách bà suy nghĩ không khỏi làm lòng ta xa xót và trí ta không khỏi nhưng ưu tư về thân phận con người?!. Truyện ngắn Elena vì thế đã vượt lên khuôn khổ của những bài giáo huấn đạo đức thường tình để vươn đến một tầm cao triết luận mang màu sắc hiện sinh và phải chăng, đây cũng là cách xử lý  nghệ thuật đầy dụng ý để chuyển tải tư tưởng nhân văn của tác giả?!

Nếu Con chim nhỏ trong lồng khiến bạn đọc cảm thương sâu sắc cho thân phận một người mẹ bị chính con mình bỏ quên trong đơn độc thì Chút hơi ấm cuối cùng lại là một câu chuyện thương tâm về người cha bị con cái “lãnh đạm, khinh thường và bạc bẽo” và đây cũng là một dạng khác của bi kịch gia đình và bi kịch phận người trong sân khấu của Cõi Người đầy rối ren. Trong truyện tác giả tập trung khắc họa hình ảnh người cha khốn khổ chạy trốn khỏi những nơi “hoành tráng” (như bệnh viện, ngôi nhà của các con) nhưng hoang lạnh, thiếu vắng yêu thương. Trong sự tuyệt vọng tột cùng, người cha bấu víu chút “hơi ấm cuối cùng” bằng cách trở về quá khứ cùng giấc mơ hạnh phúc bên người phụ nữ mình yêu thương đã “không còn trên cõi đời này nữa”. Dưới ngòi bút của Elena chân dung người đàn ông bất hạnh hiện lên lúc chới với đắm chìm trong hoài niệm, khi u uất trở về thực tại  đầy day dứt, xót xa: “Em yêu ơi, em có biết sự cô đơn là một căn bệnh trầm kha?(...) Anh không thể tưởng tượng là em sẽ đau đớn như thế nào khi nhìn thấy những đứa con cười chế diễu khi nhìn những bức hình của chúng mình âu yếm bên nhau, chứng kiến những quyển sách yêu thích bị ném đi tung tóe. Chúng đã vứt đi mọi thứ, như loại bỏ mình, bởi vì sự hiện hữu của chúng mình lúc tuổi già đang làm phiền chúng (…). Đủ rồi! Anh không muốn phung phí những giây phút cuối cùng này để nghĩ đến những kẻ vô tình bạc nghĩa (…). Khô khốc và tham lam, đấy chính là những thứ mà các con đã trở thành (…) Nhưng nỗi đau lớn nhất vẫn là bị bao vây bởi đám diều hâu tham ác này, chúng đang chờ đợi và thèm rỏ dãi đoạn kết đời anh để thừa hưởng gia tài, rồi sau đó còn lớn tiếng rêu rao là đã ở kề cận cha mình cho đến phút lâm chung! Bọn khốn kiếp! Giả nhân giả nghĩa!”. Còn gì khổ tâm, phiền não hơn khi những người làm cha, làm mẹ nhận ra sự vô cảm, vô ơn, giả dối, tàn nhẫn của những đứa con mà họ đã đứt ruột sinh thành, nuôi nấng?!

Với cách xử lý nghệ thuật tinh tế, khéo léo, sử dụng phương thức tự sự kiểu độc thoại nội tâm, giọng điệu trần thuật khi nhỏ nhẹ, dịu dàng, khi giận dữ, đau khổ tác giả đã giúp bạn đọc hình dung rõ “con người bên trong con người” với thế giới tinh thần bị tổn thương đau đớn đến tê dại của người cha có những đứa con phản phúc, vô đạo. Truyện ngắn Chút hơi ấm cuối cùng đã lột mặt nạ những đứa con độc ác, tàn nhẫn, tột cùng vô liêm sỉ trong xã hội kim tiền láo nháo. Đồng thời, với trách nhiệm và lòng yêu thương con người, Elena gửi đến bạn đọc thông điệp mang ý nghĩa cảnh báo mạnh mẽ:  ma lực đồng tiền và những ham muốn, tham lam vật chất luôn ẩn tàng sức mạnh hủy hoại nhân tính một cách lạnh lùng, tàn khốc nhất;  nếu mỗi chúng ta không giữ bản lĩnh trước ám ảnh lấp lánh ma mị của đồng tiền, sự lôi cuốn của vật chất thì cuối cùng con người cũng chỉ là một con vật vô cảm, không có trái tim mà thôi, và cõi Người sẽ đến ngày tận thế!  

Ở thế kỷ XIX, nhà văn hiện thực vĩ đại người Pháp Honoré de Balzac (1799- 1850) cũng đã từng cảnh báo nhân loại về sức công phá khủng khiếp của đồng tiền đối với tình nghĩa cha con qua tiểu thuyết bất hủ Lão Gôriô. Thời nay, với cách thể hiện mới mẻ theo quan niệm của riêng mình qua những trang văn đầy cảm xúc, Elena Pucillo Truong khiến bạn đọc ghê sợ ma lực của đồng tiền và sự công phá của nó với những giá trị văn hóa tưởng như bền vững, thiêng liêng nhất. Và khi biết sợ cái xấu, cái ác có nghĩa là con người sẽ tìm về với cái thiện, cái đẹp, có ý thức trân trọng, giữ gìn những gì thuộc giá trị nhân văn và đây cũng là điều mà truyện ngắn của Elena thức nhận nơi người đọc. Và phải chăng đó chính là thành công và là niềm hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút trong việc thực hiện thiên chức của mình!?  
    
Cũng đề cập đến vấn đề tình cảm gia đình nhưng trong Dải ruy băng màu tím Elena lại tìm cách cắt nghĩa một phương diện khác trong cách ứng xử của con cái với cha mẹ trong xã hội hiện đại: dù không vì tiền bạc tàn nhẫn chà đạp lên tình cảm gia đình nhưng nếu con cái không ý thức được hết trách nhiệm và niềm hạnh phúc khi được sống bên cha mẹ thì cuối cùng cũng sẽ chuốc lấy những ân hận, đau khổ.
    
Công cuộc mưu sinh, mải mê kiếm tìm tương lai, hạnh phúc trên xứ người khiến nhân vật “tôi” phải trả giá quá đắt. Sau mười năm bôn ba để trở thành “một người đàn ông trưởng thành và rất tự hào về những điều mình thực hiện”, khi trở về quê hương, xứ sở anh ta phải đối diện với tấn bi kịch gia đình hết sức đau lòng: “Chẳng còn ai cả. Ba, mẹ... họ đã chết cách nhau chỉ vài tháng và thi thể được chôn cất trong hai nấm mộ nghèo nàn. Trên đó chỉ có một tấm bia ghi tên, lấm láp bùn đất. Họ đã chết cách đây năm năm, còn tôi, giờ đứng trước hai nấm mồ lạnh lẽo để nhìn hàng chữ, những con số... “ mất ngày...” “ từ trần ngày...”. Họ đã quá già và hai trái tim cằn cỗi đã không còn chịu nổi”. Lương tâm cắn rứt, nỗi ân hận muộn màng của người con khiến trái tim người đọc như bị bóp chặt trước bi kịch này: “Năm năm chồng chất những nỗi đau, hao tốn, nhưng vì nó đời tôi còn có một mục đích. Còn bây giờ... Hình như tôi chẳng còn lý lẽ gì để tin về những điều mình làm. Mỗi buổi sáng thấy bóng mình trong gương mà như thể đang nhìn một con người khác: Hàm râu mọc dài, má hóp, hai hốc mắt trũng sâu và không còn ánh sáng. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi không còn lịch sử, một cuộc đời ở phía sau lưng. Tệ hơn nữa là tôi cũng chẳng nhìn thấy vì điều gì để sống trong tương lai. Như thể tôi cũng bị chôn vùi trong hai huyệt mộ ở quê nhà”...
    
Những dằn vặt khổ đau, trống rỗng, mất điểm tựa, mất niềm tin của nhân vật cho chúng ta thấm thía sâu sắc một kinh nghiệm sống: Gia đình, nhất là bố mẹ, cho dù ở đâu trong hoàn cảnh nào cũng luôn luôn là nguồn an ủi, động viên, là nơi tiếp thêm sức mạnh cho mỗi con người. Không còn cha mẹ và gia đình con người trở nên bơ vơ, mất phương hướng. Chính vì vậy, vòng cuốn của công việc mưu sinh có nghiệt ngã đến đâu chúng ta cũng không được xao nhãng, lãng quên sự gắn bó với gia đình, với những người thân của mình. Tiền bạc, sự giàu có không thể thay thế, không thể mua bán/đánh đổi/ lấy lại những gì thuộc về tình cảm quý giá của cuộc đời mỗi con người. Hãy trân trọng mỗi phút giây hiện hữu bên những người thân yêu trong gia đình, nhất là với những đấng sinh thành, bởi vì khi thời gian lấy đi sức khỏe và tuổi tác của cha mẹ thì mãi mãi những đứa con sẽ phải chia xa họ vĩnh viễn, và khi đó sự hối hận và những dòng nước mắt nhớ thương chỉ còn là trò diễn vô nghĩa của cuộc sống mà thôi! Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại ngày nay, khi con người ngày càng bị trói chặt vào vòng vây của công việc và tham vọng cá nhân thì lời nhắc nhở trên như một sự cảnh tỉnh, định hướng cho những lựa chọn mang tính văn hóa của mỗi người.

Tấn bi kịch sống trong cô độc và chết thảm thương của những bà mẹ, ông bố trong truyện ngắn Con chim nhỏ trong lồng, Chút hơi ấm cuối cùng, Dải ruy băng màu tím gợi bạn đọc suy ngẫm về trách nhiệm, tình yêu thương của con cái với cha mẹ lúc tuổi già, rộng hơn nữa là cách đối nhân xử thế bao dung, độ lượng, vị tha giữa con người với con người. Phải chăng, từ những câu chuyện dung dị nhưng đầy ý nghĩa này, Elena muốn chia sẻ với bất cứ ai đang sống trong Cõi Người: Khi nền tảng giá trị văn hóa gia đình bị phá vỡ, đồng thời sẽ kéo theo sự băng hoại của hàng loạt các giá trị văn hóa nhân văn khác. Do vậy, để yêu thương những gì lớn lao hơn, trước hết con người phải biết yêu thương những người thân trong gia đình của chính mình - và chỉ khi nào gia đình-tế bào của xã hội thực sự là chỗ dựa tinh thần, là nguồn sống của mỗi người thì mỗi người  mới có thể cảm nhận được hạnh phúc và những giá trị đích thực của cuộc sống mà thôi!
  
Khác với kiến tạo tiểu thuyết, lao động nghệ thuật để kiến tạo một truyện ngắn buộc nhà văn phải khéo léo xoay trở trên một “mảnh đất” chật hẹp. Chính vì sức khái quát bức tranh đời sống là nguyên tắc của việc kiến tạo truyện ngắn nên điều này đòi hỏi mọi yếu tố cấu thành tác phẩm phải chặt chẽ, cô đọng, phải được chọn lọc tới mức tinh xảo. Đây là công việc khổ sai của kẻ “phu chữ” (từ dùng của Lê Đạt). Đọc truyện ngắn của Elena, có thể nhận thấy nhà văn đã có ý thức “nén” câu chữ một cách tối đa để mang lại hiệu quả cho bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Những truyện Trên đỉnh núi thiêng, Đợi chờ, Cuộc hẹn ở sân ga, Món quà đặc biệt, Vàng trên biển đá đen, Dòng máu nhiễm độc… đã tuân theo quy luật khắc nghiệt này. Với những “mảnh vỡ” tưởng như rất nhỏ bé, truyện của Elena góp phần tạo nên chân dung đa diện của Cõi Người. Cuộc sống bộn bề đan xen nhiều cung bậc: niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng, cái ác và cái thiện, cái tốt và cái xấu, cao cả và thấp hèn… tất cả sẽ trở thành chất liệu để nhà văn thể hiện thái độ và suy tư của mình về thân phận, về cuộc đời. Và đây cũng là điều chúng ta cảm nhận được từ vũ trụ văn chương của Elena.

Với giọng kể chậm rãi, cuốn hút, hấp dẫn, nhiều tình tiết được dàn dựng bất ngờ, truyện ngắn Phía sau sự thật phát hiện và khẳng định một vấn đề có tính qui luật mà không phải trong cuộc sống ai cũng nhận ra, thậm chí nhiều khi có người còn bị bề ngoài hào nhoáng đánh lừa. Và qui luật này đã được Elena khái quát như một tất yếu: “Nhiều khi bề ngoài chẳng phải là sự thật”- không nên đánh giá con người chỉ qua bề ngoài, bởi đơn giản nhiều khi nó chỉ là những lớp mặt nạ được sơn phết mà thôi.

Búp bê bằng sáp là câu chuyện có dung lượng rất ngắn nhưng hàm súc và ấn tượng, tác giả tỏ thái độ châm biếm, không chấp nhận một kiểu phụ nữ bị biến thành con “búp bê bằng sáp” đẹp nhưng vô hồn, vô cảm, sống thụ động, thiếu cá tính, sống theo ý muốn của người khác chứ không phải sống cuộc sống của chính mình. Khi nhân vật nhận ra sự vô nghĩa của kiếp người: “Bây giờ thì tôi thực hoàn hảo cho anh! Một con búp bê để trưng bày cho người khác biết về sự giàu sang và vị trí xã hội của anh. Lạnh lùng. Tách biệt. Mang khuôn mặt  vô cảm như sáp  và không hề biểu lộ cảm xúc” thì cũng là lúc “tôi” tự kết thúc một cuộc đời làm “búp bê” cho kẻ khác nhào nặn.  Và phải chăng đây cũng là một tấn bi kịch của con người trong Cõi Người mà Elena đã thể hiện để làm phong phú cho bức tranh nhân thế trong thế giới văn chương của mình mà nếu không có sự quan sát cuộc đời tinh tế của một nhà văn giàu lòng nhân ái thì không dễ gì phát hiện được. Bởi trong xã hội hiện nay có bao người đang tự nguyện để người khác “nặn” mình thành một thứ “búp bê bằng sáp” để được hưởng những  hư danh rẻ tiền mà người đời ban phát. Truyện ngắn Elena vì thế có giá trị như một thứ “thuốc thử” để thanh lọc nhân cách và tâm hồn con người - giúp con người nhận ra chính mình để sống bản lĩnh, tốt đẹp hơn vốn là một phẩm tính mà văn chương đích thực hướng đến.

Với tấm lòng bao dung, nhân hậu, trong truyện ngắn của mình, Elena Trương bao giờ cũng dành cho những nhân vật phụ nữ bất hạnh một con đường mở - con đường để nhân vật tự nhận thức và sám hối. Trong tận cùng bi kịch là sự lựa chọn giữa sống vô nghĩa và chết có nghĩa, tác giả đã để cho nhân vật dám chết để khẳng định nhân phẩm của mình: “Những cánh hoa máu trên môi tôi và màu máu tươi lấm lem loang đầy trên cánh tay... và với nụ cười cuối cùng, tôi buông người xuống nệm, sẵn sàng cho màn diễn cuối. Máu chảy sẽ làm trái tim tôi băng giá”. Người phụ nữ này chọn cái chết để giải thoát mình khỏi “một cuộc hôn nhân được sắp xếp như tất cả những cuộc hôn nhân”, “lấy nhau mà không có tình yêu hay đam mê”- “Chết” ở đây không có nghĩa là kết thúc mà chết là sự giải thoát khỏi cảnh “cá chậu, chim lồng”, chết để vươn tới khát vọng và bầu trời tự do của riêng mình...

Truyện ngắn Trên đỉnh núi thiêng tái hiện những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp của con người khi con người vượt qua được thử thách của chính mình. Có lẽ qua câu chuyện chinh phục độ cao “đỉnh núi thiêng” thành công của một cô gái trẻ tuổi, Elena muốn gửi đến chúng ta một thông điệp giản dị, quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ: Chiến thắng chính bản thân mình là chiến thắng khó khăn nhất nhưng cũng là chiến thắng mang lại cảm giác hạnh phúc, tự hào nhất!

Vàng trên biển đá đen là một phát hiện của tác giả về Cõi Người trên “cao nguyên đá”: “cuộc sống thật khó nhọc và đầy bi thảm”. Thiên nhiên trên vùng cao nguyên đá Hà Giang qua ngòi bút của Elena trở nên vừa quen, vừa lạ...vừa khắc nghiệt vừa nên thơ. Đây là một truyện ngắn cho thấy vốn sống phong phú của nhà văn Elena. Tấm lòng rộng mở và những quan sát đời sống tinh tế của chị thấm đượm một tinh thần nhân văn cao quý.

Có một điểm đặc biệt, trong truyện ngắn của Elena hình ảnh người Mẹ luôn trở đi trở lại: Thư viết cho Mẹ, Cuộc hẹn ở sân ga, Đợi chờ, Món quà đặc biệt. Trong mỗi câu chuyện, Mẹ hiện lên với nhiều dáng vẻ, tính cách khác nhau: hiền dịu, cô đơn, chịu thương chịu khó, tinh tế, khéo léo, nhẫn nhịn chịu đựng, hy sinh… chung quy, hình tượng Mẹ trong truyện ngắn Elena là sự kết tinh giá trị văn hóa vĩnh hằng: trong Cõi Người đầy khó khăn, vất vả, nhiều cạm bẫy, Mẹ luôn luôn là chỗ dựa tinh thần lớn lao nhất cho những đứa con, mẹ là niềm tin, là sức mạnh để con tự tin đi trên con đường nhiều thách thức, hướng tới tương lai. Ngay cả khi đã yên nghỉ ngàn năm, mẹ vẫn là bến đợi vĩnh viễn và duy nhất của mỗi con người…
       
A. Tônxtôi từng nhận định: “Truyện ngắn là một trong những thể tài văn học khó nhất. Về nội dung cũng như về tư tưởng, nó không khác gì tiểu thuyết…chỉ có điều do ngắn nên khó hơn…Truyện ngắn đòi hỏi một công phu lao động lớn”. Ngắn ở truyện ngắn đồng nghĩa với cô đọng, tinh chất - nhìn vào đó có thể thấy cuộc sống hiện ra với đủ sắc màu của nó. Sự thách đố ở đây là năng lực khái quát được bức tranh cuộc sống rộng lớn trong một dung lượng ngôn từ tối giản nhất! Truyện ngắn của Elena Pucillo Truong đã vượt qua những thử thách cam go ấy. Mỗi truyện ngắn trong Vàng trên biển đá đen là một “lát cắt” sinh động về đời sống, sự sáng tạo những kết cấu truyện chặt chẽ, cách trần thuật giản dị, ngắn gọn, tạo dựng tình huống một cách tài hoa đã mang lại sự hấp dẫn riêng có của truyện ngắn Elena Pucillo Truong. Mỗi truyện ngắn là một sự cắt nghĩa, một phát hiện mới, tinh tế về cuộc sống, con người trong xã hội hiện đại phong phú, phức tạp, đầy bất an, thử thách lòng người… 
    
Từ những góc nhìn sáng tạo, nhà văn Elena Pucillo Truong luôn có ý thức làm mới ngòi bút của mình để đem đến cho người đọc những khoảnh khắc thú vị bất ngờ của hiện hữu. Đằng sau mỗi câu chuyện về những điều tưởng chừng rất nhỏ của mỗi thân phận là những thông điệp về Cõi Người muôn màu, muôn vẻ, vừa quen vừa lạ. Thông điệp đó có lúc là lời cảnh báo, có khi là sự ngợi ca,  phê phán, đồng tình, lúc lại là nỗi ưu tư, niềm trắc ẩn, mong ước, tin yêu, hy vọng… và trên hết là tinh thần trân trọng những giá trị nhân văn, nhân bản với khát khao tha thiết hướng về những gì tốt đẹp nhất cho con người và vì con người… Những điều đó chính là cơ sở làm nên giá trị đặc sắc trong truyện ngắn của Elena Pucillo Trương và cũng là sức hút “vẫy gọi” bạn đọc đến với thế giới văn chương của Chị. Truyện ngắn Elena, vì thế là những sẻ chia của những tâm hồn đi tìm sự tri âm muốn vươn đến khát vọng chân thiện mỹ ở xã hội hiện đại đầy  biến động. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy những điều tốt đẹp ấy khi đến với tập truyện ngắn Vàng trên biển đá đencủa nữ văn sĩ Elena Pucillo Truong...

      Hà Nội, thu 2017
CAO THỊ HỒNG
Nguồn: NVTPHCM




Cách hiểu các bài thơ Haiku của Basho trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10

Trong vườn thơ Nhật Bản, thơ hai-cư gắn liền với các tên tuổi tiêu biểu như: Buson, Chora, Chigô, Kikaku, Ba-sô...
Nhà thơ Basho

Lần đầu tiên thơ hai-cư được đưa vào chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 ở nhà trường phổ thông nước ta với một số bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Ba-sô. Mặc dù nằm ở phần đọc thêm nhưng sách giáo khoa và sách giáo viên đã có một hệ thống câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu bài khá rõ ràng. Tuy nhiên, người viết bài này qua bước đầu tìm hiểu cũng có một cách hiểu, một vài điều muốn trao đổi cùng quý đồng nghiệp gần xa. Cũng cần nói thêm, người viết không có tham vọng trình bày như một bài soạn giảng mà chỉ chú trọng đến một số đặc điểm nghệ thuật của các tác phẩm như một nét chấm phá đơn sơ, mong rằng sẽ nhận được nhiều góp ý đáng kể. Ngoài những ý chính về nghệ thuật được các soạn giả trình bày trong sách giáo viên như: thủ pháp tượng trưng, chất triết lí, cảm thức thẩm mỹ, ngôn ngữ; thơ hai-cư còn có những đặc điểm nghệ thuật nổi bậc sau.

1. Ở hầu hết 8 bài thơ in trong sách giáo khoa, bước đầu tìm hiểu sơ bộ ta thấy lộ lên một số điểm chung, mà tiêu biểu là nghệ thuật sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập giữa các cặp phạm trù: vũ trụ - con người, vô hạn - hữu hạn, không gian - thời gian, hữu hình - vô hình, có - không, đen - trắng, tĩnh - động, tối - sáng, nhất thời - vĩnh hằng... Chính sự tương phản đối lập đó nhà thơ đã làm nổi bậc một cách cụ thể những vấn đề được nói đến trong thơ, và đây cũng chính là một cách giải mã khám phá bài thơ theo một hướng thi pháp riêng.

Từ một cuộc hành trình trở về quê hương sau mười năm xa cách, cảm nhận chính nỗi lòng mình với quê hương, về những điều được mất trong cuộc đời, nhà thơ Ba-sô viết:

Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương. (1)

Bằng trải nghiệm cũng như cảm nhận trong cuộc đời ở khoảng thời gian mười năm xa quê, nhà thơ khắc họa trước mắt chúng ta hai vùng đất khác nhau, hai khoảng không gian, thời gian xa vời; đất khách và quê hương, xưa và nay. Trước cái vô hạn của không gian thời gian ta bắt gặp cái hữu hạn trong cuộc sống con người khi tuổi mỗi ngày một qua đi, sự gắn bó với quê hương mỗi ngày một ngắn lại, từ đó nhà thơ cảm thấy yêu cuộc sống này hơn và "ngộ" ra một điều đâu cũng là quê hương. Ê-đô là cố hương. Như vậy trước cái hữu hình rộng lớn, nhà thơ biến thành cái vô hình nhỏ bé trong lòng tự mình biết để cảm nhận và diễn tả trải dài tình cảm nỗi niềm của mình đối với quê hương và đất nước. Bài thơ ngắn gọn còn là một triết lí sâu sắc trong quy luật tình cảm của con người với bất cứ nơi đâu khi bước chân mình đã qua, dù ngắn hay dài thì chuỗi thời gian ấy khó vơi trong mỗi chúng ta, một lúc nào đó chợt nhớ mình lại cảm thấy day dứt xót xa như còn mang một món nợ lớn trong đời.

Một lần ngang qua cách rừng, nghe tiếng vượn hú não nề, nhà thơ nghĩ đến tiếng khóc của những em bé bị bỏ rơi trong khu rừng, ông viết:

Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc
gió mùa thu tái tê. (4)

Bài thơ được cảm nhận bắt đầu từ giác quan thính giác. Tai nghe tiếng vượn hú rồi nhà thơ liên tưởng đến một điều có tính chất bức thiết trong cuộc sống con người (hay tiếng trẻ bị bỏ rơi). Đây không phải là sự chuyển đổi giữa nghe và nghĩ mà là một sự chuyển động giữa động và tĩnh: âm thanh bên ngoài, tiếng lòng sâu lắng của nhà thơ. Hai chi tiết tiếng vượn hú và tiếng trẻ bị bỏ rơi giữa cơn gió mùa thu tạo cho người đọc cảm nhận được một bức tranh trong bài thơ vừa thật vừa ảo. Cái ảo là khoảng âm thanh không rõ ràng trong nhất thời, cái thực là chính là tiếng lòng của con người với thời cuộc nhân sinh tồn tại vĩnh hằng trong cuộc đời vốn có nhiều điều chưa nói hết. Bài thơ giản dị trong sáng nhưng ý nghiã tư tưởng lại vượt ra ngoài lớp vỏ ngôn từ chật hẹp gò bó khô khan.

Một lần khi mùa xuân đến, cảm nhận cánh hoa đào rơi lả tả bên hồ Bi-oa, nhà thơ viết.
Từ bốn phương trời xa
cánh hoa đào lả tả
gợn sóng hồ Bi-oa. (6)

Bút pháp trong bài thơ thể hiện trước hết là ở sự tương phản đôí lập giữa không gian vũ trụ bao la (bốn phương trời xa) với những cái gì nhỏ bé hạn hữu trong đời sống thường ngày (cánh hoa rơi, mặt hồ gợn sóng). Nghệ thuật bài thơ còn thể hiện ở bút pháp động và tĩnh, giữa sáng tối, không gian và thời gian, thiên nhiên và con người... Người đọc cảm nhận một bức tranh non nước thiên nhiên hữu tình tinh tế có pha chút thiền tông phật giáo. Bài thơ còn thể hiện một triết lí tương giao giữa sự vật hiện tượng với vũ trụ làm cho hồn thơ nhẹ nhàng bay bổng lay tận chiều sâu trái tim người đọc.

Có thể dẫn một bài thơ hai-cư khác của Ba-sô cũng tương tự.

Trên cành khô
cánh quạ đậu
đêm thu.

Cả ba sự vật: con quạ, cành cây khô, đêm thu đã có sự đối lập tạo nên một khung cảnh thật ảm đạm. Con quạ đậu trên cành cây khô trụi lá vào đêm thu đã cuốn hút con người vào cõi mông lung tàn tạ. Mặt khác bài thơ không chỉ là nỗi buồn mà còn là sự tương phản giữa màu đen con quạ nhỏ xíu và màng đêm bao la hiu quạnh, con người cảm thấy nhỏ bé trước không gian rộng lớn bao la...

2. Thơ hai-cư chỉ là những nét chấm phá đơn giản, mạch logic của bài thơ có nhiều khoảng trống tạo sự liên tưởng cảm nhận ở người đọc. Chất liệu và đối tượng được đề cập trong thơ cũng không có gì cao xa lạ lẫm mà chỉ bình thường như: thiên nhiên con người, trăng tuyết hoa chim vượn khỉ, còn có cả bùn đất cỏ cây... Khi nghe tiếng chim đỗ quyên nhà thơ giật mình:

Chim đỗ quyên hót
ở kinh đô
mà nhớ kinh đô (2)

Tiếng chim là tín hiệu gợi nhớ của lòng người trong thơ ca từ xưa đến nay. Cũng thế, Ba-sô một lần nghe tiếng chim để rồi khoảng trống trong lòng lại ùa về như một kí ức day dứt khó quên. Điều dễ nói cũng là điều khó nói, thế mà nhà thơ đã thốt thành lời. ở đây ý thơ chưa diễn đạt hết mọi cung bậc đến tận chiều sâu tâm hồn nhưng khoảng lặng đã làm cho lòng ta tự hỏi tiếng chim hay tiếng lòng của nhà thơ? Chủ thể trữ tình bị xóa nhòa, ranh giới giữa quê hương và con người được bắt cầu bằng tiếng chim đỗ quyên trong mùa hè, dưới chiếc cầu đó là dòng sông lòng cuồn cuộn chở bao nhiêu phù sa bồi đắp cho quê hương.

Từ chất liệu đơn giản, ý thơ bộc phát, sự liên tưởng của nhà thơ có tính chất nhân văn hướng về đồng loại cộng đồng dân tộc hay những vấn đề lớn lao trong tư tưởng tình cảm của con người.

Mưa đông giăng đầy trời
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi. (5)

Rõ ràng ước muốn của chú khỉ trong bài thơ hoàn toàn do chủ quan nhà thơ nghĩ giúp. Dó là sự tưởng tượng khi đang nhìn thấy chú khỉ ngồi ướt nhem bên vệ rừng khi nhà thơ đi qua. Chú khỉ đơn độc cũng là hình ảnh của người nông dân, những trẻ em Nhật trong cơn mưa đông lạnh lẽo. Nốt lặng của bài thơ được thể hiện qua những hình ảnh đơn sơ mộc mạc, là tấm lòng của con người với những sinh vật bé nhỏ tội nghiệp và đó cũng chính là lòng yêu thương đối với những người nghèo khổ.

3. Trong thơ hai-cư ngoài một số bài có những cụm từ quý ngữ (từ chỉ mùa) cụ thể như hoa đào-mùa xuân, tiếng ve-mùa hè... còn có nhiều bài không có. Những bài này chỉ có một số từ ngữ gợi mùa như: mù sương trong bài số 1 gợi mùa thu, chim đỗ quyên trong bài số 2 gợi nhớ mùa hè, cánh đồng hoang vu bài 8 gợi nhớ mùa đông... Nhận xét về thơ hai-cư Nhật Bản, nhà thơ Tagor (Ấn Độ) cho rằng, trong thơ hai-cư "nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi bước nhanh sang một bên". Như vậy những từ này có khi được coi là đề tài, là điểm sáng, "là con mắt" để khám phá nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Chỉ vài nét chấm phá thời gian, người đọc có thể nắm bắt đề tài, tạo sự liên tưởng một cách dễ dàng.

Vắng lặng u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm. (7)

Tiếng ve ngâm là mùa hè, tiếng ve ngâm lại thường diễn ra vào buổi chiều nên ta dễ dàng nhận ra nội dung của bài thơ là tiếng ve im ắng cất lên trước cảnh đá vật nơi cửa thiền trong một buổi chiều chưa tắt nắng gợi cho con người một nỗi lòng u tịch mênh mông, lúc đó con người có thể ngộ ra một điều gì trong cuộc sống cho riêng mình. Nghệ thuật của bài thơ là sức gợi, là tính liên tưởng, là phương pháp suy luận. Nghệ thuật bài thơ cũng là tiếng nói, là nỗi lòng, là tâm tư tình cảm con người gửi gắm với công chúng yêu thơ hôn nay và mai sau...

Giải mã và tìm hiểu thơ hai-cư , một thể thơ nổi tiếng trong thơ ca Nhật Bản và thế giới là một điều vốn rất khó. Trên đây chỉ là những nét chấm phá có tính chất chủ quan của người viết đối với những bài thơ hai-cư trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10. Đây cũng chỉ mới là bước tìm hiểu ban đầu, có lẽ còn nhiều điều chưa thỏa đáng, mong rằng quý thầy cô, quý đồng nghiệp sẽ có tiếng nói sâu hơn, góp phần đưa thể thơ này đến với người đọc một cách thật gần gũi.

ĐÀO TẤN TRỰC
Nguồn: Tạp chí Thơ



Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Vũ Trọng Quang - gương mặt thơ tự huỷ

Với “tự huỷ” thì thấy Vũ Trọng Quang càng khác hơn, huỷ mà không huỷ, khác mà không khác. Khi gương mặt tác giả bị xé thành bốn mảnh sắp ngược xuôi và bị đánh một dấu x màu đỏ, bi kịch lại chồng lên bi kịch…
Nhà thơ Vũ Trọng Quang

Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do Nxb Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm.

Đến nay nội dung và cách trình bày tập thơ vẫn chưa đề mốt. Tác giả là người làm thơ từ những thập niên 70, từ trước 1975 anh đã cùng Linh Phương chủ trương Văn Nghệ Động Đất...

Chúng ta đều biết, sự chuyển động vật lý như biểu hiện cho cái đang tồn tại, cũng như sóng như đại diện cho sự lan truyền, chuyển động. Còn chuyển động là còn sống và ngược lại, bất động trong phạm vi nào đó là đồng nghĩa với chết. Nhưng chuyển động lùi còn tồi tệ hơn cả giẫm chân tại chỗ. Thơ là một dạng sóng để truyền cảm xúc của tác giả đến người đọc. Bài thơ còn lan truyền cảm xúc là bài thơ còn lý do để sống. Người làm thơ ngày nay rất nhiều, nhưng người có đời sống thi ca chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì sự nhầm lẫn giữa nhà thơ và thi sĩ, nên chúng ta phải định danh lại, thi sĩ là người làm thơ và có đời sống thi ca trọn vẹn. Chẳng hạn như Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Hữu Loan,... hay như: Arthur Rimbaud, Walt Whitman, Rabindranath Tagore,...

Với thi sĩ thì mọi nhãn mác đều vô nghĩa, thậm chí cả sự vinh danh cũng là trò hề. Bản chất của thi sĩ là cô đơn, đứng bên ngoài và bên trên mọi tập thể hội hè.  Thực tế, đây đó thường xưng tụng nhau là nhà thơ, nhà văn... Về mặt ngôn ngữ, chữ “nhà” là để chỉ không gian vật lý, là cái vỏ bọc bên ngoài. Nhưng với từ thi sĩ, văn sĩ thì chữ “sĩ” có ý nghĩa về đời sống nội tâm, về nhân cách, về tri thức... Vậy xét về mặt ngôn từ thì ở xã hội chúng ta ngày nay, thi sĩ thật sự không có nhiều. Cũng rất mong những nhác mác được gắn kèm chữ sĩ có đời sống và suy nghĩ thật tương xứng với cái tên gọi mà xã hội đã xưng tụng mình như tu sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ,...

Vũ Trọng Quang đã bước trên con đường của ngày hôm qua, hôm qua thuộc về quá khứ, hôm nay mọi người cho là hiện tại và hôm sau được gọi là tương lai. Thật ra, mọi thứ đều trở thành hôm qua, hôm qua chính là hôm nay và cũng là hôm sau nếu xã hội đóng khung, xã hội không chuyển động. Tức là xã hội đi giật lùi, một xã hội không có hiện tại và tương lai.

Hôm qua là ký ức, là những gì đọng lại trong những trang giấy, những hình ảnh, những kỷ niệm cũng là cách gieo vần điệu truyền thống, khi mà những câu lục bát dập dìu trên vành nôi, những khung chữ ngũ ngôn đượm tình cảm quen quen của con người.

Ở hôm kia và hôm qua Vũ Trọng Quang là con người đã chết, là sự chết được mã hóa bằng chữ để kéo dài ra cái cảm xúc được tạo dựng trong thế giới thơ. Nhưng hôm qua mãi là hôm qua, không ai có thể thay thế được bản lý lịch quá khứ chính mình.

Và thời khắc hôm nay như ảo ảnh đi về phía hôm qua đã dẫn đưa mọi người đến một vực thẳm hư vô, chúng ta cứ chạy về phía tương tai để được xa quá khứ, tức là xa cõi chết, nhưng tương lai chỉ là một ảo thức biến hiện, tiến trình đuổi theo một cái ảo chỉ là một cái ảo. Cho dù biết thế, nhưng không còn cách nào khác để Vũ Trọng Quang không chùn bước tới trên con đường:

Tôi vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua
Trở lại làm gì con đường mòn xưa cũ

Nhưng lực kéo của quá khứ cũng như thói quen đã biến thành quán tính, quán tính lùi của mỗi người trở thành quán tính của cả dân tộc do “nhiều bàn tay trăm tuổi kéo từ phía sau lưng”.

Nhưng niềm hoang mộng của tác giả lại rơi vào ảo mộng khi ngỡ rằng hôm này là một sự thật.

Tôi chào mừng tôi hôm nay
Cắt băng khánh thành con đường thênh thang mới

Thế giới này được tạo sinh từ cơn hưng cảm, chỉ ở trạng thái phân liệt như vậy thì mới có sáng tạo, nếu không chúng ta chỉ tạo ra mọi thứ từ các xác ướp. Bởi vậy, với khái niệm cái mới; nếu cái mới khô cứng, cái mới không truyền được cảm xúc, thì xem như là những xác chết được sơn quét lại. Tất nhiên, thế giới sẽ mở ra nhiều con đường khác, khác nhưng chưa chắc là mới, có điều mọi con đường đều nằm trên mặt đất này.
Trong tập thơ của Vũ Trọng Quang, bất ngờ là ở thì tương lai, là hôm sau. Hình như một gã triết gia nào đó đã nói: hôm sau cũng chỉ là hôm nay. Và theo luận điệu như thế thì hôm sau rồi sẽ thành hôm qua. Cứ cái kiểu chia thời đoạn ra như vậy thì sẽ không nhảy vào khoảng trống được. Đó là bi kịch của chúng ta, bi kịch của loài người. Bản chất của thế giới này là cơn hưng cảm, không phải là thời gian theo điệu suy diễn áp đặt cho con người như vậy, càng không phải là một không gian hứa hẹn xa vời hay một sự níu giữ quá khứ.

Khi đọc đến bài “tới &...” tôi nghĩ về Vũ Trọng Quang khác, cái khác đó là do quá khứ gán vào.

Nói về hình thức của thơ, riêng phần hôm sau chỉ với: ký hiệu liên tưởng, eros, design, đường ray, đánh vần, nhiễm virus, tự hủy,... thì những cái gọi là tân hình thức sẽ không tưởng tượng ra mẫu hình thức nào như vậy. Và chúng ta có quyền công nhận một dạng siêu tân hình thức hay siêu thực tân hình thức hoặc trừu tượng tân hình thức trong thi ca của Vũ Trọng Quang.

Trong bài “đường ray” là hình thức sắp đặt thơ theo hình đường ray, hay trong “nhiễm virus” là một diễn trình về lắp ghép từ vựng đã bị virus máy tính làm rối tung trong một trật tự khác. Trong “eros” là sắp đặt về ý niệm thi ca, nếu đứng sau mũi tên thì thuộc về quá khứ, bay cùng mũi tên là hiện tại và trước mũi tên là tương lai. Trong sáng tạo rất cần những con người đứng trước mũi tên, dù biết rằng mũi tên đó sẽ xuyên qua trái tim mình. Cái kiểu mà Vũ Hoàng Chương đã từng nói: “Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỷ”.

Với “tự hủy” thì thấy Vũ Trọng Quang càng khác hơn, hủy mà không hủy, khác mà không khác. Khi gương mặt tác giả bị xé thành bốn mảnh sắp ngược xuôi và bị đánh một dấu x màu đỏ, bi kịch lại chồng lên bi kịch. Nếu biết quên nhưng đừng để bị Alzheimer, thì mỗi chúng ta chỉ còn trạng thái của cảm xúc, có thể hạnh phúc hoặc khổ đau, nhưng ở đó không hiện hữu sự suy diễn. Cứ vậy mà trôi qua như nước trên dòng sông, hôm qua đã chết, hôm nay không dừng lại và hôm sau chưa đến, cứ thế mà đi, mà trôi trên dòng sông của chính mình, rồi sông cũng mất dạng, chỉ còn một vệt sáng của vì sao băng ngang nền trời... đâu cần phải “tự hủy” phải không anh Vũ Trọng Quang. Vì anh đã từng nói:

Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
làm thơ để được nhẹ lòng mình

LÊ HUỲNH LÂM

____________________________

 Nhà thơ Vũ Trọng Quang còn có bút danh Nhị Ka, quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng, hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ trương tập san Văn Chương sau năm 1975.
Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
          
Tác phẩm đã xuất bản:

Nỗi buồn của chúng ta (1973)
Đã hết giờ Lọ Lem (1994)
Hôm qua hôm nay hôm sau (2006)
   
Thực hiện các tuyển thơ:

Thơ tự do (1999)
Thơ hôm nay (2003)
Bông & Giấy (2010)

Quan niệm văn học:

"Thơ phải biến dịch đi tới, bước đi thơ bước đi vận động biện chứng, đứng lại đồng nghĩa với lùi lại. Nhà thơ là kẻ thất bại trên hành trình đi từ khởi điểm này đến khởi điểm khác, kẻ ý thức về đỉnh cao chứ không thể chạm tới đỉnh cao".

Nguồn: NVTPHCM




BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...