Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Chiều mưa đọc “Một ngày khác ta” của Đào An Duyên

Một ngày mưa Pleiku. Mưa cả tháng rồi. Chiều lơ đễnh lôi một cuốn sách ra đọc để... giết mưa. Thế mà rồi bị ám ảnh, mà cứ trôi theo những câu thơ của Đào An Duyên trong tập thơ nhỏ tôi vô tình cầm trên tay lúc này: Một ngày khác ta.
Nhà thơ Đào An Duyên

Là bởi thế này, tôi quen cô bé này đã lâu, thấy cô ấy chập chững viết, có đọc và rồi... quên. Chả hiểu sao có hồi Gia Lai có rất nhiều cây bút trẻ xuất hiện, ồn ào có, lặng lẽ có, văn đàn tưng bừng như đây đang chuẩn bị là... trung tâm văn chương. Mà có thế thật, kỳ nào đại biểu được chọn đi dự hội nghị văn trẻ toàn quốc thì Gia Lai cũng chiếm số lượng đông nhất. Nhưng văn chương có những quy luật khắc nghiệt của nó, để những gì còn lại nó là những thứ tinh túy thứ thiệt, còn phù du, còn ảo ảnh, còn bong bóng xà phòng... thì sẽ tan đi dưới mặt trời thôi. Và trong cái náo nhiệt phù du một thưở ấy, Đào An Duyên lặng lẽ đứng bên, an phận một cô giáo dạy văn cấp 2, thi thoảng viết chút, như là một cách nhắc mình có biết... văn chương.

Thế rồi, chả hiểu sao, chỉ mấy năm nay, ào ạt viết. Năm 2016 in tập Ngày đã qua, tập thơ đầu tay và được ngay cái giải khuyến khích của liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và năm nay ra tiếp Một ngày khác ta, tập thơ khiến ta có thể đọc một mạch không dứt.

Đây là tập thơ nghĩ nhiều. Làm thơ giờ, hoặc là rất hời hợt, hoa lá cành, tâm trạng, buồn vui vu vơ, hoặc là nghĩ như triết gia, cứ toàn lý tính chả thấy cảm xúc đâu. Chả ai cấm, nhất là thời buổi ai cũng mần thơ được, làm thơ trên điện thoại, post trực tiếp lên facebook rồi đủ vài chục bài, cũng in một tập, cũng ì xèo quảng cáo, chả thua gì ai. Đào An Duyên khác, giữ được mạch cảm xúc trữ tình trong trẻo, nhưng vẫn đậm suy tư, vẫn đau đáu với những vấn đề quanh mình, cũng chả hẳn là to tát lắm, nhưng những suy nghĩ trong thơ nó chứng tỏ người viết trưởng thành và có trách nhiệm xã hội, và vì thế mà có sự lan tỏa “Ta  giấu niềm đau vào cỏ/ Cỏ giấu nước mắt vào xanh/ Đi đến ngọn nguồn lau lách/ Đau xưa chưa chỗ giấu mình...” (Với cỏ). “Tháng giêng/ Em vẫn ngồi cạnh những chiều lam khói/ Dòng sông cong vào tháng giêng lưng ong/ Người như chiếc lá vừa nở vào mùa xuân non xanh rừng biếc/ Thương em tự cháy trẻ trai” (Ý nghĩ tháng giêng).
Tập thơ Một ngày khác ta” của Đào An Duyên
         
Cảm xúc cá nhân tất nhiên là hết sức quan trọng của người làm thơ, nhưng nếu không biết tiết chế và “phân bổ” thì nó chỉ đậm đặc cái tôi loanh quanh. Khai thác hết cái tôi được cũng là tốt, nhưng đa phần lại không được thế nên một số tác giả cứ bị cái cảm giác loanh quanh tù túng. Đào An Duyên vượt qua được điều này. Chị có mẹ chia sẻ. Người mẹ quê tần tảo “Con ngủ giấc thị thành mơ bông lúa uốn câu/ Mẹ thắt đáy lưng ong ngồi quạt cho cha mắt ngời hạnh phúc/ Tháng mười về. Dòng sông hiền hòa uốn lượn/ Con soi mình. Soi một giấc mơ xanh” (Mơ giấc trong xanh). Có người cha cựu chiến binh, có vùng quê in đậm tuổi thơ, và có hiện tại. Đây là Pleiku nơi chị đang sống, quen lắm, nhiều người viết lắm, nhưng vẫn riêng, qua chị: “Sương mù ngàn năm trước/ Hẹn dốc ngàn năm sau” (Chiều Pleiku). Cũng như thế, nhiều địa danh khác, nổi tiếng rồi, vào thơ chị vẫn thấy mới, bởi chị chịu khó tìm. Mà cũng không hẳn đã chịu khó, mà cái sự tinh tế, cái sự luôn suy ngẫm, luôn chắt bóp cảm xúc khiến nó... mới “Tựa mình vào dốc vắng/ Chiều gầy như hạc bay/ Chuyện xưa xa vời vợi/ Buồn mãi tận hôm nay” (Với Đà Lạt 3). Giờ nhiều người viết đến đâu là có thơ đấy, cách dễ nhất là... liệt kê địa danh. Thoát ra được điều ấy, tìm ra đặc trưng, bày ra được cảm xúc và phát hiện được hình ảnh mới, ấy mới gọi là thành công.
           
Thơ tình của Đào An Duyên cũng có dấu ấn. Nó không náo nhiệt, cũng không hừng hực. Không cô đơn lạnh lẽo cũng không ân hận trách móc. Nó là trách nhiệm, là chiêm nghiệm, là sự chừng mực nhìn người và nhìn mình, nhưng mà vẫn cứ là thổn thức, vẫn cứ khiến đọc xong ta thấy như... được yêu “Cộng mình vào khuya khoắt/ Thấy thừa ra thật nhiều/ Bàn tay dư dôi thật/ Mãi quờ vào quạnh hiu...” (Cộng). “Em đã đèo cao vực sâu/ Tự vừa vặn mình thác ghềnh đá núi/ Mềm như sông như suối/ Cứng như mầm cây vừa vặn nảy vui buồn/... Em như con bồ câu gù thật nhẹ sợ cả lá rơi/ Để vừa vặn tiếng mưa anh/ Nhưng sao tiếng gù em đau/ Trong tiếng mưa buốt xót” (Vừa vặn em). Cũng có nỗi đau, nhưng nỗi đau như một tiếng thở dài cố nén. Và vì thế mà nó buồn, nỗi buồn đầy chất thơ chứ không lồng lộn hoặc héo quắt “Đừng nhìn mãi cánh cửa ngày đã khép/ Lòng buốt đau. Tiếc một sợi dây gàu/ Em không thấu giếng lòng người thăm thẳm/ Chạm tay vào. Chỉ mùa cũ tươi nguyên./ Tháng mười về lòng như câu thơ bỏ quên/ Câu thơ anh viết ngày chúng mình hạnh phúc/ Câu thơ còn rưng rưng nét mực/ Mà chúng mình xa nhau như mùa ngâu” (Sót lại một chiều ngâu).
           
Đào An Duyên biết sử dụng một cách tài hoa chữ, hình ảnh và tiết chế được cảm xúc để nó nén lại chứ không tãi ra khiến người đọc nhàm. Không phải người viết trẻ nào cũng làm được điều ấy. Chị có nghề và ý thức được việc sử dụng nó để thể hiện trong từng bài thơ nhằm triển khai hết được ý tưởng cũng như cảm xúc của mình, để vừa chặt chẽ mà lại vẫn tung tẩy, không thừa không thiếu. Có những câu thơ rất gợi như ba câu kết của ba khổ thơ trong một bài: “Gầy như sợi tơ vừa non”, “Mùa đông từ đó, một mình”, “Trút hết lá gầy. Mùa đông” (Mùa đông), nó tạo nên một ám ảnh mùa đông rất đặc trưng, rất lan tỏa.

Còn nhiều điều để viết về tập thơ này và cô nhà thơ trẻ này, nhưng tôi nghĩ, cũng như nhiều người khác, đây mới chỉ là những bước đầu. Ngay ở Pleiku này thôi, giờ đây, cũng đã có một số tưng bừng một thưở xếp cánh đâu đó. Đọc câu chữ một thời cứ thấy vang vang giờ như giấy bản gặp mưa Tây Nguyên. Và vì thế mà tôi tin, những lặng lẽ, có phần khép nép, nhưng đầy năng lượng, đầy sáng tạo, đầy đam mê nhưng biết tiết chế của Đào An Duyên sẽ hứa hẹn một cây bút dài hơi của Tây Nguyên, đủ sức đi qua mưa qua nắng Tây Nguyên và cả sự khắc nghiệt sàng lọc của văn chương...

VĂN CÔNG HÙNG
Nguồn Văn nghệ số 34/2018





Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

An Bình Minh - Thêm một mảng trầm tích về hậu chiến

Tiếp sau thành công của một loạt truyện ngắn, cùng với việc rinh về giải Ba (không có giải Nhất) Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015) cho cuốn “Dư chấn 3,5 độ richter”, cứ ngỡ đâu nhà văn An Bình Minh sẽ “xả hơi”. Nhưng không, hóa ra ông vẫn lặng lẽ thu mình cày ải và vẫn thủy chung với truyện ngắn.
Nhà văn An Bình Minh

15 truyện trong tập “Chuyện tình Xiêm Riệp” ra mắt bạn đọc lần này vẫn là sự tiếp nối mạch nguồn của một nhà văn từng một thời mặc áo lính, bên cạnh những chuyện “cập nhật” đời sống hôm nay, là mảng đề tài đề tài chiến tranh (chiếm gần một nửa trong tập truyện). Nhà văn An Bình Minh, tên khai sinh là Bùi Bình Thiết, tuổi Mậu Tý (1948). Từ quê hương Liên Bặt, Ứng Hòa, Hà Nội, ông nhập ngũ năm 1965. Từng là lính cao xạ, rồi văn công Phòng không - Không quân; sau ngày đất nước thống nhất, ông đi học rồi chuyển ra làm báo, viết văn.

Được hỏi vì sao ông vẫn thủy chung với mảng đề tài chiến tranh và người lính, nhà văn An Bình Minh không ngần ngại trả lời cần phải viết để trả nợ ký ức. Đó là những trận chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng “siêu pháo đài bay B.52” của Mỹ trên đất Bắc; là đồng đội mới hôm trước vẫn cùng nhau nói cười vô tư, xúm xít quanh con chó tên Đốm (Tôi và Đốm), ria mép còn măng tơ, nhưng lại có thể bắn một lúc 21 quả đạn pháo trung cao mỗi quả nặng gần 30 kilogam - cái con số mà chiến sĩ Hồng quân Liên Xô cao lớn đã lập kỷ lục tại thung Rua trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, để rồi hôm sau chỉ còn lại một “ống bơ không đầy” trong hầm pháo, thịt xương bay tung tóe khắp nơi. Ký ức của người lính là những đồng đội vừa ra khỏi cuộc chiến 10 năm (1965-1975) lại hòa vào đội quân tình nguyện sang đất nước Campuchia giúp bạn để rồi chỉ còn dòng tên trong các buổi phát thanh “Nhắn tìm đồng đội”...

“Chuyện tình Xiêm Riệp”, tên một truyện ngắn được lấy làm tên chung của cả tập sách, kể về những người lính lớp sau của tác giả và đồng đội. Thuấn một chàng trai vừa học xong Đại học Y, chưa qua thực tập lấy bằng đã nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên 1979. Anh không lên biên giới phía Bắc, đánh quân Trung Quốc xâm lược mà được điều động sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn. Thuấn được bổ sung vào Trạm quân y Tiểu đoàn đặc công. Trong trận tập kích vào trại tù nhốt thân nhân của những người bị khép tội “phản bội chế độ” Khmer đỏ, đơn vị Thuấn đã giải thoát cho hơn 200 người, trong đó có cô gái trẻ Pơrăm. Trong khi hầu hết những người dân Campuchia được quân tình nguyện Việt Nam cứu sống đều dắt díu nhau về quê thì cô gái tiều tụy có tên Pơrăm cứ bám riết lấy tiểu đội cứu thương của Thuấn không chịu rời. Hỏi ra mới biết Pơrăm không còn chỗ nương tựa, bố mẹ và người anh trai của cô đã bị Khmer đỏ hành quyết. Lũ coi trại tù định lấy Pơrăm làm quà dâng lên ăng-ka, để “thượng cấp thỏa mãn thú tính trên thân xác con gái của kẻ thù”. Nếu cứ để Pơrăm lang thang trở về quê không chốn nương thân, chắc hẳn cô sẽ lại sa vào tình cảnh cũ, đi vào ngõ cụt, tương lai chờ đón rất tăm tối? Tình thế chẳng đặng đừng, buộc Thuấn phải để Pơrăm tá túc cạnh Trạm quân y Tiểu đoàn, nơi anh vừa được đề bạt trạm phó.
Tập truyện ngắn “Chuyện tình Xiêm Riệp” của An Bình Minh

... Sau hơn nửa năm họ sống gần nhau, một bên là anh Bộ đội nhà Phật (tên của người dân Campuchia đặt cho quân tình nguyện Việt Nam) tốt bụng, chân thật, chưa một mảnh tình vắt vai và cô gái trẻ xinh đẹp, thông minh, chăm chỉ cần mẫn giúp chăm sóc thương binh và dạy tiếng Khrme cho bộ đội để rồi cái điều “phải đến đã đến”. Họ yêu nhau, khi bộ đội Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ rút về nước, Thuấn trở lại sống cùng Pơrăm trong ngôi nhà của bố mẹ cô ở Xiêm Riệp.

Sau 20 năm nhọc nhằn mưu sinh, họ đã có được một mái ấm hạnh phúc với hai con gái một con trai, kinh tế sung túc. Pơrăm bằng sự thông minh khéo léo của mình đã sớm trở thành cô chủ nhỏ xinh đẹp của Công ty cá Biển Hồ có chi nhánh xuất khẩu gần khắp cả nước. Tưởng chừng như mọi thứ đã viên mãn thì đúng lúc ấy, nàng Pơrăm bất ngờ đòi ly dị. Đến lượt Thuấn trở nên thân cô thế cô và gần như mất tất cả, bởi các con anh đều lấy họ mẹ để được học lên cao…

Trải qua nhiều dằn vặt, giằng xé, bác sĩ Thuấn quyết tìm cho ra nguyên - nhân - ly - hôn để giúp anh yên lòng ở lại Campuchia giữ gìn dòng máu của mình. Thuấn không tin Pơrăm vì tham vàng bỏ ngãi mà quên nghĩa tình xưa và hơn thế vẫn muốn lưu giữ ký ức về một cô gái tóc rối năm xưa, giữa rừng bám theo anh không dời nửa bước... Bởi thế dẫu đã tìm ra được cái nguyên nhân lạnh lùng và đau đớn kia, anh vẫn tự dối lòng khỏa lấp. Pơrăm đã là một bà chủ nhỏ xinh đẹp, hấp dẫn. Trong công việc làm ăn, kinh doanh cô thường xuyên đi đây, đi đó, tiếp xúc với nhiều đại gia trẻ cùng quê cũng mới nổi như cô. Những điều thuận lợi đó là điều kiện cần có đủ để cô “xét lại” cuộc hôn nhân dị chủng của mình...

Câu chuyện được bố cục trong một không gian, thời gian khá chặt chẽ. Nó mở đầu bằng chính cái kết thúc với một chút có hậu. Thuấn sống trong ngôi nhà tuềnh toàng ở biên giới phía đông Campuchia. Cuộc tình của người đàn ông Việt là chuỗi hồi ức diễn ra trong sự ngóng trông, thấp thỏm để cuối cùng anh được nói chuyện qua điện thoại với đứa con trai gọi về từ Hà Nội khi vừa đặt chân xuống sân bay... Dường như tác giả muôn thông qua câu chuyện này để gửi gắm đến bạn đọc một thông điệp lớn hơn rất nhiều so với thân phận của tình yêu đôi lứa, rằng mọi thứ sẽ rất dễ bị người đời nguôi quên, nếu như nó không được luôn nhắc nhớ. Đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai hãy còn chút ảo tưởng mơ mộng, rằng không có sự vật nào lại không vận động, biến đổi. Mọi thứ đều có thể…

Cùng với mảng truyện về đề tài hậu chiến, An Bình Minh còn có những tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại khá sắc sảo như: “Ly thân thời 4.0”, “Vợ chồng hề”; “Công trình thế kỷ”, “Ngôi nhà trên đỉnh Thung Lau”, “Gió thoảng”, “Về thôi con”, “Ok! Bố”... với giọng văn dí dỏm, lý giải tình cảm cuộc sống với một chút triết lý nhẹ nhàng, sâu lắng.

Từng làm đủ nghề trong quân đội, Nhà văn An Bình Minh kinh qua chiến đấu trên nhiều chiến trường. Vốn sống của ông về mảng đề tài chiến tranh trầm tích phong phú, còn nhiều hứa hẹn. Trước đó, ông đã có hơn 20 năm làm báo, làm phóng viên, biên tập viên, đến chỉ đạo xây dựng nội dung một tờ báo. Trong mảng đề tài cuộc sống mới, ông có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc và đồng nghiệp. Không hẳn một lời khuyên, nhưng tôi vẫn ước giá như ông mạnh dạn phóng bút như đã từng dũng mãnh xông pha ở chiến trường, chắc hẳn sẽ còn nhiều tác phẩm văn học viết về mảng đề tài này hấp dẫn hơn.

NGUYỄN MINH NGỌC



Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Viết & Đọc với Vũ Trọng Quang

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa đông 2018 vừa được NXB Hội Nhà văn tổ chức giới thiệu tại TP.HCM với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu…

Chuyên đề mùa Đông 2018, cái cớ chuyên đề chỉ tọa độ vị trí thời gian, nội dung không hoàn toàn nói về mùa đông. Đây là tập sách Viết & Đọc thứ hai sau Chuyên đề mùa Thu 2018 xuất hiện cách đây 3 tháng.

Chuyên đề kỳ này là một tập hợp độc đáo, ngay tranh bìa của hoa sĩ Lê Thiết Cương tác phẩm độc sáng, hai hình ảnh cố định trong ý nghĩa di động, hình ảnh ngòi bút và hình ảnh giáo đường nhập lại một. Các phụ bản không phải phụ bản của các họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Trần Văn Duy, Nguyễn Thuyên, Tôn Thất Tùng Hải, Lương Lưu Biên… là  những tác phẩm hội họa độc lập.

Cuộc đối thoại thú vị của hai người vĩ đại của nhân loại: nhà thơ Rabindranath Tagore,đoạt giải Nobel Văn học năm 1913 và nhà bác học Alber Einstein, cha đẻ Thuyết tương đối. Trích một đoạn đối thoại:

- Tagore: Như vậy tính hai mặt có ở trong bề sâu của tồn tại, mâu thuẫn của xung năng tự do và cái ý chí có định hướng hoạt động dựa trên xung năng đó và tiến hóa một sự sắp đặt sự vật một cách có trật tự.

- Einstein: Vật lý hiện đại sẽ không nói rằng chúng mâu thuẫn lẫn nhau. Những đám mây trông từ xa như một khối, nhưng nếu anh thấy chúng dù gần, chúng tự phô bày như là những giọt nước vô trật tự.

- Tagore: Tôi thấy một sự tương đồng ở tâm lý con người. Những dục vọng và khao khát của chúng ta thì ngổn ngang, nhưng tính cách của chúng ta thu phục những thành tố đó vào một tổng thể hài hòa. Liệu có cái gì đó giống như thể xảy ra trong thế giới vật lý không? Có phải các nguyên tố thì mới nổi loạn, năng động với xung năng thúc đẩy cá biệt? Và liệu có một nguyên lý nào trong thế giới vật lý thống trị chúng và đặt chúng vào một tổ chức có trật tự?

- Einstein: Ngay cả các nguyên tố đó cũng không phải không có trật tự mang tính thống kê: các nguyên tố radium sẽ luôn duy trì trật tự đặc thù của chúng, bây giờ và mãi mãi về sau, đúng như thế suốt từ trước đến nay. Vì vậy có một trật tự mang tính thống kê ở các nguyên tố.

Và một bất ngờ là chuyên đề đã giới thiệu một chùm thơ hay của Đức Giáo hoàng John Paul II, một thi sĩ:

“Rất nhiều lớn lên quanh tôi,  qua tôi
 Và từ tôi như thế
Tôi trở thành một con kênh  buông thả một nguồn lực
Gọi là người
Những người khác không vây quanh, bóp méo
Người đàn ông là tôi?
Là mỗi người bọn họ, luôn luôn không hoàn hảo
Bản thân tôi quá gần bản thân tôi
Anh tồn tại trong tôi, anh có bao giờ có thể
Nhìn vào bản thân anh mà không sợ hải?”

(Diễn viên)

Đọc những bài thơ của Đức Giáo hoàng, tôi lại nhớ đến tập Thơ Nhã Ca, trang đầu có trích mấy câu của Cựu Ước:
               
“Chớ nhìn tôi, bởi vì tôi đen
mặt trời đã nạm cháy tôi
anh em tôi đã ruồng bỏ đi
buộc tôi canh vườn nho cho họ
còn vườn nho của tôi
tôi không hề canh giữ”

(SALAMON Cựu Ước)

Trung tâm của chuyên đề là truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc, đây là truyện ngắn tôi đọc nhiều lần, trước và sau khi tuyển vào Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 54-73), đây là một truyện ngắn mỗi lần đọc lại lại thấy khang khác, do dáng vẻ tân truyện không có cốt chuyện, công cuộc khẩn hoang còn ở phía trước, còn đi tới tìm đất mới. Một câu chuyện đồng quê với bút pháp mộc mạc nhưng hiện đại. Xung quanh về truyện ngắn là bài viết của: Trần Đức Tiến, Trần Nhã Thụy, Văn Thành Lê, Trần Minh Lương, Hoàng Hiền; tôi chú ý đến bài “Tôi thấy mình là Cộc” (tên nhân vật trẻ nhỏ trong Rừng Mắm) của Lê Quang Trạng.

Nó lôi cuốn như ca dao:

“Mắm trước đước sau tràm theo sát
Bên hàng dừa nước bến nhà ai”

Phần văn xuôi ngoài Rừng Mắm còn có các truyện ngắn hay: Bên trong những tấm gương của Trà Đóa, Trái dưa chuột của Vũ Thành Sơn, Trên đồng cỏ của Nguyễn Thị Kim Hòa.

Trong phần Phê bình & Tiểu luận có bài viết “Nhân thừa” với Khổng và… Nho giáo của Phạm Lưu Vũ, một người am hiểu tôn giáo, có lối viết “dữ” và hấp dẫn. Nghe tác giả nói về Nhân thừa: “Trung Hoa xưa có hai người khổng lồ là Khổng với Lão. Khổng Tử thuộc về Nhân thừa (đạo thu Nhân), Lão Tử thuộc về Thiên thừa (đạo tu Tiên). Nhân thừa không thể với tới Thiên thừa được, bằng chứng là câu nói của Tử Cống: “Văn chương của thầy tôi đã nghe, nhưng tôi chưa nghe thầy nói về đạo trời”, Khổng Tử là một trí tuệ khổng lồ trùm khắp cõi người, Lão Tử là một trí tuệ khổng lồ trùm khắp tam giời. Nhưng cái ông Khổng Tử như ta biết ngày nay, tuyệt đối không phải ông Khổng Tử của Nhân thừa, mà chỉ là ông Khổng Tử của Nho giáo.Nho Giáo không phải đạo Nhân, cũng tức là không phải Nhân thừa vậy”.

Tác giả nước ngài có “Truyền thống hiện đại, sự phản bội của hiện dại” của Antoine Compagnon (Nguyễn Chí Hoan dịch) và “Tôi đến Việt Nam để được thanh thản”.

Phần “Ấn tượng 90 ngày”đề cập thời sự đang “nóng”: Thủ Thiêm, còn đó những câu hỏi” của Tạ Duy Anh, “Đếm lần bán dâm” của Đỗ Doãn Hoàng, và “Khi bức thành trì cuối cùng của nhân tính sụp đỗ” của Nguyễn Quang Thiều…

 Phần thơ có thơ của Trần Lê Khánh, Ánh Huỳnh, Cao Xuân Sơn, Ngô Liêm Khoan, Hoa Nip.

Cuốn sách có một lợn cợn nhỏ đó là phiên âm tên người nước ngoài: Giáo hoàng Giăng Pôn II và tên nguyên John Paul II, cả hai đều là một, và cùng hiện hữu trong Viết & Đọc, người đọc có thể nhầm tưởng là hai người, chữ “Giăng Pôn” nghe sao sao giống như nghe Niu Oóc từ hai chữ New York. Khuynh hướng bây giờ là giữ nguyên tên nước ngoài không phiên âm.

Những dòng trên không phải quảng cáo cho chuyên đề, đó là sự thật, sự thật của những Mùa.

Giá bìa sách có trị giá 150.000 đồng, nhưng giá trị Chữ hơn thế, giá trị của trí tuệ không đo lường bằng ngân lượng.

VŨ TRỌNG QUANG
       

        


Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Lương Minh Cừ - Chất lính, hồn lính trong Bất chợt mùa xuân

Tôi và PGS.TS. triết học Lương Minh Cừ thường gặp nhau trong những cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, có lẽ vì thế tôi vẫn nghĩ về anh như một nhà nghiên cứu, nhà giáo. Bất chợt một hôm thấy anh xuất hiện trên truyền hình với tư cách là một nhà thơ, được giải thưởng thơ (tập thơ Chân trời vùng sâu, Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh, 1976-1977). Tôi háo hức tìm đọc thơ anh.
Nhà thơ Lương Minh Cừ

Bất chợ mùa xuân (NXB Hội Nhà văn 2007) là tập thơ thứ hai của Lương Minh Cừ. Đã hơn 30 năm “giã từ vũ khí”, bàn tay hàng ngày đã quen cầm bút, viết bảng nhưng thơ anh vẫn giữ nguyên chất lính, hồn lính, đúng như Giang Nam nhận xét ngay dòng đầu tiên của Lời giới thiệu: “Hơn một nửa số bài thơ trong tập Bất chợt mùa xuân là những bài nhà thơ Lương Minh Cừ viết về chiến tranh và trong chiến tranh, với tư cách là một người lính cầm súng”. Lương Minh Cừ tự nói về điều này:

“Đồn giặc đã nhòe trong đêm
Bàn tay cầm súng chưa quên bao giờ”

               (Lục bát Tháp Mười)

Chất lính, hồn lính còn được Lương Minh Cừ tô đậm qua hình ảnh của đôi nam nữ trong bộ quân phục dắt tay nhau tự hào và tự tin bước vào trường đại học sau chiến tranh:

“Giặc tan rồi vẫn màu quân phục
         vương hương bưởi, hương cau…
Anh dắt tay em vào trường đại học
Hoa phượng soi đỏ hồng từng khuôn mặt
Anh mãi là đồng đội bên em”

              (Hạnh phúc đầu tiên)

Người lính trong thơ Lương Minh Cừ tung hoành khắp các chiến trường ác liệt, sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) mà tâm hồn bay bổng như một thư sinh chưa rời ghế học đường.

Xung trận, “lê tuốt sáng ngời”, người lính chiến vẫn ung dung ngắm trời ngắm đất, ngắm hoa dại nở ven rừng:

“Hoàng hôn - lê tuốt sáng ngời
Xe vào chiến dịch, mây trời chuyển theo
Bụi tung, đỏ mũ tai bèo
Đất chen hoa tím… lưng đèo cờ bay”

      (Ra trận qua đèo Ngang)

Với Khoảng trời địa đạo, Lương Minh Cừ đã tạo cho người đọc một xúc cảm thẩm mĩ dồn nén để rồi vỡ òa với sự trộn lẫn giữa hiện thực và trừu tượng, bóng tối và ánh sáng, hạn hẹp và bao la, âm thanh và tĩnh lặng…

“Khoảng trời địa đạo là khoảng trời tượng hình
Bởi không có mây bay và gió thổi

Bởi ánh sáng mặt trời không thể nào chiếu tới
Đồng đội tìm nhau xuyên suốt khoảng không gian”

“Khoảng không gian thu nhỏ một ước mơ
Dẫu chật hẹp vẫn một vùng vòi vọi
Những nẻo chiến trường ta đi không mỏi
Hội tụ về đây thành sắc đỏ khoảng trời” 

                 (Khoảng trời địa đạo)

Cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của Lương Minh Cừ về địa đạo Củ Chi vừa hiện thực vừa khái quát một cách tinh tế, độc đáo, toát lên tinh thần lạc quan, một niềm tin vững chắc không hề nao núng của người lính tựa lưng vào lòng đất mẹ chống quân thù:

“Người với đất, tựa lưng nhau đánh giặc
Suốt bốn mùa vững chắc ung dung”

                  (Khoảng trời địa đạo)

Trên chiến trường, người chiến sĩ dũng cảm, vững vàng, xông pha bất kể hiểm nguy nhưng trên lĩnh vực tình cảm, tình yêu lại vẩn vơ, lãng đãng, thiếu tự tin:

“Cớ sao em chẳng mời tôi
Miếng trầu,
                em đã têm rồi, ngày xưa?
Tháng giêng
                rét ngọt bụi mưa,
Hoa xoan rơi tím
đường xưa…
xuân giờ”

để rồi trách móc, giận hờn, phân vân tự hỏi, những câu hỏi chỉ để hỏi:

“Vì sao, tôi hỏi vì sao
Mưa xuân,
lại rắc bụi vào hư không”

(Điều tôi chưa hiểu)

Còn một mạch ngầm xuyên suốt Bất chợt mùa xuân, thắm đượm từng câu chữ, đó là một tình yêu quê hương đất nước thiết tha sâu lắng, không có gì to tát, chỉ thoảng mùi hương bưởi, hương chanh; “sắc lúa”, “dát” vào màu trời xanh; tiếng chim ríu rít rung cành; cây gạo “xòe bông đỏ trời” ở ngôi làng nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả:

“Tháng giêng nắng ướt cành đào
Em đi dát sắc lúa vào trời xanh
Vườn xưa hương bưởi, hương chanh
Tiếng chim ríu rít, rung cành còn không
Suốt đời tôi nhớ làng Đông
Đầu làng cây gạo xòe bông đỏ trời”

         (Tôi sinh ra ờ làng Đông)

Nếu có thể phác họa đôi nét về Bất chợt mùa xuân để thâu tóm cái thần thái của nó thì cái sắc lính, hồn lính hòa trộn với tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc; một tình yêu trai tráng, lãng mạn, nồng nàn… và một giọng thơ, điệu thơ trong sáng, đằm mà thắm của Lương Minh Cừ tạo thành một sắc thái riêng cho Bất chợt mùa xuân. Có điều hơi tiếc là đôi bài còn dàn trải, chưa thật sự chắt lọc, cô đúc, tượng hình như Khoảng trời địa đạo. Âu cũng là lẽ thường tình. Không nên quá đòi hỏi đến mức mỗi câu mỗi chữ đều “hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu”. Đó là điều xưa nay hiếm.

NGUYỄN VĂN THỨC
_____________________________

Nhà thơ Lương Minh Cừ sinh năm 1952 tại Thái Bình, tốt nghiệp phổ thông đi bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Nam Bộ, về sau sang làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Năm 1976, Lương Minh Cừ vào đại học, sau khi tốt nghiệp ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ về triết học. Ông từng là giảng viên các trường Đại học Kinh tế, Đại học Tài chính - Kế toán, Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing ở Thành phố Hồ Chí Minh và hiện là Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Cửu Long ở Vĩnh Long từ tháng 2 năm 2017. Ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo tư và Nhà giáo ưu tú.

Ngoài công tác giáo dục, Lương Minh Cừ còn là nhà thơ sáng tác từ thời chiến tranh.
Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Tác phẩm đã xuất bản:

Chân trời vùng sâu (thơ), NXB Văn Nghệ 1976
Bất chợt mùa xuân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2017
Nụ tầm xuân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2015

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng cuộc thi thơ Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976 - 1977.

Nguồn: NVTPHCM


Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Hoa Níp dở dang giấc mộng thi ca

Sáng sớm ngày 25.5.2016, tôi cùng lúc nhận được không biết bao nhiêu là cuộc gọi điện thoại và tin nhắn báo nhà thơ trẻ Hoa Níp đã mất do tai nạn giao thông tại Vũng Tàu.
Nhà thơ trẻ Hoa Níp (phải) và nhà văn Trần Nhã Thụy
chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến đi thực tế tại Bình Phước tháng 3.2016
  
Trong những cuộc gọi là tin nhắn ấy, đương nhiên là có những câu hỏi nghi ngờ về sự nhầm lẫn, bởi không ai tin đó là sự thật. Tuy nhiên, sau khi nhờ một bạn phóng viên ở Vũng Tàu xác minh thì biết là thông tin chính xác.

Nhà thơ trẻ Hoa Níp mất vào khoảng rạng sáng ngày 25.5 khi đang trên đường trở về nhà sau một cơn mưa tầm tã. Ghi nhận ban đầu tại hiện trường cho thấy anh đi xe tay ga và tự đâm vào bùng binh ngã tư Chí Linh (TP. Vũng Tàu).

Hoa Níp tên thật là Trần Quang Minh Giảng, sinh năm 1985 trong một gia đình nhà giáo. Với anh em văn nghệ trẻ TP.HCM thì Hoa Níp là một gương mặt quen thuộc, bởi anh từng là sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, từng có thời gian sinh sống và làm việc ở thành phố này.

Mấy năm trước khi về ở hẳn quê nhà Vũng Tàu, Hoa Níp từng sinh hoạt trong Ban Nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn TP.HCM. Sau này, khi Ban Nhà văn trẻ có sinh hoạt gì hay đi thực tế ở đâu, Hoa Níp đều nhiệt tình tham gia nếu như thu xếp được.

Là một người yêu thơ, dấn thân với sự cách tân đổi mới, Hoa Níp còn thể hiện là một nghệ sĩ phản kháng.

Có thể thấy ngoài đời Hoa Níp như một chàng trai bất cần, phiêu bạt, nhưng với thơ anh lại nồng nàn và kỹ lưỡng. Hoa Níp kỹ lưỡng và khó tính với thơ ca tới mức cho đến bây giờ sau hơn 10 năm làm thơ, anh vẫn chưa cho ra đời một tập thơ riêng mình.

Với riêng tôi thì Hoa Níp là một người em bộc trực chân thành. Tôi quý mến và âm thầm lo lắng cho Hoa Níp vì cảm nhận sự bất an ở một người tuổi trẻ dấn thân văn nghệ mà hồn nhiên không biết đề phòng.

Hoa Níp ra đi khi tuổi đời quá trẻ, dở dang nhiều dự định cuộc đời, dở dang giấc mộng thi ca mà anh nguyện chung thủy trọn đời.

Hoa Níp mất đi để lại cho bạn bè nhiều hụt hẫng, nhiều tiếc thương cho một tài hoa đoản mệnh.

__________________________

Theo thông tin từ gia đình nhà thơ trẻ Hoa Níp, anh từ trần lúc 1g20 ngày 25.5.2016 (nhằm ngày 19.4 Bính Thân), hưởng dương 32 tuổi. Lễ nhập quan lúc 18g30 ngày 25.5. Lễ viếng bắt đầu từ 19g ngày 25.5. Lễ động quan diễn ra vào 8g30 ngày 28.5, an táng tại nghĩa trang Long Hương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

TRẦN NHÃ THỤY
Nguồn: Báo TUỔI TRẺ ONLINE


Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Xuân Trường - “Hai vệt nắng chiều” và cuộc ra ngoài tử biệt sinh ly

Với “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường như đang cố níu giữ những mảng hồi quang và ông đã như thoát khỏi mình, thoát khỏi những rào cản thế tục để trải hết lòng mình, đặng làm tròn chức phận của một thi sĩ: Ra ngoài tử biệt sinh ly/ Văn chương góp một chuyến đi vô cùng...
Nhà thơ Xuân Trường
    
Trong “Hai vệt nắng chiều” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 9 năm 2018), Xuân Trường ưa dùng hai từ “hành trình” và “mằn mặn” (đôi khi là mặn mà hoặc mặn) trong những cảnh huống khác nhau và mang màu sắc tâm trạng khác nhau. Có thể tạm thống kê: “Dìu dặt một hành trình” trong “Huyền cảm sông Hàn”; “Hành trình hun hút” trong “Chiều Ái Nghĩa”; “Hành trình cơm áo” trong “Chiều quê”; “Xa xứ một hành trình” trong “Về Khánh Hòa”; “Đôi vai hành trình” trong “Trưa Dầu Tiếng”; “Gió sương hành trình” trong “Viết cho Lưu Ba”... và “Mằn mặn gió Thanh Khê” trong “Trưa Đà Nẵng”; “Gió Tam Thanh đang mằn mặn” trong “Mưa hạ Tam Kỳ”; “Biển mặn vào ta thoang thoảng ca dao” trong “Huyền cảm sông Hàn”; “Gió vẫn mặn hoàng hôn quanh chỗ ta ngồi” trong “Hoài niệm”; “Gió Mỹ Khê mằn mặn bước ta về” trong “Ký ức sông Hàn”; “Em mặn mà hơn xưa” trong “Nhớ An Khê”; “Nước mắt mặn cả chiêm bao” trong “Lần xuân bảy chín”; “Nghe nước mắt mặn mềm lên kỷ niệm” trong “Viết cho nhà thơ Thanh Tùng”...
   
Gộp tất cả những hành trình ấy và những mằn mặn ấy, độc giả có thể dễ dàng nhận ra một kết quả. Đó là một Xuân Trường ưa xê dịch, ưa bôn ba để trải nghiệm cùng đời sống, để chìm đắm và ngộ ra mùi vị của đời sống. Đó cũng là những bước chuyển động trong hành-trình-mặn hết mình mang hơi thở nhân sinh và thấm đẫm hương vị nhân sinh.
   
Với một người làm thơ, sự “mở ra” và “hướng tới” như vậy, là rất đáng trân trọng. Chúng như hành trang quý giá khi đến với thơ và gặp thơ trong những khúc quanh vô thường của mỗi đời thơ. Điều đáng mừng là cả sự “mở ra” và cả sự “hướng tới” đều chân thành, say mê và riết róng đến độ.
   
Đó cũng là hành trình giằng xé giữa cái đã qua và cái đang diễn ra, mà ở trong đó đã bao hàm sự dấn thân tất yếu không tránh khỏi, mà sau chót là cái bây giờ và cái ngay ở đây: “Bình minh và hoang hôn chất vấn nhau trong ta dữ dội/ Nên để ta già hay trẻ - chút nữa đây/ Thôi thì ta cứ chấp nhận những niềm vui/ Mà trời đất cho ta chặng cuối của hành trình lang bạt...” (“Trưa Đà Nẵng”)
    
Đó là hành trình không chỉ nhận thấy mà cảm thấy, không chỉ bằng cái thính giác, cái thị giác...mà bằng cái toàn giác: “Ta thở mùa bằng những hơi trầm lắng/ Im lìm nghe quê hương qua thớ thịt làn da...” (Huyền cảm sông Hàn)
Tập thơ “Hai vệt nắng chiều” của Xuân Trường

Đôi khi, tác giả hướng tới hư không và không phải để đối thoại với hư không mà độc thoại với chính mình, với những gì một đi không trở lại, với những gì “không có gì hai lần” theo quan niệm của nữ sĩ Ba Lan W. Szymborska – Giải Nobel văn chương 1996: “Tôi rót chiều đầy một ly không/ rồi nâng lên chạm vào mênh mông nỗi nhớ/ tuổi thơ hiện về, tôi gặp lại tôi xưa...” (“Chiều quê”); “Rót chiều đấy một ly xuân/ Nâng lên tôi lại ngập ngừng mời tôi” (“Chiều xuân uống rượu một mình”); Gió vẫn mặn hoàng hôn quanh chỗ ta ngồi/ Tựa vào chạng vạng hoàng hôn một mình ta nghe biển (“Hoài niệm”).
   
Đây là những câu thơ tuy bảng lảng thi sĩ nhưng cũng máu thịt đến tận cùng, hầu như không bị chi phối, tác động của ngoại cảnh. Chúng như cháy lên, được sinh ra  một cách tự thân, từ một sự hướng nội theo cách hốt nhiên mà như thế, mà nên thế, không cần nói thêm gì nữa.
    
Nhiều lúc, dù Xuân Trường “lưu lạc áo cơm trắng bờ năm tháng” (“Ký ức sông hàn”), “chạm vào nợ cũ vẫn còn áo cơm” (“Tiếng đêm”) mà vẫn yên lòng “tựa bờ chiều ta tìm lại ra xưa” (“Giữa Sài Gòn lưu đọng một Quy Nhơn”) để “tươi xanh” cùng “miền ký ức nôn nao” (“Mưa hạ Tam Kỳ”).
   
Trong “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường có nhiều câu thơ về sự thăng hoa của tình yêu, thân phận của tình yêu thật đáng nhớ và đáng được đánh dấu khuyên vào đó. Có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng: “Em chưa núi mà lòng ta muốn chạm đầu thủ thỉ/ Thời gian chảy hai ta vào tri kỷ/ Khuya khoắt đường về, khuya khoắt mênh mông” (“Đêm Krôngpa”), “Nếu mà lỡ cuộc bể dâu/ Thì xem như mới bắt đầu nghe em/ Ngàn năm môi biển vẫn mềm/ Ngàn năm cát vẫn dịu êm đợi chờ” và “Bồng bềnh em bồng bềnh tôi/ Nước-mây hai đứa một đôi bồng bềnh(“Sáng nay lên đỉnh Kê Gà”), “Em không gió mà lòng ta cứ sóng/ em không hương sao ta mãi bận lòng” và “Chiêm bao ta em vàng đến Sài Gòn” (“Bẽn lẽn dã quỳ”), “Thế gian đông lắm người ta/ Mà sao tôi cứ thật thà một em” (“Bước chân tháng chạp”), “Cắn miếng tinh mơ nghe ngọt lịm phù sa” (“Chợ nổi Cái Răng”)...Bốn câu thơ dưới đây cho trong “Nhớ An Khê” thấy vẻ đẹp buồn đến mong manh của tình yêu hay là cái đẹp của tình yêu luôn mang trong lòng nó sự mong manh ngay từ khởi thủy:

Em thở dài bằng mắt
Tôi vội vã bằng lời
Mà sao trong vời vợi
Đã mầm mống chia phôi...
   
Với “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường như đang cố níu giữ những mảng hồi quang và ông đã như thoát khỏi mình, thoát khỏi những rào cản thế tục để trải hết lòng mình, đặng làm tròn chức phận của một thi sĩ:

Ra ngoài tử biệt sinh ly
Văn chương góp một chuyến đi vô cùng...

ĐẶNG HUY GIANG




    


    

Huỳnh Dũng Nhân - Cuối heo may ta nhớ nụ hôn đầu

Đôi khi ta gặp một người quen, không màu mè khách sáo, chuyện trò “rút ruột” với nhau đủ thứ trên trời dưới biển, từ những niềm hạnh phúc li ti cho đến nỗi đau sâu thẳm, và rồi ta bỗng bất ngờ, bất ngờ vì chính sự quen thuộc có vẻ xưa cũ ấy ẩn chứa những phát hiện, những xúc cảm tưởng như gần gũi dung dị nhưng lại đầy mới mẻ bởi những triết lý về đời sống, tình yêu về sự thành công và mất mát… Tôi miên man nghĩ như thế khi gấp lại trang cuối cùng tập thơ Dã quỳ tím của nhà báo, nhà giáo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân; tập thơ do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 6.2011 và tôi là một trong những người đầu tiên hân hạnh đuợc tác giả tặng.
Vũ Thanh Hoa tặng truyện, Huỳnh Dũng Nhân tặng thơ

“Tôi chả biết nói thế nào về thơ tôi cả. Chỉ biết là khi không viết được văn, không viết được báo, không vẽ được, không hát không múa được, không la lên với thiên hạ rằng tôi yêu, tôi buồn, tôi nhớ, tôi thương…thì tôi muốn làm thơ.
Thế thôi.
Như một chút riêng tư.
Như một chút gì để tặng mọi người.
Kỷ niệm một lần được sống trên đời”
                                         (Tự thú)

Đó là những dòng “tự bạch” của tác giả mở đầu tập thơ, dường như khiêm nhường, lại duờng như có chút khoe về sự “đa tài” của mình, tôi thấy thú vị ở ý nghĩ Kỷ niệm một lần được sống trên đời, và tôi giở tiếp trang thơ để xem “một lần sống” của Huỳnh Dũng Nhân thế nào…

Đã dặn lòng đừng ngược về quá khứ
Cuối heo may ta nhớ nụ hôn đầu
Mỏi bước hoài dốc cạn đáy ly sâu
Ta ở lại, người đừng đi, ta đợi…
                    (Gửi heo may)

Và trong dòng chảy bộn bề sống của người đàn ông này, ký ức chưa bao giờ ngủ yên. Tôi nhớ câu châm ngôn nước ngoài: “Điều khó xử của con người là chúng ta vừa yêu lại vừa ghét sự thay đổi.” và Hùynh Dũng Nhân luôn đau đáu với những kỷ niệm, trăn trở giữa đuợc và mất, sự trăn trở rất thơ mà cũng rất thực:

Nhớ người hồi ấy dịu dàng lắm
Mắt ướt như là mới giận ai
Mới hẹn hò đây mà xa quá
Bấm đốt tay thấy tháng năm dài
                              (Nhớ)

Mùa cũ dịu dàng đời cũ qua mau
Ấu thơ xưa đã về khung trời khác
Ta cũ đến không nhận ra mê hoặc
Cũ tận cùng những ký ức riêng tư
                                (Mùa cũ)

Rất nhiều bài diễn tả về nỗi nhớ trong Dã Quỳ Tím. Bài nhớ về Lai Châu, Điện Biên, Sapa, Đà Lạt, Bến Tre, Vũng Tàu… Có nỗi nhớ dịu dàng, mộng mơ thoảng qua mà khó quên, có nỗi nhớ ngọt ngào đắng cay, có nỗi nhớ trĩu nặng nợ nhân duyên:

Tình tôi em giữ giùm tôi
Mười năm chắc đã thuộc trời hư vô
Chơi vơi mưa nắng xa mờ
Nhớ nhau chỉ biết làm thơ chứ gì
                                (Nhớ tình)

Thế rồi cũng hết ngày vui
Lối xưa trưa vắng
Một người bỗng xưa
Một ngày bỗng thấy ta thừa
Đi qua hụt hẫng
Như vừa đánh rơi
               (Xa xăm)

Hầu hết các bài thơ của Dã Quỳ Tím không tìm những cấu tứ lạ lẫm, mà cảm giác như tác giả đang ngồi bên cạnh, rì rầm kể câu chuyện đời mình, giản dị và gần gũi. Cách dùng từ cũng vậy, không bóng bẩy, ẩn dụ, phô diễn nhưng đằng sau những con chữ đời thuờng ấy, người đọc phát hiện ra những trải nghiệm sâu lắng của một nhà báo, nhà giáo xuất sắc, một nhà văn tinh tế, người đàn ông đối mặt với bao lo toan thường nhật, với sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên… nhoi nhói vết thuơng lòng:

Mỗi tan tầm ba rẽ sang đường khác
Số nhà mới vẫn thỉnh thỏang ba quên
Mỗi trưa nắng ba dừng xe ghé chợ
Thương hai con những bữa cơm buồn
Một chữ ký chia ly là mẹ cha có lỗi
Khi buông tay con bơi giữa dòng đời
Quãng đường mới rồi có khi bớt lạ
Vẫn nhớ nhà thương con lắm con ơi !
Vẫn đôi lần xe chợt quen lối cũ
Vội quay đi như một kẻ nhầm đường
Đêm mưa về nhìn lên ô cửa sáng
Nhà bốn người thiếu một hóa neo đơn                             
                        (Viết cho con)

Cuộc đời trắc trở, đầy bon chen cạm bẫy khiến trái tim đa cảm, đa tình đôi khi thấy tẻ nhạt, nhàm chán và ngột ngạt, Huỳnh Dũng Nhân có những phút thả mình ao ước chút táo bạo, chút mãnh liệt, chút tự do nhưng vẫn rất chừng mực:

Thỉnh thoảng nhắn tin thỉnh thoảng kêu điện thoại
Chẳng vì đâu, vì bất chợt chớ nhau
Thỉnh thoảng thấy cuộc đời này thi vị
Thấy ngày dài và đêm cũng rất sâu
                     (Thỉnh thoảng)

Khi yêu nhau xin hãy đừng so sánh,
“Em là tôi và tôi cũng là em” (TCS)
Ta kiêu hãnh vì biết mình tồn tại
Hơn một lần không giống thú hoang
                                       (Yêu)

Dã quỳ tím chủ yếu là các bài thơ theo thể tự do nhưng số ít các bài lục bát lại chấm phá những nét thành công bất ngờ của Huỳnh Dũng Nhân.:

Thế mà cũng đã tỉnh say
Rượu xưa quán cũ
Những ngày cạn nhau
Mà thôi trăm thứ đớn đau
Phá cười nhìn xuống
Chẳng đâu là gì
Thế mà nặng trĩu làm chi
Sao
Ôm
Mãi
Thế
Về đi
Hết rồi
   (Xa xăm)

Người tài hoa thường thấy cô đơn giữa đám đông và Huỳnh Dũng Nhân cũng không tránh khỏi điều này, tôi nhận thấy nhiều bài thơ trong Dã quỳ tím lột tả nỗi trống trải song hành cùng tác giả:

Tôi luôn luôn ngọ nguậy
Trên trái đất của tôi
Chiếc ghế tôi quá chật
Khi tựa cả bầu trời
Đường tôi đi quá hẹp
Rơi rụng hết nụ cười
Nơi tôi đến xa quá
Chỉ còn lại mình tôi
                  (Tôi)

Vẫn bấy nhiêu thôi yêu với thương
Vẫn là ngần ấy chuyện đời thường
Dăm lần chán sống không tiện nói
Vài phen ngó lặng góc riêng đời
                           (Tôi chán tôi)

Nhưng người đàn ông với những được mất của “một lần được sống” vẫn thẳng bước vào số phận mình, đón nhận và kiêu hãnh với trái tim mạnh mẽ và đa cảm. Ngoài những bài thơ viết cho con, Huỳnh Dũng Nhân còn có rất nhiều bài thơ viết tặng cha mẹ, tặng anh trai Huỳnh Dũng Nhi:

Kiên nhẫn như bến bờ chung thủy như hải đăng
Anh ra đi rồi trở về như sóng
Gió vừa đổi chiều, muối vừa đủ mặn
Anh mơ hôn thê choàng sóng đăng-ten
                                   (Vũng Tàu)

Cả cuộc đời khổ đau và âm thầm lặng lẽ
Con hối hận biết bao khi để mẹ buồn
Đâu phải đòn roi đã giúp con lớn khôn
Mà nhờ đôi mắt âm thầm của mẹ
                          (Người mẹ)

Lướt qua những nỗi buồn mất mát, tôi nhận ra nụ cười dịu dàng lạc quan của hạnh phúc hồi sinh, của tổ ấm nhỏ bé anh có được sau những kiếm tìm và cả những bài thơ bộc lộ góc nhìn rất “phóng sự”:

Chẳng cần thì thào, chẳng cần rón rén bước chân
Nhà của con đây, dưới bầu trời rộng lớn
Cứ hét toáng lên, cứ cười vang, con ạ
Ngoại ô của con, nhà của con mà
Chìa khóa đây ! trao thằng quậy của ba
Nào, ba dắt tay con lên từng bậc thang xinh xắn
Đồng tiền sạch nên có quyền kiêu hãnh
Mỗi mét vuông đều tình nghĩa bạn bè
                           (Viết cho Tom)

Thế là tôi cũng có lúc lang thang vào cái ngày Hà Nội ngàn năm tuổi
Không nắng không mưa không kỷ niệm đong đầy
Tôi chỉ có tôi những ngày ngơ ngác cũ
Cứ thương mình sao đơn chiếc nơi đây
Tìm mãi Hà Nội mà chỉ thấy đèn hoa
Cụ Rùa suy tư gì dưới đáy hồ chói lòa đèn giữa mùa mưa mà thiếu điện
Thương miền Trung những ngày này lại gầm gào bão đến
Một cây đèn cầy cũng chẳng có thắp giữa đêm đen
Lại quần quật chống che cơm áo túi tiền…
                 (Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi)

Có thể thấy chân dung Huỳnh Dũng Nhân hiện lên gần gũi và chân thành bằng Thơ trong Dã Quỳ Tím làm nhiều người bất ngờ. Cách thẩm thấu cuộc sống qua thơ của anh chậm rãi, sâu sắc, dung dị nhưng đầy trải nghiệm.

Thấy một chân trời xa ngái
Một dải hoàng hôn muộn màng
Dặn mình đừng nhìn xuống đất
Cứ đi như thể ngang tàng
                  (Dặn mình)

Tôi. Đầu , mình, tay chân.Quần áo
Đứng nhờ lực hút trái đất
Cố gắng dặn mình đứng thẳng.
Tôi. Điện thoại. Hon đa.Vi tính.
Một mái nhà. Hai bữa cơm
Cố gắng không rảnh rỗi
Không bị đói.
Tôi. Trái tim đập mong manh. Lá phổi rất phập phồng. Mạch máu âm thầm
Chỉ nhớ đến mỗi khi vào bệnh viện. Cố gắng để an lành
Không bài bạc thuốc lá. Nhưng có thể rượu bia
Để ngày qua đừng chậm.
                       (Tuyên ngôn)

Khi được tặng tập thơ, tôi đã hỏi anh: “Sao dã quỳ không vàng mà lại tím?” và Huỳnh Dũng Nhân chỉ cười.

Tôi nghĩ, có lẽ tác giả đã gửi gắm rất nhiều khát vọng, tình yêu, cả nỗi đau thấm thía của cuộc đời “được sống một lần” của mình để Hoa dã quỳ được một lần trọn vẹn tím… Tôi muốn trích những câu trong bài Thơ Dã quỳ tím , cũng là tựa đề chung cho tập thơ để nói về những điều cảm nhận sau cùng trong bài viết nhỏ này.

ta không dám nhìn lâu hơn nữa
sợ phải lòng em
như thời hai mươi tuổi
phải lòng một buổi sớm mai
ta biết em nhiều năm qua thì con gái
để mỗi xuân đến hồi sinh
đường lãng du ta không mang theo em được
thôi ở lại cho người khác xao lòng
cho ta nhớ ly bia sóng sánh vàng chân núi
ngày mai đến sớm hay muộn
điều đó có nghĩa gì
nếu ta say
em sẽ đưa ta về bằng cái nhìn nhẫn nhịn
hoa dã quỳ ngả sang màu tím
                        (Dã quỳ tím)

Vũng Tàu 17.7.2011
VŨ THANH HOA




Nguyễn Thị Thanh Long còn nợ Nửa vòng tay…

Sau tập Một milimét ấn hành năm 2011, đã thấy Nửa vòng tay vượt lên bằng nỗ lực sáng tạo đáng quý. Một Nguyễn Thị Thanh Long vượt qua cái bình thường đến với thi ca như một nét duyên…
Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long

Đọc Nửa vòng tay (NXB Hội Nhà Văn) của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long ta đã bắt gặp bài thơ Biển chiều ở trang bìa, hình như Thanh Long xếp bài thơ này xuất hiện đầu tiên thay lời tựa cho cả tập thơ như có dụng ý. Sau đó gặp ngay một Nửa vòng tay là tựa đề của tập thơ đã gợi mở cho ta thấy một thân phận, lương duyên, tình yêu, đất nước với bút lực dồi dào cùng cái duyên của tấm lòng thơ uyên nguyên vị tha:

Biển chiều nay xin đừng lặng thế
Hãy thét gào như buồm đã buông trôi
Thuyền nhổ neo còn nguyên bến đỗ
Nụ hôn òa
               chết đuối
                             giữa bờ môi

(Biển chiều)

Chỉ bốn câu thơ thôi chị đã gói trọn và điểm xuyết thân phận một cuộc tình của mình, hay của ai đó đi qua một quãng đời với nỗi niềm xót xa: Thuyền nhổ neo/ còn nguyên bến đỗ/ Nụ hôn òa/ chết đuối/ giữa bờ môi. Bài thơ chỉ bốn câu thôi mà người viết đã mã hóa hình tượng ngôn ngữ với một sắc thái riêng. Cũng là chia li, là nỗi đau nhưng nhà thơ không cho nỗi đau đó chết tức tửi mà cho cuộc tình ấy chết đuối ở bờ môiCái chết đuối ở nơi nông cạn nhất, đẹp đẽ nhất. Nhưng điều tan vỡ không phải lúc nào cũng bi ai mà được nhà thơ tìm thấy nụ hôn chết ở nơi thánh thiện lãng mạn.

Với bài thơ Nửa vòng tay, đây là lời tâm tình của người con Đất Tổ, đã gửi trọn tâm tư của mình với tất cả tình yêu thương trong từng con chữ, thi ảnh để người đọc cảm nhận được sự huyền ảo, lung linh:

Sợ tiễn anh rồi em khóc đấy
Trung du còn nợ nửa vòng tay
Phù sa sông Hồng ta lớn dậy
Hương bưởi Đoan Hùng mái tóc bay

(Nửa vòng tay)

Quê hương nơi được sinh ra, lớn lên, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, chắp cánh ước mơ. Nơi thời con gái gội đầu bông bưởi. Nơi chia tay tưổi thơ trong trẻo sao mà chất chứa yêu thương đẹp đẽ đến thế… em khóc đấy/… nợ nửa vòng tay. Từ đây Thanh Long minh họa miền quê của mình, tình yêu của mình:

Để hoa mua tím triền vụng dại
Đồi chè bát úp ngọt môi say
Bắc cầu dải yếm thời con gái
Ai nỡ buộc hờ lạnh heo may

(Nửa vòng tay)

Đọc khổ thơ này ta thấy câu chữ được ẩn dụ mơ mộng, thi ảnh đẹp như tranh, khiến người đọc dễ liên tưởng đến ý nghĩ xa xôi.Ở triền vụng dại mà đồi chè chỉ như đôi bát úp ngược mà lại ngọt môi say /bắc cầu dải yếm/ ai nỡ buộc hờ/ lạnh heo may  thì quả là không còn gì bằng.Thử hỏi trên cõi đời này còn nơi nào, lúc nào thi vị hơn,thanh tao hơn chút lãng mạn ấy. Thanh Long tả thực nhưng ngôn ngữ được hình tượng hóa. Triền vụng dại/ bát úp /môi say/cầu dải yếm/ buộc hờ… là ta dã thấy sự ẩn hiện của ngôn từ mà Thanh Long đưa ta về với bao kỉ niệm đẹp đẽ ở vườn tình yêu nơi ấy lý trí của tâm hồn và lửa tình cứ cháy lên giữa khát khao trong con tim của lứa đôi.

Lạc vầng trăng ướt hôm mười sáu
Ngậm ngừng rừng cọ gối đêm thâu
Hong lời hen ước xanh màu lá
Mây cuối trời kia đã nát nhàu

Rừng cọ gối đêm thâu/mây nát nhàu. Phải chăng đó là cuộc chia li định mệnh của một mối tình đầu. thơ dại của bao thế hệ con gái, con trai làng quê Việt trước lúc đi xa? Bài thơ càng đọc càng gợi lại nỗi niềm riêng tư như có thân phận mình trong đó, cái thời trong veo, đẹp đẽ ấy mà bây giờ ít quá , khó gặp…

Nhà thơ Thanh Long viết về tình yêu, duyên nợ, thân phận gắn với quê hương, đất nước của nỗi lòng người xa xứ. Tập thơ Nửa vòng tay là tập hợp sự đa đoan, phức hợp của tình cảm, những liên hệ suy tư trên nẻo hành trình đan mê sáng tạo, khao khát vươn tới cái đẹp qua nhiều trải nghiệm. Câu chữ thường nhật ấy, đam mê ấy trên quãng hành trình đã hóa thành những câu thơ làm xốn xang tình cảm và rung động con tim người đọc:

Lại một lần không về trẩy hội
Hoa gạo ngập ngừng nhuộm đỏ tháng ba
Nguyên vẹn trong em màu sim tím quê nhà
Khánh Ngọc xưa thẹn tùng bối rối

(Hẹn mùa sau)

Người đi xa chưa trở về với lễ hội Đền Hùng có nhiều lí do, Thanh Long đã nói hộ mọi người và chính lòng mình, hẹn lại lần sau. Ở đây chốn linh thiêng khơi gợi tâm hồn để tác giả tạo nên tiếng tiếng tơ lòng níu kéo thời gian, hồn cốt quê hương: nhuộm đỏ tháng ba/ sim tím quê nhà. Và:

Em không về mưa rửa đền đừng vội
Bậc đá nào còn in dấu chân em
Gốc thiên tuế thêm một vòng chờ đợi
Rừng thông già no gió có buồn reo.
Tập thơ Nửa vòng tay của  Nguyễn Thị Thanh Long

Thanh Long thổi hồn vào câu chữ cho nên từ ngữ lắng đọng, dư vị ngọt ngào, biết chắt chiu ngôn ngữ bằng cái tình, cái nghĩa trong thơ. Ở trong thập niên đầu của thế kỉ này, có một số người viết tự cho mình là đổi mới câu chữ, họ nhân danh cái mới để lạ hóa thơ đến mức phản thơ, làm cho người đọc không hiểu tác giả viết cái gì. Họ cầu kì đến thô thiển ở chọn câu, chọn chữ. Đã có nhiều ý kiến phê bình cho rằng đó không phải là thơ. Thanh Long không làm thơ kiểu ấy mà vẫn mới, vẫn nguyên giá trị nhân văn, vẫn trong sáng mà gần gũi:

Có lần đêm tâm sự
đêm bị lạm dụng
thiên vị ngày
mười hai tiếng nâng niu

đêm buồn bị giam trong bốn xó nhà
đèn sáng trưng từ đầu hôm tới canh ba
bản ngã người đàn bà… đã thắng
trải lòng với đêm chân thực

bằng những ngôn từ dịu dàng
đôi khi hằn học
có vị mằn mặn và chát đắng cuộc đời
đêm giận hờn từ ấy bỏ tôi đi

(Đàn bà đêm)

Với lối viết dung dị, chất chứa bao hình ảnh, thơ Thanh Long sẽ ở lại với người đọc qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của cuộc sống. Hãy ghé thăm Chợ làng của Thanh Long để chiêm ngưỡng bức tranh tromg tình quê đẹp đẽ và chân chất đến mức độ nào:

Bà tôi đi chợ đầu làng
Mấy gian lều cũ vít hàng tre cong
Chợ làng họp buổi hừng đông
Mớ rau con cá bán trong tiếng chào
 Cháu đi xa chợ làng mình 
 Nhớ bà nhớ cả mái đình làng xưa
Bà về tròn bóng nắng trưa
Hàng cau nhún nhảy đong đưa dáng bà

(Chợ làng)

Có thể khẳng định rằng tâp thơ Nửa vòng tay của nhà thơ Thanh Long là cả một tấm lòng diệu vợi, là tâm tình của nỗi nhớ, là những lời tự sự trong quãng đời đi qua. Nửa vòng tay là những bức tranh đất nước, quê hương đẹp đẽ và sinh động. Thơ Thanh Long để lai ấn tượng sâu sắc như tiếng hát đẹp của một giọng nữ cao vượt lên trên bè trầm. Thanh Long khắt khe với câu chữ, đầy ắp tâm tư tình cảm. Xin trích hai khổ thơ của hai bài thơ mà Thanh Long viết về hôm qua và bây giờ:

Về Mã Đà
người ơi xin nhón bước
nhè nhẹ gót giầy bụm đất bùn loang
các chị các anh nằm ở nơi đâu
gọi nghĩa trang mộ không còn một nấm

(Mã Đà huyền thoại)

Và:

ngọn sóng nào cao hơn sóng nhớ
bát cơm thơm cõng bão tố Trừơng Sa
mùa vẫn chín trái bàng vuông thẫm đỏ
trong tim em con sóng ấp òa

(Trường Sa mùa vẫn chín)

Sau tập Một milimét ấn hành năm 2011, đã thấy Nửa vòng tay vượt lên bằng nỗ lực sáng tạo đáng quý. Một Thanh Long vượt qua cái bình thường đến với thi ca như một nét duyên. Chắc rằng khi Nửa vòng tay đến với bạn đọc ta sẽ bắt gặp nhà thơ Thanh Long ở độ chín giữa đỉnh điểm của thi ca trong nửa vòng tay duyên nợ.

Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 9.2013
NGUYỄN VŨ QUỲNH


_____________

Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long sinh ngày 25 tháng 12 năm 1959. Quê quán ở làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, từng là giáo viên. Hiện sống và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh.

Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2013.

Tác phẩm đã xuất bản:

Một milimet  (thơ), NXB Văn Học 2011.
Nửa vòng tay (thơ), NXB Hội Nhà văn 2013.
Những ký âm ngân (thơ), NXB Hội Nhà văn 2017.


Theo NVTPHCM



Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng kiệt xuất, nhà chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ

Sáng 21-12-2018, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (266 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc - Hội khoa học Lịch sử Việt Nam - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, tổ chức Hội thảo quốc gia “ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC”.  Đây là sự khởi đầu của mọi sự khởi đầu. Hội thảo thu hút nhiều vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ… trong cả nước.

Trong số hơn 60 bản tham luận được gửi đến, Ban tổ chức, đã chọn lựa 50 bản in vào tập Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc ra tham dự với bản tham luận “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng kiệt xuất, nhà chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ”. Xin trân trọng giới thiệu.
Đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc tại hội thảo

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, VỊ TƯỚNG KIỆT XUẤT,
NHÀ CHÍNH TRỊ, NHÀ VĂN HÓA TẦM CỠ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), vị tướng lừng danh trong lịch sử, là người văn võ song toàn, cả công lẫn danh đều quán thế: trên hết cả một đời (despasser lesiècle). Ông còn là nhà chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ với tầm nhìn sâu rộng, trọn đời vì nước, vì dân.

Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho thanh bần tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, được người cha truyền dạy chữ, Võ Nguyên Giáp nổi tiếng thông minh và hiếu học. Từ nhỏ, ông đã phải lao động để kiếm sống. Năm 13 tuổi, ông được vào trường Quốc học (Huế). Đến năm 1925, Võ Nguyên Giáp bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ở tuổi 18, ông tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng đảng thành Đông Dương cộng sản liên đoàn. Sau khi bị thực dân Pháp bắt giam (1930), rồi được thả, Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội tiếp tục con đường học vấn. Năm 1937, ông đỗ Cử nhân Luật và kinh tế chính trị học. Cùng với việc hoạt động năng nổ, tích cực trên mặt trận văn hóa, như làm báo, viết bài cho nhiều tờ báo công khai lúc bấy giờ, như: Tin tức, Dân chúng (Le Peuple),  Lao Động (Le Travail), Tiếng nói của chúng ta (Notre voix)… Võ Nguyên Giáp còn là thầy giáo dạy Sử - Địa ở trường Tư thục Thăng Long. Bao giờ cũng vậy, sử học luôn là cái bếp than hồng “giữ lửa” ấp ủ và nhen nhóm tâm hồn của một dân tộc!

Từ năm 1936-1939, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương lên cao, Võ Nguyên Giáp là một trong những sáng lập viên của Mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Và ông đã có tác phẩm lý luận đầu tiên “Vấn đề dân cày” viết chung với ông Trường Chinh, dưới bút danh là Qua Ninh - Vân Đình. Tác phẩm nêu bật quan điểm: vấn đề then chốt ở Đông Dương là trao ruộng đất cho dân cày! Đó là nội dung cốt lõi của các mạng dân tộc dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Năm 1939, Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5-1941, ông trở về Cao Bằng cùng mấy cán bộ cao cấp khác, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, họ bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng và lập ra Mặt trận Việt Minh. Để phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, thời gian này, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng mở các lớp đào tạo quân sự ngắn ngày do các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trực tiếp huấn luyện. Tài liệu huấn luyện, bên cạnh tác phẩm “Người chính trị viên” của Phạm Văn Đồng, là cuốn “Công tác chính trị trong LLVT nhân dân cách mạng” của Võ Nguyên Giáp.

Từ việc được phân công phụ trách ban “Xung phong Nam Tiến”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, tháng 12-1944, tại căn cứ địa Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, và giao cho Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể (Trung ương Đảng) trực tiếp tổ chức thành lập Đội. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Chỉ thị nêu rõ nguyên tắc hoạt động của Đội là phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được, tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Là người trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy, Võ Nguyên Giáp là vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Quân đội ta. Cuối tháng 3-1945, ông đưa Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xuống phía Nam hội quân với Đội Cứu quốc quân của ông Chu Văn Tấn tại vùng chợ Chu, Thái Nguyên, thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải phóng quân.

Tháng 8-1945, Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng, Tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải phóng quân. Trong năm này, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2, ông được cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương (Bộ Chính trị). Ông tham gia Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, làm Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội trong Chính phủ liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946. Cùng thời gian này, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) và chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng là Bí thư. Đây là cơ quan lãnh đạo, giúp Trung ương Đảng nắm chắc hoạt động của quân đội, xây dựng bản chất cách mạng của quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc và nhân dân.

Càng về cuối năm 1946, tình hình càng trở nên phức tạp như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thời gian hòa hoãn ngắn ngủi sau Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp đã hết. Sau khi chiếm được Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở rộng gây hấn ra phía Bắc. Chúng ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày 18-12-1946, Bộ chỉ huy quân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng láo xược đòi tước khí giới của tự vệ và LLVT ta.

Trước đó, ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230/SL “Thống nhất Quân sự ủy viên hội và Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy”; bổ nhiệm ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, 20 giờ đêm 19-12-1946, quân và dân ta đồng loạt nổ súng đánh quân xâm lược Pháp ở Hà Nội và các thành phố lớn. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Võ Nguyên Giáp; cùng các Sắc lệnh số 111/SL, 112/SL và 115/SL phong hàm 9 Thiếu tướng, 1 Trung tướng. Khi một nhà báo nước ngoài phỏng vấn lý do phong hàm tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời đại ý, rằng đánh thắng Đại tướng, phong Đại tướng; đánh thắng Trung tướng, phong Trung tướng. Và thực tế, trong 9 năm xâm lược Việt Nam (1945-1954) đã có 7 viên tướng Pháp sừng sỏ kế tiếp nhau chuốc lấy thất bại trước quân dân ta và vị tướng trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam khi ấy mới 43 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tổng Quân ủy (sau là Quân ủy Trung ương) từ năm 1946 đến năm 1977; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, III và IV; Phó Thủ tướng Chính phủ từ 1978-1982.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với các tác phẩm lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, Nhà xuất bản Vệ quốc quân (tiền thân của Nxb QĐND ngày nay) đã cho ra mắt một số cuốn sách có giá trị ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cuộc chiến tranh giải phóng của chúng ta - chiến lược và chiến thuật”, “Phát động chiến tranh du kích”, “Tiến mạnh sang giai đoạn mới”

 Là một học trò xuất sắc và là cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược, một chỉ huy quân sự lỗi lạc. Những năm đất nước có chiến tranh, cùng với việc tham gia lãnh đạo, chỉ đạo chung, sát cánh cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên Giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)… với tài nghệ siêu phàm về chỉ đạo tác chiến chiến lược, cũng như tác chiến chiến dịch.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc leo thang phá hoại của không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, ông là người trực tiếp chỉ đạo quân và dân Hà Nội, với nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân, đập tạn cuộc tập kích cực kỳ tàn bạo 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, hạ gục uy thế của “Siêu pháo đài bay” B52, buộc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh và ký kết Hiệp định Paris. Suốt 21 năm bền gan chiến đấu, quân và dân ta đã đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của 5 đời Tổng thống Mỹ, cùng nhiều viên tướng tên tuổi khác của Hoa Kỳ, cuối cùng phải ngậm ngùi cuốn cờ trở về chính quốc.

Trong bộ phim truyện “CAO HƠN BẦU TRỜI” 50 tập đang được phát song trên các kênh truyền hình (VTV9, SCTV6, Quốc phòng Việt Nam, VTV.cab “Phim Việt”, tôi đã dựng lại hình tượng sống động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là người luôn hiểu rõ sự thành bại của chiến tranh phụ thuộc vào tâm trạng của những người đang trực tiếp cầm súng trên chiến trường, ông không chỉ là vị Tổng Tư lệnh, người chỉ huy tối cao, luôn quan tâm đến cấp dưới. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng 4 lần viết thư cho bộ đội trước khi bắt tay vào nhiệm vụ mới. Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng Tư lệnh viết thư tâm tình với cán bộ và chiến sĩ như vậy là nét đẹp nói lên bản chất cách mạng của bộ đội Cụ Hồ và cũng là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước”.[1]

Những lời động viên của ông đối với các chiến sĩ Sư đoàn phòng không “Cận vệ Thủ đô” trong 12 ngày đêm ở Hà Nội, dễ gì quên được: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội!”. Không chỉ đến khu phố Khâm Thiên đổ nát sau trận bom hủy diệt của B52, Đại tướng trực tiếp xuống kiểm tra các trận địa tên lửa, gặp gỡ động viên, “truyền lửa” cho bộ đội. Trọn một ngày đêm 28-12-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ để theo dõi và chỉ đạo cuộc chiến đấu. Có thể nói chưa bao giờ và cũng không một cán bộ chính trị nào có đủ sức lôi cuốn và thu phục nhân tâm như Đại tướng của chúng ta, chính vì vậy dễ cắt nghĩa vì sao tất cả cán binh luôn dành cho ông sự yêu mến và kính trọng tuyệt đối!

Vốn là một thầy giáo dạy Sử, nổi tiếng là người thông kim bác cổ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kỹ lịch sử các cuộc chiến tranh, lịch sử quân sự thế giới. Ông nghiền ngẫm trước tác của các nhà kinh điển như Marx, Engels, Lenin, Napoléon, Tôn Tử, Clausewits, cùng một số tác giả đương đại khác. Bên cạnh đó, Đại tướng biết kế thừa tinh hoa quân sự trong binh thư của tổ tiên, đặc biệt là nghiên cứu binh thư Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên ta rất coi trọng yếu tố thời cơ, nắm vững mỗi quan hệ giữa “thời” với “thế”. Trong tác phẩm “Quân trung từ mệnh tập”, Nguyễn Trãi viết: “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được “thời”, có “thế” thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn. Mất “thời”, không “thế” thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay mà thôi!”. Trong cuốn “Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết: “Thế là hoàn cảnh, điều kiện trong đó hai bên tiến hành chiến tranh; là hình thái bố trí, triển khai và hoạt động của lực lượng hai bên trên chiến trường… Dĩ nhiên, muốn có “thế” thì phải có một “lực” nhất định. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh lên tầm cao và thực sự ông đã có những đóng góp lớn lao vào kho tàng lý luận quân sự hiện đại.

Đến nay, khó có thể liệt kê ra hết khối lượng tác phẩm đồ sộ, cũng như các luận văn chính trị quân sự, cùng những bài viết, bài nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Số trang in sách của ông đã lên tới hàng vạn trang, bề thế. Trong những thời điểm, những giai đoạn mang tính bước ngoặt lịch sử của dân tộc, ông đều có sách. Đó là các tập hồi ký: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”… Năm 2006, cơ quan tôi, Nhà xuất bản QĐND hoàn thành 2 bộ Tổng tập đồ sộ cho hai danh nhân đồng niên Tân Hợi (1911) là Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và Giáo sư, NGND, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Mỗi bộ gần 1.500 trang in, khổ lớn (19 x 27).

Các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, chân thực, đậm đà chất nhân văn. Vâng, ông là bậc danh tướng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, là danh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được nhân dân và toàn quân tôn thờ. Ông là vị tướng của lòng dân! Yêu nước, thương dân, đồng hành cùng dân tộc, hướng tới tương lai, bài học ấy muôn đời không bao giờ xưa, cũ! Là sản phẩm của thời đại Hồ Chí Minh, tên tuổi và sự cống hiến to lớn nhiều mặt của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp sẽ mãi là niềm tự hào và trường tồn cùng non sông, đất nước Việt Nam ta!

TP. HCM, ngày 4-12-2018
Đại tá - nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC





[1] Hoàng Minh Phương: Sức mạnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội 2014, tr.52.

BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...