Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Nhà văn Thanh Giang: Một tấm lòng & trang văn đáng quý

Không nổi bật như nhiều cây bút cùng thế hệ nhưng ông có những đóng góp không nhỏ với tư cách chiến sĩ và nghệ sĩ đáng quý…

Hơn một tuần sau ngày nhà văn Trang Thế Hy vĩnh biệt cõi trần “đi chỗ khác chơi” thì một nhà văn gốc Bến Tre khác là Thanh Giang cũng trở về hoá cát bụi quê hương. Bằng cuộc đời và trang viết chân thành từ trong máu lửa, nhà văn Thanh Giang đã có cách tồn tại riêng, góp tiếng nói riêng vào văn chương đương đại Nam bộ.
Nhà văn Thanh Giang

Bến Tre không chỉ sinh ra nhiều vị tướng lĩnh mà còn là quê hương của nhiều nhà văn trưởng thành từ trong chiến tranh như Lê Anh Xuân, Trang Thế Hy, Minh Khoa, Chim Trắng, Võ Trần Nhã, Thanh Giang,… Chẳng biết có “hẹn” trước hay không mà hai nhà văn lão thành người Bến Tre lại “rủ” cùng trở về vĩnh viễn nơi chôn nhau cắt rốn chỉ cách nhau mấy ngày trong tháng 12.2015: ông Trang Thế Hy ngày 8, còn ông Thanh Giang ngày 16.

Cuộc đời và sự nghiệp hai nhà văn đồng hương này có số phận, con đường văn chương khác nhau nhưng cũng có những nét tương đồng. Tên gọi quen thuộc của cả hai ông là bút danh chứ không phải tên thật do cha mẹ đặt. Trang Thế Hy tên khai sinh là Võ Trọng Cảnh, còn Thanh Giang là Lê Mai Sơn. Cùng quê Bến Tre, nhưng Thanh Giang sinh ngày 13.11.1930 ở huyện Mỏ Cày, nhỏ hơn 6 tuổi so với Trang Thế Hy sinh ngày 29.10.1924 ở huyện Châu Thành. Hai ông cùng sớm tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, sau Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước bị chia cắt, ông Trang Thế Hy có giai đoạn được lãnh đạo cử về hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn và bị địch bắt giam hai năm rồi trở ra chiến khu; còn ông Thanh Giang sau thời gian tập kết ra Bắc đã trở về gắn bó xuyên suốt với bưng biền chống Mỹ, tham gia nhiều chiến dịch, tay súng tay bút lăn lộn khắp chiến trường trọng điểm cho đến ngày đất nước hoà bình thống nhất.

Năm 1975, hai ông cùng về sống và làm việc chủ yếu tại Hội Nhà văn TP.HCM. Đến năm 1992, ông Trang Thế Hy giã từ thành phố để “đi chỗ khác chơi”, lui về ở hẳn vườn dừa quê nhà Bến Tre cho đến cuối đời. Ông Thanh Giang thì vẫn gắn bó với căn nhà nhỏ đơn sơ được phân phối trên tầng thượng chúng cư giữa trung tâm thành phố này tới ngày nhắm mắt xuôi tay, cho dù những người con thành đạt muốn đưa vợ chồng ông về ở chung tại những căn nhà rộng lớn thoáng mát và thuận tiện hơn nhưng ông quyết không đi.

Nhìn bề ngoài, hai bậc cao niên gốc xứ dừa đều chơn chất, mộc mạc, hiền lành, nhân hậu và dễ gần. Nhưng sâu thẳm bên trong, có lẽ ông Trang Thế Hy sắc sảo, thâm thuý và quyết liệt hơn, còn ông Thanh Giang thì xuề xoà, bộc trực và nhẹ nhàng hơn. Điều đó cũng thể hiện qua trang văn của hai bậc lão thành đa năng. Ông Trang Thế Hy viết chậm viết ít và gai góc sắc cạnh, còn ông Thanh Giang viết nhanh viết nhiều và bình dị chân chất. Nghĩ về hai ông, tôi thường nhớ đến bài thơ Bông súng của Thanh Giang viết từ thời chiến tranh, trong ấy có đoạn:

“Bùn sâu năm tháng quen hơi
Thân dầm nước đứng cuộc đời thẳng ngay
Sương đêm rồi lại nắng ngày
Lá tròn mỏng mảnh che hoài đời anh...”

Hình ảnh đẹp, lãng mạn và tự tin “Thân dầm nước đứng cuộc đời thẳng ngay” của cây bông súng làm tôi có cảm giác như cũng “vận” vào cuộc đời của hai nhà văn đáng kính sinh ra từ vùng “bùn sâu” miệt vườn sóng nước Bến Tre!

Nhà thơ Nga Evtusenko từng viết rằng “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Mặc dù không nổi danh, được đánh giá cao như nhà văn đồng hương Trang Thế Hy hoặc Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức nhưng Thanh Giang cũng hợp cùng những Trần Thanh Giao, Mai Văn Tạo, Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã, Anh Động,… có “số phận lịch sử” riêng mình, góp tiếng nói không thể quên vào văn chương đương đại vùng đất mới phương Nam.

Nhà văn Thanh Giang là người lao động nghề rất nghiêm túc và đầy đam mê. Suốt thời tuổi trẻ xông pha trận mạc, viết dưới mưa bom bão đạn, cho đến những năm tháng cuối đời ông vẫn miệt mài sáng tác và xuất bản tác phẩm. Không kể kịch bản phim, ông đã có hơn 20 tập tiểu thuyết, truyện ký và thơ đã được in, trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần. Càng lớn tuổi ông viết càng mạnh càng hay. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhìn nhận chân xác về nhà văn Thanh Giang giai đoạn sau này: “Sáng tác của ông dần dần mở ra cho người đọc về hình ảnh thật của con người trong chiến tranh, từ người anh hùng trên trận tuyến chiến đấu trực diện với quân thù đến những người hậu phương cam lòng sống trong tầm đạn giặc. Dù viết về phía bên này hay phía bên kia, nhân vật trong truyện và ký của ông đã có hồn sắc hơn, không còn những nghĩ suy đơn giản mà đã dằn vặt, cắn xé nội tâm, đã nghĩa tình, chung thuỷ hơn trong hành động”.

Riêng về tiểu thuyết, nhà văn Thanh Giang đã xuất bản 7 cuốn: Vùng tranh chấp (1982; tái bản 2003), Dòng sông nước mắt (1989), Trăng lên vườn Bồ Đề (1995), Khúc chuông chùa (2001), Sông Hàm Luông (2005; tái bản 2009), Biệt ly huy hoàng (2011) và mới hai năm trước là Ngạc Xuyên hiền nhân (2013) viết về nhân vật lịch sử Ca Lê Thỉnh. Một sức làm việc vạm vỡ đáng nể. Trong đó, đáng chú ý có Khúc chuông chùa đã được trao Tặng thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN năm 2002, tiểu thuyết dày hơn 600 trang viết về ngôi chùa Tâm Sanh Tự xây từ một bãi rác ở giữa Sài Gòn trước năm 1975, mà theo nhận định của nhà văn Trần Thanh Giao: “Xét về mặt tìm kiếm cách thể hiện đề tài truyền thống thì Thanh Giang đã thu hút được độc giả khi pha trộn chuyện biệt động xuất quỉ nhập thần với một chút "trinh thám" (xã hội đen, bắt cóc, giải thoát…), một chút "chưởng" (lên núi xuống núi, đánh võ tay đôi…), tình yêu tay ba tay tư  (Huệ Linh - Gió Cát - Hoa Trang - Quang Minh - Hồng Sơn - Uyên Chi…) khiến cho cuốn tiểu thuyết thêm phần hấp dẫn...”. Tác giả cũng đã chuyển thể tiểu thuyết Khúc chuông chùa sang kịch bản phim và được Hội Điện ảnh TP.HCM trao giải...

Ngoài sáng tác, nhà văn Thanh Giang còn là một trong những người có ý thức phát hiện, nâng đỡ giới cầm bút trẻ. Ông đã thực hiện điều đó khi còn làm báo Văn Nghệ Quân Giải Phóng trên chiến trường, sau này ông tiếp tục sứ mệnh cao đẹp ấy khi phụ trách Trại Sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM. Có thể nói trong khoảng hơn 20 năm kể từ khi đất nước thống nhất, Thanh Giang cùng Trần Thanh Giao là hai nhà văn nhiệt huyết hàng đầu trong việc phát hiện, bồi dưỡng các nhà văn trẻ, góp phần tạo nên một lực lượng cầm bút mới mạnh mẽ ở TP.HCM, đã và đang đóng góp quan trọng cho nền văn học.

Đêm 17.12.2015, đêm cuối cùng nhà văn Thanh Giang ở lại Sài Gòn để sáng hôm sau vĩnh viễn về với đất mẹ Bến Tre. Một số nhà văn từng là đồng đội, đàn em thân thiết của ông như Văn Lê, Trần Văn Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Ngọc Mộc, Phạm Sỹ Sáu, Hoàng Đình Quang,… đã ngồi bên ông đến khuya. Trong đó, Trần Văn Tuấn và Văn Lê đã từng cùng Thanh Giang là ba nhà văn ở TP.HCM vốn xuất thân thời đánh Mỹ đã trở lại gia nhập quân đội tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979, sang giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.

Tôi ngồi lặng lẽ nghe họ kể những kỷ niệm về ông, cả những thiệt thòi mà con người hiền lành như ông phải gánh chịu, tôi càng cảm thấy yêu quý một tấm lòng, một nhân cách hiếm có. Và trong tôi cứ chập chờn những câu thơ trong bài Mai tứ quý của ông: “Ai hay đâu một kiếp/ Ngắn ngủi chưa đầy ngày/ Cánh vàng bay ly biệt/ Để hồn buồn trong cây”! Nỗi buồn sáng trong của một kiếp người như ông đáng để hậu thế soi mình. Ông ra đi nhưng tấm lòng và trang văn sẽ mãi còn ở lại!

PHAN HOÀNG
Theo SGGP


Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Nguyễn Quang Sáng và những bài học văn chương

Hy sinh từng ngày trong cuộc sống để giữ gìn nhân cách, để bám giữ và tiến vượt lên trong nghề là điều không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn lớn, can đảm lớn. Nguyễn Quang Sáng đã trọn đời cùng nghề viết văn, trọn đời là một chiến sĩ, một người dân yêu nước, một Tài tử Nam Bộ...

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau khi hưởng trọn cái Tết lần thứ 82 của mình, đã chọn đêm trước hôm rằm - Rằm tháng Giêng Giáp Ngọ để nhẹ bước tiên du vào miền tịch diệt.

Trong nỗi đau buồn gần như đến tận cùng, con trai nhà văn, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng viết: "Kết thúc một chặng đường. Ba tôi - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân - chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc... Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cảm ơn thượng đế cho con được là con của ba".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Người ta nói "cái quan định luận", nghĩa là đóng nắp quan tài xong mới có thể bàn được về người đó. Song, với nhiều người có thể "định luận" ngay khi còn sống. Với hàng chục truyện ngắn và tiểu thuyết, hàng chục kịch bản điện ảnh đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt hai - 2000), ông được đánh giá là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Riêng tôi muốn gọi ông là "Nhà văn Nam Bộ" không chỉ bởi tác phẩm của ông lấy bối cảnh Nam Bộ, giọng điệu Nam Bộ, "không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được - Tô Hoài", mà các tác phẩm ấy còn mang đậm tính cách Nam Bộ: đã yêu thích cái gì, tin tưởng cái gì, thì tin, yêu đến tận cùng.

Tôi được gặp Nguyễn Quang Sáng không nhiều, chủ yếu trong các kỳ đại hội (ÐH) Hội Nhà văn. Trước đây, tôi thường đứng xa xa với thái độ "kính nhi viễn chi", có hỏi han điều gì cũng thưa gửi rón rén nên ông cũng không cởi mở nhiều. Tính ông càng về già càng lặng lẽ. Nhưng trong kỳ ÐH VIII Hội Nhà văn Việt Nam (2010) tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông bỗng gần gũi hơn. Hai chú cháu còn chụp ảnh chung với nhau, nói chuyện nhiều hơn về người và nghề cầm bút. Nghe tin ông mất, hình ảnh một già Sáng đeo túi chéo, chầm chậm, lặng lẽ dọc hành lang hội trường, đôi mắt đắm ướt tình người bỗng long lanh khi gặp ai đó nhưng rồi cũng bất chợt xa xăm lại hiện lên trong tôi một cách rõ rệt, nao lòng! Tôi tự trách mình đã thật khờ khạo khi không biết cách gần ông thêm nữa, để được nghe từ ông những điều không dễ có trong đời. Mỗi nghệ sĩ lớn là một thế giới kỳ diệu, độc đáo. Tác phẩm của họ làm giàu hồn ta; gần bên họ được sáng trí ta. Tôi đã được gặp nhiều nghệ sĩ lớn, đã được bước trong những thế giới kỳ diệu đó, mà khi họ còn sống, đâu đã biết hết giá trị, nên bây giờ tiếc nuối khôn nguôi. Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Nguyên Hồng, Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Tuân, Lưu Quang Vũ, Hữu Loan, Phạm Tiến Duật, Hoàng Cầm... Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, cái họ mang đi còn nhiều hơn rất nhiều cái họ để lại cho đời!

Nguyễn Quang Sáng (từng lấy bút danh là Nguyễn Sáng, sau để tránh trùng tên với danh họa Nguyễn Sáng nên lại dùng tên Nguyễn Quang Sáng), cầm bút từ năm 1952. Truyện ngắn đầu tiên được in là Con chim vàng (Báo Văn nghệ, 1956), và trở thành hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Năm 1959, ông giật hai giải truyện ngắn Ông Năm Hạng của Báo Thống Nhất và Tư Quắn của Văn nghệ quân đội. Ấn tượng nhất trong thời kỳ đầu ấy là Ðất lửa, cuốn tiểu thuyết đậm chất Nam Bộ và chất điện ảnh viết về quê hương ông những ngày chống Pháp. Các giải thưởng khác là Mùa gió chướng (Kịch bản phim, Bông sen bạc Liên hoan phim (LHP) toàn quốc 1980); Cánh đồng hoang (Kịch bản phim, Bông sen vàng LHP toàn quốc 1980, Huy chương vàng LHP quốc tế Mát-xcơ-va 1981); Dòng sông thơ ấu (Giải thưởng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (HNV) 1985); Con mèo của Fujita (Giải thưởng HNV 1993)...

Viết trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (2007), Nguyễn Quang Sáng tự vấn rằng, mình có nhiều chục năm cầm bút, nhiều giải thưởng nhưng vẫn luôn tự hỏi "mình đã thật là nhà văn hay chưa"? Ðó là một tự vấn nghiêm khắc và ông nói rằng, bằng tác phẩm, ông đã, đang và sẽ trả lời điều đó.

Ông đã là nhà văn hay chưa? Xin thưa với hương hồn ông, chỉ với Chiếc lược ngà và Cánh đồng hoang, ông đã là một nhà văn lớn, ảnh hưởng của ông đã vượt khỏi biên giới nước nhà. Chiếc lược ngà được viết năm 1966, nhanh chóng được đưa vào giáo khoa và làm xúc động bao thế hệ học trò. Cánh đồng hoang (công chiếu lần đầu ngày 30-4-1979) với kịch bản của Nguyễn Quang Sáng, với đạo diễn tài năng Hồng Sến, âm nhạc Trịnh Công Sơn, diễn viên Lâm Tới, Thúy An, đã trở thành bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.

Có người nói Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ biết kể chuyện một cách giản dị và xúc động. Tôi đặc biệt thích lối văn kể chuyện giản dị ấy mà chỉ người dân thường hoặc tài năng lớn mới có thể làm được. Nhưng những chi tiết đắt giá, sự bất ngờ dồn dập, sự khái quát thần diệu, chất điện ảnh và đặc trưng Nam Bộ đến từng dáng điệu, lời thoại là những đặc điểm khác làm nên phong cách của Nguyễn Quang Sáng.

Tôi đã học được ở ông những bài học văn chương quý giá. Trong nhiều bàn trà cũng như trong diễn đàn chính thức, Nguyễn Quang Sáng là người đồng tình với quan điểm, nghệ thuật muốn có "tính" gì cũng được, nhưng phải có "tính hay". Ông không phản đối các nhà lý luận khi nói về chân, thiện, mỹ; về chuyện đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc nhưng lại có cách nghĩ riêng rất thú vị. Theo ông, nhà văn nước ngoài không viết theo nhu cầu của bạn đọc Việt Nam nhưng ta đọc vẫn thấy hay. Văn chương có ba ràng buộc, cũng là ba phẩm chất: Buồn - Ðau và Ðẹp. Làm thế nào để hay? Ông nói, tác phẩm như lời ru của lòng mẹ, cứ thế mà hay. Ông nói thêm, phải viết cái gì thật tự nhiên, thật sâu trong lòng mình, viết cái mình rành thì trúng, cái mình không rành thì trật, trước sau gì cũng hỏng.

Theo cách nghĩ học trò, có lần tôi từng hỏi ông về lý tưởng, quan niệm thẩm mỹ; vai trò của nó đối với sáng tạo tác phẩm, ông hơi ngơ ngác rồi nói: "Chú cứ coi cuộc đời tui thì biết"! Cuộc đời ông là gì? Là một Nguyễn Quang Sáng chiến sĩ rồi sau đó mới là một Nguyễn Quang Sáng nhà văn. Ông sinh năm 1932 tại thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang trong một gia đình giàu có. Ba má ông có tiệm vàng và xe hơi. Yêu lý tưởng, yêu sự tốt đẹp của cách mạng, năm 1946 ông xung phong vào bộ đội, rồi tập kết ra bắc năm 1954 với quân hàm chuẩn úy. Từ đó ông chuyển ngành sang Ðài Tiếng nói Việt Nam rồi các cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1966, ông tình nguyện vào chiến trường để đấu tranh thống nhất nước nhà bằng cây súng và ngòi bút, để được sống giữa những người thân yêu, giữa xóm làng và bưng biền thân thuộc, dù biết rằng cái sự dấn thân ấy chính là dấn thân đến cái chết bất cứ lúc nào. Cho đến năm 1972 ông mới ra Bắc, và sau năm 1975, ông về ở hẳn miền Nam, bên cạnh chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh trong nhiều khóa, góp phần đặc biệt to lớn trong việc xây dựng phong trào văn nghệ ở thành phố mang tên Bác nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những ngày đầu giải phóng.

Những tác phẩm lớn của ông chủ yếu được hình thành trong những ngày "xáp vô" trong cuộc chiến đấu lớn của bộ đội và nhân dân ta ở miền Nam; nhặt được những "hạt vàng" từ cuộc sống. Năm 1966, nhà văn chợt thấy và "găm" vào đầu cảnh trực thăng Mỹ - ngụy bắn người dân ở Ðồng Tháp Mười mùa nước nổi; người lớn thì lặn sâu xuống khi bị bắn. Trẻ em thì cho vào túi ni-lông, người lớn lặn phải kéo theo... Ðó cũng là một trong những chi tiết nói lên sự ác liệt đến tận cùng của chiến tranh. Chi tiết đó, đến hơn mười năm sau mới được viết thành kịch bản phim Cánh đồng hoang. Cánh đồng hoang là bộ phim có tính khái quát cao. Cuộc đọ sức giữa một bên là vợ chồng Ba Ðô và đứa con nhỏ mới sinh trơ trọi giữa mùa nước nổi mênh mông và một bên là trực thăng Mỹ đầy hỏa lực săn đuổi rát rạt. Căng thẳng từng giây một khi kẻ thù quyết sát hại và nhân văn từng giây một khi con người Việt Nam quyết bảo vệ sự sống đến cùng. Kết cục, Ba Ðô chết nhưng bất ngờ, bằng khẩu súng trường, lòng căm thù, cái kỳ diệu của sự sống, vợ Ba Ðô đã nhặt lấy súng của chồng và bắn rớt chiếc trực thăng. Từ túi áo của viên phi công Mỹ, rơi ra tấm ảnh vợ con hắn, một chi tiết đầy hàm nghĩa, đẩy tác phẩm lên một tầm cao nữa trong tố cáo chiến tranh, trong giá trị nhân văn; một kết thúc mở để cả đời sau còn suy nghĩ...

Nếu truyện ngắn Chiếc lược ngà chỉ viết trong một đêm, thì kịch bản này cũng chỉ viết trong một tuần, bắt đầu từ đêm 18-12-1978, đêm nhà văn đưa vợ đi đẻ. Người con ấy chính là đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng bây giờ. Cả hai đứa con được sinh hạ trong những ngày ấy đều nổi tiếng.

Phải rành và chín trong nghề văn là vậy. Nhưng cái điều sâu xa hơn mà tôi cảm nhận được là, nhà văn sẽ không viết được gì nên hồn nếu không gắn bó với cuộc sống, biết "mò lặn" mà tìm "quặng quý" trong đời. Và phải học, tự học suốt đời. Tôi là "cậu ấm" - ông nói, nhưng chỉ học đến lớp bảy. Ði theo cách mạng, được học thêm văn hóa. Rồi mình lại tự học. Năm 1963, đạo diễn Mai Lộc nói văn tôi có chất điện ảnh. Hồi đó tôi chưa ý thức hết. Sau này được đặt hàng viết kịch bản phim, tôi mới chăm chú đi rạp xem. Hết ngày này sang ngày khác. Hết phim này sang phim khác. Tự cắt nghĩa sao trường đoạn ấy nó hay, nó xúc động. Cứ học lỏm thế thôi, nhưng mà học thật, tin thật...

Và điều cốt yếu nhất là phải biết hy sinh. Hy sinh tính mạng là mất mát lớn nhất, nhưng lựa chọn nó không phải là khó khăn nhất. Hy sinh từng ngày trong cuộc sống để giữ gìn nhân cách, để bám giữ và tiến vượt lên trong nghề là điều không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn lớn, can đảm lớn. Nguyễn Quang Sáng đã trọn đời cùng nghề viết văn, trọn đời là một chiến sĩ, một người dân yêu nước, một Tài tử Nam Bộ...

NGUYỄN SĨ ÐẠI
Nguồn: Nhân Dân

ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:




Nhà thơ Thanh Quế: mũ nồi & xe đạp

Ðặc điểm lớn nhất của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế là ông... không biết đi xe gắn máy. Giữa phố phường Ðà Nẵng đông đúc, cứ thấy ông nào treo vắt vẻo cái cặp to đùng trên ghi đông xe đạp, đầu đội bê rê hoặc mũ lưỡi trai, nhẫn nại đạp vẹo vọ trên đường, ấy là... nhà văn Thanh Quế.
Nhà thơ Thanh Quế

Nhưng thực ra ông là người chính gốc Phú Yên. Tại xứ Nẫu ấy, ông còn mẹ già và các em gái. Còn mình, sau chiến tranh, ông "định đô" ở thành phố Ðà Nẵng, nơi ông đã gắn bó và cầm bút gần nửa thế kỷ qua. Ông là học sinh miền Nam, ra bắc học ở trường học sinh miền Nam số 24 Hà Ðông rồi vào học khoa sử Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi vào chiến trường khu năm năm 1969. Thuở còn sinh viên, lứa như chúng tôi đã được đọc văn ông, những tác phẩm viết về chiến tranh, nóng hôi hổi mùi bom đạn và trắng đến nhức mắt, khô không khốc những cồn cát miền Trung mà chúng tôi ở miền Bắc thời bấy giờ nhờ đọc văn ông mới biết. Ông đồng lứa với các nhà văn Chu Cẩm Phong, Trần Vũ Mai, Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo... những người đã gắn cả tuổi trẻ của mình vào chiến trường Quảng Ðà khốc liệt. Rất nhiều nhà văn đã mãi mãi nằm lại ở vùng đất này, có người đến giờ vẫn chưa tìm thấy di hài. Ðồng đội cũ đã dựng ở bảo tàng quân khu năm một tấm bia khổng lồ bằng đá quý từ Bình Ðịnh khắc tên các liệt sĩ văn nghệ hy sinh. Và vì thế, nhà văn Thanh Quế bây giờ ngoài việc viết văn như trả một món nợ với cuộc đời, với quê hương, còn lặng lẽ làm một cái việc là viết hồi ký về những tháng ngày hào hùng đã qua ấy, về những nhà văn, những văn nghệ sĩ đồng đội đã anh dũng ngã xuống với tư thế là những người lính. Văn, thơ và hồi ký là ba thể loại đang song hành cùng ông. Ông cũng viết rất nhiều cho thiếu nhi, điều mà không phải nhà văn chuyên nghiệp nào cũng làm được. Thoạt nhìn, ông giống bác đưa thư hơn là nhà văn. Xuề xoà, vui tính, nói to, hay cười, cả nể, luôn luôn cố hữu một cái mũ trên đầu vì ông bị... hói, nhưng thơ ông nén chặt tinh tế đến kỳ lạ. Thơ ông thường ngắn, rất ngắn, nhưng dung lượng rất lớn. Ông không câu nệ chữ, không câu nệ vần mà chú trọng tứ và ý tưởng lấp lánh sau những hàng chữ. Và vì thế mà nó có khả năng công phá. Ðây là một bài thơ của ông, bài "Hành trang":

Cái ngày bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi
Phả hơi lạnh như băng của nó
Tôi mỉm cười bảo: "Hãy chờ tôi tí
Tôi còn chuẩn bị hành trang"
Tiền bạc, của cải, nhà cửa, áo quần
Những thứ đó không cần gì cho tôi cả
Những tuyển tập Văn, Thơ, Triết học của những bậc thiên tài
Tôi cũng chẳng mang đi nổi
Trước sự thúc giục của thần chết đứng bên
Tôi chỉ cầm theo một cây bút nhỏ
Ðể từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống
Ðó là những gì tôi mang theo vào giây phút cuối đời
Khi bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi.
1993

Có bạn đọc quen đã hỏi tôi rằng: Thế này mà là thơ à? Mà lại được nhiều người khen hay, được chọn vào tuyển thơ Việt Nam 1975 - 2000. Quả là so với thơ thông thường, nó hơi khó đọc thật. Ngay so với tạng thơ của tôi, nó cũng khác một trời một vực. Nhưng đấy chính là quy luật sống còn của thơ: Ðơn nhất, không lặp lại. Và thơ cũng có nhiều cách để thể hiện. Có thơ thiên về hình ảnh, vần, tính nhạc. Có thơ thiên về lập tứ, vượt qua mọi ràng buộc để giải phóng tư tưởng, nói hết, nói tràn được những điều muốn nói. Có thơ dồn nén ngôn ngữ như ta dồn bộc phá, có sức bung nổ rất cao. Có thơ chỉ chú trọng đến âm thanh... Thanh Quế thiên về triển khai tứ theo một quy luật ngôn ngữ nghiêm nhặt. Bài thơ này khiến ta xúc động ở chỗ: Viết về những giây phút cuối cùng của cuộc đời mà vẫn vô cùng bình thản, thậm chí có chất u mua. Thông điệp của ông chính là: Từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống. Một thông điệp đầy chất nhân văn cộng sản chân chính của một nhà văn đã lăn lộn qua chiến tranh, đã từng nhiều lần bị thần chết sờ lên lưng, đã dùng ngòi bút của mình thắp đuốc tìm về cuộc sống. Và vì thế mà yêu cuộc sống đến cháy bỏng, đến chết rồi vẫn muốn viết cho những người đang sống.

Thanh Quế sinh đúng năm đất nước độc lập tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ðến nay ông đã xuất bản khoảng hai chục đầu sách. Có những câu thơ của ông cứ găm vào tâm trí tôi: Mênh mông vườn nối vườn/ Anh vừa đi vừa hái bao nhiêu quả/ Ðến lúc mệt nhoài trong nắng hè ngồi nghỉ/ Lấp loáng sau vòm cây/ Anh bỗng nhận ra/ Chùm quả anh chưa gặp bao giờ... Cái quy luật kiếm tìm của con người nó như thế. Nhiều khi vì một phút lơ đãng, ta đã bỏ qua một cái đích kiếm tìm. Cuộc đời luôn trộn lẫn cái bình thường và cái phi thường. Nhận ra nó là cả một cuộc kiếm tìm không ngừng không nghỉ. Và kiếm tìm chính là một mục đích cao cả của con người chân chính, là hành vi biểu hiện cao nhất khả năng người của con người, những con người luôn vươn lên tự hoàn thiện nhân cách một cách cao đẹp nhất...

Ðặc điểm lớn nhất của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế là ông... không biết đi xe gắn máy. Giữa phố phường Ðà Nẵng đông đúc, cứ thấy ông nào treo vắt vẻo cái cặp to đùng trên ghi đông xe đạp, đầu đội bê rê hoặc mũ lưỡi trai, nhẫn nại đạp vẹo vọ trên đường, ấy là... nhà văn Thanh Quế. Có lần tôi và nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng bay từ Hà Nội về, phải transit ở ga Ðà Nẵng 2 tiếng, thế là đi taxi vào tìm Thanh Quế. Ông rủ chúng tôi sang thăm nhà văn Ðà Linh ở NXB Ðà Nẵng, tiện thể... nhậu luôn. Nhưng ông không cho chúng tôi đi taxi mà kêu một cái xích lô để tôi và Nguyễn Thanh Mừng ngồi, còn ông nhấp nhổm đạp xe bên cạnh, nói chuyện oang oang, nhiều người đi đường ngoái nhìn, chắc tưởng ba lão... gàn. Gần đây ông được trang bị điện thoại di động, mà cái cách ông dùng cũng có một không hai. Ấy là ông chỉ biết ai gọi tới thì bấm cái nút xanh rồi quát lên rất to "ai đấy". Còn gọi cho ai thì ông rất cẩn trọng tay trái giữ máy, dùng ngón trỏ tay phải chọc từng số trên bàn phím, tất nhiên trước mặt là cuốn sổ ghi số điện thoại. Có một lần gọi cho tôi, ông hoan hỉ quát rất to trong máy "Sao chú biết anh gọi?" khi nghe tôi vừa mở máy đã lễ phép chào đúng tên ông. Thế mà hiện nay, ông giữ rất nhiều trọng trách trong làng văn chương: Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc các nhà văn miền Trung (một vị trưởng ban mẫn cán và đầy trách nhiệm trong việc giục các nhà văn sáng tác và thăm hỏi tặng quà mỗi khi có vị nào đó ốm đau. May mắn là tôi chưa được ông... thăm hỏi lần nào...), Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Ðà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước, Tổng thư ký Hội Nhà văn Ðà Nẵng... Ông là người rất tận tình với bạn bè, dù đó là đàn em như chúng tôi. Nhớ cái lần có cuộc họp các nhà văn ở Ðà Nẵng, trước khi ai về nhà nấy, ông đến và lôi trong cái cặp to đùng ra mấy xâu tré, đặc sản Ðà Nẵng, "của ít lòng nhiều", ông biếu mỗi người mấy cái về... uống rượu. Có hôm khuya rồi, ông vẫn đi bộ đến khách sạn: Tớ mới lĩnh chút nhuận bút còm, đãi các cậu chầu bia. Ra vỉa hè cho mát. Tôi nói thêm: cho... rẻ. Hàng năm bận mấy, ông vẫn về Phú Yên thăm mẹ, nhưng ông đã trở thành một phần Ðà Nẵng rồi. Một nhà văn trẻ Ðà Nẵng nói với tôi: Sẽ ra sao nhỉ, nếu một ngày nào đó Ðà Nẵng không còn cái dáng bê rê xe đạp kia? không còn những trang văn, bài thơ thấm đẫm tình yêu và trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ Thanh Quế?...

Ông vẫn viết rất khoẻ. Ta vẫn thường ngày thấy tên ông trên các báo tạp chí trung ương và địa phương. Sách vẫn ra đều đều. Và điều quan trọng, cậu con trai của ông, cháu Phan Tuy An, mấy năm nay cũng liên tục có thơ in trên các báo, đặc biệt là dịp tết. Hổ phụ sinh hổ tử. Ông rất tự hào vì khả năng "cha truyền con nối" văn chương này... Hôm qua, ông mới gửi tặng tôi tập sách mới nhất, tập "Những kỷ niệm, những gương mặt"...

Gia Lai 2003
VĂN CÔNG HÙNG
Theo NVTPHCM

____________

Bài này viết từ 2003 nên thông tin giờ đã thay đổi, bác Thanh Quế giờ đã nghỉ hưu, và vẫn sống cần mẫn ở Đà Nẵng (VCH).




Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Nhà thơ Phan Hoàng: Gió dựng thành lũy biên cương

     Nhà thơ Phan Hoàng ở  đảo Đá Tây - Trường Sa

Sinh ra và lớn lên trên bán đảo Đông Tác cuối dòng sông Đà Rằng (Tuy Hòa, Phú Yên), chứng kiến những mùa gió quê nhà và cả những “mùa giông tố” của thời cuộc, nhà thơ Phan Hoàng nói, không gian chủ đạo trong thơ anh cũng là một không gian gió, dịu dàng mà hiên ngang, uyển chuyển mà dữ dội. Trong những ngày này, khi Biển Đông dậy sóng, cảm xúc về hồn thiêng sông núi trong lòng anh càng mãnh liệt…

* Trong tâm thế này, chắc anh cũng đang sáng tác về biển đảo?

- Không phải thời điểm này tôi mới sáng tác thơ về biển. Trước đây tôi từng có những bài: Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, Gió hợp hôn đất nước, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca… Hiện tôi đang tập trung hoàn thành tiếp loạt thơ về Trường Sa. Tôi cũng vừa chăm chút lại bài Gió dựng thành lũy biên cương, được viết sau hai chuyến đi xuyên Việt. Đây cũng sẽ là một bài trong tập Bước gió truyền kỳ sắp in.

* Những xúc cảm nào về Trường Sa anh không thể quên?

- Rất nhiều. Trường Sa - trong lòng tôi không quá xa xôi mà ngược lại rất gần gũi, từ tiếng chuông chùa, từng ngọn rau muống biển, từng người lính… Gần gũi mà thiêng liêng, bất cứ ai ra Trường Sa trở về đều có cách nhìn khác về đất nước, dân tộc mình. Phải đi mới thấm thía tình yêu dành cho Tổ quốc, để biết rằng giữa trùng khơi ấy, biển không hề bình yên. Tôi nhớ có lần trên đảo Sơn Ca, đoàn công tác đang diễn văn nghệ thì trên trời xuất hiện máy bay lạ, các chiến sĩ lao lên công sự, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chúng tôi ngơ ngác, không kịp biết mình đang đối mặt với điều gì. Thế mới biết, hiểm nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Sau lần ấy, tôi đã viết bài thơ Tiếng hát trên đảo Sơn Ca: Em hát về vùng trời bình yên/Đảo bỗng nhiên báo động/ Tiếng sơn ca chới với giữa trùng khơi/Dưới lớp sóng dịu êm/Âm ỉ bao trận bão…

* Theo anh, thơ ca ở thời điểm này có còn đủ sức tạo ảnh hưởng “trên mặt trận văn hóa”?

- Trước đây, website Hội Nhà văn TP.HCM cũng có chuyên đề thơ về Biển Đông nhưng không thường xuyên. Giờ số lượng tác phẩm đã nhiều lên. Rõ ràng tình yêu quê hương đất nước luôn ẩn sâu trong lòng mỗi người, khi đất nước có biến cố, tình yêu ấy trỗi dậy mãnh liệt. Không thể so sánh với thơ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhưng thơ ca từ sau thời kỳ đổi mới đến nay đã có được tầm vóc riêng mà có lẽ những nhà phê bình chưa đánh giá hết.

* Trong thơ anh không chỉ có cảm xúc mà còn có cả lịch sử đầy thăng trầm của Tổ quốc…

- Đó là vì tôi rất yêu lịch sử. Từ năm lớp 3 tôi đã thích và say mê đọc sách sử, có khi thuộc cả nhiều chương. Càng đọc càng ngấm, để rồi tự hỏi vì sao phải có chiến tranh? Vì sao đất nước Việt Nam phải trải qua 14 lần giông tố trong những cuộc chiến gìn giữ biên cương? Hỏi để đi tìm câu trả lời về hòa bình. Sau này, khi đi làm báo, viết chân dung các danh tướng Việt Nam, tôi cũng đã tự hỏi rất nhiều lần như vậy. Không thể có câu trả lời, bởi mỗi thời kỳ đều có những lý do, mục đích và biện giải riêng. Tôi nhớ có rất nhiều vị tướng nói “chúng ta phải luôn cảnh giác đàn anh Trung Quốc”. Lịch sử và những bài học xương máu còn đó.

* Có một nỗi ám ảnh nào từ lịch sử đã chi phối lựa chọn và phong cách sáng tác của anh?

- Tôi có một ký ức hãi hùng vào năm lên bảy tuổi, đúng năm đất nước được giải phóng. Quê tôi cứ vài ba ngày là có một xác chết được đưa về, hoặc bộ đội hoặc lính cộng hòa. Tôi nghe tiếng súng nổ hàng đêm, chứng kiến cảnh đạn lạc sượt ngang vai mẹ. Cả tuổi thơ ám ảnh xác người trôi lềnh bềnh trên con kênh nhỏ chảy qua nhà mình. Những hình ảnh chết chóc kinh hoàng đó ám ảnh tôi dữ dội.

* Có phải vì vậy mà trong rất nhiều sáng tác của anh có hình ảnh của sóng, của gió...

- Tôi sinh ra giữa gió, lớn lên trong gió. Ở đâu cũng có gió nhưng gió miền Trung rất khắc nghiệt, có khi dịu dàng nhưng có lúc hết sức dữ dội. Có lẽ đó như là hơi thở, quen thuộc đến mức không hẳn tôi có chủ ý viết về sóng, gió nhưng những câu thơ lại cứ gắn với sóng, gió.

* Mỗi người sinh ra đều có một sứ mạng. Anh có nghĩ sứ mạng của mình thuộc về thơ ca?

- Tôi sống trong những giai đoạn chuyển giao khốc liệt, trải qua mất mát, từng có lúc bế tắc, bất lực. Tôi không dám nói đã và sẽ làm được điều gì lớn lao cho Tổ quốc, cho cuộc đời, nhưng với riêng tôi, điều lớn lao đó chính là trách nhiệm. Sống có trách nhiệm với bản thân và với mọi người. Đó vừa là mối lo vừa là hạnh phúc và niềm vui. Tôi cũng không đặt nặng hay kỳ vọng về những gì mình có thể làm cho thơ ca, chỉ cần trong khoảnh khắc trải lòng với con chữ, tôi thấy mình hạnh phúc.

* Xin cảm ơn anh!

TIỂU QUYÊN (thực hiện)
BÁO PHỤ NỮ TP.HCM - 23.5.2014

Nhà thơ Phan Hoàng ở biên giới phía Bắc


PHAN HOÀNG

GIÓ DỰNG THÀNH LUỸ BIÊN CƯƠNG

1.
Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn
mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương.

Núi đi trong sương lạnh
núi đi trong mây mù
núi đi trong gió cuốn
núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu.

Núi thanh niên lẫm liệt
núi thiếu nữ mơ màng
núi thiếu phụ nõn nà một con.

Núi bí ẩn đàn đàn mã phục
núi trùng trùng muôn vạn hùng binh
núi ngút trời dũng khí người lính trấn thủ địa đầu
núi ôm ấp tâm sự thắt lòng vọng phu hoá đá
núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân.

Núi ôm trong lòng bí mật những con đường
tinh hoa binh pháp biến hoá rồng tiên
ánh sáng chủ quyền truyền kỳ nòi giống.

2.
Ta là hạt bụi nung nắng phương Nam
theo di chúc chín lời của cha
ngược hướng đường mòn khẩn hoang
về đất tổ tắm gội trong gió biên cương
lên chiến trường xưa thắp chín nén hương
quỳ một chân
van vái tám phương
quỳ hai chân
một phương van vái
cúi rạp mình trộn lẫn đất đai...

Ta nghe gió nối mọi ngả đường
núi rừng chuyển rung những âm thanh kỳ lạ
ngựa hí
gươm khua
tên bay
trống giục
lưu luyến tiễn đưa
nỉ non than khóc
vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn…

3.
Gió núi mang tình yêu biển
khoác lấy vai ta
như bàn tay cha hiện về thầm nhắc:
- Vòng quanh khắp hành tinh này
không dân tộc nào
không đất nước nào
hiếm hoi thế hệ bình yên
nối nhau quẫy đạp bóng đêm
đứng lên
chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm
chống chọi mười bốn lần giông tố biên cương
giành lại từng dấu chân giao chỉ
giành lại từng viên đá cuội in bóng chim lạc chim hồng
giành lại từng hạt cát mang hình đảo chìm đảo nổi
giành lại từng tia sáng cánh cò cánh vạc
giành lại từng tiếng khóc bình yên tao nôi!

- Vòng quanh khắp trái đất
không dân tộc nào
không đất nước nào
oằn vai
gánh
mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về
không dám tỏ bày nỗi nhớ niềm thương
không biết cha con đối đầu
không ngờ anh em bắn nhau
máu đỏ oán khóc sông
xương trắng hờn than núi
bao tinh hoa hoá thành cát bụi
bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng!

Mỗi lần trống đồng Đông Sơn thúc quân xông trận
mỗi lần khí thiêng Đại Việt bạt vía quân thù
mỗi lần non nước Lạc Hồng xây lại từ thương đau.

4.
Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn
mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương.

Mải theo di chúc chín lời
chơi vơi giữa trời khuya vắng
ta ngược bước gió tổ tiên
lành lạnh địa đầu sương trắng
vẫn nghe từ trong xa thẳm
núi rừng không ngừng chuyển rung.

Có những cỏ cây bị đánh cắp xứ người cất lời trách gió
có những hồn thiêng mất quê đớn đau phẫn uất mắt đêm
có những ngọn đồi máu xương vô tình bụi mờ cát phủ.

Có người lính trấn thủ tay gươm tay đàn bồng bềnh mây nước
có người đàn bà trẻ ôm con chân không chấp chới xanh non
có tiếng trống như tiếng gầm hùm beo vọng vang vách đá.

náo động bốn phương
gió âm u
ào ạt từ mọi ngả đường oai hùng lịch sử
tràn về
gió Hát Giang
gió Bạch Đằng
gió Như Nguyệt
gió và gió…
gió Diên Hồng
gió Chương Dương
gió Hàm Tử
gió Chi Lăng
gió Đống Đa
gió Rạch Gầm
gió và gió…
gió La Ngà
gió Đông Khê
gió An Khê
gió Mộc Hoá
gió Điện Biên
gió và gió…
gió Trường Sơn
gió Hoàng Sa
gió Sài Gòn
gió Tây Ninh
gió Lạng Sơn
gió Trường Sa
gió và gió…
ào ạt từ mọi nẻo đường Tổ quốc
tràn về rừng thiêng biên cương
tràn về khu rừng Đại tướng.

Gió hội tụ anh linh núi sông
như những đạo quân bí mật chớp nhoáng Lý Thường Kiệt,
những đạo quân mưu lược hào khí Đông A - Trần Quốc Tuấn,
những đạo quân áo vải thần tốc Tây Sơn - Nguyễn Huệ,
những đạo quân hợp vây đánh chắc tiến chắc Võ Nguyên Giáp.
Những đạo quân chưa bao giờ rời mắt khỏi cõi bờ,
chưa bao giờ rời mắt khỏi biển đảo,
chưa bao giờ rời mắt khỏi lũ sói đói di truyền luôn khát thèm cánh chim mỡ màng Lạc Việt luôn khát thèm mảnh đất rồng thiêng bay lên những giấc mơ Phù Đổng.
Những giấc mơ giản dị như khí trời trong lành để thở như thực phẩm an toàn để ăn như nước sạch để uống và đêm đêm lứa đôi tự do khoả thân quấn nhau cháy đến sinh sôi.

5.
Ngược hướng đường mòn khẩn hoang
hạt nắng phương Nam lặng lẽ địa đầu rừng thiêng phía Bắc,
ta như người lính mới mang thơ canh giữ biên cương
say trắng đêm hầu chuyện cùng linh hồn trấn thủ.

Gió núi mãi quấn từng bước chân đá mềm mang gien giao chỉ,
quấn từng tia sáng ước mơ di truyền hoàng đế áo vải anh minh:
nhẹ nhàng mở lòng đưa kiệu hoa đón hoà khí
quyết liệt xông pha thu hồi từng ngọn cỏ ngọn sóng lưu lạc cắt chia.

Những ngôi sao xanh đâu đó từ phương Nam hiện ra
những hơi thở ái ân đâu đó từ phương Nam dậy hương
những tiếng khóc sơ sinh đâu đó từ phương Nam cất lên
trong hương rừng quyện mùi hương biển.

Gió núi vẫn quấn chặt lấy ta
gió dựng thành luỹ biên cương
như vòng tay ấm áp của cha hiện về thầm nhắc:
- Vòng quanh khắp hành tinh này
không con đường nào bằng con đường quyến rũ tuổi thơ ta đi
không con đường nào bằng con đường khát vọng rồng tiên dựng lên
không con đường nào bằng con đường khốc liệt đàn chim Việt bay qua
con đường vọng phu ai xuôi vạn lý chín chiều ruột đau chớp bể mưa nguồn.

Dòng máu Lạc Hồng như tùng bách non cao
phong ba đảo xa
trúc mai khu vườn trầm tư minh triết,
nếu tìm được con đường ánh sáng khác
tiết kiệm sông máu núi xương đại dương nước mắt
tiết kiệm thời gian lạc hậu đói nghèo,
mở ra bầu trời mưa thuận gió hoà
mở ra cánh đồng dân ca trĩu bông hồng môi thôn nữ,
nếu tìm được con đường ánh sáng khác
tư duy tự do độc lập
trí tuệ rộng mở sinh sôi
tâm hồn lãng mạn bay tới giấc mơ không ranh giới nhạy cảm,
chúng ta hãy như ngọn gió mạnh mẽ tự tin
bước tới
dâng lên tổ tiên chín nén hương thơm
quỳ một chân van vái tám phương
quỳ hai chân một phương van vái
cúi rạp mình hít sâu sinh lực truyền kỳ đất đai,
khóc chín tiếng nhớ thương những linh hồn vương vấn
mừng non sông tan dần sương mù nặng nề âm khí
mừng những bà mẹ trong cơn đau hạnh phúc sinh nở không còn e sợ súng gươm cướp mất con mình

Nếu tìm được đường bay vàng hội nhập bình yên
rộng mở chân trời nhân văn giống nòi Lạc Việt
hãy tự tin trúc mai
hiên ngang phong ba
vững vàng tùng bách
mạnh mẽ như ngọn gió thiêng dựng thành luỹ biên cương.

PH


Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Cõi nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo thời kỳ đổi mới

Truyện ngắn Lê Văn Thảo viết từ sau thời kỳ đổi mới đã thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc ấy. Vì thế, nó neo lại trong lòng người đọc và thức nhận cho họ về sự chia sẻ và cảm thông với thân phận con người chứ không chỉ đơn thuần ở những giải thưởng mà anh đạt được…
Nhà văn Lê Văn Thảo

1. Không phải ngẫu nhiên trong tuyển tập truyện ngắn được in cùng với tiểu thuyết Con đường xuyên rừng khi Lê Văn Thảo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, anh lại chọn tác phẩm Lên núi thả mây để mở đầu cho tuyển tập truyện ngắn của mình. Bởi theo tôi, truyện ngắn này như một tuyên ngôn sống và cũng là một tuyên ngôn nghệ thuật của anh trước những vấn đề của thế sự nhân sinh. Nó là một điểm tựa, từ đó mở ra cái nhìn của anh về cuộc đời, về lẽ sống trong cõi nhân gian mà nếu không có sự nghiêm sinh và một tư tưởng nhân bản ắt hẳn không thể viết được một truyện ngắn sâu sắc và giàu chất triết mỹ đến thế, như lời một nhân vật trong truyện đã  đã chia sẻ : “Cuộc sống lặng lẽ có từ lâu, trôi đi hoặc không hề trôi đi, từ bao đời cha mẹ, ông bà chưa một lần lên đỉnh núi, cũng không có ý định lên, đỉnh núi sát bên nhưng xa vời như một ảo ảnh” (Lên núi thả mây tr.138)
  
Nhưng ảo ảnh sao được!? khi những con người trong truyện đã quyết tâm vượt qua bao khó khăn gian khổ và những nguy nan có thể ảnh hưởng tới mạng sống của mình chỉ để thực hiện một điều tưởng chừng như “ngớ ngẫn”  là “lên núi thả mây” và xem việc ấy như một lẽ sống, trong khi ở chốn nhân gian đầy bụi bặm này biết bao kẻ bon chen, giẫm đạp nhau, kiếm tiền, kiếm chức, kiếm lợi quyền để được vinh thân phì da. Bởi, trong suy nghĩ của Năm Tính - nhân vật trong truyện “Đâu phải làm việc gì cũng để kiếm tiền?” (tr.146) Vì thấm nhuần cái lẽ sống giản dị nhưng không giản đơn này nên Năm Tính đã khuyên những đứa con của mình như một lời chia sẻ với thế hệ sau: “Thôi chuyện lâu rồi, hết thời của ba rồi. Giờ tới hai con. Hai con còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giỡn với con chó. Nhưng lớn lên rồi phải làm một chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi... Nhớ không?” (Lên núi thả mây tr.146). Có thể nói, lời nhắn gởi này là một thông điệp đầy tính hàm ngôn mà nhà văn muốn chuyển tải đến người tiếp nhận. Truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế, bao giờ cũng thấm đậm vị nhân sinh và đây cũng là cánh cửa mở ra cho người đọc soi chiếu vào cái cõi nhân sinh trong vũ trụ văn chương của anh: Đó là cái cõi nhân sinh với bao số phận con người mà anh đã gặp, đã sống, đã sẽ chia không chỉ trong những ngày tháng chiến tranh mà cả thời hậu chiến.
                                                                     
2. Cũng như các tác phẩm văn học thời kỳ đổi mới, truyện ngắn Lê Văn Thảo đã có sự thay đổi hệ hình trong tư duy sáng tạo mà rõ nhất là cái nhìn về hiện thực cuộc sống. Từ những tác phẩm văn học đậm chất sử thi cách mạng thời chiến tranh, ngòi bút của anh đã đi vào những vấn đề của cuộc sống đời thường mà ở đó con người luôn đứng trước những “cơn bão” của  áo cơm và sự tha hóa nhân cách nếu không biết vượt lên những dục vọng thấp hèn đang ẩn nấu trong chính bản thể mình. Cõi nhân sinh trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo thời kỳ đổi mới vì thế, cũng là “cõi người ta” mà ở đó luôn  bày ra trước nhân gian những buồn vui và đau khổ, những cay đắng và vinh quang, những được mất, thăng trầm... trong cuộc đời với những con người “không muốn mình “thua” trong bất cứ chuyện gì, đứng sau một chút cũng không được” (Chuyến bay Kinh hoàng tr.147) nên họ sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để sống, để hiển vinh và lúc đó mọi nghĩa tình trong cuộc đời chỉ là những thứ phấn son xa xỉ. Chính vì vậy, trong tâm thức hiện sinh của Lê Văn Thảo anh đã ước mơ làm sao sống được như “thời hồng hoang, con người muông thú sống giao hòa” (Kể chuyện nghe chơi, tr.158). Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước vì nền văn minh công nghiệp đã đẩy con người đi quá xa với cái thuở hồng hoang của mình. Bao nhiêu tham vọng lợi quyền đang làm tha hóa nhân cách và tâm hồn con người, đang có nguy cơ đẩy còn người vào một cái thưở hồng hoang khác mà ở đó lòng yêu thương cứ cạn dần còn thù hận thì chất chồng lên mãi, bởi đâu đó những cuộc khủng bố vẫn cứ xảy ra, những cơn bão lũ, động đất đang đẩy bao số phận con người vào cảnh bần hàn chỉ vì con người đang từng ngày tàn phá môi trường sinh thái không chỉ trong tự nhiên mà còn trong chính tâm hồn của mình. Truyện ngắn Anh Cà - kheo qua làng vì thế, là một diễn ngôn về khát vọng một cuộc sống “hoang dã” tự do mà ở đó là những làng không có hàng rào, không có sự ngăn cách, không có sự cấm cản nào cả. Bởi khi đi thăm làng “ngó nhìn hai bên đường” Anh “than phiền làng nghèo quá, nhà cửa thưa thớt lè tè, nhưng hàng rào lại cao nghệu. Đình chùa nghĩa địa cũng có hàng rào, kiên cố vững chãi như bước tường thành. Coi vẻ anh không ưa hàng rào. Cả đời sống trên sông, chiếc ghe tam bản giữa đường neo đậu, anh cần hàng rào làm gì?” (Anh Cà - kheo qua làng, tr.175)
   
Có thể nói, hàng rào trong cái nhìn của Anh cà kheo như một thứ lực cản vô hình không chỉ ngăn cách con người trong cõi sống mà ngay cả cõi tâm linh. Không những thế nó còn giết chết khát vọng sống tự do của con người. Vì vậy, sự “nổi loạn” của Anh Cà Kheo khi phá vỡ mọi hàng rào của những người mà anh thuyết phục được như bà Mập bán quán nhậu hay ông chủ ruộng giàu có là một sự nổi loạn hiện sinh để thực hiện khát vọng tự do của mình. Vì trong quan niệm của anh: “giàu cũng không làm nên tích sự gì, của cải rồi cũng trôi sông trôi biển. Anh nói: “chính cái đẹp cần phải được ngắm nhìn.” (Anh Cà - kheo qua làng tr.174) và với anh sống “Cần phải có tầm nhìn”. “Công việc càng nhiều tầm nhìn càng rộng” (Anh Cà - kheo qua làng, tr.181)
    
Bức tranh nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế, là bức tranh lập thể nhiều sắc màu nên luôn mang tính đa nghĩa mà nếu người đọc không tham chiếu nó từ những góc nhìn khác nhau, với những hệ triết mỹ khác nhau thì sẽ không hiểu và cảm hết tính hàm ngôn từ những thông điệp mà  diễn ngôn truyện ngắn Lê Văn Thảo mang đến.
  
Là một nhà văn hiền lành, nhẹ nhàng nhưng thâm trầm và sâu sắc, cõi  nhân sinh trong truyện ngắn Lê Văn Thảo, vì thế cũng ẩn chứa ý vị triết luận khiến người đọc luôn bị cuốn vào những ưu tư của anh, bởi chất bi hài thâm thúy như một thứ “hương thầm” mà không phải nhà văn nào cũng tạo được  nơi người đọc, nếu không có sự trải nghiệm cuộc đời và một thiên năng. Văn chương Lê Văn Thảo là văn chương khởi lên từ cuộc đời để từ đó tạo nên những cuộc đời khác với nhiều mùi vị hiện sinh nên nó đeo đẳng mãi trong tâm thức người tiếp nhận. Vì vậy, đến với văn chương Lê Văn Thảo ai cũng thấy cuộc đời mình trong đó: Chiếc xe đạp, Thằng Cung, Cảnh quay phim ngoài trời, Bốn cô gái trong đêm giao thừa, Người đàn bà khóc, Hai người cha... là những câu chuyện đầy ám ảnh cảm thức hiện sinh như thế!
   
Truyện ngắn Lê Văn Thảo phần lớn là những câu chuyện bâng quơ tưởng  như không có chuyện. Nhưng dưới ngòi bút của anh, tất cả thế giới nhân vật đã hiện lên với những số phận con người đang trôi dạt giữa chốn nhân gian mênh mông này đều trở thành những câu chuyện mang đậm ý vị nhân sinh... Và ở chỗ này truyện ngắn Lê Văn Thảo lại gần với truyện ngắn của Nam Cao và Thạch Lam. Có gì đâu, chỉ là chuyện một người bạn mượn chiếc xe đạp đến nhà một người bạn khác trong cơn say, rồi bỏ quên nơi ấy song đã để lại trong lòng người chủ xe những hoài nghi, tự vấn... “Có đi rồi mới biết, thế giới rộng lớn lắm, bạn bè cũng năm loại bảy kiểu. Có đứa thật bụng thương mình, có đứa chơi với mình chỉ cốt khoe khoang, có đứa vừa thấy mình đã bỏ chạy. Nói chung vẫn có những thằng giàu ấy tìm đến mình, chúng cần có bạn bè nghèo để so sánh, làm nổi bật sự giàu sang của chúng.” (Chiếc xe đạp, tr.240) Đọc những dòng tự vấn này, lòng ta không khỏi ngậm ngùi, ngẫm ngợi trước thế thái nhân tình. Và khi nghĩ về việc mất chiếc xe đạp, nhà văn đã để cho nhân vật hạ một câu đầy ý vị triết lý mà không phải giữa cuộc đời ngỗn ngang những được mất này ai cũng nhận ra: “Đời vậy mà, có cái gì khổ với cái đó.” Và chính sự đốn ngộ này đã khiến người mất xe nhận ra có những điều thiêng liêng và cao cả hơn mà lâu nay anh đã đánh mất, đó là nỗi đau của những số phận con người mà trong trường hợp này là Sáu Quang người bạn kháng chiến của anh. Vì vậy, khi được Tư Thanh thông báo đến nhận chiếc xe “anh không nói gì cả, anh đã quên hẳn chuyện đó rồi. Nhưng nỗi đau thì vẫn còn, cứ âm ỉ, thật chẳng ra làm sao. Sao đến nông nổi này?” (Chiếc xe đạp,tr.244) Và từ những điều trăn trở này, khi nghĩ về những năm tháng chiến tranh, điều găm lại trong tâm thức nhà văn là tình yêu và số phận con người. Ta hãy nghe Lê Văn Thảo chia sẻ trong truyện ngắn Cảnh phim quay ngoài trời: “Chúng ta chiến đấu như thế nào nếu không có tình yêu? Chiến tranh là gì nếu không có những con người?” (Cảnh phim quay ngoài trời, tr.289) Phải làm sao cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau những gì họ hy sinh cho đất nước, cho dân tộc chứ không phải như anh du kích Tám Luông trong truyện Cảnh phim quay ngoài trời, trước kia đã chiến đấu với biết bao thành tích lẫy lừng, giờ về nhà phải làm thuê vì không có ruộng. Và câu trả lời phỏng vấn của anh với người diễn viên điện ảnh thật sáng trong, vô ưu nhưng không khỏi làm lòng ta đắng chát: 
    
“Bây giờ anh làm gì?” Anh diễn viên khui tiếp lon nước ngọt.
“ Làm ruộng, hết giặc rồi. Nhưng nhà không có ruộng, tôi đi làm mướn.”
“Sao không có ruộng?”
“Tại không có vậy thôi.”
“Nói chuyện với anh ngộ lắm nhưng vai anh rất khó đóng.”
    
Chính vì vậy, mà câu chuyện làm phim nghiêm túc về thành tích một người du kích dũng cảm bỗng chốc đã trở thành chuyện viễn vông, thậm chí khôi hài khi Bà mẹ Tám Luông chia sẻ: “Ôi trời đất ơi, phim với ảnh! Có ai sống được với hình bóng không?” Câu nói tưởng chừng giản đơn của một bà mẹ nhà quê mà trong đó chứa bao điều để chúng ta suy ngẫm về cuộc sống nhân sinh. Chiến tranh là vậy đó, đằng sau những vinh quang của một thời là những kiếp đời không lành lặn, vênh lệch giữa chốn nhân sinh mà số phận “Bốn cô gái trong đêm giao thừa” là như thế!? Ta hãy nghe lời kể của một người lính về sự hy sinh của đồng đội mình và sự lỡ làng của đời một người con gái: “Cưới cái gì? Cô ta bắt tao giả làm bồ đó. Nó là người yêu của thằng T, cùng đại đội mình, tụi bay quên rồi sao? Thằng T chết rồi, trong trận tao bị thương ở đầu đó. Trước đó, hai đứa ăn ở với nhau, con nhỏ có thai thằng T đi nghĩa vụ cái thai phải bị phá. Hôm tao về báo tin thằng T chết, con nhỏ khóc nấc lên đánh tao liên hồi: “Anh T chết rồi, con em cũng chết rồi, em sống với ai”. Dạo đó nó như con điên. Bà con họ hàng không có, tao cũng không biết làm gì... Thôi mấy con nhỏ ngủ rồi, mình cũng ngủ đi. Những chuyện như vậy làm sao kể cho hết...” (Bốn cô gái trong đêm giao thừa, tr.305)
     
Vâng! những chuyện như vậy về số phận con người nhất là người phụ nữ  trong cuộc đời này này làm sao kể hết. Và có lẽ, thân phận người phụ nữ với những nỗi khốn khổ và đau thương riêng có của mỗi người luôn là điều ám ảnh trong sáng tác của Lê Văn Thảo mà những câu chuyện như Người viết thư thuêBà nội tôi; Cô áo hồng, cô áo tím; Người đàn bà khóc; Bốn bức thư; Đứa cháu gái; Chuyến xe giữa trưa mát dịu... đều là những câu chuyện thể hiện niềm trắc ẩn của nhà văn về số phận của người phụ nữ. Đó là những con người mà ở họ những khát vọng sống cao đẹp luôn bị dập vùi trong khổ đau và cô độc như người con gái truyện Chuyến xe giữa trưa mát dịu, Hay tự đánh lừa chính mình trước những vinh hoa phù phiếm của Thu Nga trong truyện Cô áo hồng, cô áo tím, hoặc nỗi đau vì phải làm một người tình hờ nếu không muốn nói là bị phụ tình của Tuyết trong truyện Người đàn bà khóc khi chị khái quát một điều thật đắng cay: “Đành vậy thôi, mấy anh mặc sức bay nhảy, đàn bà con gái chúng tôi chỉ biết chờ đợi (...) Vẫn biết anh ấy đi đánh giặc chịu nhiều gian khổ, nhung tôi vẫn có cảm giác bị bỏ rơi, thành gái già, mặc dù chưa đến hai mươi...” (Người đàn bà khóc, tr.308)
  
Và trong những câu chuyện Lê Văn Thảo viết về thân phận con người, điều làm tôi ám ảnh đó là chuyện của cô Bé gái làm ô sin cho một người chủ giàu có, nhờ người viết thư thuê viết một lá thư và đem sợi chuyền vàng vô tình đánh rơi trong túi xách của của mình trả cho nhà chủ chỉ vì một điều thiêng liêng, muốn chứng minh mình là người lương thiện, không phải là kẻ cắp. Nhưng bi kịch ở chỗ, khi được người đưa thư minh oan thì cũng là lúc em bị ở tù do tham gia một băng cướp nhí vì một “cách kiếm tiền khác”, điều mà cô bé đã nói với người viết thư thuê trước đó. “Cách kiếm tiền khác!”, ông  nhớ lại lời nó. “Cách khác là nhu thế này đây? Ông nhìn tấm hình lần nữa, con nhỏ nhìn lại ông ngạo mạng thách thức.” (Người viết thư thuê, tr. 173)
     
Và với sự thách thức này “Người viết thư thuê” như thấy mình bất lực trước cuộc đời với biết bao số phận mà ông đã thay họ bày tỏ qua từng con chữ trong những bức thư... Và những bức thư này cũng là cõi nhân sinh mà ông cảm nhận được qua lời kể của biết bao người nhờ viết thư thuê, để rồi ông lại cật vấn chính mình một cách đau đớn: “Ông xếp tờ báo lại, không đọc bài báo. Ngày hôm đó và mấy ngày sau ông không đến bưu điện làm việc, nằm trong nhà nghĩ ngợi vẩn vơ, hình ảnh con nhỏ lởn vởn trong đầu. Nó không ăn cắp, nó biết bản thân nó. Giờ đây nó đang ở trong tù, cuộc đời trước mắt u ám mù mịt, ông làm gì được cho nó? Rồi nhớ lúc đến nhà ông bà chủ. “Còn thiếu chữ nghĩa nào của ông làm cho nhà này tan nát nữa không?”. Ông nhớ tất cả, cả cuộc đời viết thư thuê của ông. Ông chỉ là người viết thư thuê, không dính líu gì, sao cứ vận vào hết chuyện người này tới chuyện người khác?
   
Những bức thư của ông làm được gì? (Người viết thư thuê, tr.173)
  
Vâng! “Những bức thư của ông làm được gì?”. Sự trăn trở của ông già viết thư thuê trong truyện ngắn này, phải chăng đã đặt ra cho nhà văn (những người viết) về trách  nhiệm của mình trước số phận con người trong cõi nhân sinh đầy bất an này. Và có lẽ, ở đâu đó trong chốn nhân gian này số phận của những người nghèo khổ đang từng ngày, từng giờ cần sự “dấn thân” (J.P Sartre) sự “xuống thuyền” (Abert Camus) của nhà văn với một tinh thần nhập cuộc thật sự để góp phần làm thay đổi số phận của họ nếu có thể... Có như thế, nhà văn mới làm tròn được thiên chức của mình...
  
3. Truyện ngắn Lê Văn Thảo viết từ sau thời kỳ đổi mới đã thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc ấy. Vì thế, nó neo lại trong lòng người đọc và thức nhận cho họ về sự chia sẻ và cảm thông với thân phận con người chứ không chỉ đơn thuần ở những giải thưởng mà anh đạt được. Và đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ bước đầu qua những truyện ngắn của anh.
     
Tôi không muốn anh như người viết thư thuê “nằm nhà nghĩ ngợi vẩn vơ” hay như những người bạn “lên núi thả mây”, hoặc như nhân vật Bình dẫn chú bé “trở lại rừng” vì thấy mình cô độc, vô dụng sau ngày chiến thắng, mà muốn thấy anh tiếp tục cảm hứng sáng tạo này để tạo nên một cõi nhân sinh đầy tính nhân bản riêng có của anh với những cảm thông, chia sẻ sâu sắc về thân phận con người trong tinh thần dấn thân của một nhà văn luôn song hành với nhân dân, với số phận của những con người nghèo khổ.
   
Tôi tin và tôi kỳ vọng như thế vào hành trình sáng tạo của anh...
                  
Xóm Đình An Nhơn, 16.4.2016
TRẦN HOÀI ANH

Nguồn: NVTPHCM

_____________
*Những trích dẫn trong bài đều lấy trong Tuyển tập truyện ngắn của Lê Văn Thảo, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2014.




Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tiếng “cây” trong ngôn ngữ Việt Nam khi dùng theo nghĩa bóng là chỉ các bậc tài nghệ trong nghề. Cây làm bàn, cây sáng kiến, cây lý luận, cây truyện ngắn, cây tiểu thuyết… Hiện giờ tiếng “cây” đó đang bị ô nhiễm vì đời sống kinh tế khó khăn – một điều đáng buồn. Viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi muốn gọt sạch lớp bụi ô nhiễm, lấy lại chính xác nghĩa bóng của từ để gọi anh: Cây ký.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có lẽ trong văn học hiện nay Việt Nam, sau Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn thứ hai nổi bật lên với thể ký. Ký của anh có cái là truyện, có cái là tùy bút, có cái chỉ mới là ghi chép, nhưng chúng đều là ký văn học. Đóng góp của anh chính là tính chất văn học của ký này. Không ít nhà văn cũng viết ký, nhưng đó lại là ký thông tấn, ký tân văn. Thời gian trôi qua, các sự kiện lùi lại sau, đời sống xã hội thay đổi, những bài ký như thế chết đi trong im lặng. Những bài ký còn lưu lại được, còn được ghi nhớ như ký Nguyễn Tuân, ký Hoàng Phủ Ngọc Tường đích thực là những tác phẩm văn học.

Nhìn vào hai tập sách Rất nhiều ánh lửa (1979) và Ai đã đặt tên cho dòng sông (1985), điểm qua mục lục các bài viết, có thể nhận ra một dấu hiệu phổ biến quen thuộc của người viết ký: Đi đến nhiều nơi khác nhau. Từ Huế, sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Phủ Ngọc Tường rộng dài bước chân đến Quảng trị, ra sông Hồng, về đất Mũi, ngược lên Bắc, dọc ngang khắp các miền Tổ quốc, rồi lại trở về vòng quanh non nước xứ cố đô. Mỗi nơi đến một thời điểm để lại những sự kiện của nơi ấy, thời điểm ấy trong mỗi bài ký được biết ra kịp vào lúc ấy. Nhà văn có mặt bên hàng rào điện tử khi trận chiến vừa im tiếng súng mở ra một trận chiến không tiếng súng cũng đầy nguy hiểm, hy sinh. Anh đến giữa một lớp “bình dân học vụ” ban đêm bên Cồn Hến trong những ngày đầu mới giải phóng. Anh lên rừng hồi chứng kiến cảnh “thằng Hác” chết dưới gốc hồi một cái chết nhục nhã, phi lý, làm phân bón cho cây. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi, đã thấy và đã viết những gì thấy trong khi đi. Chỗ này anh giống tất cả những người viết ký khác. Vậy thì anh khác người ra sao để thành đáng nhớ, đáng quý?

“Vâng, thuở ấy sông đã xanh như bây giờ, như đã xanh từ thuở Việt Thường. Tôi là người thư sinh đất Thăng Long, theo đám cưới Huyền Trân qua đây giữa một ngày dòng sông bồi hồi son phấn kinh thành. Thuở ấy, dòng sông Châu Hóa còn hoang dại, chim nhạn đậu đầy bãi, hoa tầm xuân mọc chen với cỏ lau, chính là hoa tường vi thơm ngát những khu vườn bây giờ. Tôi qua đây, yêu mến dòng sông nên ở lại, dẫy cỏ, lật đá, trồng cây từ buổi ấy. Sau bảy trăm năm trôi qua, mỗi tấc đất khát bỏng này đã uống biết bao nhiêu mồ hôi và máu. Tôi nhận ra ở mỗi con người quanh tôi, trĩu nặng một nỗi lòng thương cây nhớ cội, và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo trồng”. Đoạn kết in chữ ngả của bài Hoa trái quanh tôi này cung cấp cho người đọc cái nhìn phát giác về đặc điểm nổi bật và xuyên suốt ngọn bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ký không vụ bề ngoài sự kiện, mà đi vào bề sâu sự kiện. Những sự kiện trong ký của anh vừa thực tế, cụ thể lấy thẳng từ cuộc sống, lại vừa lung linh, ảo ảnh dưới ánh sáng lịch sử - văn hóa được chiếu rọi một cách bất ngờ, lý thú. Vâng, ký Hoàng Phủ Ngọc Tường là ký văn học bởi vì cái chất lịch sử - văn hóa đó. Đọc đoạn trích trên câu văn, mạch văn cuốn hút ta như bản nhạc, lời ca, đồng thời ta được khoái cảm thưởng thức dư vị lịch sử thoảng lại từ cõi Việt Thường, Châu Hóa, bồi hồi xúc động nỗi lòng thương cảm nàng Huyền Trân và tổng hợp lại tất cả là ý niệm cảm nhận hình dáng con sông Hương gắn chặt với kinh đô Huế trong tổng thể các đặc điểm lịch sử - văn hóa phong phú và lãng mạn của nó.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là người am hiểu cổ sử và cổ văn, lại có một vốn hiểu biết khá rộng về lịch sử và văn hóa phương Tây. Dễ hiểu với thể ký anh có được khoảng sân rộng để phát huy đến mức cao nhất sở trường, thế mạnh này của mình. Bất cứ viết về cái gì và viết về nơi đâu, tôi thầm nghĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ đặt bút xuống trang viết khi đã tìm được mạch liên tưởng của nơi này với nơi kia, hôm nay và ngàn xưa, nhất thời và muôn thuở và khi đã quyết được với mình là từ trang viết đó khả dĩ có được một chút gì đấy còn lại với người, với đời cho dù sự kiện đã vĩnh viễn bị vùi lấp trong dòng thời gian. Nói về sự gắn bó của sông Hương và thành phố của nó, nhà văn muốn mượn hình tượng của cặp tình nhân lý tưởng Kim - Kiều để so sánh “tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc, và cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở”. Trong một mức độ nhất định, cũng có thể nói được như vậy về sự gắn bó của Hoàng Phủ Ngọc Tường và thể ký. Ý muốn vượt ra khỏi những ràng buộc giới hạn của thể loại và tìm ra những khả năng mới của nó. Tác giả - người trình bày, người thuật việc, thành tác giả - người tâm sự, người giãi bày. Ký không chỉ là ký, mà còn là sử, là triết lý, là cổ thi. Tôi không nghĩ mình quá lời khi nhận xét như thế về cây bút Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Cố nhiên, so với bậc thầy Nguyễn Tuân thì Hoàng Phủ Ngọc Tường tài nghệ chưa bằng. Ở họ Nguyễn ký đã trở thành một nghệ thuật nghề văn khó có lại. Ở họ Hoàng ký đang là một xu hướng tự khẳng định có tính sáng tạo. Hãy giở bất kỳ bài ký nào của anh ra và chú ý dù chỉ một biện pháp liên tưởng thôi. Liên tưởng là gợi mở, là gắn mối những sự việc khác nhau trong không gian và thời gian về cùng một bình diện dưới lực hút quy tụ của cảm xúc và suy nghĩ của nhà văn để mở ra khác nhau những chiều so sánh, đối chiếu trong tâm thức tiếp nhận của người đọc. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã huy động toàn bộ vốn tri thức lịch sử và văn hóa đủ cả Đông Tây kim cố vào từng bài viết, tạo nên những liên tưởng vừa rộng, vừa sâu. Anh nói đến điều chảy lặng lờ của sông Hương khi ngang qua thành phố bằng cách so sánh gợi lại một kỷ niệm khi lần đầu thấy sông Nêva cuốn trôi những tảng băng, từ đó ngược dòng lịch sử nhân loại nhắc tới một ý tưởng triết học của Hêracơlít lấy hình ảnh dòng sông chảy, qua bấy nhiêu hồi ức liên tưởng ấy để trở lại với con sông Hương nhẹ nhàng, lặng lẽ. Anh viết: “Đấy là điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hao đăng, bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi, muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng” (Ai đã đặt tên cho dòng sông)Cái lặng lờ của dòng sông, như vậy, không còn cái lặng lờ của nước nữa. Đoạn kết bài Rừng hồi đầy ý nghĩa và sâu sắc cũng chính nhờ có sức liên tưởng chính xác và mạnh mẽ của tác giả. Nhìn cái xác “thằng Hác” (tiếng Tày của người Trung Quốc) bị đạn chết dưới gốc hồi, trong đầu tác giả bật nhớ lại một mẩu tự sự của Kim Thánh Thán có lần đã ngồi tính được mấy niềm vui trong đời. Mượn một cách tính niềm vui đầy tính nhân tạo của Thánh Thán, nhà văn đưa thêm cái ý vị triết lý nhân sinh vào lòng vui đến hả hê của mình trước sự đại bại của kẻ thù.

Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đan dệt những liên tưởng các chiều lịch sử - văn hóa như vậy đem lại nhiều nguồn thông tin cho người đọc. Thông tin tư liệu xác thực của thực tế. Thông tin trí thức của các ngành khoa học xã hội. Thông tin thẩm mỹ của những rung động cảm xúc. Người phát thông tin ở đây là tác giả không phải trong vai trò người chứng kiến, người kể lại, mà đóng vai trò nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa đã thể nghiệm cuộc sống, bây giờ muốn được giải bày để chiêm nghiệm cùng người đời. Do đó tính thời sự, cấp thiết của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường là ẩn chứ không phải lộ, là ngầm chứ không hiện, là tỉnh bề sâu chứ không phải động bề nổi. Đó là tính thời sự của cảm xúc tâm hồn hơn là tính thời sự của thời gian, địa điểm. Phê bình Hoàng Phủ Ngọc Tường không hướng ký vào những vấn đề nóng hổi của thời hiện đại thì vừa oan cho anh, vừa không đúng với anh. Tôi chắc chắn có một điều là ngòi bút ký của anh không thích dụng, không có đất tung hoành nếu như đó chỉ là những bài ký kể về việc khô khan máy móc, thiếu đi những mạch ngầm liên tưởng cần thiết, do đó chỉ gượng ép khái quát lên những suy nghĩ, nhận xét ồn ào nhiều hơn là sâu lắng. Tôi nói điều này theo cách phân chia của tôi là có hai loại ký - ký văn học và ký báo chí. Không phải phủ nhận giá trị, tác dụng của loại thứ hai trong một khoảng thời gian bó buộc nhất định loại này không vượt được cái ranh giới nghiệt ngã thời gian tính cụ thể đó - tôi vẫn nghiêng về loại thứ hai hơn tác động lâu dài vượt qua cái cụ thể - định lượng để thành cái cụ thể - định tính. Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971) một bên, Rất nhiều ánh lửa và Ai đã đặt tên cho dòng sông một bên - đó là hai chặng khác nhau của Hoàng Phủ Ngọc Tường để khẳng định mình với tư cách nhà văn đích thực theo nghĩa nghệ thuật của danh từ. Không vượt được quan mình ở chặng thứ nhất anh đã là không phải nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện nay.

Cây bút này nổi bật một đặc điểm nữa; chất Huế. Trước hết là những bài ký dành riêng cho cảnh vật và con người xứ cố đô. Ai đã đặt tên cho dòng sông, Về chiếc Panh xô và khẩu súng của Trường, Hoa trái quanh tôi… là những bài ký hay, giàu cảm và suy tư. Nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu Huế, hiểu Huế thì đó là một lẽ đương nhiên. Tôi muốn đi xa hơn tìm một căn nguyên thầm kín để cắt nghĩa cho sự thành công đầy mỹ mãn của những trang viết ấy: Phải chăng ở đây đã có một sự hòa hợp, tương giao, linh ứng giữa cảnh sắc Huế, lịch sử Huế, văn hóa Huế với một tâm hồn nhà văn dễ rung động, nhạy cảm, tinh tế. Phải là sự tương giao, correspondance, đến mức hòa quyện chặt chẽ mới sinh ra được những ánh văn tài hoa không để một lần thứ hai viết được như thế. Ngỡ như không thể nào khác được: Viết về sông Hương là như vậy, viết về “văn hóa vườn” ở Huế là như vậy. Đó thực sự là những áng văn, tôi lại nói mình không quá lời đâu, vì câu chữ được chọn lựa cân nhắc kỹ càng, vì hình ảnh được sáng tạo đẹp đẽ, vì cảm xúc phong phú bất ngờ mới mẻ. Nhà văn là người làm văn phải coi sóc đến văn khi viết. Huống đây Huế lại là một đối tượng rất văn và nên văn. Hoàng Phủ Ngọc Tường bằng những bài viết về Huế đã làm đẹp thêm thành phố của anh - đúng, thành phố của anh trên trang viết không giống của ai và không ai có, làm vẻ vang thêm truyền thống lịch sử và văn hóa của thành phố Huế trong tổng thể phức hợp đời sống của nó nhìn qua con mắt của Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như là một con người đầy trầm tư mơ mộng không ngừng trăn trở từ quá khứ vươn về hiện tại, thích lặng lẽ, không ồn ào, thích thâm trầm không phô trương. Nói Huế nói sông Hương, nhà văn muốn nói nhiều hơn chuyện xứ sở, một vùng đất, mà nói đến chuyện con người, chuyện lẽ sống ở đời qua bao thăng trầm biến thiên của thời gian và nhân thế. Mượn cách nói chính của nhà văn tôi muốn nói là tôi có một dòng văn học về Huế - “và tôi hy vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ” - anh thuộc trong các nghệ sĩ đó.

Chất Huế của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường vượt ra ngoài phạm vi chỉ cái cụ thể riêng biệt của Huế thành như một tính chất văn phong của nhà văn. Anh thiên về nhìn con người, sự vật, sự kiện được phản ánh dưới góc độ lịch sử - văn hóa như đã nói và qua lăng kính của một sự cảm nhận dịu êm, nhẹ nhàng. Chất thơ bàng bạc trong ký của anh nếu có giúp mở rộng trường liên tưởng của mạch văn thì cũng không phải không có phần làm nhẹ sức tác động của sự kiện. Diễn tả cái ước vọng chế ngự cát của người dân vùng cát Quảng Trị, anh viết “Ước vọng ấy bắt đầu mọc (mầm) trong tâm hồn người nông dân từ khi còn là một cậu bé chăn trâu, lặng lẽ ngồi ngắm đôi mắt trong suốt của con trâu già, trong đó bao giờ cũng hiện bóng cái vệt trắng lạ lùng ấy một khi con trâu no cỏ, nghiêng đầu ra phía đồng cát ngửi gió mặn từ biển thổi về” (Chế ngự cát). Chi tiết quan sát thật tinh, nhưng đưa vào đây không thật thích ứng nó như cảm giác vuốt ve con mắt hơn là cái nhìn thật của cơ quan nhìn. Cũng như trong bài này, đoạn liên tưởng quá khứ về những khách lữ hành muôn đời đã từng đi qua dải cát miền trung, nhắc đến Cao Bá Quát nhà văn nói đúng bầu tâm sự của ông, nhưng cho rằng đọc “Bài ca đi trên cát” của Cao “thấy nỗi sợ cát của người bộ hành ngày xưa vẫn còn in dấu sâu sắc đến như thế” thì hơi khiên cưỡng, vận vào. Tôi muốn gọi tính chất văn phong này của Hoàng Phủ Ngọc Tường là nét mờ - viết về Huế mà trần trụi quá thì thành ra thô thiển, nhưng viết về những vùng khác Huế mà vẫn “mờ” đi thì lại không đúng và không hay.

Cái khác người của Hoàng Phủ Ngọc Tường là gì để cũng cùng đi và viết ký như nhiều người khác mà anh lại viết thành công, trở thành cây ký xuất sắc của văn học ta? Năm tháng mải miết trôi, dòng sự kiện đổi thay nhanh chóng, một phần các trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng rơi rụng, chìm mất như bao nhiêu trang của các tác giả khác. Nhưng anh vẫn có phần của mình còn lại - phần ký tâm hồn. Câu hỏi tôi nêu lên như một dẫn dắt tìm hiểu. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tự cho câu trả lời. Có một năm anh đi nhiều, đi dài đến các vùng thực tế đất nước trở về Huế. “Những sự kiện thật xô bồ trong hai cuốn sổ dày đã ghi đến hết trang cuối nhưng chữ nghĩa thì cứ bò qua dưới mắt tôi như một bầy kiến, không hồi hộp, không vang động, tôi ngồi vào bàn, từng chốc lại đứng dậyHình như Gô ganh từng nói rằng ông ta chỉ có thể bắt đầu vẽ khi đã ngoảnh mặt về phía khác, để khỏi bị cái bên ngoài lấn át” (Hoa trái quanh tôi).  Thế là rõ: ký Hoàng Phủ Ngọc Tường là từ thực tế thoát ra khỏi thực tế, sau khi ngoảnh vào lich sử văn hóa hiện trở ra đời. Tôi nghĩ tiếng Việt thần diệu không vẩn đục vẫn giữ nguyên ý nghĩa tiếng “cây” để nói về anh: cây ký. Mong anh tiếp tục viết là anh.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Nguồn: Cửa Việt


BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...