Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Phạm Phương Lan - Xác tín lời ru

Ai cũng biết làm cả một tập thơ tình là rất khó, nếu không tinh, dễ bị lặp trạng huống, mô típ. Khâu tình là một nỗ lực của Phạm Phương Lan, hy vọng những mũi khâu đan của chị cho tấm thảm thơ, cho tấm thảm tình yêu… ngày càng đẹp lên.
Nhà thơ Phạm Phương Lan (bên phải)

Cái tựa sách Khâu tình của Phạm Phương Lan quả khiến cho người đọc có một chút tò mò.

Tình của nàng ra sao nhỉ, nó “rách” thế nào, và cái sự khâu tình là lạ, nghe cũng có vẻ đa đoan rồi. Nàng khâu được không đây? Bởi, tình yêu không phải lúc nào cũng cơm ngon canh ngọt như người ta mơ ước, nhất là với những người đẹp, lại có cá tính mạnh mẽ?

60 bài thơ trong Khâu tình, chủ yếu là thơ tình; một đôi bài viết về mẹ, tình mẹ; một vài bài viết về mùa, mùa thu, vận khí của trời đất trong “thời tiết yêu”, nhiều mơ ước… Và ở đây, Phương Lan sử dụng khá nhiều thơ ngũ ngôn truyền thống, theo lối “thung thăng” kể dẫn và vần điệu, giàu nữ tính, nhiều cảnh ngộ, tình huống, buồn vui giằng xé trong những đợi chờ, nhớ nhung, thất vọng và hy vọng như là thuộc tính của người phụ nữ đa đoan, yêu thương diết dóng.

Nhưng thực ra, tình yêu ở Khâu tình không đến mức chao chát, “ngầu” và “phơi tông” như tôi tưởng ban đầu mà nó “da diết lành”, nữ tính và hồn hậu hơn; như Em & ngày không anh chẳng hạn: “Ngày không anh và gió/ Nắng hờn đôi môi xinh/ Tóc loà xoà sợi nhỏ/ Vương mắt nào long lanh”. Hờn một chút xíu thôi, với thi ảnh đẹp “Nắng hờn đôi môi xinh” và sau đó tự bộc bạch nỗi niềm tâm sự của mình trong bẫng lẫng trống vắng, dễ thương làm sao: “Em tâm hồn cỏ dại/ Em gót chân phố đông/ Lạc loài như cơn gió/ Giữa ngày hè không anh/ Lạc loài như cỏ dại/ Giữa phồn hoa thị thành”.

Thế mà anh không đến, thế là em lạc loài, dù đã “Hây hẩy tóc em thơm mùi tắm gội/ Nức những ái ân” (Thơm mùi tắm gội). Lại đây, một ngày không anh nữa nhưng là “Ngày mai không anh”, nghĩa là cái chưa đến, cái giả định của tình yêu, Phạm Phương Lan đã biểu lộ cảm xúc và trạng huống hiện tại của tương lai. Lúc ấy nàng thơ đang: “Khát cháy ruột gan/ Bờ môi khô vắng nụ cười vang/ Vắng nụ hôn nồng hương say cuồng dại/ Mái tóc mây sóng xoài thẫn thờ khờ dại”. Trong cảm giác cô đơn, trống rỗng vắng tình: “Em đi về phía ấy hương say/ Khật khưỡng ngày không anh/ Không tình yêu/ Không mây chiều/ Không lời hẹn hò, lả lơi luyến ái/ Không một sợi buồn vắt ngang cơn mưa rồ dại/ Chỉ có áng chiều rơi trên hai vai”. Đi mãi, đi mãi trong cái chiều tương lai lạ lùng, khát vọng và cô hoang ấy, đến nỗi: “Chiều nay/ Bờ môi vỡ rạn/ Hạn hán nỗi buồn, trống rỗng mi cay”.
Tập thơ "Khâu tình" của Phạm Phương Lan

Đến cả nỗi buồn cũng hạn hán, nhưng không khô héo đến tuyệt vọng, bởi có niềm tin tự tại và tiếp tục hy vọng: “Máu chảy mềm tim/ Em ở trong mình/ Ngực tràn hơi ấm/ Như lá hoa đón chờ làn sương ẩm”. Cái làn sương ẩm của tâm hồn, của tính nữ làm dịu đi “hạn hán nỗi buồn”! Chính vì có niềm tin yêu trong tình yêu, rộng lớn hơn là tin yêu vào tình người, mặc dù tình người trong xã hội đương đại cũng đang bị thách thức bởi sự vô cảm, bởi cái ác… làm băng hoại đạo đức xã hội ghê gớm; nhưng người thơ tự “trấn an” mình, tự ru cái sự lận đận, có màu sắc đa đoan, nhiều nếm trải của mình: “Ru tình nào sợi mây/ Ru đời làn môi ấm/ Ru ta thôi lận đận/ Vùi vào giấc mơ ngày./…/ Mi thèm giấc ngủ say/ Tóc thèm hương yên ấm/ Ta thèm mùa sâu đậm/ Giọt yêu thương vơi đầy” (Giọt yêu thương vơi đầy).

Cả đây nữa, dù có nếm trải cay đắng thế nào thì xác tín của lời ru, tức sự tĩnh tại và niềm tin vào cái tình, cái đẹp… thêm một lần được Phạm Phương Lan khẳng định rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, mà vẫn “ngào ngạt” hương vị cuộc đời: “Ru tình nhé một đời ngào ngạt/ Ru mình nhé dẫu lòng tan tác” (Trầm tích không lời). Thơ tình Phạm Phương Lan nhiều ru, nhiều say, nhiều mùa bảng lảng, nhiều thảng thốt của trái tim dịu dàng, ẩn giấu “trầm tích” nữ hơn là sự “dấn thân” bạo liệt. Nói thế, không phải Phạm Phương Lan thiếu mạnh mẽ, thiếu nhiệt năng bùng cháy của tình yêu, và đây là một hiển lộ như vậy: “Em muốn là con sóng/ Vùi giấc ngủ mệt nhoài/ Sau đêm tình bỏng cháy/ Ai cứ cười mặc ai” (Tình ơi tha thiết).

Ai cũng biết làm cả một tập thơ tình là rất khó, nếu không tinh, dễ bị lặp trạng huống, mô típ. Khâu tình là một nỗ lực của Phạm Phương Lan, hy vọng những mũi khâu đan của chị cho tấm thảm thơ, cho tấm thảm tình yêu… ngày càng đẹp lên.

TRẦN QUANG QUÝ
(Lời tựa tập thơ Khâu tình)



Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Viết nhiều và viết ít

Trong thế giới sáng tác, dễ nhận thấy rằng có những người viết rất nhiều và có những người viết rất ít. Những trường hợp viết nhiều ở Việt Nam có thể kể đến như Lê Văn Trương với hàng trăm cuốn tiểu thuyết và viết ít như Juan Rulfo, một nhà văn lừng danh người Mêxicô chỉ có một cuốn tiểu thuyết rất mỏng và vài truyện ngắn.

Tôi dẫn ra ví dụ trái ngược điển hình này để so sánh. Dù viết rất ít nhưng Juan Rulfo vẫn được coi là một trong những người khai sáng vĩ đại nhất của văn học Mỹ La Tinh. Nhiều người vĩ đại khác đã ngả mũ  trước ông, ví như García Márquez đã từng ao ước rằng nếu viết được một cuốn như của Juan Rulfo thì ông sẵn sàng bỏ bút. Và cuốn tiểu thuyết mỏng mảnh nhưng vô cùng độc đáo của Juan Rulfo là "Pedro Páramo" đã được tái bản gần đây ở Việt Nam với bản dịch của Nguyễn Trung Đức và được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới đọc sách tinh hoa.

Còn Lê Văn Trương, một tiểu thuyết gia Việt Nam thời tiền chiến, ông đã viết hàng trăm tiểu thuyết nhưng bây giờ liệu có mấy ai nhớ được một cuốn tiểu thuyết của ông? Thậm chí nhà thơ Nguyễn Vỹ, bạn tâm giao của Lê Văn Trương khi nghe bạn mình than thở về đời văn thì Nguyễn Vỹ đã bảo ông hãy chọn một cuốn xuất sắc nhất của mình để Nguyễn Vỹ phê bình, giới thiệu cho  thật hoành tráng thì chính Lê Văn Trương đã ngán ngẩm bảo rằng: "Cả trăm cuốn của tao viết đều hay nhưng làm gì có cuốn nào hay nhất để chọn!".

Câu nói của Lê Văn Trương đương nhiên là một lời nói đùa. Lời nói đùa cay đắng nhưng có sự thật trong đó. Cả trăm tiểu thuyết của Lê Văn Trương viết đều hay thì thứ hay là cái gì mà chính tác giả cũng không nhớ nổi! Câu chuyện về Lê Văn Trương chứa đựng ít nhiều ý nghĩa và những bài học về sự viết. Tất nhiên ngày nay nhắc đến Lê Văn Trương, người ta thường chỉ nhớ đến một tác giả có sức viết "khủng" mà thôi.

Cho nên khi tôi nghe thấy một người khác khoe rằng số tác phẩm của anh ta đã xếp cao bằng đầu mình, tôi chỉ cười. Lại có một Lê Văn Trương thứ hai nữa chăng! Với những người như thế, ta chỉ coi tác giả là anh lực điền chăm chỉ cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa.
Nhà văn Lê Văn Trương

Tôi rất nhớ câu nói của M. Cervantes, người được coi là người khai sinh của tiểu thuyết hiện đại châu Âu, tác giả của bộ tiểu thuyết "Don Quijote xứ Mancha" lừng danh. Cervantes đại ý nói rằng, dẫu có hay đến mấy mà viết nhiều quá cũng thành nhàm và nếu viết ít, thì dù không xuất sắc vẫn có thể tìm được một cái gì đó có giá trị.

Thế nhưng cái thời của chúng ta đã cách Cervantes mấy trăm năm thì  nghề văn đã khác xưa nhiều lắm. Ngày xưa văn chương có lẽ chưa trở thành nghề kiếm sống như bây giờ, nó là một thú vui nhiều hơn, nhất là đối với các nhà văn thuộc các nước Á Đông, văn chương ít khi trở thành thứ hàng hóa mang lợi ích vật chất nuôi sống người viết, nó đơn giản là thú vui của các bậc tao nhân, mặc khách. Ngày nay, có rất nhiều nhà văn chuyên nghiệp, họ viết văn để kiếm sống.

Tiền tác quyền, tiền nhuận bút là khoản chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu như nhà văn viết ít quá thì lấy gì để mưu sinh. Điều này thấy rất  rõ qua những thế hệ nhà văn tiền chiến người Việt như Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Hồ Biểu Chánh... đã từng viết như điên để sống. Kể cả trường hợp như Lê Văn Trương kể trên cũng vậy, ông viết nhiều cũng một phần vì sự mưu sinh của mình.

Một sự thực cay đắng với nhiều người là nếu không viết văn thì nhà văn  làm gì? Rất ít người có thể làm nghề khác như công chức, buôn bán, viết báo... hoặc một công việc khả dĩ để sống. Và điều đáng nói nhất nếu không viết, anh ta sẽ có một khoảng thời gian dài dằng dặc nhàm chán. Đa số nhà văn mắc bệnh cuồng viết, nếu không viết, anh ta không thể chịu đựng nổi và ngoài mưu cầu cuộc sống thì ai cũng mong tác phẩm sau của mình sẽ hay hơn tác phẩm trước và cứ thế tiếp tục sản sinh dù đôi khi ước mơ không đi liền với kết quả.

Nhưng viết ít thì tác phẩm sẽ hay chăng? Không có gì đảm bảo cho điều đó. Một nhà văn đương đại có tiếng một lần nói với tôi: Nhà văn thì phải có sự nghiệp. Sự nghiệp là gì? Sự nghiệp là một lượng tác phẩm tương đối để có thể đánh giá tầm vóc của anh ta. Cả đời chỉ viết vài tác phẩm thì có thể coi là có sự nghiệp không?

Anh quan niệm như thế và là một người viết sung sức, tác phẩm của anh khá đa dạng, cả thơ, tiểu thuyết và may mắn thay thể loại nào của anh cũng được đánh giá tốt. Tất nhiên, nếu ta lật lại vấn đề thì những người viết ít như Juan Rulfo, J. Borges, Emily Bronte… thì không thể coi họ không có sự nghiệp được. Đơn giản sự ít ỏi của họ là những kiệt tác.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao một số người viết rất ít. Một trường hợp lừng danh như tôi đã dẫn ở trên, Juan Rulfo, tác giả được coi là một trong những ngôi sao sáng nhất của văn học Mỹ La Tinh. Juan Rulfo viết ít vì ông còn bận làm nhiều nghề khác.

Một người cũng viết ít nữa là J. Borges, cũng là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của Mỹ La Tinh nhưng chỉ có vài cuốn mỏng manh. Còn nhiều ví dụ nữa ở những nhà văn "nhất bản vạn lợi", họ chỉ viết một đôi cuốn, ví dụ như J.D. Salinger có "Bắt trẻ đồng xanh", Margaret Mitchell có "Cuốn theo chiều gió", Harper Lee có "Giết con chim nhại", "Hãy đi đặt người canh gác" và ở Việt Nam có thể kể đến Bảo Ninh với "Nỗi buồn chiến tranh" là cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông đến bây giờ.

Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân đầu tiên của sự viết ít là những nhà văn kể trên tôn thờ sự toàn mĩ. Những người viết ít thường là những người cầu kì, tỉ mỉ về câu chữ. Cứ đọc văn của J. Rulfo, J. Borges, G. Flaubert hay Nguyễn Tuân mà xem. Mỗi từ, mỗi câu là sự trau chuốt rất kĩ càng, cẩn trọng. Và khi nhà văn mất nhiều thời gian cho từng con chữ của mình, làm sao anh ta viết nhanh và nhiều được.
Nhà văn lừng danh Juan-rulfo của Mexico được xem là người viết ít tác phẩm nhất.

Một nguyên nhân khác nữa mà tôi cho rằng rất quan trọng. Đó là tác phẩm đầu tay của nhà văn tạo ra một áp lực quá lớn cho những lần tiếp theo. Sau sự thành công của "Cuốn theo chiều gió", Margaret Mitchell đã cảm thấy khó chịu với sự nổi tiếng và quyết định không viết tiếp. "Giết con chim nhại" cũng chẳng phải là sự thành công đầu tay quá lớn của Harper Lee đó sao, và đến tận gần đây, trước lúc mất, sau mấy chục năm xuất bản tác phẩm đầu tiên, Harper Lee mới đồng ý cho công bố cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình: "Hãy đi đặt người canh gác".

Và Bảo Ninh, nhà văn được đánh giá rất cao với "Nỗi buồn chiến tranh", tại sao không viết tiếp tiểu thuyết? "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh được viết ra khi ông còn rất trẻ, chưa đến bốn mươi tuổi và đó là quãng thời gian sung sức của đời người. Tôi không tin rằng Bảo Ninh cạn kiệt sức sáng tạo hoặc không viết được tiếp. Đã vài lần nhà văn úp mở về cuốn tiểu thuyết tiếp theo nhưng giờ vẫn chưa thấy nó đâu. Tôi tin rằng chính áp lực và thành công quá lớn của cuốn tiểu thuyết đầu tay đã ngăn cản ý định cho ra đời một cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ông sợ nó không vượt qua được tác phẩm đầu tiên và làm người đọc thất vọng? Dù thế, Bảo Ninh vẫn tiếp tục viết truyện ngắn và các thể loại khác nhưng rõ ràng không phải là tiểu thuyết thì nhà văn sẽ ít bị áp lực hơn.

Có ý kiến cho rằng nếu viết quá nhiều thì những tác phẩm của anh ta sẽ không mấy được chú ý. Ý kiến này có một phần đúng vì nếu như một tác giả có hàng trăm cuốn tiểu thuyết, người đọc sẽ đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Và đôi khi sự quá năng suất, nhất là trong sáng tạo nghệ thuật sẽ khiến người ta nghi ngờ. Ví dụ một nhà văn viết được 12 cuốn tiểu thuyết trong một năm thì sẽ có một dấu hỏi lớn cho chất lượng của tác phẩm. Nghệ thuật mà lại dễ dàng và nhanh chóng thế ư!

Nhưng tất nhiên, viết nhanh và viết nhiều vẫn có lúc sản sinh ra những kiệt tác. Ta từng có "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng được viết rất nhanh đó sao, nhà văn viết dài kì đăng báo thì không thể viết chậm được vì áp lực ra báo. Trường hợp tương tự giống với tiểu thuyết "Anna Karenina" của Lev Tolstoi đăng dài kì trên tạp chí trước khi in thành sách.

Tiểu thuyết "Báu vật của đời" của Mạc Ngôn, một cuốn dày khự mà nhà văn cũng chỉ viết trong vài tháng, chẳng phải là ví dụ điển hình đó sao. Có những người viết nhiều mà tác phẩm vẫn được đánh giá cao, ví dụ như F. Dostoevsky, Stefan Zweig, Mạc Ngôn, H.Murakami… hay ở Việt Nam là Tô Hoài, Ma Văn Kháng… Tất nhiên, trong số trước tác của những nhà văn lực lưỡng này không phải tác phẩm nào của họ cũng toàn bích.

Như vậy một nhà văn nên viết nhiều hay viết ít? Câu trả lời này tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, công việc, tài năng cũng như cảm hứng sáng tạo của mỗi người. Viết nhiều mà hay thì quá tốt nhưng nếu viết ít nhưng xuất sắc thì càng đáng quý. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, nghệ thuật là sự tinh tuý, sự chưng cất của tâm hồn, nghệ thuật cốt không cần nhiều mà cần hay và độc đáo. Cho nên nếu như có thể lựa chọn một cách cho riêng mình, tôi muốn chọn sự ít mà tinh tuý.

Nhưng có phải bao giờ mong ước cũng giống như hiện thực, và có phải bao giờ ta cũng chống lại được hoàn cảnh và vượt qua được giới hạn của mình. Viết văn hay bất cứ nghề nào cũng thế thôi, người làm nghề thì nhiều nhưng những bậc thầy và các kiệt tác thì bao giờ cũng ít, rất ít!

UÔNG TRIỀU
Nguồn: VNCA





Nhà văn Nguyễn Quang Sáng & "tài sản của nước Mỹ"

Chạm mặt với bức thư, với Nguyễn Quang Sáng, cuộc chiến dường như vẫn còn tiếp diễn. Cảm thấy món nợ với người đã khuất vẫn đè nặng trong tâm khảm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặt vấn đề với thư viện Trường Đại học Massachusetts, đề nghị xin lại bức thư để đưa về nước, mong đưa nó về tận tay người đáng được nhận…

Cách đây gần 1/4 thế kỷ, đối với những gã sinh viên mới tập tễnh văn chương như tôi, được diện kiến và trò chuyện cùng một người nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một điều diễm phúc. Nhưng chính ở lần gặp đầu tiên, dường như chúng tôi đã hơi hụt hẫng, bởi trông ông không hề có một nét nào ra phong cách "nhà văn lớn", một Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM thời kỳ đó. Dép lê, sơ mi đơn giản bỏ ngoài quần, người to ngang thấp đậm, nách cắp chai rượu, giọng ồm ồm, hơi khàn. Ông sẵn sàng vỗ vai người này, cụng ly với người khác, nói chuyện với ai ông cũng gọi mày, xưng tao khá bỗ bã, thân tình, không một chút quan cách hay cố tỏ ra "tao nhã" đúng kiểu văn nghệ sĩ.  Được xem như một cây đại thụ trong làng văn chương, nhưng bề ngoài, cho đến lúc tạ thế, ông vẫn đặc sệt cốt cách một lão nông tri điền vùng sông nước Nam Bộ.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Có dịp, tôi đã từng đưa nhận xét này ra nói với ông. Lão nhà văn cười khà khà: "Thì tao là nông dân Nam Bộ thứ thiệt mà mầy. Tại tao viết đọc cũng được nên người ta gọi tao là nhà văn thôi. Tao là nông dân, là bộ đội, viết về nông dân, về bộ đội mà thành nhà văn, chứ hổng phải là nhà văn đi viết về nông dân, bộ đội. Chuyện đó, tụi bây có thích thì cứ làm".

Đơn giản, hóm hỉnh, hơi cà rỡn, nhưng rõ ràng câu trả lời của ông hàm chứa trong đó cả một quan niệm và tâm thế sáng tác rất đáng suy ngẫm. Và cũng rất… Nguyễn Quang Sáng. Có lần, nhà thơ Trương Nam Hương dắt một nhà văn trẻ đến nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng đọc và viết giúp lời giới thiệu một tập truyện ngắn sắp in. Không từ chối, nhưng câu trả lời của lão nhà văn cũng khiến anh nhà văn trẻ chưng hửng: "Tao già rồi, đọc cả tập mệt lắm. Mày cứ chọn cái truyện nào ưng ý nhất đưa đây tao. Văn chương là cái duyên, đọc một cái mà thấy không có duyên là tao khỏi đọc nữa. Mày cũng đừng cố, mất công!".

Câu trả lời đó, nếu không phát ra từ miệng của một nhà văn nổi tiếng, tác giả của những tiểu thuyết "Đất lửa", truyện ngắn "Chiếc lược ngà", "Quán rượu người câm", các kịch bản phim "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng", "Chị Nhung"… hẳn người vừa được ông "úy lạo" sẽ tự ái lắm. Nhưng với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chắc chắn ông đang nói rất thật, rất chân tình. Trong một dịp trò chuyện tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ III ở Bến Nhà Rồng năm 2011, lão nhà văn từng nhấn mạnh rằng, văn chương là đi đến tận cùng cuộc sống, nhưng không phải bê nguyên xi cuộc sống, văn chương là sự sáng tạo nhưng không phải là sự tô vẽ.

Văn chọn người, người không thể chọn văn. Mọi sự tưởng tượng xa rời cuộc sống đều không làm nên tác phẩm. Tuy nhiên, người hiểu và tái tạo được đời sống để thành văn chương thì rất ít, phải tùy duyên. Cuộc sống ở từng nơi, từng miền hình thành nên phong cách, đặc trưng của văn chương từng miền. Văn chương cũng như văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự khác biệt. Không nắm bắt, không hiểu cặn kẽ được điều đó là "vô duyên", tốt nhất đừng ôm mộng "làm văn".

Tham gia kháng chiến, trở thành bộ đội từ năm 14 tuổi, hầu hết tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đều xoay quanh đề tài chiến tranh. Và ông đã rất thành công. Các tác phẩm của ông, từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến kịch bản phim đều có chỗ đứng rất vững chắc cả trong văn học sử lẫn trong lòng bạn đọc, từng giành nhiều giải thưởng vang dội trong và ngoài nước. Cũng chính ông là người từng "nhắc" người ta nhớ đến chiến tranh ở một góc độ khác, góc độ nhân văn, một khoảng lặng. Ở đó, chữ "duyên" mà ông đề cập trở nên minh triết.

Trong hội chứng hậu chiến tranh Việt Nam, người Mỹ vẫn luôn tự hỏi không biết đối phương của họ đã nghĩ gì và đánh giá như thế nào về cuộc chiến tàn khốc mà nước Mỹ - lần đầu tiên - phải đóng vai kẻ chiến bại. Tìm câu trả lời, tháng 7.1989, Trung tâm Nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả về mặt xã hội của chiến tranh Việt Nam (The William Joiner Center for the study of war and social consequences) đã mời một số nhà văn, cựu chiến binh Việt Nam, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tham gia nhiều cuộc hội thảo với nhiều nhà văn cựu chiến binh người Mỹ.

Khi tham quan thư viện của Trường Đại học Massachusetts, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhìn thấy trong vô số các kỷ vật chiến tranh được trưng bày tại đây có một bức thư gồm 6 trang viết tay của "một người lính Việt Cộng" - Đại úy Trần Ngọc Giao gửi cho vợ, chị Huỳnh Thị Cúc. Ảnh chụp 6 trang thư kèm một bản dịch sang tiếng Anh đã được phóng lớn, treo trang trọng ngay giữa gian trưng bày.

Thư đề "Ngày 6 tháng 4 năm 1967 (tức 27 tháng 2 Đinh Mùi)". Lá thư thời chiến của một người lính không có dòng nào nói về cuộc chiến, chỉ thấm đẫm một giấc mơ hòa bình và chiếc vai cày của một người nông dân khoác áo lính rất mực thương vợ, thương con, đặt hết niềm tin vào ngày đoàn tụ. Trong thư, người lính Trần Ngọc Giao kể cho vợ hành trình đưa con của họ, cậu bé Trần Văn Triệu, 14 tuổi, từ quê nhà, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi lên vùng chiến khu Liên khu V, vừa để bảo đảm sự an toàn, vừa nhằm có điều kiện cho con được ăn học. Thương vợ vừa phải xa con, chắc sẽ rất nhớ, người lính đã kể rất chi tiết cho vợ nghe từng bước một trong hành trình thoát ly của đứa con.

Thư có đoạn: "Hôm ấy đi đến chiều độ 4 giờ thì đến nơi nghỉ, tối đó anh đã lấy võng kaki xé ra một nửa may cho con một cái balô như của anh. Như vậy các thứ cần thiết đã có đủ cho con rồi. Triệu nằm võng nilông, có bọc võng mà anh chị Ba của Triệu (Đào) may cho hôm nọ, anh đưa tấm võng vải dù vàng của anh cho Triệu làm tấm đắp, anh cho Triệu một đôi bít tất để tối ngủ cho ấm chân. Quần áo của Triệu như vậy tạm đủ. Mấy tuần qua anh cho Triệu uống thuốc phòng sốt luôn nên sức khỏe của con bình thường. Đậu phụng mang theo đã rang làm muối cho Triệu nhưng con nó bảo là "con không thích ăn muối đậu". Dọc đường đi có đánh được một bữa cá, Triệu ăn kêu ớn, anh có mua ít thịt heo làm lương khô bổ sung cho con nó ăn, hôm ấy Triệu được dự một bữa liên hoan của bộ đội, ăn thịt heo. Hiện đang còn lương khô muối đậu, mắm khô (hôm Tết) và còn số ruốc khô để dành, còn một hộp sữa, một gói kẹo.

Lần đầu tiên đi lên rừng, Triệu thấy cây suông cứ trầm trồ nói cây này làm gọng bừa, cây kia làm cán cuốc. Thấy mây, Triệu bảo là đem về được mà làm ở nhà thì tuyệt; thấy cây to bằng bắp vế suôn sẻ, Triệu bảo lấy làm hầm thì tốt v.v... Triệu nói: "Khi nào về được, con bứt một số dây mây về cho cậu Hai đánh nài và vác một số gọng bừa về cho cậu". Thật đúng là con của nông dân lao động trong thời kỳ chiến tranh".

Và tất nhiên, người lính ấy cũng không quên dành trọn thương yêu cho người vợ đang xa chồng, xa con, mong ngóng từng giờ để đến ngày đoàn tụ: "Ngày nào kháng chiến thắng lợi, anh sẽ gánh vác một phần để Cúc đỡ vất vả. Ngày thắng lợi chắc không xa lắm... Nhớ bà con, anh chị em và nhớ các cháu lắm. Anh mong ngày kết thúc chiến tranh thắng lợi để được sống trong tình thương của gia đình và bà con làng xóm, chứ xa cách đã nhiều ngày lắm rồi, gần 20 năm xa nhà rồi còn gì nữa. Ngày ấy rồi nhất định sẽ đến".

Đọc thư, xúc động mạnh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng mường tượng ngay ra trước mắt hình ảnh một người lính vừa ngã xuống với lá thư chưa kịp gửi đi, một người lính Mỹ nào đó đã lấy được bức thư trong túi áo anh và đem về Mỹ.

Bám riết tâm trí ông là hình ảnh Cúc, người vợ góa và Triệu, đứa con côi của chiến sĩ Trần Ngọc Giao. Họ đã không thể đọc được bức thư cuối cùng chưa gửi, không thể nhìn lại được nét chữ thân yêu của người đã khuất. Chạm mặt với bức thư, với Nguyễn Quang Sáng, cuộc chiến dường như vẫn còn tiếp diễn. Cảm thấy món nợ với người đã khuất vẫn đè nặng trong tâm khảm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặt vấn đề với thư viện Trường Đại học Massachusetts, đề nghị xin lại bức thư để đưa về nước, mong đưa nó về tận tay người đáng được nhận. Nhưng bức thư này đã trở thành "tài sản của nước Mỹ" nên ông bị từ chối!

Xót xa với ý nghĩ hương hồn của một người đồng đội vẫn còn lưu lạc, lẩn quất bên bờ kia của đại dương, ngày 11.10.1989, nhà văn đã viết một bài báo có cái tít như một ý thơ là "Xin đưa hồn anh về Tổ quốc" kèm theo toàn bộ bức thư và cho đăng trên Báo Công an TP.HCM. Thật bất ngờ, người ngã xuống trước họng súng lính Mỹ là một chiến sĩ quân bưu, còn tác giả bức thư, đại tá hồi hưu Trần Ngọc Giao thì vẫn còn sống.

Tình cờ khi đang nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện C Đà Nẵng, ông Giao đã được đọc lại chính bức thư của mình trên mặt báo. Một cuộc trùng phùng cảm động đã diễn ra. Chính cậu bé Trần Hoàng Triệu năm nào, sau này đã trở thành Trung tá, Trưởng phòng PA25, Công an tỉnh Quảng Ngãi, đã đưa người cha cựu chiến binh của mình vào tận TP.HCM thăm và cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện về họ tiếp tục trở thành đề tài cho nhiều bài báo, bài thơ, thậm chí được quay thành cả một bộ phim vào thời gian sau đó.

Nếu không được nhà văn Nguyễn Quang Sáng phát hiện ra, có thể bức thư vẫn chỉ là một kỷ vật chiến tranh bị lãng quên. Nếu không có nỗi day dứt người lính trong ông, bức thư đã không quay lại được tay người gửi. Và những trang viết, thước phim về câu chuyện ấy đã không có dịp hình thành. Sống hết mình và viết hết mình, viết như từng sống, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ tạo được những tác phẩm để đời, ông còn là một "người khổng lồ" có ảnh hưởng lớn trong việc truyền cảm hứng sáng tạo tới nhiều người khác. Tất cả chỉ bắt đầu từ sự mộc mạc, giản dị và chân thành như chính con người của nhà văn Nam Bộ.

NGUYỄN HỒNG LAM
Nguồn: VNCA

ĐỌC THÊM VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM:




Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Văn chương Việt và khủng hoảng mang tính nhân loại

Vẫn quá sớm để nói đến việc khủng hoảng văn chương. Vì cứ mỗi lần giới phê bình lên tiếng thì văn chương tự khắc có lối mở, thoát hiểm ngoạn mục, khiến mọi chỉ trích trở thành khôi hài. Cuộc khủng hoảng tiểu thuyết Mới Mới vào thập niên 1950 là một minh chứng.
GS. TS Lê Huy Bắc

Thêm nữa, đòi hỏi văn chương ngay lập tức sản sinh ra kiệt tác là điều không thể. Phải mất cả thập kỉ, thậm chí là vài thập kỉ, nhân loại sáu tỉ người mới có thể đón đọc được một vài tác phẩm thực sự có giá trị. Qua thời gian, số còn lại chỉ là một vài đại diện tiêu biểu nhất mà thôi. Chẳng hạn thời Phục hưng bây giờ còn lại gì ngoài Don Quixote, Hamlet và vài ba cái tên khác?

Như thế, sự khủng hoảng văn chương xem ra là của mọi thời. Thời nào cũng có và bằng cách nào đó thời nào văn chương cũng sống lại, mạnh mẽ hơn xưa. Vấn đề đặt ra là, ngày nay người ta viết văn như thế nào và người đọc cần loại văn chương nào. Câu trả lời đâu dễ. Khảo sát tình hình xuất bản Việt những năm gần đây, ta thấy, hầu như chẳng có sự đổi mới lớn lao nào. Vẫn đa phần là những cây bút cũ với lối viết thì chẳng thể nào cũ hơn. Theo cách, có một cốt truyện, một cảm hứng thường trực, nhà văn miệt mài gõ bàn phím để cho câu chữ dày lên thành tác phẩm. Chưa có nhiều động thái mang dấu hiệu thực sự của cuộc cách tân văn chương. Trong khoảng mười năm trở lại đây, văn chương Việt như thể vẫn giẫm chân tại chỗ, với nhịp điệu “bước đều bước” nhưng không nhúc nhích lấy một li. Những cái bóng Tố Hữu, Lê Đạt, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ… dần chìm khuất mà chẳng thấy hậu sinh nào nổi lên.

Việt đã vậy mà thế giới cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Rải rác vẫn xuất hiện vài gương mặt có những nỗ lực nhất định để nói được tiếng nói của văn chương thời đại. Chẳng hạn, Nhật có hai đại diện đang sung sức. Đó là Haruki Murakami và Banana Yoshimoto. Họ viết hay, hấp dẫn. Tác phẩm của họ được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được tiêu thụ hàng triệu bản… Tuy nhiên, đọc kĩ thì thấy họ vẫn chỉ là hạng hai so với bậc tiền bối Yasunary Kawabata. Tương tự, sau bộ tứ lừng danh John Updike, Don DeLillo, Thomas Pinchon và Philip Roth thì Hoa Kì vẫn chưa xuất hiện gương mặt nào khả dĩ để “đánh bật” các bậc tiền bối kia. Xem ra thì cái thời khủng hoảng văn chương đã đến thực sự rồi.

Khủng hoảng văn chương còn có thể kiểm chứng qua khủng hoảng giải thưởng. Theo dõi giải Nobel văn học hai năm lại đây ta thấy sự biến diễn ra rất rõ. Cả hai lần trao giải, một cho tác phẩm phóng sự và một cho tác phẩm nhạc được biện minh khôi hài là chất thơ trong nhạc.

Nobel 2016 được dành cho Bob Dylan. Đây là vinh quang trái khoáy mà ngay đến cả nằm mơ Dylan cũng chẳng thể nào tưởng tượng nổi. Buồn cười hơn là ngay sau đó, không biết vô tình hay cố ý, rất nhiều tờ báo giật tít “Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan giành giải Nobel văn học 2016”. Rõ ràng, suốt đời Dylan chỉ có ca hát, ông đâu có dính dáng gì đến văn chương. Biết mình nhận được vinh quang đó, Dylan lúng túng mãi thời gian sau mới chấp nhận giải thưởng.

Việc trao Nobel cho người thiên về phóng sự và một nhạc sĩ chính hiệu đã phần nào chỉ ra sự khủng hoảng lớn lao trong sáng tác văn chương. Các tác phẩm vẫn không ngừng được viết ra, các giải thưởng vẫn không ngừng trao không có nghĩa văn chương vẫn trên hành trình gặt hái thành tựu. Xét về mặt nào đó, chính các giải thưởng cũng góp phần tạo nên khủng hoảng.

Vẫn chuyện Bob Dylan, thông thường, một người đầu óc bình thường thì chẳng thể nào xem âm nhạc là văn chương được và chẳng có ai rồ đến mức gọi âm nhạc là văn chương. Nhưng ngẫm kĩ thì hành động đó ít nhiều cũng có cái lí của nó. Việc trao giải Nobel này hướng đến cái đích là mở rộng ranh giới văn chương, không đóng kín văn chương trong các thể loại đã được định hình đông cứng mà cánh lí thuyết phê bình phân chia bấy lâu. Như thế đã rõ, các vị Hàn lâm viện đó nhận thức được sự khủng hoảng.

Thử nhìn lại các giải thưởng Việt được trao những năm gần đây cũng có diễn biến gần như vậy. Ta thấy có hai cách thức được tiến hành, hoặc là “so bó đũa chọn cột cờ”, xem cái nào khả dĩ nhất thì trao thưởng; hoặc là “hồi cố” tặng cho những tác phẩm đã ra đời trước đây. Tình thực mà nói, ngay cả người đứng ra tặng hay ngay chính người được tặng, đa phần đều biết rõ có gì đấy chưa được ổn, bởi lẽ những tác phẩm đoạt giải đó phần nhiều đâu có giá trị cao về mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật, đâu có mấy người đọc và bị lãng quên ngay sau khi giải được trao.

Vấn đề đặt ra là nguyên nhân nào làm suy yếu văn chương đến thế. Hào quang văn chương nhân loại rực rỡ vào thời Hi Lạp cổ đại hoặc gần hơn là vào thời của chủ nghĩa lãng mạn. Lúc đó, con người tôn vinh những giá trị tinh thần, đặc biệt là lối tư duy khai phóng, tưởng tượng bay bổng lạ thường, trên cái nền nhân văn thấm đẫm tình người, tình yêu thương nhân loại tha thiết. Văn chương lấy thiên chức hướng thiện, giam cấm thô lỗ, cục cằn, làm giàu đời sống tâm hồn, phóng thích kí ức… làm nguyên tắc tối thượng để sống còn. Người Hi Lạp có một nền văn chương trác tuyệt vì nó được tôn vinh như là đỉnh cao tri thức, đạo đức và xúc cảm của con người. Con người có thể sống chết vì văn chương. Thơ và kịch rất được đề cao. Đặc biệt, khi một tác giả kịch đoạt giải nhất trong năm thì người đó được tôn vinh hơn cả một vị quân vương. Tương tự, Victor Hugo cũng rất được sùng bái lúc sống. Cả triệu người háo hức đợi ngày tác phẩm của ông được ấn hành. Ngay đến khi chết, người tham dự đám tang ông đông hàng triệu.

Trong khoảng năm mươi năm trở lại đây, nhân loại đâu còn truyền thống tôn vinh văn học đến mức thần thánh. Vẫn xuất hiện nhà văn giỏi, cỡ như Gabriel Garcia Marquez, nhưng ông đâu được sùng bái như Tổng thống Vladimir Putin, Bill Clinton hay ông chủ Microsoft Bill Gates. Vị thế của văn chương vì thế ngày càng xuống cấp. Mối quan tâm của con người giờ đây thiên hẳn sang vật chất và địa vị xã hội. Càng nhiều tiền và quyền lực càng lớn thì càng được đánh giá cao. Hằng năm, người ta miệt mài thống kê có bao nhiêu tỉ phú dollar, ai là người đứng đầu thị trường chứng khoán, chứ mấy ai đi làm thống kê là có bao nhiêu nhà văn nổi tiếng và nhà văn nào là nổi tiếng nhất đâu. Những giá trị tinh thần bị lãng quên đã khiến văn chương ngày càng rơi vào nỗi bi đát.

Gắn với vật chất là các giá trị công nghệ. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thu hút hầu hết chất xám của nhân loại vào cuộc chạy đua bất tận về những thành tựu khoa học kĩ thuật. Tiện ích của cách mạng công nghệ thì miễn bàn, nhưng nhiều người lẽ ra đã trở thành nhà văn vĩ đại lại hóa kĩ sư quèn. Ngược lại, có ai đó chẳng thể thành kĩ sư cơ khí bèn chuyển hướng sang sáng tác văn chương, trở thành nhà văn bất đắc dĩ. Sự khủng hoảng nhân loại từ khía cạnh này quả là vượt qua cả giới hạn văn chương. Ngày nay, con người dường như chẳng biết mình là ai, hành động vì lẽ gì mà cứ như những con thiêu thân lao đầu vào những cám dỗ nhất thời để mất đi những giá trị bền vững cao quý.

Muôn đời văn chương cũng đều vì con người. Văn chương luôn đảm trách việc giáo huấn người. Nhưng nếu lộ liễu thì sẽ khó có sức thuyết phục. Văn chương nói theo cách đặc thù, có thể từ nỗi đau để cảm hóa, có thể từ sự mỉa mai để thức tỉnh, có thể từ tiếng cười để tống tiễn những thói tật; văn chương nói lời yêu thương, cảm thông, tha thứ và nghiêm cấm thù hằn… Trên tất cả, văn chương cần vượt qua được sự khủng hoảng của chính nó.

Đỉnh cao của văn chương hiện đại Việt có thể nằm ở thời 1930-1945, có thể ở thời sau 1986 và có thể ở thời nào đó trong tương lai. Điểm lại những mốc này để thấy, đã có những khủng hoảng và văn chương Việt đã vượt qua tuy thành tựu có được không thực sự nhiều. Cũng bị cuốn vào những cám dỗ vật chất và cách mạng 4.0, có lẽ những phần tử tinh túy nhất cho trí tuệ Việt cũng đã nhao vào đó hoặc những nơi mà người ta thấy có thể đảm bảo được công việc và cuộc sống. Bằng chứng dễ nhận thấy nhất của chuyện này là khoảng mười năm trở lại đây, học sinh khối C (thiên về môn văn) đa số những người giỏi đều chọn vào các ngành quân đội và công an, những ngành hầu như chẳng sử dụng nhiều trí tưởng tượng bay bổng, không cần nhiều ngôn từ hoa mĩ, nhưng lại đảm bảo cho họ một cuộc sống tương lai khả dĩ hơn là theo đuổi nghiệp văn đầy bất trắc. Gần như rất hiếm nhà văn Việt có thể sống bằng nghề.

Mỗi thời đại dường như đều lưu tồn hai xu hướng văn học chính. Một dòng mang tính xu thời (có thể gọi là văn học định chế), một dòng phục vụ cho sự tiến hóa (có thể gọi là văn chương khai phóng). Nhà văn xu thời thì thường được hưởng nhiều quyền lợi hơn từ công chúng bình dân và thậm chí là từ giới cầm quyền. Nhà văn khai phóng thì lầm lũi đi trên con đường đơn độc của sáng tạo nghệ thuật, có thể bị hắt hủi, chê bai, nhưng chính họ mới có thể tạo ra sự thay đổi thẩm mĩ. Cá biệt, có số ít nằm giữa hai nhóm này, họ là những kẻ trung dung, sáng tạo vừa phải và xu thời cũng vừa phải. Cả ba hướng sáng tác này đều có “cái dụng” nhất định của nó. Trong nền văn học Mĩ đương đại, Stephen King là một nhà văn định chế. Ông này không có những cách tân làm thay đổi bộ mặt văn học Mĩ nhưng với lối kể kinh dị, ma quái rất truyền thống Mĩ của mình, King đã hớp hồn hàng chục triệu độc giả không chỉ ở trong nước mà còn cả ngoài nước, tạo nên “cơn cuồng King”. King chính là nhà văn phục vụ lợi ích đám đông trước mắt, được đám đông tung hô, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng giá trị văn chương đích thực thì chẳng đáng trông cậy.

Những sáng tác kiểu này cũng là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng văn chương. Bề ngoài thì được nhiệt liệt hoan hô, nhưng ai cũng biết đấy chỉ là thứ văn chương giải trí tầm phào, rất ít, nếu không muốn nói là không có người tìm đọc lần thứ hai. Loại văn chương “đọc một lần vứt xó” thường chiếm tỉ lệ rất lớn trên văn đàn. Chúng tồn tại là nhờ các định chế thẩm mĩ nông cạn đã thành nếp, lười tư duy của người đọc, hoặc khác đi là nhờ nhu cầu giải trí tức thời của con người. Một khi tiêu khiển xong thì chẳng còn ai đoái hoài đến. Trong khi đó, văn chương chân chính thì không bao giờ là “tiêu khiển”, “vứt xó”. Nó là nỗi đau hay hạnh phúc cứ đeo riết lấy hồn người dài lâu.

Xem ra thì mọi phân tích hay định giá, phân hạng văn chương đều có chỗ bất cập. Những gì được nói đến ở trên chỉ là sự phân giải cho rõ ý chứ thực tế thì phức tạp hơn nhiều. Trở lại với mối quan ngại về cái gọi là “văn chương lâm nguy” (chữ của Todorov) của người Việt, ta thấy nổi lên vấn đề là chúng ta hầu như ít có tác phẩm xuất sắc khoảng mười năm trở lại đây. Tình thế này đòi hỏi cánh sáng tác ngôn từ cần nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, sáng tạo văn chương là chuyện thiên mệnh. Không ai có thể dạy nhà văn viết như thế nào và không phải cứ muốn làm nhà văn thì có thể trở thành nhà văn. Khi viết, nhà văn hoàn toàn không thể đoạn tuyệt với cái bóng của chính anh ta. Tài năng của nhà văn được ghi nhận ở chỗ anh ta có thể vượt thoát hoặc thoát được bao xa dấu ấn văn hóa đã định thành quán tính trong cách nghĩ, anh ta có đổ chút mồ hôi nào để vật lộn với chính cái bóng quái ác đó hay không. Văn chương chân chính ra đời trên những lối rẽ. Càng nhiều lối rẽ, càng nhiều mê lộ, tác phẩm đó càng thu hút sự giải mã bất tận từ phía người đọc. Mọi sự đơn giản đều giết chết văn chương.

Cần phân biệt giữa sự phức tạp làm đỏm và sự đơn giản trí tuệ, minh triết. Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn hay nhiều truyện ngắn của Phan Việt được viết theo lối tối giản. Những tác phẩm văn học này khước từ sự “khua môi múa mép” ngôn từ bề mặt. Nhà văn tôn sùng sự giản đơn đến tận cùng. Nhưng cái sự giản đơn đó đâu hề đơn giản bởi mỗi chi tiết nhỏ nhoi của tác phẩm đều ẩn chứa trong nó những giá trị nhân văn sâu thẳm, có thể mở hướng mê lộ vào nhiều nẻo khuất tâm hồn.

Chủ nghĩa tối giản trong văn học có thể xem là điểm nối giữa văn chương và báo chí. Ngày nay, nhân loại đang tiến dần đến cách viết dung hòa đó, được định danh là thể văn báo chí (Journalism). Nó pha trộn lối viết hư cấu truyền thống với bút kí, hồi kí, phóng sự, du kí, phỏng vấn… trong một câu chuyện nửa thật nửa hư. Vì lẽ này mà Nobel văn chương năm 2015 được trao cho nữ nhà văn - nhà báo Svetlana Alexievich với “lối viết văn phức điệu”, nơi tính báo chí chi phối mạnh lối tư duy hư cấu của nữ văn sĩ.

Văn chương Việt cũng bắt kịp xu hướng báo hóa. Gần đây, các tác phẩm tùy bút được xuất hiện nhan nhản trên các quầy sách. Có lẽ cần có tên gọi mới cho loại hình văn xuôi này, bởi chúng không hẳn là tùy bút như quan niệm bấy nay. Nếu không thì đơn giản, ta có thể gọi đó là truyện, nhấn mạnh đặc trưng kể về sự kiện xen bộc lộ cảm xúc... Lối viết này có triển vọng là sẽ khai sinh ra một dạng văn chương mới. Đặc điểm của nó là vừa thực vừa ảo, vừa hư cấu vừa phi hư cấu, vừa ghi chép vừa bịa đặt…

Văn chương cũng như con người, nhiều khát vọng nhưng ít khi thành hiện thực. Vậy nên, ngay cho dù phải thất bại thì giá trị của nó cũng cứ được ghi nhận ở chỗ khao khát cống hiến chút gì đó cho đời. Ta hãy cùng hi vọng về những áng văn khổng lồ Việt trong một tương lai không xa.

 LÊ HUY BẮC

_______________

Đây là tham luận của GS. TS Lê Huy Bắc tại Hội thảo toàn quốc Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: thực trạng và định hướng phát triển do Hội đồng Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Quảng Ninh ngày 5.12.2017.

Nguồn: VNQĐ


Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Cảm hứng thiền phật trong thơ Quách Tấn

Quách Tấn là một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng…

Tóm tắt: Quách Tấn là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới, chuyên sáng tác theo thể thơ Đường luật nhưng lại thể hiện một bút pháp nghệ thuật mới, diễn đạt những cảm xúc mới. Nếu trong thơ ông trước 1945 không viết về Thiền về Phật thì sau năm 1954, cảm hứng này lại thể hiện đậm nét trong thơ của ông. Bài viết bước đầu sẽ tìm hiểu cảm hứng Thiền Phật trong thơ Quách Tấn.
Nhà thơ Quách Tấn

Quách Tấn (1910 - 1992), tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, còn có bút hiệu Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão Giữ Vườn. Ông là nhà thơ thời tiền chiến, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan lập nhóm bàn Thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) ở Bình Định.

Ông sinh ra tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hoà, huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định, từ năm 1935 đến cuối đời ông chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai. Quách Tấn Tấn tập làm thơ từ lúc học lớp đệ nhất niên trường Quy nhơn.

Lúc ra trường ông đã thông thạo các thể thơ, nhưng chính thức bước vào làng văn thơ từ năm 1932. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ Nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy… Ông từng được nhà thơ Tản Đà khen khi bình bài Đến thăm vườn cũ cảm tác của ông.

Tản Đà viết: nói về bên tình thì rất lâm ly mà nói về bên tài cũng đến thế là hay. Ông là nhà thơ một đời thuỷ chung với thơ cách luật như lại được các nhà thơ mới thời tiến chiến mở cửa đón nhận, được xếp vào ngồi chiếu trên của thi đàn bấy giờ.

Nếu trong thơ của Quách Tấn xuất bản trước năm 1945 như tập Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941) thì nhà thơ lại không viết về Thiền, về Phật mà cảm hứng Thiền Phật được nhà thơ thể hiện nhiều nhất trong những tập thơ sau này như: Đọng bóng chiều (1965), Mộng Ngân Sơn (1966), Giọt trăng (1973).

Cùng thời với Quách Tấn có nhà thơ J.Leiba (Lê Văn Bái) với bài Bến giác mang cảm hứng Thiền - Phật và ít nhiều có pha chất Lão - Trang. nhà thơ xem cuộc đời là hư ảo, là “phù thế”, nên nhà thơ hơi bi quan, muốn xa lánh cõi đời. Tác giả đã dùng nhiều từ ngữ nhà Phật để diễn đạt ý tưởng trên:

Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá!
Lệ lòng mong cạn chốn am Không.
Cửa Thiền một đóng duyên trần dứt,
Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Riêng Quách Tấn, nói như nhà nghiên cứu Trần Phong Giao thì “thơ Quách Tấn càng về sau đã “thấy”, đã “nhập” vào Thiền, đã “cảm dưỡng hào khí của Thiền tông Việt Nam” [Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, Nxb Trẻ, TP. HCM, tr.287-296].

1. Nhìn thiên nhiên qua cảm quan Thiền đạo

Quách Tấn là một phật tử thuần thành, ông thường nghiền ngẫm, nghiên cứu kinh Phật, nên thơ của ông ít nhiều cũng mang cảm quan triết lý nhà Phật và mang cả cảm hứng đạo học. Điều này được thể hiện qua những vần thơ viết về thiên nhiên của ông. Thiên nhiên được nhìn qua cảm quan Thiền đạo.

Trong mối quan hệ qua lại giữa thi nhân và thiên nhiên, tính tương hỗ từ thể xác qua trí tuệ đến tâm linh đã phơi bày một cách tích cực và không mâu thuẫn. Quách Tấn không chỉ nhìn ngắm thiên nhiên với con mắt thẩm mỹ mà còn với cả con mắt triết lý và tâm linh. Ta có cảm tưởng Quách Tấn đã hòa quyện cùng thiên nhiên, khăng khít trong mối quan hệ giữa tiểu ngã và đại ngã để làm thành khối đồng nhất, mà thiên nhiên là tiền đề, là điều kiện để khởi động từng phút, từng giây, từng sát na cảm xúc của thi sĩ, hỗ trợ thi sĩ ý thức được sự có mặt của ngũ quan (ngũ căn) và những tính năng của nó, mà thuật ngữ của nhà Phật gọi là “nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, ý thức”. Thiên nhiên xung quanh ta là hiện thân của đất, nước, không khí, năng lượng mặt trời, của sự vận hành tháng năm, với thời gian vô tận. Sự hòa nhập của nó cũng là hòa nhập vào suối nguồn của sự sống.

Cụ thể hơn, với một vỏ sò khô, Quách Tấn cũng gởi vào nó hơi thở, hồn thơm của một sức sống thơ dạt dào. nhìn vỏ sò khô, một thực thể chết, Quách Tấn lại nghe tiếng reo vang vọng của biển khơi. có sự sống, cái chết nào lại chẳng liên quan đến môi trường sống với thế giới đồng hiện hữu? Hiện thể của vỏ sò hoặc con sò đâu thể thiếu vắng biển khơi. Tiểu ngã và đại ngã tương duyên với nhau:

Vỏ sò khô ấp ủ,
Niềm băng tuyết đêm sương.
Muôn xa bờ bến cũ,
Vang vọng sóng trùng dương.
(Ấp ủ)

Và mỗi khi tiểu ngã và đại ngã tương quan, tương duyên với nhau thì mỗi động tác đều gây sự chuyển động dây chuyền. một cái búng chân nhảy của con cào cào màu xanh cũng đủ khiến bầu trời buổi chiều thu rung chuyển:

Nước ngoạn trời long lanh,
Con cào cào áo xanh.
Bờ cao búng chân nhảy,
Mây chiều thu rung rinh.
(Búng chân)

Đây là nhận thức triết lý, đúng hơn là đạo lý của Quách Tấn. Nó bắt nguồn từ sự thấm nhuần đạo Phật. Trong thế giới tương quan tương duyên và cả tương tác nữa, thì đâu đâu cũng mang tính động thái và tính tiến trình. Tất cả đều tác động qua lại, đều vận chuyển, nghĩa là không diễn ra theo một chiều mang tính định mệnh, mang tính “Sáng thế”. Tính tương quan, tương duyên quyết định cho sự sinh diệt cũng như hình ảnh, màu sắc của thiên nhiên cũng quyết định tính vô biên, vô thường và vô ngã của nó. Thơ văn của Quách Tấn đã giúp người viết những dòng chữ này hiểu sâu thêm nhận thức ấy. Trong hoàn cảnh cuộc sống có sự đổi thay ào ạt từng phút từng giờ, hiếm có người nào ung dung, thong dong như Quách Tấn, bởi nhà thơ luôn giữ lòng tự tại trước thực tế thay đổi theo thời gian. có sự tĩnh tại đó là nhờ thi sĩ đã nghiệm ra, đã trực cảm được cái lẽ “Là mộng cũng là chân” để lượng hương xuân ngào ngạt mãi trong lòng:

Mười hai mùa lá rụng,
Đây mùa hương nở xuân.
Theo duyên lòng chẳng đổi,
Là mộng cũng là chân.
(Nở xuân)

Mộng huyễn và chân thật xét đến cùng, có chung một bản thể. nó là hai mặt của một thực tại, bởi “Tâm pháp nhất như”, “Vạn vật nhất thể”. nhà thơ đồng nhất mộng và chân  là nhờ nhận thức được chân lý ấy. chính vì nhà thơ tĩnh tâm trước thực tại, nên đã chấm dứt mọi bay nhảy, mọi tìm kiếm, đi và đến để như “Chim dừng cánh biệt ly” (mơ Đạo), để không còn hỏi “Cảnh hay lòng?” và để nhận thức được rằng “Lòng với cảnh không chia” (Quán trọ đêm thu) và:

Mây nước hằng tự tại,
Vàng đá chẳng vô tri.

Thiên nhiên trong thơ Quách Tấn mang đậm chất thanh tịnh và sung mãn nét đẹp tâm linh trong sự “Ân ánh cõi từ bi”, nhờ thế mà thi nhân dường như đã chứng nghiệm được “Hương gió thoảng liên trì” (Mơ Đạo) dù chỉ trong một sát na, một cái nháy mắt, một chút gió thoảng qua!

Tư tưởng Đạo Phật thấm nhuần trong con người Quách Tấn. Vì thế trước khi từ giã cõi đời, nhà thơ dặn dò con cháu nhớ khắc trên bia mộ:

Nghìn xưa không còn nữa,
Nghìn sau rồi cũng không.
Phảng phất bờ trăng rạng,
Hương Ưu đàm trổ bông.
(Thoáng hiện)

Tồn tại và hủy diệt, sắc và không, hữu và vô đều cùng bản thể, nhất như nghìn xưa không còn là thực tại. Quá khứ nghìn năm sau sẽ không còn; và tương lai nghìn năm sau dù chưa hiện hữu cũng chẳng tồn tại. Tất cả đều là Không. Giác ngộ và thấu hiểu được chữ Không trong tư tưởng triết học nhà Phật là cả những chuỗi thời gian chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, suy tư. Không ở đây chẳng phải là sự đối đãi, đối lập giữa “có” và “không”, “hữu” và “vô” mà là cái Không vượt lên trên. Đó là chân không diệu hữu.

Dường như Quách Tấn đã nghiệm ra được điều đó. Ông không giữ chặt cái đã qua, cũng không sống với cái chưa có thực, không để cho những gì của quá khứ và tương lai chen vào phút giây đang hít thở, thì lúc đó vầng trăng rạng cũng cho “thấy” cả hương ưu  đàm. Hoa ưu đàm là hoa Giác ngộ, theo kinh Phật, mấy nghìn năm mới nở hoa một lần. Dĩ nhiên hoa này không xuất hiện trong cuộc sống ồn ã vang dội trong loa phát thanh và rộn ràng xe cộ, cũng không xuất hiện ở nơi đâu đâu, khi con người tấp nập bay nhảy, tìm kiếm, đi và đến... người ta chỉ gặp nó khi lòng mình thật sự lặng lẽ, thanh tĩnh.

Cũng như thiền sư Vạn Hạnh đời Lý, Quách Tấn đã xem “Thân như bóng chớp có rồi không”. Ông thường nói đùa rằng đời tôi có tứ thú và tam vô. Tứ thú là: Có tiền in sách đẹp,/Gặp bạn sẵn thơ hay./Giấc tỉnh hồi chuông sớm,/Võng trưa giấc ngủ ngày. Còn tam vô là: Không biết hút thuốc, không chơi cờ bạc và không đi xe đạp.

2. Hình ảnh tiếng chuông chùa

Tiếng chuông chùa đối với thi nhân như một kỷ vật thiêng liêng từng chôn sâu trong tiềm thức của ông, nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non chùa chiền thì nó bỗng dưng trỗi dậy:

Núi Nhạn chuông ngân trời bảng lảng,
Đầm Ô sen nở gió thơm tho.

Không những lắm lúc ngắm cảnh thiên nhiên, tiếng chuông chùa làm ông chú ý, mà mỗi khi chợt tỉnh giấc nồng, tiếng chuông cũng hiện đến:

Mây nước nhuốm phong trần,
Nơi đâu tình cố nhân.
Những đêm buồn tỉnh giấc,
Chùa cũ tiếng chuông ngân.

Nhờ nghe tiếng chuông chùa ngân vang mà khách hành hương trút hết mọi nỗi ưu phiền, như Chu Mạnh Trinh đã viết: “Lạ cho vừa bén mùi thiền,/ Mà trăm não với ngàn phiền sạch không”. Hay: “Thoảng bên tai một tiếng chày kình,/Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” (Hương Sơn phong cảnh ca).

Không khác gì cảm nhận của họ Chu, Quách Tấn cũng mô tả trạng thái tâm hồn mình khi đến viếng một cảnh chùa quen thuộc: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục.” [Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, SG, 1968; nxb Thanh niên tái bản 1999.]

Thoảng đâu đây như có tiếng gió ru hồn lữ khách:

Gió ru hồn mộng thiu thiu,
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non.

Và thi sĩ tiếp: “Nếu không có tiếng chuông hay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh.”

Cứ thế, thời gian trôi đi và bóng tịch dương dần dà đổ xuống với tiếng chuông chùa cổ thân yêu:

Mây tạnh non cao đọng nắng chiều,
Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu.
Thêm nhiều lá rụng cây quằn quại,
Đã vắng người sang bến nhẩy triều.

Thế rồi, ngày lại ngày trong sự tất bật của cuộc sống đời thường, nhưng mỗi khi nhìn thấy cảnh chùa thì âm vang tiếng chuông lại ngân nga tựa hồ bất tận:

Chùa ẩn non mây trắng, Bóng in hồ liễu xanh.
Mai chiều chuông đã tạnh, Vòng sóng còn long lanh.
(Tiếng ngân)

Đây là hình ảnh thiên nhiên đầy tình tự, là khoảng trời xanh tinh khiết còn lại trong đôi mắt long lanh của một nhà thơ trong cảnh xế chiều của đời mình.

3. Một đạo tâm dào dạt

Có lần tôi đi theo ba tôi đến thăm nhà thơ, nghe ông tâm sự: “Gia đình tôi theo đạo Phật, và tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền trong Phật giáo”. Và trong khi đàm đạo, ông thường nhắc đến ngọn đồi Trại Thủy, nơi tọa lạc của Phật học viện nha trang, một trung tâm đào tạo Tăng tài trong giai đoạn cận hiện đại. Từ đó mới biết hồi ấy, Hòa thượng Thích Trí Thủ đàm nhiệm Giám viện Phật học viện lại là chỗ tương giao tâm đắc với thi sĩ, vì thế, một hôm lên thăm chùa, nhân ngẫu hứng thi sĩ đã cảm tác một bài ngũ ngôn, để tặng Hòa thượng:

Trăng lên đồi Trại Thủy,
Chuông khua ngời âm ba.
Bồi hồi mây khóa viện,
Sân Bồ đề sương sa.

Ngoài ra, ngôi chùa Kim Liên tại Diên Khánh cũng là nơi lưu lại dấu chân của thi nhân. một hôm đến viếng cảnh chùa, thấy Thượng tọa viện chủ tiếp đón khách tham quan niềm nỡ, ông liền làm bài thơ để lại lưu niệm:

Dặm hồng dìu dịu nắng,
Theo hứng viếng làng tu.
Ngụm nước đằm chơn vị,
Im lìm sen nở thu.

Người xưa từng nói: “Nhân giả nhạo sơn; trí giả nhạo thủy.” (người nhân ưa cảnh núi rừng; người trí ưa nơi sông nước). Phải chăng vì vậy mà các cảnh chùa tiêu biểu cho đạo từ bi nhân ái - thường được xây cất trên các đồi núi? Thậm chí có những ngôi danh lam quanh năm mây phủ xa xôi chập chờn trông có vẻ tiêu dao thoát tục:

Cây chen đá chất chập chùng,
Biển giăng dưới núi, chùa lồng trong mây.
Bụi đời không bợn mảy may,
Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.

Phải chăng kiếp sống nhân sinh chập chờn như ảo mộng? Con người luôn luôn chơi vơi giữa dòng trường lưu bất tận, khiến đôi lúc nhà thơ chợt hứng cất tiếng gọi đò vang cả hư không:

Đời nửa khói mây chìm bóng mộng,
Gọi đò một tiếng lạnh hư không.

Ta nghe được dư âm của thiền sư Không Lộ đời Lý còn phảng phất đâu đây:

Hữu thì trực thướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
(Ngôn hoài)

(Có khi xông thẳng lên đầu núi,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.)

[Thơ văn Lý - Trần, tập 1]

Không những chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của các thiền sư - điều mà thi sĩ đã khẳng định - ông còn thâm nhập cốt lõi của kinh Duy Ma Cật:

Ngày qua chầm chậm vách kim thinh,
Cảnh giới Duy Ma mình với mình.
Hoa rải tờ thơ hương lành lạnh,
Trăng cài nhánh mộng bóng xanh xanh.

Có lần ông thổ lộ cái ý vừa nêu: “Cây thiết mộc lan nở hoa lần này là lần thứ hai (tháng 12-1992). Lần trước nở tôi 79 tuổi (1989). Hai nhánh lan đã lên cao như hai cây sào, hoa nở trắng trên đọt, hương bay chập chờn theo gió, nghe lũ cháu reo mừng. Tôi tưởng chừng như hoa của thiên nữ từ trong vách Phương trượng của Duy Ma Cật bung ra rải xuống hạ giới vậy” [Quách Tấn (1999), Bóng ngày qua (Đời văn chương), nxb Hội nhà văn, Hn].

Điều này chứng tỏ càng về già nhà thơ càng đến gần cõi Đạo, như nhà văn Trần Phong Giao nhận xét: “Tới lúc về già, ta thấy khí vị Thiền lung linh bàng bạc trong thơ Quách Tấn, nhất là trong nhiều bài in trong hai tập Mộng Ngân Sơn và Giọt trăng”.

Một hôm vào lúc xế chiều, Quách Tấn lên chùa Hải Đức (ở Nha Trang) thăm một người bạn vong niên (tương truyền là thầy Nguyên Tánh). Mặc dù tuổi tác chênh lệch nhau, nhưng hai tâm hồn như cùng chung một giai điệu:

Áo giũ ngày sương gió, Lên chùa thăm cố nhân. Non nghiêng thềm bóng xế, Lịu địu bóng nhàn vân.

Phong cách ấy quả thực có khác với thế nhân trong những lúc thù tạc vãng lai. Người đời đến và đi trong âm thanh và tốc độ của thời đại cơ khí, ồn ào và vội vã… nhưng thời đại của nhà thơ là thời đại ẩn tình trầm lặng của một đám mây lơ lửng, lồng trong bóng núi nghiêng nghiêng. Người đời rồi cũng có lúc “Giũ áo phong sương trên gác trọ” để ngồi lại chiêm nghiệm chính mình, như thi sĩ đã làm:

Khép cửa phiền ba lại, Vườn quê nắng sưởi tình. Thanh bình lòng giếng ngọt, Chim hót ngọc âm thanh.

Để thấy rõ hơn chân dung của Quách Tấn, chúng ta có thể nghe ý kiến của Phạm Công Thiện, một người bạn tâm giao của thi sĩ đã viết trong bài “Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với Quách Tấn”: “Quách Tấn là một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng… Ông xứng đáng là kẻ nối dòng của các vị thiền sư: Vạn Hạnh, Không Lộ, Ngộ Ấn, và tất cả những thiền sư thi sĩ đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc, linh hồn của Lý Thường Kiệt đánh Tống và Trần Hưng Đạo đánh Nguyên.” [Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, NXB Trẻ, Tp.HCM.]

Phải chăng vì được nuôi dưỡng trong không khí tâm linh của các thiền sư thi sĩ quá khứ mà “Quách Tấn luôn luôn giữ phong độ của kẻ mang hào khí ngút ngàn? Mỗi hàng, mỗi câu đều thể hiện sáng sủa, uy nghiêm mà tràn ngập thi ca, khiến cho người đọc lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Tất cả con người Quách Tấn là thi ca, là tiếng báo hiệu của một sự tựu thành” như lời nhà văn Nguyễn Thái đã viết trong bài Quách Tấn: quê hương và thơ được tuyển in trong tập Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học do con trai nhà thơ là Quách Giao (sưu tầm), nxb Trẻ, TP. HCM, 1994.

Ths. NGUYỄN CÔNG THANH DUNG
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014

Tài liệu tham khảo:

1.             Huy Cận - Hà Minh Đức chủ biên (1997), Nhìn lại một cuộc
cách mạng trong thi ca (60 năm phong trào Thơ Mới), Nxb Giáo dục, tb lần thứ nhất, HN.
2.             Phan Cự Đệ (1982), Phong trào Thơ Mới, Nxb Khoa học Xã hội, HN.
3.             Lam Giang (1970), Hồn thơ nước Việt, Nxb Sống Mới, SG.
4.             Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, Nxb Trẻ, TP. HCM.
5.             Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng (1969), Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nxb Sống Mới, SG.
6.             Nguyễn Tấn Long, Phan Canh (1970), Các khuynh hướng thi ca tiền chiến, Nxb Sống Mới, SG.
7.             Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt  Nam (Hình thức và Thể loại), Nxb Khoa học Xã hội, HN.
8.             Lê Triều Phương, Phan Hồng Châu, Quách Tùng  Phong (2002), Hương thơ Quách Tấn, Nxb Hội Nhà văn, HN.
9.             Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang (chủ biên) (2013), Nhìn lại Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực văn  đoàn, Nxb Thanh niên, TP.HCM.
10.           Quách Tấn (1939), Một tấm lòng, Nhà in Thuỵ Ký, Hàng Trống, HN.
11.           Quách Tấn (1941), Mùa cổ điển, Nhà in Thuỵ Ký,  Hàng Trống, HN.
12.           Quách Tấn (1960), Mùa cổ điển, Nxb Tân Việt, SG, tái bản lần thứ 1.
13.           Quách Tấn (1965), Đọng bóng chiều, in tại Paris (không ghi nơi xuất bản).
14.           Quách Tấn (1966), Mộng Ngân Sơn, Hoa Nắng, Paris.
15.           Quách Tấn (1973), Giọt trăng, Thi Vũ giới thiệu, Nxb Rừng Trúc, Paris.
16.           Quách Tấn (1998), Thi pháp thơ Đường, Nxb Trẻ, TP. HCM.
17.           Quách Tấn (1999), Trăng hoàng hôn, Nxb Trẻ, TP. HCM.
18.           Quách Tấn (1999), Bóng ngày qua (Đời văn chương), Nxb Hội Nhà văn, HN.
19.           Quách Tấn (2000), Bóng ngày qua (Bàn Thành tứ hữu), Nxb Văn nghệ, TP. HCM.
20.           Quách Tấn (2000), Trường Xuyên thi thoại, Trung tâm Ng- hiên cứu Quốc học và Nxb Văn nghệ Tp. HCM.
21.           Hoài Thanh - Hoài Chân (1998), Thi nhân Việt Nam, in lần đầu 1941, Nxb Văn học, tái bản lần thứ 14, HN.
22.           Nguyễn Vỹ (1970), Văn thi sĩ tiền chiến, Sống Mới, SG.


TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



BÀI ĐĂNG MỚI NHẤT

Nguyễn Phan Quế Mai: Hãy nói về cuộc đời

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...