Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Nhà thơ Thiên Hà & người tình có tên trong di chúc

Nhà thơ Thiên Hà tên thật là Dương Cao Thâm, ông sinh năm 1940 trong một gia đình trí thức tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Thừa hưởng niềm đam mê văn nghệ từ người cha là một nghệ nhân đàn kìm, cùng với tình yêu quê hương sâu sắc, Thiên Hà đã cầm bút sáng tác từ rất sớm. Cho đến nay, ông đã cho ra đời nhiều tập thơ, truyện ngắn được bạn đọc đón nhận. Đặc biệt là những bài thơ của ông được nhạc sĩ Anh Việt Thu chấp cánh để trở thành những bản tình ca đi vào lòng nhiều thế hệ khán, thính giả...
Nhà thơ Thiên Hà và “người tình có tên trong di chúc” - bà Ngọc An

Người ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút

16 tuổi, cái tên Thiên Hà đã được bạn đọc biết đến qua những bài thơ viết về tình yêu, quê hương. Dạo đó, ông làm thơ, viết truyện ngắn để kiếm sống. Mỗi tháng chỉ cần 2 truyện ngắn đăng báo là đủ trang trải chi phí cá nhân. Mà tháng nào ông cũng viết nhiều hơn số ấy, thành ra dư dả. Thời chiến nên tiền bạc cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sự sống luôn thường chực bên cái chết. Có đó rồi mất đó. Bạn bè ông hôm nay còn ngồi khề khà chén chè, chén rượu, mai đã nghe tin dữ. Thiên Hà thường ví von mình là: “Người cầm viết ngẩn ngơ giữa trường - văn - trận - bút”. Nhưng đối với văn đàn, bạn bè, đồng nghiệp, anh không hề ngơ ngẩn mà luôn có cái nhìn sâu thẳm về cuộc đời với tâm trạng phảng phất chút u buồn, lo lắng của một người trai sinh ra trong thời loạn lạc, luôn hướng về tình yêu quê hương, con người, và trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh vẫn tự tin ở một ngày mai tươi sáng. Ông đến với văn chương như một cách để cân bằng giữa cuộc sống đời thường. Cũng chính văn chương, thơ nhạc như một thứ thảo dược xoa dịu tâm hồn ông trong thời loạn lạc.

Thơ Thiên Hà được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Anh Việt Thu; Hoàng Trang; Thanh Sơn… Tuy nhiên, đến năm 1962, bài thơ Nhớ nhau hoài của ông với sự chấp cánh của nhạc sĩ Anh Việt Thu đã trở nên nổi tiếng. Người người, nhà nhà đều thuộc nằm lòng từng câu chữ: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em? Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm. Nắng ở trên đầu nắng trong lòng phố, gió ở trên non, gió cuốn mây về”. Điệu Ballad nhẹ nhàng cùng với câu từ truyền cảm đã đi vào lòng người nghe bởi những giọng ca nổi tiếng thời ấy như: Duy Khánh, Hoàng Oanh, Giao Linh... Tên tuổi của Thiên Hà cũng được biết đến từ ấy. Với sự kết hợp ăn ý của người nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh Anh Việt Thu, lần lượt những bài thơ của ông được phổ nhạc và chiếm được tình cảm của nhiều khán, thính giả như: Gió về miền xuôi, Xa dấu ngựa hồng…

Ông cho biết, từ nhỏ ông rất thích nghe những bản nhạc có âm hưởng dân ca, mà nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác nhiều ca khúc theo âm hưởng ấy. Với giọng trầm ấm, ông hát cho tôi nghe những bài hát quen thuộc mang âm hưởng dân ca của Anh Việt Thu: “Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. Bàn tay năm ngón mưa sa. Dìu anh trong tiếng thở. Đưa tiễn anh đi vào đời…”, rồi bài: “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng, ngày nao súng phải lạnh lùng. Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng. Ôi mây xõa tóc nghiêng nghiêng. Xin đa tạ người em bé bỏng mặn mà, người em bé bỏng thật thà…”. Chính sự đồng cảm trong âm nhạc ấy đã đưa hai tâm hồn nghệ sĩ xích lại gần nhau hơn, chỉ tiếc là Anh Việt Thu ra đi khi còn quá trẻ, trong thời điểm giữa ông và người nhạc sĩ tài hoa đang có rất nhiều dự định cho con đường âm nhạc của mình.

Làm thơ tặng người yêu có tên trong di chúc

Nhà thơ Thiên Hà hiện đang sống cùng vợ là bà Ngọc An trong căn nhà khá khang trang tại quận 9. Đón tiếp chúng tôi bằng bình trà nóng ấm giữa cơn mưa Sài Gòn nặng hạt, bà vui vẻ kể nhiều câu chuyện về nhà thơ Thiên Hà, trong đó có nhắc tới nhiều… bóng hồng đã đi vào thơ của ông. Hiếm có người phụ nữ nào lại vui vẻ kể về những bóng hồng của chồng mình như thế. Hỏi bà có ghen không, bà trả lời không, nếu có thì ngay từ đầu đã không về làm vợ ông ấy!

Quả nhiên, Thiên Hà là một người đào hoa. Những bài thơ tình của ông hầu hết không phải viết cho vợ. Khi hỏi về bài Nhớ nhau hoài, ông kể: “Thời sinh viên tôi đi học và ở trọ. Phòng trọ đối diện là một cô bé có mái tóc dài. Mỗi buổi chiều, cô ấy hay ra ban công ngồi chải tóc. Từng lọn tóc dài bay trong gió nhìn rất đẹp. Nhiều lần tôi muốn qua làm quen nhưng ngại nên không dám. Đến một ngày cận kề mùa xuân, tôi không còn thấy cô bé ấy xuất hiện chải tóc mỗi buổi chiều nữa. Tôi thơ thẩn như người thất tình. Thế là cầm bút sáng tác: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?”. Mãi sau này bài hát được phổ biến, báo chí phỏng vấn thắc mắc về nhân vật “em” trong bài hát, cô ấy đọc mới biết viết cho mình.

Mãi đến sinh nhật thứ 70 của mình, ông mới viết thơ cho vợ. Bà Ngọc An rất thích bài thơ và thường yêu cầu ông đọc mỗi khi khách ghé thăm, bài “Người yêu có tên trong di chúc”. Bài thơ với những câu từ đơn giản nhưng chứa đựng tấm chân tình của ông dành cho vợ. Cũng là để nhấn mạnh cho “người yêu có tên trong di chúc” của mình hiểu một điều, dù có thế nào chăng nữa, vợ vẫn là mối tình chung thủy cuối cùng của nhà thơ. Đến thăm gia đình nhà thơ, cảm thấy thoải mái vì nơi đây luôn rộn rã tiếng cười. Những câu anh ơi, em ơi ngọt ngào như đôi lứa ở thuở mới biết yêu. Bà Ngọc An giải thích: “Ảnh như vậy đó, cứ nghĩ mình còn trẻ không à nên không chịu đổi cách xưng hô”.

Trong số những bài thơ được phổ nhạc của ông, Xa dấu ngựa hồng là bài hát mà ông tâm đắc nhất, mặc dù không được nhiều người biết đến như những ca khúc khác. Ông giải thích từ “ngựa hồng” trong kinh thánh có nghĩa là báo hiệu chiến tranh. Ở đâu có ngựa hồng xuất hiện là ở đó có chiến tranh. Bài Xa dấu ngựa hồng cũng chính là điều mà thời tuổi trẻ ông khát khao nhất: hòa bình. Ông đã khéo léo dùng câu chữ để thể hiện niềm khát khao cháy bỏng đó của mình trong bài thơ.

Đến nay ở tuổi ngoài 70, ông vẫn sáng tác thơ và làm chủ biên tủ sách Bến tâm hồn, một tủ sách chuyên giới thiệu các văn nghệ sĩ vang bóng một thời ở miền Nam trước đây. Những lúc rảnh rỗi, ông cùng bạn bè ngồi ôn lại kỷ niệm ngày xưa. Bên tiếng guitar bập bùng, những bài hát của ông luôn được bạn bè nhớ và hát. Đó cũng là niềm hạnh phúc giản dị của một người sống trọn đời với nghề cầm bút.

__________________________________

Tác phẩm tiêu biểu của Thiên Hà:

Thơ: Tiếng hờn (1963); Tiếng hát quê hương (1968); Gió về miền xuôi (2004); Xa dấu ngựa hồng (2005); Huyền thoại tình yêu (2006); Nhớ nhau hoài (2007); Còn thương mãi thương (2007); Cõi trú (2009)

Văn: Mình nỡ sao quên (Giải truyện ngắn báo Tiếng Chuông đợt VI 1962); Khoảng tối sau lưng (tập truyện 1965); Cuối đường (tiểu thuyết 1966); Nghìn đêm ánh sáng (Roman photo 1967); Một ngày nào đó (kịch bản phim 1970); Nhập cuộc (bút ký 1972); Mặt trời phương đó (truyện vừa 1973); Trí nhớ của tên kiện vong (kịch bản phim 1974); Cuộc tình tay ba (phóng sự 2005); Lật lại hồ sơ vụ án (điều tra 2006); Đoạn cuối một cuộc tình (truyện hình sự 2007); Chuyên án K98 (kịch bản phim 2008); Hành trình bút mực (tạp văn)…

ÁNH HƯỜNG
Theo KTNN


Ánh sáng và bóng tối trong Đêm trinh của Nguyễn Vỹ

Nhắc đến Nguyễn Vỹ, người ta biết ông như là nhà thơ của những thể thức lạ qua các bài khá quen thuộc: Sương rơi, Hoàng hôn, Tiếng chuông chùa, Mưa,… Nhưng nổi tiếng hơn lại là bài thất ngôn dài Gửi Trương Tửu chắc chắn ở lại trong tàng thức thơ ca Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Vỹ

Tuy vậy ở đây tôi muốn nói đến một bài thơ khác, ít người biết: Đêm trinh. Đó là điều ngạc nhiên. Đáng lẽ nó đã chiếu sáng. Nó tư tưởng về một bóng tối uyên nguyên có thể mở ra ánh sáng. Bài thơ còn chìm khuất trong nỗi thờ ơ hiện đại. Trong khi nó xuất hiện từ năm 1962 ở Sài Gòn trong tập thơ Hoang vu của Nguyễn Vỹ. Dù khi đó, Hoang vu đã được nhà văn Thiết Mai, trong Sáng dội miền Nam, nhìn thấy đó là thơ của ý tưởng:

“Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo (Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, Tù, Đêm trinh,…). Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng…”(1).

Vậy thì, những ý tưởng đã được nhà thơ “suy tưởng” như thế nào? Suy tư và tưởng tượng ra sao? Suy cái ý tứ và tưởng tượng cái hình ảnh, ở đây chỉ lấy bài Đêm trinh mà suy mà tưởng.

Nhưng như thế thì ai suy tưởng? Nhà thơ hay người đọc? Là người đọc suy tưởng trên thơ? Hay chính là thơ suy tưởng trên người đọc. Cái đó thường khi không phân biệt.

Và hiệu năng của thơ là đưa thơ và người đọc vào cõi vô sai biệt, ở đó thơ như phát tiết từ cả hai phía: sáng tạo và tiếp nhận.

Ta như trôi thẳng vào điều đó ngay từ ba chữ mở đầu của Đêm trinh:

 Đêm nay tôi…

Đêm nay là đêm nào? Một thời gian phiếm chỉ vì thế có thể là bất kỳ đêm nào của thời thế bóng tối.

Và tôi nào? Cái tôi của nhà thơ phải được hiểu là một cái tôi phiếm chỉ. Vì nhà thơ không hát từ một cái tôi mà vô số cái tôi. Nhà thơ không phải là tiếng nói của đám đông ở phía ánh sáng mà là tiếng nói của vô số cái tôi ở phía bóng tối.

Nhưng để dễ đi vào bóng tối của Đêm trinh, ta hãy chia bài thơ thành từng chặng đường. Không có mê lộ của hoang vu. Chỉ có chân trời của hoang vu. Đêm trinh cũng thế, không có mê lộ mà chỉ có chân trời.

Đêm trinh:

                1. Đêm nay tôi không muốn ngồi gục bên đỉnh trầm
                                                Nghe rượu cười trong ly,
                                Nhạc quay cuồng trong khói,
                                                Thời gian đọng trên mi.
                                Tôi muốn về bên giếng tối,
                                                Khu vườn âm u,
                                Quê hương hoang vu.
                                                Không một dấu vết.

Chặng đầu của một cuộc hành trình là ý muốn trở về. Muốn về vì không muốn những điều bê tha ở trước mặt, ở tiền-hành trình: rượu trong ly, nhạc trong khói, những thứ đang cười cợt, quay cuồng. Cả thời gian cũng đảo theo những mi mắt người say, cái thế giới mà Vũ Hoàng Chương từng tả (“Khúc nhạc hồng êm ái, Điệu kèn biếc quay cuồng”).

Thế thì về đâu? Tại sao là giếng tối?

Quẻ Tỉnh trong Kinh Dịch tượng hình một cái giếng. Đó là nguồn nước của quê hương, ở ngoài ta và trong ta. Giếng là cái không thể di dời nơi nó là. “Bất cải tỉnh”: Không thể đổi dời giếng đi (Thoán từ của quẻ Tỉnh).

Vậy thì về bên giếng tối là về với nguồn nước không thể đổi dời dù nó đang ở trong bóng tối. Cũng có thể vì ở trong bóng tối, nó mới là nguồn. Bởi bóng tối còn là huyền bí, cái huyền bí ở sâu bên trong ta hơn là vây bọc bên ngoài ta.

Các hình ảnh “khu vườn âm u” hay “quê hương hoang vu” cũng nương theo đó mà xuất hiện ở đây, âm u và hoang vu thuộc về cái nguyên sơ, trinh thuần và huyền bí, chưa bị những đám đông xô bồ và xa lạ gây tổn hại. Vì thế mà “không một dấu vết” trong bản chất của Đêm trinh.

Cuộc hành trình khởi từ “ngồi gục bên đỉnh trầm” đến “về bên giếng tối”. Khởi đi từ thứ ánh sáng giả tạo của tiệc rượu và nhạc cuồng. Từ bỏ ánh sáng giả tạo đó để về với bóng tối của đêm trinh.

Cũng trong khoảng thập niên 1960 nhà thơ Đức Enzensberger cũng viết bài thơ về Cõi bóng tối (Schattenreich) có những suy tưởng gần như gặp gỡ với Đêm trinh:

                “ngay bây giờ đây tôi thấy một nơi,
                một nơi tự do,
                ở đây trong bóng tối.

                bóng tối này
                không thuận bán trinh.” (2)

Tự do chính là hoang vu. Quê hương hoang vu là nơi chốn của tự do mà nhà thơ muốn tìm về. Nơi chốn đó không dành để đem bán (verkaufen) như là bán trinh.

Như vậy, từ “Đêm nay” đến “dấu vết” là chặng đầu của cuộc hành trình trở về bản nguyên, trở về tôi và đi vào trong tôi trong một hiện tại vô tận, một cái tôi không phải là sự vật mà là một triển nở vô hạn.

Từ đó bắt đầu chặng hai của hành trình.

Đêm trinh

                2. Tôi không muốn giẫm lên những mặt trời đã chết,
                                Không vương những nắng tơ đã kết
                                                Vòng hoa trên cỗ áo quan tài.
                Đã lạnh rồi, những mùa xuân chết yểu trong Thiên Thai!
                                Nhặt làm chi những phím hương đổ gãy,
                                                Màu xám hoàng hôn,
                                Màu xanh rợn hoang hồn,
                Hình bóng thời Homère quay cuồng trong nhạc lửa!
                                Thôi, vươn lên chi hình hài ẻo lả nữa!

Giai đoạn tiền-hành trình được quy kết với những thứ đã chết, đối với nhà thơ. Để có thể dẫm lên chúng mà bước đi. Những thứ đó có thể một thời được thôn thờ (mặt trời) được trân quý (nắng tơ) được quàng quanh cổ (hóa ra là cỗ áo quan tài!). Tất cả đã chết, đã kết, đã đóng áo quan. Bây giờ đã có thể quên đi những chiếc “áo” đó, những thứ chỉ gợi lên “cỗ áo quan tài” phô trương trong ánh sáng bên ngoài (mặt trời, nắng tơ). Tất cả chỉ là “những phím hương đổ gãy”. Có đốt hương mà thờ thì cũng đổ gãy thôi, nhặt gì?

Bởi vì những thần tượng đều chết yểu, những mùa xuân đều chết yểu. Trong “Thiên Thai” của những ảo tưởng thế thôi, trong những hoàng hôn không thể tránh. Chỉ còn lại màu xám của tro tàn.

Hoàng hôn hay hoang hồn?
Hoang hồn hay hoàng hôn?

Những âm sắc có thể đảo hoán, đẩy ngôn từ vào trận địa hoang vu.
Màu xanh vừa là màu của sự sống, vừa là màu của cái chết.

“Những quỷ thần bất tử trong huyền thoại thường được biểu hiện qua đầu và mình màu xanh, đặc biệt ở Ấn Độ”, theo Từ điển của biểu tượng, huyền thoại và truyền kỳ của Didier Colin(3).

Đó là màu của những oan hồn.

Chính vì oan hồn, thần linh và ma quỷ rợn màu xanh ấy mà câu thơ kế tiếp nhắc đến Homère, nhạc lửa và thời cổ sơ.

Để thấy những “hình hài” hiện đại chỉ là những thứ gì “ẻo lả”, nhợt nhạt, chán chường!
Và quyết tâm vượt qua. Bước vào chặng ba.

Đêm trinh:

                3. Tôi không muốn đêm nay cười nghiêng ngửa,
                                                Tôi đạp tung cánh cửa
                                Ngạo ngễ của Thành Sầu.
                Tên lính gác nhe răng cười, rùng rợn đôi mắt sâu.
                                Để tôi đi!
                                Để tôi đi!

Đến chặng thứ ba này, tiếng cười cũng thành giả tạo, nhại lại tiếng cười của rượu trong ly ở khúc dạo đầu, trong “đêm nay”. Muốn “phá thành sầu” trong Đường thi mà chẳng cần đến rượu. Chỉ đơn giản là “đạp tung cánh cửa” của nó.

Hẳn là Nguyễn Vỹ nhại lại khúc Thơ say của Vũ Hoàng Chương bằng giọng điệu giễu cợt và khinh bạc (Thơ say của họ Vũ ra đời từ năm 1940), nhất là nhắm vào khúc cuối của bài Say đi em:

                “Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa.
                Say không còn biết chi đời.
                Nhưng em ơi,
                Đất trời nghiêng ngửa
                Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ.
                Đất trời nghiêng ngửa
                Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

Cũng cái “Thành Sầu” viết hoa đó mà thái độ của hai nhà thơ thật khác nhau: thái độ buông trôi (Say đi em) và thái độ đạp phá (Đêm trinh). Hai giọng thơ khác nhau vì hai tính cách khác nhau, hai suy tưởng khác nhau.

Hình ảnh tên lính gác cửa của Thành Sầu được phác họa (khắc họa thì đúng hơn) rất tinh: “nhe răng cười”, “rùng rợn đôi mắt sâu” gợi nhớ tên lính gác cửa Pháp luật của Kafka. Hay Pháp luật là Thành Sầu?

Và nhà thơ phải tiếp tục chuyến đi của mình, vượt qua mọi lính gác dù phải van vỉ hay hối lộ hay tìm được cách lừa phỉnh nó.
Đến chặng thứ tư.

Đêm trinh:

                4. Trời không mây, không gió,
                                Tôi không áo, không chăn.
                Tôi về quê hương không cửa, không ngõ,
                Tôi về cô phương không lửa, không trăng.
                                                Mịt mù thăm thẳm,
                                Mênh mông biên giới của Đêm trinh!
                                                Tối đen một giếng thẳm,
                                                Rực rỡ ánh quang minh.

Trạng thái trời trong và lặng gió là mở đầu cho sự từ bỏ vô minh và dục vọng (không mây và không gió) vì mây che mờ và gió nổi si mê. Bắt đầu “vạn lý vô vân”.

Trạng thái trần trụi (không áo, không chăn) là trở vè với nguyên tính, với thuở ban đầu, với nguyên trinh.

Về quê hương trong trạng thái như vậy chứ không phải là một cuộc vinh quy nào. Cho nên không có cảnh “Cửa trời rộng mở đường mây, Hoa chào Ngõ Hạnh, hương bay dặm phần” (Kiều). Thế nên mới “không cửa, không ngõ”.

Đó cũng là cuộc trở về với cái cô đơn, quê hương thực sự của nhà thơ, một phương trời gọi là “cô phương”, cái cô phương ấy mới là nguồn của thơ, chứ không phải lửa và trăng.

Cái cô phương ấy chính là Đêm trinh của thơ ca. Nó “mênh mông” và “mịt mù thăm thẳm”. Hơn nữa, nó còn tối đen như một hang động. Vì nhà thơ sẵn sàng “làm hang động cho thiên hạ” (Vi thiên hạ cốc, Đạo Đức kinh, Thiên 28).

Làm hang động, nhà thơ có trong mình một huyền bí, một bóng tối vô biên: “Tối đen một giếng thẳm”.

Nhưng sao lại “Rực rỡ ánh quang minh”?
Để thấy được điều này thì hãy để nó tương chiếu thêm với bài thơ Cõi bóng tối của nhà thơ Đức Enzensberger mà ta đã nhắc tới từ đầu, đến đây ta sẽ đọc tiếp bài thơ ấy:

                “những ai muốn nhìn thấy ánh sáng
                như là như
                phải biết lui mình
                vào trong bóng tối.

                bóng tối
                quang minh hơn mặt trời:
                bóng tối mát tươi của tự do”. (4)

Về với Đêm trinh rồi, tôi thấy mình được giải thoát. Chặng cuối cùng là Hoang Vu, một cõi Đại Hoang mà tôi tung tăng dạo bước, càn khôn độc bộ.

Nơi đó dường như tôi không còn gì.
Bởi vì tôi có cả Càn Khôn.

Đêm trinh

                5. Tôi với tôi,
                Không hình, không bóng.
                                Tôi với tôi,
                Không thơ, không mộng.
                                Tôi với tôi,
                Lồng lộng giữa Hoang Vu!...

Dù hình ảnh cái tôi dường như choán đầy cõi Hoang Vu nhưng nên hiểu ngược lại. Chính là cái Hoang Vu đang choán đầy tôi, Đêm trinh đang choán đầy tôi.

Vậy mà cái Hoang Vu ấy, Đêm trinh ấy vẫn còn rộng chỗ cho bất kỳ ai, cho bất kỳ cái tôi nào muốn trở về.

Cuối bài Cõi bóng tối, nhà thơ Đức Enzensberger gợi ý:

                “trong bóng tối ấy
                đến bây giờ vẫn còn chỗ trống đấy thôi.”
                (im schatten
                ist immer noch platz.)

Đêm trinh của Nguyễn Vỹ là một bài thơ lớn. Đọc để rung động và suy tưởng. Bởi hình tượng độc đáo đậm tính kinh điển cổ xưa lẫn tính tân hình thức mới lạ. Nó xứng đáng có mặt trong mọi thi tuyển cao cấp. Được chiếu sáng, nó sẽ chiếu sáng bội phần.

NHẬT CHIÊU


Chú thích:

(1) Dẫn theo Nuiansongtra.net. Nguyễn Vỹ, 21 tháng 2 năm 2009.

(2) Dẫn theo tập sách song ngữ Đức Anh German Poetry 1910-1975, Urizen Books, trang 430. Nguyên văn tiếng Đức như sau:

                        “hier sehe ich noch einen platz,
                        einen freien platz,
                        hier im schatten.

                        dieser schatten
                        ist nicht zu verkaufen.”

(3) Dictionary of Symbols, Myths and Legends, Didier Colin, Hachette, London, 2000, trang 63: “immortal mythical gods and demons are frequently represented with a blue head and body, especially in India.”

 Nguồn: NVTPHCM

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

GS Huỳnh Như Phương: Người ‘hoà giải’ cho văn học trước 1975

Tôi tin rằng nhìn nhận văn học quá khứ một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc.
GS Huỳnh Như Phương

GS Huỳnh Như Phương là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học ở Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, đồng thời là nhà nghiên cứu, phê bình văn học trước năm 1975. Lúc chưa tới tuổi 20, Huỳnh Như Phương đã có bài đăng trên các tạp chí có khuynh hướng thiên tả lúc đó như Trình Bầy, Đối Diện.

Văn học miền Nam là thành phần hữu cơ của văn học dân tộc

* Thưa ông, được biết thời đại học, hai năm đầu ông học triết ở ĐH Văn khoa Sài Gòn, sau ngày thống nhất ông lại được ra Hà Nội học tiếp về văn học. Ông có cho trường hợp mình là may mắn vì được học ở hai nền giáo dục hoàn toàn khác nhau để bổ sung cho nhau?

- Chúng ta là đồng môn, chắc anh hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn những năm tháng đó. Nhiều lớp sinh viên ở ban Triết có bằng cử nhân đã không thể tìm được việc làm. Lớp chúng tôi học dở dang, được chuyển sang ngành văn, phải kéo dài sáu năm ở đại học nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người khác không có điều kiện theo đuổi con đường học vấn. Nghĩ đến sự may mắn của mình, nhiều khi tôi cảm thấy có lỗi với một số người cùng thế hệ. Tôi đã thụ hưởng nền giáo dục miền Nam từ tiểu học đến đại học, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa bốn năm đại học và bốn năm sau đại học. Không thể nói phần nào quan trọng hơn nhưng nếu mình biết chắt lọc và tiếp thu thì chắc chắn cả hai đều có ích cho nghề nghiệp hiện nay.

Ông có thể kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ về những năm học ĐH Văn khoa Sài Gòn và ĐH Tổng hợp Hà Nội?

- Khuôn khổ trang báo không cho phép tôi nói gì nhiều. Vả chăng, những kỷ niệm đó tôi đã ghi lại trong hai bài viết “Văn Khoa ngày tháng cũ” và “Hà Nội trong sương mù ký ức”, hiện còn lưu giữ trên các trang mạng. Tôi nghĩ rằng đó là những cơ hội cho tôi hiểu sâu hơn hoàn cảnh đã tác động đến con người như thế nào và người ta có khả năng kháng cự lại hoàn cảnh hay không. Đôi khi tôi nghĩ vẩn vơ nếu như đất nước thống nhất sớm hơn hoặc muộn hơn, thân phận của những người trẻ thế hệ chúng tôi sẽ thay đổi ra sao. Và trong cái tình huống cực đoan của lịch sử đất nước ta, con người phải làm gì để giữ được chân dung tinh thần của mình.

Văn học ở miền Nam là một thành phần hữu cơ của văn học dân tộc. Nhìn nhận một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

“Tôi thấy mình phải có trách nhiệm giới thiệu về văn học miền Nam”

Có phải do có thời gian học ở ĐH Văn khoa Sài Gòn mà trong một số tác phẩm, đề tài khoa học và nhiều bài viết, ông đã đầu tư nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975?

- Thật ra năm 1975 tôi mới vừa 20 tuổi, trước đó có mấy bài đăng báo nhưng đọc và tích lũy tư liệu về văn học chưa được bao nhiêu. Sau này, vì công việc dạy học, tôi thấy mình phải có trách nhiệm sưu tầm, giới thiệu với sinh viên hoạt động văn học ở miền Nam mà tôi luôn quan niệm đó là một thành phần hữu cơ của văn học dân tộc. Cuốn sách đầu tiên tôi biên soạn được xuất bản ngay từ đầu thời đổi mới là một tuyển tập truyện ngắn miền Nam có nhan đề Mùa xuân chim én bay về (NXB Cửu Long, 1986). Từ ấy đến nay tôi có viết một số bài và tham gia hai công trình nghiên cứu tập thể về đề tài này. Điều khiến tôi ngạc nhiên và thú vị nhất là những người khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi trong công việc này không chỉ là các nhà văn, nhà nghiên cứu ở miền Nam mà còn có những đồng nghiệp rất nhiệt tâm ở Viện Văn học, ĐH Sư phạm và ĐH Quốc gia Hà Nội. Gần đây tôi lại có niềm vui là sau khi công bố những bài viết về chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa Marx ở miền Nam, tôi nhận được phản hồi, góp ý từ những học giả cao niên rất có uy tín.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam (VN) đã tổ chức cuộc tọa đàm “Nhận diện văn chương Hà Nội thời tạm chiếm (1947-1954)” với nhìn nhận: “Văn học sử VN còn mắc nợ văn chương Hà Nội vì đã bỏ quên một không gian văn học đầy giá trị…”. Thế còn những tác phẩm giá trị của nhiều nhà văn đô thị miền Nam thời kỳ 1954-1975, Hội Nhà văn VN và Hội Nhà văn TP.HCM (mà ông từng là thành viên ban chấp hành) có thấy mắc món nợ văn chương này không?

- Tôi không phải hội viên Hội Nhà văn VN nên không đủ thẩm quyền trả lời câu hỏi này của anh. Tôi có tham gia ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM một nhiệm kỳ (2005-2010), người ít, chỉ việc khảo sát, tổng kết hoạt động sáng tác đương thời và tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đã không đủ thời gian. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những người thiện chí đều thừa nhận đó là một món nợ, món nợ lớn mà trả thì quá chậm. Tình hình gần đây có vẻ thuận lợi hơn nhưng điều đáng buồn là giới nghiên cứu, phê bình trong nước chưa quan tâm đúng mức đến việc này. Có lẽ cuộc sống bây giờ có quá nhiều nỗi lo, nỗi lo văn học chưa phải là điều bức xúc nhất chăng? Dù sao hiện nay khó ai bác bỏ được sự thật là trong những năm chiến tranh, giới trí thức sáng tạo ở miền Nam đã cho ra đời nhiều tác phẩm mang phẩm cách dân tộc, tinh thần nhân đạo và giá trị nghệ thuật theo hướng cách tân và hiện đại. Tôi luôn tin rằng nhìn nhận văn học quá khứ một cách công bằng, khách quan sẽ góp phần hòa giải, hòa hợp dân tộc và phát huy các nguồn lực tinh thần để bảo vệ, phát triển đất nước.

Chưa bao giờ không gian văn học mở rộng như những ngày này. Lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể.

Phê bình bị chê trách vì không chống đỡ được với óc bè phái

Trong một giai đoạn mà phê bình văn học có phần vắng lặng, có ý kiến đánh giá phê bình văn học hiện nay chủ yếu là khen ngợi và ve vuốt nhau. Theo ông, nhận xét như thế có quá khe khắt không?

- Không thể chối cãi đó là một phương diện của đời sống phê bình văn học hiện nay. Phê bình bị chê trách vì không chống đỡ được với những cám dỗ của tính vụ lợi, sự đố kỵ, óc bè phái và sự đả kích cá nhân. Những người làm phê bình như chúng tôi chắc chắn là có lỗi rồi nhưng bạn đọc và báo chí cũng có một phần trách nhiệm. Thử hỏi bạn đọc bây giờ có thích đọc phê bình không, báo chí có chịu đăng những bài phê bình đúng nghĩa không? Biết bao nhiêu cuộc hội thảo, tọa đàm đã lên tiếng, đề xuất giải pháp nhưng sao tình hình phê bình vẫn chưa được cải thiện? Có lẽ phải cần thời gian suy nghĩ kỹ hơn, sâu hơn để tìm câu trả lời đích thực về điều này. Mặt khác, cũng không nên đặt trên vai phê bình một sứ mạng quá lớn.

Một thế hệ cây bút mới đang xuất hiện và khẳng định mình không phải chủ yếu bằng những phương tiện và con đường của những lớp nhà văn trước đây: các tạp chí văn nghệ, các giải thưởng văn học, sự tán dương của giới phê bình… Những hồi ứng của bạn đọc chưa bao giờ nhanh nhạy như hiện nay và điều đó làm bộc lộ sự chậm chạp, trễ nải và cả uy tín sút giảm của phê bình chuyên nghiệp. Tất nhiên, thời nào cũng có những cây bút viết sơ lược, sáo mòn về đề tài, bút pháp, chạy theo những vinh hoa phù phiếm. Nhưng thời nào cũng phát hiện được tài năng đích thực. Tôi thấy lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể, tôi tin là họ sẽ làm nên chuyện.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

PHẠM CHU SA thực hiện
Theo PLO


Vài cảm nghĩ về Đông Hồ

Nếu công trình nghiên cứu của Đông Hồ có giá trị khiêm nhường thì trái lại thơ của ông trong Nam Phong ngày trước là cả một sự đóng góp lớn lao vào văn học Việt. Chính những bài thơ này đã khơi mào trào lưu lãng mạn sau này…
Nhà thơ Đông Hồ

1. Có những người ở cạnh nhà mình một thời gian dài mà ta không có duyên để được chuyện trò. Có những người ta biết tiếng nhiều, nếu được đối mặt là một hân hạnh vậy mà ta nay lần mai lữa để cho cơ hội đi qua. Tôi tiếc thương cho thi sĩ Đông Hồ khi nghe ông mất, tôi tiếc cho mình đã thiếu một điều trong đời là hội kiến với nhà thơ nổi tiếng này khi ông còn sinh thời.

Độ bốn mươi năm trước, lúc còn là một học sinh bé nhỏ ở trường tiểu học Trương Minh Ký Sài Gòn (sau này là trường Nguyễn Thái Học) ở đường Kitchener tôi thường tò mò vào nhà sách Yiểm-Yiểm thư trang đối diện với trường để đọc ké những cuốn sách lúc đó tôi thích mà không có tiền mua, mấy tập truyện của Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, cuốn Truyện Cổ Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Duy Oanh, cuốn Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh…, một ông già mặc áo đài khăn đóng rất ư cổ kính loáng thoáng trong căn phòng chưng nhiều liễn, câu đối viết chữ Việt bằng bút lông luôn luôn là kích thích tố mời gọi tôi với một tâm trạng vừa kính sợ vừa muốn ngắm nhìn. Tôi như quen với hình ảnh ông trong hai năm ở trường tiểu học nọ và cũng làm quen với nền văn chương tranh đấu chống Pháp trong khoảng thời gian này. Sau này, khi thi đậu vào trường Pétrus Ký, biết về nhà thơ Đông Hồ, đã có bài trong Nam Phong tạp chí, được đọc bài thơ Khóc Vợ, được thưởng thức bài thơ Mua Áo của ông, trong đó tình cảm, tính chất lãng mạn tràn đầy trong từng chữ một khiến tôi một thời muốn được ông vuốt đầu chỉ cách làm thơ! Nhưng khi đọc bài thơ của ông trong tuyển tập Thơ Mùa Giải Phóng, do nhà văn Sơn Khanh lúc đó thực hiện, ký Đại Ẩn Am, một đứa bạn lớn tuổi, cùng trường mách, tôi mất đi tình cảm kính phục, gần gũi ngày trước. Có lẽ tôi đã biến chuyển theo thời gian, có thể bài thơ của ông không làm rung động được hồn tôi bằng bài thơ của bà Mộng Tuyết cùng tập, bài thơ Chữ Thập Hồng, ký dưới bút hiệu Bân Bân nữ sĩ hay Tha La của Vũ Anh Khanh hoặc Vọng Hướng Sao Rơi của Hoàng Tố Nguyên… Có thể thơ xa gần tranh đấu, mặc dầu chỉ là hơi hướm của thời thế, không phù hợp với tâm hồn họ Lâm, có thể mức cảm chưa đến, nhà thơ chưa đưa người đọc đến sự rung động sâu xa, có thể có những lý do khác… Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết rằng, suốt trong khoảng thời gian Trung học và Đại học, tôi gần như quên đi nhà thơ hiền hòa của xứ Hà Tiên này. Ông hiện diện, ông hoạt động văn hóa, ông làm thơ, viết sách, tôi chỉ loáng thoáng nhớ đến hình ảnh ông ở nhà sách Yiểm-Yiểm thư trang và bài thơ Mua Áo, nhưng không bao giờ có ý muốn đến gặp…

2. Năm nào đó, khoảng 70-72, Trung tâm Văn bút Việt Nam có mở một cuộc diễn thuyết thật long trọng về thi sĩ Đông Hồ ở trụ sở đường Đoàn Thị Điểm, diễn giả gồm tất cả tám người, có L.M Thanh Lãng, Giáo sư Phạm Việt Tuyền, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, kịch tác gia Vi Huyền Đắc… mấy vị nữa và tôi, lúc đó đang phụ trách vài giảng khóa ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Tôi nhập đề bằng cách nhắc lại Đông Hồ được biết đến như một người làm thơ khóc vợ trên báo Nam Phong, như một người viết biên khảo về chuyện cầu cơ, nhưng ít ai nhắc đến Đông Hồ như người đã công bố với học giới lần đầu tiên tác phẩm của một tác gia thật quan trọng của nền văn học Đàng trong lúc Trịnh Nguyễn phân tranh là Nguyễn Hữu Hào với cuốn truyện dài Song Tinh Bất Dạ. Cho đến ngày nay, Song Tinh Bất Dạ xuất hiện trước Đoạn Trường Tân Thanh cả thế kỷ ở Đàng trong – có nhiều câu thấy ngay là người sau sửa lại theo Đoạn Trường Tân Thanh. Mất đi điểm căn bản nguyên tác để xác định giá trị văn chương, người sau nếu muốn nghiên cứu cũng chỉ có thể nhận định trên các khía cạnh khác văn chương, ở ngoài văn chương, Song Tinh Bất Dạ vì vậy đối với tôi như một cô gái đẹp có cái cằm sửa, mũi độn, mắt cắt, đẹp thì đẹp đấy, nhưng tính cách tự nhiên nguyên thủy đã không còn! Trong quyển Văn học Nam Hà tôi né tránh nói đến kỹ thuật của Nguyễn Hữu Hào cũng vì lẽ đó. Buổi diễn thuyết tương đối thành công, một phần vì nhiều diễn giả, mỗi người nhìn nhà thơ trên một mặt, nói về điều chuyên môn của mình, phần khác thi sĩ Đông Hồ có một số đông sinh viên và nhiều người ngưỡng mộ. Tiếc rằng vấn đề tôi đưa ra thuộc chuyện cần phải thảo luận, người có thẩm quyền nhất – để trả lời đã hạc nội mấy ngàn, điều tôi nói đã không được một tiếng vọng trở lại nào từ đó đến nay. Quyển Song Tinh Bất Dạ, do thi sĩ Đông Hồ công bố vĩnh viễn không ai có thể xác định được độ chính xác đến mức nào, tôi cho rằng đó là một mất mát lớn của gia tài văn hóa Việt, một lần nữa tôi lại tiếc và tự trách, nếu trước kia đừng chểnh mảng, tìm một dịp hội kiến, biết đâu tôi đã có dịp bàn thảo vấn đề này với thi sĩ, có thể thi sĩ đã soi sáng cho tôi thêm ngoài điều ông đã công bố trong lời dẫn nhập khi cho in Song Tinh Bất Dạ.

Tuổi trẻ nhiều lầm lỗi, khi nghĩ đến vấn đề này, tôi luôn luôn cho rằng phần lầm lỗi phân chia người quá khứ và người thời đại của tôi lúc đó là một lầm lẫn đáng chê trách. Giờ đây, trên đất nước người, sinh sống bằng một nghề xa lạ với văn chương Việt, ở một vùng không thể thấy được tài liệu nghiên cứu của Việt Nam, bài này được viết ra như một tiếng thở dài, thở dài cho mình một thời ham vui đã không biết áp dụng câu tục ngữ “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” trong việc nghiên cứu văn học, con đường dài phải đi tôi tự chọn như một trả nợ cho sách vở với người xưa…

3. Khoảng giữa năm 78, tôi gặp bà Mộng Tuyết một vài lần, lúc tại tư thất của bà gần Lăng Cha Cả, lúc tại trụ sở Ủy ban Khoa học Xã hội Miền Nam, chỗ Trung tâm Ngữ Học Mùa Hè cũ, dường như bà đến để bán một số sách quý do Đông Hồ để lại. Vợ một nhà thơ, chính mình đã từng làm thơ và viết lách, việc bán sách kỷ niệm của người chồng quá vãng của bà khiến tôi nghĩ rằng bà Mộng Tuyết cũng như một mình đang sửa soạn cho một cuộc đi xa khỏi đất nước đang xảy ra quá nhiều điều nghịch lý. Tôi từng trầm trồ những quyển sách đóng bìa rất đẹp hầu hết đều có chữ ký tặng của tác giả, giá ai đó biết quý sách và quyết tâm ở lại mua hết tủ sách đó ít ra chúng cũng về một mối hơn là về tay nhà nước rồi sẽ tản mát đi, mỗi người đem một quyển về làm của riêng không còn ai thấy để mà đọc mà nghiên cứu! Tôi bóng gió nói ý nghĩ của mình, bà chỉ cười.

Có lần bà cho tôi xem bài viết của bà trên tờ Nghiên Cứu Văn Học xuất bản ở Hà Nội, số đặc biệt do các cây bút nữ lưu viết bài khảo cứu. Tôi đã đọc bài đó, không một chút gì đề cao chế độ, không viết theo lăng kính và phương pháp của người thắng trận. Tôi kính phục thái độ của bà và thấy dường như họ có chiến dịch mời gọi những người có thế giá về với họ. Vấn đề là những người này có giữ được tính cách độc lập của mình và có tự trọng hay không, một hai bài viết trên các báo nhà nước về vấn đề chuyên môn, được viết bởi một người biết giữ phẩm giá, vẫn là một điều không có gì đáng chê trách. Tôi thấy buồn buồn – thêm một chút khinh dễ, nghĩ đến một người dạy cùng trường, vào trường được độ một năm trước ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm đã cậy cục để được đăng một bài trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học và anh ta tỏ ra hãnh diện khoe về những điều hai bên “trao đổi” với nhau trước khi bài được chấp thuận đăng, ác hại thay những việc trao đổi này không thuộc trên lãnh vực chuyên môn mà là phương pháp và lập trường! Bi hài ở chỗ người ta có thể chấp nhận hi sinh lòng tự trọng của mình để đổi lấy cái phao cứu nguy sự bất ổn của cuộc sống, trong khi cái phao đó thật nhiều khi tỏ rằng không hữu hiệu… Bà Mộng Tuyết cũng cho tôi xem tập thơ của bà in thật đẹp do nhà in của Thi Vũ in ở Paris khoảng 1973 – dường như lúc bà sang Pháp – tập thơ trình bày thật đẹp, thật sang trọng. “Gầy Hoa Cúc” tôi ước ao mình có được tập thơ in đẹp như vậy của mình. Cho đến nay, cả chục năm trời qua tôi vẫn chưa có một tập thơ nào, huống chi một tập thơ in đẹp! Đời biến chuyển, thi hứng cạn, việc nghiên cứu đi vào ngã bí tài liệu, áo cơm… tôi chỉ còn trả nợ sách vở bằng một số truyện ngắn mà chính mình cũng không mấy gì hài lòng…

Năm 1980, sau vài tháng ở Mỹ, tôi được tin qua nhà thơ Phương Hà rằng nữ sĩ Mộng Tuyết đã sang được Pháp. Mừng, thêm một người Việt nữa được thoát khỏi vòng vây hãm... Cảm giác đó sau này tôi cũng có tương tợ khi được tin những người Việt khác tôi chưa từng hân hạnh gặp như Nguyễn Thị Vinh, Đặng Thị Thanh Phương, Tạ Ty, Thế Uyên, Luân Hoán… đến được xứ tự do, vấn đề đầu tiên là có tự do, chuyện viết lách rồi theo ngày tháng người cầm viết sẽ có lúc cầm viết trở lại. Sự thôi thúc bên trong luôn luôn là một thôi thúc khôn cưỡng. Cơm áo, sức khỏe, hoàn cảnh chỉ ngăn trở một thời gian, cái nghiệp không phải dễ dàng thoát ra được. Mộng Tuyết chưa cầm bút lại nhưng tôi biết chắc chắn một ngày nào đó bà lại sẽ ngồi vào bàn viết, với bút hiệu mới có thể, nhưng chắc chắn rằng bà sẽ không đứng ngoài đám đông cầm viết kiêu dũng hiện nay.

Lần đầu tiên có một quyển sách văn học sử nghiên cứu về một địa phương, quyển Văn Học Hà Tiên của Giáo sư Đông Hồ được học giới chú ý vì nhiều tài liệu mới một phần, vì uy tín của tác giả một phần. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nằm ở chỗ địa phương Hà Tiên phải chăng là chỗ có truyền thống văn học, hay chỉ nở rộ thời Mạc Thiên Tích thôi? Vả chăng một mình họ Mạc không thể tạo nên một vùng văn học vì những thi sĩ ở trong thi đàn của vị vương giả nầy hầu như tất cả chỉ ghé Phương Thành một thời gian ngắn rồi trở về lại Trung Quốc, không có liên hệ gì với người dân Hà Tiên cũng như không tạo một ảnh hưởng gì lên người dân Hà Tiên về văn học cũng như xã hội. Ta nghĩ sao nếu một người nào đó viết Văn Học Cố Đô chỉ để nói thơ Tùng Thiện Vương họa với Tuy Lúy Vương và các Vương tôn Công tử đồng thời? Dầu không đủ sức thuyết phục, quyển Văn Học Hà Tiên, theo tôi cũng đã mở đường cho những công trình đi sau, như Văn Học Miền Nam của Phạm Việt Tuyền, Văn Học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm sau đó. Ở những điều suy nghĩ của tác giả và ở tài liệu ông công bố. Tôi cho rằng linh mục Thanh Lãng đã có lý để mời thi sĩ Đông Hồ phụ trách môn này ở trường Đại học Văn Khoa độ nọ.

Nếu công trình nghiên cứu của Đông Hồ có giá trị khiêm nhường thì trái lại thơ của ông trong Nam Phong ngày trước là cả một sự đóng góp lớn lao vào văn học Việt. Chính những bài thơ này đã khơi mào trào lưu lãng mạn sau này. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Tình Già của Phan Khôi bắt rễ sâu xa từ đây để rồi nở rộ bằng giai đoạn văn chương lãng mạn tiền chiến… Cũng có thể nói thêm rằng chính cuộc sống của Đông Hồ là cuộc sống của người thơ ảnh hưởng Nho Giáo, xa biến động của xã hội, bình tĩnh trước cuộc đời, thân thiết với bạn bè (trường hợp thi sĩ Vũ Hoàng Chương), từ tốn trong cách xử thế tiếp vật… Đông Hồ đã có một thời gian sống bên cạnh văn chương, thơ của ông không theo kịp trào lưu, ông lạc lõng giữa những người mới như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, ông như Nhất Linh của thời Văn Hóa Ngày Nay, chỉ còn là cái lọ cổ đặt ngoài sau cái bình mới Sáng Tạo, Hiện Đại, nhưng điều đó không phải lỗi ở Đông Hồ hay Nhất Linh mà chính vì bước tiến của Văn Học Việt Nam quá mau sau thế chiến. Biết bao nhiêu nhà văn nhà thơ lớp trước cũng đã lâm vào cảnh tương tợ, một Tương Phố nằm im trên Đà Lạt, một Nguyễn Đức Quỳnh chỉ còn thuyết mà khả năng sáng tác không còn, một Khuông Việt bặt im, một Thẩm Thệ Hà loay hoay với mấy cuốn sách giáo khoa Trung học và vài cuốn tiểu thuyết mỏng không tạo được tiếng vang nào. Cuộc sống của người văn chương cần để lại một cái gì đó cho hậu thế. Ngày nay ta nhắc đến Đông Hồ như một người đã đi vào thơ Việt thật sớm, đã nói về tình cảm mình trong những năm mà con tim còn bị bắt buộc phải giấu kín tiếng lòng. Ông đã nghiễm nhiên làm chuyện cách mạng tình cảm và đã được tiếp đón như kẻ tiên phong. Công của Đông Hồ ở đó, điểm đặc biệt của Đông Hồ cũng ở đó.

NGUYỄN VĂN SÂM (1995)
Nguồn: namkyluctinh.com


ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Từ lời kể đến tượng quẻ: một hành trình khác của thơ Nhật Chiêu

Những ngày cuối năm, Sài Gòn bỗng dưng cũng khác, sáng sớm khi băng qua cầu Thủ Thiêm vốn đã quá quen, tôi khẽ rùng mình khi làn gió lành lạnh từ dưới sông sài Gòn thổi lên, hơi sương nhè nhẹ tỏa ra bao bọc cả mặt sông mờ ảo, bất chợt thấy lòng ngẩn ngơ rồi lẩm bẩm một mình “Sài Gòn hôm nay khác quá!”. Tôi ghé vào một quán café quen, mân mê trên tay Tôi là một kẻ kháccủa Nhật Chiêu, đọc lại thật chậm rãi từng trang một, rồi lại tiếp tục ngẩn ngơ, dun dủi thế nào mà hôm nay cả Sài Gòn, cả Chiêu cũng khác. Chiêu trầm tĩnh lạ kỳ bên một Sài Gòn bỗng dưng dịu dàng quá đổi.
Nhà thơ Nhật Chiêu

Tôi là một kẻ khác là một tập thơ khác của một Nhật Chiêu rất khác, ông chế tác và biến hóa kỳ lạ với thứ ngôn ngữ thơ rất kỳ diệu của ông. Ông đã tác tạo nên hai thể thơ mới trong tập thơ này là thể Thơ giao lời kể và thể Thơ tượng quẻ. Tên tập thơ của ông được lấy ý từ một câu thơ của Rimbaud – một nhà thơ Pháp lừng danh thế giới: “Je est un autre” (tôi là kẻ khác).

1. Trong Thơ giao lời kể, Nhật Chiêu điềm đạm xưng mình là con sâu cái kiến, là mây là suối, là vũng nước tù, là gái điếm, gái trinh, là kẻ thần kinh đi lạc… và ông từ tốn ngồi kể con sâu ấy đến từ đâu, ngọn cỏ dại mọc thế nào, và cô gái bán dâm kia có thật là gái điếm? Thơ giao lời kể là một trường ca gồm 36 khúc, mỗi khúc có thể được xem là một bài thơ riêng lẻ dù tác giả chẳng tách riêng nó ra và cũng chẳng đặt tựa cho từng bài. Nhưng mỗi khúc là một “kẻ khác”, dù 36 kẻ khác ấy đều cũng là “tôi”. Mỗi khúc được in thành hai trang, trang thứ nhất gồm 4 câu thơ giới thiệu “tôi là…” một kẻ khác nào đó, và trang thứ hai là khoảng từ 5 đến 15 dòng thơ kể về kẻ khác đó, tỉ mỉ hơn, tường tận hơn.

4 câu thơ đầu thường nhỏ nhắn, xinh xắn mà gợi cảm, dễ thương, ý tứ rõ ràng nhẹ nhàng để đợi đến khi tương giao với lời kể mới bộc lộ chiều sâu triết lý của bài thơ đó. Nếu lời giới thiệu là trái tim của bài thơ thì lời kể chính là ngọn lửa bùng cháy lên từ trong tim thắp sáng bài thơ ấy. Lời giới thiệu và lời kể tương giao, tương ánh, chiếu sáng lẫn nhau như cái rực hồng tương giao của sắc hoa và đôi má giai nhân trong “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” (thơ Thôi Hộ). “Tôi” trong 36 khúc thơ là một tôi với 36 cái ngã khác nhau, những cái ngã của tôi nằm đâu đó trong muôn loài, trong vạn loại chúng sinh có hình hài hay không hiện hữu. Tôi là gió mây trong vũ trụ, tôi là sâu kiến trong không gian, tôi là chiến binh, là thánh nhân, là Trương Chi, là Xuân Hương đã đến từ đâu đó trong chiều dài thời gian hiện hữu của con người. Và ở thời khắc này tôi là một đứa trẻ sơ sinh và cũng là một kẻ tự mình tước đi sự sống của mình. Ở đây tôi sinh ra và tôi tự sát.

“Tôi là một đứa bé
Chơi đá cuội làm nhà
Có vườn cho chim sẻ
CHO cả mẹ và hoa”

Và trong khúc thơ này, thi nhân kể lại rằng “một đứa bé đang chơi, và trong trò chơi em là chúa tể”. Em nặn đất làm nhà, làm vườn, nặn cả chim muông và sinh ra người mẹ. Trong sân chơi của mình hẳn nhiên em là chúa tể, sáng tạo cả muôn loài theo ý muốn của em và em chơi đùa với những thứ do mình tạo ra, đầy hân hoan và say đắm. Để có thể bước vào được “sân-chơi-linh-thiêng” này, người lớn “phải thu mình nhỏ lại”, nhỏ như vạn vật em vừa tạo ra và chấp nhận những luật chơi do em bày biện trong vương quốc nhỏ bé chứa đầy hoa, đầy chim muông, đầy mẹ, đầy Nàng Tiên của em. À, thì em là chúa tể, như đấng sáng thế tối cao của vạn vật. Chúa tạo ra vũ trụ, chúa tạo ra muôn loài trong sân chơi mênh mông và vĩ đại của chúa, có khác gì em bé với mớ đất nặn nhiều màu sắc trong khu vườn nhỏ xíu của em?

“Tôi là một anh hề
Tự cười mình mỏi mê
Một hôm bưng mặt khóc
Thiên hạ cười hả hê”

Anh hề ơi, nhiệm vụ quan trọng nhất của anh là chọc cười thiên hạ, cũng như thi nhân tôi phải viết nên những bài thơ lấy đi nước mắt của con người. Anh  hề giỏi nghề là anh hề biết tự cười mình trước hết, biết sặc sụa trước những hành vi ngô nghê của chính mình mà mình đã thuộc nằm lòng, biết bất ngờ cười phá lên trước cái té ngã giả bộ vô tình mà mình đã diễn đi diễn lại cả nghìn lần. Anh cười được chính mình mới mong thiên hạ cười anh. Cũng như thơ tôi phải được viết nên từ nước mắt của tôi mới khiến mềm lòng thiên hạ, tôi khóc khi bày biện lòng mình vào thơ mới mong độc giả sụt sùi đồng cảm. Rồi cho đến khi anh hề khóc, bưng mặt trên sân khấu của đời mình, thiên hạ vẫn hả hê cười vì nghĩ rằng anh đang diễn, vì đã xác quyết rằng anh hề thì không biết khóc như độc giả vẫn đinh ninh, thi nhân thì không thể cợt đùa với thế gian này? Và anh hề đã chết, chết vì nỗi buồn của anh đã khiến người cười? hay chết vì tuyệt vọng khi đời này không còn người biết khóc, con người cứ mãi miết cười trong vô cảm thế sao?

Tôi là một con điếm
Đêm mưa ĐỨNG bên cầu
Tôi cùng mưa lấp liếm
Dồn lại những SẦU lâu

Trong Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện về một nàng gái điếm bị đám đông đuổi đánh và ném đá, trong lúc trốn chạy nàng đã bắt gặp một người dang đôi tay che chắn mình. Trong lời kể của Nhật Chiêu, cô gái điếm lại là người chở che cho người khách lạ mình đầy thương tích đã tìm đến cô, người khách đã đến “từ hơn 2000 năm trước”. Ai là người có thể thỏa mãn được tất cả đàn ông nếu không phải là kỹ nữ? Ai là người có thể xoa dịu được nỗi đau của cả loài người?

2. Phần thứ hai của tập thơ là Thơ tượng quẻ, là một thể thơ được Nhật Chiêu chế tác dựa trên ý tưởng từ Kinh Dịch, mỗi bài thơ là một biểu tượng ứng với mỗi quẻ trong Kinh Dịch về cả mặt hình thức lẫn chủ đề. Nếu mỗi tượng quẻ trong Kinh Dịch bao gồm 6 hào âm dương thì mỗi bài thơ của ông bao gồm 6 câu thơ liền mạch hay ngắt nhịp tương ứng với các hào âm (- -) hay hào dương (-) trong quẻ đó. Từ 6 hào âm và dương đó, Nhật Chiêu đã sáng tạo nên  những bài thơ gồm 6 câu với cách trình bày ngắt nhịp trong câu thơ điền đầy khuôn hình thức của từng quẻ và mỗi bài thơ là sự mô phỏng chủ đề ý nghĩa của quẻ đó.  Ông đặt chữ của ông vào trong những khuôn hình quẻ tượng, không dư một chữ, không thừa một nét nhưng ý nghĩa của câu từ cứ ào ạt tuôn ra.

Mưa đến đây     mưa đến đây
Và mưa mang theo điệu hát
Mưa còn bay     đất còn ngây
Ai như dại     ai như say
Ngực nàng mọng    môi mưa đầy
Nàng một cõi     mưa nghìn tay

   (Mưa và đất – quẻ tỉ (kết giao))

Trong Kinh Dịch, quẻ tỉ được tạo nên bởi sự kết giao của quẻ Khảm và quẻ Khôn, thượng Khảm hạ khôn, nước ở trên đất ở dưới. Và bài thơ của Nhật Chiêu cũng được tạo nên bởi sự kết giao của mưa và đất, khi mưa đến mang theo điệu hát, khi mưa còn bay thì đất vẫn còn say, mưa rơi xuống đất, thấm sâu vào lòng đất cho hoa trái sinh sôi, cho vạn vật nảy nở. Như đàn ông thấm sâu vào đàn bà cho thế giới được sinh ra. Mưa còn rơi, đất còn đợi để tái sinh, đàn ông còn chinh phục mạnh mẽ, đàn bà còn yêu còn say. Nàng một mình một cõi, đợi cả vũ trụ rót vào nàng sự sống và luân chuyển trong lòng nàng để được tái sinh trong những hình hài tươi mới căng tràn.

Đưa bóng mình,    đến chân trời
Đưa bóng mình    lên đỉnh núi
Đưa bóng mình    ra xa khơi
Rồi một ngày  quay bước lại
Đưa chiếc bóng    về tinh khôi
Cười vang trong cuộc quy hồi

  (Sấm rền trong đất – Quẻ phục (quay về))

Quẻ phục được tạo thành bởi sự kết giao giữa quẻ khôn và quẻ chấn, bài thơ là sự giao kết và lẫn khuất vào nhau giữa tiếng sấm và lòng đất, tạo nên âm thanh rền vang như lời kêu gọi cho một cuộc quy hồi. Tiếng sấm rền trong đất gợi nên âm thanh của sự sống, là âm thanh của sự trở lại và hồi sinh. Ca dao Việt Nam có câu “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, tiếng sấm báo hiệu trời đang chuyển mùa và mang mưa tới, cho cây lúa rộn ràng sinh trưởng tốt tươi. 5 câu thơ đầu trong bài thơ đang ngắt nhịp âm, như cái trúc trắc phong trần gió bụi của cuộc đời, của những linh đinh trong hành trình một con người “đến chân trời”, “lên đỉnh núi” và “ra xa khơi”, rồi bất chợt quay về. Bỗng câu thơ cuối liền nhau trong một nhịp dương xuyên suốt và mạnh mẽ, như tiếng cười vang của cuộc hồi sinh đang quay trở lại, nhịp thơ trải dài vang xa, xóa hết những trúc trắc gian nan trong hành trình quay về của con người mang bóng mình đi muôn nơi.

Thơ tượng quẻ của Nhật Chiêu không dễ đọc, không dễ hiểu và cũng chẳng dễ lý giải những lời triết lý về đời người hay đời vũ trụ, về nhân loại hay về cả càn khôn. Tôi tập tành đọc thơ ông, tập tành hiểu thật giản đơn những gì đang hiển hiện trong từng câu chữ với sự háo hức mê say của một con người vốn rất mê thơ. Lối sáng tạo thơ này của Nhật Chiêu dù mới được công bố ít lâu nhưng cũng đã nhận không ít lời trầm trồ tán thưởng: “Với thể thơ tượng quẻ này, Nhật Chiêu đã khiến cho người đọc phải sửng sốt về sự sáng tạo đầy mới mẻ và thú vị khi vận dụng hình thức và ý nghĩa của các quẻ trong Kinh Dịch để đưa vào đấy chất thơ đầy triết lý. Đối với ông, sự sáng tạo là nhìn về cái cũ bằng một cái nhìn mới, cái mới không phải là cái chưa từng có mà là cái đã bị thời gian che phủ. Chính vì vậy, ông tìm về Kinh Dịch để từ đó sáng tạo thơ tượng quẻ” (Hoài Mai). Hay “Thể thơ độc đáo này đã nhận được sự tán dương và hưởng ứng sôi nổi từ các nhà phê bình văn học. Chính từ sự phá cách, tìm tòi độc đáo, cùng với sự uyên bác và tài hoa, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã mang đến thơ một phong vị mới lạ, hấp dẫn nhưng rất bác học”. (Hoài Mai)

Và tôi cũng vậy, đã bị thơ Nhật Chiêu quyến dụ, loay hoay đi tìm một tôi khác trong những tạo tác của ông.

LA MAI THI GIA
Theo NVTPHCM



Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Trương Gia Hòa - Thêm một lần dịu dàng thắng thế

Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vừa công bố giải thưởng văn chương năm 2017. Nằm trong danh sách 6 tác phẩm được tặng thưởng có “Đêm nay con có mơ không?”, tập tản văn mới ra mắt hồi tháng 8 vừa qua của nữ tác giả sinh năm 1975 Trương Gia Hoà.
Nhà thơ Trương Gia Hòa

Phải khẳng định đây không phải là giải động viên, an ủi cho một người vừa thoát bệnh ung thư. Bản thân tác giả Trương Gia Hòa cũng không muốn nhắc nhiều đến câu chuyện này, bởi: “Tôi mắc ung thư dạng nhẹ nhất. Đây là một điều may mắn chứ không phải kỳ công gì của tôi”. Chị cho biết, “Đêm nay con có mơ không” là tập tản văn đầu tiên của chị. Song về thời điểm sáng tác thì cuốn tản văn thứ hai “Sài Gòn thềm xưa nắng rụng” và cuốn thứ nhất “Đêm nay con có mơ không” là như nhau, “chẳng qua tôi chia nó ra thành hai cuốn theo đề tài”. Đây là tập hợp những bài viết đã từng in rải rác trên báo của chị. Trước khi in hai tập tản văn, Trương Gia Hòa từng ra cuốn thơ “Sóng sánh mẹ và anh” cũng dạt dào nữ tính: “Sóng sánh thơ/ Sóng sánh đời/ Em thả mình vào muôn ngàn sao/ Con thuyền đầy ắp tiếng khóc...”.

Đề tài “ăn khách”: Gia đình

Nói đến sự nhẹ nhàng, dịu dàng có thể nhắc đến tản văn Xuân Diệu về loài hoa được ông đặt tên “hoa học trò”: “Vừa buồn, mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng. Hoa phượng là hoa học trò. Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e ấp, dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng cậu học trò phơi phới làm sao!”. Tản văn Trương Gia Hòa không hấp dẫn ở mặt câu chữ như tản văn Xuân Diệu nhưng về sự dịu dàng lại không kém. Chị không đi vào đề tài mơ màng như Xuân Diệu mà đi vào một đề tài đang vô cùng “ăn khách” trên nhiều lĩnh vực văn nghệ: Đề tài gia đình. Trương Gia Hòa viết về những người sống quanh ta và ít nhiều kèm theo sự định hướng, khuyên bảo. Mặc dù thế người đọc vẫn dễ dàng chấp nhận, bởi lời khuyên từ tâm khác với mệnh lệnh. Thí dụ chị nói với con trai: “Khi không biết được ngày mai ta sẽ thế nào thì hôm nay, đừng giận hờn ai con nhé. Hãy sống thật vui vẻ. Con cứ cười khi thấy vui và hãy cười cả khi lòng tan nát (…). Thành phố đang bắn pháo hoa. Mẹ con mình hãy cùng lưu giữ những khoảnh khắc rực rỡ của bầu trời đêm hôm nay cho 364 ngày sau nữa. Để làm gì con biết không? Để ít ra, khi mặt đất vẫn lắm chông gai thì chúng ta vẫn còn một bầu trời lấp lánh”.

Tản văn “Đêm nay con có mơ không?” thu hút độc giả ngay từ khi mới phát hành. Có lẽ người ta thèm những điều dung dị, ấm áp tìm thấy trong sách. Hầu như tất cả các thành viên trong gia đình ở nhiều thế hệ đều được tác giả “chăm sóc” ngọt ngào: “Nội mãi mãi không ngồi đó nhìn mình mặc cái quần jeans ôm sát hai ống chân rồi tưởng tượng, rủi mà có con kiến nó chui vô thì cách gì mà bắt nó ra… Nội mãi mãi không ngồi đó để chỉ mình cách làm món bột gạo lá mít, cách làm bánh đúc có xương… những món mình đã ăn mòn răng mà cứ lần lữa không chịu học cách làm, vì ỷ lại. Từ nay có thèm bất tử thì cứ ngồi đấy mà chép miệng bùi ngùi”. Hay “những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ. Và, thơm dịu dàng cho cả những ngày mai”.
Nhà thơ Trương Gia Hòa và gia đình 
tại buổi ra mắt sách “Đêm nay con có mơ không?”

“Đêm nay con có mơ không?” đích thị là một tập tản văn do đàn bà viết, dành trước hết cho đàn bà. Chỉ có phụ nữ mới hay nói tới chuyện dọn nhà, từ chuyện dọn nhà lại nghĩ sang những câu chuyện khác: “Bạn dọn nhà và bạn gặp lại một quãng đời rất sến của mình rồi thổn thức bồi hồi. Chuyện lặp lại năm này qua năm khác rồi có khi bạn tự hỏi, cuộc đời mình nếu không có những khoảnh khắc thế này thì có khi nào sẽ vui hơn không. Chứ quá khứ, nhìn lại mỉm cười nhưng lắm khi chùng lòng quá đỗi”. Chừng 40 tản văn trong 200 trang sách cứ dịu dàng, thủ thỉ như thế, ngay đợt đầu đơn vị phát hành “Đêm nay con có mơ không” đã mạnh dạn tung ra 3 ngàn cuốn. Với thể loại tản văn, với một tác giả chưa quen tên như Trương Gia Hòa, đây cũng có thể coi như một sự “liều nhẹ”.

Sẽ trở lại bình yên hơn

Trương Gia Hòa vốn là sinh viên văn khoa, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Chị từng là biên tập viên nhà xuất bản, sau đó trở thành nhà báo chuyên mảng tiêu dùng của một tờ báo ở Sài Gòn. Khi tờ báo này đóng cửa, chị lại “dạt” sang một tờ báo có tiếng khác. Những trang tản văn  phần đa được sinh nở trước khi chị trở thành nhà báo. Ở thời kỳ  dồn tâm huyết cho báo chí  không may chị gặp trọng bệnh. Suốt hai năm rưỡi Gia Hòa ra, vào viện liên tục để lo chữa trị, chị xin nghỉ hẳn việc. Nhưng trong lúc dưỡng bệnh chị lại bày ra may vá, may ga gối, may thú nhồi bông… bạn bè đồng nghiệp ủng hộ, ai cũng khen chị may tỉ mẩn, khéo léo. Trương Gia Hòa tâm sự: “Vì rảnh nên chăm chút cho từng sản phẩm may. Bấy giờ mình không đi làm, không có thu nhập, nên nếu mình kiếm được 1/10 thu nhập bằng công việc may vá thì cũng gắng kiếm, để thấy mình không vô dụng”.

Gia Hòa sinh ra trong một gia đình không ai theo nghiệp văn chương: “Ba mẹ khi xưa là giáo viên, hạnh phúc chuẩn mực, đại gia đình rất tình cảm, thương yêu nhau. Đó là một gia tài”. Cuộc sống riêng có những biến cố và tuổi thơ êm đềm, có lẽ là một trong những lí do khiến “Đêm nay con có mơ không?” mang màu sắc trong sáng, hướng thiện.

Sau đây Trương Gia Hòa sẽ tạm ngưng viết văn. Với chị, “văn chương cứu rỗi tâm hồn nhưng cơm áo gạo tiền và cuộc sống hiện thực rất khắc nghiệt nên tôi giữ văn chương như một nẻo riêng tư của mình”. Lý do chị tạm ngưng viết, bởi lo “nếu viết ngay sẽ giống như hai cuốn tản văn đã ra mắt”. Chị hứa hẹn “cuốn sách trở lại của tôi sẽ là tinh thần khác, năng lượng khác nhưng chắc chắn bình yên hơn, sâu sắc hơn”. Giống như cuộc sống bây giờ của chị “tôi lao động hàng ngày để đủ tiền đi chợ thôi. Nhưng qua bao sóng gió tôi thấy mình thanh thản”. Và Trương Gia Hòa cũng không định đóng đinh với tản văn, trong tương lai chị chọn thể loại văn học nào còn tùy thuộc nhu cầu chuyển tải điều chị muốn nói tại thời điểm ấy.

ĐÀO NGUYÊN
Theo Tiền Phong



Một xuất phát mới trong thơ Phan Hoàng

Tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2012 vừa được NXB Văn Hoá Văn Nghệ tái bản trong bộ sách Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 5 năm qua (2010-2015).
Nhà thơ Phan Hoàng

Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ. Và tôi tin, khi càng ngày càng lớn tuổi, cái phần quá khứ trong mỗi con người ta cũng ngày một nặng nề thêm. Rồi nó đeo bám chúng ta, không dễ dàng gì buông tha chúng ta. Rồi chúng ta sống với nó và trở thành “một phần nó” tự lúc nào không hay. Khi ấy, có khi chính chúng ta bị nó điều khiển, trở thành “nạn nhân” của nó mà không chịu chấp nhận những gì mới mẻ, khác lạ.

Trong Chất vấn thói quen, ban đầu, Phan Hoàng cũng vậy.

Đó là thói quen sáng sáng “ngồi vào chiếc ghế ấy”, “nhâm nhi ly cà phê chồn” ấy, “đọc báo” ấy và “nhìn cô chủ quán nở nụ cười hàm tiếu” ấy. Khi mọi thứ bị đảo lộn (cho dù không ảnh hưởng nhiều đến “tình hình thế giới“ lắm): “Chiếc ghế đã có người đến ngồi”, “mùi cà phê không chồn” nữa, “quán không tờ báo” nữa, “cô chủ quán kiêu kỳ miệng im như thóc”… Và cách hành xử cuối cùng và quen thuộc của Phan Hoàng là “Tôi bối rối bỏ đi”, “Tôi uống qua loa bỏ đi”, “Tôi buồn buồn bỏ đi”, “Tôi bỏ đi bỏ đi bỏ đi”…

Cả 6 khổ thơ đầu của Chất vấn thói quen, nội dung chỉ có vậy. Nhưng chính 6 khổ thơ này lại là “chất dẫn” cần thiết để “bùng nổ” ở khổ thơ thứ 7, đồng thời cũng là khổ thơ kết, khổ thơ sống còn của một tứ thơ:

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?

Chính sự “mắc cười” và tự chất vấn mình (cũng là chất vấn thói quen) đã giúp Phan Hoàng tìm cách học “con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước” mà giúp anh thay đổi và chuẩn bị cho mình một xuất phát mới.

Rồi cũng từ xuất phát này mà anh thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy trong thơ.

Từ xuất phát mới này, trong bài Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, anh phát hiện ra “mặt trời mọc trong ngôi nhà thân thuộc của mình” vừa “đầy tiếng sóng”, vừa “đong đầy tiếng gió”, vừa “mỗi ngày một sáng hơn” (theo nghĩa đen) và “mặt trời vẫn không ngừng mọc lên trong ngôi nhà tư duy thân thuộc của mình (theo nghĩa bóng), để rồi “thay đổi cảm hứng bầu trời, thay đổi tư duy từng ngọn núi, con sông”.

Từ xuất phát mới này, trong Tiếng thì thầm, anh nghe được những âm thanh không phải ai cũng nghe được: “Ở giữa sấm chớp và mưa giăng/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở”.

Từ xuất phát mới này, trong Hoa của đá, anh nhìn ra “vẻ đẹp sinh từ chuyển động lặng im/ chân lý khởi nguyên từ nghịch lý bất ngờ”.
Tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng

Trong sự thay đổi quyết liệt đến mức sát ván ấy, mừng hơn là Phan Hoàng vẫn có những quan niệm rất gần với Phật.

Anh nhìn ra sự bình đẳng giữa con người và vạn vật chúng sinh trong Cần Giờ ngơ ngácbằng những câu thơ cật vấn đến thảng thốt:

Chúng ta khác gì những con khỉ?
Chúng ta khác gì những con sấu?
Chúng ta khác gì những con muỗi?
Chúng ta khác gì
Không cần giờ…

Anh nhìn ra cái “nhân - quả” và hệ lụy của nó trong việc con người ngày càng sa lầy vào việc khai thác, bóc lột tự nhiên vì lợi ích và ham muốn muôn thuở trong Mắt gỗ thật sắc sảo:

Những vân gỗ quý
trong ngôi nhà sang trọng
như những con mắt lửa giấu kín hơn căm
chờ ngay phát hoả.

Có cảm giác: Khi Phan Hoàng “hướng ngoại” cũng là lúc anh đang “hướng nội”.  Đọc Chất vấn thói quen, người đọc như bắt gặp những củi, những than, những lửa, những khói trong thơ anh lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Rồi những củi, những than, những lửa, những khói ấy đã cháy lên thành thơ trong một “văn bản không khuôn thước/ văn bản không văn bản” (Văn bản dở dang).

Chính thói quen mới mang tên Chất vấn thói quen đã làm nên một Phan Hoàng khác biệt hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn.

Và tôi mơ: Có một ngày, Phan Hoàng sẽ vượt lên sự chất vấn, sự độc thoại để đối thoại với hư vô kia.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến mấy câu kết trong bài thơ Tặng người sinh sau viết cách nay đã gần một thế kỷ của thi sĩ lừng danh người Đức Bertolt Brecht:

Khi mọi lỗi lầm tiêu tan hết
Người bạn sau cùng
Ngồi đối mặt với chúng ta
Là Hư Vô.

ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: Sông Hương, 3.2016


_________________________________________

Nhà thơ Phan Hoàng tuổi Đinh Mùi, sinh ngày 10.10.1967 tại Đông Tác, cuối dòng sông Đà Rằng (hạ nguồn sông Ba) thuộc thành phố Tuy Hoà; lớn lên ở quê nhà Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Học phổ thông cơ sở ở Hoà Đồng, học phổ thông trung học ở Trường PTTH Lê Hồng Phong, từ nửa năm lớp 10 bắt đầu thi vào học lớp năng khiếu chuyên văn đầu tiên của tỉnh Phú Khánh (cũ) ở Trường PTTH Nguyễn Huệ (Tuy Hoà) và Trường PTTH Lý Tự Trọng (Nha Trang).

Tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Khoa Văn học - ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Từng làm phóng viên - biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Chủ biên tờ Đương Thời (trước đây là Người Đương Thời). Giảng viên báo chí một số trường đại học.

Uỷ viên Ban Chấp hành - Trưởng ban Nhà văn trẻ kiêm phụ trách báo chí - truyền thông Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VI (2010-2015), Chủ biên website nhavantphcm.com.vn.

Phó Chủ tịch - Thường trực Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn TP.HCM khoá VII (2015-2020), Chủ biên website nhavantphcm.vn - nhavantphcm.com.vn. 

Từ ngày 01.01.2015, nhà thơ Phan Hoàng còn là Chủ nhiệm Văn phòng miền Nam báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

Tượng tình (thơ 1995)
Hộp đen báo bão (thơ 2002)
Chất vấn thói quen (thơ 2012, tái bản 2015)
Bước gió truyền kỳ (trường ca 2016)
- Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000, tái bản 4 lần)
Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập 1998-1999)
- Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000, tái bản 2 lần)
Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, tái bản 2 lần)
Sài Gòn đất lành chim đậu (ký sự nhân vật tập I-2016, tái bản 1 lần 2016; tập II-2018)
Sài Gòn đất thiêng khí tụ (ký sự nhân vật 2017, tái bản 1 lần 2018)
Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (tản văn 2018)

Giải thưởng:

- Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Chất vấn thói quen.
- Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012 với tập thơ Chất vấn thói quen.
- Giải ba cuộc thi thơ nhạc Đây biển Việt Nam với hai bài thơ Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió, Gió hợp hôn đất nước, do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức năm 2011-2012.
- Giải tư thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2003-2004 với bài Bước gió truyền kỳ.
- Giải nhì thơ sinh viên - học sinh Thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 với bài Áo trắng trong mơ.
- Giải nhất bút ký báo Khoa Học & Đời Sống năm 1998 với bài Khi nhà thơ làm kinh tế.

Quan niệm về văn học:

Thi ca đối với tôi là một không gian thẩm mỹ riêng, một thế giới thiêng liêng để tôi được đắm chìm vào đó, tìm thấy vẻ đẹp của con người quá khứ lẫn hiện tại, tự phát hiện bản thể chính mình. Nhà thơ phải biết náu mình để cho cái đẹp thi ca lên tiếng.



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...