Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Nhà văn Trần Kim Trắc: Những trang văn nồng ấm lẽ đời, tình người

Như một chàng lãng tử, ông sống cùng núi rừng với những mùa hoa dại của núi ngàn. Từ hương và hoa ấy - ong làm mật và sinh nở bầy đàn, còn ông suy tư và chiêm nghiệm để gửi vào các trang viết sau này...
Nhà văn Trần Kim Trắc

Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929, tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, ông tham gia cách mạng trong đội trừ gian. Bị giặc bắt, ra tù, ông vào bộ đội làm lính tiểu đoàn 307 nổi tiếng. Khởi đầu con đường văn nghiệp với truyện ngắn Cái lu được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1954.

Tập kết ra Bắc, ông về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội. Rồi một cú sốc bất ngờ, buộc ông trở lại đời thường dân. Ông vui vẻ chấp nhận bằng một câu rất hóm hỉnh: “Vậy là cái lu, tuy không bị vỡ, nhưng cũng bị sứt mẻ”.

Và ông đã tạm dừng công việc viết lách, dồn hết tâm trí, sức lực cho cuộc mưu sinh vất vả. Người lính Tiểu đoàn 307 ngày nào kinh qua đủ nghề: thợ sơn tràng, bốc vác, làm công nghiệp thực phẩm và trụ lại ở nghề nuôi ong định mệnh.

Đoạn trường lưu lạc ông trải qua, có lẽ đối với người khác thì đó là những ngày tháng dài lê thê, những năm cay đắng ảm đạm, nhưng nỗi cay đắng, muộn phiền dường như không có chỗ bám rễ trong tâm hồn ông. Ông đã sống một cách bộc trực, thẳng thắn, phóng khoáng của một người Nam bộ chính gốc. Vì thế những gì ông đã trải qua, đã chiêm nghiệm đều để lại dấu ấn trong những trang văn ông viết, thấm đẫm triết lý sống của ông.

Ông đi nhiều, cả vùng đồng bằng Bắc bộ trù phú, những cánh rừng bạt ngàn Việt Bắc, Tây Bắc đều có dấu chân ông trên những dặm dài không ngưng nghỉ. Ông theo những người thợ sơn tràng đốn cây, xẻ gỗ, đóng bè xuôi sông Lô, sông Hồng, vượt qua những ngềnh đá, những mùa mưa lũ... Ông lặn lội đi theo những đàn ong trong mùa làm mật. Ông đã vắt kiệt đời mình để sống.

Như một chàng lãng tử, ông sống cùng núi rừng với những mùa hoa dại của núi ngàn. Từ hương và hoa ấy - ong làm mật và sinh nở bầy đàn, còn ông suy tư và chiêm nghiệm để gửi vào các trang viết sau này.

Sau 41 năm phiêu bạt, sống đời thường dân vất vả, ông đã có: Ông Thiềm thừ (Giải thưởng Hội Nhà văn 1995), Hoàng đế ướt lông bào (1996), Học trò già (1997), Trăng đẹp mình trăng (1997), Con trai ông tướng (1998) Chuyện nàng Mimô (1999) mà như ông đã có lần bộc bạch: “Là nợ phải trả thôi. Nợ xương máu đồng đội tôi ở Tiểu đoàn 307, nợ một người cầm bút đối với cuộc đời, nợ với bản thân tôi. Payer les dettes sociales (trả nợ xã hội). Nợ cuộc đời là nợ cơm áo, nợ văn chương là nợ ký ức”.

Ký ức sống dậy trong tâm tưởng và canh cánh bên lòng ông là một món nợ. Món nợ thánh thiện, chỉ có một trái tim nồng cháy, đôn hậu của một con người từng trải, một tấm lòng sáng trong mới hòng mong trả được phần nào... Ông viết một cách đam mê, quyết liệt... những tháng ngày ông đã trải qua, những con người ông đã gặp, những mảng đời hẩm hiu vò xé trái tim ông. Và máu - máu những người lính - đồng đội của ông giục giã ông viết.

Là dân Nam bộ chính gốc, “lớn lên ở vùng đất phù sa, “bơi lội” thoải mái ngay giữa vùng ngôn ngữ của bà con Nam bộ, cảm xúc cũng từ ấy mà ra, nên nghĩ gì viết nấy chứ không có ý thức sẽ chuyển đổi theo dòng văn học, văn hóa cho dù bình dân hay bác học nào cả” đó là cách nhà văn Trần Kim Trắc lý giải về phong cách văn chương của mình.

Trong đời sống văn chương muôn giọng điệu, ông đã chọn cho mình dòng văn học bình dân và về thân phận, tình yêu của những người bình dân. Thế giới quan của người dân Nam bộ hiền hòa, dễ thương, trọng nghĩa khinh tài..., đời sống hết sức phong phú, lắm tình lắm cảnh của người đồng bằng đã in đậm trong sáng tác của ông.

Nhà văn Trần Kim Trắc đã bước vào tuổi tám mươi, không còn sức khỏe và điều kiện để đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhưng ông lại có cách tiếp cận cuộc sống của riêng mình: “Bây giờ… quanh quẩn chỉ mấy mét vuông trong nhà và cái tiệm bán mật ong, sữa ong chúa, lại thấy đề tài để viết nằm ngay trước thềm nhà chứ đâu xa xôi”.

Và từ vuông thềm ấy, ông đã viết tiếp những trang văn nồng ấm lẽ đời, tình người.

CỎ MAY
VĂN NGHỆ TIỀN GIANG


Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Văn Nguyên Lương với những vần thơ đẫm nước mắt tình người

Văn Nguyên Lương tên thật Nguyễn Văn Lương, sinh năm 1986 ở Quảng Ngãi, tốt nghiệp khoa toán Trường Đại học Sư phạm. Hiện dạy học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV.
Nhà thơ trẻ Văn Nguyên Lương (ngoài cùng bên phải)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của anh khá nhiều biến động, cuộc sống đói nghèo đã mang ba mẹ anh vào Nam tìm cuộc  mưu sinh. Rồi các anh, chị cũng lần lượt xa quê để tìm đến những miền đất hứa của riêng mình. Quê nghèo, còn lại mình anh với những mùa nắng gió cút côi, với sự trống vắng trong căn trong căn nhà đơn sơ, quạnh quẽ. Mùi bùn đất quê hương, mùi rạ rơm, khói bếp quyện vào tâm hồn thơ trẻ, loang dần ra từng thớ thịt để thở ra những điệu buồn miên man…

Chính vì thế, nên anh cảm nhận được sự sâu sắc, sự gian lao và bao nỗi lo toan của người nông dân chân lấm tay bùn mà có tấm lòng chân chất nơi quê mình qua những tháng năm  bão bùng, nắng gió. Những bài thơ anh viết thấm đẫm nước mắt, đau thương, dằn vặt, và nó như ngọn sóng vỗ mạnh vào bờ xúc cảm của mỗi độc giả. Dường như họ được gặp lại chính mình trong chuỗi hình ảnh gian khổ năm nào:

“Gió gảy đàn trong mây mù bão tố
Mẹ vào bếp dột mưa
Mắt đẫm sương ấm bùng ngọn lửa
Cha nhẻm đen cõng từng lọn củi
Bữa vỡ lòng tôi được nửa củ khoai

Tôi lớn khôn từ mồ hôi muối mặn của cha
Đi dọc biển đời từ nước mắt âm thầm của mẹ
Nước mắt mồ hôi sinh thành
Cộng lại dáng hình tôi…

Dòng sông Thoa như đời mẹ vẫn lặng lẽ tảo tần
Ngọn núi Đồi bóng cha che chắn con đường chông gai
Tôi vươn vai bước…”

                            (Nơi tôi sinh ra)

“Dòng sông Thoa” hay “ngọn núi Đồi” trong thơ anh chỉ là hình ảnh quen thuộc của làng quê nông thôn Việt Nam gắn với bao hoài niệm đẹp, nó được ví von như sự khổ nhọc của “công cha nghĩa mẹ cao dày”. Ta còn nhận ra sự thèm khát biết bao hơi ấm mẹ hiền, chiều chiều anh vẫn thường ra đầu ngõ đợi mẹ đi làm về trong vô thức. Để rồi cất lên những nấc nghẹn khi nhận ra mẹ đã như thân cò lặn lội vì miếng ăn giấc ngủ của bầy con thơ như trong đoạn hoài niệm của anh trong bài “Hoa khế”:

“Giữa miền tha hương
Cánh tim tím xoay vòng thương nhớ
Hoa khế nhà ai,
Vỡ òa kỷ niệm…
Một mình…
Sót ngọn gió xuân
Cánh cửa thần kì chợt mở
Bắt gặp tiếng cười giòn
Rạo rực cõi thần tiên

Một sáng mai,
Thơm lừng hương cỏ dại
Đàn trâu thủng thẳng tiệc mừng
Xa xa đất ải ruộng cày
Ngọn gió quê mát rượi
Tiếng gọi nhau í ới
Chị em dặm lúa trên đồng
Có ai về,
Buộc giùm tôi nỗi nhớ?
Những chiều đợi mẹ phương xa…
Con dế than ngồi khóc
Chùm hoa khế ủ hương
Cánh nhỏ
rơi rơi
Chạm ánh mắt
buồn…”

Văn Nguyên Lương yêu văn chương, anh xem đấy như một công việc lao động sáng tạo bằng những nguồn cảm hứng vô tận. Đến với thơ anh như  gắn vào mình một trách nhiệm cao cả của đời người sáng tác trong đời sống hiện thực nhưng chứa đầy sự hoài bão, ước mơ, hy vọng. Từ đó, qua thơ, anh trải lòng bằng những dòng xúc cảm mênh mang trên mỗi bước đời chông chênh, khúc khuỷu:

“Một chiếc lá,
Rơi vào biển tâm tư
Khẽ khàng,
Dội lên con sóng…

Sự đời nhiều khi
Như bức tranh “vân cẩu”
Con trâu lầm lụi tháng ngày
Chiếc cọc như mẹ chồng khó tính

Ngọn gió xuân vẫn thổi
Vô tình hay cố ý
Mang tiếng khóc xác ve non

Ai hiểu?
Con ễnh ương khóc giữa mùa xuân!
Mà khoé mi hình hài cá sấu.
Hoa nở trái mùa cho gió đông vùi dập,
Ánh trăng vừa loé tối ba mươi…

Mặc đời,
Cố chấp
Như kẻ lữ hành
Ta bước giữa chợ đời
Chông chênh…”

                  (Chông chênh)

Với Văn Nguyên Lương, văn chương không phải là trò xiếc chữ. Anh chỉ mượn tạm con chữ để viết nên những bản ký âm xúc cảm. Mỗi bài thơ là một câu chuyện đời được anh cô đọng lại từ nước mắt cùng nỗi niềm thương cảm cho người và cả chính anh:

“Giữa phố phường tấp nập
Một dáng gầy mong manh
Em mời tôi vé số…

Ôi tuổi thơ dại khờ
Tay em không cặp sách,
Chân em không đến trường!

Giữa trường đời bụi bặm
Em bán tuổi ngọc ngà
Tôi nào khác chi em
Đi bán từng con chữ
Mua cho mình chút lẻ loi…

Góc khuất xa em ngồi
Đếm mềm từng con số
Số nào cho đời em
Và cả đời tôi nữa?

Tôi muốn mua thật nhiều
Nhưng chiều nay không thể
Giấu đi dòng lệ rơi

Khóc cho em hay khóc cho tôi,
Mà lệ hồn câm điếng?”

   (Khóc cho em hay khóc cho tôi)

Hay:

“Mưa hỡi mưa,
Xin dừng mưa ơi!
Xấp vé số trên tay cụ già nhàu ướt
Biết còn bán được chiều nay?
Bữa cơm nghèo rau hẩm…

Bất chợt vài hạt rơi
Như nước mắt
Khóc thương mái phố
Không che nổi cụ già
Không che nổi,
Những cảnh đời dột nát
Nên mưa nhân từ
Rơi
Cho cây lá
             lên xanh…”

                 (Mưa)

Hai tập thơ “Sóng chữ sông quê” và “Bước đêm đợi nắng lên” do NXB Hội Nhà Văn ấn hành trong quý III và quý IV năm 2017 như khái quát cuộc sống và ánh nhìn của Văn Nguyên Lương đến thời điểm hiện tại. Thơ anh chân thành,  nhưng ý tứ khá mới mẻ, ngôn ngữ nhẹ nhàng và uyển chuyển. Đọc 2 tập thơ anh, ta có thể nhận ra sự kế tục đào sâu ngôn ngữ qua những dung từ mà anh đã sử dụng trong tác phẩm đã tạo nên một một con đường riêng, kết hợp giữa cổ điển và hiện đại khiến độc giả có cảm giác gần gũi, thân quen nhưng không hề nhàm chán. Chúc anh sớm tìm thấy ánh nắng thi ca huyền diệu như mong ước của anh “Bước đêm đợi nắng lên”.

PHÙNG HIỆU
Theo NVTPHCM


Hồ Biểu Chánh - nhà văn đến hiện đại từ truyền thống


Trong các nhà văn quốc ngữ tiên phong của Việt Nam, có lẽ không có nhà văn nào có quá trình sáng tác đồng hành gần như sát sao với sự hình thành và phát triển của văn học quốc ngữ Việt Nam như Hồ Biểu Chánh. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là ở chỗ tác giả đã đến hiện đại từ truyền thống, nên đã được quần chúng độc giả đồng cảm, chia sẻ. Tiểu thuyết của ông gần gũi với truyền thống, tâm lý của nhân dân Nam Bộ nên đã nhanh chóng đi vào và sống lâu dài trong lòng người đọc Nam Bộ.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh

Trong các nhà văn quốc ngữ tiên phong của Việt Nam, có lẽ không có nhà văn nào có quá trình sáng tác đồng hành gần như sát sao với sự hình thành và phát triển của văn học quốc ngữ Việt Nam như Hồ Biểu Chánh.

So với Nguyễn Trọng Quản chẳng hạn, con đường đi của Hồ Biểu Chánh đến với tiểu thuyết hiện đại có phần chậm chạp nhưng phù hợp và chắc chắn hơn. Là một trí thức tân học, nhưng vì “nhận thấy muốn viết Việt văn thì cần phải biết chữ Hán, bởi lẽ biết chữ Hán mới có đủ chữ mà dùng và dùng cho khỏi sai nghĩa. Vì thế, ông đã dành gần ba năm để học các sách Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử” (1). Chính cái vốn Hán học đã giúp ông sau này tham gia vào phong trào dịch tiểu thuyết Trung Hoa và làm quen với nghệ thuật tiểu thuyết.

Qua thực tiễn sáng tác của mình, Hồ Biểu Chánh thực sự đã trả lời được câu hỏi viết cho ai. Biết rõ thị hiếu của người đọc Nam Bộ lúc đó vẫn còn ưa chuộng truyện thơ viết bằng thể lục bát, vẫn thích đọc những gì gần gũi với mình nên ông đã bắt đầu sự nghiệp văn học của mình bằng truyện thơ U tình lục (viết 1909, in 1913), một quyển tiểu thuyết viết bằng văn vần chịu nhiều ảnh hưởng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du và cũng rất gần với Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu trong mọi phương diện như đề tài, ngôn ngữ nghệ thuật, bố cục, khuynh hướng tư tưởng.

Tuy vậy U tình lục cũng đã có những điểm mới so với truyện thơ cổ điển. Trước hết là nó đã được viết bằng chữ quốc ngữ. Nhân vật của truyện cũng là nhân vật Việt Nam, của Gia Định chứ không phải là vay mượn từ tích truyện của Trung Quốc. Ông miêu tả sự bóc lột tàn ác của bọn chủ người Hoa lai Ấn và lòng tham lam, sự thối nát của bọn địa chủ, của các công chức địa phương. Tình yêu của hai nhân vật chính rất mới mẻ và có những hành động táo bạo vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến. Tác phẩm này đánh dấu giai đoạn quá độ từ truyện Nôm cổ điển sang tiểu thuyết hiện đại.

Sau U tình lục, Hồ Biểu Chánh viết truyện thơ Vậy mới phải (viết 1913, in 1918) phỏng theo Le Cid của P. Corneille, một vở bi kịch nổi tiếng của Pháp. Về hình thức, truyện thơ này vẫn giữ bố cục của một truyện thơ Nôm. Truyện lấy lịch sử đời Lê làm bối cảnh, tình tiết câu chuyện, tư duy, hành động và ngôn ngữ của các nhân vật đều có tính sáng tạo và được Việt hóa. Vậy mới phải đánh dấu bước chuyển mô phỏng tác phẩm văn học Pháp và hoàn toàn có màu sắc Việt Nam. Với Vậy mới phải, có thể nói Hồ Biểu Chánh là nhà văn Việt Nam đầu tiên mô phỏng một tác phẩm của văn chương Pháp.

Nhưng rồi tiểu thuyết Pháp và các tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên đã có sự cuốn hút đối với ông. Trong hồi ký Đời của tôi về văn nghệ, Hồ Biểu Chánh cho rằng có ba tác phẩm ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển hướng sáng tác của ông, đó là truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung và Phan Yên ngoại sử của Trương Duy Toản(2), trong đó ông chú ý đặc biệt đến Hoàng Tố Anh hàm oan.

Vì sao Hồ Biểu Chánh lại quan tâm đặc biệt đến Hoàng Tố Anh hàm oan mà không phải là truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Đó là bởi truyện Thầy Lazarô Phiềncủa Nguyễn Trọng Quản quá hiện đại từ kết cấu cho đến ngôn ngữ, hiện đại trong miêu tả tâm lý nhân vật. Nó được sáng tác trong hoàn cảnh tách rời với sinh hoạt văn học của nước ta lúc đó vốn vẫn còn chịu ảnh hưởng nhiều của văn chương Trung Hoa, vì thế đã không được quần chúng đón nhận. Người bình dân Nam Bộ xưa nay chỉ quen thưởng thức truyện hoặc bằng thơ lục bát, hoặc bằng văn có đối có vần lúc đó khó có thể chấp nhận “cái tiếng nói thường” ấy của Nguyễn Trọng Quản. Tâm lý của nhân vật cũng không phù hợp với công chúng bình dân Nam Bộ, chủ đề “phạm tội và sám hối” của Kitô giáo lại càng xa lạ đối với họ. Rồi còn cái kết thúc của câu chuyện, người Nam Bộ lâu nay quen với quan niệm “ở hiền gặp lành”, quen với kết thúc của hậu của truyện thơ truyền thống, nên khó có thể chấp nhận cái chết của người vợ hiền lành, chung thủy của thầy Phiền, trong khi đó kẻ gây ra tội ác là vợ tên quan ba lại không bị trừng phạt gì cả. Nói theo Bằng Giang, Thầy Lazarô Phiền như “một con chim lạ từ phương Tây đáp xuống một vùng đất còn vắng bóng đồng loại. Bởi lẽ đó, nó nổi lên như một ốc đảo chơi vơi vào nửa sau thế kỷ XIX không riêng ở Nam Bộ mà còn ở cả Việt Nam” (3).

Còn Hoàng Tố Anh hàm oan, theo Nguyễn Khuê, đó là:

Một tiểu thuyết phong tục với cốt truyện ly kỳ và lời văn bình dị, tác giả của thuyết nhân quả mà cho người phải chung cuộc được hiển vinh, kẻ quấy cuối cùng chịu quả báo, khiến Hồ Biểu Chánh quyết định viết tiểu thuyết theo đường lối ấy để cảm hóa quần chúng mà đưa họ trở lại con đường nghĩa nhân chính trực (4).

Tác giả của Hoàng Tố Anh hàm oan còn là một nhân vật đặc biệt, Trần Thiên Trung là bút danh của “ông Phủ Minh Tân” Trần Chánh Chiếu, lãnh tụ của phong trào Minh Tân ở Nam Bộ, chủ nhân của Chiêu Nam Lầu ở Sài Gòn và Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho vào đầu thế kỷ XX, từng bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần.

Là một người tâm đắc với chủ nghĩa hiện thực, Hồ Biểu Chánh đã bị thuyết phục bởi tiểu thuyết hiện thực đầu tiên đó của văn học Việt Nam:

Cụ Trần Chánh Chiếu cho xuất bản Hoàng Tố Anh hàm oan là tiểu thuyết đầu tiên trong lục tỉnh, truyện tinh tả nhân vật trong xứ và viết theo điệu văn xuôi. Đọc quyển này, cảm thấy viết truyện bằng văn xuôi dễ cảm hoá người đọc hơn, bởi vậy năm 1912 đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết thử quyển Ai làm được là quyển tiểu thuyết thứ nhất viết văn xuôi tại Cà Mau với những nhân vật cũng là Cà Mau(5).

Phạm Minh Kiên trong một bài báo trên Đông Pháp thời báo còn nói rõ về “điệu văn chơn tả ”bắt chước theo tiểu thuyết Pháp của Hồ Biểu Chánh:

Ông Hồ Biểu Chánh... ông thường nói rằng ông thấy văn chương Pháp, từ nửa thế kỷ 19 trở lại đây, có nảy ra một điệu văn mới là điệu “chơn tả” công chúng đều ưa lắm. Ông ước ao cho văn sĩ Annam ta bắt chước theo điệu văn ấy mà viết tiểu thuyết...(6)

Thử nghiệm đầu tiên theo hướng này của Hồ Biểu Chánh là tác phẩm Ai làm được đăng feuilleton trên báo Nông cổ mín đàm từ 1919. Cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tay này của Hồ Biểu Chánh vẫn mang dáng dấp của một truyện tài tử giai nhân truyền thống với một kết thúc có hậu khi hai nhân vật chính Chí Đại và Bạch Tuyết, sau khi vượt biết bao gian truân, cuối cùng đã đoàn tụ và sắt cầm hòa hiệp.

Nhưng so với truyện thơ truyền thống, Ai làm được cũng đã có khá nhiều điều mới mẻ. Ngay nhan đề, dưới hình thức một câu hỏi đã là một điểm mới. Ngôn ngữ của Ai làm được thật sự là ngôn ngữ của người Nam Bộ, cụ thể là của người Cà Mau. Ngôn ngữ của các nhân vật là ngôn ngữ của cuộc đời thường, không điển tích văn hoa, không chen thơ thẩn, văn vần vào. Mối tình của hai nhân vật chính cũng rất đời chứ không quá ràng buộc vào lễ giáo phong kiến. Là một truyện nửa ái tình, nửa phiêu lưu mạo hiểm, Ai làm được còn là một bức tranh hiện thực về cuộc sống của người dân Nam Bộ vào đầu thế kỷ. Ai làm được đã dọn đường cho độc giả Nam Bộ đón nhận một thể loại văn học mới, đó là tiểu thuyết hiện đại. Đây có lẽ là một tác phẩm có ý nghĩa đối với đời viết văn của Hồ Biểu Chánh nên nhiều năm sau, mặc dù đã có khá nhiều tiểu thuyết khác được ra mắt bạn đọc, nhưng ông vẫn sửa chữa, nhuận sắc lại tác phẩm này để làm cho nó gần hơn với tiểu thuyết hiện đại. Từ một cuốn truyện với 27 hồi, ông đã rút lại thành 6 chương. Thay cho những câu tóm tắt chuyện ở đầu chương là một con số giản dị. Ông cũng từ bỏ lối kể chuyện theo đường thẳng để kể chuyện một cách hiện đại hơn và thêm nhiều đoạn tả cảnh và nhiều đối thoại để làm cho câu chuyện thêm sinh động.

Sau Ai làm được là thời kỳ mô phỏng các tiểu thuyết của Pháp để sáng tác của Hồ Biểu Chánh. Trong hồi ký Đời của tôi về văn nghệ, Hồ Biểu Chánh có liệt kê đến 12 tác phẩm được “viết ra bởi cảm tác phẩm nào của Pháp”(7), như Chúa Tàu Kim Quy là bởi cảm Le Comte de Monte Cristo của Alexandre Dumas, Cay đắng mùi đời  là từ Sans Famille của Hector Malot,...

Nhưng nếu xem xét kỹ các tác phẩm này, ta thấy Hồ Biểu Chánh không chỉ mô phỏng. Cay đắng mùi đời theo sát từng nhân vật, từng tình tiết truyện Sans Famille của Hector Malot. Song đến Ngọn cỏ gió đùa, ta chỉ còn thấy phảng phất bóng dáng truyện Les Miserables của Victor Hugo mà thôi. Và ngay cả trong Cay đắng mùi đời , ta vẫn chỉ thấy một không khí Nam Bộ, những tích cách rất Nam Bộ của các nhân vật.

Và Hồ Biểu Chánh không chỉ có các tác phẩm được viết ra do mô phỏng các tác phẩm của Pháp. Ngoài 12 cuốn được nói trên, Hồ Biểu Chánh còn viết trên 50 quyển tiểu thuyết khác, một số lượng tác phẩm đồ sộ so với cuộc đời sáng tác của một nhà văn. Có thể nói tiểu thuyết của ông là một bộ từ điển bách khoa về đời sống xã hội Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, và ông, có thể được xem như là Balzac của Nam Bộ. Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm của ông đến nay vẫn còn được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim truyền hình đến hàng trăm tập. Không phải tình cờ mà ông được xem là nhà văn tiêu biểu nhất của Nam Bộ và có một chỗ đứng trang trọng trong các công trình khảo cứu của cả trong Nam lẫn ngoài Bắc từ trước 1945 cho đến sau này như các công trình của Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ… Yêu mến ông, hai Việt Kiều Trang Quang Sen và Phan Tấn Tài ở Cộng Hòa Liên bang Đức đã thành lập trang web hobieuchanh.com nhằm để phổ biến các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh cho các bạn yêu văn học. 100 năm sau khi U tình lục ra đời, GS Nguyễn Văn Sâm, nguyên GS Đại học Văn Khoa Sài Gòn, nguyên giáo sư trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, với sự giúp đỡ của Viện Việt Học California, đã cho in lại U tình lục với tựa mới là Kể chuyện tình buồn, kèm theo phần giới thiệu và chú giải rất công phu.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung, nguyên Khoa Trưởng Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn đã viết về chuyện đọc Hồ Biểu Chánh như sau: “Dạy văn học trên 20 năm ở miền Nam, nhưng mới chỉ đọc Hồ Biểu Chánh gần đây vì trước đây khinh chê, không thèm đọc”. Sau khi đọc xong, ông nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thật cảm động, thật hay, thật hấp dẫn. Một người bạn lớn tuổi của ông đã thú nhận với ông “chả nhẽ, tôi trên 60 tuổi rồi mà còn nói bị xúc động như muốn rơi nước mắt” và ông đặt ra câu hỏi “Tại sao một cuốn truyện, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn hấp dẫn, gây xúc động với một người ở địa phương khác với địa phương của tác giả?”(8).

Sức hấp dẫn ấy của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, đó chính là vì tác giả đã đến hiện đại từ truyền thống, nên đã được quần chúng độc giả đồng cảm, chia sẻ. Hồ Biểu Chánh là một nhà văn hiện đại nhưng lại không xa lạ với văn học truyền thống. Tiểu thuyết của ông cơ bản là dựa vào kỹ thuật của tiểu thuyết phương Tây, nhưng vẫn còn mang ít nhiều tính chất cổ điển và vẫn tiếp nối truyền thống chuyên chở đạo lý, quảng bá đạo đức của văn chương truyền thống. Và điều quan trọng là nó gần gũi với truyền thống, tâm lý của nhân dân Nam Bộ nên đã nhanh chóng đi vào và sống lâu dài trong lòng người đọc Nam Bộ.

PGS.TS VÕ VĂN NHƠN

____________________

Chú thích:

1 Nguyễn Khuê (1998), Chân dung Hồ Biểu Chánh, NXB TP Hồ Chí Minh, tr. 23.
2 Nguyễn Khuê, sđd, tr. 25.
3 Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh,
4 Nguyễn Khuê, sđd, tr. 25-26.
5 Vương Trí Nhàn (sưu tầm và biên soạn) (1996), Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 29.
6 Phạm Minh Kiên, Giải chỗ tưởng lầm, Đông Pháp thời báo, số 468, 6.8. 1926.
7 Nguyễn Khuê, sđd, tr. 143.
8 Cao Xuân Mỹ, (1999), Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX, NXB Văn nghệ TP HCM & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, tr. 677.


ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Nhà văn Nguyễn Thuý Ái: Nhà văn không thể thiếu học vấn

Nhà văn phải có học. Theo tôi học vấn không làm nên nhà văn nhưng nhà văn không thể thiếu học vấn. Tôi nói vậy vì hiện nay không hiếm những nhà văn ít học, ít đọc. Vì thế họ viết sai chính tả be bét, những lỗi rất thông thường, dùng từ sai. Ít đọc nên dễ hoang tưởng những gì họ viết ra là tuyệt tác…
Nhà văn Nguyễn Thuý Ái

Thưa nhà văn Nguyễn Thúy Ái, xin bà hãy cho biết cơ duyên nào đã đưa bà đến công việc sáng tác.

- Thật ra tôi tập tành viết văn từ rất sớm, từ hồi học lớp 8, lớp 9 viết đưa cho bạn bè đọc chơi rồi đăng trên những nội san của trường và vài tờ báo dành cho tuổi mới lớn ở Sài Gòn trước 1975. Viết lúc đó chẳng được nhuận bút gì đâu, vì tôi ở xa Sài Gòn, tận Quảng Ngãi. Nhưng điều đó có hề gì, bài được đăng là tôi hạnh phúc, ngây ngất lắm! Vào cấp 3 tôi học ban văn - triết, tôi càng mê văn chương. Tốt nghiệp tú tài tôi vào Sài Gòn và thi đậu vào khoa ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và chỉ lo học để có một nghề nghipnuôi thân.

Sau năm 1975 tôi thấy viết không dễ nên im luôn. Nhưng khi có con, con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn, tôi muốn viết lại. Hồi đó có câu “Nhà văn + nhà báo + nhà giáo = nhà nghèo”. Vợ chồng tôi đều là nhà giáo. May mắn là ông xã tôi không sợ nghèo thêm nênrất ủng hộ tôi chuyện viết lách. Truyện ngắn của tôi gởi báo nào cũng được đăng: Sài Gòn Giải Phóng, Văn Nghệ, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ... Rồi trước những vấn đề bức xúc của xã hội, tôi muốn viết báo để được nói trực tiếp, còn văn chương là gián tiếp. Lúc đó báo in phát triển rất mạnh, tiền nhuận bút cũng khá cao, tôi viết báo rất nhiều, mỗi tháng viết 30, 40 bài báo… Nói vui như một nhà bạn văn tôi quen, viết báo để sống và viết văn để khỏi chết. Cứ thế, suốt nhiều năm tôi… dan díu với báo chí nhưng vẫn chung tình với văn chương Và  gần 10  tác phẩm được xuất bản, chưa kể là  in chung với những tác giả khác, tôi sống được bằng ngòi bút…

Bà thường viết đề tài nào nhiều nhất, và quan niệm sáng tác của bà là như thế nào?

- Theo tôi, văn chương phải đẹp, từ câu chữ , ngữ điệu, ý tưởng… và hướng con người tới cái đẹp, tới một cuộc sống đẹp và hạnh phúc, tôi thích những happy end, một tình yêu đẹp thì sẽ kết quả đẹp, ngay cả khi chia xa cũng đẹp. Một thể chế đẹp sẽ dẫn đến một xã hội đẹp…

Đề tài tôi hướng tới là phụ nữ. Tôi nhớ một câu nói của một nhà văn nữ người Mỹ là PearlBuck, người từng được giải Nobel văn chương “Phụ nữ là trái tim của gia đình”, trái tim người phụ nữ phải khỏe khoắn, hạnh phúc thì gia đình họ mới có được điều đó. Trong một gia đình mà người phụ nữ bị ức hiếp, bị phản bội thì gia đình đó không thể bình yên và trong một gia đình văn minh, trong một đất nước văn minh thì người phụ nữ được tôn trọng, nâng niu...

Thông điệp từ các tác phẩm của bà thường là sự day dứt về thân phận của người phụ nữ trong xã hội…

- Nhân vật của tôi là những cô gái trẻ hoặc không còn trẻ nữa, tôi thấy thân phận phụ bao giờ cũng thiệt thòi so với phái nam, dù họ xinh đẹp, cao sang, thành đạt… Riêng phụ nữ Việt Nam càng tội nghiệp, nhiều bi kịch vì những quan niệm lạc hậu của xã hội và của chính họ. Và hình như cuộc đời ưu ái, độ lượng với phái nam hơn... Được cộng tác với báo Phụ Nữ Việt Nam trong mảng tình yêu - hôn nhân - gia đình nên nhận được nhiều thư tâm sự của người đọc. Sau này đi nhiều nước, tôi thấy đa số phụ nữ xứ mình rất tốt, giàu tình cảm, yêu chồng, thương con, biết hy sinh… Nhưng bi kịch của họ là do quá yếu đuối,  họ nương tựa vào người đàn ông từ vật chất đến tình cảm. Bị đàn ông ruồng  bỏ họ như mất tất cả, hiện nay không ít các bạn gái tìm cách lấy chồng giàu để đổi đời, nhiều cô gái xinh đp, tài năng bản thân họ cũng có thể làm nên sự giàu có chính đáng nhưng họ cũng tìm đến những đại gia đã có vợ. Còn từ lâu các cô gái xứ ta tìm chồng ngoại để đổi đời, để báo hiếu… và đã xảy ra những chuyện đau lòng. Trong khi những phụ nữ tự trọng, văn minh họ yêu, lấy chồng là để tìm một người bạn tâm giao, để vui sống bên nhau. Từ lâutôi rất thích mấy câu thơ của một nhà thơ nữ Bungaria là Blaga Dimitrova trong bài “Người đàn bà một mình đi đường” do Xuân Diệu dịch có đoạn… “Chị  không dùng người đàn ông làm một chiếc cầu qua, làm ván để nhảy xa, làm bức tường để tựa mình rúc ẩn. Chị đến với anh ấy với tư cách là người bình đẳng và chỉ để yêu thương anh ấy mà thôi…” 

Phụ nữ muốn có hạnh phúc thực sự phải tạo sư bình đẳng từ trong tâm thế của mình. Rồi khi có gia đình mà tin vào chồng 100 % cũng không được. Qua tác phẩm tôi muốn nói phụ nữ nhiều lắm. Trước đây tôi đi giao lưu với các bạn sinh viên hay công nhân, các bạn hỏi tôi nhiều câu hỏi rất hay và hỏi ngược lại tôi rằng người có kinh ngiêm như tôi chắc vấp ngã nhiều lắm, tôi đáp rằng có vấp nhưng không ngã!Thực tế có phụ nữ vấp nhẹ nhưng ngã rất nặng, người mạnh mẽ hơn vấp nặng nhưng ngã nhẹ, sau giây phút choáng váng đó họ biết đưng lên, đi tiếp, vươn cao…

Thưa nhà văn, bà có thể cho biết sơ nét về tác phẩm mới nhất của mình được không?

- Đó là tiểu thuyết “Người đàn bà tắt tiếng”. Nhiều người mi nghe cái tựa hay hỏi tôi sao lại… tắt tiếng, tôi trả lời là bị tắt tiếng chứ sao. Linh, nhân vật chính là một cô giáo dạy vẽ ở trường trung học. Cô sống êm ấm với người mình yêu, là một nhà báo đa tài lại khá đẹp trai cùng hai con gái nhỏ, xinh xắn… Rồi tai ương p đến khi Linh vấp té ở cầu thang trong nhà, cú té không nặng nhưng làm Linh mất tiếng nói, dù vẫn nghe được. Chồng cô chạy chữa khắp nơi nhưng không thành công… Thế là Linh không đi dạy được nữa. Ở nhà buồn chán, mặc cảm, sợ bị chồng nhàm chán, tiền bạc càng eo hẹp. Linh bị trầm cảm… Một lần chồng con đi vắng Linh thử vẽ chân dung con. Được chồng khuyến khích cô  tiếp tục vẽ cho vui, rồi cô vẽ lên tay được bạn bè giới thiệu ở các phòng tranh. Nhờ bút pháp chân thực tỉ mỉ, đẹp, có hồn, tranh cô bán được, rồi những người giàu và khách nước ngoài tìm đến… Nhờ chăm chỉ vẽ gia đình cô trở nên khá giả, Linh cũng dần thoát khỏi chứng trầm cảm, lấy lại sự t tin. Nhiều người khuyên, kể cả chồng cô nên ra nước ngoài chữa bệnh. Linh từ chối vì thấy không cần thiết nữa, cô biết mình nói được rồi, theo một cách khác…

* Vậy còn những dự định sáng tác sắp tới của bà?

- Tôi mới hồi phục sau thời gian bị bệnh, chỉ viết chút ít cho vui nhưng khỏe hơn chắc tôi phải viết thôi, không dễ gì bỏ được. Viết văn không chỉ là cái nghề mà còn là cái nghiệp...

Là một người đi trước thì bà có nhắn nhủ gì đối với những bạn văn trẻ mới bước chân vào con đường sáng tác?

Nhà văn phải có học. Theo tôi học vấn không làm nên nhà văn nhưng nhà văn không thể thiếu học vấn. Tôi nói vậy vì hiện nay không hiếm những nhà văn ít học, ít đọc. Vì thế họ viết sai chính tả be bét, những lỗi rất thông thường, dùng từ sai. Ít đọc nên dễ hoang tưởng những gì họ viết ra là tuyệt tác. Nếu được học những ngành liên quan tới văn chương chữ nghĩa càng tốt… không nhất thiết phải có bằng cấp cao như thạc sĩ tiến sĩ nhưng biết tự học, cách tốt nhất là đọc. Phải đọc nhiều, từ văn học cổ Việt Nam, ca dao tục ngữ, Truyện Kiều, các tác giả Việt Nam như Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Tự Lực Văn Đoàn… và các tác giả đương đại như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma đến những tuyệt tác ca các nhà văn lớn trên thế giới như Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Victor Hugo, Shakespeare, t Tagore… Nhưng nhà văn thì thích đọc như một điều tự nhiênnhư nhà thơ mê thơ, thuộc nhiều thơ. Tôi không tin nhà văn nào đó viết văn hay mà lại ít đọc.

Hồi tôi còn đi học một ông thầy có nói  tố chất của một nhà văn là thông minh, cảm xúc và tưởng tượng, tôi thấy câu này luôn đúng. Thêm nữa nhà văn phải có tư tưởng, chỉ có câu chữ hoặc bắt chưc ai đó thì không thể thành nhà văn, dù chạy vào hội nhà văn nàynọ

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Thúy Ái về những chia sẻ vừa rồi, một lần nữa thay mặt cho quý thính giả của  Đài Phát thanh Vĩnh Long xin gửi lời chúc đến nhà văn luôn dồi dào sức khỏe để cống hiến cho độc giả gần xa nhiều tác phẩm hay hơn nữa..

TƯỜNG DUY
Đài PTTH Vĩnh Long - 4.2016
Theo NVTPHCM 



Mùa yêu thương của Phạm Phương Lan

Chị không sa đà vào tả cảnh mùa xuân. Chị cũng không bộc lộ cảm xúc cụ thể của mình. Những vần thơ thật nhẹ nhàng, thanh thoát, không cao siêu mà vẫn có sức lan toả. Nó tựa như những con sóng cảm xúc êm ái chạm vào con tim bạn đọc một cách tự nhiên…
Nhà thơ Phạm Phương Lan

Mùa xuân thường được coi là mùa đẹp nhất trong năm. Đó cũng là nguồn thi hứng bất tận dành cho các thi nhân từ xưa đến nay. Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu,... đều đã có những bài thơ hay nổi tiếng về mùa xuân. Các nhà thơ trẻ hiện nay cũng không thể thờ ơ với Xuân và cảm xúc của họ luôn trào dâng mỗi độ xuân về. Bài Mùa yêu thương của nhà thơ nữ Phạm Phương Lan là một minh chứng cho nhận định đó. 
   
Mở đầu bài thơ là hình ảnh  của thiên nhiên, cây lá, mây trời thật đẹp, thật nên thơ và sinh động:

Mùa xuân về trên lá
Xanh non những chân trời
Dệt mộng mơ lên tóc
Bồng bềnh theo mây trôi

Bất giác ta nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: "Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới/ Bạn đời ơi vui chút với trời hồng" (Ý xuân). Nhưng sự khác biệt là mùa xuân trong bài thơ này tươi vui hơn, rộn ràng hơn trong một không gian rộng lớn. Mùa xuân ở đây không trừu tượng mà hiện hữu trước mắt ta với màu xanh của lá, với rực rỡ sắc hoa và chồi non mới nhú. Bằng tâm hồn nhạy cảm, nhà thơ tưởng như có thể chạm môi vào mùa Xuân. Và hơn thế nữa còn có thể cảm nhận được cả hương vị của nó:
     
Mùa xuân về trên môi
Chúm chím trao những nụ
Chồi non nào vừa nhú
Ngạt ngào hương bay xa
     
Mùa xuân mang đến cho ta niềm vui và hy vọng. Nó đến với từng con phố , với mọi nhà mọi người. Không ai có thể dửng dưng với mùa xuân. Ngay cả chiếc khăn choàng của cô gái đi trên phố qua cảm nhận của nhà thơ cũng trở nên sống động vương vít, hoà chung với niềm vui của con người:
                               
Xuân về trên phố hoa
Sài Gòn biêng biếc nhớ
Khăn choàng ai một thuở
Vương vít hoài không thôi
     
Cảnh thiên nhiên trong tiết xuân dẫu đẹp đến bao nhiêu mà thiếu cuộc sống hạnh phúc của con người cũng trở nên vô nghĩa. Tác giả bài thơ phác hoạ cảnh trên chỉ là cái nền. Cuối bài thơ chị dẫn dắt ta đến với không khí tết của gia đình: nào là hoa mai nở, nào bánh chưng thơm nồng và bóng dáng người mẹ rưng rưng trong niềm vui đón con cháu cuối năm về sum họp:

Sáng nay bỗng xuân ngời
Nắng oà reo khắp phố
Mai vàng bung cánh nở
Bếp than nồng bánh chưng 

Mắt mẹ nhoà rưng rưng
Đón em nàng dâu mới
Bao tháng năm chờ đợi
Mùa yêu thương đong đầy. 
   
Chọn thể thơ 5 chữ trẻ trung lại rất phù hợp với không khí tươi vui của mùa xuân, nhà thơ Phạm Phương Lan đã mang đến cho độc giả một bài thơ hay. Chị đã thành công khi truyền tải cảm xúc của mình trước một chủ đề rất cũ mà không bao giờ cũ.

Làm thơ về mùa xuân vừa dễ lại vừa khó. Cái khó là không khéo sẽ dẫm vào "bước chân" của người đi trước với vô vàn những câu thơ hay viết về mùa xuân. Ở đây nhà thơ Phạm Phương Lan đã có cách tiếp cận riêng của mình. Chị không sa đà vào tả cảnh mùa xuân. Chị cũng không bộc lộ cảm xúc cụ thể của mình. Những vần thơ thật nhẹ nhàng, thanh thoát, không cao siêu mà vẫn có sức lan toả. Nó tựa như những con sóng cảm xúc êm ái chạm vào con tim bạn đọc một cách tự nhiên. Bài thơ như một bức tranh thuỷ mặc hài hoà giữa sắc màu thiên nhiên với cuộc sống con người. Chắc sẽ có nhiều bạn đọc phân vân tự hỏi: đây là lời thơ hay lời của một bài hát ngợi ca mùa xuân? 
             
TRẦN THANH CHƯƠNG
Theo NVTPHCM


Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Nhà văn trẻ Ngô Thuý Nga: Lặng im và tha thứ để yêu thương

Nghe tin Ngô Thuý Nga ra mắt tập truyện ngắn đầu tay, niềm vui của tôi vỡ òa. Thế là, những khó khăn của cuộc sống, những gánh nặng của một người chị vừa ra trường phải nuôi hai đứa em ăn học và những mất mát của một cô gái tuổi hai mươi vừa mất mẹ đã không đánh gục được Ngô Thúy Nga…
Nhà văn trẻ Ngô Thuý Nga

Người ta thường nói, muốn hiểu một người viết văn, trước hết hãy đọc văn của họ. Điều này có lẽ không sai với Ngô Thúy Nga. Đọc văn Ngô Thúy Nga, sẽ nhận thấy đây đó trong từng nét chữ thấp thoáng bóng dáng và cuộc đời của một cô gái tuổi hai mươi nhiều bất hạnh. 15 truyện ngắn trong tập truyện Nước mưa của chàng câm là 15 cung bậc cảm xúc khác nhau, va chạm vào nhiều ngõ ngách của đời thường và mảnh tâm hồn cứ ngỡ như tờ giấy mỏng tang hay một giọt mưa sắp vỡ òa. Ám ảnh một cách nhẹ nhàng, mỏng manh mà vô cùng sâu sắc, Ngô Thúy Nga đóng vai người vạch ra những nỗi đau và cả người băng bó những vết thương.

Những câu chuyện trong văn Ngô Thúy Nga thường xoay quanh các nhân vật có tâm lý không bình thường. Họ là những “gã”, những “hắn”, những “ả”, những “nàng”, những “em” và “anh”. Họ không có tên, hoặc giả nếu có cũng chỉ là những cái tên mơ hồ như chính cuộc đời họ. Họ suy nghĩ, suy nghĩ, dằn vặt, rồi lại suy nghĩ về cuộc sống, về những lỗi lầm, và cả định mệnh. Trong văn Ngô Thúy Nga, đôi khi, những câu nói đùa, những cái nguýt dài chua ngoa hay một cái tát như trời giáng cũng trở thành âm thanh của nỗi “buồn dài, buồn lặng, buồn lâu” không sao dứt ra được. Những cuộc gặp gỡ, những tình yêu khắc khoải, tồn tại đấy mà như không tồn tại, chẳng trắc trở mà vẫn cứ không thành, nhiều khi ở trong nhau mà lòng vẫn thấy cô đơn. Cái sự cô đơn chiếm lĩnh từng chữ trong văn Ngô Thúy Nga, ngay cả khi cô miêu tả một đám đông, một bữa tiệc hay những cuộc cãi vã thường như cơm bữa trong một gia đình đông con túng quẫn. Song khác với những sự lạnh lùng, hằn học, văn Ngô Thúy Nga nói về mọi góc cạnh bẩn thỉu nhất của đời với thái độ bao dung đáng để cho mọi tội lỗi phải cúi đầu hổ thẹn.
Bìa tập truyện Nước mưa của chàng câm

Ở ngoài đời, Ngô Thúy Nga cũng vậy. Tha thứ, im lặng, và mỉm cười, và nghĩ về người khác một cách vô điều kiện dường như đã là lẽ sống của cô gái nhỏ. Cũng như văn chương, cuộc sống với Ngô Thúy Nga luôn là một hành trình tìm kiếm sự khoan dung, tha thứ cho nhau giữa những con người, những cuộc đời, để trên hết, vẫn là một tình yêu rộng lớn, thánh thiện bao trùm lên tất cả.

Hầu hết chúng ta, những người viết văn, với cái bản ngã rất lớn của mình thường luôn nghĩ về những điều vĩ đại, luôn mong muốn một tác phẩm để đời “thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người, phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi,…, ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...”. Điều đó chẳng có gì sai, thậm chí đáng được cổ vũ. Song, vô tình trên hành trình đi tìm kiếm những câu chuyện vĩ đại, chúng ta đã bỏ quên những mảnh vỡ của bộ mặt cuộc sống đang nứt ra từng ngày, từng giờ, trong những góc tối và trong chính lòng mình. Như một con ong cần mẫn hút những nhụy hoa còn sót lại trong khi những con ong khác đã vội vàng bỏ đi sau mật ngọt đầu mùa, Ngô Thúy Nga đã cho chúng ta thấy đủ ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống thông qua giọt mật chắt chiu từ những mùa hoa đời bỏ lại.

Nghe tin Ngô Thúy Nga ra mắt tập truyện ngắn đầu tay, niềm vui của tôi vỡ òa. Thế là, những khó khăn của cuộc sống, những gánh nặng của một người chị vừa ra trường phải nuôi hai đứa em ăn học và những mất mát của một cô gái tuổi hai mươi vừa mất mẹ đã không đánh gục được Ngô Thúy Nga, và chắc chắn, Ngô Thúy Nga sẽ còn đi xa hơn, bền hơn trong nghiệp viết. Cứ như một bụi cỏ dại mọc giữa đường đời, dù bao bước chân dẫm lên vẫn hiên ngang sống, văn chương chính là lẽ sống, là người tình của Ngô Thúy Nga, giúp cô gái mong manh ấy trở nên mạnh mẽ một cách kiên cường giữa những lần vùi dập của bão tố cuộc đời.

Âu đó cũng là một duyên phận!

NGUYỄN VÂN
Theo NVTPHCM





Yếu tố tượng trưng trong thơ Đinh Hùng

Đinh Hùng xuất hiện trên thi đàn Việt Nam với một vóc dáng hết sức kỳ lạ. Cái kỳ lạ của một kẻ lang thang cô độc trên cõi đời đầy bấn loạn ấy làm mê hoặc bao trái tim nhạy cảm của những người yêu thơ. Chất thơ Đinh Hùng không đi theo một lối mòn sẵn có mà chọn cho mình một con đường đi riêng để thoả sức đắm chìm vào một thế giới thơ đầy mộng mị, nếu không muốn nói là quái dị.
Nhà thơ Đinh Hùng

Trốn chạy vào cõi vô thức để ngụp lặn trong bể khổ đau, Đinh Hùng tự giam mình vào trong ngục tối của sự mặc cảm. Đinh Hùng đã bị mặc cảm giày vò tái tê từ thể xác tới linh hồn. Giữa cuộc sống xô bồ giả tạo, kiếp người bơ vơ lạc lõng không tìm thấy chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất, cái gánh nặng áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn bị tổn thương và bi phẫn. Để giải thoát nỗi đau đời, Đinh Hùng trốn chạy vào trong thi ca, lấy đó làm điểm tựa để tồn tại, dầu biết rằng sự tồn tại ấy cũng chỉ là thoi thóp mà thôi. Nhưng dẫu sao thơ ca cũng là con đường thanh sạch nhất để cứu rỗi linh hồn, trong khi xác thịt chứa đầy tội lỗi bi thương.

Với một tập “Mê hồn ca”, Đinh Hùng bước vào làng Thơ mới với một hành trang rất nhẹ nhàng giản dị, nhưng lại đủ sức nặng để ám ảnh người đọc một cách dai dẳng. Sau này với tập thơ “Đường vào tình sử”, Đinh Hùng đã thực sự để lại cho đời những áng thơ bất hủ. Chịu ảnh hưởng của các nhà thơ tượng trưng Pháp như Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Valéry, Mallarme… Nhất là Baudelaire nhà phù thuỷ ngôn ngữ trong thi ca Pháp, con đường thơ ca của Đinh Hùng có nhiều nét riêng. Được coi là nhà thơ Tượng Trưng trong phong trào thơ mới, thơ Đinh Hùng có đầy đủ những đặc điểm của chủ nghĩa tượng trưng. Thơ ông trau chuốt, gọt giũa, có nhiều ý hay lạ, nhiều hình ảnh và ngôn từ quái dị, yêu ma... Và Tạ Tỵ đã gọi Đinh Hùng là nhà thơ với “cơn mê trường dạ”.

Trong Thi nhân Việt Nam, tác giả Hoài Thanh – Hoài Chân từng viết: “Những tư tưởng mới và nhất là ảnh hưởng văn học Pháp ngày một thấm thía (…) Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta”.(1) Trong Phong trào thơ mới, giáo sư Phan Cự Đệ viết: “Nhìn chung từ 1936 trở về sau, trường phái tượng trưng được người ta chú ý hơn cả. Tại sao đây? … Cái chính vẫn là sự gặp nhau của những tâm hồn trí thức bất mãn với xã hội, đau buồn, chán nản, u uất khi phong trào cách mạng của quần chúng bị thất bại hoặc bị đàn áp dữ dội…”.(2) Còn giáo sư Lê Đình Kỵ trong Thơ mới những bước thăng trầm lại cho rằng:“Nhưng không thể chấp nhận cuộc sống tầm thường, buồn tẻ như những người xung quanh, do đó mà cảm thấy lạc loài, bơ vơ, đơn chiếc, dù sao, đó cũng là cách quay lưng lại những chuẩn mực sống trong cái chế độ xã hội đáng ghét lúc bấy giờ”.(3) 

Nỗi đau, cái buồn, trạng thái cô đơn vô vọng là tâm thế chung của các nhà thơ mới Việt Nam nói riêng và các nhà thơ tượng trưng Phương Tây nói chung. Đó chính là sự gặp nhau của những tâm hồn trí thức mang nặng nỗi đau đời. Thơ Đinh Hùng cũng không nằm ngoài tâm thế ấy. Cái buồn được thú nhận và đề cao trong thơ Đinh Hùng, vì một khi nhà thơ đã rút về với cái tôi mà không còn có điểm tựa nào khác thì cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Đinh Hùng mang tâm tư của một kẻ lữ khách lạc loài nơi quán trọ trần gian đầy bụi bặm này, phó mặc cho dòng đời luân lưu đưa đẩy, con người như không biết trôi giạt về đâu. Chàng thi sĩ trẻ tuổi bước chân vào đời như đi trong cơn ác mộng. Nhìn những dáng hình người đang lạc loài ngay trên chính quê hương mình, người thơ đã vô cùng phẫn nộ: Miệng quát hỏi có phải ngươi là bạn?/Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản/Mất tinh thần từ những thuở xa xôi/ Ta về đây lạc hết các ngươi rồi/ Lạ tình cảm, lạ đời chung cách sống (Bài ca man rợ).

Cảm giác sợ hãi đang đè nặng tâm can, hốt hoảng, giật mình, bơ vơ, lạc lõng, Đinh Hùng trốn chạy vào tình yêu, những mong tình yêu có thể cứu vớt linh hồn đang khắc khoải. Nhưng rồi tình yêu có phải là nơi trú ẩn an toàn không khi mà Từ khi thưa lạnh hương em,/ Ta đem phòng làm cổ mộ, thì nhà thơ càng thấm thía thời gian sinh mệnh đời người sao quá đỗi ngắn ngủi. Làm sao có thể chiến thắng được thời gian đây, làm sao có thể thay đổi được quy luật của tạo hoá đây. Thôi thì nếu không chiến thắng nó thì đành trốn chạy nó vậy, chỉ còn một giải pháp, đó là vượt thoát vào mộng ảo, mê hồn. Thi sĩ xáo trộn thời gian, xoá nhòa hiện tại, đẩy nó về quá khứ xa xăm. Chỉ có như thế, nhà thơ mới mong tìm thấy được sự sống vĩnh hằng để băng bó vết thương tâm hồn: Ta nhớ xưa: đêm thu trăng rụng tiếng gà/Trăng vĩnh viễn khóc thời gian tình tự./Mây hay gió động nỗi niềm phong vũ/Bẩy xứ Tình che lấp dáng khinh thanh (Trời ảo diệu).

Nhưng rồi vết thương ấy có lành chăng khi tâm hồn vẫn đang hằng ngày hằng giờ rỉ máu. Chỉ có cái chết mới mong hoá giải những nỗi sầu đang đè nặng trong hồn anh: Khi anh chết các Em về đây nhé/Vị chút tình lưu luyến với nhau xưa/ Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ/Tay cầm hoa, xoã tóc đứng bên mồ… (Cung đàn tưởng niệm)

Vì sao Đinh Hùng lại có những vần thơ sầu não như vậy. Phải chăng "Những cái tang thuở thiếu thời, và sau này là cái chết của người yêu tên Liên đã ảnh hưởng đến rất nhiều tâm tính của Đinh Hùng, nên thơ anh thường đượm vẻ ảm đạm, bi thương..." (Huyền Viêm). Không tìm thấy sự đồng điệu trong cuộc đời đầy bất trắc này, Đinh Hùng tìm về chốn địa đàng hay đi vào cổ mộ theo tiếng gọi vô thức, tâm linh. Tìm về nơi thế giới ảo mộng với một niềm tin rằng tình yêu và sự sống sẽ mãi trường tồn, bởi trong thế giới ấy khái niệm thời gian không còn có ý nghĩa: Bốn mùa trăng vào một hội chiêm bao/Trong giấc ngủ đẫm mùi hương phấn lạ./Xa tục phố, đây bức tranh thần hoạ/Lẫn sầu vui, ai nhớ tuổi sông hồ (Tìm bóng tử thần).

Tình yêu đối với thi nhân vô cùng thiêng liêng, nó được xem như một thứ tôn giáo mà tác giả luôn tôn thờ: Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc/Mặc tay em định liệu kiếp ngày sau (Kỳ nữ). Do vậy khi phải lìa xa vì cái chết, tác giả nát tan cõi lòng và thốt lên những lời bi thiết: Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?/Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?/Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy/Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu (Gửi người dưới mộ).Những câu thơ chứa đầy nỗi u sầu, thương nhớ, đưa chúng ta vào một thế giới liêu trai ma quái, nhưng thấm đẫm tình yêu. Bài thơ bộc lộ một cảm giác cô độc đặc biệt đến bi thương. Đọc xong bài thơ Gửi người dưới mộ, chúng ta đều cảm thấy rờn rợn trong hồn. Trong thơ Đinh Hùng ta thấy có một sự ám ảnh của thế giới bên kia – cõi hư vô. Đinh Hùng hay đề cập đến cái chết trong thơ mình, có khi là cái chết của người khác: Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt/ Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao./ Xa nấm mồ, chúng ta cuồng dại hết/ Để yêu tà về khóc dưới non ca (Tìm bóng tử thần), có khi là cái chết của người mình hằng yêu dấu: Trời ơi ! Trời ơi ! Làn tử khí/Lạc lõng hương thầm đóa Bạch Liên (Cầu hồn), cũng có khi là cái chết của chính mình: Anh bơ vơ lạc trên đường thiên cổ/ Lạnh tâm tư, mờ tỏ ánh tinh cầu./ Mất anh rồi, Các Em sẽ về đâu? (Cung đàn tưởng niệm).

Điều này không những liên quan đến nhiều chuyện tang tóc bất bình thường trong thời gian ngắn liên tục đổ xuống đầu tác giả thuở thiếu thời mà còn liên quan đến quan niệm mỹ học của các nhà thơ tượng trưng, đó là nhà thơ say mê nỗi buồn, sự đơn độc và cả cái chết. Các nhà thơ tượng trưng có thể tưởng tượng say mê cái chết, nó là cái cớ để xây dựng nên một thế giới thẩm mỹ riêng, vì theo họ cái chết cũng mang tính thẩm mỹ. Do vậy, ai đã từng đọc tác phẩm Mê hồn cađều bị ám ảnh bởi những hình ảnh ma mỵ liêu trai, hoang sơ, man dại, chết chóc, lạnh lùng của chốn trần gian lẫn chốn âm ty: Rồi ta đi khí núi bốc trên lưng/Mắt hung ác và hình dung cổ quái/Trông thấy ta cả cõi đời kinh hãi (…) Người và vật nhìn ta không dám nói/Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè/Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe/Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả/Và ta thấy hiện nguyên hình sơn dã...( Bài ca man rợ).

Thơ Đinh Hùng luôn bị ám ảnh bởi một thế giới siêu thoát, kinh dị, đầy sự chết chóc, lạnh lẽo của chốn âm ty. Đó là thế giới của nỗi đau, niềm tuyệt vọng, sự cô đơn đang gặm nhấm xác thịt lẫn tâm hồn. Ngôn ngữ thơ đầy cảm giác, ma quái, rùng rợn… đưa người đọc phiêu diêu vào miền xa xăm huyền bí, đến những bến bờ xa lạ của cảm giác, của cõi tiềm thức, hư vô… Đinh Hùng hiểu rất rõ nỗi đau của mình, và ông tìm đến thơ tượng trưng như một sự cứu rỗi trong linh hồn vì đây là “lối thơ xoáy sâu vào chủ thể, lối thơ biểu hiện sự phản ứng đối với cuộc sống tầm thường nhỏ nhen, vị kỷ, vị lợi trở thành có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhà thơ Việt Nam” (Nguyễn Hữu Hiếu).(4)

Bốn mươi tám năm ở trọ trần gian, thi sĩ Đinh Hùng đã kịp để lại cho đời hai thi phẩm lớn là “Mê Hồn ca” và “Đường vào tình sử”. Cuộc đời tuy khá ngắn ngủi nhưng ngược lại tác phẩm lại có đời sống dài hơn gấp bội phần. Đọc thơ Đinh Hùng ta nhận ra rằng trên suốt con đường thơ đầy nhọc nhằn ấy, thi sĩ miệt mài tìm kiếm lại chính mình, tìm kiếm lại cái bản ngã mà có lúc tưởng như bị nhoà lẫn vào trong bức tranh nhân sinh đầy hỗn tạp. May thay, trên con đường tìm kiếm ấy, Đinh Hùng không những tìm lại được chính cái bản lai diện mục của mình mà còn khẳng định được chỗ đứng vững chãi trong cuộc đời vô thuỷ vô chung này.

VÕ THỊ THANH TÙNG
Khoa Ngữ văn Đại học Thủ Dầu Một

Chú thích:

(1): Hoài Thanh – Hoài Chân (2003), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học Hà Nội.
(2): Phan Cự Đệ (1982), Phong trào thơ mới. Nxb Khoa học xã hội.
(3): Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới những bước thăng trầm, NXB TP. Hồ Chí Minh.
(4): Nguyễn Hữu Hiếu,Vấn đề tiếp nhận các yếu tố nghệ thuật của thơ tượng trưng phương Tây trong Thơ Mới Việt Nam 1932-1945. Trang wed: http://www.hcmussh.edu.vn.

                   Nguồn: Tạp chí Sông Trà - số 41 năm 2012



Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân Nguyễn Bính

Với Nguyễn Bính, ngày Tết không trông thấy quê hương là nỗi buồn đau tột cùng… Và kiếp lưu đày chỉ khiến nỗi nhớ cố hương đầy thêm trong tâm cảm của nhà thơ. Đây cũng là chìa khóa giải mã tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương
Nhà thơ Nguyễn Bính

1. Trong những gương mặt tiêu biểu của Thi ca tiền chiến Việt Nam những năm 1932 -1945, Nguyễn Bính được định danh là thi sĩ của đồng quê  như chính ông đã tự nhận: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh / Thầy u mình với chúng mình chân quê” (Chân quê). Cái chất “đồng quê” ấy đã chuyển hóa thành những thi giới chứa đầy hồn quê, tình quê và đã trở thành một sự ám ảnh trong thơ ông. Vì vậy, đọc thơ Nguyễn Bính ít ai nghĩ rằng ở con người nhà quê “chính hiệu” ấy lại ẩn chứa một tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương, vì những tháng năm phải sống biền biệt trong cảnh ly hương. Tâm thức ấy, dường như là sự an bài của định mệnh, nó không chỉ hiển lộ trong thơ mà còn là một thực thể trong hành trình sống của đời ông qua những cuộc thiên di trên mọi miền đất nước, từ Hà Nội nghìn năm văn vật đến Cố đô Huế cổ kính, rồi dạt vào Sài Gòn hoa lệ, tới những vùng đất phía Nam tổ quốc mà bài thơ Hành phương Nam như một hiện hữu xác tín cho những tháng ngày lưu lạc “giang hồ” của cuộc thiên di này như thi nhân đã tâm sự:

                                        Đôi ta lưu lạc phương Nam này
                                        Trải mấy mùa qua én nhạn bay
                                        Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
                                        Mà ta với người buồn vậy thay
                                                         (Hành phương Nam)
     
Và trong những tháng ngày lưu lạc ấy, Nguyễn Bính luôn khắc khoải một nỗi nhớ cố hương. Nỗi nhớ ấy là tâm thức hiện sinh hiện hữu trong thơ ông, là tiên đề tạo nên dự phóng để thi nhân sáng tạo. Thế nên, khi đọc những câu thơ này, ta không thể không thấy nao nao một nỗi nhớ cố hương khởi lên từ hồn thơ của tác giả dội vào lòng ta như những con sóng vỗ bờ. Nỗi nhớ ấy như được chưng cất từ tâm cảm thi nhân, tan chảy vào thơ như một thứ mật đắng nhớ mong và xa cách của tâm thức lưu đày...

                                    Quê nhà xa lắc, xa lơ đó
                                    Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
                                                           (Hành phương Nam)

                                     Chao ơi, Tết đến em không được
                                     Trông thấy quê hương thật não nùng
                                                              (Xuân tha hương)

2.  Song, tâm thức lưu đày ấy, không chỉ là cái riêng có của thi sĩ Nguyễn Bính. Đó là căn tính của phận người trong kiếp nhân sinh và thi nhân đã nâng lên thành một qui luật phổ quát của tâm cảm con người. Đó là cái tình hoài hương trong những ngày xuân phải sống “lênh đênh” xa cách, khi mà nhu cầu đoàn tụ, sum họp bên ngôi nhà ấm êm ở quê nhà mỗi khi Tết đến, đang là khao khát thiêng liêng đối với con người hơn bao giờ hết!?

                                       Lênh đênh tóc rối cỏ bồng
                                       Chiều ba mươi tết ai không nhớ nhà  
                                                    (Xuân về nhớ cố hương)
      
Hình như trong cõi nhân gian này, những thi sĩ đích thực đều mang thân phận lưu đày của kẻ tha hương!? Và chính điều này đã kết tinh trong thơ họ một nỗi nhớ cố hương như dấu ấn của nỗi đau xa cách. Bởi thế, Tản Đà đã từng “ngạo nghễ” trong đắng chát khi tự thú: “Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Còn Huy Cận từng xa xót thở than “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” nên suốt đời, luôn mang trong tâm thức một mối “sầu vạn cổ” của kẻ ly hương. Thế nên, không phải ngẫu nhiên trong thơ Nguyễn Bính lại xuất hiện nhiều bài thơ xuân thể hiện tâm thức lưu đày như: Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hươngvà ngay cả ở những bài thơ không có từ “tha hương” thì tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương vẫn đong đầy trong thi đề, thi ảnh, thi tứ của các bài thơ như: Xuân nhớ, Xuân thương nhớXuân về nhớ cố hương, Hành phương Nam, Tết biên thùy, Đêm mưa đất khách... Bởi, nỗi nhớ cũng là một phương diện khác của tâm thức lưu đày...

Trong cái nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, con người hiện hữu giữa cõi nhân gian chính làdấn thân vào một cuộc lưu đày và cuộc lưu đày của thi nhân là một cuộc lưu đày bất tận. Vì vậy, trong thơ Nguyễn Bính nói chung và thơ xuân của ông nói riêng, tâm thức lưu đày luôn thường trực và là cảm hứng chủ đạo làm nên một hệ mỹ học của thơ ông. Thế nên, trong bài thơ Xuân tha hương được Nguyễn Bính viết ở Huế, tháng chạp năm Nhâm Ngọ 1942, câu thơ “Tết này chưa chắc em về được”, thi nhân đã nhắc lại đến bảy lần và mỗi lần thể hiện một trạng thái khác nhau của tâm thức lưu đày. Nhưng tựu trung vẫn là sự xa cách và nhớ thương trong cô độc phận người của những ngày “xuân tha hương” mà khi chạm đến những câu thơ này lòng ta không thể không thấy xa xót và cảm thương đối với thi nhân. Điệp ngữ  “Tết này chưa chắc em về được” như lưỡi dao cứa vào tim thi sĩ và người tiếp nhận vì sự ám ảnh khôn nguôi của xa cách và nhớ mong. Thi sĩ – kẻ tha hương dường như đang tha thiết kiếm tìm sự đồng cảm, tri âm trong nỗi đau xa xứ đang đè nặng tâm hồn ông đến “não nùng”...

                                Tết này chưa chắc em về được
                                Em gửi về đây một tấm lòng
                                Ôi, chị một em, em một chị
                                Trời làm xa cách mấy con sông
                                  ...
                                 Tết này chưa chắc em về được
                                 Em gửi về đây một tấm lòng
                                 Chao ơi, Tết đến em không được
                                Trông thấy quê hương thật não nùng
                                                       (Xuân tha hương)
         
Song, cái tâm thức lưu đày đó không chỉ đơn thuần là sự cách xa, là nỗi buồn và niềm thương nhớ đến quặn lòng đối với cố hương mà đó còn là nỗi cô đơn của thân phận vốn là một yếu tính của kiếp người. Và khi nỗi cô đơn đẩy đến tận cùng thì tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương kết lại thành nỗi đau nhân thế. Bài thơ Xuân lại tha hương của Nguyễn Bính là hiện thân của nỗi đau này, khi mỗi độ xuân về nhưng thi nhân vẫn là kẻ bơ vơ, lạc loài, vẫn “ăn cái Tết ngoài thiên hạ”, vẫn sống lặng thầm trong cảnh tha hương:

                                     Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió;
                                     Xuân này em chị vẫn tha hương,
                                     Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
                                     Son sắt say hoài rượu bốn phương.
                                                        (Xuân tha hương)
        
Phải chăng, những bài thơ thấm đẫm nỗi buồn nhân thế này cũng là một giá trị trong thơ Nguyễn Bính. Nỗi buồn ấy là kết tinh từ thân phận lưu đày của thi nhân trong những mùa xuân tha hương, trong những ngày tháng “giang hồ” trên khắp mọi miền đất nước, mà có những lúc ông phải sống như kẻ không nhà, sống trong đói cơm, thiếu áo và chỉ còn có thơ để ông “vịn” (từ của Phùng Quán) vào đó mà tồn sinh, mà hiện hữu... Cho nên, có thể nói, những bài thơ xuân với cảm thức “tha hương” của Nguyễn Bính đã tạo nên một cảm thức mỹ học về nỗi buồn của kiếp lưu đày trong thân phận con người. Vì vậy, Đào Trường Phúc trong bài viết: “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương”, khi nhận định về tính chất tha hương của Nguyễn Bính, rất có lý khi cho rằng: “Có hay chăng một thứ định mệnh ràng buộc Nguyễn Bính với những chuyến đi? Đó là những chuyến đi vừa thơ mộng vừa cay đắng, những chuyến đi thất bại. Đó là những chuyến đi cô quạnh, nếu có một kẻ đồng hành nào thì cũng chỉ là kẻ đồng hành tình cờ, gặp nhau trong nỗi cô đơn của mỗi người để chia sẻ một chút gió bụi buồn của giang hồ, rồi lại chia lìa nhau suốt đời. Đó là những chuyến đi chất chứa đầy nhớ thương, đầy chua chát, đầy tan nát. Đó là những chuyến đi tượng trưng đầy đủ nhất cho định mệnh của một thi sĩ giang hồ, của thi sĩ và giang hồ”.(1) Và Nguyễn Bính gọi đó là nỗi buồn của “tên lính ở biên cương” như chính ông đã thú nhận ở bài thơ Xuân tha hương:

                                         Em đi non nước xa khơi quá!
                                        Mỗi độ xuân về bao nhớ thương;
                                        Mỗi độ xuân về em lại thấy,
                                        Buồn như tên lính ở biên cương.
                                                          (Xuân tha hương)
        
Và theo Đào Trường Phúc chính nỗi buồn, niềm cô đơn của những ngày tháng lưu đày trong kiếp giang hồ đó đã đốt cháy trong tâm thức Nguyễn Bính một khao khát trở về, một khát vọng hoài hương, một cái “ngoảnh lại” trong cuộc phiêu lưu của việc chạy đua với định mệnh. Chính “Nỗi cô đơn, tình hoài hương, tâm trạng lưu đày cùng một lúc phả vào thơ Nguyễn Bính trong giai đoạn sau này của đời ông, một hơi thở chua chát thê lương và đốt nóng lên trong dòng thơ ấy ngọn lửa khao khát của một ngày về.”(2) Nhưng cay đắng hơn, tâm thức lưu đày ấy không chỉ là hệ quả của sự xa cách quê hương bởi những cuộc thiên di, để từ đó thi nhân khao khát một ngày trở về như Đào Trường Phúc đã viết mà có khi ông đã trở thành “kẻ lưu đày” trên chính quê hương mình. Vì vậy, có thể nói, tâm thức lưu đày trong thơ xuân của Nguyễn Bính chính là một phẩm tính hiện sinh của thân phận, của thế giới nội cảm kết tinh và lan tỏa trong vũ trụ thơ ông. Nó không phải là những “tinh tú rực rỡ” vô hồn mà là những “vì sao trơ trọi” của nỗi cô độc phận người trong kiếp tha hương. Vì vậy, nó gần gũi với tâm cảm của con người như một sẻ chia, bởi trong kiếp sống lênh đênh phận người, ai lại không có những ngày tháng xa quê. Thơ Nguyễn Bính chân thật mà say đắm hồn người là vì thế...

                             Quê nhà gối chiếc, thôi rồi kẻ
                             Chia nửa vầng trăng với dặm trường
                                             (xuân vẫn tha hương)
     
Để rồi, “Trong nỗi cô quạnh ấy, ngọn lửa khát vọng của ngày về quê hương vẫn không tắt trong lòng Nguyễn Bính, ngọn lửa thắp sáng giữa cõi phi - ý - thức đó đôi lúc đã khiến cho chính ông có những ảo giác về một ngày về. Lời ước hẹn và giấc mơ của những bài thơ chất chứa lòng sầu xa xứ.” (3)

                      Đất Bắc phải đâu là đất khách
                      Sao lòng mãi nặng mối tình quê?
                                               (Xuân nhớ)
         
Nhưng dù có đi đến đến tận cùng của nỗi khao khát “qui cố hương” thì Nguyễn Bính cũng không thể nào vượt qua sự đặt để của số phận trong kiếp lưu đày của một thi sĩ giang hồ. Vì theo Đào Trường Phúc thì “tình hoài hương của Nguyễn Bính, như thế, vẫn không biến đổi gì từ cái bản chất đặc biệt phảng phất trong mỗi câu thơ, từ Lỡ bước sang ngang đến những bài thơ cuối cuộc đời ông. Nguyễn Bính trước sau vẫn chỉ là một thi sĩ giang hồ, một thi sĩ tha hương.”(4) Và lý giải điều này từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Đào Trường Phúc đã rất có lý khi cho rằng: “Nỗi cô đơn của Nguyễn Bính, của một kẻ tự lưu đày trong những chuyến lang thang tìm kiếm quê hương bằng những bước rời xa quê hương, như thế, trở thành gần như một nỗi cô đơn thu kín và tuyệt vọng.” (5) Và đây chính là nhân duyên làm nên kiếp sống giang hồ của Nguyễn Bính trong những ngày hiện hữu ở cõi đời mà tâm thức lưu đày trong thơ xuân của ông là một phần trong kiếp “giang hồ” của thi sĩ.

                                  Trót đà mang số sinh ly
                             
Bao giờ tôi mới được về cố hương
                                 
Xuân về những nhớ cùng thương
                             
Trời ơi! Muôn vạn dặm đường xa xôi!
                                   Chiều ba mươi hết năm rồi
                             Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà
                                    Tôi còn lận đận phương xa
                              Để ăn cái tết thật là vô duyên.
                                          (Hành phương Nam)
      
Bài thơ Hành phương Nam như một dự báo cho cuộc đời ông khi ông dự cảm: “Chiều ba mươi hết năm rồi / Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà”. Bởi, cách đây năm mươi năm, ngày 29 Tết, Bính Ngọ 1966 (năm ấy, tháng Chạp không có ngày 30) ông đã “đi ra ngoài cõi sống” không phải trong ngôi nhà của mình mà ở nhà một người bạn yêu thơ ông. Thì ra, ngay cả đến khi chết, Nguyễn Bính vẫn chọn cái chết của một kẻ tha hương, một kẻ không nhà. Sinh thời, có thể nói, Nguyễn Bính là một trong không nhiều thi sĩ viết nhiều, viết hay và đắm đuối về mùa xuân... vậy mà đời ông hình như chưa có một ngày xuân viên mãn!? Số phận luôn đẩy ông vào những bi kịch của cuộc sống. Phải chăng, vì thế, ông đã trở thành thi sĩ thiên tài, dù chỉ là một thiên tài lỡ dở như Tạ Tỵ đã xác quyết: “Bính là một thiên tài, nhưng là một thiên tài lỡ dở, vì tổng kết từ cuộc sống bản thân tới nghệ thuật, ở bên trong mỗi dữ kiện người ta cảm thấy như Định Mệnh đã an bài cho Bính sự trừng phạt hơn ân thưởng. (...) Sự lỡ dở do Tình Yêu, do cuộc đời, do bạn hữu, do bản thân tạo nên, tất cả như a vào nhau để làm cho tiếng thơ buồn của Bính vút lên rồi tỏa ra những làn ánh sáng kỳ diệu giữa trời thơ nước Việt hôm qua, hôm nay và mãi mãi.”(6)
     
3. Có thể nói, số phận đời ông đã vận vào những câu thơ của ông như một định mệnh, để rồi ông mãi mãi là một kẻ suốt đời rong ruổi trên dặm đường thiên lý mà ngày trở về chỉ là một ước vọng mù khơi. Vì vậy, tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân Nguyễn Bính cũng là một phần cuộc đời ông, là một hệ giá trị trong thiên tài thơ Nguyễn Bính mãi mãi còn lại với thời gian... Đọc thơ xuân Nguyễn Bính trong cái se lạnh của những ngày chuyển mùa, không thể không day dứt bởi những vần thơ chân mộc nhưng hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc: Khát vọng gắn bó con người với quê hương luôn là một hằng số văn hóa, là cội nguồn của sự sống. Với Nguyễn Bính, ngày Tết không trông thấy quê hương là nỗi buồn đau tột cùng… Và kiếp lưu đày chỉ khiến nỗi nhớ cố hương đầy thêm trong tâm cảm của nhà thơ. Đây cũng là chìa khóa giải mã tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương, một giá trị nhân văn trong thơ xuân Nguyễn Bính còn neo đậu mãi ở bến bờ tâm thức của người tiếp nhận và là căn tố tạo nên sự bất tử của đời thơ Nguyễn Bính...

TRẦN HOÀI ANH
Nguồn: NVTPHCM
     
Chú thích:

(1) (2) (3) (4) (5)  Đào Trường Phúc: “Nguyễn Bính, những mùa xuân tha hương” Văn 189/1971, tr.45, tr. 50, 51, tr.52, tr.53, tr.51
(6) Tạ TỵMười khuôn mặt văn nghệ, SG, 1970, tr.134



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...