Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Nhà thơ Phan Hoàng: Khi con sông đổi dòng…

“Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi/ tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen/ không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?” - thơ Phan Hoàng.
Nhà thơ Phan Hoàng đưa con trai Phan Hoàng Phan về quê Phú Yên ăn Tết

* Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định bốn điều tất nhiên ở Phan Hoàng là nhà thơ, nhà biên khảo, nhà báo và là người phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam nhiều nhất làng báo. Nhưng thưa ông bạn Phan Hoàng, ở góc độ cá nhân, nếu để thông tin về mình thì ông sẽ nói gì?

- Nhà thơ Phan Hoàng: Một người sống bằng nghề viết chuyên nghiệp. Và cũng giống như anh hay các đồng nghiệp khác, trước đây chúng ta viết bằng bút còn bây giờ viết chủ yếu bằng máy vi tính.

* Hình như mỗi khúc quanh của đời sống lại khiến ông tìm đến những những khám phá mới trong sáng tác.

- Cảm ơn anh đã quan tâm và có cái nhìn tinh tế. Tôi là người thích xê dịch, khám phá trong đời sống lẫn trang viết. Tôi ít chịu đứng yên và rất sợ lặp lại cái cũ. Tôi vốn sinh ra vào thời chiến. Mẹ tôi, gia đình tôi là nạn nhân của chiến tranh. Tỉnh Phú Yên quê tôi là một trong những chiến trường ác liệt. Trong trận chiến cuối cùng vào mùa xuân năm 1975 để thống nhất đất nước, có lẽ Phú Yên là nơi người chết nhiều nhất khi quân đội Sài Gòn rút khỏi Tây Nguyên theo hai “con đường máu” là đường 5 và 7 cũ chạy xuống duyên hải miền Trung. Lính chết nhiều mà người thân gia đình lính chết càng nhiều. Nỗi ám ảnh ấy đeo tôi dai dẳng. Và tôi luôn tự hỏi vì sao phải tiến hành chiến tranh, vì sao con người phải chết oan ức trong mưa bom bão đạn? Có cách nào để tránh chiến tranh không? Các vị tướng nghĩ gì trước sự hy sinh của rất nhiều người lính? Vì vậy khi mới bắt đầu đi làm báo, tận dụng chuyên mục “Mỗi kỳ một nhân vật” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi tìm mọi cách gặp gỡ, phỏng vấn các vị tướng từng chỉ huy trực tiếp trên chiến trường để tìm câu trả lời cho chính mình. Nhờ đó mà bộ sách nhiều tập Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam đã ra đời, tạo cảm hứng cho các tập sách khác cũng lần lượt được xuất bản: Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội, Dạ thưa thầy!...

* Dù cuộc chiến của chúng ta là chiến tranh nhân dân, nhưng vai trò quyết định thành bại của các vị tướng trước đối phương vẫn là quan trọng. Điều đó chính xác đến đâu?

- Những người càng tài năng càng khiêm tốn, dễ gần gũi, thân thiện. Các vị chiến tướng cũng vậy. Công trận đầy mình nhưng khi trở về đời sống thường nhật họ là người chồng người cha người ông đầy tình thương yêu và họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm khi xã hội cần đến. Tôi nhớ vị tướng bác học Trần Đại Nghĩa nói rằng, nếu không có Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì trận Điện Biên Phủ chưa chắc thắng lợi vang dội như vậy. Hoặc trận Xuân Lộc đánh mở “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào Sài Gòn xuân 1975, nếu không có sự trực tiếp chỉ đạo “giải vây” khó khăn của Thượng tướng Tư lệnh Miền Trần Văn Trà thì sự hy sinh sẽ còn rất nhiều. Không chỉ trên chiến trường mà trên mọi lĩnh vực khác tôi thấy vai trò cá nhân là rất quan trọng, đôi lúc thay đổi cả cục diện. Điều đáng tiếc là có một thời chúng ta chỉ nói chung chung, không xác định vai trò cá nhân, nhiều tư liệu lịch sử quý báu trong ký ức họ cũng mất đi.

* Nghệ thuật phỏng vấn nhân vật, điều gì là quan trọng nhất?

- Điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu kỹ thông tin và thực sự cầu thị, tôn trọng nhân vật mình phỏng vấn. Kế đến là việc xử lý văn bản sao cho logic và cuốn hút, không được áp đặt cái tôi người viết lên bài phỏng vấn. Người đọc muốn tìm hiểu về nhân vật được phỏng vấn chứ không phải tìm hiểu người đi phỏng vấn. Một người phỏng vấn giỏi phải biết ẩn mình, khơi mở, tạo cảm hứng cho nhân vật lẫn bạn đọc.

* Vậy còn với thi ca thì sao?

- Sau khi xuất bản hai tập thơ đầu tay trong vòng gần 7 năm là Tượng tìnhHộp đen báo bão, tôi dừng lại tập trung làm báo để mưu sinh và cũng tìm hướng đi mới cho thơ mình. Nguồn cảm hứng từ thực tế đời sống hiện tại bộn bề, mâu thuẫn, xuống cấp, suy đồi với bao hỉ nộ ái ố đã giúp tôi hoàn thành tập thơ Chất vấn thói quen để xuất bản sau 10 năm. Vốn say mê lịch sử và sinh ra trên mảnh đất Phú Yên một thời trấn biên trên hành trình khẩn hoang mở cõi về phương Nam của dân tộc, tôi lại quay ngược về cội nguồn tìm thi hứng dựng trường ca Bước gió truyền kỳ. Rồi hai chuyến đi Trường Sa cách nhau 5 năm cũng giúp tôi hoàn thành một trường ca khác là Gió hợp hôn đất nước dự kiến xuất bản thời gian tới.

Năm 2018 là một năm đầy “biến động” đối với tôi. Từ bỏ nhiều hoạt động xã hội, tôi tranh thủ thời gian du lịch nhiều nơi, tập trung đọc sách, nghiên cứu tìm con đường mới cho sáng tác. Sau chuyến tham quan hai thành phố lớn Moskva và Saint Petersburg đầy ấn tượng về văn hoá Nga, trên chuyến bay trở về khi ngang vịnh Ba Tư ở Trung Đông tự dưng tôi nảy ra ý tưởng thể nghiệm một hình thức thơ mới gọi là Thơ 1-2-3. Hơn 40 bài thơ viết theo kiểu này của tôi đã ra đời trong hơn 3 tháng qua, được nhiều báo đăng tải và một số bạn thơ cộng hưởng.

* Trội trong tác phẩm Bước gió truyền kỳ là tính sử thi, gợi hành trình mở cõi về Nam và hải hành Trường Sa của Đại Việt thêm một vài bài thơ lẻ thấy đặc sắc giọng Phan Hoàng, nhưng lắng một chút thì ta vẫn thấy thấp thoáng âm vọng Tình sông núi, Đèo Cả. Tôi cho rằng đó là sự kế thừa, tinh tế, xuất sắc. Ông thấy sao?

- Kế thừa được một chút tinh hoa của các bậc tiền bối để tạo nên cái riêng biệt cho mình chẳng dễ dàng chút nào. Tôi rất khâm phục hai nhà thơ lớn Trần Mai Ninh và Hữu Loan khi không sinh ra ở Phú Yên nhưng thẩm thấu được môi trường thiên nhiên lẫn bề dày văn hoá đất này để viết nên những tác phẩm bất hủ. Tôi cũng tiếc nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh quá sớm còn nhà thơ Hữu Loan chỉ gắn bó Phú Yên một thời gian ngắn nên không tiếp tục mạch nguồn sáng tạo đầy hào khí từ nắng gió, non nước hùng vĩ đất này. Vì vậy, từ trong vô thức lẫn ý thức tôi muốn chắt chiu, gợi hứng, khơi lại một phần nguồn mạch thơ quan trọng này. 

* Phải chăng phản tỉnh bản thân là phản tỉnh đạt ngưỡng cảnh giới. Chất vấn thói quen là tác phẩm thơ, nhưng lại đặt một câu hỏi một cách văn xuôi như vậy. Khi một con sông chuyển dòng để băng lên phía trước, thì đâu có đơn giản, nó phải lột xác… Tôi thích nghe ông nói thêm về điều này, vì đó cũng là một ý trong thơ của ông.

- Tôi nghĩ mình chẳng bao giờ đạt ngưỡng cảnh giới nhưng luôn có ý thức phản tỉnh. Phản tỉnh trong đời sống đầy bất trắc. Phản tỉnh cả trên trang viết luôn có nguy cơ cũ kỹ sáo mòn. Có thói quen tốt, nhưng cũng có thói quen là chướng ngại làm hại con người. Một dòng sông khi gặp chướng ngại đổi dòng luôn mang lại vẻ đẹp kỳ thú. Có thể chỉ là một ngả rẽ uốn khúc thơ mộng. Nhưng cũng có thể tạo nên dòng thác kỳ vĩ. Tôi tin con người cũng vậy:

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?

* Người Phú Yên có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng văn làng báo, tiêu biểu như Võ Hồng, Nguyễn Mỹ, Thanh Quế, Trần Huiền Ân, Y Điêng, Ngô Phan Lưu... và gần đây có Nguyễn Phong Việt nổi lên như một hiện tượng thú vị về xuất bản thơ. Những văn nhân xưa “liên lụy” đến Phú Yên như Đỗ Huy Nhiệm, Trần Mai Ninh với Nhớ máu, Tình sông núi, Hữu Loan với Đèo Cả, Trần Vũ Mai với Trường ca Làng Phước Hậu,… và Vĩnh Mai cán bộ tiền khời nghĩa. Những tên tuổi ấy cũng như nhiều nhân vật khác, ai là người còn được Phú Yên cảm mến “cảo thơm lần giờ trước đèn”?

- Tất cả những tài năng và nhân cách dù sinh ra ở đâu mà có đóng góp giá trị cho Phú Yên tôi tin đều được yêu quý và ghi nhận, không chỉ hôm nay mà cả mai sau. Và không chỉ văn chương mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Phú Yên là một trong những “địa linh”, nơi sinh ra hai vị thánh của hai tôn giáo lớn: Tổ sư Liễu Quán của Phật giáo và Thánh Andre Phú Yên của Thiên Chúa giáo. Phú Yên cũng là nơi sinh ra hai nhà chính trị, tư tưởng hàng đầu: Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và một nhân vật đối kháng là Trương Tử Anh tác giả chủ thuyết “Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn”, sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Quốc dân đảng giai đoạn 1939-1946, Chủ tịch Mặt trận Quốc dân Đảng Việt Nam từ khi thành lập đến khi tan rã cuối năm 1946. Dù thành bại khác nhau nhưng họ đều là những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng.

* Do tài năng nên người sáng tác mới tìm mình trong các thể loại khác nhau hay là do hiện thực cuộc sống đòi hỏi bản thân phải tự nới rộng “kích cỡ”? Ý kiến của ông về nhận xét này?

- Tôi nghĩ cả hai, do tài năng lẫn hiện thực cuộc sống. Khi thơ không chuyển tải hết thì người cầm bút có thể chuyển tải bằng các thể loại khác như ký, tuỳ bút, truyện ngắn, tiểu thuyết. Vấn đề là tác phẩm có giá trị và có đứng được lâu bền trong lòng bạn đọc hay không. Đừng nghĩ viết được nhiều thể loại là mình có tài. Tôi tâm niệm như vậy nên luôn nỗ lực hết mình. Bởi tài năng là do thiên phú, mình không thể tự tạo ra tài năng của mình được, nên đừng ảo tưởng và cũng đừng đố kỵ cái tài của người khác.

* Sẵn nói về tài năng và sự đố kỵ, ông thấy trong giới văn chương điều này biểu hiện ra sao?

- Thật đáng sợ. Nhà văn Trần Nhã Thuỵ trên Tinh Hoa Việt có nói rằng sự độc ác vô tình nảy sinh từ lòng ghen ghét, đố kỵ. Điều ấy rất đúng và càng lộ rõ từ khi có mạng xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có niềm vui lớn là những người tài năng đích thực thường liên tài, hỗ trợ, nâng nhau lên trong giới văn chương nước ta.
Nhà thơ Phan Hoàng ở Nga 9-2018

* Trong số rất nhiều bài viết về tác phẩm và con người Phan Hoàng, nếu với một người không có nhiều thời gian đọc hệ thống thì, ông khuyên bạn đọc đó nên đọc những bài nào để có thể “tổng quan” về Phan Hoàng?

- Mỗi bài viết có cái thú vị riêng và mỗi người đọc có quyền cảm nhận riêng từng bài. Tôi cũng không có quyền khuyên. Những bài viết nghiên cứu có chiều sâu trên cơ sở văn bản học luôn mang lại sự thích thú, cho dù có những tác giả chưa gặp mặt tôi bao giờ mà chỉ đọc tác phẩm. Bởi có khi gặp rồi thì họ không viết hay được như vậy (cười).

* Sài Gòn - TPHCM là cái nôi tiên khởi của báo chí thị trường nên hầu như các nhà văn nhà thơ thành phố này đều tìm đến thể loại báo chí vừa để thể hiện mình và vừa kiếm sống. Đó có phải là một lý do để Phan Hoàng giỏi thao tác thể loại văn học phi hư cấu?

 - Lịch sử cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa báo chí và văn chương nước ta kể từ khi chữ quốc ngữ hình thành và phát triển. Phần lớn nhà văn xuất thân nhà báo hoặc gắn bó với báo chí. Nhiều tác phẩm văn học vốn là những thiên phóng sự báo chí. Không chỉ Sài Gòn mà ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác cũng có nhiều cây bút xuất sắc về thể loại văn học phi hư cấu. Tuy nhiên, đúng là Sài Gòn có một môi trường thuận lợi hơn để đăng tải, xuất bản, ấn hành. Riêng tôi, trên cơ sở tư liệu phỏng vấn báo chí, gần đây tôi đã viết và xuất bản, tái bản những cuốn cách mang thể loại ký và tản văn: Sài Gòn đất lành chim đậu, Sài Gòn đất thiêng khí tụ, Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra.

* Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra - một cái tên có vẻ sexy khiêu khích nhưng hơi hướng nghệ thuật ẩm thực. Tiếc là tôi chưa được đọc cuốn sách này của ông. Cuốn sách này thế nào ạ?

- Đây là một tập hợp những tản văn và tuỳ bút về Sài Gòn đã đăng tải toàn bộ trên báo chí. Trong đó, cái bài tôi lấy làm tựa sách đúng là viết về ẩm thực, bởi với người Sài Gòn và Nam Bộ ăn uống cái gì cũng phải ngọt. Nhiều trái cây đã ngọt mà còn chấm thêm đường. Kho thịt, nấu canh cũng bỏ vào rất nhiều đường. Họ cũng thêm đường vào ly khi uống các loại nước ngọt. Ăn ngọt uống ngọt nên cơ thể con người cũng… ngọt. Tôi là rể Nam bộ mà!

Đầu tháng 4.2018, NXB Văn hoá văn nghệ tổ chức buổi giới thiệu, giao lưu ra mắt tập sách Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra tại sân khấu trung tâm Hội Sách TP.HCM lần thứ X, thu hút đông đảo bạn viết bạn đọc tham gia. Thật vui khi nó được bầu chọn là một trong mười sự kiện quan trọng nổi bật của hội sách. Điều buồn cười là sau đó có một người gọi là nhà phê bình khi viết đả kích cuốn sách này trên facebook cứ nhầm là thơ, rồi từ đó suy diễn lung tung, nghĩa là ông ta không hề đọc hay theo dõi thông tin báo chí mà cứ tự “diễu võ dương oai”. Một kiểu phê bình hóng hớt tầm phào.

* Với TPHCM thì tờ báo nào cũng có tản văn. Nhiều người viết tản văn về văn hóa, lối sống Sài Gòn mà thành những cái tên phải nhớ, dù họ là những công dân thường không sinh ở đó. Ông có thể lý giải tại sao không?

- Với vị thế địa lý của mình, từ trong lịch sử Sài Gòn là đầu mối giao lưu, hội nhập của nhiều nền văn hoá từ Đông sang Tây. Và ảnh hưởng từ môi trường sống thuận lợi, người Sài Gòn sinh ra ở đây hay gắn bó chặt chẽ với đất này thường sống phóng khoáng, nhân hậu, hết lòng vì người khác. Đó là chất liệu phong phú cho những trang tản văn vừa mang tính thời sự vừa có sự chiêm nghiệm từ vỉa tầng văn hoá. Với những cây bút từ nơi khác đến, Sài Gòn như cuộc tình mới nồng cháy mang lại nguồn cảm hứng dâng trào cho những trang viết. Nếu như tản văn của Hà Nội đọc chậm, đa tầng đa nghĩa, gợi nhiều suy ngẫm thì tản văn Sài Gòn đọc nhanh, đi thẳng những vấn đề của đời sống thực tại, mang lại hứng thú tức thì cho người đọc.

* Viết tản văn hay về Sài Gòn đa phần không phải là người Sài Gòn, trong đó có Phan Hoàng. Còn Hà Nội thì ngược lại chỉ có người Hà Nội hoặc sinh ra ở Hà Nội mới viết tản văn hay về Hà Nội, như trường hợp Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Băng Sơn… Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?

- Tản văn là thể loại viết nhanh. TP.HCM là thành phố trẻ, nhịp sống nhanh và sôi động, dễ cuốn hút người ta vào “cuộc tình mới” với cái nhìn đa chiều và khác biệt dễ được chấp nhận. Có những cây bút sinh ra ở đây như Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Lý Lan và một số bạn trẻ gần đây viết tản văn cũng khá hay về quê mình, nhưng đúng là số lượng không nhiều bằng các cây bút nơi khác đến. Còn cái đặc sắc của Hà Nội là cổ kính, thâm trầm đòi hỏi sự thẩm thấu mang tính di truyền hoặc sự trải nghiệm chọn lọc lâu bền qua thời gian. Với Hà Nội, ngoài những người sinh ra ở đó như anh nói, tôi thấy có những cây bút từ nơi khác đến cũng viết tản văn hay về thủ đô như Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thuý, Như Bình… và đặc biệt là Nguyễn Quang Thiều nay là người thủ đô nhưng vốn sinh tận làng Chùa, Hà Tây cũ.

* Chiến lược nuôi dưỡng, phát triển các cây bút trẻ ở TP.HCM như thế nào, nếu như nhìn vào vai trò của ông hiện tại, cũng như đã trải…

- Tôi đâu giữ vai trò gì quan trọng mà có chiến lược. Từ trải nghiệm của mình, tôi muốn góp phần tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ mới bước vào nghề, nhất là những bạn có tài năng và nội lực có thể đi đường dài. Qua các hội nghị viết văn trẻ hay toạ đàm, giao lưu mà tôi góp công tổ chức hoặc giải thưởng nhà văn trẻ đầu tiên của thành phố, mà cũng đầu tiên cả nước, đã quy tụ, điểm danh, gợi mở cho nhiều cây bút trẻ.

* Một Phan Hoàng nổi tiếng với bạn đọc phía Nam và bạn nghề cả nước. Và ngược lại cũng có những nhà văn phía Bắc nổi tiếng ở Bắc, nhưng không nổi ở Nam. Điều gì đã xảy ra? Có phải do “phát hành” hay PR?

- Anh quý tôi mà nói vậy thôi chứ tôi có làm được việc gì ra hồn đâu mà nổi tiếng. Một thợ rèn giỏi nhất định sẽ được bạn nghề và người tiêu dùng biết đến. Một thợ mộc, thợ đúc đồng hay người kinh doanh cũng vậy. Cái khác là người hành nghề chữ nghĩa phải chịu trách nhiệm dài lâu về trang viết của mình. Tôi hy vọng mình sẽ trở thành người làm nghề bền bỉ trước khi thực sự giỏi.

________________________________

Nhà thơ Phan Hoàng sinh ngày 10.10.1967 tại tỉnh Phú Yên, tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ học Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, từng làm phóng viên - biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Chủ biên tờ Người Đương Thời (sau đổi tên là Người Đương Thời).

Ngoài công việc chính là Trưởng đại diện Văn phòng thường trực miền Nam báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Phan Hoàng hiện còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

Tác phẩm đã xuất bản:

Tượng tình (thơ 1995)
Hộp đen báo bão (thơ 2002)
Chất vấn thói quen (thơ 2012, tái bản 2015)
Bước gió truyền kỳ (trường ca 2016)
- Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000, tái bản 4 lần)
Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập 1998-1999)
- Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000, tái bản 2 lần)
Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, tái bản 2 lần)
Sài Gòn đất lành chim đậu (ký sự nhân vật tập I-2016, tái bản 1 lần 2016; tập II-2018)
Sài Gòn đất thiêng khí tụ (ký sự nhân vật 2017, tái bản 1 lần 2018)
Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (tản văn 2018)

Giải thưởng:

- Giải nhất bút ký báo Khoa Học & Đời Sống năm 1998 với bài Khi nhà thơ làm kinh tế.
- Giải thưởng thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2003-2004 với bài Bước gió truyền kỳ.
- Giải ba cuộc thi thơ nhạc Đây biển Việt Nam với hai bài thơ Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió, Gió hợp hôn đất nước, do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức năm 2011-2012.
- Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012 với tập thơ Chất vấn thói quen.
- Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Chất vấn thói quen.

NGUYỄN THAM THIỆN KẾ (thực hiện)
Theo báo Tinh Hoa Việt/ Đại Đoàn Kết
số tân niên 2019




Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Vũ Hoàng Chương thấu thị lẽ vô thường

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương sinh năm 1916, quê gốc Nam Định. Lớn lên ở Hà Nội,  đỗ tú tài 1937, Nho học, Tây học đều thông suốt, học Luật khoa nửa chừng rồi bỏ. Có một thời làm kiểm soát sở Hỏa xa Đông Dương rồi cũng bỏ, đi dạy học ở Thái Bình, Hải Phòng. Sống phóng khoáng giang hồ lãng tử. Từ năm 1940 mới 24 tuổi đã xuất bản tác phẩm đầu tay Thơ say, gây hào hứng bừng dậy một làn gió mới trong giới văn nghệ sĩ Hà thành lúc bấy giờ. Sau đó lần lược ấn hành những tập thơ Mây (1943) Trương Chi (1944) Thơ lửa (1947) Thằng Cuội (1952).
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương

Đến năm 1954 Vũ Hoàng Chương rời bỏ Hà Nội, lên đường di cư vào Sài Gòn, tiếp tục nghề dạy học và tất nhiên là viết văn làm thơ. Hòa nhập nhanh chóng vào sinh hoạt văn nghệ miền Nam, ngay cuối năm 1954 đã cho ra mắt liền thi phẩm Rừng phong tại Sài Gòn. Năm 1959 tập thơ Hoa đăng đoạt giải nhất về thi ca. Cũng năm này, thi sĩ sang Bỉ dự hội nghị Thi ca Quốc tế, rồi sang Thái Lan dự Văn bút Á Châu (1964) qua Nam Tư dự Văn bút Quốc tế (1965). Từ năm 1969 đến 1973 Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam.

Ở Sài Gòn, Vũ Hoàng Chương có Gác Mây là nơi lui tới của anh em văn nghệ bốn phương. Được thở bầu không khí tự do trên mảnh đất mới, khơi dậy hồn thơ bẩm sinh vốn đa tình đa cảm, thi sĩ như nhập vào suối nguồn sáng tạo trào tuôn lai láng nên nhiều thi phẩm tâm đắc ra đời như Tâm sự kẻ sang Tần (1961) Cảm thông (1961) Trời một phương (1962) Lửa Từ bi ( 1963 ) Ánh trăng Đạo lý (1966) Bút nở hoa đàm (1967) Cành mai trắng mộng (1968) Ta đợi em từ ba mươi năm (1970) Ngồi quán (1971) Đời vắng em rồi say với ai? (1971) Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973) và Ta đã làm chi đời ta? (1974).

Ta đã làm chi đời ta? Là một tập hồi ký, nhà thơ kể lại chuỗi ngày tháng lang thang lêu lổng với giới văn nghệ sĩ, những cuộc ngao du phiêu bồng đây đó thời thanh xuân tuổi trẻ trước 1954 ở miền Bắc.

Vũ Hoàng Chương là một thi sĩ vĩ đại của văn học Việt Nam, một nhà thơ trữ tình lãng mạn, chứa chan cả trời thơ đất mộng lung linh. Tình thơ chất ngất bay cao vút tận đỉnh trời lồng lộng, ý thơ nồng nàn tha thiết, cháy bỏng bao nỗi niềm rung ngân bất tuyệt những tiếng lòng vọng lên từ sâu thẳm tâm tư.

Từ tính chất ưa tự do phóng đãng, thích phiêu lãng tang bồng, thi sĩ bỏ xứ ra đi làm một gã phong trần với túi thơ bầu rượu ngất ngưởng nghêu ngao. Thời tiền chiến ở miền Bắc, hình như phủ trùm lên một bầu khí hậu u buồn thảm đạm sao đó, khiến cho hầu hết giới thanh niên trẻ tuổi đều mang tâm trạng lạc lõng bơ vơ, đi mà chẳng biết đi về đâu giữa biển đời lênh đênh không bờ bến:

Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng
Xuôi về Đông hay dạt tới phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ
Đời kiêu bạt không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt
Treo buồm cao cùng cất tiếng hò khoan
Gió đã thổi nhịp trăng chiều hiu hắt
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan

Thuyền viễn xứ chèo qua dòng Suối mơ huyền ảo Văn Cao hay Con thuyền không bến bềnh bồng theo Đặng Thế Phong là những cuộc lữ long đong của cả một thế hệ bơ vơ, ngơ ngác chẳng biết về đâu giữa ngã ba đường. Đó là buổi giao thời xung đột giữa cái cũ và mới, giữa Đông và Tây, giữa Cộng sản và Tư bản. Cùng thời với Vũ Hoàng Chương có Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tô Hoài, Thế Lữ… Hầu như trước sự bế tắt tâm tư thời đại, tất cả những tâm hồn nhạy cảm ấy đều tìm đến men rượu say tình cho nguôi ngoai đi nỗi sầu thế sự, Vũ Hoàng Chương cũng đắm chìm trong hương vị túy lúy cuồng ca quá đỗi trằn trọc, quằn quại thê lương:

Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ồ ! Đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi ! Hỡi nhớ thương
Là thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi ! Tố của anh
Tháng sáu mười hai từ đấy nhé !
Chung đôi từ đấy nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa Tố của tôi
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của ai ?
Tay gõ vào bia mười ngón dập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ bồn ca gõ hát chơi :
Kiều Thu hề Tố em ơi !
Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ xừ xang xế… bàn tay điên cuồng
Kiều Thu hề trọn kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ xang xế xự xang hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên
Kiều Thu hề Tố hỡi em
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bừng
Xế hồ xang… khói mờ rung
Nhịp vương sầu tỏa năm cung ngút ngàn

Mang mang thiên địa sầu là một mối sầu thương khủng khiếp đoạn trường. Phải chăng đó là điều thường xảy ra trong những cuộc tình du dương thắm thiết của tài tử giai nhân ? Những cuộc tình si đầy chất tương tư ủy mị, vì có thể làm cho người ta đi đến chỗ điên cuồng, tuyệt lộ, tự tử nếu không có một lối thoát nào đó mở ra. Ở đây nhà thơ bế tắt chẳng biết ngõ thoát nào hơn là say và say đắm đuối cho quên hết nỗi niềm :

Say đi em ! Say đi em !
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu rượu nữa và quên quên hết
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi dần rơi
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi !
Đất trời nghiêng ngả
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngả
Thành Sầu không sụp đổ em ơi !

Bức tường thành vách sương mù u mê ám chường đầy rêu phủ u sầu kia tuy vô hình mà dữ dội kinh hồn, khiến cho người ta bị vây khổn, ngột ngạt trong lùng bùng khủng hoảng, run rẩy sợ hãi, hụt hẩng chới với bởi những trận gió từ sa mạc hư vô thổi đến một cách bất ngờ, không sao lường trước được. Trước bao nhiêu sự việc biển dâu, nhà thơ đều im lặng chấp nhận nhưng không thể bình thản, an tâm được khi tình yêu tha thiết đột nhiên chấm dứt nửa chừng. Chao ơi ! Không biết vì sao cứ bàng hoàng, thảng thốt, hỡi thuyền quyên thực nữ, hỡi thiên hương quốc sắc lặng lẽ qua cầu. Rưng rưng tiễn biệt mà đau xót lòng :

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu
Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu
Thôi rồi tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau
Trai lỡ phong vân gái lỡ tình
Này đêm tri ngộ xót điêu linh
Niềm quê sực thức niềm quan ải
Giây lát dừng chân cuộc viễn trình
Tóc xỏa tơ vàng nệm gối nhung
Đây chiều hương ngát lá hoa dung
Sánh đôi kề ngọn đèn hư ảo
Mơ kiếp nào xa đã vợ chồng
Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay
Buồn mưa trăng lạnh nắng hoa gầy
Nắng mưa đã trải tình nhân thế
Lưu lạc sầu chung một hướng say
Gặp gỡ chừng như truyện Liêu trai
Ra đi chẳng biết một ngày mai
Em ơi ! Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai ?

Còn ai đâu mà bốc cháy, say sưa nữa, khi em là người yêu, người tình, nàng thơ diễm tuyệt, là tri âm tri kỷ, chí cốt ruột rà nhất đã dứt áo ra đi. Đi là đi mất đi biệt như đóa hoa vô thường rơi tàn tạ hương sắc mong manh xuống vườn hồn tả tơi bao xác lá. Nhà thơ lãng mạn Vũ Hoàng Chương đã trọn vẹn quăng ném hết tâm tình mình vào cuộc mộng tình yêu kiều diễm, từng nốc cạn bầu rượu tình ái đến ly cuối mặn nồng bốc lửa hoan say chuếnh choáng, chàng rộn ràng dấn bước nhập cuộc để khai triển, khám phá hết những mối ưu tư thầm kín, những tình cảm nhiệt liệt thấm thía trong tận đáy lòng sâu thẳm tâm linh.

Tình và tâm cùng hòa âm thâm cảm, giao hòa thấu suốt muôn chiều tim máu sâu xa nên đã va chạm đến thần hồn vi diệu tuyệt trần Phật giáo. Thật vậy, thi ca Vũ Hoàng Chương đã tìm được một lối thoát ngoạn mục, đã phiêu nhiên bay vào phương trời bát ngát Tâm Thiền uyên áo, đóng góp một phần rất lớn vào văn học Phật giáo Việt Nam qua ba thi phẩm sáng ngời Lửa Từ bi, Ánh trăng Đạo lý và Bút nở hoa đàm đậm đà bản sắc nhân văn. Trăng lòng uyên nguyên hiển lộ, long lanh lấp lánh vô ngần:

Phật có bàn tay dẹp bất bình
Cả ngàn con mắt chiếu vô minh
Chỉ đôi tai Phật sao nghe xiết
Tiếng khóc giờ đây của chúng sinh?

Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển đại dương là một cách diễn đạt sự thống khổ của nhân gian là vô số khổ lụy đoạn trường. Vậy bằng phép lạ nhiệm mầu nào, Đức Phật có thể ra tay cứu độ hết tất cả mọi khổ đau, trầm thống điêu linh của nhân loại được đây, hay phải tự mình chuyển hóa, thăng hoa theo thể lệ “Tự mình thắp đuốc lên mà đi ?”

Lặng lẽ âm thầm, thi sĩ sớm bắt gặp Phật giáo Thiền tông và lãnh hội được tinh túy của Thiền, cho nên hồn thơ đã chuyển sang hướng giải thoát, phong quang sáng tạo chứ không còn chìm đắm trong men say rượu, say tình như thời tiền chiến thuở xưa nữa. Cái thời buồn nôn, hư vô, chán chường ấy đã xa như tiền kiếp, thi sĩ hồi sinh lại giữa ánh hào quang Tuệ giác siêu việt của Hoa Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã quá độ vô cùng vô tận, rạt rào vô lượng vô biên.

Tuyệt vời làm sao, khi thi sĩ nhập định, cất lên tiếng Nguyện cầu, lời đại nguyện âm thầm thâm thiết, chuyển hóa thế giới nội tâm, thể hiện một bước nhảy đáo bỉ ngạn sang bên kia bờ. Mở đầu bài thơ, thi sĩ nêu ra một nghi vấn, một câu hỏi trọng đại trước lý vô thường, trước lẽ sinh tử luân hồi của kiếp người giữa vũ trụ mênh mông :

Ta còn để lại gì không ?
Kìa non đá lở nọ sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về

Ta là ai ? Ta là kẻ nào trong cuộc lữ trăm năm ? Phải chăng ta là một con người sinh ra lớn lên giữa cuộc đời : Làm việc, đấu tranh, dành dụm, tích trữ vật chất và tinh thần, rồi cuối cùng tử thần vụt đến dẫn ta đi vào hố thẳm u linh, kinh hoàng nơi cõi chết mịt mù tăm tối ? Chết là chấm dứt hết tất cả mọi sự hay sao ? Thi nhân sững sờ tự hỏi : “Ta còn để lại gì không ?” Khi mà “Kìa non đá lở nọ sông cát bồi”. Chới với trước vạn vật đổi thay, đất trời thiên diễn, vô thường như thế, nhà thơ  sực thấy mình từ đời thuở nào đã xoay chuyển mãi trong vòng luân hồi sinh tử u minh, mù mù phía trước, mịt mịt phía sau, làm kẻ phong trần khách, lang thang như gã cùng tử giữa cuộc lữ muôn trùng…  Giữa muôn trùng cuộc lữ phiêu linh, một hôm bất ngờ bỗng sực thấy:

Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này

Bờ bến nào huyễn hoặc, bến bờ nào vọng mê hỡi cõi hỗn độn phù du phủ đầy hư ảo vô minh ? Khiến cho thi nhân trong giây phút nhập thần, chợt thấy thiên thu trong một ánh chớp và bốn bề mười phương trong một giây phút thực tại bây giờ.

Bây giờ và ở đây, cuộc lữ lại tiếp tục lên đường viễn xứ, nhưng từ đây thi sĩ đã thoáng hiện thấy một cõi đi về cố quận ở bên trong tâm hồn vốn trong xanh thanh tịnh. Đó là cõi quê lòng trong trẻo xanh biếc nguyên sơ, chưa từng vướng mắc, ô nhiễm bụi phù trần, nên thi sĩ chân thành lên tiếng tỏ bày, bộc bạch một cách thiết tha “Ta van cát bụi trên đường. Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.”

Đi trên con đường trần gian cát bụi, thôi thì đủ thứ xanh vàng đỏ trắng, muôn màu nghìn sắc dẫy đầy vẻ hấp dẫn, quyến rũ, lôi cuốn ta vào mê lộ, túy sinh mộng tử mang mang… Nếu không tỉnh thức thì sẽ bị cuốn trôi theo đắm chìm giữa miền điên đảo, nhào lộn tồn sinh bức bách não phiền, không lối thoát. Vì thế, dù dơ bẩn hay trong sạch, dù thiện lành hay xấu ác… thì thi nhân vẫn không muốn vướng bận, không thích dính mắc vào làm chi. Đó chính là bước đi xa lìa mọi đối đãi, vượt ngoài phân biệt đúng sai, phải quấy, hơn thua, được mất… của thế giới nhị nguyên.

Biết thế nên thi sĩ thể hiện một cách sống mãnh liệt viên dung, sống hết mình, trọn vẹn say sưa với ngọn lửa thiêng đang bừng cháy trong hồn. Ngọn lửa thiêng từ cõi tâm bừng sáng chói lòa cả càn khôn vũ trụ, bay lên rực rỡ huy hoàng tận đỉnh trời thiên thanh vĩnh thúy. Với trạng thái xuất thần ấy, lời thơ lãng đãng đi về :

Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm thâu

Con người đau khổ vì mãi đấu tranh, giành giật lẫn nhau theo kiểu sống thực dụng, chiếm hữu cái lợi trước mắt, sẵn sàng tàn nhẫn, chà đạp, sát hại người khác để giành lợi lộc về phần mình. Nhà thơ nhạy cảm, trực thấy rõ sự nguy hiểm của cách sống bị điều động bởi tham lam, sân hận và si mê ấy, nên có ý cảnh giác những đầu óc thực dụng, sống như máy móc, chỉ biết tính toán, so đo được mất, hơn thua, giàu nghèo, phải trái… theo kiểu ma quái lật lường, xuôi ngược hồ đồ tráo trở. Đó là loại người rơi vào duy vật chủ nghĩa với quan niệm chết là hết, nên họ chủ trương sống thỏa mãn tham dục, thỏa mãn những nhu cầu vật chất nông cạn mà thôi. “ Nói chi thua được với đời. Quản chi những tiếng ma cười đêm thâu.” Nói chi… quản chi… sá chi… những trò đời ma quỷ, oái oăm, nhà thơ mỉm cười tịch nhiên bất động trong lặng lẽ xa lìa, viễn ly tất cả. Sá gì mà chấp trước, vướng bận nhì nhằng làm chi cho mệt, phải không ?

Trên ngõ về quê quán cũ, chốn hồn tâm xanh biếc sơ nguyên của chính minh, nhà thơ mở rộng lòng ra một cách thành tâm :

Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đấy thôi
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm

Luân hồi chấm dứt thì Niết Bàn hiện ra. Niết Bàn chính là cố quận đang hiện hữu giữa trái tim mình, ngay trong lòng thanh tịnh của mình đây thôi. Chỉ cần ta “hồi đầu thị ngạn” thì hoát nhiên triệt ngộ, chứng vào cảnh giới Niết Bàn Diệu Tâm liền lập tức. Điều đó đã có nhiều người từ ngàn xưa đến nay thực hiện được  rồi, như các vị Bồ tát, thiền sư, nghệ sĩ vĩ  đại trên mặt đất.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương trên con đường trở về cố quận ấy đã từng giáp mặt, chứng kiến biết bao bậc thiền sư, Bồ tát thị hiện giữa cuộc đời, như vào tháng 6 năm 1963 tại Sài Gòn, ngọn lửa thiêng của Bồ tát Quảng Đức bừng cháy lên rực trời trong đêm dài tăm tối vô minh làm sửng sốt, bàng hoàng, đánh thức cơn u mê của chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, đang tàn bạo cố tình tiêu diệt tín đồ Phật giáo. Ngô Đình Diệm cùng anh em gia đình trị độc tài theo Chúa Trời Thượng Đế, mê muội làm tay sai nô lệ, thừa hành mệnh lệnh từ tòa thánh Vatican đàn áp đẫm máu Phật giáo đồ Việt Nam.

Vô cùng rúng động trước ngọn lửa vô úy đầy tuệ giác sáng ngời của Bồ tát Quảng Đức, thi sĩ xuất thần sáng tạo bài thơ Lửa Từ bi bất hủ, ngọn lửa thiêng ấy sẽ còn cháy mãi đến muôn thuở thiên thu, vạn đại vĩnh hằng:

Lửa ! Lửa cháy ngất Tòa Sen !
Tám chín phương nhục thể trần tâm
Hiện thành Thơ quỳ cả xuống
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời mới mọc
Ánh Đạo Vàng phơi phới
Đang bừng lên dâng lên
Ôi ! Đích thực hôm nay Trời có Mặt
Giờ là giờ Hoàng đạo nguy nga
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
Nhìn nhau tình huynh đệ bao la
Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay ?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật Pháp chẳng rời tay
Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh xe quay
Không khí vặn mình theo
Khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng
Giông bão lặng từ đây
Bóng Người vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Đề
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi
Chỗ Người ngồi : Một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nết Từ Bi
Rồi đây rồi mai sau còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro
Lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ còn Trái Tim Bồ Tát
Gội hào quang xuống tận ngục A tỳ
Ôi ngọn lửa huyền vi
Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác
Từ cõi vô minh
Hướng về Cực Lạc
Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác
Và chỉ nguyện được là rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời kinh
Tụng cho nhân loại hòa bình
Trước sau bền vững tình huynh đệ này
Thổn thức nghe lòng Trái Đất
Mong thành Quả Phúc về cây
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đồng loại chúng con
Nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây

Từ Thơ say đến Lửa Từ bi, Vũ Hoàng Chương đã đi một bước thượng thừa hùng tráng, đầy ngoạn mục phi thường. Hồn thơ ăm ắp hơi thở hiện đại mà vẫn giữ được truyền thống Đông phương trầm mặc. Cung bậc hào hùng từ tiếng thơ ấy bay dậy luồng thanh khí như thắp lên ngọn lửa thơ rực hồng ý niềm uyên tư từ ái:

Ai là người có cánh tay hào kiệt
Trong tương lai một sớm một chiều
Đủ sức hái cành hoa làm bút viết
Những vần Thương Yêu?

Những vần thơ yêu thương cuộc sống đã có biết bao nhiêu người tiếp tục viết và viết mãi trên tờ mây trắng thiên thanh hay giữa dòng đời mênh mông mới lạ. Đó là những tâm hồn thênh thang sáng tạo, những bạn đồng hành cùng thi sĩ như Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Đông Hồ, Hoài Khanh, Quách Tấn, Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Trụ Vũ…

Tâm đắc tư tưởng tự tại an nhiên, tinh thần giải thoát sinh tử của Thiền, thi sĩ tài hoa Vũ Hoàng Chương đã sống một cuộc đời tỉnh thức và siêu thức giữa bao la pháp giới, chập chùng vũ trụ vần xoay:

Bao nhiêu hạt cát bến sông này
Đã bấy nhiêu ngàn thế kỷ nay
Ta vượt ngàn năm đường ánh sáng
Từ ngoài vô tận đến nơi đây
Đêm đêm ta dõi mấy từng cao
Tìm một không gian mới lạ nào
Lấp lánh Quê Trời thơ hẹn bến
Giam mình Quả Đất mãi hay sao ?
Nhân loại ra đi chẳng một lần
Hợp tan nào khác mảnh phù vân
Trên đà tốc độ siêu quang ấy
Một chuyến đăng trình một hóa thân

Khi thấu thị được lẽ huyền vi sâu xa đó thì thi nhân đâu còn lo sợ chi những chuyện vô thường dâu bể nữa phải không ? Thôi thì chút cơ thể cát bụi phù du đã hóa thân giữa trùng trùng bụi cát, rồi một mai hội đủ nhân duyên mà tựu thành một sinh thể khác hoàn toàn mới mẻ, tinh khôi hơn. Chỉ ngậm ngùi cho người ở lại mà thôi, như thiền sư Nhất Hạnh tiếc thương thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị chính quyền Cộng sản bắt giam đầu năm 1976 và đã ra đi vào cuối năm đó trong lặng lẽ ngậm ngùi:

Đêm này dù đã về ngôi
Hồn thơ vẫn thấy luân hồi thế gian
Bút hoa ngàn kiếp không tàn
Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người
Có không mù mịt biển khơi
Nẻo về đã rạng chân trời thênh thang
Tỉnh say vẫn một cung đàn
Lửa anh hào đốt cháy tan đêm sầu
Thơ lên bay vút bồ câu
Triều âm chấn động phương nào chẳng nghe
Giấc mơ hồ điệp đi về
Biển Đông sóng vỗ kình nghê vẫn còn.

TÂM NHIÊN
Nguồn: VCV
______________
Thơ Vũ Hoàng Chương trích trong các tập Thơ say, Mây, Rừng phong, Lửa Từ bi, Bút nở hoa đàm.


ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:



Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Bửu Đình, nhà tiểu thuyết Nam Bộ

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận xét về văn chương của Bửu Đình như sau: “Văn chương của Bửu Đình thật trong sáng và xúc động không ngờ; phải xúc động và hay như thế nào thì nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn) mới tái bản vào năm 1953.
Nhà văn Bửu Đình

Nhân đề tựa cho tập thơ Vĩ Dạ hợp tập của Tuy Lý Vương Miên Trinh, thám hoa Nguyễn Đức Đạt có đề cập đến ý niệm văn chương thượng thừa: là thứ văn chương dẫu buộc thêm chì cũng không chìm, dẫu bị chôn vùi dưới đáy rương mấy trăm năm người ta cũng đào lên để đọc. Văn chương của Bửu Đình có thể gọi là “văn chương thượng thừa” theo Thám hoa Nguyễn Đức Đạt” (23; tr.7).

Văn chương Bửu Đình là như vậy. Nhưng cho đến nay chúng ta biết chẳng bao nhiêu. Nhất là về tiểu thuyết của ông, chúng ta còn hiểu quá mờ nhạt. Trước tinh đó chúng tôi bắt tay vào việc nghiên cứu Bửu Đình.

Cho đến nay việc nghiên cứu Bửu Đình gần như chưa có gì. Gần như các nhà nghiên cứu đã viết về ông còn quá ít. Sau chúng ta xin điểm qua một số.

Trước hết là bài nghiên của ông Nguyễn Văn Y đăng trong tiểu thuyết Mảnh trăng thu, NXB Tổng hợp Tiền Giang, năm 1988. Trong bài Lời giới thiệu ông Nguyễn Văn Y đã nói tương đối đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Đúng như  lời ông khẳng định: “Trên nửa thế kỷ qua, kể từ khi Bửu Đình mất, cuộc đời và sự nghiệp của ông chưa được giới nghiên cứu văn học tìm hiểu cặn kẽ để dành cho ông một vị trí xứng đáng trong lịch sử  văn học nước nhà thời cận đại, mặc dù tên ông đã được ghi vào Từ điển văn học. Đã có hàng chục bài viết về Bửu Đình, nhưng thật tình mà nói, tất cả đều rất sơ lược, thiếu sót và hầu như phần đông chỉ nhắc đi nhắc lại những điều đã được nói đến nhiều lần với một ít sai lầm đáng kể.

Để phần nào giúp cho bạn đọc hiểu qua nhà văn Bửu Đình trước khi lần dở Mảnh trăng thuchúng tôi xin trình bày vắn tắt những nét chính yếu về cuộc đời và tác phẩm của ông, dựa vào các tài liệu tương đối chính xác mà chúng tôi đã mất nhiều năm mới sưu tầm được” (16; tr.5,6)

Tiếp theo là bài Bửu Đình, từ “tổ ấm quý tộc” đến trường học cách mạng của Hoài Anh trong sách Chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn, năm 2001. Ở bài viết này, Hoài Anh đã nghiên cứu Bửu Đình theo tư cách là một tác giả. Theo ông, “Đời Bửu Đình là cuộc đời đấu tranh của một chiến sĩ cách mạng, ông không coi việc viết tiểu thuyết như một hoạt động dấn thân, mà chỉ viết trong khi “tạm nghỉ bước tung hoành” nơi nhà tù” (1; tr.202)

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có bài viết đăng trên báo Văn nghệ (số 34 ngày 21.8.2004) dưới nhan đề Bửu Đình, nhà văn thời khai sáng của văn học quốc ngữ Huế. Ở bài viết này, tác giả xây theo kiểu chân dung văn học. Theo ông, chân dung của Bửu Đình vào mấy điểm chính sau đây: “Dõi theo cuộc đời bi tráng của Bửu Đình, chúng ta có thể kết luận mấy điều như sau:

1. Bửu Đình được xem là đứa con nghịch tử của dòng dõi các vua Nguyễn. Ông bẩm sinh vốn thuộc dòng dõi chính thống so với đế hệ thi của vua Minh Mạng xếp đặt truyền ngôi. Điều oái ăm là Bửu Đình đã tìm mọi cách xoá bỏ “số phận Hoàng thân” của mình, đến mức coi mình như kẻ thù của chính mình. Đó là tâm trạng của một người chán ghét cung đình trong thời kỳ các vua Nguyễn dần dần trở thành tay sai mạt hạng của thực dân Pháp, và mục tiêu trước mắt của ông là lật đổ chế độ quân chủ nhà Nguyễn. Ông buộc lấy họ mẹ, để rồi biến mất trong bão biển. Cuối cùng cái tên Bửu Đình vẫn được ông sử dụng như một dấu “hồng tuyết trảo” (dấu chân hồng đi trên tuyết) của kẻ sĩ xưa. Cuộc đời cho ta thấy có hai Bửu Đình trong một số phận: một Bửu Đình hoàng thân đã chết và một Bửu Đình nhà văn sống mãi muôn đời.

2. Cuộc chiến đấu của Bửu Đình phù hợp với mục tiêu lịch sử của giai đoạn đương thời. Chúng ta biết rằng Bửu Đình trở thành tù nhân bởi Nguyễn Phước Tộc vào năm 1927, đúng vào giai đoạn mà nhân dân Việt Nam tiến lên trong cuộc đời vận động thành lập Đảng. Cuộc chiến đấu của Bửu Đình là không cân sức trong cuộc đối đầu chống lại vua Nguyễn răm rắp tuân theo thực dân Pháp ném đá dấu tay. Ông đã huy động vào cuộc chiến đấu của ông hai thứ vũ khí thông dụng của cách mạng đương thời: nghề làm báo và hoạt động diễn thuyết. Ngược lại triều đình Nguyễn và thực dân Pháp đã bắt ông tù đày hết Lao Bảo đến Côn Đảo, trước khi biến mất trên mặt biển. Bửu Đình quả là con người tâm huyết, đứng bên cạnh nhân dân đến chết mới thôi, nêu gương cho hậu thế như một chiến sĩ bất khuất.

3. Các tác phẩm văn học của ông như Cậu Tám Lọ, Giọt lệ tri âm (thơ) và nhất là Mảnh trăng thu đều được viết trong lao tù, và được công bố trên đất liền, thông qua những con tàu vượt biển.

Văn chương của Bửu Đình thật trong sáng và xúc động không ngờ; phải xúc động và hay như thế nào thì Nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn) mới tái bản vào năm 1953” (23,tr. 7).

Ngoài ra, còn nhiều bài khác nữa. Nhưng cách đánh giá cũng tương tự như các bài đã đề cập.

***

Bản chất của tiểu thuyết Bửu Đình vẫn là tính thế sự, vẫn là tiểu thuyết thế sự xoay xung quanh số phận đời tư của những con người trong cuộc đời thường chứ không phải là tiểu thuyết trinh thám. Đi sâu và hẹp hơn nữa, có thể định tính tiểu thuyết Bửu Đình là tiểu thuyết tình cảm. Tình yêu nam nữ là chủ đề chính bao trùm lên toàn bộ sáng tác của nhà văn này và cũng là cốt truyện của tác phẩm. Mảnh trăng thu được xây dựng dựa trên câu chuyện về mối tình của đôi trai tài gái sắc Minh Đường - Kiều Tiên. Thuộc thể loại tiểu thuyết tình cảm, tác phẩm của Bửu Đình được tạo nên trên chủ đề tình yêu nam nữ. Chủ đề này bao bọc và quán xuyến toàn bộ tác phẩm của ông, trở thành cốt truyện chính. Tình yêu và hạnh phúc lứa đôi chạy dọc tác phẩm của Bửu Đình như một sợi chỉ đỏ, mang những sắc thái, cung bậc đủ đầy và riêng biệt của nó.

Trước hết, có thể thấy tình yêu nam nữ trong tác phẩm của Bửu Đình chưa thoát khỏi những lễ nghi, đạo lý thời phong kiến. Nhân vật nam và nhân vật nữ trong ngòi bút của Bửu Đình khi đến với tình yêu vẫn đi theo những lề lối xưa, những lễ giáo xưa đã ngấm trong họ, mặc dù, những nhân vật này luôn là những người trí thức mới theo Tây học. Tình yêu nam nữ được dung hoà, bình ổn và luôn ở thế cân bằng trong vòng lễ giáo phong kiến truyền thống. Không chỉ dừng ở đó, tư tưởng lễ giáo phong kiến in đậm lên nhân vật và vẽ cả con đường số phận của họ. Kiều Tiên vì lời ước hẹn của gia đình với một người con trai khác mà đành đoạn tuyệt với Minh Đường để giữ trọn vẹn chũ hiếu và lời ước hẹn xưa. Như vậy, tiểu thuyết của Bửu Đình đã đi lùi một bước so với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách trong quan niệm về tình yêu nam nữ. Mặc dù trong tác phẩm của Bửu Đình có tình yêu tự do nhưng tình yêu ấy sẵn sàng và dễ dàng quy thuận theo những lễ giáo phong kiến ngự trị suốt hàng ngàn năm trong tư tưởng con người. Trong Mảnh trăng thu và Cậu Tám Lọ có loé lên tình yêu của Kiều Nga đối với Thành Trai. Nhưng ở đây, tình yêu không có ý nghĩa kháng cự lễ giáo phong kiến mà chỉ dừng lại ở tình yêu loạn luân của hai người có cùng dòng máu. Điểm dừng thứ hai của mối tình này là tình yêu đơn phương, chỉ sinh ra và trú ngụ trong trái tim người con gái mà thôi. Và điểm dừng thứ ba là ở chỗ, chính tình huống truyện đã cởi bỏ tất cả tính chất loạn luân của mối tình ấy vì thực ra, Kiều Nga là cô gái mang thân phận bị đánh tráo và cô không phải là em gái của Thành Trai.

Điểm nổi bật trong việc xây dựng tình yêu nam nữ của ngòi bút Bửu Đình là nhà văn đã đi sâu vào khám phá những chiều kích tâm lý phức tạp của nhân vật. Màu sắc tình yêu trong tác phẩm của Bửu Đình hiện lên với toàn bộ nét hồn nhiên và tính cách bản thể của nó. Trong những trang văn của ông, ta bắt gặp nét bút thật trữ tình, sâu lắng khi vẽ bức tranh tâm trạng của nỗi tương tư, bức tranh của niềm nhung nhớ và cả của sự ghen tuông rất thường tình của tình yêu.

Ngòi bút Bửu Đình đã sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật để khắc hoạ bức tranh tâm lý nhân vật. Có khi, nhà văn miêu tả tâm trạng nhân vật qua hình dáng bên ngoài, từ dáng vẻ gương mặt, hình vóc mà gợi nên đường nét của tâm trạng. Cũng có khi tâm trạng nhân vật được thể hiện qua những cuộc đối thoại của các nhân vật. Sự thay đổi điểm nhìn trần thuật tạo ra trong tác phẩm một không khí sinh động, linh hoạt, ngôn ngữ phong phú, giọng văn uyển chuyển và đồng thời, bức tranh tâm lý được khắc hoạ dưới nhiều góc độ, bằng nhiều màu sắc khác nhau.

Màu sắc trinh thám trong tiểu thuyết Bửu Đình in đậm ở tình huống truyện còn ở tình tiết truyện thì màu sắc này không rõ nét như các tác phẩm trinh thám. Bao giờ Bửu Đình cũng xây dựng tác phẩm dựa trên tình huống có tính vụ án. Một vụ giết người, một vụ mất cắp…, tình huống truyện này thành cái khung bọc quanh tác phẩm và toàn bộ cốt truyện được triển khai theo tình huống ấy để hướng đến mục đích cuối cùng là “phá án”. Thế nhưng, so với những tác phẩm trinh thám khác thì tính trinh thám của Bửu Đình chỉ dừng lại ở mức độ khởi đầu. Tình tiết của tiểu thuyết Bửu Đình không đạt đến độ chín muồi của nghệ thuật tiểu thuyết trinh thám. Đa phần các tình tiết không mang tính suy luận điều tra dựa trên chứng cứ mà tình tiết truyện được triển khai dựa trên sự ngẫu nhiên tình cờ. Ngẫu nhiên mà người đi điều tra gặp được nhân chứng, ngẫu nhiên mà người lần theo dấu vết bắt gặp chứng cớ hay phát hiện ra sự thật… Đến ngay cả nhân vật thám tử cũng mang tính chất “nghiệp dư”. Các nhân vật của Bửu Đình không phải là những thám tử chuyên nghiệp mà họ là những người có mối quan hệ khắng khít với những người có liên can đến vụ án. Những cuộc gặp gỡ tình cờ thúc đẩy cốt truyện phát triển, để lộ dần những yếu tố bí ẩn phơi ra ánh sáng của sự thật.

Thế nhưng, vì là tiểu thuyết ra đời trong những buổi đầu, những sáng tác của Bửu Đình có những giá trị riêng trong sự đóng góp về mặt nội dung và nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết để tạo ra sự ra đời của tiểu thuyết và cũng để thúc đẩy tiểu thuyết phát triển. Ở thời điểm ấy, tạo ra một tình huống tiểu thuyết hấp dẫn, đầy sức lôi cuốn với nhiều tình tiết éo le, uẩn khúc và viết theo lối viết trinh thám như Bửu Đình quả là một bước đột phá lớn. Chính vì vậy mà theo ý kiến đánh giá của độc giả, trong khi Truyện Kiều  đứng thứ 1 thì  Mảnh trăng thu đứng thứ 6. với giọng văn chân chất, gần gũi, ngôn ngữ giản dị, gần với ngôn ngữ của ngưới bình dân, lối dẫn dắt chuyện linh hoạt và nghệ thuật phân tích tâm lý tinh tế, Bửu Đình đã thực sự cuốn hút được người đọc vào những trang viết của ông, nhất là vào thời điểm những quyển tiểu thuyết đầu tiên mới ra đời.

Tính chất trinh thám còn được thể hiện ở nghệ thuật miêu tả sự xuất hiện của nhân vật. Bửu Đình cho nhân vật xuất hiện một lần. Sau đó, ở những lần xuất hiện tiếp sau, nhà văn luôn tạo một nét sắc thái bí ẩn với hành tung bí mật rồi sau đó mới để lộ danh tánh của nhân vật. Việc miêu tả sự tái xuất hiện của nhân vật như thế tạo nên tính chất bí ẩn và gợi nên trong người đọc sự tò mò thích thú, cảm giác phiêu lưu mạo hiểm, sự hồi hộp chờ đợi. Kiều Tiên xuất hiện trong vai một người đàn bà bí mật: “Trong lúc tắt đèn, nghe sau lưng có tiếng hỏi rất dịu dàng, chàng giựt mình xây lưng lại ngó thì thấy có một người đàn bà trùm khăn đen, mặc áo quần đen vịn tay lên lưng ghế sau, dòm vào trong lô. Người đàn bà ấy thấy Thành Trai thì ra dáng e lệ, không hỏi nữa, lật đật lui ra như hỏi lầm ai” (tr. 28,Mảnh trăng thu). Khi tạo dựng tình huống cuộc gặp gỡ ngoạn mục giữa Thành Trai và Minh Đường với các tình tiết gay cấn, hồi hộp như tình tiết Minh Đường bắn thủng lốp xe của Thành Trai giữa đường và cuộc đột nhập của Thành Trai vào phòng trọ của Minh Đường vào giữa đêm khuya khiến Minh Đường đâm Thành Trai bị thương, Bửu Đình đã khiến cho Thành Trai trở thành một nhân vật “mai danh ẩn tích”, hiện ra trong cái vẻ bí hiểm, tạo không khí mang đậm chất trinh thám. Lối xây dựng sự tái xuất hiện của nhân vật như thế có nét giống với việc miêu tả sự xuất hiện của nhân vật trong Tam quốc chí diễn nghĩa hay như trong các tiểu thuyết cổ điển chương hồi khác của văn học Trung Quốc.

Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Bửu Đình cũng là một sự phát hiện mới trong việc miêu tả thời gian trong văn học. Nếu như ở Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách không xây dựng dòng thời gian một chiều mà đã có dòng thời gian hai chiều, dòng thời gian hồi tưởng của tâm tưởng thì Mảnh trăng thu cũng thế. Bửu Đình không để cho thời gian chảy theo một hướng từ hiện tại đến tương lai mà bẻ vòng thời gian, đi từ hiện tại đến quá khứ rồi quay trở về hiện tại để thúc đẩy dòng cốt truyện phát triển. Không xây dựng thời gian hồi tưởng như Tố Tâm, Mảnh trăng thu đưa thời gian quá khứ vào lời kể của nhân vật trong nhật ký. Do đó, trong Mảnh trăng thu không có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, không có độ dừng của dòng hồi tưởng để quay trở về hiện tại như Tố Tâm mà tác giả cắt lớp tác phẩm của mình, để quá khứ chảy hết dòng chảy cho trọn vẹn rồi mới đưa tác phẩm quay trở về hiện tại. Yếu tố thời gian nghệ thuật đa chiều này vừa tạo ra cho tác phẩm chất bí ẩn, huyền ảo, kì bí của tiểu thuyết trinh thám, vừa tạo nên sự chuyển dời điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất.

Tóm lại, nhìn từ phương diện thể loại, tiểu thuyết của Bửu Đình là tiểu thuyết tình cảm mang màu sắc trinh thám. Đó là màu sắc riêng của Bửu Đình khi đặt bên cạnh tiểu thuyết tâm lý của Hoàng Ngọc Phách hay tiểu thuyết thế sự của Hồ Biểu Chánh. Mặc dù còn có nhiều hạn chế về mặt nội dung và nghệ thuật, nhưng đặt trong cái nhìn mang tính chất lịch sử, ngòi bút tiểu thuyết của Bửu Đình đã có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự ra đời của tiểu thuyết, góp phần hoàn chỉnh diện mạo và sắc màu bức tranh tiểu thuyết Việt Nam trong buổi đầu. Đồng thời, viêc tìm về nghiên cứu những tác phẩm văn xuôi Nam Bộ thời kỳ đầu đã tạo ra sự thẩm định và khôi phục lại những giá trị văn học bị lãng quên.

 LÊ TIẾN DŨNG - HỒ KHÁNH VÂN
Khoa VH&NN- ĐHKHXH&NV TPHCM

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. HOÀI ANH- Bửu Đình, in trong sách Chân dung văn học, NXB Hội Nhà Văn, 2001.
2. NGUYỄN KIM ANH- (Chủ biên) Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, NXB ĐHQG TP. HCM, năm 2004.
3. BỬU ĐÌNH- Bạn hiền khó kiếm, truyện vừa, Đông Pháp thời báo, từ số 12 (4/6/1923) – 21 (27/6/1923).
4. BỬU ĐÌNH- Gái đâu có gái lạ lùng, tiểu thuyết, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/1 (15/11/1923) – 15/3 (29/11/1923).
5. BỬU ĐÌNH- Cười ra nước mắt, tiểu thuyết, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/6 (20/12/1923) – 15/14 (21/2/1924).
6. BỬU ĐÌNH- Nghĩa tình khẳng khái, Nam Kỳ kinh tế báo, từ số 15/1 (15/11/1923) – 15/14 (21/2/1924), chưa hết.
7. BỬU ĐÌNH- Nỗi mẹ tình con, tiểu thuyết, nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1924.
8. BỬU ĐÌNH- Vay trả lẽ trời, đoản thiên tiểu thuyết, Tân thế kỷ số 8 (12/12/1926).
9. BỬU ĐÌNH- Giọt lệ tri âm, trường ca, Tân thế kỷ, từ số 10 (16/11/1926) – 41 (22/12/1926).
10. BỬU ĐÌNH- Giọt nước chung, đoản thiên tiểu thuyết, Tân thế kỷ số 45 (28/12/1926).
11. BỬU ĐÌNH- Tấm lòng vàng đá, Tân thế kỷ, từ số 6(10/11/1926) – 49 (3/1/1927).
12. BỬU ĐÌNH- Mài một lưỡi gươm, tiểu thuyết, Tân thế kỷ từ số 24 (2/12/1926) – 56 (10/1/1927), chưa hết.
13. BỬU ĐÌNH- Trần Kim Quyên hay Tình là dây oan, tiểu thuyết, Tân thế kỷ từ số 50 (4/1/1927) – 60 (14/1/1927), chưa hết.
14. BỬU ĐÌNH- Trọng nghĩa thù thâm, tiểu thuyết, báo Kỳ lân từ số 31 (27/10/1928) – 63 (5/3/1929), chưa hết.
15. BỬU ĐÌNH- Một thiên tuyệt bút trường hận, Công luận báo số ra ngày 17/8/1931 đến ngày 12/9/1931.
16. BỬU ĐÌNH- Mảnh trăng thu, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
17. BỬU ĐÌNH- Cậu Tám Lọ, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
18. NHIỀU TÁC GIẢ- Mục từ Bửu Đình trong sách Từ điển văn học, tập 2, do Huỳnh Lý viết, NXB Khoa học xã hội, 1984.
19. NHIỀU TÁC GIẢ- Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập II, NXB TP.Hồ Chí Minh.
20. NHIỀU TÁC GIẢ- Tổng hợp văn học VN, tập 26, NXB KHXH, 1990.
21. BÙI ĐỨC TỊNH- Bước đầu tìm hiểu báo chí quốc ngữ và tiểu thuyết Nam Bộ, NXB TP.Hồ Chí Minh.
22. NGUYỄN Q. THẮNG- Tiến trình văn nghệ miền Nam, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh.
23. HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG- Bửu Đình, nhà văn thời khai sáng của văn học quốc ngữ Huế, Báo Văn Nghệ số 34 ngày 21.8.2004.


Nhà văn Trang Thế Hy: Một lần ghé quán bên đường…

Bài thơ được phổ nhạc với tên Quán bên đường của anh sao mọi người vẫn tưởng là của Bình Nguyên Lộc? Bởi vì Bình Nguyên Lộc là người đăng bài đó lên báo mà! Báo Vui Sống, khoảng 1960 gì đó phải không? Không, 1959 chớ. Mỗi lần nghe hát bài này sao tôi đều thấy muốn khóc. Lạ thiệt…
Nhà văn Trang Thế Hy

Tôi vốn không ưa thuốc lá, không ưa cả người hút thuốc lá. Cũng bởi mình là thầy thuốc, lại làm việc trong chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Nhưng lần này tôi bỗng thấy mê một người hút thuốc lá. Mê thiệt. Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một bên khóe miệng, thấy cái cách ông khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến. Một người gần 90 tuổi, nghiện thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt trong tay chuẩn bị bật lửa… có cái gì đó như một nghi lễ tôn giáo, khiến tôi chỉ biết ngồi im, lặng ngắm, không dám hó hé. Tôi biết thứ thuốc lá ông hút chẳng phải nhẹ nhàng gì, nhưng người ta đặt tên dịu dàng với bao bì thanh mảnh dễ thương chẳng qua để người hút tưởng nó nhẹ, nó không nhiều chất độc vậy thôi. Người đàn ông đó, người đàn ông hút thuốc lá mê hoặc được tôi đó chính là nhà văn Trang Thế Hy, buổi trưa nắng gắt ngày 10.11.2009 tại nhà riêng của ông ở dưới chân cầu Rạch Miễu, Bến Tre mà tôi có dịp lần đầu đến thăm sau nhiều lần dự định mà không thành.

Bác sĩ Trần Đức Dũng người quen của gia đình ông đưa tôi đến, theo yêu cầu của tôi, không báo trước. Tôi vẫn nghe từ lâu ông là một nhà văn khó tánh. Nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 50 của thế kỷ trước, được nhiều người ngưỡng mộ, đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông lặng lẽ từ biệt Sài Gòn phồn hoa đô hội, tự mình “đi chỗ khác chơi”. Nhà thơ Thanh Thảo thì dùng một câu ca dao Nam bộ để viết về ông: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua…”. Còn nhà văn Nguyên Ngọc thì đã gọi ông một cách trân trọng: “người hiền của văn học Nam bộ”. Còn ông tự coi mình chỉ là “người tình thoáng chốc của văn chương”. Rời bỏ cuộc chơi, lánh về ẩn cư chốn quê nhà, “rửa tay gác kiếm”. Thế nhưng hình như người tình của ông thì chẳng bao giờ chịu rời bỏ ông cứ y như người tình của Tchekov ngày nào…

Tôi muốn được đến thăm ông như một độc giả mê văn ông từ thời Mỹ Thơ - tên một truyện ngắn của ông - trên báo Nhân Loại hơn nửa thế kỷ trước. Dĩ nhiên sau này ông còn có nhiều truyện ngắn hay hơn, sâu sắc hơn,  nhưng với tôi,  Mỹ Thơ vẫn mãi đọng lại với tiếng còi xe lửa xình xịch Sài Gòn - Mỹ Tho thời đó. Tôi cũng mê thơ ông, đặc biệt bài thơ có tựa là Đắng và Ngọt, đã được đổi thành Cuộc đời khi đăng báo mà sau này trở thành Quán bên đường, do Phạm Duy phổ nhạc. Từ lâu, mỗi lần nghe Quán bên đường tôi lại thấy rưng rưng, như muốn khóc. Cái người có một bài thơ làm mình muốn khóc đó bây giờ ra sao thôi thúc tôi tìm đến thăm ông. Thơ kể chuyện thôi mà, có tân hình thức có hậu hiện đại gì đâu, cớ sao mình mới nghe đã thuộc, đã nhớ, đã thổn thức, đã rưng rưng?

Bác sĩ Dũng hỏi tôi cần mua gì làm quà cho bác Tư không? Tôi bảo thôi. Không cần đâu. Không sao. Tôi giục. Dũng mượn cái nón bảo hiểm, vèo chở tôi đi ngược về phía chân cầu Rạch Miễu, và dừng lại ở một con hẻm nhỏ, bên cạnh một con rạch. Phía bên kia đường là khu dưỡng lão với những ngôi nhà ngói đỏ au. Bác Tư Trang Thế Hy đang sống với vợ chồng cô con gái trong một căn nhà nhỏ bé, thấp lè tè, yên ả giữa mảnh vườn xanh um, dừa chuối bưởi bòng. Đã mấy lần tôi định tìm thăm ông, một người bạn văn của cậu tôi, ông Nguiễn Ngu Í, thời Bách Khoa, để được nhìn ngắm ông, hỏi han sức khỏe ông và… nhờ ông giải thích cho vài chỗ còn lờ mờ trong bài thơ. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học” thì tôi biết, nhưng “tóc bánh bèo” thì chịu. Trước kia tôi vẫn ngỡ bài thơ đó là của Bình Nguyên Lộc, có người còn nói của Khổng Nghi. Khi Phạm Duy phổ nhạc vẫn chỉ ghi tác giả là “khuyết danh” mà! Bây giờ biết tác giả là ông, tôi càng háo hức. Lạ, dù qua giọng ca Thái Thanh ngày xưa hay sau này Ý Lan, con gái Thái Thanh, cứ mỗi lần nghe hát, tôi lại thấy rưng rưng nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Câu chuyện kể trong bài thơ đó quá xúc động, không dừng ở câu chuyện riêng, mà ở một triết lý sống, một triết lý nghệ thuật với câu kết “Thì cứ hỏi cuộc đời” như mở toang một cánh cửa trống hoác…!

Dũng đưa tôi đến đúng lúc bữa cơm trưa của ông cùng với một người khách quen, Nguyên Tùng, Hội Nhà văn Bến Tre đến chơi. Dũng lí nhí giới thiệu bác sĩ Ngọc đến thăm bác Tư nè bác Tư. Ông kêu đem thêm chén đũa. Vẻ dè dặt. Tôi cười cười ngắm nghía ông. Thấy thương ghê. Ốm nhom ốm nhách trong bộ pijama lụa lùng nhùng đặc sệt Nam bộ. Tóc bạc lênh đênh chùi về phía sau, dồn cái trán rộng về phía trước, miệng móm mém, mũi cao, thẳng, mắt sâu và sắc như một thiền sư khổ hạnh. Tôi phân vân không biết nên gọi ông là chú hay là anh. Sau cùng tôi gọi ông bằng… anh vì nghĩ đã là một nhà văn như ông, hẳn nên được đối xử như một người không có tuổi, nhất là nhà văn này đối với tôi còn là một nhà thơ mà tôi hằng quý mến. Cho nên tôi gọi bằng anh. Gần gũi hơn, ấm áp hơn là chú, là bác, là ông, là cụ hay là… nhà văn! Tôi “thăm dò” bằng cách hỏi han ông: Anh có khỏe không? Hơi yếu hơn trước. Lúc này anh có bệnh gì không? Không. Chỉ bị phổi tắc nghẽn mãn tính thôi. Chắc tại anh hút thuốc lá hơi nhiều? Phải, nhưng nay đã bớt hút rồi. Bây giờ chỉ hút khi có khách. Tôi được biết năm ngoái ông đã từng phải vào cấp cứu ở bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) vì khó thở, rồi phải điều trị theo chương trình COPD mất tám tháng. Trong khi tim mạch vẫn rất tốt. Huyết áp ổn định. Ông lại với tay lấy gói thuốc, rút một điếu nữa, bật quẹt. Anh ốm quá, được bốn chục ký không? Bốn chục ký non. Hôm trước 40, nay còn 39 thôi. Vẫn lạnh nhạt, dè dặt.

Trên bàn là những món ăn tốt cho người già, tôi quan sát. Cơm trắng cá kho, canh rau, trái cây, rồi nào bưởi nào chuối luộc… Và một ly rượu nhỏ. Chắc có Nguyên Tùng đến nên Tùng một ly, ông một ly. Ông kêu Tùng rót thêm hai ly nhỏ nữa cho tôi và Dũng. Thấy Dũng hớp vội xong nhỏm dậy lo chạy việc riêng, tôi nhờ anh bấm cho vài tấm hình kỷ niệm. Ông để yên cho chụp không nói gì. Tôi bấm thêm mấy tấm cận ảnh lúc ông ngậm điếu thuốc, với cái dáng điệu nghệ mà tôi mê. Bỗng ông lên tiếng: Này, người ta nói “tốt khoe xấu che”, hiểu không? Tốt khoe xấu che. Chụp hình tôi thì chụp nhưng đừng có đăng báo đó nghe! Tôi cười cười trong bụng nghĩ đúng là ông già khó tánh. Tôi nói, già có cái đẹp của già chớ anh Tư! Mà quả thật, tôi thấy ông đẹp. Và khỏe nữa. Tai thính này. Mắt tinh này. Ông cho biết mới mổ cườm, vẫn đọc sách báo tốt. Và đặc biệt, trí nhớ tuyệt vời!

Rồi tôi lảng sang chuyện khác: Bài thơ được phổ nhạc với tên Quán bên đường của anh sao mọi người vẫn tưởng là của Bình Nguyên Lộc? Bởi vì Bình Nguyên Lộc là người đăng bài đó lên báo mà! Báo Vui Sống, khoảng 1960 gì đó phải không? Không, 1959 chớ. Mỗi lần nghe hát bài này sao tôi đều thấy muốn khóc. Lạ thiệt. Tôi nói. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học…”, rồi  “khoai sùng lượm mót…”. À, mà “tóc bánh bèo” là tóc làm sao anh Tư? Có phải ba vá không? Không, không phải ba vá. Tóc bánh bèo, này Tùng - ông bỗng gọi - Tùng biết tóc bánh bèo không? Tùng nói: Dạ có phải cạo trọc, để lại một chùm đằng sau ót, tròn tròn… Ông cầm cái chén lên, vo vo theo miệng chén bảo đúng rồi, cạo trọc, để lại một miếng tròn như vầy, nhưng ở giữa phải có một chùm tóc như cái nhưn bánh bèo vậy! Thì ra thế. Cả tôi cả Tùng đều không biết.

Nhìn đồng hồ, thấy sắp đến giờ hẹn với Dũng, tôi bèn mở túi xách lấy mấy cuốn sách mang theo từ Sài Gòn xuống tặng ông. Đó là Già ơi… chào bạn!, Những người trẻ lạ lùng  Thư gởi người bận rộn. Xin gởi tặng anh Tư vài cuốn sách đọc cho vui, tôi nói. Ông nhìn tên tác giả trên bìa sách rồi ngạc nhiên: Ủa, Đỗ Hồng Ngọc hả? Tôi có đọc Đỗ Hồng Ngọc. Tôi thích cái style của Đỗ Hồng Ngọc đó! Ông lật lật, cười tươi, cởi mở, nồng nhiệt, thân thiện. Bỗng ông đứng lên, vui vẻ kêu: Ngọc ơi, đi qua đây, đi qua đây nghe bài hát Quán bên đường này. Tùng nữa. Qua đây. Một người bên Đức gởi tặng tôi đĩa này do Thái Thanh và Quỳnh Giao ca đó. Ông kéo tôi và Tùng qua phòng bên. Một phòng nhỏ, rất riêng, rất bề bộn của một nhà văn… Nào phin lọc cà-phê, tách trà, bình thủy… nào sách báo ngổn ngang các thứ. Rồi ghế xích đu, rồi võng… Ông chỉ chiếc ghế salon nhỏ cạnh bàn nước, kêu tôi ngồi, chỉ Tùng chiếc võng. Ông bật máy cassette rồi ngồi xuống chiếc ghế xích đu cạnh đó. Giọng Thái Thanh lảnh lót. Ngày xưa ngày xửa ngày xưa…  Rồi giọng Quỳnh Giao… Tôi lắng từng lời từng lời, lòng vẫn thấy rưng rưng… Thấy tôi gật gù, ông bỗng nở nụ cười: “Bẹo”, “chữ bẹo”… Ông nằm bật ngữa sảng khoái trên ghế xích đu, ngón chân nhịp nhịp theo bài hát, mắt lim dim. Nghe xong, tôi nói: Bài này còn có bản do Ý Lan ca rất hay nữa anh Tư à. Ý Lan là con gái Thái Thanh đó. Tôi chưa có bản đó, ông nói, hôm trước Phạm Duy xuống thăm cũng nói vậy. Ông lại hỏi: Quỳnh Giao con Dương Thiệu Tước phải không? Dạ phải. Thái Thanh hát technique nhiều, Quỳnh Giao hát có lòng hơn. Lúc phổ nhạc, người ta đã thêm bớt nhiều quá! Nhưng đành vậy thôi. Ông nói.

Rồi kéo tôi và Nguyên Tùng trở lại bàn ăn. Một Trang Thế Hy khác: Sôi nổi, hoạt bát, sắc sảo, dí dỏm… Chúng tôi nói về những người Việt trẻ tài năng. Ông nhắc Lê Bá Hùng, một thanh niên gốc Việt, hạm trưởng một tàu hải quân Mỹ USS Lassen vừa cặp cảng Đà Nẵng. Tôi nhắc một người gốc Việt khác, Philipp Roesler 36 tuổi là Bộ trưởng Y tế Đức. Tùng nhắc nhà văn Nam Lê ở Úc với The Boat. Chúng tôi lại nói đến giải Nobel, rồi đến Cao Hành Kiện. Có đọc bài diễn văn nhận giải Nobel của Cao Hành Kiện không? Ông hỏi rồi nhắc luôn những ý chính của bài diễn văn đó, đại khái nhà văn cần phải đứng cao hơn những ràng buộc và cám dỗ để đạt được tự do và độc lập trong tư tưởng… Im lặng một lúc, ông nói: Hôm trước có cô nhà văn gì đó hỏi tôi tại sao không ưa… mà thích Lỗ Tấn? Tôi không trả lời, nhưng hôm nay nói cho Đỗ Hồng Ngọc nghe nha: Tôi thích Lỗ Tấn vì… Ông đột ngột hỏi tôi: Có đọc Nhật ký người điên của Lỗ Tấn do Phan Khôi dịch rồi phải không? Tôi gật. Ông đọc thuộc lòng ngay một đoạn, đoạn kết của truyện ngắn Nhật ký người điên đó. Thấy chưa, Lỗ Tấn là như vậy đó… Ông đâu có quốc tịch. Ông là nhân loại. Là con người… “Hãy cứu lấy trẻ con vì nhiều em chưa kịp ăn thịt người!”.  Nhà văn trong bối cảnh nào cũng có cách riêng của nó. Nếu nó hòa hợp được thì nó đã hòa hợp, còn không, nó có cách riêng…

Khi biết tôi là cháu gọi Nguiễn Ngu Í bằng cậu, ông hỏi Ngu Í còn sống không? Đã mất từ 1979 sau những cơn điên nặng. Hồi trước Nguiễn Ngu Í có phỏng vấn anh mà, loạt bài trên báo Bách Khoa đó. Tôi nhắc. Đúng. Nguiễn Ngu Í phỏng vấn tôi lúc nào cũng viết Trang Thế Hi, với chữ I cụt! Lại móm mém cười. Rồi ông hỏi thăm tôi về bác sĩ Lương Phán, một người bạn thân của ông. Rồi cùng nhắc bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Tôi nói anh Chín Nghiệp quê ở Mỹ Tho? Không, Ba Tri, Bến Tre chớ!  Rồi cùng nhắc đến Trần Hữu Dũng và nhiều nhân vật khác…

Thấy đã quá trưa, nên rút để ông nghỉ. Dũng vẫn chưa trở lại. Tùng tình nguyện đưa tôi về để kịp giờ hội thảo buổi chiều. Ông đặt bàn tay trên mấy cuốn sách tôi tặng xoa xoa và nói đến thăm nhà văn mà nhà văn không có gì để tặng lại… Tôi cười “Già ơi… chào bạn!” là … Bonjour vieillesse đó anh, cũng như… Bonjour tristesse vậy mà! Ừ, Sagan, một cô bé mới mười mấy tuổi đầu mà đã viết Bonjour Tristesse… Ngay trong câu mở đầu cô đã viết… Rồi ông đọc vanh vách nguyên một đoạn mở đầu đó của F. Sagan cho tôi nghe. Tùng đã nổ máy xe đợi ngoài cổng. Ông lững thững theo tôi ra. Tôi bỗng muốn ôm chặt lấy ông một cái nhưng không dám, chỉ nắm cánh tay ông siết nhẹ:

- Thưa Thầy, em về!

Ông cười mắt nheo lại thật tươi.

ĐỖ HỒNG NGỌC
Theo Văn Nghệ, 43/2014

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...